ột trong những ngày cuối cùng của tôi ở London, một ngày tháng 10-2005 không sương mù, trong lúc băng qua đường đến hàng bánh sandwich Subway mua một chiếc lót dạ, tôi chợt nhận ra đã lâu rồi tôi không buồn nhìn những điện Buckingham, Big Ben, Tower Bridge đẹp như mơ khi đi ngang nữa. Tôi cũng không nhìn nước sông Thames thắc mắc tại sao một con sông xấu xí như vậy có thể nổi tiếng thế giới được. Tôi cũng không nhìn những buồng điện thoại công cộng màu đỏ rồi trầm trồ khen. Tôi cũng không nhăn nhó bực bội vì khu mua sắm “nhà giầu” Harrod bắt phải trả một số tiền tương đương 60.000 đồng để sử dụng toilet. Bây giờ tôi có thể đi bộ qua đường luồn lách trước mũi những chiếc xe đang dừng đèn đỏ mà không cần nhìn trước ngó sau, có thể hiểu “Cockney rhymes” (°) hay những từ lóng khác một cách nhanh nhẹn, có thể kể vanh vách tên những trạm tàu điện ngầm ở London thuộc tuyến nào và biết đi quán bia nào có thể gặp được nhiều cổ động viên đội Arsenal… London là thành phố châu Âu đầu tiên tôi đến vào năm 2002. Cho đến giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy rõ như in sân bay Heathrow – một thời được biết đến với cái tên Thiefrow vì khét tiếng với nạn móc túi chôm chỉa – nhộn nhịp với hàng trăm chuyến bay mỗi ngày, những ngôi nhà kiểu Tudor trắng đen dọc đường đi, và những ngọn gió mùa hè mát rượi khi bước ra trạm xe điện ngầm Camden Town, khi tôi ngơ ngẩn nhìn những quán rượu tường đá xám treo đầy hoa rực rỡ. Thủ đô nước Anh ngày tôi trở lại vào năm 2004 gần như không thay đổi chút nào. Vẫn những du khách lăm lăm máy ảnh trên tay chụp bất cứ cảnh gì trong tầm mắt. Vẫn con sông Thames “được yêu nhất trong số những đứa con của đại dương” như lời câu thơ từ thế kỉ 17 của Robert Herrick chảy hoài trong trí nhớ người dân London và những ai yêu thích thành phố đắm mình trong lịch sử này. Vẫn điện Buckingham uy nghi, Big Ben sừng sững, London Tower vời hoa thường xuân đỏ rực quấn trên tường… Gặp lại, London không làm tôi ngơ ngẩn như năm nào, nhưng cảm giác bồi hồi rạo rực và tự hào được đứng nơi bao người mơ được thấy một lần trong đời vẫn còn nguyên vẹn, dù nay London chỉ cách nơi tôi ở không xa và tôi có dịp đến đây ít nhất mỗi tháng một lần. Tôi không biết bắt đầu từ đâu để viết về một trong những thành phố nổi tiếng nhất thế giới này, bởi mỗi góc phố, mỗi địa danh ở London đều làm tôi có cảm giác như đang đọc sách hay đang xem những cuốn phim từ những thế kỉ trước, và nhớ lại những ngày mới học tiếng Anh, mơ về thành phố sương mù kiêu hãnh. Bắt đầu từ quảng trường Trafalgar Square chăng? Những ngày nắng ấm, du khách kéo nhau ra hồ nước, nơi lí tưởng để ngồi lười biếng ngắm thế giới đi qua. Những chiếc xe buýt hai tầng màu đỏ, một trong những hình ảnh đặc trưng London, dập dìu qua lại xung quanh quảng trường. Và bồ câu bay rợp trời. Chính quyền thành phố đã chính thức cấm bán thức ăn bồ câu xung quanh khu vực để bớt lượng bồ câu tập trung nơi đây, nhưng du khách vẫn lét lút lấy bánh mì, thức ăn của mình cho chúng. Có người nói đùa đôi lúc du khách phải “chiến đấu” tranh chỗ ngồi với chúng ở Trafalgar Square. Bồ câu dạn người, có khi đuổi không thèm bay và mổ thức ăn ngay trên tay những du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi nghĩ có khi chúng còn hiểu nhiều ngôn ngữ khác nhau không chừng (?) Hay bắt đầu từ tòa nhà quốc hội Houses of Parliament, được xây vào năm 1840 khi London còn mê mẩn kiến trúc kiểu neo-Gothic? Một trong những dấu ấn được biết đến nhiều nhất trên thế giới – tháp chuông đồng hồ Big Ben, với mặt và kim đồng hồ được lau chùi năm năm một lần – từ khi ra đời đã nằm trong hàng triệu tấm ảnh những ai từng đến thăm. Để có được cái nhìn toàn cảnh tòa nhà, bạn nên đi về hướng đông cầu Lambeth, nhất là vào lúc hoàng hôn, cả khu phức hợp trải dài đắm mình trong ánh nắng chiều vàng in bóng xuốn dòng sông Thames với những chiếc thuyền trôi. Hồi chúng tôi mới quen được hai tháng, Daniel có sang Anh thăm tôi. Sau một ngày đi lại mỏi chân, chúng tôi dừng lại nghỉ trên cầu. Hôm đó là một ngày nắng hiếm hoi của mùa thu, mặ trời phương Bắc nhuộm vàng những tòa nhà lộng lẫy, hắt bóng xuống mặt nước giống hệt như tưởng tượng của tôi về một nền văn minh châu Âu. Có tiếng chuông nhà thờ từ đâu vọng lại, có thể là tiếng chuông từ Big Ben chăng, ngân vang trong không gian tĩnh lặng làm tôi xúc động đến nghẹt thở, thấy mình quả là may mắn được tận hưởng những khoảnh khắc như thế này. Chỉ cách đó một quãng đi bộ, nhà thờ Westminter là trung tâm hệ thống nhà thờ Thiên chúa giáo của cả Vương quốc Anh gồm Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ailen. Đây cũng là điển hình duy nhất của kiến trúc theo kiểu neo-Byzantine ở London, với tháp xây bằng đá trắng và gạch đỏ bên ngoài; còn bên trong nhà thờ dát cẩm thạch và đá mosaic, nhưng chỉ một nửa, nửa còn lại dát gạch trần vì nhà thờ đang trang trí dở thì… hết tiền (đó là những gì tôi biết từ sách du lịch Lonely Planet và những trang web chính thức của thành phố). Nhưng nhờ vậy mà nhà thờ mang nét đặc trưng rất riêng, nhất là vào lúc đầu đêm, khi ánh nến lung linh hắt lên tường và cả không gian ngập trong những mảng sáng tối. Ở Việt Nam, Hyde Park là công viên ở Anh được nhiều người biết đến nhất do đó là công viên lớn nhất London, được vua Henry VIII lấy của nhà thờ từ năm 1536, trước là nơi vua và quý tộc săn nai, sau là nơi đấu súng, xử trảm, rồi thành trường đua. Bắt đầu từ thế kỷ 17, Hyde Park là công viên hoàng gia đầu tiên mở cửa cho dân chúng. Mùa xuân, công viên tràn ngập sắc hoa, còn mùa hè ở đây đầy dân địa phương ra tắm nắng, trông không được hấp dẫn cho lắm vì dân Anh quanh năm sương mù nên da dẻ quá trắng, so với dân Hawaii săn chắc rám nắng khác xa một trời một vực. Nhưng tôi vẫn yêu nhất cây cầu bắc ngang dòng song Thames, không phải London Bridge như trong bài hát ru em “London Bridge í falling down”: Cầu London bị sụp rồi bị sụp rồi. Phải xây lại bằng bạc và vàng vậy! Bạc và vàng tôi không có. Phải xây lại bằng kim và đinh ghim vậy! Kim và đinh ghim bị cong và gãy mất thôi. Phải xây lại bằng gỗ và đất sét vậy! Gỗ và đất sét sẽ bị trôi mất. Vậy thì xây lại bằng đá, đá thật chắc vào! Dù London Bridge không bị sụp như trong bài hát ru em dễ thương đó, người ta cũng quyết định xây Tower Bridge về hướng đông London Bridge vào cuối thế kỉ 19 để tránh tình trạng kẹt xe trên cầy hàng mấy giờ liền. Và chắc vì nghe theo lời bài hát, bên cạnh những sắt thép kiên cố, Tower Bridge được xây bằng đá từ vùng Cornwall và Portland. Trông xa đẹp và sang trọng như một tòa lâu đài, nhất là vào đêm, khi điện thắp sáng huy hoàng hắt bóng cầu xuống mặt nước lung linh như một giấc mơ thời thơ ấu. Trung bình mỗi năm Tower Bridge được nhấc lên khoảng 900 lần để những con tàu lớn quá cỡ có thể băng qua. Chắc vì tôi không có duyên nên cầu không nhấc lên lần nào mỗi khi tôi đến. Song chẳng hề gì, tôi vẫn thích được đi bộ trên cầu, nhìn hai cột cao sừng sững, dòng xe cộ xuôi ngược bên cạnh và cảng Katherines với những con thuyền nằm gối đầu im lìm bên dưới… Nhưng London không chỉ là một nơi xa lạ với những địa danh hoành tráng mà còn chứa đựng nhiều điều giản dị, nơi có những người bạn tôi hết sức yêu quý, trong đó phải nhắc đến gia đình Lynette và Bruce ở khu Kiburn. Cả hai vợ chồng đã gọi London là nhà mấy chục năm và mặc dù không sống trong những cộng đồng người Úc ở Bayswater hay Earl’s Court nhưng vẫn còn giữ giọng Úc đặc sệt. Hai anh chị gọi nhau là “mate”, ban đầu nghe rất buồn cười nhưng lâu dần tôi cũng quen đi. Chuyến đi Anh và xứ Wales đầu tiên năm 2002 của tôi cũng do Lynette và tổ chức của cô giúp đỡ kiếm học bổng nên tôi rất mến cô, và cũng vì một lí do nào đó giữa hàng trăm sinh viên tham gia chương trình cô chọn tôi làm “tri âm tri kỉ”. Hai vợ chồng cô có đứa con gái hai tuổi rất dễ thương tên Molly, tóc vàng xoăn tít và rất dạn người lạ. Lúc tôi mới sang, cô nhóc hay lấy bàn chải đánh răng của tôi đi khắp nhà vừa đi vừa đánh răng, làm Lynette áy náy bảo để cô mua đền cho tôi bàn chải khác. Gần như lần nào tôi ở lại nhà cũng vậy, chỉ khi Molly lớn hơn, có thêm đứa em trai mới sinh nên ra vẻ chị hẳn, không còn lấy bàn chải tôi nghịch nữa, tôi lại thấy nhớ nhớ. Ngoài ra cũng không thể quên hai “chiến hữu” khác của tôi là anh Hùng và Thiêm, đều là dân học bổng Chevening giống tôi. Có hai lần chúng tôi ở lại nhà anh Hùng tại Hackney Down, một trong những khu “đá cá lăn dưa” nhất London và cũng là nơi nhiều Việt kiều Anh sinh sống (Tuyến xe buýt từ nhà anh Hùng chính là tuyến xe 30 bị đánh bom trong đợt 7-7 năm ngoái, nhưng may mắn hôm đó anh không đi). Nhờ anh Hùng tôi mới biết được món mắm tép chưng thịt thơm ngon nức mũi mà anh khoe vợ anh gửi tận Hà Nội qua. Thấy tôi khoái món này, sinh nhật tôi Thiêm lặn lội từ London về Southampton tặng tôi hai hũ, khiến tôi cảm động quá chừng. Nhắc đến Thiêm, tôi vẫn còn buồn cười chuyện ăn sầu riêng. Số là anh chàng người Bắc này chưa bao giờ được ăn sầu riêng nên tự nhiên một ngày nọ nổi máu lên muốn thử thứ trái cây này, vậy là bỏ ra 11 bảng Anh (khoảng hơn 300.000 đồng) mua một trái về ăn chơi. Nghe chuyện tôi cười sặc sụa, bảo “Cực chẳng đã người ta từng ăn rồi, thàm qua mới bỏ ra chừng đó tiền để mua. Đằng này chưa bao giờ ăn mà lại qua London thử sầu riêng với giá cắt cổ. Đúng là điên”. Nhưng tôi mến Thiêm vì anh bạn này cũng “máu” đi chơi giống tôi, chỉ cần gọi điện “Thiêm ơi tháng sau đi Hà Lan và Bỉ với tui không” là ừ liền rất sốt sắng. Tôi chỉ biết mình gắn bó với London trong chuyến du lịch đến Tây ban Nha vào tháng bảy năm ngoái, xem truyền hình trực tiếp buổi công bố quyền đăng cai Olympic 2012 tại khách sạn. Tôi cổ vũ London nhiệt liệt như cổ vũ người nhà đi thi trên TV, hớn hở khi lần lượt Matxcơva, New York rồi Madrid bị loại. Và khi Paris – đối thủ nặng ký nhất - cũng bị loại khỏi vòng đấu và dòng người tập trung ở Trafalgar Square vỡ òa ra trong niềm hân hoan tột độ, ở đây tôi cũng nhảy múa hò hét như điên. (Sau này tôi được biết trong cuộc đua dành đăng cai, tổng thống Jacques Chirac đã đề cập đến việc ẩm thực Pháp ngon hơn và được ưa chuộng trên thế giới hơn món ăn Anh. Ngụ ý nói nếu tổ chức ở Anh vận động viên sẽ khổ sở chuyện ăn uống, có lẽ câu nói này đã có “tác dụng ngược” đối với Paris chăng?). Rồi cũng từ chiếc ti vi căn phòng khách sạn ấy, chỉ ngày hôm sau khi vừa về từ chuyến đi thăm ngôi làng Địa Trung Hải êm đềm, thấy phóng viên đang đứng nói về một vụ khủng bố, tôi ngồi vừa nghe vừa gặm thịt gà một cách thờ ơ. Có lẽ lại một trong những vụ đánh bom như cơm bữa ở Palestine hay Israel chứ gì. Nhưng bóng những ngôi nhà gạch đỏ quen quen thấp thoáng sau lưng phóng viên làm tôi bật dậy “Hình như London”… và ngây người nhận ra đúng là London thật. Chiếc xe buýt 96 anh Hùng vẫn đi học mỗi ngày chỉ còn là một đống sắt vụn bốc khói. Trạm Liverpool Street, nơi tôi từ bến xe điện ngầm xuống bắt xe lửa đến sân bay Stansted đi Tây Ban Nha chỉ mới cách đó hai ngày, tan nát vì khói lửa. King Cross St. Pancras nơi tôi và Alastair, bạn thân nhất ở ANh, hay đi xe lửa về chơi nhà ba mẹ anh ở Harpenden, toàn những người đầy máu đang hoảng loạn chạy khắp nơi. Toàn địa danh quen thuộc. Chỉ mới hai ngày, tôi đã trải qua bao nhiêu cảm xúc khác nhau cho thành phố ấy: vừa vui mừng hồ hởi hôm qua, hôm nay đã run rẩy, sợ hãi, thương xót, lo lắng. Lúc ấy, tôi mới biết mình yêu London đến chừng nào: Dù mỗi lần đến đó phải nhịn ăn nhịn uống vì vật giá đắt đỏ đầu tắt mặt tối vì công việc, chạy ngược xuôi cho kịp chuyến xe, dù thành phố có thờ ơ không biết tôi là ai và từ đâu đến... Thành thật mà nói, trước đó có một giai đoạn tôi không ưa London. Nói ra nghe dễ ghét và trưởng giả không kém những ai nói “Ta không ưa đi xe limousine chút nào hết”, nhưng tôi có những lí do chính đáng để không ưa thủ đô này. Những lần đến London của tôi luôn gắn với một việc gì đó vừa gấp vừa quan trọng: gia hạn hộ chiếu, lấy visa Schengen, làm dự án trong khóa học, lên gặp sếp… nên thưowfng rất "chụp giựt", không được thư thả cho lắm nên khi rời London tôi luôn có cảm giác nhẹ nhõm. Lại nữa, có một điều gì đó về thành phố đất rộng người đông này làm ta luôn thấy hối hả. Có thể đó là do dòng người vội vã lên xuống trong những bến tàu điện ngầm, do những khu phố shopping như Oxford Street hay Regent Street cuồn cuộn người mua sắm, hay do những bước sải dài của người dân ở đây. Có lần tôi giúp chỉ đường cho một ông người New Zealand khoang 60 tuổi – lần đầu tiên đến London – với thâm niên 40 năm nuôi cừu ở trang trại quê hương: “Dễ lắm! Đây là nhà ga Waterloo, ông đi thang cuốn xuống theo bảng chỉ dẫn có dấu hiệu underground của London đó, rồi đi tuyến Piccadilly Line màu xanh dương, hướng đi Cockfoster nhưng đừng đi tuốt Cockfoster mà xuống tàu ở King’s Cross. Xuống King’s Cross ông sẽ không đi tàu điện ngầm nữa mà sẽ đi xe lửa. Bây giờ hệ thống đang sửa chữa nên ông phải ra khỏi ga tàu điện ngầm, theo bảng chỉ dẫn đi bộ tờiga St. Pancras, từ đó hỏi người bán vé hướng đi St. Albans. Dễ lắm!”. Sau khi nói một hơi, tôi mới nhận ra mình giống anh chàng trong chuyện “Đôi mắt” của Nam Cao, nhiệt tình chỉ đường nhưng không nhận biết đối với người khác những chỉ dẫn ấy rối rắm chừng nào.Ông nhìn xung quanh, than: “Sao ở đây người ta lúc nào cũng lật đật quá vậy?” làm tôi cười, thầm so sánh nơi này với những cánh đồng ngút ngàn có đàn cừu trắng của ông. Hi vọng ông không bị lạc trong ma trận tàu điện ngầm London hôm ấy và khi tôi viết bài này, có lẽ ông đã về lại quê nhà giản dị và yên tĩnh. Lúc nào đó hoàng hôn buông xuống trang trại mênh mông, ông ngồi nhà nhìn ra những đàn cừu chạy mỏi chân trên đồi, có như tôi lúc này đây, nhớ London vội vã của những ngày không sương mù. (°) Cockney rhymes: Những từ lóng bắt nguồn ở phía đông London, được hình thành bằng cách dùng một cụm từ có cùng vần để ám chỉ một từ khác. Chẳng hạn như "bread and honey" (bánh mì và mật ong) là tiếng lóng để chỉ money (tiền), vò honey cùng vần với money.