Kiên ngồi im nơi bãi cỏ cạnh dòng sông. Hàng cây sao cao vút và thẳng tắp. Gió man mát, gờn gợn mặt nước xanh. Con sông Bến Tre tới đây mở rộng ra vì khoảng vài cây số nữa nó gặp con sông mẹ Hàm Luông. Vài dề lục bình trôi dật dờ theo con nước ròng. Cái Cối phía bên kia sông. Anh đoán như vậy. Mười mấy năm sống xa quê anh không còn nhớ được nhiều trừ các làng xã quen thuộc như An Hội, Mỹ Lồng, Lương Hòa, Lương Phú, Lương Quới, Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Hòa, Châu Bình, Bình Chánh, Bình Hòa... Bến Tre không rộng lắm nhưng vẫn là vùng đất bao la đối với một đứa trẻ. Suốt tuổi thơ của anh hầu như chỉ đi xa vài lần. Gọi là xa song thật ra cũng chỉ quanh quẩn trong quận Giồng Trôm và đôi lần lên tỉnh lỵ. Con đường chạy ra ngã ba Hàm Luông thưa vắng người đi. Dinh tỉnh trưởng đìu hiu. Người lính gác dinh đi đi lại lại. Kiên mỉm cười nhớ lại ông đại tá hiền lành và vui vẻ mà mình đã gặp cách đây gần tuần lễ. Khi anh và toán thám sát đem giao Chín Lê cho phòng 2, lính tráng trong tiểu khu đều xôn xao bàn tán và chuyện đó tới tai vị tỉnh trưởng. Ông ta mời thiếu tá Đính với Tuân và anh lên dinh tỉnh trưởng ăn cơm tối để nghe thêm chi tiết của cuộc đột kích táo bạo từ chính miệng của người toán trưởng toán thám sát tỉnh. Ngồi ngắm cảnh một hồi mỏi chân Kiên thả bộ dài dài theo con đường. Anh tự hỏi giờ này Quỳ đang làm gì. Hôm qua gặp nhau, nàng vui mừng báo tin đơn xin đi dạy của nàng đã được ty giáo dục chấp thuận. Bắt đầu niên học nàng sẽ trở thành cô giáo tiểu học. Tuy nhiên nàng không được dạy ở tại tỉnh mà phải đi xuống tận Ba Tri. Như vậy hai đứa sẽ không được gặp nhau thường xuyên nữa. Mỗi người đều có đời sống riêng cho nên họa hoằn họ mới có thì giờ cho nhau. Tuy chưa yêu nhưng cô con gái xứ dừa này lại có một sức hút kỳ diệu khiến cho anh lúc nào cũng muốn gặp nàng và hầu như quên mất giờ giấc để trở về trại lính. Ở bên Quỳ anh như tìm được niềm vui dịu nhẹ để quên đi những chuyến công tác hiểm nghèo. Lang thang trên con đường dọc bờ sông cho tới khi nắng tắt Kiên mới quay trở lại. Phía bên sông đèn lửa mập mờ. Mấy chiếc thuyền dật dờ trôi theo con nước. Nhìn khu nhà lồng chợ sáng rực anh nhớ tới lần đi ăn cá nướng với Quỳ. Tự dưng anh gọi thầm tên nàng trong trí não. Không biết làm gì cho qua thì giờ anh đi bộ tới bờ hồ. Hàng phượng vĩ trơ vơ. Cây me già cỗi. Đèn điện mờ mờ, dọi chút ánh sáng xuống mặt hồ nước xanh rêu. Hồi còn nhỏ, nhà ở bót Hội Đồng Khương, mỗi buổi sáng đi học anh đều đi bộ qua hồ Trúc Bạch. Nhiều người nói dưới hồ có con cá mú khổng lồ đào hang thông ra tận sông Bến Tre. Chuyện thực hư không ai biết được nhưng hồi đó anh thường hỏi là nếu đào hang thông ra tận sông thì tại sao con cá lại chịu ở trong cái hồ nhỏ hẹp, cạn dần nước đầy rong rêu dơ bẩn. Bây giờ trở về sau mười mấy năm anh đi vòng quanh hồ với hy vọng thấy con cá nổi lên. Tuy nhiên mặt hồ vẫn lặng yên. Đi một hồi mỏi chân anh tạt vào quán cà phê uống vài chai 33 rồi trở về trại. Ba tháng hè trôi qua thật nhanh. Lật bật mà chỉ còn tuần lễ nữa tới ngày tựu trường. Nhìn Quỳ lăng xăng sửa soạn quần áo và mọi thứ lỉnh kỉnh để đi Ba Tri, Kiên cảm thấy buồn. Lững thững bước ra bên hông nhà, tới ngồi trên cái võng anh nhìn vơ vẩn. Khu vườn lổ chỗ ánh mặt trời xuyên qua lá cây dọi trên nền đất đen thành bóng nắng lung linh lay động. Trong không khí lãng đãng hơi nước và mùi hoa sứ.- Anh Kiên...Kiên ngước lên. Quỳ đứng đó. Quần lụa đen. Áo bà ba trắng ngắn tay để lộ ra hai cánh tay trắng hồng. Nụ cười buồn. Mắt long lanh còn buồn hơn nụ cười. Mái tóc huyền thơm hương hoa sứ. Hai cánh mũi phập phòng.- Anh buồn hả anh? Quỳ hỏi nhỏ. Kiên gật đầu. Ba tháng. Tình cảm giữa hai người chỉ tiến tới mức thân mật để gọi nhau bằng anh em. Nụ cười e ấp của Quỳ. Ánh mắt nhìn nhiều ý nghĩa của Kiên. Đôi lần đi ăn, đi nghe nhạc, ngồi đò qua Cải Cối để ăn trái cây và đi thăm Cái Mơn. Họ ở cạnh nhau, quấn quít bên nhau trong ngôi nhà ngói rộng với khu vườn đầy bóng lá và mùi hoa sứ. Kỹ niệm không có nhiều, chỉ vừa đủ để cho hai tâm hồn trẻ chớm nở tình cảm phải bịn rịn và buồn rầu vì sẽ không còn được trông thấy nhau mỗi ngày. - Anh nhớ đi thăm Quỳ nghen...Quỳ dặn và Kiên gật đầu cười gượng.- Chừng nào anh đi thăm Quỳ?Kiên ngập ngừng chưa trả lời. Bắt gặp cái ngập ngừng của anh Quỳ dùng dằng.- Thấy chưa... Anh đâu có thích đi thăm Quỳ? Kiên nắm lấy bàn tay của Quỳ và nàng để yên không rụt lại. Đây là lần đầu tiên anh nắm lấy tay nàng. Cô gái Bến Tre cảm thấy một rung động và xuyến xao bùng lên rồi lan tỏa khắp nơi. Cảm giác này đã xảy ra khi nàng bước lên chiếc xe đò và nhìn thấy anh lần đầu tiên. Tuy nhiên lần này sự rung động và xao xuyến mạnh hơn, lâu hơn bởi vì có thêm sự đụng chạm thân xác. Bàn tay mềm ấm của anh rung nhè nhẹ cho nàng biết là anh cũng có cảm giác tương tự như mình. Kiên đứng lên. Nhìn sâu vào mắt Quỳ anh thì thầm.- Quỳ đi rồi anh nhớ Quỳ lắm...Quỳ cảm động vì câu nói giản dị của Kiên. Nàng biết anh thành thật khi nói ra câu đó. Tâm hồn của Kiên không dung dị như người khác. Nó phức tạp và khúc mắc. Chỉ khi nào thành thật với lòng mình anh mới nói ra lời mộc mạc và chân thành.- Quỳ cũng nhớ anh... nhớ nhiều...- Nhớ nhiều rồi Quỳ làm gì?Kiên cười hỏi. Quỳ lắc lắc mái tóc huyền của mình.- Hổng biết... Buồn... Viết thư cho anh...- Anh sẽ đi thăm Quỳ nhưng không biết ngày nào...Quỳ cười buồn.- Quỳ hiểu... Anh là lính... Buông tay Quỳ ra Kiên thở dài. Dù anh thở dài thầm lặng nhưng dường như Quỳ nghe được. Từ nơi hàng ba văng vẳng tiếng nhạc và giọng hát buồn.- Anh đi rồi còn ai vuốt tócLời tình thơm sách vở học tròÐêm xuống rồi anh buồn không hởTrời sa mù tầm tay với âu lo Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡngCổ em cao tay mười ngón thiên thầnTóc em xanh trùng dương sóng gọiAnh ngập ngừng đứng ngóng bâng khuâng Anh đi rồi còn ai tình tựÐêm đầy trời tiếc nhớ bơ vơPhút yêu em dấu lần quá khứNụ hôn đầu rụng xuống ơ thờ... Kiên nhìn sâu vào mắt Quỳ. Ở trong đôi mắt sâu không đáy đó anh thấy thấp thoáng khuôn mặt của mình lung linh. Ánh mắt như hơi thở nóng phà ra sự sống. Quỳ cảm thấy lời thì thầm của người con trai chở chất nhiều tình tự. '' Em đi rồi anh đâu còn ai vuốt tóc... Lời tình thơm hơn sách vở học trò... Em đi rồi... Anh đâu còn ai để chiêm ngưỡng... Bàn tay em mười ngón thiên thần... Em đi rồi anh còn ai đâu mà tình tự... Hương của Quỳ anh tiếc nhớ bơ vơ... Phút yêu em dấu lần quá khứ... Nụ hôn đầu rụng xuống ơ thờ...'' Quỳ ngước lên nhìn Kiên mỉm cười. Nụ cười nửa hẹn hò, khuyến khích và dâng chịu. Nàng chỉ ơ ơ tiếng nhỏ khi Kiên chậm chạp, từ tốn hôn lên môi nàng. Gọi là hôn cũng không đúng. Nó như là môi chạm môi. Nụ hôn nửa chừng không trọn vẹn nhưng cũng đủ để làm cho nàng choáng ngợp vì hành động của Kiên, run rẩy vì lần đầu tiên được hôn bởi chàng trai trẻ mà mình có tình cảm sâu đậm.- Quỳ đi anh nhớ mùi của Quỳ... Quỳ chớp mắt. Hàng mi đen dài cong cong lay động. Hai cánh mũi nàng phập phòng vì hơi thở rộn ràng và tim đập mạnh. - Anh...Quỳ nói một tiếng thôi rồi ngập ngừng. Sự rung động khiến cho nàng nghẹn lời. Lát sau nàng mới mỉm cười thỏ thẻ.- Quỳ cũng nhớ anh... nhớ nhiều lắm...Hơi lùi lại một chút như không để cho Kiên hôn mình lần nữa, nàng cười tiếp.- Sợ Quỳ nhớ anh còn nhiều hơn anh nhớ Quỳ nữa...Kiên cười hăng hắc.- Chưa biết à nghen... Quỳ dùng dằng có pha chút nũng nịu.- Sao hổng biết... Không có Quỳ, anh nhớ cô khác...- Cô nào đâu chỉ coi...Quỳ ú ớ.- Thiếu gì... Trúc Giang thiếu gì cô đẹp...Kiên cười hì hì.- Đâu có cô nào đẹp bằng cô Quỳ... Hai người vừa đi vừa trò chuyện. Gió rì rào trên vòm cây xanh lổ chỗ ánh nắng. Không khí man mát. Xuyên qua kẻ lá Kiên thấy thấp thoáng mặt trời vàng hực ở trên cao thật cao.- Quỳ hổng đẹp mà anh thương...Quay sang nhìn Kiên, Quỳ cười thật tươi. Nhẹ nắm bàn tay của Kiên nàng thì thầm.- Thiệt hông...- Thiệt...- Mình thương nhau, yêu nhau suốt đời nghe anh...Kiên gật đầu một cách quả quyết.- Anh yêu Quỳ... Mãi mãi yêu Quỳ... Quỳ ngừng bước. Xoay người đứng đối diện với Kiên, nàng nhìn đăm đăm vào mặt chàng thanh niên, tuy quen không lâu nhưng đã làm trái tim của nàng thổn thức.- Quỳ thương anh... Hôm qua, hôm nay, ngày mai, lúc nào cũng thương anh và mãi mãi thương anh... Hai tâm hồn còn trẻ tỏ bày tình yêu một cách chân thành, mộc mạc, bình dị và nghiêm trọng. Những lời của họ như một hẹn ước, đổi trao cuộc đời cho nhau đồng thời cũng xác định một thái độ. Đó là sự tin tưởng vào tình yêu và tín nhiệm người yêu. Tình yêu là một điều bất biến và bất hoại. Tình yêu ở trong họ từng sát na. Nó tới và trụ ở trong họ để làm cho họ sẽ phải nhớ nhau suốt đời. - Mình đi đâu chơi nghen Quỳ?- Dạ mà đi đâu? Kiên ngập ngừng. Tuy nêu ra ý kiến song thực tình anh không biết phải đi đâu. Vào quán cà phê nhạc thì hai đứa đã đi nhiều lần rồi. Bến Tre là tỉnh quê mùa và nghèo nàn với lại thêm chiến tranh ngày một lan rộng thành ra chỗ du lịch cũng không có. Quỳ reo nho nhỏ.- Mình đi Bình Đại. Mình dìa thăm Ngoại... Ngoại mà thấy anh Ngoại sẽ cưng anh liền hà...Kiên cười hì hì.- Ngoại cưng anh mà Ngoại có chịu gả cháu Ngoại cho anh hông…Bật cười hắc hắc Quỳ ngoẹo đầu nhìn Kiên.- Hỏng biết… Chuyện đó anh phải năn nỉ Ngoại…Nắm tay Quỳ kéo đi, Kiên hỏi nhỏ.- Mình đi xe đò hả?Quỳ lắc đầu.- Để Quỳ mượn honda của anh Ba... Mình đi honda lẹ hơn...Hai đứa đi vào nhà. Tân, anh rể thứ ba của Quỳ vui vẻ đưa chìa khóa cho Kiên. Kéo Tân ra cửa, Kiên thì thầm.- Dạ đường đi có an ninh không anh?Hiểu ý của Kiên, Tân cười vỗ vai.- Em đừng lo... Con lộ từ tỉnh về Bình Đại ban ngày hổng có gì đâu...Chiếc honda từ từ ra đường lớn rồi quẹo mặt. Lát sau nó chạy bon bon trên con đường tráng nhựa từ tỉnh lỵ đi bến đò Tân Thạch. Dường như mãi suy nghĩ chuyện gì, Kiên không cười đùa hay nói chuyện nhiều với Quỳ đang ngồi phía sau. Bây giờ thì nàng đã dạn dĩ vòng hai tay ôm eo ếch dù chỉ ôm hờ. - Quỳ hổng ôm chặt té ráng chịu nghen...Quỳ hơi đỏ mặt khi ngước thấy Kiên đang quay đầu lại nhìn mình cười hì hì. - Ôm chặt rồi... Kiên nói trong tiếng cười.- Lỏng le mà chặt gì...Không nói Quỳ xiết chặt hai tay của mình lại.- Được chưa...?- Chút nữa...- Hông đâu... người ta cười chết... Quỳ đâu phải bồ của anh đâu mà ôm chặt cứng...- Hổng bồ vậy là cái gì?- Yêu...- Giải thích?Kiên hỏi gọn và Quỳ trả lời bằng giọng nghiêm nghị.- Bồ thì giai đoạn, hời hợt và ít tình cảm. Còn yêu thì... thì... anh biết rồi mà...Kiên cười gật đầu quay nhìn lại và thấy ánh mắt đang ngước nhìn mình một cách âu yếm.- Quỳ đi dạy ở Ba Tri bao lâu?- Dạ sáu tháng. Cậu Năm nói đi nửa năm thôi rồi sau đó cậu sẽ nói với ông trưởng ty cho về dạy ở tỉnh lỵ.- Cậu Năm là ai vậy?- Dạ cậu Năm bà con bên ngoại. Ông nội của cậu Năm với bà ngoại của Quỳ là anh em ruột. Cậu là phụ tá cho ông trưởng ty. Cậu nói cậu có thể xin cho Quỳ vào dạy ở tại tỉnh cũng được nhưng làm như vậy không công bằng. Cậu không muốn người ta dị nghị...Kiên gật đầu lên tiếng.- Cậu Năm làm như vậy phải rồi... Tuy buồn vì xa Quỳ nhưng anh đồng ý với cậu...Làm thinh giây lát Quỳ mới nói nhỏ.- Đầu tiên cậu Năm tính đưa Quỳ về Giồng Trôm nhưng sau đó cậu đổi ý vì Ba Tri yên hơn Giồng Trôm, với lại dì Sáu của Quỳ cũng ở Ba Tri. Quỳ sẽ ở nhà của dì Sáu. Anh có đi Giồng Trôm hay Ba Tri chưa?- Chưa đi lần nào?Kiên không hiểu lý do gì mà anh lại trả lời chưa. Khi nói xong rồi anh mới giật mình cảm thấy ân hận vì đã nói dối Quỳ. Mình không thành thật. Ý nghĩ đó làm Kiên cảm thấy ray rứt và khó chịu với chính mình.- Anh chưa đi nhưng anh biết Giồng Trôm và Ba Tri...Kiên cố vớt vát bằng câu nói trên. Xiết vòng tay chặt hơn, dụi đầu vào lưng của Kiên, Quỳ cười nhỏ.- Đừng có xạo nha... Chưa đi làm sao anh biết...Kiên cười gượng. Anh muốn nói cho Quỳ biết mình là dân Bến Tre, sinh ra ở Giồng Trôm, lớn lên và đã từng đi học tiểu học ở trường tiểu học Phan Thanh Giản. Nhưng anh cảm thấy khó mở lời. Có lẽ anh sợ Quỳ giận. Có lẽ lý do thầm kín nào đó khiến cho anh muốn giấu biến lai lịch của mình. Anh mỉm cười nghĩ thầm trong trí: '' Cứ để cho Quỳ tưởng mình ở Sài Gòn. Làm dân Sài Gòn hách hơn dân xứ dừa...". Anh hài lòng với ý nghĩ đó.Nghe Kiên làm thinh, Quỳ lập lại câu hỏi của mình.- Chưa đi làm sao anh biết. Xạo phải hôn?Kiên cười hì hì.- Anh đọc sách... Coi bản đồ...- Vậy mà cũng khoe... Quỳ hổng thèm ôm anh đâu...Tuy nói như vậy nhưng Quỳ lại xiết chặt vòng tay hơn chút nữa. Mặc dù mới yêu lần đầu, tuy nhiên nàng cũng biết chút ít về chuyện trai gái xuyên qua hai bà chị ruột. Khi biết hai đứa quen nhau chị Hai của nàng đã dặn dò nhiều thứ trong đó có chuyện đàn ông con trai hay táy máy chân tay. Không hiểu táy máy tay chân có nghĩa như thế nào nên nàng hỏi tới. Lúc đó chị Ba mới giải nghĩa là sờ soạng khiến cho nàng cười hắc hắc nói giỡn nếu Kiên thích táy máy tay chân, thời nàng sẽ cho anh được làm thả dàn. Tuy nói như vậy nhưng dù đã đi chơi với nhau nhiều lần mà Kiên vẫn không có táy máy tay chân. Là con gái sinh sống nơi tỉnh lỵ, nàng khờ khạo và nhút nhát đã đành mà Kiên cũng không được dạn dĩ lắm. Ba tháng quen nhau, anh chỉ nắm tay nàng có một lần thôi. Anh không hề có cử chỉ nham nhở, thái độ suồng sả, bốc hốt hay táy máy tay chân, ngay cả lời nói sống sượng cũng không có luôn. Anh chỉ dùng lời nói bóng gió xa xôi, họa hoằn lắm mới có cái nhìn mê man. Nhiều khi tò mò nàng cũng muốn Kiên táy máy tay chân coi ra làm sao, nhưng vì mắc cỡ đành ngậm miệng làm thinh. Con gái hổng lẽ lại bảo người con trai quen với mình hãy táy máy tay chân để coi có cảm giác mới lạ gì… Quỳ cảm thấy mặt nóng bừng lên khi nghĩ tới lúc bàn tay của Kiên táy máy trên thân thể của mình. Xe ngừng lại để chờ qua cầu Ba Lai.- Mấy giờ rồi anh?- 9 giờ... Mấy giờ mình mới trở lại?- Dạ chừng một hai giờ...Kiên quay đầu lại nhìn. Anh mỉm cười khi thấy Quỳ, tay ôm eo ếch còn đầu ngã vào lưng của mình.- Anh có phiên trực tối nay...- Trực là gì hả anh?- Là mình phải có mặt trong trại để phòng khi có chuyện gì xảy ra...Kiên giải thích vắn tắt cho nàng hiểu ứng trực là bị đặt trong tình trạng sẵn sàng đối phó lại trong trường hợp địch quân tấn công một cách bất ngờ nhất là vào ban đêm.- Anh có máu D thật hả anh?Quỳ không hiểu tại sao nàng lại bật ra câu hỏi kỳ cục như vậy. Kiên cười hắc hắc.- Anh nói giỡn chứ làm gì có máu D. Quỳ đã học môn Vạn Vật, Quỳ biết người ta chỉ có 4 loại máu mà... Ui da... Đừng có nhéo…Kiên la làng vì bị nhéo một cái vào hông.- Anh kỳ ghê. Mai mốt anh xạo Quỳ sẽ nhéo mười cái. Nhéo bắp vế non cho anh chừa cái tật hay xạo...Kiên cười hì hì. Quỳ lên tiếng.- Sắp tới rồi... Anh coi chừng quẹo dô con đường lộ đá phía tay mặt... - Anh biết rồi... Quỳ khỏi chỉ...- Sao anh biết?Quỳ vặn. Kiên nói trong lúc nhìn ngã rẽ bên trái đi vào quận lỵ của quận Trúc Giang. Quá một chút là ngã rẽ bên phải đi An Hóa và Bình Đại.- Anh coi bản đồ. Ngã rẽ đi về An Hóa, Bình Đại gần với quận lỵ Trúc Giang. Nó chạy qua Quới Sơn, An Hóa, Long Định, Giồng Tre và Bình Đại...Quỳ xì tiếng dài.- Xí... Cái biết của anh là cái biết sách vở... Còn cái biết của Quỳ là biết thực. Anh có ở Bình Đại hông?Kiên nhẹ lắc đầu. Anh muốn phun ra, nói cho Quỳ biết mình không ở Bình Đại nhưng lại ở Giồng Trôm. Bến Tre cũng là quê của anh. Sau khi quẹo vào con đường về Bình Đại, Kiên phải chạy chậm lại vì đường có nhiều ổ gà và đá cục. Đó là thành quả của Mặt Trận. Họ đặt mìn, đấp mô, gài lựu đạn để biến con đường tráng nhựa thành ra con lộ đá lồi lõm đầy ổ gà. Giải phóng đâu không thấy mà họ phá hoại nhiều hơn. Thay tên Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thành tên Mặt Trận Phá Hoại Miền Nam mới đúng nghĩa của nó. Xe ngừng lại ở An Hóa cho hai đứa ngắm cảnh, dù chẳng có gì để ngắm ngoài ngôi nhà lồng chợ đầy rác rến với hai dãy nhà tôn lẫn ngói cũ kỹ và rêu mốc. Tuy cách xa tỉnh lỵ chừng hai mươi cây số song An Hóa vẫn là vùng quê mùa so với An Hội xuyên qua cách ăn mặc, nói năng và đời sống bình lặng, nhàn hạ hơn. Tuy nhiên đó chỉ là ban ngày thôi. Cũng giống như các quận, làng, xã, ấp trong tỉnh, An Hóa ban đêm là giang sơn của mặt trận. Người của họ âm thầm trở về để chứng tỏ quyền lực của mình đối với dân quê, xuyên qua các hành động ám sát, đặt mìn, đấp mô cùng hàng loạt các hoạt động quân sự khác như pháo kích, tấn công đồn bót hay cứ điểm của quốc gia. Do ở tình trạng bất ổn định, kém an ninh này mà dân chúng có một thái độ hoặc lối sống kỳ quặc song thích hợp với tình thế. Ban ngày theo quốc gia còn ban đêm theo mặt trận. Khi mặt trời lên họ là người của bên này. Khi mặt trời lặn họ ngã về bên kia. Người dân quê riết rồi sống như lục bình trôi theo con nước lớn, nước ròng. Họ trôi theo vận mạng của dân tộc đang chìm đắm trong cuộc chiến tranh giữa hai miền Bắc Nam, được khởi động bởi hai thứ chủ nghĩa tư bản và cộng sản. Miền Bắc theo chủ nghĩa cộng sản, một thứ chủ nghĩa ngoại lai không đặt căn bản trên tình tự dân tộc, sặc máu lửa, hận thù và chém giết. Còn miền Nam được chỉ huy bởi chủ nghĩa tư bản, thứ chủ nghĩa của tây phương, thứ chủ nghĩa chỉ chú trọng vào vật chất mà chẳng thiết tha gì tới tinh thần, quyền lợi của quốc gia dân tộc và giá trị của đạo đức. Quỳ và Kiên im lặng trên suốt đoạn đường từ An Hóa về Bình Đại. Dường như hai đứa mãi chìm đắm trong ý nghĩ riêng tư của mình. Sau khi qua khỏi Giồng Tre một đổi, Quỳ mới lên tiếng hỏi.- Tại sao anh đi lính?Kiên im lặng làm bộ như không nghe câu hỏi của Quỳ. Anh cần suy nghĩ trước khi trả lời vì anh biết cô gái đang ngồi sau lưng mình có học và chịu khó suy nghĩ. Câu hỏi mà nàng bật ra không phải hỏi vu vơ, hỏi cho có chuyện mà phát khởi từ sự suy nghĩ chín mùi. Do đó anh phải cẩn thận khi trả lời để không bị nàng chọc quê.- Anh đi lính vì anh chống lại cộng sản...- Tại sao anh chống lại cộng sản?- Tại vì anh muốn được sống tự do. Tự do yêu Quỳ, tự do suy nghĩ và hành động. Tự do ăn nói, tự do được hoan hô và đả đảo...- Anh nghĩ thế nào là tự do?Kiên cau mày. Quen nhau ba tháng, nói chuyện với nhau nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên hai đứa đi vào cuộc đối thoại của một lãnh vực tế nhị là trình bày quan điểm chính trị của mình. Kiên mỉm cười vì ý nghĩ '' trình bày quan điểm chính trị của mình...''- Nói như anh thì người dân ở dưới chế độ cộng sản không có tự do à...- Anh nghĩ như vậy. Để anh nêu một thí dụ như vầy cho Quỳ dễ hiểu. Quỳ biết làng Châu Bình?- Biết. Nó là một làng của quận Giồng Trôm, nằm kề bên sông Ba Lai...Kiên ngắt lời Quỳ.- Nó nằm trong vùng giải phóng của mặt trận. Đúng không?Quỳ gật đầu nhưng nhớ ra Kiên không thấy mình gật đầu nên nàng lên tiếng.- Anh nói đúng. Châu Bình nằm trong vùng giải phóng...- Bây giờ nếu anh đi vào làng Châu Bình. Anh đứng giữa làng và la lớn: '' Đả đảo Hồ Chí Minh. Đả đảo cộng sản...''. Em nghĩ các ông du kích của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sẽ làm gì anh? Quỳ buột miệng trả lời như nàng đã có sẵn câu trả lời.- Anh nói giỡn. Họ sẽ xử tử anh vì tội dám đả đảo bác và đảng...Quỳ cười thánh thót còn Kiên bật cười hắc hắc. Hai đứa đều thích thú vì câu hỏi và câu trả lời của riêng họ.- Bây giờ nếu anh đứng giữa bồn binh của chợ Bến Tre rồi cũng hô: '' Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu. Đả đảo Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa ''. Em nghĩ cảnh sát sẽ làm gì anh?Quỳ làm thinh rồi lát sau mới nói nhỏ.- Em không biết nhưng em đoán...Quỳ ngập ngừng. Kiên cười hối thúc.- Quỳ nói thiệt đi. Nói những gì mà Quỳ đã nghĩ ra trong đầu của mình...Dù Kiên hối thúc nhưng Quỳ lại im lặng. Thấy nàng im lặng, Kiên mới lên tiếng.- Nếu anh ra đứng giữa chợ Bến Tre mà la: '' Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu. Đả đảo Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa...'' thì mấy ông cảnh sát có thể cười cợt nói anh điên. Cùng lắm thì họ bắt anh, giam cầm năm ba bữa rồi thả anh ra. Hoặc họ lập biên bản đưa anh ra tòa vì tội phát ngôn bừa bãi. Có thể anh sẽ bị tù năm ba tháng thôi...Ngừng lại giây lát Kiên chép miệng thở dài.- Đó là sự khác biệt căn bản giữa hai chế độ tự do và cộng sản. Không có tự do dưới chế độ cộng sản. Đó là lý do chính khiến cho anh đi lính. Chống lại cộng sản là anh thể hiện ý chí muốn được sống tự do. Anh không muốn bất cứ ai bắt anh phải câm miệng khi mình muốn nói. Anh không muốn ai cấm anh không được yêu Quỳ...Quỳ làm thinh không hỏi nữa. Lát sau nàng mới lên tiếng lãng sang chuyện khác.- Sắp tới nhà Ngoại rồi anh...Quay lại nhìn Quỳ đang dựa đầu vào lưng của mình, Kiên cười nhẹ.- Có thể em không đồng ý với anh về những điều anh đã nói. Em có quyền phát biểu ý kiến của mình... Chúng ta đang sống dưới một chế độ tự do mà...Quỳ ngước lên. Kiên cảm thấy lòng mình bình an và thư thả khi nhìn vào đôi mắt sâu không đáy của cô gái xứ dừa. Anh như thấy lại thời thơ ấu của mình. Những đêm trăng sáng. Buổi trưa hè nóng êm ả lang thang trong khu vườn hoang sau trường học tìm bắn con chim gõ kiến để lãnh năm đồng từ tay chú Ba, mà dân trong làng đặt cho cái tên ngộ nghĩnh chú Ba Tàu, tin rằng toa thuốc trong đó có con chim gõ kiến có thể trừ được bệnh suyễn cho đứa con gái Út của chú. Năm đồng là số tiền lớn đối với anh, một đứa trẻ con nhà nghèo. Nhiều lắm những kỹ niệm. Đầy ắp những hồi tưởng. - Coi chừng anh lủi xuống ruộng...Kiên liếc nhanh về trước rồi quay đầu lại cười hì hì.- Lỗi tại em...- Xí... tại anh có tật mê gái...- Đúng rồi... Anh mê cô gái tên Quỳ...Quỳ cám ơn câu nói này bằng cách xiết chặt vòng tay ôm hơn nữa. Kiên cười hì hì.- Chà coi bộ em lậm rồi đó nghen...Hiểu ý Kiên, Quỳ thở dài.- Quỳ biết. Quỳ thương anh hơn anh thương Quỳ. Cái đó mới thiệt là ngu...Kiên cười hì hì.- Theo anh cái đó mới thiệt là khôn. Cái đó mới chính là tự do yêu thương...Theo lời chỉ, Kiên quẹo phải vào con đường đá đỏ lưa thưa nhà cửa. - Nhà thứ nhì bên trái đó anh...Có tiếng chó sủa rồi mấy đứa nhỏ mặc quần đùi ở trần chạy ùa ra sân. - Út dìa tụi bây ơi...- Út có kẹo cho con hông Út...Chúng tíu tít chào hỏi Quỳ và đòi kẹo. - Út hổng có kẹo. Út cho mỗi đứa năm đồng...Quỳ mở bóp phân phát cho mấy đứa cháu mỗi đứa 5 đồng. Chúng chạy biến ra chợ mua kẹo bánh. Bà Ngoại của Quỳ bước ra hàng hiên. Ôm lấy Ngoại,Quỳ giới thiệu Kiên. Dì Năm của Quỳ từ sau bếp bước ra hỏi chuyện. Chồng theo kháng chiến rồi tập kết ra bắc với hai đứa con trai, còn con gái út có chồng làm lính nghĩa quân ở quận Bình Đại. Có thể ngày nào đó anh em lại bắn giết nhau. Chuyện đó Kiên đã thấy xảy ra trong dòng họ của mình cũng như bao nhiêu gia đình ở khắp nơi trong nước. Bà Ngoại và dì Năm nói chuyện, hỏi han đủ thứ. Lát sau Quỳ rủ Kiên chạy ra chợ Bình Đại. Cũng gần giống như các quận trong tỉnh như An Hóa, Giồng Trôm hay Ba Tri, Bình Đại là một quận, có thể còn nghèo hơn Ba Tri hay Giồng Trôm. Hai dãy phố buồn hiu. Một tiệm tạp hóa, một tiệm thuốc bắc, một tiệm cà phê hủ tiếu và mấy cái sạp bày bán rau cải cùng trái cây. Đứng nhìn con lộ đá lởm chởm, Quỳ nói với giọng buồn buồn.- Xứ mình nghèo quá hả anh?Kiên gật đầu. Trầm ngâm giây lát Kiên mới quay qua nhìn Quỳ.- Quỳ biết tại sao xứ mình nghèo và dân mình ngu?Quỳ nhìn Kiên với ánh mắt dò hỏi.- Tàu đô hộ mình một ngàn năm khiến cho dân mình ngu và lạc hậu. Sau khi độc lập nước mình được cai trị bởi chế độ quân chủ chuyên chế, chuyên bảo vệ ngai vàng và ưu đãi giới quan lại mà không nhằm chú trọng vào việc khai hóa dân lành. Tiếp theo mình lại bị thực dân Pháp đô hộ. Vì quyền lợi của mẫu quốc, họ không dạy cho dân mình một ý thức tự do và dân chủ mà chỉ chú tâm vào việc vơ vét tài sản và của cải của nước mình đem về Pháp. Đó là lý do tại sao dân mình ngu và xứ mình nghèo. Một người dân không có học, không hiểu thế nào là tự do dân chủ thì họ dễ dàng bị cộng sản chiêu dụ. Họ không có đủ kiến thức để nhận ra xã hội chủ nghĩa mà cộng sản hô hào là một điều không tưởng cũng như thiên đường mà đảng cộng sản đưa ra chỉ là bánh vẽ để lừa bịp dân lành hầu người dân chết cho sự nghiệp chính trị của lãnh tụ. Dù chế độ tự do dân chủ mà anh với Quỳ đang sống đây có nhiều khuyết điểm, nhưng chế độ cộng sản còn tệ hại gấp trăm lần bởi vì nó tước đoạt tất cả mọi quyền căn bản của con người trong đó có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng... Dứt lời Kiên nắm lấy bàn tay của Quỳ bóp nhè nhẹ. Nàng quay qua nhìn anh nhưng im lặng không nói gì hết. Kiên thấy trong đôi mắt long lanh buồn của người con gái mà mình yêu thương có chút gì ưu tư và khắc khoải.