Mái ấm

     ao mày không lên đó thử? Ở đó quanh năm giá buốt, người ta quanh năm mang giày.
Câu nói đẹp như một giấc mơ. Thao hay mơ. Không riêng gì nó mà hầu như đứa nào cũng mơ. Đứa mơ được ăn no, đứa mơ được mặc ấm, đứa mơ được giấc ngủ nguyên giấc... Thao mơ có một căn nhà, một căn nhà của riêng mình là điều tuyệt diệu nhất đời này.
- Giá buốt đến nỗi, cả đàn bà lẫn trẻ con đều mang giày.
“Cả đàn bà lẫn trẻ con đều mang giày”. Đẹp hơn giấc mơ rất nhiều. Đó là một cái gì có thể trở thành sự thật. Thao sẽ thức suốt đêm để đánh giày cho kịp sáng dậy đàn bà đi chợ, trẻ con đi học. Chà, ở đó chắc chẳng phải giành nhau từng đôi giày như ở thành phố này.
Vừa đưa bàn chài luồn lách thật kỹ những vết nhăn li ti trên lớp da, đôi giày này như cả năm chưa biết đến xi là gì, Thao vừa gióng tai nghe ông khách nói qua từng ngụm bia và nhai mực nướng. Ở đó bây giờ cũng nhộn nhịp lắm, lại rất dễ có một ngôi nhà của mình mà chẳng tốn mấy tiền. Núi đồi ngay giữa lòng phố xá, đào lõm vào chân đồi một khoảng vuông vức, vậy là mình có một miếng đất. Rừng sẵn, chặt cây chặt tre dựng lên một túp lều. Sau đôi ba năm làm lụng dành dụm, túp lều được thay bằng ván. Rồi chí thú làm ăn thế nào chẳng xây được cái nhà tươm tất.
Tim Thao nhói lại. Nó sẽ đào lõm một góc chân đồi. Một ngồi nhà của mình! Thao ngước nhìn ly bia sóng sánh vàng và khuôn mặt người đàn ông ửng đỏ. Rồi nó cúi xuống chà chà đánh đánh, đôi giày bóng đến nỗi soi được những ngón tay đang chuyển động mà nó vẫn lia bàn chải đều đều. Ngôi nhà rõ dần... rõ dần... hình dáng của cánh cửa lớn đằng trước và hai cửa sổ bên hông... Nó sẽ trồng một cây mít...
- Hôm nay thằng này đánh kỹ quá ta.
Người đàn ông xỏ chân vào giày, đứng lên. Thao rụt rè buột miệng:
- Chú... ở đó... thật vậy hả chú?
- A ha... Nghe khoái rồi hả? Thật hay không cứ nhìn đôi giày tao thì biết. Đi công tác ở đó mười ngày, tìm mỏi mắt không ra một đứa đánh giày.

 

Không một đối thủ cạnh tranh nhưng Thao vẫn rất cẩn thận. Có một điều người đàn ông kia nói không đúng là trẻ con cũng mang giày nhưng không phải giày da. Nhưng lượng khách người lớn cũng đủ cho nó không ngơi tay, thu nhập đủ cho nó chịu được cái lạnh căm căm, rét buốt nhoi nhói thịt da. Thỉnh thoảng Thao nhớ thành phố, nhớ tiếng ồn ào và ánh đèn nhấp nháy ngày đêm. Nhưng nỗi nhớ không mạnh bằng giấc mơ. Đêm, lạnh không ngủ được, Thao thao thức nghĩ đến giấc mơ của mình.
Thêm một điều người đàn ông kia nói không đúng là không thể một thân một mình mà đào lõm chân núi được. Nhìn người ta cả gia đình kẻ xà beng, người bới đào, kẻ cuốc người xúc... Thao biết mình chẳng thể.
Không tự xắn được thì cố gắng làm để dành tiền thuê người làm. Nghĩ đến lúc mình có tiền “thuê” người khác, Thao thấy lòng lâng lâng. Ước mơ ngày càng rõ hơn trong Thao. Nó mơ thấy một con đường quen thuộc ngày ngày nó đi về ngôi nhà của mình, cây mít giờ đã có trái! Trời ơi mùi thơm... chỉ có điều là ngôi nhà thì ở đây, nơi nó đến một mình, nhưng sáng sáng mở cửa ra nó lại thấy những đứa bạn mái hiên thanh phố đi ngang qua nhìn vào!...
Ngày qua ngày, trên những con đường loanh quanh và trong quán xá, ngồi lom khom dưới đất vừa đánh giày vừa nhìn những bàn chân chờ đợi. Đêm qua đêm, giữa phòng trọ vách đất và vách thưng bằng cót, ước mơ nung nấu và ý nghĩ lan man giúp Thao qua được những trận lạnh thấu xương. Nó lắng nghe tiếng ho từ phòng bên cạnh và rồi cũng khúc khắc ho. Hôm qua đánh giày ở quán phở trước cổng bệnh viện nghe nói dạo này nhiều người bị sưng phổi lắm.
Khi thấy một thằng nhóc với cái thùng đánh giày giống hệt mình đi trên đường, Thao ngạc nhiên quá đỗi. Ngày đó nó cắm cúi làm đến quên ăn, chừng như những đôi giày sắp chạy về phía thằng nhóc kia và biến mất. Tối, về đến chỗ trọ, Thao ngạc nhiên hơn khi thấy thằng nhóc kia đang ăn, mà là ngồi ăn với gia đình bà chủ. Vừa thấy nó bà chủ chỉ tay:
- Kia!
Thằng nhóc cười toe:
- Xin chào người anh em!
Câu chào làm Thao buồn cười, gì mà kiểu cách quá. Ăn xong thằng nhóc vào phòng Thao. Hóa ra nó cũng trọ ở đây.
- Cậu ăn cơm chợ à? Mẹ tớ nói nhờ bà chủ nấu cơm luôn rồi mình trả tiền. Tính ra rẻ hơn mà cũng tốt hơn cơm hàng cháo chợ. Khiếp, lạnh gì mà lạnh quá thể. Buồn cười, lúc mẹ tớ nhét cái áo bông vào túi, tớ cứ muốn bỏ ra, mẹ tớ phát khóc tớ mới chịu mang theo. Cứ tưởng nặng túi mà thôi, ai ngờ ấm thật...
Cái áo trên người thằng nhóc quả là dày, Thao liếc ngang, nhìn nó tròn quay như trái banh.
- Mẹ tớ sợ tớ đi xa thì khổ nên lo lắng đủ thứ, hóa ra đi thế này tớ lại sướng. Ở nhà giờ này tớ phải phụ bố tớ xay xát. Còn mẹ tớ thì luôn công việc đến tận khuya, mà lại dậy sớm nhất nhà. Còn các em tớ còn phải học. Trước, tớ cũng học...
Thao hình dung mấy anh em thằng nhóc cắm cúi trên bàn, giấy vở sột soạt. Điều này thì Thao cũng có. Hồi đó, Thao có đến Thành Đoàn học lớp tình thương. Hồi đó, Thao lấy túi nilon gói cuốn vở lại xếp dưới cùng hộp đồ nghề, bên trên cẩn thận lót một tấm nilon nữa rồi mới tới bàn chải với mấy hộp xi. Vậy mà nó cũng quăn queo rồi rách hồi nào không hay.
Cái chuyện học bài thì Thao biết, nhưng những chuyện khác... Thao không biết. Thao không có.
Không có ai tính toán tốt xấu rồi biểu Thao nên ăn cơm với bà chủ. Thao cứ ngày nào tiền nhiều thì ăn quán ngon, tiền ít thì cơm bụi. Không có ai nhét cái áo bông dày cộm vào túi bắt Thao phải đem theo. Trước khi lên đây, nghe nói lạnh lắm, Thao tìm hàng đồ cũ tự mua lấy.
- Tớ đã mượn địa chỉ nhà bà chủ để nhà tớ gửi thư lên. Ở đây chỉ có hai đứa đánh giầy, lỡ họ tưởng lầm là thư của cậu thì cầm cho tớ nhé.
Thằng nhóc vừa nói vừa đi ra cửa, vai áo bông to xù quệt vào vách cót kêu sột soạt.
Thao trằn trọc, không phải vì từ nay đã có đối thủ. Điều đó bỗng không còn quan trọng nữa... “Tớ chỉ đi đánh giày những ngày nông nhàn, hết mùa rét tớ về quê...”
Căn nhà trong giấc mơ của Thao chợt trở nên vắng vẻ. Nhà của Thao chỉ có hai cửa lớn đằng trước, hai cửa sổ bên hông và một cây mít. Chỉ vậy thôi. Căn nhà không có ông bố nghiêm khắc như bố thằng nhóc, không có bà mẹ bận rộn như mẹ thằng nhóc, không có đứa em nào chơi ô quan trên sân hay láu táu đào khoai về lùi bếp chưa chín đã ăn, lọ lem đầy mặt. Và không ai viết thư cho ai.
Sáng ra Thao thấy thằng nhóc xì xụp ăn gì đó bốc khói nghi ngút bên cạnh bà chủ. Nhìn thấy Thao, nó co vai:
- Rét nhỉ!
Cái áo bông dày cộm vậy mà còn than thở! Thao không nói gì, lẳng lặng xách thùng đồ nghề bước đi. Vẫn những con đường loanh quanh, vẫn đồi núi nhấp nhô, vẫn hàng quán và những đôi giày màu nâu bóng và màu đen tuyền, lời khen “Chà thằng bé này đánh kỹ thật”, và vẫn thỉnh thoảng được mời một cốc nước trà đặc đến tê điếng đầu lưỡi. Nhưng sao hôm nay Thao thấy buồn buồn. Trưa, ngồi ở quán cơm, Thao ăn không thấy ngon, cũng chẳng biết mình đang no hay đói. Nó nghĩ đến thằng nhóc với một chút tị nạnh “chắc giờ này đang ăn cơm với bà chủ”.
Chút tị nạnh ngày càng phình to trong Thao. Thằng nhóc tối nào cũng qua phòng Thao líu lo kể chuyện nhà cho đến khi mỏi miệng mới thôi. Nó không biết Thao lắng nghe với bao bực bội trong lòng. Thao không bực vì mất khách. Nó đánh giày không ngon bằng Thao, nhiều người nhận xét vậy. Còn phải nói, đứa chuyên nghiệp, đứa chỉ vào những ngày nông nhàn. Nó không làm Thao mất khách mà nó chỉ làm Thao mất ngủ.
Con trai gì mà nói nhiều quá. Nhưng lạ một điều là Thao vừa bực bội vừa muốn nghe. Hồi Thao mới tới đây, mỗi lần nó bước chân ra ngoài đi tiểu là bà chủ nhìn theo cho đến khi nó về lại phòng mới thôi. Có đâu như thằng này, đi lung tung mà chẳng sao hết. Chắc là bố mẹ nó gửi gắm. Thư nào bố nó cũng kèm theo vài dòng thăm hỏi bà chủ. Làm như không có lời thăm hỏi đó thì người ta không khỏe mạnh được vậy.
Mỗi lần nhận thư, thằng nhóc lại mang qua phòng Thao đọc đi đọc lại. “Thư này là mẹ tớ đọc cho thằng Tý viết, chữ của nó nhìn biết ngay, như cua bò lổm ngổm”. Còn thư kia thì... “Bố tớ đọc cho bé viết, chữ nó to như gà mái...”.
Những líu lo của thằng nhóc khiến căn nhà trong giấc mơ của Thao bị xô lệch. Vẫn hai cửa lớn, hai cửa sổ và cây mít trước sân. Nhưng...
- Sao không thấy cậu có thư? - Thằng nhóc bật hỏi.
- Sao không có. - Thao bật trả lời, tim bỗng đập thình thịch.
- Cậu mượn địa chỉ chỗ khác à?
- Ừ.
Thao tái mặt sợ thằng nhóc hỏi tới nữa, nhưng không, thằng nhóc đã nhớ qua chuyện khác:
- Hôm nay có nhà kia gọi tớ vào. Úi dà, con chó cứ sủa vang khi thấy tớ cầm giày của chủ nó. Khôn hệt con Mực nhà tớ, ai mà thập thò ấy à...
Hết bố tớ, đến mẹ tớ, rồi cu Tý nhà tớ, con bé em tớ, bây giờ đến con Mực nhà tớ... Thao kéo chăn bông trùm kín đầu:
- Buồn ngủ quá!
Thằng nhóc chưng hửng rời phòng.

 

Bẵng đi mấy ngày không thấy thằng nhóc qua, Thao lắng tìm giọng nói của nó giữa bao tiếng động vọng qua vách cót. Không gì cả. Thao đến phòng thằng nhóc, nhưng đứng trước cánh cửa đóng kín Thao lại bước lùi. Thêm ánh mắt bà chủ nghi ngại dõi theo từng bước chân đi, Thao thấy buồn buồn. Rồi Thao nghe bố thằng nhóc bị đau ốm sao đó nên nó đã về quê làm xay xát thay cho bố nó.
Dạo này trời không còn lạnh quá nữa. Xuất hiện trên đường là những đôi giày hở chân và dép kiểu, cả dép nhựa. Những khuôn mặt tươi cười nói với nhau sắp qua mùa đông tháng giá. “Quanh năm giá buốt, người ta quanh năm mang giày” - Vậy là thêm một điều người đàn ông kia nói không đúng. Những vuông đất quanh chân đồi mới ngày nào thấy đào đào xúc xúc giờ đã mọc lên những căn nhà, chiều chiều ngang qua Thao thấy khói bay lên từ mái sau.
Và Thao biết giấc mơ của mình xa xôi lắm.