5

Cả đêm hôm đó tôi không chợp mắt. Đứa con trong bụng hình như cảm thông với nỗi lo của mẹ nên cũng ít đạp hơn. Bóng tối chập chờn đưa tôi vào những mường tượng kinh khủng. Lúc thì nhìn thấy anh ấy máu me đầy mình đang bị treo ngược lên xà nhà, lúc thì lại thấy anh ấy nằm sấp mặt xuống nước thân thể trần truồng đang bị hàng đàn cá đen rỉa thịt; có lúc tôi thấy rõ anh ngồi ủ rũ trong xó tối om, chuột to chuột nhỏ bò lên người, ai oán gọi tên tôi. Người tôi đẫm mồ hôi, trán nóng bừng bừng, không dám nằm nữa, tôi ngồi dậy đốt đèn chờ qua đêm.
Sáng hôm sau, tôi quyết định đi tìm chồng. Vợ chồng cần có nhau lúc này. Khổ cùng khổ, chết cùng chết, lẻ loi thế này chịu không nổi. Tôi sẽ tìm bằng được anh ấy, dù một ngày, hai ngày… cả tháng, cả năm cũng tìm. Sẽ làm mọi cách để cứu anh ấy, để anh ấy được nhẹ tội phần nào. Chỉ sau một đêm, tôi đã trở thành khác hẳn. Tôi không sợ gì hết, cũng chẳng lo gì cho bản thân, cho đứa bé sắp ra đời. Tôi chỉ có một suy nghĩ: phải gặp được chồng.
Tôi nói điều này với Nghĩa. Cô gật đầu ngay. Tôi không nói với ông chú. Từ bữa đó, ông chú càng sinh ra bẳn gắt, hay chửi đổng, hay đập phá. Đi thì thôi, về nhà là đóng xầm cửa lại, cấm cảu một mình. Nếu chẳng may đụng tôi, con mắt một mí của ông trừng lên phát sợ. Ông làm như tôi là nguyên nhân gây ra mọi rối rắm trong gia đình.
Sáng hôm đó tôi thấy trong người khó chịu lắm, chốc chốc bụng lại đau thắt từng cơn làm tôi xa xẩm mặt mày. Tôi chỉ còn biết lầm rầm: “Ráng nằm im con… Lúc này đừng làm tội má. Má phải đi tìm ba con. Thương ba, thương má nằm im nghe con…”. Nhưng lần này, đứa con nhỏ không hiểu lời tôi, nó càng giẫy mạnh. Tôi ứa nước mắt, cắp nón đi đến đồn cảnh sát nằm ở gần chợ. Đây là đồn cảnh sát trung tâm của thị xã. Nó nằm giữa khu rào gai kiên cố và có lính gác vòng trong vòng ngoài. Từ mặt đường nhìn vào, khu đồn với những bức tường xám nằm im lìm như là nhà lao. Từ lâu, dân ở đây không dám đi qua khu nhà này. Họ sợ bóng dáng ghê rợn của nó, sợ con mắt nhìn đỏ quạch của tốp lính gác, sợ luôn cả những tiếng gào rú đau đớn của một ai đó đang chịu khảo tra vọng ra. Từ ngoài nhìn vào, người yếu bóng vía cứ có cảm giác đây là hang ổ của một bầy quỷ cởi trần, toàn thân lông lá, đang nhe nanh cầm kìm, cầm búa nung đỏ đốt thịt trên những thân thể trần truồng, vấy máu.
Một thân một mình tôi đang tiến đến nơi địa ngục ấy. Cổng đồn sáng nay vắng tanh. Tôi đi thẳng đến một người mang lon cao nhất:
- Thưa cậu! Cậu làm ơn cho hỏi.
- Hỏi gì? – Chưa nghe hết câu, hắn đã quát luôn.
Tôi không hề thấy run chút nào, quắc mắt lại:
- Thì cậu phải cho tôi nói hết đã chứ. Tôi có đến đòi nợ cậu đâu mà chưa gì cậu đã trấn áp tôi ghê vậy.
Hắn há mồm ra, mắt tròn xoe lên. Giây lâu miệng hắn mềm xuống, biến thành cái cười:
- Chà! Bà này dữ hè! Nhưng mà nè, bà đừng tưởng tôi ngán cái kiểu nói năng cà trớn và đôi mắt bặm trợn của bà đâu nghe! Nào, hỏi gì, nói đi! Người trông dễ thương thế kia chắc là tới bắt thường thằng cha nào về cái bầu hả?
Vọng gác bên kia vọng sang mấy câu cợt nhả:
- Cha! Con nhỏ trẻ vậy đã mang bầu!
- Mẹ! Mang bầu mà dòm còn ngon lành dữ, ngữ này không có bầu chắc ối thằng chết!
Tôi sầm mặt xuống, bất giác hạ nón che kín bụng:
- Cho tôi hỏi ông chỉ huy.
A! – Gã mang lon cao nhất kêu lên - Hỏi ông chỉ huy? Nhà chị có việc gì mà phải đụng tới ông? Hay ông chính là…
Hắn xói mắt vào bụng tôi. Tôi bỗng đỏ mặt, cắt lời:
- Tôi đến hỏi tin chồng tôi bị bắt.
- À ra thế - Hắn gật gù, mặt lạnh hẳn đi - Bị bắt bao giờ? Tên gì?
- Bắt đêm hôm kia. Tên là Nhân.
- Giáo Nhân! Trần Hoàng Nhân phải không?
- Dạ, đúng! – Tôi mừng quá, nói líu cả giọng.
- Gay đấy! - Hắn khụng khiệng.
- Sao ạ?
- Không biết! Chỉ biết là gay thôi. Chuyện động trời, tôi đâu có biết nhiều mà nói. Tốt nhất là chị cứ về nghĩ cho khỏe sanh con xong, đặt tên đàng hoàng rồi... lo đi lấy chồng khác là vừa.
Tôi tái mặt:
- Cậu... Cậu bảo sao? Nhà tôi... chết rồi sao?
- Chưa! Nhưng sau trước gì rồi cũng tới nước đó. Lâu la tắc ké còn rụng đầu, huống chi là cỡ bự.
- Nếu thế - Tôi xôm lên, máu trong người chạy rần rật - Cậu cứ làm ơn cho tôi gặp ông đồn trưởng.
- Chị về đi! Ông không tiếp đâu.
- Tôi không về! Không gặp được chồng tôi, tôi liều bỏ xác ở đây.
Tiếng còi xe rít lên cắt ngang câu nói của tôi. Tên lính giật thót ngưòi, dập gót giầy đến cốp một cái. Từ mặt đường một chiếc zeep dã chiến, sơn loang lổ màu da báo lăn rạo rạo vào cổng. Một khuôn mặt xạm đen, nhễ nhại mồ hôi, nón chụp chếch mặt, đeo kiếng mát gọng to hơi ló ra nhìn tôi. Tôi cũng nhìn lại và bỗng thấy ngờ ngợ... Nhưng chiếc xe đã rú máy vọt qua cổng vào sân, biến mất.
Người hạ sĩ đóng xong cánh cổng, quay lại tôi:
- Đó! Ông trung úy đồn trưởng đó, sao cô không hỏi đi?
Tôi nhăn mặt:
- Thì cậu phải nói chớ! Tôi có gặp ổng hồi nào mà biết.
- May cho cô đó, đã gặp ổng rồi thì làm gì có lần thứ hai mà gặp nữa.
- Cậu… ông về rồi, cậu làm ơn…
- Bậy nào! Cô không nhìn thấy mặt mày ông sát khí đằng đằng đó à? Bây giờ chỉ có gặp tử thần.
Tôi nản quá! Làm sao bây giờ. Cứ xông vào? Không được! Hay là cứ ngồi ở đây chờ hắn ra?
Đang còn loay hoay chưa biết tính đường nào thì một viên thiếu úy mảnh khảnh đeo kính trắng từ trong đi ra, hỏi trống lỏn:
- Chị tên Thanh?
- Dạ, phải... Tôi ngơ ngác trả lời.
Gã thiếu úy hất ngón tay cái qua vai:
- Ông đồn trưởng cho mời chị vào!
Tôi không tin ở tai mình nữa. Sao ông ta lại biết tên tôi? Khuôn mặt ấy... Hay ông ta nhầm với một Thanh nào?
Kệ! Quen càng tốt mà nhầm càng hay, miễn là hỏi được tin chồng, miễn là gặp được chồng. Đến khi gã trung sĩ với vẻ nể nang nhắc lại tên tôi và khẽ mở cánh cửa ngách thì tôi không hỏi gì thêm, rảo chân đi vô luôn.
Viên thiếu úy với vẻ mặt lì lì dẫn tôi vòng vo một lúc rồi chỉ vào một cánh cửa gỗ đen nặng nề đóng im ỉm.
- Ông đang chờ chị.
Hơi rụt rè, tôi đưa tay gõ khẽ vào cánh cửa. Từ trong phòng vang ra một tiếng nói mệt mỏi:
- Mời vô!
Tôi đẩy cửa bước vào. Ngồi trước mặt, sau một cái bàn cùng màu gỗ và cũng nặng nề không kém cánh cửa là con người lúc nẫy tôi thoáng nhìn thấy ở trong xe. Hắn vẫn để nguyên cái nón chụp chếch nửa mặt và cái kiếng mát gọng to bí ẩn như lúc đầu. Tôi khẽ chào:
- Ông cho gọi tôi?
Im lặng... Con người bí ẩn đứng dậy, dáng cao lớn như một nhà thể thao, đi đến trước mặt tôi:
- Cô Thanh... Cô không nhận ra tôi sao?
Tôi lắc đầu. Hắn ta khẽ nhún vai và cũng buồn bã lắc đầu theo:
- Chưa đầy ba năm mà cả cô và tôi đều thay đổi đi nhiều quá! Tức là, tôi không còn để lại một ấn tượng dù nhỏ nhất nào trong cô hết, kể cả ấn tượng xấu. Tôi là kẻ vô duyên đến thế hay sao?
Nhìn cái miệng của hắn chuyển động dưới hàng ria mép tỉa gọn, tôi đã bắt đầu nhận ra.. và đến khi hăn lột cái nón, lột kính quẳng lên bàn, tôi buột miệng kinh ngạc kêu lên:
- Cậu... Cậu Quang!
- Vâng! Tôi đây. Mời cô ngồi.
Chao! Hắn đấy ư? Ba năm nay hắn vắng mặt để rồi lại trở về như thế này đây. Trung úy đồn trưởng! Viên đồn trưởng ác ôn khét tiếng! Viên trung úy cảnh sát xảo quyệt đến tàn bạo. Nỗi kinh hoàng của tất cả bà con vùng này!... Thực ra hắn vẫn thế, vẫn khuôn mặt ấy, cái nhìn ấy và kiểu cười ấy chứ có khác gì lắm đâu. Nếu vì cái gì đó mà tôi không nhận ngay ra thì chính là vẻ đạo tặc của hắn. Phải chăng luôn luôn dúng tay vào máu mà mặt hắn u ám đi? Tôi bỗng thấy nôn nao...
- Mời cô dùng nước.. Tại sao cô nhìn tôi dữ vậy?
- Cậu thay đổi đi nhiều quá!
- Cám ơn! Cậu... Đã lâu tôi mới lại được một người gọi tôi bằng cái tên thân mật đó.
- Tôi nghe nói cậu đi Mỹ? – Tôi hỏi lung tung để lấp khoảng trống. Vả lại, bằng những câu hỏi đó, tôi hy vọng sẽ làm cho hắn cởi mở, mềm lòng hơn để lát nữa, nếu có đụng đến chuyện chính, biết đâu hắn chả có một chút thể tất kiểu người nhà.
- Vâng! Tôi đã đi Mỹ thụ huấn một khóa học an ninh. Tôi đi ngay sau lần gặp cô ở bờ suối. Buồn quá! Giận quá mà đi chứ tôi đâu có mê cái thứ binh nghiệp này.
- Cậu cứ nói thế. Chuyện cũ, cậu để bụng làm chi.
- Sao lại có thể quên chuyện đó được. Sau lần ấy, tôi thấy cuộc đời chán quá. Tôi định trốn vào sự tinh khiết của cô để sống đàng hoàng đứng đắn; định dựa vào linh hồn trong trắng của cô để thử gột rửa linh hồn đã uế tạp của tôi nhưng cô đã khước từ. Mà khước từ là phải. Lúc ấy, làm sao cô có thể chấp nhận được tôi, một kẻ mà trước con mắt cô, toàn bộc lộ những điều ghê tởm. Thế là vì thất vọng, tôi lao đầu vào binh nghiệp. Ở đây, tôi sống trở lại đúng tôi, muốn làm gì thì làm, muốn nghĩ gì thì nghĩ, miễn là trước kẻ thù không biết run tay. Nói cách khác, xin lỗi, về một mặt nào đó, chính cô đã đẩy tôi vào con đường chém giết này. Bắt đầu chỉ để quên đi. Miết rồi thành quen, thành ý thức, thành hận thù chính trị lúc nào không biết. Đến khi nhận ra thì không rút tay lại được nữa.
- Cậu căm thù tôi – Tôi hỏi gượng gạo, thực chất chỉ mong hắn thôi đừng nói nữa. Không ngờ câu hỏi ấy lại khơi sâu thêm nguồn tâm sự của hắn.
- Hận thì đúng hơn - Giọng nói hắn trở lại vẻ xa xăm - Đời là một chuỗi dài những trả giá. Toi vốn coi thường đàn bà con gái, không bao giờ đánh giá họ hơn một đồng kẽm. Đến khi gặp được cô, tôi bắt đầu có ý định nhìn nhận lại thì trước mắt cô tôi đã không đáng giá bằng một đồng kẽm nữa rồi.
- Tôi đâu có dám nghĩ về cậu như thế - Tôi bắt đầu sốt ruột.
- Cái ngày cô đi lấy chồng - Hắn vẫn nói, không thèm đếm xỉa gì đến thái độ của tôi – cũng là dịp tôi được về nước tập dượt công vụ. Cô có biết không? Tôi đã đến dự đám cưới của cô. Vâng! Chính tôi. Nhưng dự một cách âm thầm. Đến âm thầm. Về âm thầm. Lúc đó, cô có để ý đến một gã đàn ông ngồi chụp mặt trong bóng tối ở góc nhà không?
Tôi sửng sốt và lần đầu tiên chăm chú nhìn vào khuôn mặt hắn. Khuôn mặt ấy đang bộc lạô những cảm xúc chân thật, không có đièu gì giả dối cả. Thì ra là hắn! Tôi khẽ gật đầu chứng thực cho sự có mặt của hắn ngày đó.
- Cám ơn! Cô nhận ra tôi nhưng còn có một điều cô không bao giờ có thể nhận ra là lúc ấy, nếu không vì nét mặt đau khổ của cô, vì đôi mắt buồn đến tan nát của cô thì chắc chắn tôi đã đập bể cái đám cưới ây, tôi sẽ giết chết cô hoặc sẽ cướp cô đi. Tôi đã chuẩn bị tất cả, đã thu xếp xong tất cả, nhưng cuối cùng tôi đã ngồi im. Tôi không nỡ, tôi không đủ sức làm cho đôi mắt cô tan nát một lần nữa. Tất cả những điều đó cô có biết tại sao không? - Miệng hắn nhệch ra thành một đường hằn dữ tợn và cay đắng – vì tôi yêu, tôi yêu cô. Yêu đến tân bây giờ. Khốn nạn! Chính tôi cũng không rõ vì sao tôi lại đâm đổ đốn như thế? Cô là ai? Cô là cái quái gì mà ám ảnh tôi hoài, càng xua đi, càng ám ảnh. Mà tôi đã là cái gì với cô kia chứ, ngoài một vết tích gần như cưỡng dâm! Phải chăng cái mà mình không đạt tới thì cái đó bỗng trở thành thần thánh? Hoặc đằng sau cái vẻ ngoài mộc mạc của cô lại đang ẩn giấu một ma lực quyến rũ của con quỷ? Tôi hoàn toàn không hiểu.
Tôi nhìn lảng đi nơi khác, trong lòng không khỏi gợn lên những suy nghĩ trái ngược nhau. Đành rằng, hắn là một kẻ tôi căm ghét còn hơn cả căm ghét nữa, nhưng… những lời bộc bạch thống thiết có phần điên loạn của hắn, dù sao cũng làm cho tôi, một người đàn bà phải chạnh lòng.
Có vẻ đọc được dấu hiệu ấy trên cái chau mày của tôi, hắn cười nhạt, tiếng nói thoắt tỉnh khô:
- Tôi biết lúc này cô không thích nghe những điều này và chắc chẳng bao giờ cô thích nghe cả, nhưng tôi vẫn phải nói vì không biết bao giờ tôi mới có dịp được nói với cô nữa. Thôi, ta vào việc. Lúc nãy tôi đã thấy cô đứng ở cổng, chắc cô muốn gặp tôi? Tôi cũng rất muốn gặp cô. Nếu bữa nay cô không lên đây thì tôi cũng sẽ cho gọi cô tới. Thế là trùng hợp. Cô nói đi!
Tôi chỉ chờ có thế, vội nói luôn:
- Tôi muốn hỏi tin tức chồng tôi. Nghe nói cách đây hai bữa, cảnh sát đã bắt anh ấy?
Hắn gật đầu:
- Đúng thế. Chính tôi đã cho bắt.
- Hiện nay anh ấy ở đâu?
- Ở ngay đây. Ngay trong khu vực này.
- Các ông có thể cho tôi gặp chồng tôi?
- Chưa được - Hắn lắc đầu buồn bã – Tôi biết mà, một khi đã dính tớii chuyện này là cũng dễ cạn tàu ráo máng với nhau lắm. Cũng được! Từ bây giờ cô có thể kêu tôi bằng ông thay cho tiếng cậu ngày trước là vừa. Xin hỏi: cô có biết chồng cô phạm tội gì không?
Tôi lắc đầu và đột nhiên thấy tim mình đập mạnh.
- Một cái tội đang rất thịnh hành, giống như một cái mốt, tội hoạt động chống đối quốc gia.
- Tôi không tin? – Tôi nói để mà nói.
- Tôi nhắc lại: chồng cô là cộng sản mà là thứ cộng sản nòi, cộng sản đầu sỏ.
- Tôi không tin – Tôi hạ giọng gần như thì thầm.
- Cô tập tin đi là vừa. Và tập tin cả điều này nữa, với tội đó, chồng cô sẽ bị lên máy chém!
- Không!... Tôi thét lạc giọng – Không được giết anh ấy. Anh ấy là người tốt. Anh ấy không có tội.
Đầu óc tôi bàng hoàng, tôi nói mà không biết mình nói gì, bụng bỗng nhiên thấy quặn đau dữ dội. Tôi muốn lả người xuống sàn.
- Cô Thanh! - Giọng hắn mềm trở lại – Tôi đã thấy được hết nỗi kinh hoàng trong mắt cô khi tôi nói điều đó. Cô yêu nó lắm!... Thằng cộng sản này tốt phước thiệt, mà cũng quá ngu si thiệt! Có một người vợ như thế này mà còn đi làm giặc.
Mồ hôi trên trán tôi vã ra. Tôi không còn nghe thấy hắn nói gì nữa. Cái thai trong bụng tôi đang đạp mạnh. Đừng! Đừng con! Tôi rên lên. Lúc này con hãy để cho má yên. Má đang cần được yên. Con…
- Cô Thanh - Hắn nhăn mặt lại – Cô đang đau… lúc này tôi không thể nói chuyện gì được. Cô về nghỉ đi! Tôi sẽ tiếp cô dịp khác.
Trong mắt hắn toát ra vẻ ái ngại thực sự. Tôi níu lấy sự mềm lòng chớp nhoáng ấy, có gồng mình lên:
- Không! Tôi không về đâu cả. Tôi muốn gặp chồng tôi. Tôi muốn được chết với anh ấy.
- Hắn giang rộng tay ra trong một cái nhún vai vừa lạ lùng vừa hàm ý chế nhạo:
- Thế đấy! Tôi đang ở đâu thế này? Chứng kiến một chuyện tình bang Tếchzát chăng? - Rồi hắn quay đi, nói rít qua kẽ răng không phải để cho ai nghe- Một lúc ba mạng người… cũng hay! Thằng cộng sản cha… thằng cộng sản con… kể luôn con đàn bà, cũng nhiễm máu cộng sản. Gọn thiệt! Gọn luôn cả nỗi nuối tiếc bầm máu của ta…
Hắn còn lầm rầm nói thêm cái gì một lúc nữa, con mắt sâu của hắn chợt sáng, chợt tối như có hòn than cháy tắt trong đó… Lát sau hắn đột ngột quay lại, đưa cho tôi chiếc mùi xoa:
- Cô lau mồ hôi đi! - Thấy tôi không cầm, hắn thả luôn xuống đất – Cô vẫn cố chấp. Cố chấp trong mọi chuyện. Giả thử tôi cũng là kẻ cố chấp thì… Thôi được, cô nghe đây. Mấy năm nay, cuộc sống sát phạt đã luyện cho tôi một thói quen là hành động tuyệt đối theo lý trí và theo quân lệnh. Trái tim tôi đã chai sạn trước mọi lời kêu rên, mọi giọt nước mắt rồi. Tôi không cho phép mình được run rẩy, được châm chước cái gì hết. Nhưng hôm nay, ngồi trước cô, ngồi trước tình yêu quỷ quái của cô, tôi sẽ ráng làm một hành vi cao thượng. Cũng là nhân danh tình yêu, thứ tình yêu khốn nạn không được đền đáp lại, tôi sẽ hoãn đưa cái sọ của chồng cô lên máy chém. Khoan! Không phải tôi làm thế để mua chuộc cô đâu. Ngược lại, thâm tâm tôi muốn phứt cái đầu của chồng cô đi cho rảnh, rảnh cả việc công lẫn việc tư, nhưng trong vụ này, làm thế thì hèn. Tôi lại không muốn hèn trước mặt cô, tôi không muốn trả thù tẹp nhẹp. Tóm lại, thay vì cái chết, chồng cô sẽ được vào nhà tù. Mà… vất mẹ nó cả chồng cô, lẫn cái nhà tù của chồng cô đi! Chúng nó chỉ là cái cớ để cho tôi gặp cô hôm nay, để cho tôi có thể làm được một việc gì đó giúp ích cho cô, qua đó phần nào chuộc lại cái lỗi côn đồ ngày trước của tôi bên bờ suối.
Tôi ngồi chết lặng, không biết nói năng ra sao. Hắn thật lòng hay dã tâm? Hắn cố tỏ ra cao thượng hay làm tình làm tội tôi thêm? Hắn như thực, như giả. Lúc rất độc địa, khi lại tỏ ra biết điều… Dù vậy, điều hắn vừa nói cũng khiến tôi thoát khỏi cơn mê hoảng. Chồng tôi bị tù? Tức chồng tôi chưa chết… tức là anh ấy vẫn có thể gặp được vợ con? Toàn thân rã rời và biết rằng ngồi thêm cũng chẳng ích gì, tôi mệt mỏi đứng dậy:
- Dù sao tôi cũng xin cám ơn.. cậu (Tôi chuyển cách xưng hô mà không tự biết, có lẽ giây phút ấy, tôi cũng có những xúc động nhất định). Tôi về. Xin cậu nể tình cũ nghĩa xưa mà…
Hắn bật cười khô khốc:
- Tình cũ nghĩa xưa… Thật là mỉa mai! Thôi, cô đừng nói nữa. Cô nói cái giọng đó, tôi muốn thay đổi quyết định quá! Thấy nó… không đúng! Xin cô đừng vuốt ve tôi, như thế tôi quý trọng cô hơn. Bất cứ con đàn bà tầm thường nào cũng biết vuốt ve trong những tình huống như thế này hết. Tôi muốn cô khác họ.
Tôi bỗng rân rân người vì ngượng. Câu nói của hắn như đã lột trần được tôi ra. Không chào nữa, tôi cầm nón lẳng lặng đi ra cửa.
- Khoan! Còn một điều nữa: tôi tạm tha chết cho chồng cô lần này. Nhưng hãy nhớ lấy: lần thứ hai nếu còn lọt vào tay tôi thì có nghĩa là hết. Điều này áp dụng cho cả cô nữa. Tôi nói thế không thừa vì bằng kinh nghiệm, tôi đoán chắc rồi đây, nếu chồng cô được ra tù thì cô sẽ là đồng chí của nó. Cô sẽ đi cùng đường với nó. Cô yêu nó và khi yêu thì người ta có thể làm được đủ trò. Cô nghe kịp không? Bởi vì dù cô có muốn yên thân làm ăn thì một người kiểu như nó không dễ cho cô lung lạc đâu, ngược lại chính cô sẽ bị nó đưa vào guồng. Tạm biệt! Chúc cô may mắn!
“Tới đây, nếu chồng cô được thả ra thì cô sẽ là đồng chí của nó…”. Trên đường về, cùng với cơn đau mỗi lúc một thắt quặn hơn, câu nói đó cứ quay đảo trong đầu tôi. “Nếu chồng cô được thả ra…!”. Đúng! Chỉ cần anh ấy được thả ra thì cái gì đến với tôi cũng được. Tôi lung lạc anh ư? Cũng được! Tôi là đồng chí của anh ư? Cũng chả sao! Tôi cũng có thể lên máy chém như anh? Chấp nhận hết. Miễn là sau tất cả những chuyện này, tôi còn có dịp được nhìn thấy anh. Trước mắt tôi, anh bỗng lớn lao hẳn lên. Anh ấy vượt ra khỏi tầm tay tôi, tỏa sáng. Tôi vừa hoảng sợ vừa tự hào được là vợ anh, vợ mọt người cầm đầu những hoạt động chống đối cái quốc gia thối nát đang hiện hành. Tôi cũng buồn tủi khi không được anh tin cậy, dửng dưng đứng ngoài anh trong thời gian vừa qua. Nếu anh hiểu tôi, tin tôi, cho tôi hay mọi chuyện, chắc rằng mọi gian nan, có vợ có chồng cũng đỡ hơn.”… Cô sẽ đi cùng đường… sẽ là đồng chí của nó…”. Vâng! Tôi sẽ là tất cả, nếu tới đây anh được trở về. Cái suy nghĩ mới mẻ ấy hừng hực cháy trong đầu tôi, mạnh mẽ đến nỗi tôi quên cả cơn đau trở dạ của mình.
°

*

Nửa đêm hôm đó, tôi sanh cháu. Cháu trai! Cháu ra đời sớm mất một tháng nhưng cũng cứng cáp.
Đến ngày thứ bảy tôi trở dậy đi lại được. Dường như chỉ chờ đến thời khắc ấy, ông chú cho gọi tôi vào gặp ông. Tôi mừng thầm! Có thể ông nắm được tin tức gì mới mẻ về anh? Có thể ông đã được gặp anh hoặc mẹ con tôi có lời nhắn, có thư của anh? Suốt một tuần qua, tôi đã gặng hỏi hoài, nhưng cô Nghĩa vẫn không trả lời cho tôi một điều gì khả dĩ có thể có hy vọng. Nghĩa cũng hoàn toàn không biết tin gì về anh. Vì thế, được ông chú gọi lên, trong bụng tôi hồi hộp lắm.
Ông đón tôi với một nụ cười và nét mặt mềm mỏng khác thường. Cặp mắt, đã bạc đi vì uống quá nhiều rượu, đang dọi vào tôi những tia sáng trìu mến đến rợn người. Từ ngày anh bị bắt đến giờ, đúng hơn là từ ngày tôi bước chân về làm dâu nhà này, đây là lần đầu tôi mới thấy ở ông có cái vẻ hồn hậu xởi lởi như thế. Chính vì vậy mà tôi đâm ra bối rối, không biết đứng, biết ngồi vào đâu.
- Con chào chú – Tôi nói rụt rè,
- Ừa! Con ngồi xuống đó đi! Sao! Thằng “chó” con có mạnh không.
- Dạ mạnh! Cháu bú chán rồi lăn ra ngủ cả ngày.
- Ừa! Nuôi con vậy là mát tay. Tội nghiệp! Cha nó chắc chưa hay nó đã ra đời. Vậy là con sanh non một tháng đó hè?
- Dạ! Gần một tháng ạ!
- Tội nghiệp! Sanh con vào lúc này cực lắm! Con ráng ăn uống cho lại người. Muốn gì cứ kêu con Nghĩa, con nhỏ có vẻ cưng cháu, quý chị lắm.
- Dạ! Cô ấy lúc nào cũng ở bên con.
- Vậy hả? Thế con có được tin gì của chồng con không? - Giọng ông ngọt sắc.
- Dạ... không ạ! Con muốn hỏi chú...
- Ừa! Chú gọi con lên cũng là vì chuyện đó. Chú vừa được tin nó chiều hôm qua.
- Ảnh hiện giờ ở đâu ạ?
- Nhà lao Phú Lợi. Phòng giam chính trị phạm nguy hiểm.
- Ảnh có được mạnh không ạ? – Tôi bỗng cuống quít mà không để ý đến ánh mắt và nét mặt của ông bỗng lạnh đi.
- Mạnh! Bao giờ nó chả mạnh. Mà chú đã được nhìn thấy mặt nó đâu.
- Trời! Thế là ảnh vẫn chưa biết mình đã có con...
- Thanh!
- Dạ!
- Chú hỏi, con hãy trả lời thiệt. Con có thương chú không?
- Dạ thương... Tôi trả lời mà không hiểu ý ông muốn hỏi điều gì.
- Con có thương em Nghĩa con không?
- Dạ, thương!
- Con có thương đứa nhỏ con con không?
- Dạ thương – Tôi vẫn đáp lại như cái máy.
- Con có thương em trai con không?
- Dạ...
- Ừa, vậy là con thương hết! Con giầu lòng nhân ái. Nhưng hiện giờ có đứa táng tận lương tâm, nó không thương một ai cả, nó đang tính hại ráo trọi những người thân trong cái nhà này.
- Ai ạ? – Tôi ngơ ngác hỏi.
- Nó đang tính giết hai má con con, nó đang tính giết hại cả tao – Đôi mắt một mí của ông quắc lên, quai hàm ông bạnh ra trông rất nanh nọc – Nó muốn đánh sập cái nhà này, muốn làm cho tao phải khánh kiệt, muốn tao phải trắng tay đi ăn mày. Ôi! Cơ ngơi của tao, tài sản bao nhiêu năm mồ hôi nước mắt của tao, những thằng bạn và những kẻ thù của tao. Tất cả lũ chúng nó đang chờ dịp này để nhảy bổ vào xé thịt tao nhậu chơi.
- Nhưng kẻ đó là ai ạ? – Tôi bực mình ngắt ngang những tiếng rên rỉ chói lói của ông.
Ông vẫn không chịu trả lời ngay.
- Đối với cái kẻ ấy, con định đối xử ra sao? Con có nhắm mắt làm ngơ để đẩy tất cả xuống bùn nhơ không? Có hay không? Trả lời nghe coi?
Trước sức ép nặng nề của câu hỏi đó, tôi bắt buộc phải nói:
- Nếu có kẻ đó, con sẽ làm hết sức để bảo vệ gia định, bảo vệ hạnh phúc của mình.
- Tốt! Chú biết xưa nay con là đứa hiếu thảo, đặt chữ nghĩa lên đầu. Vì nghĩa, con có thể bỏ qua được tình. Được không?
- Nhưng... chú có thể cho con biết kẻ ấy là ai? Một sự sợ hãi vô hình bắt đầu len vào câu hỏi của tôi.
- Nó là thằng Nhân. Thằng chồng phản loạn của con.
- Thế là thế nào ạ? – Tôi tròn mắt kinh ngạc.
- Còn thế nào nữa – Ông chú đập tay cái chát xuống bàn, miệng nói sùi cả bọt mép – Nó là thằng cộng sản, thằng giặc, thằng phiến loạn. Nó bôi tro trát trấu vào cái nhà này, nó không muốn để cho ai được sống yên ổn vì nó nữa. Thằng bất hiếu, đứa bất nhân, nó không đáng được sống trên đời này. Nó không phải là cháu tao, nó không đáng cái mặt là chồng mày.
Tôi cúi gằm mặt xuống. Tất cả những câu mắng chửi thậm tệ ấy như đều giáng xuống người tôi. Chân tay tôi bì ra, nặng chịch, người tôi ngứa ngáy nổi rôm. Một sự phản ứng đang hình thành trong tôi, chầm chậm lan từ chân lên đến đầu. Tôi không thể làm thinh để cho người ta xúc phạm chồng tôi đến nước này được, dù người ấy đang trong trạng thái tâm thần bấn loạn thế nào, dù người đó có là ai đi nữa. Tôi có nhiệm vụ phải biện minh cho anh, phải bảo vệ anh ngay trên những lời nói của người đời.
Hiểu lầm cái im lặng nhẫn nhục của tôi, ông chú xáp đến gần hơn, chuyển giọng vỗ về như dỗ kẹo con nít:
- Con phải hiểu chú! Cha nào không thương con, chú nào không thương cháu. Cha mất, chú phải thay quyền định đoạt. Hiếu thảo thì hưởng lộc, tội lỗi phải trừng phạt, vậy mới giữ được luật lệ của dòng họ của gia đình. Trong gia đình nếu có một cái ung nhọt hôi thối, dù đau cũng phải cắn ruột mà dứt ra. Hả?
Tôi ngẩng lên, hỏi lạnh:
- Chú định trừng phạt anh ấy ra sao?
- Cái đó là việc của con. Con là dâu hiền, con hãy thay mặt gia đình mà gỡ cho mọi người con yêu thương khỏi cái nhục này.
- Con?
- Phải chính con! Chỉ có thể là con.
- Thưa chú, con phải làm gì để vừa lòng chú? – Tôi tự thấy tiếng nói mình rung lên vì kìm chế quá sức.
- Dễ thôi - Người chú lại dọi vào mặt tôi một tia nhìn lạnh lẽo, ngê rợn – con chỉ cần làm một việc hết sức đơn giản, chỉ cần làm một lần thôi là mọi việc xong hết. Con sẽ là ân nhân của gia đình, con sẽ là ân nhân của chú. Đời con còn dài, rồi chú sẽ kiếm cho con một tấm chồng khác, thiệt danh giá…
- Chú nói rõ hơn đi… Tôi lùi lại và cũng nhìn thẳng vào ánh mắt bàng bạc ấy.
- Rõ gì nữa – Cơ mặt ông dúm lại như sắp lên cơn phong giật - Từ bỏ nó đi! Không có vợ chồng, chú cháu gì nữa. Bảo với nó đi đâu thì đi, chết đâu thì chết, đập đầu vào tường mà chết quách đi cho khuất mắt tao. Tao không nhìn nhận nó nữa, kể từ hôm nay. Nói thẳng vào mặt nó như thế - ông rơi người xuống ghế, giọng oải ra, ngán ngẩm – Kìa! Con đừng nhìn ta như thế. Con thương nó sao? Khốn nạn! Nó có yêu gì con đâu. Nó giở trò cưu mang, hào hiệp, đến lúc chán con, nó đi đâu cũng bồ bịch, mèo chuột tùm lum. Nay nó lại mắc vào vòng tù tội, con đành lòng nào để thằng nhỏ vừa sanh ra đã mang án là con đẻ của giặc cộng. Rồi má con con sẽ khổ nhục suốt đời. Chú nói đây cũng là vì cuộc sống của con, của thằng nhỏ. Và của cả vong linh mẹ con…
- Thôi! – Không kìm được nữa, tôi hét lên – Ông đừng giả nhân giả nghĩa nữa! Ông có muốn hại ai thì đi mà hại, tôi không bao giờ làm cái điều thất đức ấy. Bôi nhọ gì, nhục nhã cái gì? Hay ông sợ liên lụy, sợ mang tiếng có người thân là cộng sản, sẽ chặt cụt con đường công danh phú quý của ông? Trời ơi. Mới có thế mà chú đã rắp tâm giết cháu, ông độc ác quá!
- Câm! Câm ngay! – Ông già cũng quát lên, xỉa tay ra cửa- À, thì ra chúng nó cùng một giuộc cả. Cút! Cút ngay ra khỏi nhà tao. Cái nhà này không thừa cơm nuôi cái đồ ăn cháo đái bát, cái đồ phản phúc ấy.
Tôi giận sôi lên, tính bốp chát cho con người độc địa này một cơn ra trò rồi muốn ra sao thì ra, nhưng vừa lúc ấy, tiếng khóc của đứa con ở dưới vọng lên, tôi cắn chặt môi để giữ cho mình khỏi nấc lên vì tủi hận:
- Sau chuyện này ông không phải đuổi tôi cũng đi. Nhưng ông nhớ rằng, nếu ông cứ nhân danh cha chú mà tìm cách làm hại đến chồng tôi, tôi sẽ nói cho tất cả mọi người đều biết.
Tôi đi luôn, để mặc người chú mồm há hốc, đứng như trời trồng ở giữa phòng. Xuống tới chân cầu thang, tôi nghe tiếng ông chú khóc rống lên một tiếng như bị động kinh rồi tắt luôn.
°

*

Nghĩa đứng đón tôi ở đầu ngõ với vẻ mặt hết sức khổ sở. Vừa nhìn thấy tôi tay bồng con, tay xách túi, cô bật khóc dấm dứt, dụi mặt vào vai tôi:
- Chị Hai… đêm tối thế này chị định đi đâu?
- Chị cũng chưa biết, nhưng cứ phải đi đã. Chị không thể ở đây được phút nào nữa.
- Chị… có thể chể chú em nóng quá nên mất khôn, chị đừng chấp. Dạo này ông làm ăn thua thiệt nhiều, đằng thì bị người cạnh tranh phá, đằng bị quốc gia làm rầy. Ông đang quẫn. Ngày mai có khi ông lại nghĩ lại. Chị ráng chịu đến mai được hôn?
- Không em ạ! Dù biết ông đang quẫn trí, ông mê sảng, ông nói mà chưa chắc đã hiểu mình nói gì, nhưng chuyện đã như thế, chị ở lại khó lắm!
- Tính chú em thế. Ngày xưa lúc ba em còn, hai người cũng va đụng luôn, đến nỗi không nhìn mặt nhau. Nhưng khi ba em chết, chính chú em lại là người tỏ ra ân hận nhất.
- Ân hận. Ân hận gì mà tới nước đó… Thôi, để chị đi, Nghĩa ở lại ráng mần ăn cho tốt, thỉnh thoảng rảnh nhớ tới thăm cháu.
- Chị Hai… Chị đi thiệt sao? – Nghĩa mếu máo – Anh Hai bị bắt, chị lại bỏ đi, em ở lại với ai đây?... Nhưng mà giờ này chị còn đi đâu? Đến nhà chú Riềng sao?
- Không! Cậu ấy vẫn chưa về. Mà chị lại không thể một mình về đó. Đồng không mông quạnh, một mẹ một con biết trông cậy vào đâu. Chị có bà thím họ xa ở cuối thị xã, bả không có con, nhà lại chỉ có hai vợ chồng, chị tính tới đó, em khỏi lo cho chị. Ở lại mạnh giỏi, chị đi nghen.
- Thôi thì tùy chị… Chị Hai! – Nghĩa lúng túng lôi trong túi ra một cái gói nhỏ - Em còn mấy ngàn để giành được, không tiêu gì tới, chị cầm tạm lấy mà nuôi cháu!
- Đừng! Chị cũng còn chút ít, rồi tới đây cũng phải kiếm việc làm. Em giữ lại mà xài. Chị hiểu tấm lòng em thế là đủ rồi.
- Không! Nếu chị từ chối, tức là chị coi thường em.
Tôi bỗng ứa nước mắt, không còn cách nào đành phải nhận mấy ngàn đồng của cô em chồng.