Chương VI
Phải sắt và phải máu

    
ày nghe mồm cái lão già Cam địa chực hòa bình cách mạng! Nhưng thử hỏi cái lão già ấy đã làm được việc gì cho dân tộc Ấn Độ chưa?
Đó là lời anh Học bảo tôi. Rồi Tài và Mịch phụ họa thêm vào. Tôi đã bàn cãi với họ luôn hai đêm. Sau cùng, tôi nghĩ, mình còn nhỏ tuổi hơn cả, mà anh em lại đồng thanh bác cái thuyết của mình, như vậy có lẽ mình là đứa lạc lõng trong không tưởng thật!
“Mày là đứa chỉ sống ở trong mộng và trong sách, đã biết đời là cái quái gì! Phải theo chúng ta! Nghĩa vụ một đứa em nhỏ là phải thế!”
Anh Tài vỗ vai tôi, quyết định tôi một lần nữa.
Chúng tôi liền định lập một đảng bí mật, theo hẳn chủ trương thiết huyết cách mạng. Anh Học đi rủ anh em quen biết ở Hà Nội, được hơn mười người, liền tổ chức nên đệ nhất chi bộ.
Cái tên “đệ nhất chi bộ” là về sau anh em tặng cho, vì đó là chi bộ thành lập sớm nhất. Chứ hiện bấy giờ thì đảng còn chưa có tên chưa có chương trình điều lệ, chưa có gì hết! Những món ấy, chúng tôi mong, sự định đoạt do theo ý kiến chung của các đồng chí, không những ở Hà Nội, mà là ở khắp cả các nơi. Thế rồi, anh Học đem ý định của chúng tôi, tuyên truyền ở hồ khắp địa hạt Bắc kỳ. Đi đâu cũng được các bạn hữu tâm tán thành biểu đồng ý…
Kỳ thực thì hồi ấy là hồi phong trào cách mệnh ở Á Đông đương bồng bột. Là một dân tộc chen vào giữa Ấn Độ và Trung Hoa, chúng ta không thể nhắm mắt, bưng tai về sự thức tỉnh chung của các nước bạn. Giá chi dĩ, sau khi Varen nặng túi ra về, nhóm thực dân ở đây cũng cóc cần đến cái bộ áo đạo đức, dùng mãi nó đã cũ nát rồi! Chúng áp chế ra mặt! Chúng đê hèn ra mặt! Mọi chính sách của chúng thi hành, “như nước thêm sâu, như lửa thêm nóng” như đồng mưu với hoàn cảnh bên ngoài, chúng đã xô dân ta vào con đường độc đạo là con đường cách mệnh!
Cho nên ngoài đảng Tân Việt Cách mệnh ở Trung kỳ, ngoài hội Thanh niên Cách mệnh đồng chí gây nên ở Quảng Châu và tràn lan về đất Bắc, khắp các tỉnh, những nhóm anh em không tên, không tuổi như nhóm chúng tôi, lập nên nhan nhản. Ví dụ như nhóm anh Hoàng Văn Tùng ở Thanh Hóa, nhóm anh Nguyễn Thế Nghiệp ở Bắc Ninh, nhóm anh Nguyễn Khắc Nhu ở Bắc Giang. Các nhóm ấy khác nào như những giọt nước, gặp nhau là hợp nhau ngay!
Ngày lễ Sinh nhật Chúa Gia tô năm 1927, chúng tôi liền họp một kỳ hội nghị ở nhà một đồng chi tại làng Thể giao trong tỉnh thành Hà Nội. Nhưng vì hơi có động, nên nửa chừng anh em phải giải tán, và về họp lại ở Nam đồng thư xã. Trong kỳ hội đảng ấy, có đủ mặt các đại biểu của các đồng chí các tỉnh. Việt Nam Quốc Dân Đảng đã đản sinh cùng ngày với ông Giáo chủ đạo Thiên chúa. Và cũng như ông Giáo chủ ấy, lãnh tụ của chúng tôi cũng đem tất cả mà hy sinh cho chủ nghĩa của mình!