Đường xóm núi quanh co uốn khúc ruột gà. Nghe tiếng nhạc tưởng chừng gần, nhưng đường đi vòng hoá xa ngái. Hai bên lối đi, tre trúc rùm roà ngăn bước kẻ bộ hành. Mà tiếng nhạc đưa vong thì da diết não nề không dứt. Thoạt tiên là tiếng kèn bầu, sau đó là tiếng sáo hoà cùng tiếng nhị. Khi khúc dạo đầu kết thúc, tiếng hát của một người đàn ông cất lên, trầm đục: «...Vong hỡi vong, xin chớ quay đầu lại, Vong hỡi vong, xin đừng nuối tiếc nẻo trần ai, Như chồi non nảy nở tiết xuân, lá tươi thắm trong nắng hè, rồi úa vàng vào ngày thu tàn hay đông giá, cõi nhân gian cùng trong tay Tạo hoá, nào ai thoát được trò chơi?... Từ hư không, cha mẹ cho ta kiếp làm người, ta khóc tiếng khóc chào đời, ta cười tiếng cười trẻ thơ, ta cất bước lên đường, nhấc gánh tang bồng tuổi tráng niên, rồi đặt gánh khi hơi tàn sức kiệt. Nước chảy xuôi và tóc thay màu. Lưới ông Tạo giăng khắp cùng bốn biển Đời phu du như cánh bướm qua mau... » Ông lắng nghe tiếng hát đưa vong, thầm kinh ngạc vì lần đầu ông mới nghe những câu ca như thế, vậy mà ông sống ở xứ sở của ông đã bao nhiêu năm trời: « Vì sao đến bây giờ ta mới biết những câu hát dân dã? Phải chăng chúng lướt qua như gió thổi mà ta không để tâm hay trong bao nhiêu năm trời, chính quyền đã cấm dân chúng hát những khúc hát bi luỵ? Nhưng cõi đời vốn có sinh có tử, sự bi luỵ là anh em song sinh với niềm vui. » - Thưa chủ tịch, xin người để tôi mang áo khoác. Một cận vệ dấn bước đỡ chiếc áo khoác ông vừa cởi ra. Ông đưa chiếc áo cho anh ta, chợt thấy một cơn đau chạy rần rật theo sống lưng. Mồ hôi ướt trán, ông lấy khăn tay thấm khô nhưng không đi chậm lại. Giờ đưa vong sắp tới, ông đã nảy ra ý muốn đến thăm gia đình kẻ xấu số, ông không có quyền bắt họ phải chờ đợi. Vả chăng, bao nhiêu người đã phải tháp tùng ông. Trước mặt ông tiểu đội thứ nhất đi cùng với chủ tịch xã, một phụ nữ cao lừng lững như hộ pháp, vai ngang hình chữ thập với những cơ bắp cuồn cuộn mà bất cứ bậc mày râu nào nhìn thấy cũng khiếp vía kinh hồn. Chị ta bận bộ đồ cổ truyền, áo vải phin xanh, quần sa-tanh đen lánh, nhưng lại đi giầy vải đế cao-su buộc dây trắng ; kiểu giầy của vận động viên thể thao. Khuôn mặt rộng, cặp mày xếch với đôi quai hàm bạnh sang hai bên, cổ to như cây cột lại đỏ au, vẻ lực lưỡng lẫn cứng cáp còn hơn cả mười người đàn ông cộng lại. Sau lưng ông, tiểu đội thứ hai đi cùng với phó chủ tịch và công an xã, hai người đàn ông thấp bé ngang nhau, ngang nhau cả cỡ tuổi lẫn cách trang phục, anh nào anh nấy đều ngoại tứ tuần, áo đại cán, quần kaki Sĩ Lâm, riêng trưởng công an xã có thêm một chiếc thắt lưng da to bản đeo súng ngắn. Hai tốp người đó làm thành một đội quân nhỏ sắp hàng bốn. Con đường hẹp, nhưng bên tay trái ông là Vũ cùng cậu bác sĩ, bên tay phải là đội trưởng đội cận vệ Lễ. Đi sau họ chừng ba mươi thước là một trung đội vũ trang chống bắt cóc bằng máy bay. - Thưa chủ tịch, xin người uống thuốc trước khi tới dự đám tang. Tới lượt bác sĩ đề nghị. Ông dừng lại, uống một nắm thuốc với chén nước gừng ủ trong phích mà anh ta đã chuẩn bị một cách lặng lẽ. Rồi họ tiếp tục đi. Đoạn đường này gập ghềnh hơn. Hai bên, trúc không còn rủ la đà mà ken dày đặc như tường thành. Cành lá đan xen tạo nên tấm mái che xanh biếc. Đã đúng ngọ, bởi tiếng gà eo óc gáy từ xóm đông qua xóm tây, từ thôn thượng qua thôn hạ. Tiếng gà gáy cũng như tiếng nhạc đưa vong rền rĩ không ngưng nghỉ dường như chẳng thể khuấy động một im lặng vô hình đang ngự trị trong không gian mà làm cho nó ngưng kết hơn. Sự im lặng này trong suốt như thuỷ tinh và rắn chắc hơn kim loại. Một im lặng mênh mông. Dường như nó đang che chắn cánh rừng nào đó bên kia đường chân trời: « Vong hỡi vong, hãy nhìn về phía trước Để bụi trần lắng đọng sau lưng » Tiếng hát nghe đã gần lắm rồi, nhưng họ vẫn phải vượt qua một cua đường lượn vòng thúng mới tới nơi. Đám đông đã tụ tập ngay trên lối vào ngõ, chờ ông. Thiếu niên cầm cờ hoa, đồng phục gọn gàng, vai khoác dù nguỵ trang xếp thành hai hàng danh dự. Sau lưng chúng là tất thảy cư dân xóm Tiều Phu, đàn ông lẫn đàn bà, đều cỡ trung tuần trở lên. Không còn thanh niên ở lại làng, họ đã đăng lính hoặc tập hợp trong các đội thanh niên xung phong phục vụ mặt trận. « Thế này chính là cảnh chiến tranh. Khi trai tráng ra đi, chỉ còn lại những người đàn bà giặt quần áo bên sông hoặc cầy cấy trên cánh đồng. Và nhà thơ viết Chinh phu ngâm trong tiêu điều, quạnh hiu xóm vắng... » Ý nghĩ của ông đứt đoạn vì đám đông đã nhận ra ông: - Chủ tịch muôn năm, muôn muôn năm! - Chủ tịch sống đời đời với non sông! - Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt nam muôn năm! - Chủ tịch muôn năm! Ông chợt nhận ra tiếng nhạc đưa vong đã im bặt, bởi các nhạc công tay kèn tay nhị đều đã đứng hết lên trên ghế để nhìn ông cho rõ. Đám người quấn khăn tang cũng ào ra chào đón khách quý, mắt ai nấy còn sưng: « Họ đã bỏ người chết nằm một mình trong nhà. Cuộc viếng thăm của ta hoá ra gây tác hại cho gia chủ. » Những tiếng hoan hô thoạt tiên còn ngượng ngùng, e ngại nhưng mỗi lúc mỗi trở nên nồng nhiệt. Dường như mọi người đã quên khuấy tình cảnh của tang gia. Điều đó khiến ông cảm thấy sự hiện diện của mình trở thành lố bịch. Chờ cho đám đông bớt cuồng nhiệt, ông giơ tay phác một cử chỉ để lấy lại sự im lặng. Tức khắc, đám đông im phăng phắc. Một thoáng run rẩy lướt qua tim khi ông nhận ra khả năng chinh phục và quyền uy của mình. Sức mạnh ấy chưa mất đi cùng với tháng năm: - Thưa bà con, Ông cất tiếng và quan sát những ánh mắt của dân chúng. Trong những ánh mắt ấy có một vẻ ngưỡng mộ cuồng si một sự phục tòng vô điều kiện mà ông đã quá quen thuộc. Giờ đây cái vẻ quen thuộc ấy chẳng còn khiến ông thích thú: « Tại sao người ta không thể yêu một cách khác đi? Tại sao người ta không thể vừa yêu kính vừa bình đẳng với một ai đó? » Ông thầm nghĩ trong khi tiếp tục nói với họ: - Thưa bà con, tôi xin chân thành cảm tạ sự nồng nhiệt mà bà con đã dành cho tôi. Nhưng chớ quên rằng chúng ta đến đây là để dự đám tang chứ không phải mít- tinh hay hội họp. Tôi cũng chỉ là một người khách viếng vong bình thường như bất cứ ai trong đám chúng ta. Tôi đề nghị bà con im lặng, ai trở về vị trí nấy để tang sự diễn ra được hoàn hảo. Lời của ông bao giờ cũng là mệnh lệnh, một thứ mệnh lệnh đầy ma lực hay thần lực, chính ông cũng không biết rõ. Dân chúng lặng lẽ tản ra, lặng lẽ đến mức ông nghe thấy cả hơi mình thở. Thân quyến gia chủ trở lại đứng quanh quan tài. Dàn nhạc cất lên khúc não nề của cuộc tiễn đưa vĩnh cửu: «...Từ cát bụi lại trở về cát bụi Cuộc xoay vần cũng đến thế mà thôi... » Đội cận vệ đã dừng lại bên ngoài. Chủ tịch xã và Lễ tháp tùng ông vào viếng gia chủ. Họ phải đi qua một mảnh sân thênh thang, không lát gạch mà lát thuần một thứ đá xanh, bề nào cũng dư bốn tấc. Những thớt đá xếp đều tăm tắp khiến sân nhà tang chủ giống sân đình sân chùa thời thịnh vượng hơn là sân nhà của một thôn dân. Khu nhà xây kiểu chữ môn, toà nhà chính ở giữa, năm gian thênh thang lát thuần ngói cổ. Hai bên hai dãy nhà ngang cũng không kém phần đồ sộ, dãy nào cũng năm gian có hàng hiên rộng chạy quanh. Vừa đưa mắt lướt qua, ông đã nghĩ: « Cửa cao nhà rộng đến thế này rồi cũng ra đi với hai bàn tay trắng. » Và bất giác ông buông tiếng thở dài. Từ phía sau, Lễ tiến lên đưa cho ông một chiếc phong bì: « Thưa chủ tịch, đây là tiền viếng ; » Ông cầm chiếc phong bì một cách máy móc mà không nghĩ tiền viếng là thứ tiền gì và cần bao nhiêu cho đủ. Những kỉ niệm mờ nhạt về phong tục hiếu hỉ của dân quê, những hình ảnh về ma chay, cưới hỏi thời con trẻ không để lại mảy may dấu vết. Còn trong cuộc sống hiện tại, ông hoàn toàn không đụng chạm tới tiền bạc và những vật khả dĩ có giá trị. Thật sự, ông chưa từng có trong tay một đồng tiền dù người ta in hình ông trên tất thảy những loại tiền của xứ sở. Nhưng ông thấy mắt những người dân trong xóm kín đáo nhìn vào chiếc phong bì trong tay ông, và lần đầu tiên trong đời ông băn khoăn về giá trị thực của những tờ giấy tiêu được. Một ngờ vực khiến ông sợ hãi: « Không hiểu họ đặt vào trong đó bao nhiêu đồng? Nó có khiến cho những người dân kia thất vọng? » Cuộc sống thật sự đòi hỏi những giá trị cụ thể. Mà những giá trị ấy, người ta chỉ hiểu khi đã quá muộn màng: « Toujours après coup! » Lại một tiếng thở dài thầm kín thốt lên trong trái tim ông. - Xin chủ tịch tới bàn thờ trước. Nữ chủ tịch xã hướng dẫn. Chị ta đi trước, ông theo sau. Người đàn bà cao lừng lững, đôi vai rộng như vai võ sĩ quyền anh có vẻ như một nữ vệ sĩ chuyên nghiệp: « Tại sao bộ nội vụ không tuyển chị ta vào đội vệ sĩ nhỉ? Thật là uổng phí một tài năng! ». Ông thầm nghĩ trong khi bước tới trước bàn thờ. Đó là một chiếc tủ đa dụng, nửa để thờ bên trên, nửa chứa đồ bên dưới. Chiếc tủ rất lớn, được đóng bằng gỗ tứ thiết, chạm trổ long, ly, quy, phượng và khảm trai, ra dáng một thứ tài sản hơn là vật gia dụng. Tủ kê chính giữa bức tường đối diện với cửa lớn. Một bát hương bằng đồng đang bốc khói. Hai cây nến cháy trong đôi giá đỡ cũng bằng đồng. Hai bình hoa cắm đầy mào gà lẫn mẫu đơn và các loại hoa rừng. Ông đặt phong bì viếng vong lên chiếc đĩa lớn bằng sứ cổ, màu men ngọc lộng lẫy, trên đó đã chất đầy những phong bì tự chế bằng các loại giấy tạp nham. - Con xin đội ơn chủ tịch ạ. - Con xin cảm tạ người. Cùng lúc, một người đàn bà trẻ và một đứa bé trai tiến đến trước mặt ông, quỳ sụp xuống lễ. Ông lúng túng bởi người ta chỉ quỳ lễ theo kiểu ấy trước thần linh hay bàn thờ của gia tiên: - Thôi, thôi...xin mời gia đình đứng dậy. Ông đỡ đứa bé lên, nhận ra điều ông đoán ngày hôm qua là chính xác: Nó cỡ mười hai hoặc mười ba. Bộ quần áo tang rộng thùng thình khiến thân hình nó càng thêm bé nhỏ. Chiếc mũ tang sụp tới mũi thằng bé, nhưng khi nó ngẩng lên, ông nhận ra một gương mặt khả ái với đôi mày dài như vẽ và cặp mắt đầy tính nam nhi: « Thằng bé khôi ngô quá, nó sẽ rất đẹp trai khi khôn lớn. Cầu cho nó được may mắn trưởng thành. » Hôm qua, khi nghe đứa bé khóc gọi cha, ông không hình dung nổi gương mặt của nó. Với ông, nó chỉ là một đứa bé vô danh gợi cho ông những liên tưởng tới một đứa bé khác. Giờ đây, gương mặt sáng ngời của nó khiến trái tim ông thổn thức. Gương mặt ấy triệu hồi một gương mặt xa cách. Một gương mặt thiếu vắng...Cổ họng ông bỗng dưng se lại. Ông xoa đầu thằng bé, định nói điều gì đó nhưng không tìm được ngôn từ. Hình như ông đã khóc vì lúc đó, Vũ tiến sát đến và đưa cho ông chiếc khăn tay. - Chúng con xin đội ơn người. Tiếng một người đàn bà trẻ cất lên bên tai khiến ông giật mình ngẩng đầu lên... Goá phụ tiến đến trước mặt ông, cảm tạ. Ông nhìn thấy một gương mặt đầm đìa lệ bó trong chiếc mũ khâu bằng vải xô. Gương mặt ấy trẻ trung, khả ái. Chị ta chỉ khoảng ba mươi tuổi, khó có thể hơn. Nỗi mất mát vừa ập tới chưa làm suy xuyển nhan sắc lẫn sinh lực của người đàn bà đang độ xuân thì. Goá phụ có gương mặt mơn mởn của một người tràn trề hạnh phúc. Một gương mặt vô cùng khó kiếm trong xứ sở chiến tranh. Nước da chị ta trắng hồng, không một nốt tàn nhang hay vết rám như đa phần những thôn dân, những kẻ suốt ngày dầm mưa dãi nắng trên sườn non hay ngoài cánh đồng. Một đôi mắt đen, đầy vẻ táo tợn với đôi mày dài chấm thái dương, chắc chắn là thứ tài sản đã được chia xẻ cho đứa con trai. Đôi mắt ấy cũng không thường gặp nơi những người phụ nữ làng quê, bởi nó không phản chiếu một chút cỏn con nào sự nhẫn nhịn, vốn là thứ phẩm chất thường gặp nhất ở những người đàn bà đất Việt. Đôi mắt ấy chiếu thẳng vào mặt ông, không chút e dè, không mảy may sợ hãi: « Với đôi mắt này, cô ta có thể làm bất cứ điều gì cô ta muốn. » Ông thoáng nghĩ và tìm vài từ thích hợp để đáp lễ: - Chúng tôi xin chia buồn với gia đình. Hy vọng cô và cháu sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn một cách nhanh chóng. Cố gắng cho cháu được học hành đến nơi đến chốn - Dạ, chúng con xin thực hiện lời người. Goá phụ đáp lại tức khắc, dường như câu trả lời đã được chuẩn bị sẵn. Lúc đó, chủ tịch xã mời ông quay lại viếng người xấu số. Ông đi theo chị ta một cách máy móc vì không hiểu thủ tục của một đám tang bình thường diễn ra theo cách nào. Suốt cuộc đời ông, đây là lần đầu ông có cơ hội và cũng chủ tâm quan sát đám tang của thứ dân. Đột nhiên, sau một khoảnh khắc ngắn ngủi, những tiếng gào nhất loạt cất lên sau lưng chủ tịch: - Ôi cha, cha ơi cha, sao nỡ bỏ chúng con? Lúc ấy ông mới nhận ra rằng còn gần hai chục người nữa mặc áo xô, trừ dăm ba người cỡ tam tuần, tứ tuần, còn lại thuần một đám thiếu niên lẫn con nít. Tất cả chen chúc, túm tụm với nhau làm thành một đội quân bề thế có khả năng lấn át mẹ con người đàn bà kia. Tất cả hợp thành một dàn đồng ca, cất lên tiếng kêu than như những điệp khúc, đệm theo bài hát của đội nhạc. Họ đứng bên trái cỗ quan tài còn mẹ con người đàn bà trẻ đứng bên tay phải. « Hai thứ quân, hai thứ con, điều này có vẻ như chắc chắn.. ; » Ông thầm nghĩ và đưa mắt tìm kiếm tấm ảnh tang. Gần như tức khắc, ông nhìn thấy một chiếc ghế tựa chạm trổ cầu kì kê sát đầu cỗ quan tài, trên đó đặt bức ảnh lớn lồng khung kính và trùm vải đen: « A...Ông ta đây! Không phải một ông bố ngoại tam tuần hay sát tứ tuần như hôm qua ta phỏng đoán. » Người làm chủ hai đội quân tả hữu quan tài đã ngoại ngũ tuần nếu không hơn. Chỉ có điều gương mặt ông ta không phản ánh chút nào sự mệt mỏi, sự an hoà, sự trầm mặc, sự nhẫn nại như gương mặt những người đàn ông khác ở vào độ tuổi ấy. Một gương mặt chữ điền, vừa hằn lên những nét phong sương vừa phóng chiếu niềm kiêu hãnh và sự dồi dào sinh lực. Đôi mắt ông ta nhìn thẳng về phía trước với cái nhìn ngạo nghễ, thách thức xen lẫn đôi phần ranh mãnh. Sống mũi lớn, thẳng như ống tre. Khuôn miệng đẹp, nét môi đều đặn, được bao bọc bởi bộ râu quai nón dài rậm, loăn xoăn như râu người phương tây nhưng còn đen nhánh: « Gương mặt ấy biện minh cho tất cả những gì xảy ra xung quanh kẻ xấu số, ngay chính trong gian nhà này. » Ông bàng hoàng. Những ức đoán, những liên tưởng, những ngậm ngùi tràn đến như đoàn thuyền bập bềnh trên dòng nước. Ý thức đàn áp xưa cũ cũng tức khắc ập đến tựa dòng thác ào ạt xối xả dìm đắm những con thuyền. Một chất nước cay xộc lên trong sống mũi ông. Một làn khói chập chờn trước mắt ông, vừa có màu xám của mây giông vừa có màu tím phiêu du của hoa anh túc. - Thưa anh cả, chúng ta phải về thôi! Vũ cất tiếng sau lưng ông. Ông thấy một bàn tay khẽ chạm vào tay mình, chợt hiểu đã đến lúc ông phải thức tỉnh. Quay sang đám người trắng xoá khăn áo xô bên trái cỗ quan tài, ông nói: - Tôi xin chia buồn cùng với gia đình. Tôi cũng hy vọng gia đình ta vượt qua nỗi đau buồn này và nhanh chóng ổn định được cuộc sống. Tới lượt đám người này đáp lễ ông với tất cả sự thống thiết oan khiên mà họ tích trữ trong tim não. Ông kiên nhẫn chờ đợi cơn thống thiết kêu gào của họ nguôi dịu xuống để rút lui. Nhưng dường như lời an ủi của ông là cái cớ để tất cả những nguồn cơn tàng trữ phía sau nỗi mất mát này được dịp phát lộ. Những tiếng khóc tiếng than hờ của hai mươi con người rền rĩ vang lên. - Ôi cha ơi cha, sao cha nỡ bỏ chúng con vào giữa lúc nước sôi lửa bỏng này?...Cha ơi, cha ra đi mà bao nhiêu nông nỗi chưa được giãi bày, bao nhiêu oan khiên chưa kịp bày tỏ? - Cha hỡi cha, xin quay lại lắng nghe...Này con này cháu, bao nhiêu ruột rà máu mủ của cha đây... Lúc này chính nữ chủ tịch xã đã cứu ông thoát khỏi cơn rối ren một cách nhanh chóng: - Thôi! Chị ta ngẩng lên quát một cách bất ngờ khi màn khóc lóc có nguy cơ kéo dài và tăng cường độ: - Thôi, đau thương nào cũng phải có giới hạn. Vả lại, chủ tịch cần phải giữ sức khoẻ để lo việc quốc gia. Đề nghị gia chủ giãn ra để chúng tôi đưa người về nghỉ. Nói xong, chị ta giơ hai cánh tay lực lưỡng gạt đám người sang hai bên, với tất cả sức mạnh và sự chuẩn xác của lưỡi ben máy xúc. Ông chưa kịp hiểu ra mọi chuyện thì đã thấy mình đang đi qua mảnh sân lát đá để ra cửa. Mấy cậu cận vệ cũng đã bám sát lưng ông. Cả bốn người trong dàn nhạc đồng quê đứng lên, và họ chơi quốc thiều để tiễn biệt: Tiếng nhạc quen thuộc cất lên. Chủ tịch buộc phải dừng lại giữa sân cùng với đoàn tuỳ tòng, thoáng thấy vị nữ chủ tịch đưa mắt nhìn đội nhạc tang, không hiểu để ban khen hay để hăm doạ. Bề nào họ cũng phải chờ quốc thiều kết thúc. Quốc thiều, quốc thiều! Ông sững sờ như lần đầu nghe thấy nó, cái giai điệu đã từng ghi khắc vào trí nhớ của ông những nét sâu đậm từ bao năm nay. Phải chăng vì âm hưởng của đám tang hay vì tâm trạng của chính ông đã đổi thay cùng năm tháng? Hoặc những nhạc cụ dân tộc đã đem lại một màu sắc lạ lùng cho bản nhạc vốn dĩ quen thuộc này? Ông chẳng thể cắt nghĩa một cách minh bạch, nhưng nỗi kinh hoàng xâm chiếm tâm hồn ông khi nghe bản quốc thiều diễn đạt bởi kèn bầu, sáo và nhị. Cớ sao giai điệu buồn đến thế? Hành khúc của một dân tộc mà vương vấn thê lương, ai oán. Dường như trong nhịp điệu hùng hồn kia ẩn chứa tiếng chuông chiều thả bóng lẫn tiếng cú rúc đêm trường. Dường như tiếng hát sôi sục kia gợi nên những hình ảnh không một chút tương đồng với nó: những chân trời mịt mù sương khói, những dòng sông lạnh lẽo chẳng bóng người, những bến bờ ngập tràn rác rến, những nghĩa địa chạy dài vô tận, rợp cánh quạ đen bay. « Phải chăng vì tuổi già khiến ta dễ sầu thương, hay vì những loại nhạc cụ kia đem lại cho quốc thiều một nỗi bi hoài mà nó không vốn có? Bởi dàn nhạc đưa vong chỉ có thể thích hợp với những giai điệu cổ như Làn thảm, Sa lệch chênh, Sẩm soan,? » Ông không tìm được lời giải đáp. Một cơn nhức nhối vặn xoáy tim ông. Ông ngước mắt nhìn khoảng trời xanh bên trên vòm tre trúc, cố xua đuổi những ý nghĩ ảm đạm đang lởn vởn nhưng không thành công. « Hãy chỉ cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai. Cũng như thế, có thể nói rằng: Hãy cho tôi nghe tiếng hát của một dân tộc, tôi sẽ chỉ cho anh biết số phận của dân tộc ấy! Phải chăng định mệnh của một dân tộc đã vĩnh định trong các làn dân ca, trong những giai điệu xưa cổ nhất, những giai điệu theo đuổi một dân tộc như kẻ đồng hành mãn kiếp, như hình với bóng như hai nửa đực cái của loài cá lưỡng dục? Liệu con người có thể đổi thay định mệnh được hay không, và trong cuộc sống, phần nỗ lực của họ sẽ mang tới bao nhiêu phần trăm trên tổng số những gì được gặt hái trong suốt cuộc sinh tồn? » - Mời chủ tịch đi tiếp. Anh chàng béo đã đứng áp sát lưng ông, thì thào. Ông quay lại, giơ tay vẫy chào đội nhạc rồi ra cổng. Ở đó, hai tiểu đội cận vệ đã sẵn sàng. Họ trở lại đội hình cũ để quay lại nơi máy bay trực thăng chờ đợi.