Sơn chuệnh choạng đứng dậy. Bữa nay anh uống hơi nhiều. Buồn quá mà! Đàn ông buồn chuyện vợ đến mức phải mượn rượu tiêu sầu thì có hơi yếu. Nhưng nếu không nhậu, anh biết phải làm gì cho hết thời gian đây. Bé Phước ở với bà nội. Anh về căn phòng thời độc thân trai trẻ của mình, còn Ngân giờ này chẳng biết đang ở đâu. Có thể Ngân đã về nhà, cũng có thể cô đang cạnh tay giám đốc già trong một buổi chiêu đãi mang nặng tính chất mua bán nào đó mà Ngân rất giỏi chịu đựng để mau được thăng tiến. Sơn biết Ngân đang nhắm cái ghế phó giám đốc, cô không tiếc gì cả, miễn sao có được chức vụ ấy. Tham vọng của một người đàn bà như Ngân quả là lớn. Lẽ ra Sơn phải nhìn thấy tính cách của Ngân từ hồi mới yêu nhau mới đúng. Hồi đó bạn Sơn đã có người nói xa nói gần về Ngân, nhưng vì đang yêu anh gạt phăng tất cả, thậm chí còn giận bạn nữa. Bây giờ ngẫm lại, bạn bè nói thế mà đúng. Ngày xưa, Kim Ngân là một sinh viên nghèo, quê ở Phan Thiết vào Sài Gòn ăn học. Ngân phải vất vả vừa học vừa làm bao nhiêu việc để tự nuôi thân. Chính vì thấy cô cực nhọc mà Sơn để ý rồi giúp đỡ, rồi yêu. Kim Ngân đẹp, lại sắc sảo, khôn ngoan nên Sơn gần như bị Ngân xỏ mũi. Bạn bè xù xì rằng ngoài Sơn ra, Ngân cũng quen một vài người nữa, những người này cũng giúp đỡ cô về vật chất như Sơn, thậm chí còn nhiều hơn Sơn nữa... Nghe là nghe vậy thôi chớ Sơn vẫn tin Ngân hơn tin bạn bè. Anh đợi thi tốt nghiệp xong là tiến tới hôn nhân. Phiền một nỗi mẹ anh không thích Ngân ngay cái nhìn đầu tiên. Bà chê cô nhà quê, nghèo không xứng với con trai mình. Qua đám bạn của Sơn, bà cũng phong phanh biết Ngân dù là gái quê ra thành phố song chẳng hiền từ gì. Bà biết Ngân bám lấy Sơn vì anh là người Sài Gòn chính cống, bà biết cô muốn đổi đời nhờ một gã chồng thị dân chớ chưa chắc cô yêu thương gì con bà. Ngày đó, nếu Đức Chúa Trời hiện ra nói thế, Sơn cũng không tin, huống hồ chi mẹ mình. Anh giở đủ mọi trò của một đứa con cưng hầu cưới cho được Ngân, để rồi ngay đêm hôn lễ cô đã để lộ bản chất của mình, nhưng lúc đó vì yêu, Sơn không cho là quan trọng. Đêm tân hôn lẽ ra là đêm thiêng liêng nhất của vợ chồng mới cưới, nhưng Sơn lại bị Ngân bắt ngồi đếm tiền khách mừng cưới, rồi vô sổ chi tiết từng tên người cụ thể đi bao nhiêu tiền, rồi tổng kết, rồi trừ hết các chi phí đi xem... lời hay lỗ... Khi xong việc mắt Sơn đã ríu lại, anh không còn hứng thú gì bên vợ và tiền. Trong khi đó Ngân hí hửng ra mặt vì cô đã lời to qua cái đám cưới đình đám này. Bây giờ, mỗi khi nhờ lại đêm tân hôn, Sơn vẫn thấy y như vợ chồng anh đã diễn một vở bi hài kịch. Sơn vỗ trán. Khi không lại nhớ những chuyện cũ xì ấy. Nó có hay ho gì đâu. Người ấy bây giờ ở đâu anh không biết. Anh có nhẫn tâm quá không khi bảo không biết? Đó là một ân tình mà suốt đời người ta chẳng thể nào quên, nhưng anh lại không có quyền biết người ân, cũng có thể gọi là người thương của mình nơi đâu. Sống trên đời, người ta sợ nhất chuyện sinh ly tử biệt. Khi chia tay với cô ấy, Sơn đã biết thế nào là nỗi đau sinh ly. Anh vẫn nhớ như in cảm giác tức thở khi phải bước nhanh khỏi căn nhà trồng toàn nguyệt quế... Anh đi và mang theo tiếng khóc thầm từ trái tim một cô gái. Để bây giờ mỗi khi ôm bé Phước vào lòng, trái tim anh lại nức nở khóc thầm. Em đã cho tôi niềm hạnh phúc lẫn nỗi muộn phiền. Em có nhớ tôi không, hay với em tôi chỉ là một người khách, một mối làm ăn mang lại cho em cả trăm triệu đồng? Sơn nhếch môi chua xót. Hãy cứ coi lần gặp gỡ ấy như bóng mây. Mây đã thành mưa đổ xuống sông dài biển rộng lâu lắm rồi. Tấp vào một quán cà phê, Sơn chọn một góc khuất nhất để ngồi. Quán trang nhã, lại toàn nhạc Pháp, tuy không thời thượng để ăn theo giới trẻ, nhưng quán vẫn đông khách, đa số là những người có tuổi, họ vào nghe nhạc để tìm lại ngày xưa của mình. Quán này ngày xưa Sơn cũng hay đưa Ngân vào. Cô không biết một bài nhạc Pháp, nhạc Anh nào cả, nhưng để biến mình thành người khác, sành điệu, Ngân bắt đầu nghe toàn nhạc nước ngoài. Cho tới bây giờ, Sơn vẫn không hiểu Ngân nghe nhạc cho bản thân hay vì sợ thua chị kém em. Ôi chao! Sao bây giờ anh lại vạch lá tìm sâu y như một mụ đàn bà nhỏ mọn thế. Uống một ngụm nhỏ cà phê, Sơn như tỉnh hơn. Anh ngẩng lên khi có người ngồi vào ghế đối diện với mình. Sơn kêu lên để đáp lại nụ cười rất tươi của người đàn ông vừa ngồi xuống. - Ủa, anh Tiễn! Ông Tiễn cười hề hề: - Sao có một mình vậy... cha? Sơn ậm ự: - Thỉnh thoảng phải một mình mới vui chớ. Ông Tiễn nheo mắt: - Nè! Đừng có nói cô chú đi theo vết xe của vợ chồng anh đấy nhé. Sơn nhìn Tiễn: - Em không theo ai cả. Xe em đổ theo lối khác rồi. Ông Tiễn chép miệng: - Không nói anh cũng biết. Đàn bà là chúa ích kỷ. Ngay từ đầu, anh đã chẳng khuyên chú suy nghĩ cho thật kỹ vào là gì? Giờ thì hỏng cả rồi. Được con thì mất vợ. Hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay nhỉ? Sơn tò mò: - Anh đi một mình à? - Ờ, một mình. Thường anh ngồi chỗ này, bữa nay tới muộn, bị mất chỗ. - Té ra góc hẩm hiu này dành cho những kẻ một mình. Ông Tiễn bật cười: - Một mình này ngồi với một mình nọ vẫn không thành hai mình được. Sơn hỏi: - Chị Hạnh vẫn chờ, sao anh không về? - Anh không chịu được vẻ dửng dưng đáng sợ của cô ấy. Hạnh bảo là tha thứ, nhưng cô ấy không quên được lỗi lầm của anh. Chỉ thương bé Na... Sơn lại nhấp một ngụm cà phê rồi nghe ông Tiễn nói tiếp: - Mỗi tối bây giờ phải có cô giáo tới dạy kèm, cũng là để bầu bạn với nó. Hạnh vắng nhà luôn, con bé cô đơn lắm. Một mái ấm gia đình phải gồm cả cha lẫn mẹ rồi con cái. Thiếu một trong ba nhân tố ấy, gia đình không còn nữa. Sơn nói: - Vậy anh về đi. Dần dà chị Hạnh sẽ nghĩ lại thôi. Ông Tiễn khuấy đường cho tan, anh hỏi vặn: - Thế Ngân có nghĩ lại cho chú không? Nói thật, các bà mà nghĩ lại thì bọn đàn ông đã khổ càng khổ hơn. Mà Kim Ngân cũng quá đáng. Anh thì có can dự gì chuyện mê có con nối dõi tông đường của em, vậy mà Ngân giận chị Hạnh rồi ghét lây sang cả anh. Chung công ty, nhưng thấy anh là nó hất mặt chỗ khác chớ không xun xoe như hồi em mới cưới nó về. Tiễn uống một ngụm cà phê rồi nói tiếp: - Dạo này, Ngân có người nâng đỡ nên chả biết trời cao đất rộng là thế nào. Sơn nhíu mày: - Anh muốn nói tới tổng giám đốc Thời? - Chớ còn ai khác nữa. - Thật ra, ông Thời là người như thế nào? Ông Tiễn phán một câu chắc nịch: - Một tay đam mê quyền lực và danh vọng. Ông ta rất khôn ngoan và thủ đoạn trong làm ăn. Sơn nheo nheo mắt: - Anh có nói quá sếp của mình không? Ông Tiễn so vai: - Để làm gì chứ, khi thật sự ông ta là như vậy. Sơn nhấp một chút cà phê. Anh vẫn nghe Ngân ca tụng giám đốc Thời. Cô ấy khen ông là người tay trắng làm nên sự nghiệp lớn. Cô còn bảo sẽ cố gắng học hỏi sự thành đạt của giám đốc Thời. Sơn hỏi: - Thật ra ông ta là người như thế nào? Ông Tiễn nhẩn nha hỏi lại: - Sao bỗng dưng chú lại quan tâm đến ông Thời nhỉ? Sơn nhún vai: - Vì tò mò. Vì ông ta là sếp của anh, của bà xã em cũng nên. Ông Tiễn gật gù: - Nói cũng phải. Trong chuyện này tò mò là tốt. Đằng hắng lấy giọng, ông Tiễn bắt đầu nói: - Nghe người ta xì xào ông Thời được gia đình cưới vợ cho sớm lắm. Ngặt một nỗi, ông ấy không hề yêu người vợ này, nên sau mấy năm chung sống, ông ta đã bỏ vợ qua Campuchia làm ăn. Gặp thời may, ông ta phất lên như diều gặp gió. Thế là ngài Việt kiều Nam Vang trở về nước hùn hạp với các đại gia mở công ty kinh doanh hàng điện máy, thứ hàng bán chạy nhất ở nước mình hiện giờ. Giới kinh doanh thành phố đánh giá rất cao năng lực của ông Thời. - Còn anh thì sao? - Một người đáng cho anh nể phục phải tài đức song toàn. Tiếc rằng ông Thời thiếu mất một nửa. Ông ta bỏ vợ con luôn mà không cần biết hiện giờ họ ở đâu? Sống như thế nào? Có no đủ không hay đang tha phương cầu thực? - Ông Thời bỏ luôn vợ con à? Bây giờ ổng sống với ai? Ông Tiễn gọn lỏn: - Với vợ khác. Giàu như ổng, hiện giờ muốn mấy vợ lại không có. Chú mày hỏi như con nít hỏi, nghe tức cười quá. Sơn lầm bầm: - Người ta ham một đứa con, lắm khi hổng được. Đằng này lại có người bỏ vợ bỏ con. - Trời ơi! Đó là chuyện thường tình mà. - Ông Thời được mấy người con hả anh? Ông Tiễn nói: - Với bà vợ không thương mà cưới nghe đâu có hai cô con gái. Còn với bà sau thì không có con. Bà ấy quá đát rồi... nhưng giàu lắm. Ông Thời cưới bà Kim như cưới một cuộc làm ăn lớn trong đời mình. Sơn vẫn còn thắc mắc: - Bỏ vợ nhưng vẫn còn con. Sao ông Thời lại bỏ mặc con mình nhỉ? Cho dù lý do nào chăng nữa, cha cũng phải có trách nhiệm với con cái chứ. Ông Tiễn hất hàm: - Chú mày tối nay lạ thật. Nè! Lo cho vợ mình vẫn tốt hơn lo cho vợ con thiên hạ. Mặt Tiễn bỗng nghiêm lại: - Chú với Kim Ngân không cứu vãn được nữa sao? Sơn uể oải lắc đầu: - Em không thể bỏ con mình, còn Ngân thì dứt khoát không sống chung với thằng bé. Càng lúc Ngân càng lộ nhiều trái khuấy trong tính nết, nhưng cô ấy luôn cho là mình đúng và bắt em chịu đựng. Cô ấy xem việc em có bé Phước là một điều không thể tha thứ, vì em và mẹ đã không thỏa thuận trước mà lại đặt cô ấy vào sự đã rồi. Ông Tiễn chép miệng: - Cứ lấy điều đó để làm cớ dằn vặt chồng thì chết mới hết chuyện. Người ta không biết mình chết lúc nào để chấm dứt sự bất đồng. Chịu đựng hết nổi thì giải phóng cho nhau. Sơn thở dài: - Ngân đâu có lỗi gì trong việc không có con. Ông Tiễn ngập ngừng: - Nó có lỗi ở việc nó không hề muốn có con. Sơn cau mày: - Anh nói vậy là sao? Tiễn hơi bối rối nhưng sau đó, anh nói: - Thì Ngân lần lữa mãi không chịu có con sớm, chỉ vì muốn đi học nước ngoài, đến hồi bị gia đình đốc thúc việc con cái thì muộn rồi. Tất cả cũng tại nó. Không tin, chú cứ hỏi Hạnh, chị chú rành Ngân hơn ai hết. Sơn im lặng. Anh uống ngụm cà phê cuối cùng, lúc này anh tỉnh táo hẳn. Ông Tiễn chuyển câu chuyện sang hướng khác: - Nghe nói chú định đổi xe hả? Sơn máy móc gật đầu nhưng tâm trí anh mãi nghĩ đâu đâu. Anh nhớ tới lần gặp bác sĩ Thuận ở nhà chị Hạnh. Lần đó, bác sĩ Thuận ra vẻ biết rất rành Ngân, bây giờ anh Tiễn lại úp mở nói: "Ngân có lỗi vì cô ấy không muốn có con". Lẽ nào Ngân từng gặp bác sĩ để nhờ phá thai vì cô ghét có con? Người Sơn chợt lạnh toát vì thắc mắc này. Anh phải hỏi chị Hạnh cho ra lẽ mới được. Nếu đúng vậy, Ngân thật đáng trách. Và anh cũng không bao giờ tha thứ cho cô. Không ngăn được nôn nóng, Sơn bảo: - Xin lỗi, em phải về với bé Phước. Ông Tiễn vô tư khoát tay: - Ờ... Thì về đi. Anh ngồi đây chờ mấy đứa bạn. Sơn phóng xe một mạch tới nhà bác sĩ Hạnh. Hy vọng giờ này chị Hạnh đã về. Dựng xe, nhấn chuông, chị Thêm ra mở cửa với vẻ ngạc nhiên. - Cậu đi một mình hả? Bé Phước đâu rồi? - Nó ở nhà với nội. - Nghĩa là nó không bệnh gì hết? - Không. Tôi gặp chị Hạnh có chút việc. Chỉ về chưa? - Dạ rồi. Cậu vào nhà đi! Sơn vào phòng khách và đốt thuốc. Anh rít được hai hơi thì bác sĩ Hạnh ra tới. Nhìn Sơn, bà Hạnh cười cười: - Sao, chuyện gì mà cậu tới đây vào giờ hơi... bị thiêng này? Sơn khoanh tay: - Chị thử đoán xem? Bà Hạnh nhíu nhíu mày. Bà không nghĩ Sơn muốn biết về Thiên Lý, nhưng vẫn lơ lửng: - Chắc em muốn hỏi chị về một ai đó? Sơn bập mạnh vào đầu lọc điếu thuốc. Anh không bình tĩnh trước vẻ ung dung của bà chị họ. Anh hỏi thẳng: - Em muốn biết nguyên nhân dẫn đến việc Ngân bị vô sinh. Hạnh tròn mắt: - Trời đất! Chị đâu phải bác sĩ của Ngân. Chị không nói được... Sơn nghiêm mặt: - Nhưng chị biết lý do phải không? - Thì biết... Trong bệnh án có ghi rõ, cậu cũng biết vậy... Sơn xụ mặt: - Chị đừng làm bộ nữa. Cái em muốn biết là nguyên do sâu xa dẫn tới chuyện Ngân bị vô sinh kìa. Thấy bà Hạnh im lặng, Sơn nói tiếp: - Không lẽ chị muốn Ngân tiếp tục coi em là một thằng ngốc. Cô ta muốn làm gì thì làm, cả những việc tước bỏ quyền được sống, được làm người của con em mà em không hay không biết sao? Bà Hạnh thở dài. Ngập ngừng một đỗi, bà mới nói: - Chị giấu em và dì Trà chuyện Ngân chẳng qua chị muốn hai đứa sống hạnh phúc bên bé Phước. Khổ nỗi, mọi việc không được như vậy, hai đứa càng ngày càng mâu thuẫn. Ngân làm chị thất vọng quá, khi cô ấy cương quyết không chấp nhận bé Phước. Thằng bé có tội gì đâu, Ngân lại quá ích kỷ. Sơn nóng nảy: - Phải Ngân từng phá thai không? Bà Hạnh gật đầu: - Đúng vậy! Và không phải chỉ một lần. Lần sau cùng là trước khi đi Nhật... Bác sĩ Thuận đã từng khuyên Ngân nên giữ lại đứa nhỏ, nhưng vì ham đi tu nghiệp, Ngân bất chấp lời khuyên... Hậu quả của những lần phá thai đã dẫn đến tình trạng vô sinh vĩnh viễn của cô ấy. Sơn ngồi như hóa đá. Lâu lắm, anh mới kêu lên: - Trời ơi! Sao Ngân dám làm thế chứ. Bà Hạnh ngậm ngùi: - Lúc đó Ngân còn trẻ, khoẻ nên nghĩ chuyện có con quá dễ dàng, dễ còn hơn phá nó đi gấp mấy lần. Sơn đập mạnh tay xuống ghế: - Chỉ vì ham đi tu nghiệp, ham danh mà đang tâm bỏ giọt còn trong trứng nước của mình. Trời ạ! Em thật sự bị sốc vì vợ mình. Bà Hạnh nhìn Sơn: - Chắc Ngân nó cũng ân hận lắm rồi. Sơn cười nhạt: - Làm gì có chuyện đó. Cô ấy vẫn luôn mồm bảo không thích có con. - Khi không được cái gì, người ta thường nói mình ghét cái đó. Em phải thông cảm cho Ngân, chuyện cũ rồi, bỏ luôn đi. Sơn lắc đầu: - Lời khuyên của chị nhạt lắm. Em không thể bỏ qua khi nghĩ tới việc làm ác độc của Ngân. Cô ấy đúng là ác. Em luôn cố hàn gắn lại sự rạn nứt trong tình cảm vợ chồng, em không muốn li dị, nhưng bây giờ tất cả khác rồi. Bà Hạnh ray rứt: - Chị rất tiếc... Dì Trà mà biết chắc Ngân khó sống yên. - Em không để mẹ biết, mất công mẹ nghĩ ngợi lung tung thêm khổ. Cứ để bà thanh thản với thằng Phước. Tay run run đốt điếu thuốc khác, Sơn hạ giọng: - Khi quyết định có con với một phụ nữ khác, em lúc nào cũng thấy mình có lỗi với Ngân, bởi vậy em đã yêu cô ấy nhiều hơn như để bù đắp. Nhưng tình yêu đó giống như đem sỏi ném vào đại dương, chả có âm vang nào vọng lại. Ngân trách em đặt cô ấy vào sự đã rồi, nhưng nếu em và mẹ không làm thế mà hỏi ý Ngân thì sao? Giờ thì em khẳng định cô ấy không chịu. Bản chất của Ngân là ích kỷ mà... Cám ơn chị cho em biết sự thật. Em sẽ có quyết định của mình. Bà Hạnh nhỏ nhẹ: - Em cũng đừng bức xúc quá. Nếu không ở được nữa thì giải phóng cho nhau, níu kéo chỉ thêm khổ. Cuộc đời vẫn còn trước mắt cả hai mà, lo gì không tìm được hạnh phúc mới. Sơn lắc đầu: - Em mệt mỏi lắm rồi chị ơi! Xin chị hai chữ bình yên. Đứng dậy, Sơn nói: - Em về đây. Quấy rầy chị nhiều quá rồi. Bà Hạnh bước theo Sơn ra tận cổng. Trước khi phóng xe đi, anh ngập ngừng: - Bao nhiêu năm rồi, chị có biết tin gì của Thiên Lý không? Mặt rất bình thản, bà Hạnh ngắn gọn: - Không hề. Thấy Sơn có vẻ ngần ngừ, bà Hạnh hỏi thêm: - Em vẫn còn nhớ Thiên Lý à? Sơn nhếch môi: - Em đâu phải hạng vô tình vô nghĩa. Cầu mong sao Thiên Lý có được hạnh phúc. Với em, Lý lúc nào cũng có một chỗ trong tim. Hơn thế nữa, bé Phước cũng là một phần của Lý, cô ấy hầu như vẫn quanh quẩn quanh em. Bà Hạnh chớp mắt: - Nè! Rượu nói hay cậu nói vậy? Bữa nay cậu lạ quá! Sơn cười nhẹ: - Em có uống một chút, nhưng em nói chớ không phải rượu. Mà nói để giải tỏa lòng mình thôi chớ em cứ hát mãi câu: "Nghìn trùng xa cách, người cuối chân trời, đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người..." Dứt lời Sơn phóng xe vút đi. Vâng! Đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người.