CHƯƠNG 7

    
hông ai có thể quy kết tôi quá lãng mạn được, vì ngay sau khi Marianne Engel kể xong câu chuyện thì điều đầu tiên tôi thốt ra là: “Cô không thấy việc cả hai cùng chết vì bệnh dịch là quá bi thảm hả?”
Tôi sẽ để các bạn tự tưởng tượng tông giọng của cô khi cô nói không, cô không thấy câu chuyện tình yêu này “bi thảm” chút nào.
Sau khi cô đi, tôi ngồi phân tích câu chuyện này từ rất nhiều khía cạnh khác nhau. Nó thật viển vông: nước Ý thời Trung cổ, hy sinh, cống hiến và những chiếc nhẫn cưới được bắn xuyên qua Trái Tim Người Chồng Đích Thực Của Tâm Hồn. Theo logic, tôi đi tới kết luận là điểm cốt lõi của câu chuyện không phải ở việc đôi ấy chết vì căn bệnh hiểm nghèo mà ở chuyện có một điều sâu sắc nào đó trong hành động của Francesco. Tuy nhiên, nếu đang ở trong bếp nấu mì mà vợ bắt đầu rên la vì những cục u to bằng con voi của cô ấy, tôi sẽ phi ra cửa sau ngay tắp lự.
Suốt mất ngày trời, tôi đợi Marianne Engel quay lại, háo hức muốn thông báo với cô rằng sau khi suy nghĩ kỹ càng tôi nhận thấy Francesco cũng không phải một anh ngốc vô phương cứu chữa cho lắm. Tôi muốn cho cô thấy tôi đang phát triển với tư cách một con người, như mấy ông sính dùng thuật ngữ tâm lý học hay nói, vì cô cần được cập nhật thông tin về những sự phát triển này. Khi cô không đến, tôi băn khoăn không biết có phải cô đã bị gọi đi phục vụ bọn gargoyle hay do tôi đã làm cô cụt hứng với mấy câu nhận xét chẳng chút lãng mạn nào của mình. Và cái bộ não to bằng quả óc chó của tôi bắt đầu hoạt động lại: Cụt hứng quái gì? Làm sao tôi lại có thể cho phép bản thân, dù chỉ trong giây lát, nghĩ rằng chúng tôi là một đôi cơ chứ? DỞ HƠI.
Beth đến bên giường tôi mang theo một cái gói mà cô nói vừa được người đưa thư chuyển đến. Tôi xé toạc ra thì thấy một lời nhắn viết trên cuộn giấy da nâu. Chữ trông như được viết bằng bút lông ngỗng, từ hàng thế kỷ trước, bay bướm với thư pháp thất truyền từ lâu.
Người yêu dấu của tôi.
Tôi sẽ làm việc trong vài ngày tới.
Những linh hồn lại chế ngự tôi một lần nữa.
Gargoyle khao khát được chào đời.
Sớm gặp lại anh,
M.
Tôi thấy rất thanh thản vì không phải tại tôi đã làm gì không hợp ý nên cô mới không đến; lý do chỉ đơn giản là một đợt chạm khắc nữa.
Có một bộ phim truyền hình trên ti vi. Edwards lại bị mất trí nhớ lần nữa, còn cô chị gái biệt tăm biệt tích của Pamela đã quay trở lại sau chuyến đi từ thiện tại châu Phi. Tôi đẩy quả bóng lên tấm ván. Tôi nhìn khuôn mặt phản chiếu của mình trên lớp bạc lăn đi. Tôi đạp chân. Thêm nhiều lớp da nữa được thu hoạch. Morphine tiếp tục nhỏ từng giọt một. Con rắn tiếp tục liếm đáy sọ tôi. TA ĐANG TỚI ĐÂY VÀ NGƯƠI CHẲNG THỂ CẢN ĐƯỢC ĐÂU. Và còn nữa: THẰNG ĐỂU, ĐỒ THUA CUỘC, ĐỒ HAY THAN VÃN, THẰNG NGHIỆN, QUỶ SỨ, QUÁI VẬT, ÁC MA, ĐỒ KHỐN, QUÁI THÚ, VŨ PHU, YÊU TINH, ĐỒ HẾT THỜI, ĐÃ CHẲNG LÀ CÁI GÌ RA HỒN, SẼ KHÔNG LÀ CÁI GÌ RA HỒN. KHÔNG ĐƯỢC YÊU, KHÔNG ĐÁNG YÊU, KHÔNG PHẢI NGƯỜI.
A, con rắn ngu ngốc thì biết cái quái gì? Marianne Engel đã gọi tôi là “Người yêu dấu của tôi”.
Tôi nghĩ về Francesco làm việc trong hơi nóng lò rèn. Tôi nghĩ về Graziana ăn mì sợi trên giường bệnh, chỉ một chút để cô cảm thấy đỡ hơn. Tôi nghĩ về những người yêu nhau khi cái chết đang đến gần, tôi cố gắng tưởng tượng mình sẽ trân trọng một người nào đó đến mức sẽ chết vì họ; tôi, người thấy việc sống cho chính bản thân mình đã khó khăn lắm rồi. Và tôi cố gắng hình dung chuyện gì sẽ xảy ra khi cuối cùng tôi cũng được rời khỏi khoa bỏng, và mối quan hệ của tôi với Marianne Engel sẽ thay đổi như thế nào.
Bệnh viện là một môi trường biệt lập nơi tôi thấy sự lập dị của cô thật đa dạng sắc màu, nhưng đó cũng là nơi sự lập dị ấy không có khả năng thật sự ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của tôi theo một cách tiêu cực. Tôi được bảo vệ bởi một thời gian biểu đều đặn, và nhóm bác sĩ chịu đựng cô vì tôi đã đấu tranh cho những cuộc viếng thăm của cô và vì tôi chẳng có một người bạn nào khác - ngoại trừ, có lẽ, Gregor. Vì mới chỉ gặp cô trong một môi trường bó hẹp, hạn chế, tôi bắt đầu băn khoăn thế này: ở đời thực, Marianne Engel sẽ còn điên tới mức nào nữa?
Khi cô nói về những trái tim trong ngực mình, hay cuộc sống của cô bảy trăm năm về trước, đó quả là một sự chuyển hướng tuyệt vời khỏi sự đơn điệu thường ngày. Thỉnh thoảng tôi hơi khó chịu, nhưng trong lòng tôi thường thấy rộn ràng khi nghĩ cô cảm thấy một “mối liên hệ thần bí” với tôi. Nhưng tôi sẽ đối xử với cô như thế nào nếu cô gặp tôi trước vụ tai nạn? Không nghi ngờ gì nữa, tôi chắc chắn sẽ phẩy tay xua cô đi và tiếp tục con đường riêng của mình. Chỉ là một mụ điên khác thôi. Trong bệnh viện, dĩ nhiên, tôi không thể bỏ đi đâu được cả.
Sẽ đến lúc tôi có thể bỏ đi được, nếu tôi muốn.
Cô Marianne Engel của tu viện, lần gặp gần đây nhất là một đứa trẻ sống ở đầu thế kỷ mười bốn, đã bắt đầu công cuộc tập huấn của mình trong phòng viết tại Engelthal. Những trụ sở như thế được lập ra từ vài trăm năm trước, khi Charlemagne ra lệnh xây dựng các thư phòng để lưu giữ những bản thảo quan trọng. Lúc đầu, dĩ nhiên, việc viết sách hầu như chỉ để lưu giữ Lời của Chúa.
Công việc viết lách không hề đơn giản. Anh ấy - hoặc, trong trường hợp ở Engelthal, cô ấy - sẽ chỉ được cung cấp những dụng cụ đơn giản: dao, phiến mài mực, phấn, dao cạo, bọt biển, đầu mẩu bút chì, thước kẻ và dùi đục. Để giữ an toàn cho các cuốn sách, không được phép đốt nến trong phòng viết. Nếu trời trở lạnh, người viết thậm chí còn không thể sưởi ấm tay mình được. Giá trị của các cuốn sách lớn đến mức những phòng viết thường được đặt tại tầng cao nhất của tòa tháp bất khả xâm phạm; bản thân những cuốn sách chứa đựng những đoạn cảnh báo về hậu quả của trộm cắp và phá hoại. Điển hình một đoạn còn viết rằng kẻ trộm sách sẽ bị ốm nặng, sốt cao, bị bánh xe nghiền nát và bị treo cổ. Không phải chỉ chịu một trong số những hình phạt này mà phải chịu lần lượt từng cái một.
Đó là một đời sống khắc khổ, nhưng người viết phải luôn tự nhắc bản thân mình rằng mọi từ cô chép ra vừa là điểm cộng cho cô vào Ngày Phán xét Cuối cùng vừa là một vũ khí chống lại quỷ Satan. Kẻ thù không đội trời chung này, tuy nhiên, không phải loại bị tấn công mà không trả đũa, và thế là hắn đã cử Titivillus, quỷ sứ bảo hộ cho nghệ thuật thư pháp, phản đòn.
Titivillus là một tên tiểu quỷ lắm mưu nhiều kế. Dù người chép có ý định tốt đẹp đến đâu chăng nữa, công việc viết lách cứ lặp đi lặp lại tẻ nhạt vô cùng. Tâm trí sẽ lang thang nơi nào đó và vài lỗi sai sẽ xuất hiện. Nhiệm vụ của Titivillus là đổ đầy sai sót vào cái bao của mình hàng nghìn lần một ngày. Những bản thảo lỗi sẽ được mang đến cho Satan, chúng sẽ được ghi lại vào Cuốn sách Sai sót và được dùng để chống lại những ghi chép về Ngày Phán xét Cuối cùng. Vì thế việc ghi chép đặt người viết vào một tình thế ngặt nghèo: viết chính xác thì được điểm cộng, viết không chính xác sẽ bị điểm trừ.
Nhưng âm mưu của Ác quỷ không thành. Biết được việc làm của Titivillus, những người chép sách càng nỗ lực hoàn thành bản thảo chuẩn xác hơn. Cuối cùng Titivillus không còn cách nào đổ đầy cái bao của mình nữa và bị giáng xuống làm kẻ suốt đời lẩn quất trong nhà thờ, ghi lại tên của những người phụ nữ ngồi buôn chuyện trong thánh lễ Mass.
Trường hợp nào cũng thế, những bản thảo điển hình được viết bởi một thầy ký Trung cổ theo kiểu chữ thường Gothic - điều thú vị ở đây là nó giống hệt kiểu chữ Marianne Engel dùng ghi chép thường ngày. Điều này thật ra cũng chẳng chứng tỏ được điều gì, nhưng tôi sẽ thấy mình thật tắc trách nếu không đả động gì đến nó.
Sáu ngày trôi qua kể từ khi Marianne Engel gửi lời nhắn. Năm ngày kể từ lần gần nhất các miếng thịt của tôi được lóc từ chỗ này đắp sang chỗ khác trên cơ thể. Bốn ngày kể từ khi tôi có thể tự đứng được trong ba mươi bảy giây. Ba ngày kể từ lần nói chuyện cuối cùng giữa tôi và Gregor. Hai ngày kể từ khi tôi tự đứng được trong bốn mươi sáu giây, được cô Sayuri Mizumoto sinh lực tràn trề đỡ. Một ngày kể từ khi tôi lại trở về tình trạng chúi đầu chúi mũi toan tính tự tử.
Khi Gregor ghé thăm, tôi có thể thấy ngay rằng ông ta vẫn đang tập luyện, nhưng dưới cằm vẫn còn chút mỡ thừa chưa tống khứ đi được. Bộ râu dê mới tỉa của ông ta cũng giúp che được phần nào chỗ đó, và tôi khen ngợi ông ta hết mực về những cải thiện ngoại hình và hỏi người phụ nữ may mắn là ai.
Ông ta vội trả lời là chẳng có người phụ nữ nào cả. Cứ rối rít cả lên. Nhận thấy mình đã vô tình để hớ, ông ta thay đổi chiến thuật và cố đánh trống lảng như chẳng có chuyện gì nghiêm trọng, nhưng chỉ tổ lộ tẩy mà thôi.
Đó là một đặc tính kỳ lạ nhưng rất cố hữu ở những người luôn thấy bản thân mình kém hấp dẫn. Họ xấu hổ nếu ta úp mở rằng họ có thể đang thích một ai đó; vì họ cảm thấy không xứng đáng được nhận sự quan tâm từ người khác, họ cũng từ chối quan tâm đến người khác luôn.
Chúng tôi vẫn chưa đủ thân thiết để tôi có thể tò mò thêm nên khi Gregor cố thay đổi chủ đề, tôi để ông ta yên.
Sayuri nhảy bổ vào phòng tôi, nói ra những lời phải được viết bằng chữ in nghiêng. “Chào buổi sáng! Anh có thể dành chút thời gian nói về việc chữa trị được không?”
Tôi nói với cô là tôi không có thời gian. Giọng tôi không khác nào một tiếng huỵch nặng nề xen lẫn những tiếng kim loại leng keng, như một khay đầy dao kéo rơi độp xuống đất. Đó chính xác là điều tôi mong đợi.
“Sốc quá!” Sayuri thảng thốt kêu lên, lấy tay che miệng trước khi vỗ về tôi rằng nụ cười là thang thuốc bổ, và bắt đầu giải thích rằng hôm nay cô đến để làm vài bài kiểm tra thể lực và độ tinh nhạy của tôi. Những khả năng của cơ thể tôi, cô giải thích, “vẫn chưa xác định được,” cho nên cô sẽ dùng một thiết bị gọi là máy đo góc để đo độ linh hoạt các khớp xương của tôi. Cô nâng cánh tay tôi lên rồi gập ở khuỷu, nguệch ngoạc ghi kết quả vào một cuốn sổ nhỏ. Rồi cô kiểm tra chân tôi, nhận ra chân phải của tôi (cái chân đã bị nát bấy) hầu như không có phản ứng gì. Cô cẩn thận ghi vào cuốn sổ nhỏ của mình. “Có một chút vấn đề.”
Tiếp, để đo cảm giác ở các vùng khác nhau trên cơ thể tôi, cô chọc một cái gậy đáng ghét vào tôi và hỏi cảm giác thế nào. Tôi nói với cô là tôi có cảm giác như cô đang dùng một cái gậy đáng ghét chọc vào tôi ấy. Ôi, cái cách cô cười; tôi mới là một nghệ sĩ tấu hài tài ba làm sao.
Sayuri đặt chiếc bút chì của mình vào bàn tay còn lành lặn của tôi và bảo tôi viết gì đó vào cuốn sổ của cô. Tôi viết, nét chữ run rẩy, Cô ấy đang ở đâu? (Đây là một ví dụ khác cho thấy tôi sinh ra dưới ngôi sao may mắn khi ngọn lửa đã tha cho bàn tay phải của tôi trong khi tôi bẩm sinh thuận tay trái.) Sayuri không mảy may để tâm đến những từ tôi viết ra; cô chỉ quan tâm đến độ linh hoạt của tôi thôi. Cô chuyển chiếc bút sang tay trái của tôi, cái bàn tay thiếu một ngón rưỡi, và bảo tôi viết một câu khác. Tôi cố nguệch ra mấy chữ Khốn nạn. Sayuri nhìn thành quả văn chương của tôi và nhận xét rằng ít nhất cô cũng nhận được mặt chữ.
Cô tóm gọn mọi thứ bằng việc nói rằng tôi sẽ sớm có một chương trình tập luyện, khá là hấp dẫn đấy! “Chúng ta sẽ cùng nỗ lực để anh đi được trên chính đôi chân của mình, dạo quanh khắp nơi, trước cả khi anh kịp nhận ra ấy chứ!”
Tôi nói rằng tôi đã biết quá rõ mình phải đi như thế nào rồi, thế nên làm thế quái nào mà tôi thấy hứng thú với chuyện đó được?
Sayuri chỉ ra ­­­- với phong thái vô cùng dịu dàng - là dù tôi đã biết đi khi ở trong cơ thể cũ của mình, tôi sẽ phải học đi khi ở trong cơ thể mới này. Khi tôi hỏi cô xem liệu tôi còn có thể đi lại như một người bình thường không, cô nhẹ nhàng nói rằng có lẽ tôi đang nhìn nhận vấn đề hơi nhầm lẫn một chút và tôi cần tập trung vào những bước đầu tiên thay vì cả quá trình.
“Chỉ là một đống tri thức Đông phương rẻ tiền chẳng liên quan gì đến cuộc sống của tôi.”
Tôi đoán đó là lúc cô nhận ra tôi đang cố kiếm cớ cãi nhau nên cô tiến lại gần tôi một bước. Cô nói rằng việc tôi có thể đi được tốt đến mức nào phụ thuộc vào rất nhiều thứ, nhưng đóng vai trò quan trọng nhất vẫn là ý chí của tôi. “Số phận của anh nằm cả trong tay anh thôi.”
Tôi nói với cô rằng tôi ngờ việc tôi tiến bộ đến đâu thực sự chẳng liên quan gì đến cô cả, vì kiểu gì cô cũng được nhận đủ số tiền thôi.
“Như thế không công bằng,” cô trả lời, trao cho tôi chính sự mào đầu mà tôi đang trông đợi. Tôi chớp ngay lấy thời cơ và giải thích cho cô cái thực sự “không công bằng” là gì. “Không công bằng” nghĩa là trong khi cô có thể về nhà vào mỗi buổi tối, ăn sushi và xem Godzilla trong suất chiếu muộn thì tôi vẫn phải nằm lay lắt trên giường bệnh với cái ống hút phân. Cái ấy ấy, tôi chỉ ra cho cô, mới là không công bằng.
Sayuri nhận ra rằng đôi co với tôi cũng chẳng ích lợi gì, nhưng cô vẫn rất dịu dàng. “Anh đang cảm thấy sợ và tôi có thể hiểu điều đó. Tôi biết thật khó khăn khi anh muốn tưởng tượng ra kết cục trong khi anh thậm chí còn chưa tưởng tượng nổi sự khởi đầu. Nhưng mọi thứ đều sẽ trở nên tốt đẹp thôi. Chỉ cần có thời gian.”
Tôi đã đốp lại thế này: “Vứt cái vẻ thương hại khỏi mặt cô đi, con mụ Nhật lùn.”
Ngày hôm sau Marianne Engel đến bên giường dúi một mẩu giấy nhỏ vào tay tôi. “Học cái này đi,” cô nói, và luyện cho tôi từng chữ cho tới khi tôi thuộc lòng.
Một giờ sau, Sayuri Mizumoto đi vào phòng, đầu ngẩng cao. Cô liếc Marianne Engel một cái, rồi nhìn chằm chằm vào tôi. “Các cô y tá nói anh muốn gặp tôi.”
Tôi cố hết sức để cúi đầu chào cô, dù gập người xuống chẳng dễ dàng gì. Tôi bắt đầu nói những từ vừa học: “Mizumoto san, konoaidawa hidoi kotoba wo tsukatte hontouni gomennasai. Yurushite kudasai.” (Dịch qua thì thế này Tôi thực sự xin lỗi vì hôm trước đã nói những lời không phải với cô. Xin hãy tha thứ cho tôi.)
Hiển nhiên tôi đã chộp được cô đúng lúc bất ngờ. Cô trả lời. “Tôi chấp nhận lời xin lỗi của anh. Anh học những từ đấy bằng cách nào vậy?”
“Đây là… bạn của tôi, Marianne. Cô ấy đã dạy tôi.” Đúng là thế thật, nhưng điều đó cũng không giải thích được tại sao Marianne Engel biết tiếng Nhật. Tôi đã hỏi, dĩ nhiên, nhưng trong suốt một tiếng vừa rồi cô từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào mà chỉ chăm chăm sửa lỗi phát âm cho tôi. Tôi cũng không biết làm thế nào mà, sau khi không đến bệnh viện trong vòng bảy ngày, cô lại biết tôi đã sỉ nhục Sayuri. Có lẽ một y tá đã nói cho cô, hoặc là bác sĩ Edwards.
Rất ngẫu nhiên, đây là lần đầu tiên hai người phụ nữ gặp nhau. Marianne Engel bước về phía Sayuri, cúi gập người chào, và nói.“
Sayuri mở to mắt ngạc nhiên xen lẫn thích thú và cúi chào lại.“
”Marianne Engel gật đầu.“
” “”Sayuri mỉm cười.“
”Marianne Engel lắc đầu tỏ ý không tán thành.“
Marianne Engel cúi đầu lần nữa.“
Sayuri giơ tay lên che miệng, cố nén tiếng khúc khích.“
Sayuri có vẻ rất hài lòng khi thấy hành động thô lỗ hôm trước của tôi đã tạo nên một cuộc gặp gỡ thật bất ngờ. Cô xin phép ra khỏi phòng với nụ cười tươi tắn trên môi, cúi chào Marianne Engel lần nữa.
Marianne Engel ghé sát miệng vào tai tôi, thì thầm. “Tôi không muốn nghe thêm bất cứ câu chuyện nào về việc anh sỉ nhục cô Mizumoto nữa. Dùng miệng lưỡi của một con quái thú không thể làm giảm nỗi đau của anh được đâu. Anh phải để trái tim mình luôn mở rộng đón nhận yêu thương, và hãy tin tôi. Tôi hứa sẽ đưa chúng ta đến tự do nhưng tôi không thể làm điều đó một mình được.”
Cô rời khỏi giường, kéo một chiếc ghế từ góc phòng ra, ngồi phịch xuống, với nét mặt mệt mỏi của người vợ thất vọng trước sự kém cỏi của anh chồng. Bài diễn văn ngắn kỳ dị của cô làm tôi cất tiếng hỏi một câu tôi luôn muốn nói nhưng lại quá ngại chưa thể thốt ra: “Cô muốn gì ở tôi?”
“Không gì cả,” cô trả lời. “Tôi không muốn anh làm bất cứ cái gì cho tôi cả.”
“Tại sao?” tôi hỏi. “Điều đó nghĩa là gì chứ?”
“Chỉ bằng việc không làm gì cả anh mới có thể chứng tỏ tình yêu của mình được.”
“Tôi không hiểu.”
“Anh sẽ hiểu,” cô nói. “Tôi hứa đấy.”
Với câu nói này, Marianne Engel kết thúc cuộc nói chuyện về những gì sắp xảy ra trong tương lai và quyết định quay lại kể câu chuyện quá khứ của mình. Tôi chả tin chút nào - sao tôi có thể chứ? - nhưng ít ra nó cũng không khiến tôi cảm thấy tẻ nhạt như cuộc trò chuyện vừa nãy.