ào một buổi sáng đầu tháng bảy, u Ái đương nấu ăn ở dưới bếp thì nghe có tiếng gọi ở cổng vườn. Đó là người nhà dây thép. U Ái mang một bức điện tín màu xanh đi tìm bà Thông. Thịnh, Xương, Thuần, Ái đều xúm cả lại quanh mẹ. Trong gia đình bà Thông, chưa bao giờ người ta làm quen với cái lối báo tin này. Bởi vậy người nào cũng hồi hộp, và thầm đoán là có việc chẳng lành. Xương được bà Thông giao cho tờ giấy và được mở ra đọc trước. Hình như cả nhà đều cho Xương là rắn rỏi hơn tất cả, nên hễ động có việc gì quan trọng là mọi người nghĩ đến nàng trước hết. Quả nhiên, dây thép báo cho cả nhà một tin dữ dội: ông Thông ốm nặng ở Hà Giang, và ngỏ ý muốn vợ lên với mình, nhưng đừng làm cho con trẻ sợ. Bà Thông tái mặt đi. Bà hiểu rằng chồng mình ốm nặng hơn lời nói trong dây thép. Chỉ vì ông vốn thương con... Bốn cô thiếu nữ ôm nhau khóc, làm cho u Ái cũng phải chảy nước mắt lây. Thực là một cảnh tượng não lòng. Người ốm thì ở xa xôi quá. Lúc này đáng lẽ là lúc cần phải có vợ con ở bên mình, thì ông Thông chỉ có một đứa ở nhà quê thật thà như đếm. Thực là một tiếng sét đánh vào giữa một buổi sáng nắng vàng rực rỡ. Nhưng rồi mọi người đều phải nghĩ đến sự thu xếp cho bà Thông lên đường. Xương liền thu vén tất cả tiền nong trong nhà lại. Xương vốn là một thiếu nữ khôn ngoan sớm, nên nàng chạy sang nhà cô ngay để “cầu cứu” thêm một ít tiền. Thiếu nữ cho rằng lúc này chính là lúc không nên câu nệ, bởi vì ai mà chẳng động lòng. Và cô tuy làm ra mặt ác, nhưng cũng nhiều lúc tỏ ra tha thiết đến gia đình của em và các cháu. Lúc này Xương chỉ nghĩ đến cha nằm yếu đuối, trơ trọi ở một miền rừng núi. Bà Cả cho đó là một dịp để mình mắng nhiếc ông Thông, và nói cạnh nói khóe bà Thông, nên vừa thấy Xương kể lể xong là bà lườm cháu: - Gớm, thảo nào hôm nay mới thấy cô tự dẫn đến nhà tôi. Mẹ con cô chỉ được cái tiêu tiền là giỏi. Bố cô thì cũng thế, cũng đần độn chẳng kém gì! Lúc lành mạnh thì không lo để dành để dụm. Tôi xem rồi các cô cũng khó lấy chồng cho mà xem. Nhà nghèo thế, ai người ta dại gì mà hỏi đến! Xương tức cô đến nghẹn họng, nhưng nàng chỉ tím mặt đứng lỳ ra đấy thi gan, nên lúc về nàng chỉ được bà Cả đưa cho có chục bạc. Nàng chảy nước mắt, định giả lại cô, nhưng nghĩ đến ông Thông, nàng lại phải bỏ tiền vào túi. Nếu phải Thịnh hay bà Thông thì dù túng thiếu đến đâu cũng không ai chịu nhẫn đến thế rồi. Về đến nhà, mọi người đều vây lấy nàng để hỏi, nhưng Xương chỉ bỏ nắm giấy bạc ra, mà tay nàng thì run lên. Thiếu nữ không muốn khóc, khi tất cả mọi người cần phải tĩnh tâm. Cụ án được tin cũng chạy sang ngay, cụ bảo người nhà cầm sang đưa bà Thông một ít quế tốt và một vò rượu thuốc bổ. Cụ hết lời an ủi bà Thông nói rằng ông Thông chắc chỉ sốt xoàng thôi. Cụ lại sai ông giáo Phúc đi theo bà Thông đến Hà Giang. Cụ dặn dò Phúc phải săn sóc, giúp đỡ bà Thông mọi việc lúc dọc đường, và khi ở lại Hà Giang nếu có việc gì hệ trọng phải đánh giấy cho cụ ngay tức khắc. Thế là cả nhà đều được yên lòng chút đỉnh. Nhất là Thịnh, mỗi lúc nghĩ đến rằng mẹ mình sẽ có Phúc ở cạnh trong khi đường sá, thì nàng lại cảm động và cám ơn Phúc quá. Trong trí nàng, đường đi lên đến tận Hà Giang thì nguy hiểm khó khăn không biết thế nào mà kể. Nhưng nàng tin đã có Phúc cùng đi thì không còn việc gì đáng lo ngại nữa. * * * * * Một tuần sau đã có thư của Phúc ở Hà Giang gửi về. Bệnh tình ông Thông không có gì đáng sợ như người ta tưởng. Ông chỉ sốt nặng mấy hôm đầu, nhưng từ hôm có bà Thông và Phúc thì ông vui vẻ thêm lên, và ăn uống được chăm nom hơn, nên chẳng mấy nỗi mà ông bình phục. Nhưng dù thế nào bà Thông cũng phải ở lại Hà Giang ít lâu đến khi chồng thực khỏe mới về. Việc nhà bà cậy ở u Ái cả. Bà lại không quên dặn dò Xương nhiều chuyện về sự trông nom cho mọi việc đâu vào đấy, như khi bà có mặt ở nhà. Bà Thông thuộc về hạng những người đàn bà hễ phải xa nhà thì băn khoăn, lo lắng về đủ mọi sự. Việc đó thì không phải dặn, tự Xương cũng hiểu rồi. Nàng giúp đỡ u Ái nấu nướng, giặt giũ hay lau quét trong nhà ngoài vườn sạch sẽ như khi có mẹ ở nhà. Mọi người không thấy thiếu thốn sự gì, ngoài cái bóng hiền từ của bà Thông. Nhưng, tai họa thường không đến một lần trong một gia đình. Một buổi chiều Thuần theo u Ái đi thăm một người bà con nghèo ở ngoại ô về thì người ta thấy mặt nàng đỏ rừ lên, và trán hâm hấp sốt. Thiếu nữ không nói với một ai, chạy vào chỗ chân thang gác, nằm trên chiếc ghế mây dài thường bỏ không ở đấy. Thuở nhỏ, mỗi khi có người khách lạ nào làm cho cô thiếu nữ rút rát phải sợ, thiếu nữ thường chạy vào đấy trốn. Linh tính của Thuần hình như đã báo trước cho nàng biết rằng một người khách nguy hiểm đã đến nơi ngưỡng cửa gia đình. Người ta đã thấy cái bóng hãi hùng của hắn làm giá lạnh bầu không khí trong gian nhà cổ kính lâu nay chỉ biết có những ngày đầm ấm. Trên giường bệnh, Thuần nằm thở mệt nhọc. Thiếu nữ đương lên cơn sốt rét. Có lẽ nàng đã lây bệnh thương hàn của một đứa bé con trong mấy lần đi chơi với u Ái. Thuần xưa nay vẫn yêu quí trẻ con nên thường hay gần chúng. Ban đầu Xương không dám viết thư cho bà Thông biết, sợ bà lại thêm sốt ruột trong lúc ông Thông chưa khỏe hẳn. Nhưng, một hôm bệnh tình Thuần xem chừng nguy kịch quá, ông đốc nhà thương trong tỉnh quen cụ án bảo với Xương rằng nên nhắn cho bà trở về ngay. Đến lúc đó cả nhà mới hiểu rằng tính mệnh Thuần chỉ còn như treo sợi tóc, Xương, Thịnh cùng khiếp đảm... Hai chị em đã hiểu ông đốc nói thế là thế nào rồi. Nếu vậy, sự chờ đợi lại càng làm cho người ta thêm đau đớn. Trên giường bệnh, Thuần thở nặng nề hơn, và lắm lúc mê man... Gương mặt xinh xắn của nàng đỏ rực như da một quả cam nhiều nắng, và mồ hôi vã ra thấm ướt tóc nàng dính chặt vào hai bên thái dương nhơm nhớp như mồ hôi người sắp chết, đến nỗi người ta sợ không biết rồi nàng có chống lại với bệnh mình được lâu chăng? Giời đất hình như cũng lại phụ họa vào cái bất hạnh của một gia đình mà đổ mưa xuống như là trút nước. Cây cối trong vườn tơi bời rũ rượi. Cả một sự ngao ngán tiêu điều khóc lên ở tiếng mưa rơi, nước chảy. Lòng mấy chị em như xé. U Ái và mọi người đều suốt ngày chầu chực quanh giường Thuần. Thiếu nữ ngày thường vẫn hiền lành ngoan nết nhất nhà nên giờ đau yếu, ai cũng đem lòng thương xót. Đau thương tuy vậy càng làm cho mấy chị em sát lại nhau, âu yếm nhau còn hơn trong những ngày đầy hạnh phúc. Một mình Xương vẫn sáng suốt. Trong khi chờ đợi mẹ về, nàng đã không rời em một lúc nào. Nhưng thấy Thuần càng ngày càng ẻo lả thì lòng thiếu nữ cũng không còn vững nữa. Nàng chạy vào cái xó gác của mình ôm mặt khóc. Thuần bao giờ cũng được nàng yêu dấu nhất nhà. Gian gác âm u buồn lạnh. Buổi chiều xuống chầm chậm, ngoài vườn mưa gió tả tơi. Xương ngồi trên nắp một cái hòm quần áo cũ nhìn trời đất, và đó là lần dầu nàng cảm thấy sự thống khổ ở dời. Xương úp mặt vào hai bàn tay mà khóc im lặng một mình. Giờ phút qua, Xương vẫn không nhúc nhích. Hình như cuộc đời nàng ngừng lại, nàng không biết là mình sống nữa. Trong óc nàng chỉ có một câu cầu nguyện: - Lạy Trời lạy Phật, để cho em Thuần tôi sống! Để cho mẹ tôi về kịp! Giữa lúc đó thì Hòa bước lên gác tìm Xương. Hòa thấy gian gác tối mà có tiếng nức nở của Xương đâu đó thì ngừng lại. Mưa rơi đều đều trên mái ngói, và trên cây lá bên ngoài. Chàng cất tiếng gọi: - Xương! Xương việc gì mà phải khóc? Rồi Thuần sẽ khỏi mà... Xương không nói lại. Nhưng nàng đã nhận ra tiếng bạn. Nàng đứng lên. Ánh đèn tỏa chung quanh một màu vàng dịu. Hòa nhìn Xương và bảo: - Có lẽ tàu đêm nay về là bà Thông đã có ở đây rồi. Xương đừng lo gì cả. Xương đáp sẽ: - Tôi chỉ sợ mẹ tôi không về kịp Hòa ạ. Không hiểu sao tôi lo quá! Rồi nàng lại ngồi ở chỗ cũ mà khóc. Hòa động lòng đi lại bên nàng. Chàng cầm lấy tay nàng bắt đứng lên mà nói: - Không hề gì đâu Xương ạ, dẫu sao đã có Hòa ở gần Xương. Xương thấy yếu đuối mặc cho Hòa kéo dậy. Hai thiếu niên đứng sát nhau nhìn ra ngoài trời đen tối. - Đêm nay ông tôi bảo tôi phải đi ra đón bà Thông ở ngoài ga. Tôi sẽ bảo thằng xe bên nhà tôi đánh xe đi đón. Thể nào mẹ Xương cũng về chuyến tàu này. Xương bỗng thấy ấm áp trong lòng. Bà Thông về, thế là đủ cho nàng há vọng. Hình như bà Thông về được thì bà sẽ đuổi xua được hết lo phiền bất hạnh ở trong nhà. Xương nghĩ vậy và thấy ngực nhẹ hẳn đi khiến mình dễ thở. Và thế là lòng tin trở lại với người thiếu nữ. Nàng cảm động reo lên: - Ồ Hòa, thực chứ Hòa? Hòa nắm chặt lấy tay người bạn gái trong tay mình. Tóc Xương có một mùi thơm của cây cỏ. Trong ánh đèn dầu, mặt Xương có những nét lạ lùng, cảm động, và ý nghĩa. Đột nhiên, Hòa không nhận ra được người bạn gái vẫn thường đuổi nhau với mình ở trong vườn nữa. Một mối cảm dịu dàng đến với lòng chàng. Lần đầu, Xương hiện ra trước mắt chàng với cái vẻ dịu dàng của người thiếu nữ. Ngày thường Xương cũng chỉ như một người bạn trai nghịch ngợm của chàng thôi. Nhưng lúc này đứng cạnh Xương, Hòa mới thấy nàng hoàn toàn con gái. Bỗng Xương rút tay ra và cầm đèn đi xuống gác: - Thôi Hòa về sửa soạn để ra ga đi! Tôi đi lấy thuốc cho Thuần. Có lẽ Thuần ngủ được một lúc lâu rồi đấy nhỉ? * * * * * Lúc Hòa ở ga về với bà Thông và Phúc, thì cả ba người cùng ngạc nhiên, thấy mấy chị em Xương và u Ái đương xúm xít quanh giường Thuần mà nói chuyện rì rầm. Hòa đi khỏi thì người ta liền thấy một sự rất lạ kỳ. Thuần vật vã một hồi trên gối hình như đau đớn lắm rồi bỗng lăn ra ngủ như một người thiếp dần đi. Cả nhà đã hoảng hồn khóc ầm lên. Nhưng, thế là cơn sốt đi rồi! Nhiều khi có sự bất ngờ như vậy. Và thế là Thuần thoát khỏi tay tử thần. Bây giờ Thuần ngủ, một giấc ngủ yên lành, lại sức. Thuần đã thoát khỏi tử thần. Mà bà Thông cũng đã về. Không còn lo sợ điều gì nữa. Người khách nguy hiểm và tàn ác đến thăm cái gia đình nhỏ mọn của nhà Xương đã bị đuổi ra khỏi cửa rồi. Cái bóng dáng, cái bàn tay của người mẹ đã như bàn tay mầu nhiệm của người phù thủy xua đuổi nổi tà ma. Xương đột nhiên được nếm biết một cuộc đời mới lạ lấy làm sửng sốt. Sau những ngày lạnh nhạt sống trong hạnh phúc hiền lành, thiếu nữ bỗng làm quen với một cuộc đời mới có lẫn nước mắt và nụ cười. Chỉ trong khoảng vài ngày, vài giờ đã qua, tâm hồn trẻ thơ của nàng đã già đi nhiều lắm. Chẳng khác chi một trái cây nhiều lúc cũng phải cần đến nắng gió và sương mưa mới chín được hoàn toàn. Cô thiếu nữ trước kia đã biến vào trong dĩ vãng với những cái áo có vết mực, cái quần rách vì móc phải gai, những đôi guốc đứt quai, những cuốn truyện khờ khạo, những vẻ nghịch ngợm hồn nhiên. Xương thấy rằng mình đã trở nên một kẻ đàn bà... người đàn bà với những sự lo lắng, băn khoăn, với những tính tình phản trái, với quả tim dễ động, với những yếu đuối và sức đảm đang cứ nảy nở dần khi đụng chạm với đời. Bên kia giường của Thuần là mẹ nàng, là Thịnh, là Ái, là u Ái, là Hòa và Phúc. Xương nhìn nét mặt hân hoan của mọi người, lòng nàng xao động. Nhưng thấy Hòa nhìn nàng âu yếm mỉm cười nàng lại thấy trong lòng êm ả.