4

Đó là vào những tháng đầu năm 1959.
Làng xóm càng tiêu điều hoang vắng hơn. Cuộc sống con người càng bị đe dọa bởi sự xuất hiện của chiếc máy chém đen han gỉ, lọc cọc lăn hết nơi này đến nơi khác. Thời kỳ ấy, chiếc máy chém có bánh xe lăn này tồn tại như một hung thần khạc ra máu. Cứ nhìn thấy cái bóng dáng xù xì của nó là người khỏe thần kinh nhất cũng phải sởn gai ốc. Không biết bao nhiêu những cái đầu đã bị rụng trước lưỡi thép sáng loáng của nó.
Dạo này anh hay vắng nhà luôn. Có đêm anh đi đến sáng mới về. Anh trở nên ít nói và hay ngồi đốt thuốc, nghĩ ngợi một mình. Tôi hỏi, anh không nói, chỉ cầm tay tôi vuốt ve, cái vuốt ve cũng lành lạnh, không giống ngày trước. Một đêm nằm cạnh anh, tôi dấm dứt khóc:
- Vợ chồng đầu gối tay ấp mà như người dưng nước lã thế này, khổ lắm… Thà cứ để tôi trở về với em tôi…
Anh ôm siết tôi vào lòng, hơi thở nóng hổi phả vào tai tôi:
- Hiểu cho anh, hãy hiểu cho anh… Em không biết được đâu, không thể biết được đâu! Anh vẫn thương em, thương em hơn cả ngày trước nữa.
Lúc đó tôi mới đặt tay anh lên bụng tôi, im lặng.
Anh ngơ ngác không hiểu.
- Anh... Anh không thấy nó đạp sao?
- Ai đạp?
- Con... em sắp có con.
Anh lặng đi một chút, nghe rõ hơi thở dồn dập của anh. Lát sau anh mới cúi xuống, nâng mặt tôi lên, hôn khô đôi mắt ướt nước của tôi, không nói gì. Dưới ánh đèn dầu nhỏ ngọn, cặp mắt anh nhìn tôi ấm áp lạ thường, nhưng không cháy sáng như dấu hiệu tôi mong ước. Tôi hơi bị hẫng! Thế là thế nào? Đáng ra anh ấy phải mừng cuống lên, phải rối rít ôm tôi vào lòng, phải đặt tay lên bụng tôi đoán xem đứa bé là trai hay gái, rồi hai đứa sẽ thức sáng đem tìm tên đặt cho con, đoán xem con sẽ giống ai, sẽ...
- Anh không vui sao?
- Không! Anh vui... Vui lắm. Cám ơn em!
- Thế sao anh có vẻ bần thần?
Anh quay mặt tránh đi câu hỏi và cái nhìn của tôi. Khoanh tay trước ngực, anh ngước mắt lên đình màn, nằm im. Giây lâu anh lần tìm bàn tay tôi, nắm chặt. Tôi cảm giác được tất cả sự giằng xé nóng bỏng, tâm trạng của anh ở cái nắm tay đó. Tôi chợt ớn lạnh, cảm thấy niềm vui ấp ủ bao lâu nay giờ đây đổ vỡ hết. Bằng sự thất vọng ban đầu và bằng cảm nhận trực giác nóng vội, tôi hiểu anh ấy không muốn có con, sợ có con; tức là anh ấy lạnh nhạt với tôi, không còn yêu tôi. Anh ấy... Hèn chi từ ngày cưới nhau đến giờ, có mấy khi anh ấy ngủ trọn đêm ở nhà. Hèn chi người ta bảo anh ấy đào hoa, ở đâu cũng có kẻ thương người nhớ, ở đâu cũng được đàn bà con gái săn sóc, chiều chuộng. Thực ra, tôi biết được điều này từ trước khi lấy anh. Lúc đó tôi chỉ thấy hay hay. Con người như vậy mà lại thuộc hẳn về minh, hoàn toàn mình có quyền sở hữu, chế ngự mới thích chứ. Nhưng sự hiếu thắng đó bỗng trở nên rất khổ sở, nhọc nhằn một khi đã là vợ là chồng. Tôi cảm giác anh xa lạ với tôi hơn ngày xưa, tôi không là gì với anh cả, tôi là người vợ bất hạnh, không đủ sức giữ được chồng ở bên mình. Tôi rụt tay lại và nằm xích ra. Trước mắt tôi, một khoảng xám buồn bã úp chụp xuống. Tôi quyết định làm mặt lạnh
°

*

Hôm sau anh ở nhà quẩn quanh bên tôi cả ngày. Hôm sau nữa, anh vẫn ở nhà, anh hỏi tôi cần gì, ăn gì, muốn gì để anh đi kiếm. Tôi đã mừng thầm. Phải chăng con người ấy đã nghĩ lại? Hay chính tôi đã hiểu sai về anh? Tôi quyết định vui vẻ trở lại với anh, dịu dàng, âu yếm với anh hơn. Nhưng tôi đã mừng hụt. Ngày thứ ba, thứ tư... và những ngày sau đó anh lại thường xuyên vắng nhà. Mỗi lần về, anh nhìn tôi với đôi mắt của người biết lỗi nhưng vẫ không nói gì để rồi sáng hôm sau anh lại trở dậy lầm lũi đi từ sớm.
Đây là những ngày tôi gặp nhiều buồn phiền. Không phải chỉ với anh mà còn buồn phiền cả với gia đình anh. Ngay từ ngày đầu bước chân về đây, ông chú anh đã tỏ ra không có thiện cảm với tôi. Ông nhìn tôi từ đầu đến chân bằng con mắt một mí rồi bỏ vào nhà trong. Những ngày sau đó ông rất ít nói chuyện với tôi, nếu có nói thì chỉ là những câu sai bảo hoặc nhắc nhở công ăn việc làm một cách nghiêm khắc. Ông mất vợ tứ sớm, lại không có con nên có lẽ ông đâm khó tính? Tính ông không bình thường. Vui thì cười nói vang nhà, cáu giận lên lại đập phá, chửi bới lung tung. Có khi ông đóng cửa ngồi lì trong phòng cả ngày, ai gõ cũng không mở. Anh nói vì việc làm ăn lúc được lúc không, thường xuyên phải cạnh tranh với kẻ mạnh đã làm nảy sinh ở ông cái tính khí ấy. Tôi nghe và phần nào thông cảm cho ông. Tôi gắng sức làm thật tốt mọi việc để ông không phải than phiền. Một lần, tôi nghe ông nói với cô em gái anh: “Con không cha cột nhà nó xáng. Cái ngữ ấy rồi sau trước cũng không ra cái gì”. Tôi tái mặt đi vì tủi giận “Con không cha...” Phải, từ nhỏ tôi đã không có cha, nhưng tôi đâu có phải đứa bỏ đi. Phận dâu con tôi phải về đây chứ lòng tôi đâu có muốn. Hay là họ sợ tôi tranh giành mất của cải, sợ tôi bám vào cái cơ ngơi khang trang này để ăn uống béo tốt, hoặc nữa họ thương hại tôi may mắn vớ được người chồng vốn con cháu nhà khá giả? Tôi chán quá! Vình tình yêu đối với anh mà tôi chịu cái cảnh ghét bỏ, khinh rẻ này, chứ nếu không, một giờ tôi cũng chẳng ở lại. Nỗi buồn này tưởng có thể tâm sự được với cô em chồng cho khuây, nhưng cô em này cũng hùa theo chú ngấm nguýt tôi. Về đây, mặc nhiên tôi trở thành người nấu nướng, dọn dẹp trong nhà. Công việc bù đầu từ sớm đến tối, còn hơn hồi bán bánh vừa trông nom má ở nhà nhiều. Cô em chồng từ ngày có tôi về làm dâu hầu như không động chân, động tay vào việc gì. Không những thế còn hay buông lời chê bai. Canh nấu ít nước thì kêu là: “Trời có hạn đâu mà ruộng khô”. Canh nấu nhiều nước, lại trống lỏng: “Trời có mưa đâu mà ruộng ướt”, v.v... Lắm lúc tôi giận lắm nhưng lại lập tức tự tiện hộ: chắc cô ta làm ăn vất vả, lại chưa chồng nên trái tính trái nết, chấp nê làm gì. Nghĩ được như vậy, tôi thấy lòng mình thanh thảnh hơn. Cái mặc cảm cho rằng mình chả khác gì cái kiếp con ở đã đè nặng trong đầu tôi. Tuy vậy, hàng ngày tôi cũng chú ý tìm hiểu khẩu vị của từng người trong gia đình và ráng chiều ý họ. Công việc trong nhà ngoài vườn, tôi tranh thủ làm thật gọn, thật sạch để buổi chiều họ có về cũng thấy mát mẻ, phong quang. Tôi nhẫn nhục như vậy là vì anh. Tôi chịu làm thân con ở cũng là vì anh. Con ở cho ai chứ làm con ở cho những người ruột thịt cùng dòng máu với anh, tôi không thấy nhục bao nhiêu, ngược lại còn cảm nhận được cái mùi vị ngọt ngào của sự hy sinh thấm vào giấc ngủ sau một ngaỳ quần quật. Vậy mà cái để tôi phải hy sinh lại đang bập bềnh trôi dần ra khỏi tôi, đang có dấu hiệu phản lại tôi. Tôi lại khắc khoải nghĩ đến má. Má tôi ở dưới kia, đâu biết con gái của má đang chịu cảnh bẽ bàng dường này. Nếu biết vậy, con đã ở lại với thằng Riềng, hai chị em rau cháo nuôi nhau còn hơn. Thằng Riềng... chợt nghĩ đến nó lòng tôi lại nhói đau. Lâu lắm rồi tôi không gặp nó. Tính về thăm nhưng lại bận rộn không đi được. Nhắn người nhủ nó lên thăm, nhưng người ta bảo nó ít khi ở nhà, một tháng đảo qua đôi lần để quét tước dọn dẹp thế thôi. Riềng ơi... Tôi bỗng thấy có lỗi, thấy vô tình với má với em.
Ngày tháng trôi qua...
Anh vẫn thường xuyên vắng nhà. Mỗi ngày trông anh một rộc rạc đi, thậm chí râu tóc lâu ngày không cắt sửa làm khuôn mặt anh quắt lại. Trong giấc ngủ anh hay nói mơ những câu xa lạ. Sáng ngủ dậy, con mắt anh bơ phờ như người ốm. Biết rằng nếu có hỏi, anh cũng chỉ cười trừ, nên tôi đành nín lặng nhưng xét nét từng khía cạnh nhỏ nhất trong nét mặt, cử chỉ, lời nói của anh. Tôi thực lòng không tin anh đã sa vào con đường trác trụy. Cũng rất ít tin vào lời đồn là anh hiện đang có cô vợ nhỏ rất giầu ở Bến Cát. Không! Dù ăn ở với nhau chưa lâu, tôi biết anh hoàn toàn không phải con người như thế. Đôi mắt và cái cười của anh không nói nên điều đó. Nếu vậy, mỗi lần về, anh đâu dám nhìn thẳng vào mắt tôi như anh vẫn thường nhìn tôi rất kỹ, rất nhiều yêu thương. Vậy thì ngoài công việc dạy học ra, anh còn đi đâu? Bạn bè của anh nhiều nhưng bạ bè để đến nỗi quên cả vợ con thì có lẽ anh không phải loại người như thế. Hay là... Tôi thoáng rùng mình, không dám nghĩ tiếp nữa. Tôi chợt nhớ đến những buổi chuyện trò của anh với những người thợ ăn hàng tôi, chợt nhớ đến con mắt tối sầm của anh khi nhìn theo người bị bắt đi qua với thân thể đầy máu. Không! Tôi không tin. Anh hiền lành, anh yếu đuối, anh không thể dính dáng được vào những chuyện ấy. Vẫn có điều làm tôi thấy ấm lòng: thân hình anh càng hốc hác thì cái nhìn của anh phủ lên tôi càng dịu dàng, dịu dàng đến xao xuyến cả người, giống như lần đầu anh xiết tôi vào lòng bên bờ suối... Nhưng tại sao anh không nói với tôi một câu. Chỉ một câu thôi là tôi sẽ hiểu anh, sẽ tha thứ cho anh mọi chuyện. Vậy mà, tôi đã hy vọng anh sẽ trở thành người bạn tâm tình, sẽ giải đáp, sẽ gỡ rối cho biết bao điều nghi hoặc của tôi. Vậy mà... Hy vọng nhiều, thất vọng càng sâu!
Cái thai trong bụng đã sang tháng thứ sáu. Tôi đi lại bắt đầu nặng nề, thỉnh thoảng ngồi thở dốc mà nhìn chân tay mình đang gầy đi. Nhưng tôi không lơ là việc nhà, ngược lại còn thu xếp mọi việc chu đáo hơn. Điều này làm cho ông cậu và cô em gái anh dần dần nghĩ khác về tôi. Đôi lần tôi thấy ông nhìn tôi có vẻ áy náy. Trong cái nhìn áy náy đó, tôi đọc được cả sự cảm thông chân thật. Cô em đi làm về, không uể oải rơi người vào salông ngồi đọc sách như mọi khi, thay xống áo xong là cô xắn tay lao ngay xuống bếp phụ giúp tôi những công việc nặng nhọc. Xong công việc, cô thường ngồi trò chuyện với tôi, mỗi bận một lâu hơn. Có đêm cô còn ngủ lại luôn với tôi. Vào một ngày chủ nhật, Nghĩa, tên cô em chồng, dẫn tôi ra phố dạo chơi, khi trở về cô đã cởi mở nói: “Chị Hai… sống lâu em mới hiểu chị. Lúc đầu em coi thường chị, coi thường quá khứ của chị, bây giờ em yêu chị, kính trọng chị, tự hào vì cái vẻ đoan trang và sắc đẹp của chị. Chị biết tại sao hôn?”. Tôi mỉm cười lắc đầu. “Tại vì chị tốt quá. Chị cao thượng quá! Em biết chị nghe được tất cả những câu nói không phải của chú em, của em, nhưng chị bỏ qua, chị cũng không một lời nói lại với anh Hai. Em tìm được trong chị nhiều cái mà em không có. Có lần em phải tự nhủ: chà, anh Hai em tinh đời thật! Trong hàng đống đàn bà con gái đổ xô vào ảnh, ảnh lại biết tìm ra chị. Chị biết không? Ông chú em bắt đầu quý trọng chị rồi đó. Hôm đó chú còn mắng em: “Tao ước bay chỉ cần được bằng một phần mười nó...”. Cô em gái còn nói nhiều nhưng tôi không nghe thấy gì nữa. Tình cảm mới mẻ của những người thân trong gia đình anh đã làm nước mắt tôi trào ra.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến ngày sanh. Dào này anh có mặt ở nhà nhiều hơn. Ngoài giờ làm việc anh thường giúp tôi những công việc vặt trong nhà, việc nào nặng, anh tranh lấy làm hết. Buổi tối, nếu không bận đi đâu, anh hay đọc sách cho tôi nghe. Giọng anh đọc cũng hay như cách anh nói chuyện. Nhìn khuôn mặt tuy hốc hác nhưng vẫn đẹp của anh nghiêng xuống ánh đèn, tôi chợt nhớ đến câu nói nửa đùa nửa thật của cô Nghĩa hồi sớm: “Chị ráng giữ lấy ảnh chị Hai. Chị mà hiền quá là mất chồng đó! Đàn bà con gái thời nay táo tợn lắm!”. Tôi hiểu con người ngồi kia có thể lúc thế này lúc thế khác, nhưng tôi tin rồi dù thế nào, con người ấy cũng trở về với vợ con. Đôi mắt ấy, giọng nói ấy và cái cười ấy không phải là của hạng người táng tận lương tâm. Nhưng tôi vẫn lo lo! Vẫn cảm thấy anh ở ngoài tầm tay của mình. Tôi chưa chế ngự được anh. Lúc này biết tôi sắp sanh, anh ngồi đó như hoàn tất một trách nhiệm, một đạo lý. Mai mốt sanh nở xong rồi, biết đâu anh lại là của người đời như trước? Tôi nhìn anh mà anh không biết, cứ đọc rì rầm, vẻ gắng gượng hiện rõ trên vầng trán lo âu. Tôi đặt tay lên trang sách?
- Thôi! Đừng đọc nữa, anh.
- Em chán rồi sao?
- Không... em thấy anh đọc cực quá! Thực lòng anh không thấy hứng thú, chỉ chiều em phải không?
- Bậy nào! Hứng thú chớ! Nè, sắp tới đoạn mùi mẫn rồi nè...
- Xạo! Anh đừng dối em. Nhìn con mắt mỏi mệt, ngơ ngơ của anh, em biết.
Anh thở dài và cười, gấp sách lại:
- Ừ, thôi vậy! Dạo này thần kinh anh thế nào ấy. Có lẽ sắp bệnh đây.
- Anh có điều chi giấu em?
- Trời đất! Em sao mà hay hỏi nhưng câu nghe muốn bể đầu vậy?
- Đúng! Anh đang có điều chi không vui, có điều chi đang hành hạ anh, làm anh hốt hoảng?
- Không có điều gì hết trơn. Chỉ có điều con sắp ra đời nên mừng quá, anh đâm lớ ngớ. Thôi, ngủ đi! Sắp làm mẹ rồi mà hay thắc mắc như vậy là không tốt đâu.
Tôi biết anh đánh trống lảng nhưng cũng hỏi gì thêm
°

*

Nhưng rồi khoảng mười ngày sau, vào một đêm u ám, tôi để đèn đến sáng, nhưng không thấy anh về. Chắc lại cái tật cũ, tôi nghĩ vậy và bồn chồn hết ngày hôm sau nữa. Cũng không thấy anh về. Tôi bắt đầu lo. Trăm thứ giả định xoay vần trong óc. Bị cướp ư? Anh có gì mà cướp. Bị xe cán ư? Không! Xưa nay anh vốn đi đứng cẩn trọng. Hay vướng phải đánh nhau nào? Cũng có thể lắm! Bởi vì anh vốn trọng danh dự, ai động đến là không kìm được, mà thời buổi này thiếu gì kẻ nhăm nhăm kiếm cách làm nhục người khác. Nhưng anh điềm tĩnh và mềm mỏng lắm mà. Chả lẽ anh lại gặp nạn vì một cuộc sát phạt với kẻ tình địch?... Tôi đi ra đi vào, chân tay như thừa hẳn ra. Ông chú và cô em gái cũng bắt đầu lo lắng và khuyên tôi nán chờ một đêm nữa. Đêm ấy anh cũng không về. Linh tính báo cho tôi biết một điều gì đó rất gở đã xảy ra với anh. Mặc kệ cái bụng chửa vượt mặt, tôi vội vàng xách nón đi ra phố. Vừa ra đến đầu ngõ, tôi vấp ngày thằng Riềng: nét mặt nó có cái gì căng thẳng lắm. Nó giữ tôi lại và nói nhỏ:
- Chị bình tĩnh nghe! Anh Hai bị bắt rồi! Bị bắt đêm hôm kia.
- Anh bắt? – Tôi hỏi lạc giọng.
- Còn ai nữa, cảnh sát bắt.
- Làm sao mà đến nỗi cảnh sát người ta bắt?
- Chuyện dài lắm! Chị cứ về đi, lúc khác em sẽ nói kỹ chị nghe. Em cũng phải đi đây.
Nói rồi, nó ngó trước nhó sau, rảo chân đi luôn để mặc tôi đứng chơ vơ không còn hiểu ra làm sao cả.
Đến trưa. Ông chú tôi ở Ty công an vê, quăng cái nón vào ghế rồi ngồi im, thở hồng hộc. Tôi và cô Nghĩa đứng nép ở góc tường, sợ hãi không dám hỏi.
Hồi lâu, ông phun nước miếng phì phì:
- Thật là nuôi ong tay áo… Mẹ nó! Nó hại ông thế này thì có chết ông không cơ chứ.
Tin rằng mình được cưng, cô Nghĩa mon men lại gần, đưa ông ly nước sinh tố:
- Anh Hai làm sao chú?
- Hai, ba con mẹ gì. Nó bị gông cổ như chó dại rồi. Nó hoạt động chống đối tổng thống, chống đối quốc gia. Nó là thằng giặc! Thằng phiến loạn!
Tôi lạnh toát sống lưng, chân run bắn, đứng không vững nữa, phải vịn vào tay Nghĩa. Biết ông đang nóng, Nghĩa không hỏi gì thêm, nhẹ nhàng dìu tôi về phòng. Khi cánh cửa gỗ được ập lại, tôi mới nắm chặt lấy tay cô em gái, nói hụt cả hơi:
- Bây giờ phải làm sao em? Chị chết mất
- Em cũng không biết phải làm sao. Nhưng chị đừng hoảng hốt quá, ảnh hưởng tới cái thai.
- Liệu anh Nhân có phải lên máy chém không. Hồi này họ chém nhiều lắm!
- Bình tĩnh chị. Đừng vội nghĩ đến điều đó. Nếu anh hoạt động chống đối thật chăng nữa thì cũng còn chú. Chính quyền ở đây nể chú lắm! Chắc họ không làm ẩu đâu.
- Nhưng liệu chú có chịu không?
- Để em nói với chú. Có thể...
- Nghĩa ơi! – Tôi gục đầu vào vai cô - Thế mà chị đã nghi oan cho anh, chị tưởng anh ham vui bạn vui bè mà quên má con chị! Những ngày vừa rồi, một mình anh phải chịu đựng tất cả, chị không gánh đỡ được chút gì, lại còn làm khổ anh. Chị tồi quá! Chị không xứng đáng để anh tin, anh ấy tâm sự. Chị đứng ngoài cuộc đời của anh. Bây giờ anh rơi vào vòng tù tội không biết sống chết lúc nào...
Chiều hôm đó, tôi đi tìm thằng Riềng. Hình như giữa nó với chồng tôi có liên quan gì với nhau? Tại sao nó biết anh bị bắt? Tại sao nó lại vội đi như thế? Tôi nhớ ngày trước nó với anh ít khi chuyện trò nhưng có vẻ hạp ý nhau. Mỗi lần anh đến chơi, thế nào nó cũng ra suối kiếm một mớ cá về nướng trui đãi anh. Còn anh, đến mà thấy vắng nó là hỏi liền. Gặp nó rồi, đôi mắt anh vui hẳn lên và nó cũng hay cười hơn. Dứt khoát nó sẽ hiểu rõ mọi chuyện.
Nhưng đến nơi, tôi chỉ thấy ngôi nhà lặng tờ với cái khóa to tướng ở cửa. Hỏi hàng xóm, họ nói nó đi đâu cả tuần nay không thấy về nhà. Mệt quá, tôi ngồi bệt xuống gốc ổi. Nắng chiều trải một màu vàng úa héo trên mái nhà. Cỏ ngoài vườn đã mọc cao quá mắt cá chân. Cây ổi cọc còi không còn một trái nhỏ. Có con chim màu xám nhảy nhót một mình trên đó... Tất cả gợi lên cái mùi vị cũ kỹ ẩm mốc của một ngôi nhà không có người ở... Má ơi! Tôi thốt kêu lên, cổ nghẹn đắng. Bao nhiêu kỷ niệm về má, về tuổi thơ, về những ngày ngọt ngào cay đắng có má, có con dồn dập ùa về lèn chăt vào đầu óc tôi. Má không còn, em bỏ đi mất, chồng bị bắt, tôi biết sống làm sao bây giờ? Nắng vẫn chiếu vàng vọt trên mái nhà... Tôi không còn hơi sức đâu đứng dậy nữa.
Chợt có một tiếng nói rất nhỏ đằng sau tôi:
- Cô Hai... Cô về hồi nào vậy?
Tôi vội lau nước mắt, nhìn lên. Đứng trước mặt tôi là một cô gái còn trẻ, khoảng độ tuổi hăm ba, hăm bốn gì đó, khỏe mạnh, hồng hào và cái nhìn bạo dạn, trên gò má cô có lấm chấm mấy nét rỗ hoa.
Cô gái ngồi xuống bên tôi, dịu dàng:
- Chắc chị không biết tôi nhưng tôi biết chị và rất rõ gia đình nhà ta. Nhà tôi ở cuối xóm, tên là Thu. Từ bé tôi theo ông bà già đi làm ăn ở Dầu Tiếng rồi lấy chồng ở đó. Năm ngoái chồng tôi chết, ông bà già tôi cũng bị ba cái mủ cao su làm yếu sức nên cả nhà lại dọn về đây. Nhà cũ bán rồi, gia đình tôi dựng tạm căn chòi kia ở đỡ.
Tôi đưa mắt theo ngón tay chỉ của Thu. Đó đúng là một căn chòi, mái lợp lá, tường cũng ken bằng lá, nằm chênh vênh trên đỉnh dốc, ngay phía sau nhà tôi.
- Thế ra chị là hàng xóm?
Tôi gượng nói cho qua chuyện và định đứng dậy ra về. Cô gái nắm lấy tay tôi:
- Chị vô tạm nhà tôi nghỉ một chút đã. Chắc chị về đây tìm cậu Riềng?
- Dạ! Không biết nó đi đâu?
- Ôi da! Cậu ấy có mà trời tìm. Thỉnh thoảng đáo về nhà, ra vườn cuốc xới hùng hùng một hồi, lăn ra ngủ một giác, dậy thắp nén nhang lên bàn thờ rồi lại đi, lắm bữa cơm chẳng kịp ăn. Tội nghiệp!
Tôi đưa mắt tò mò nhìn cô. Rõ ràng trong cách nói của cô về thằng Riềng có cái gì đó bao dung và thân thuộc lắm. Nhưng tôi không thể tò mò lâu hơn, lúc này ruột gan tôi đang chộn rộn quá sức:
- Thôi, tôi về nghe chị. Nếu nó về, chị nói nó đến nhà cho tôi gặp một chút.
- Dạ! Không biết cậu ấy đi đâu?
Tôi nghe được trong câu nói ấy có cái gì băn khoăn giống tôi. Một tiếng vọng đồng cảm thoảng gieo vào lòng, một chút nữa tôi đã kể hết mọi chuyện cho cô ấy biết.