uả nhiên là buổi sáng hôm ấy, ông Đỗ không hề nuốt lời, đã mời tôi đến nhà và chiêu đãi một bát miến. Vợ ông ta, tức là mẹ Đỗ Ngũ Hoa lại rất nhiệt tình và thân thiết. Lúc tôi ăn, bà ấy không ngừng đổ thêm nước vào trong bát miến của tôi, cứ như sợ không có nước tôi sẽ bị nghẹn. Đỗ Ngũ Hoa ngang ngược hỏi mẹ: - Mẹ cứ chêm nước vào bát của nó để làm gì? - Ăn cơm uống nhiều nước, còn hơn uống thần dược! - Mẹ cô ta nói. Đỗ Ngũ Hoa không thèm quan tâm đến mẹ nữa, cầm một quả trứng vịt muối bỏ vào trong bát tôi. Khi thấy quả trứng vàng vàng bóng loáng đã nằm yên trong bát miến, bà Đỗ đưa mắt lườm Đỗ Ngũ Hoa, còn cô ta thì giả vờ như không biết. Ngay cả Đỗ Ngũ Hoa còn giả vờ không hề hay biết gì đến thái độ của mẹ thì việc gì tôi phải để ý cho nhọc xác. Chẳng khách khí gì cả, chỉ cần một lần há mồm là quả trứng đã trôi tuột vào trong bụng tôi. Sở dĩ tôi ăn nhanh đến như vậy vì trong bụng vẫn cứ nghĩ là nếu không tranh thủ, e rằng bà Đỗ sẽ thò muôi vào bát tôi mà đoạt lại thôi. Trong lúc tranh thủ nhét nó vào miệng mình, tôi thẳng có tâm trạng nào mà thưởng thức mùi vị của nó, riêng chuyện này thì đáng tiếc thật. Nhưng cũng không nên tiếc nuối làm gì, bởi khi tôi quyết định cho quả trứng vào mồm thì cũng là lúc cánh tay muốn cướp lại nó của bà Đỗ đã vươn đến trước miệng bát của tôi. Rút cánh tay cướp hụt về, bà Đỗ điên tiết nói: - Cậu thật là quá đáng, đúng là loại trê con có bố mẹ sinh thành nhưng không có bố mẹ giáo dục! Người ta ăn trứng vịt muối là ăn từ từ để còn thưởng thức mùi vị của nó, nhưng cậu thì chỉ một miếng là xong! Chẳng chờ tôi biện hộ, Đỗ Ngũ Hoa đã thay tôi lên tiếng chỉ trích mẹ: - Chỉ là một quả trứng, mẹ léo nhéo làm gì? Đã mời người thì đừng xót của! Bà Đỗ giận dữ nói: - Không phải tao tiếc của, chỉ sợ mặn quá khiến cổ họng nó sưng tấy lên thôi! - Bác gái à, bác cứ yên tâm, cổ họng cháu tốt lắm, thưa hề sưng cũng chưa hề đau. Cháu đã từng cá cược với Phương Tiểu Bảo là cháu có thể uống nửa lít nước tương mà cổ họng cháu vẫn bình thường, thậm chí tiếng nói của cháu còn tốt hơn, trong hơn, chẳng khác nào được nói qua loa phóng thanh vậy - Tôi nói. Bà Đỗ méo xệch mồm, đứng dậy quay ngoắt người bỏ xuống bếp, Đỗ Ngũ Hoa nheo nheo mắt nhìn tôi cười một cách tinh quái. Nụ cười này khiến tôi nghĩ là tôi và cô ta rất tâm đầu ý hợp và nó đã theo tôi suốt một thời gian dài sau này. Cả ngày hôm ấy, tôi và ông Đỗ cứ dắt trâu đi qua đi lại trên những ngả đường trong thôn, lúc thì ông Đỗ dắt Song Tích đi trước, lúc thì tôi dắt anh em Lỗ Tây đi trước. Khi dắt hai con Lỗ Tây đi trước, tâm tình tôi thoải mái vô cùng, bởi lúc ấy tôi không thể nhìn thấy chỗ đang sưng tấy lên của Song Tích. Khi dắt hai con Lỗ Tây đi sau, tâm trạng tôi vô cùng nặng nề vì không thể không nhìn chỗ sưng ngày càng to của Song Tích. Cứ thế chúng tôi đi hết đường lớn ngõ nhỏ, ban đầu có mấy đứa bé thò lò mũi xanh lò dò đi theo nhưng sau một hồi, chúng phát hiện ra chẳng có gì hứng thú nên bỏ cuộc. Bọn trẻ bỏ đi thì bọn nhặng xanh kéo đến, ban đầu thì chỉ có mấy con nhưng rất nhanh chóng phát triển thành mấy trăm con. Bọn nhặng này rất mê chất dịch vàng vàng chảy ra từ vết thương của Song Tích nên tất cả đều chúi đầu vào đấy. Những cái miệng độc ác của bọn nhặng làm nỗi đau đớn của Song Tích tăng lên, tôi đã đọc được trong mắt nó một mong muốn được chết. Tôi bẻ một cành liễu để đuổi nhặng cho Song Tích, nhưng thỗ vết thương vừa hẹp vừa quá nhiều góc cạnh, tôi còn sợ là cành liễu sẽ chạm vào vết thương nên không dám xua mạnh và tất nhiên không thể đuổi được bọn nhặng đói đi hết được. Ông Đỗ bảo tôi trông chừng Song Tích rồi đi tìm chú Mặt Rỗ báo cáo bệnh tình của nó. Một lát sau, ông ta quay lại, mặt giận hằm hằm nói: - Thằng chú mặt rỗ nhà mày chẳng thèm quan tâm, chưa nghe hết đã nói không sao không sao. Mẹ nó chứ, chưa xem xét gì cả đã biết không có chuyện gì. Đêm đó, hai con Lỗ Tây đã bắt đầu nhai cỏ trở lại, riêng bệnh tình của Song Tích thì càng lúc càng nặng hơn. Đến sáng hôm sau, chúng tôi không cần phải chăm sóc hai con Lỗ Tây nữa, ông Đỗ bảo tôi dắt chúng về trại chăn nuôi của đội sản xuất để có thời gian chăm sóc cho Song Tích. Một trước một sau, chúng tôi tiếp tục dắt nó đi lại trên đường trong tư thế cảnh giác cao độ, bởi Song Tích có thể nằm lăn ra đường bất cứ lúc nào. Chúng tôi dắt Song Tích đến trại chăn nuôi của đội. Ông Đỗ xách ra một thùng nước đặt trước mặt Song Tích, nhưng nó chỉ cúi đầu xuống thè lưỡi liếm vài lần rồi ngước lên ngay, những cọng lông trên mép trông như những sợi râu thấm ướt nước, ba bốn giọt nước rơi xuống trông như những giọt nước mắt. Và quả thật, hốc mắt nó đầy nước và đang trào ra ngoài làm ướt cả một vạt lông dưới mắt. Ông Đỗ chạy vào gian nhà kho dùng một chiếc gáo sắt méo mó xúc đầy một gáo bánh ép hạt bông. Đây là thức ăn tốt nhất của trâu thời ấy, nhưng nếu ăn quá nhiều thì trâu có thể ỉa ra máu. Chỉ có những con trâu làm việc nặng và trâu mất sức mới được ăn một ít bánh ép hạt bông này. Ông Đỗ đổ toàn bộ bánh ép hạt bông vào trong thùng nước rồi thò chiếc gáo vào khuấy đều, nói với Song Tích bằng một giọng hết sức thân tình: - Trâu ơi, uống một tí đi. Ngửi ngửi mà xem, bánh hạt bông thơm quá, đúng không? Song Tích cúi đầu vào trong thùng nước, nhưng chỉ liếm liếm mấy cái rồi nhanh chóng ngước đầu lên. Ông Đỗ hoảng sợ kêu lên: - Thế nào? Thức ăn ngon thế này mà mày cũng chê sao? Những con trâu nhốt trong những chiếc thuồng gần đấy, trong số đó có cả hai con Lỗ Tây đã ngửi thấy mùi thơm của bánh hạt bông nên đều ngước mắt nhìn sang, mũi hếch lên trời. Ông Đỗ nói: - La Hán, về báo với chú mày đi. Mày là cháu, dù sao tiếng nói của mày cũng nặng hơn của tao. Mày nói với ông ấy là con Song Tích sắp chết rồi, nếu ông ta không đến đây, ông ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Mày đi đi! Tôi chạy đi tìm bốn năm chỗ, cuối cùng mới tìm ra chú Mặt Rỗ trong phòng ghi công điểm của trụ sở đội. Tôi nói: - Song Tích sắp chết rồi, rất có thể lúc này nó đã chết... Chú Mặt Rỗ đang họp với kế toán và thủ kho của đội, vừa nghe xong lời tôi, cả ba người đều đứng bật dậy. Hình như miệng chú Mặt Rỗ điểm một nét cười rất nhẹ, hỏi: - Mày nói con Song Tích sắp chết à? - Ngay cả bánh hạt bông thơm như thế mà nó cũng không thèm ngửi nữa, chỗ dái bị thiến của nó sưng to như cái bát rồi, không sắp chết là gì! - Tôi phải lên họp trên công xã, thủ kho Vương đến trại chăn nuôi xem thử tình hình thế nào. - Chú Mặt Rỗ nói. Thủ kho Vương chính là người dùng gậy đánh trâu bị đưa đi học tập ở Miêu Phố. Nghe chú Mặt Rỗ nói xong, mặt ông ta đỏ rần lên, xua tay liên tục, nói: - Việc này đừng có động đến tôi, nói thẳng là những chuyện có liên quan đến trâu thì đừng bao giờ bảo tôi động chân động tay vào nữa? Chú Mặt Rỗ cười một cách gian hiểm, nói: - Thế khi ăn thịt trâu, có cần gọi chú không? - Ăn thịt trâu à? Ở đâu có thịt trâu? - Thủ kho Vương hỏi. - Xem kìa, chỉ cần nghe nói đến thịt trâu là chú đã cuống quít lên rồi! - Chú Mặt Rỗ chế giễu. - Ăn thịt trâu thì tất nhiên các anh phải gọi tôi, nếu không thì cái thân bị tật này của tôi hóa ra vô nghĩa hay sao? - Thôi thì kế toán Từ hãy đi đến đó vậy! - Chú Mặt Rỗ nói. - Hay là ta gọi điện thoại cho lão đồng chí Đổng trên trạm thú y của công xã vậy - Kế toán Từ nói. Chú Mặt Rỗ gạt phắt: - Tốt nhất là đừng làm phiền ông ấy. Lão ta mà đến thì nhất định phải tiêm thuốc, tiêm thuốc xong thì cho uống thuốc, cho uống thuốc xong thì chúng ta phải mời lão ta ăn uống. Đội ta còn bao nhiêu tiền, các người không phải là không biết! - Thế thì phải làm sao? - Kế toán Từ hỏi. - Một con súc sinh không có gì mà phải cuống cuồng lên cả nếu thấy không xong thì cứ tìm những phương thuốc dân gian mà chữa trị cũng được. - Chú Mặt Rỗ nói. Dưới sự chỉ huy của kế toán Từ, chúng tôi tận lực đổ cả một chai dấm vào mồm Song Tích. Theo kinh nghiệm của những “bác sĩ chân đất” thì dấm không những có khả năng kháng viêm mà còn có tác dụng giảm đau. Chúng tôi còn tìm được một tổ ong ngựa to bằng thiếc mũ, giã nát rồi nhét cả vào mồm Song Tích. Theo lời ông bố của kế toán Từ, tổ ong ngựa có công dụng dĩ độc trị độc. Chúng tôi còn đeo thêm một cục vôi ngay bên cạnh miệng vết thương vì nghe nói vôi có khả năng diệt vi khuẩn và tiêu độc. Tôi thực sự trông chờ con Song Tích khỏe trở lại. Nó còn chưa khỏe lại, tôi và ông Đỗ chắc chắn sẽ chưa được giải phóng. Nhưng bệnh tình của Song Tích không những không chuyển biến theo chiều hướng tốt mà ngược lại, càng ngày càng tệ đi trông thấy. Những dòng nước màu vàng sền sệt chảy ra khỏi vết thương ngày càng thối. Cái mùi thối này mời chào toàn bộ ruồi nhặng trong thôn và các vùng lân cận đến, chúng tôi dắt nó đi đến đâu là ruồi nhặng bâu kín đến đấy. Sống lưng vốn cong vòng của nó lúc này như càng cong thêm, chính vì vậy mà thân thể nó dường như ngắn lại, lông vón thành từng cục nhỏ, những bắp thịt vốn rắn chắc đã biến mất khiến xương cốt của nó lộ hẳn ra ngoài và hình như trở nên to hơn bình thường. Nước trong người nó chảy ra ngày càng nhiều, không chỉ có nước mắt mà còn có nước đái, nước dịch vàng sậm từ vết thương. Ruồi nhặng không chỉ đậu trên chỗ vết thương mà còn bám chung quanh hốc mắt của nó để ăn ghèn. Toàn thân Song Tích hôi thối, bẩn thỉu và đầy vắt. Buổi sáng ngày thứ tư, thúng tôi dắt nó đến trước cổng nhà chú Mặt Rỗ. Chú thím vẫn chưa mở cổng, tôi nhặt một nửa viên gạch nhắm ngay cửa nhà ném thật mạnh. Chú Mặt Rỗ khoác áo chạy ra, quát lớn: - Thằng La Hán trời đánh kia, mày muốn chết sao? - Tôi không muốn chết, nhưng Song Tích chắc chắn sắp chết rồi! Ông Đỗ đứng dựa lưng vào tường, nói: - Mặt Rỗ, ông còn là con người không? Chú Mặt Rỗ giận đến tím mặt, gầm lên: - Ông Đỗ! ông đã chừng ấy tuổi rồi mà một câu nói cho ra cái thằng người một tí, ông cũng nói không được sao? - Ông ép người quá đáng, ngay cả một người định câm miệng như tôi cũng không chịu nổi mà phải mở miệng ra thôi - ông Đỗ nói - ông xem đi, dù sao nó cũng là một sinh mệnh, các ông moi dái của nó mà ăn, các ông ngon cái miệng của mình, nhưng nó thì sao, ông cứ xem đi! Chú Mặt Rỗ bước về phía sau mông Song Tích, cúi người xem xét rồi hỏi: - Thế ông bảo phải làm sao bây giờ? - Muốn tháo chuông thì phải cần đến tay người đeo chuông! Mau gọi lão Đổng đến đây! - ông Đỗ nói. - Ông nghĩ là tôi không lo sao? - Chú Mặt Rỗ nói - Trâu là tư liệu sản xuất, là gốc rễ, là tính mệnh của công xã. Người chết, công xã không thèm quan tâm đâu, nhưng trâu chết ngay cả bí thư đảng ủy công xã cũng sẽ bị điều tra đấy! - Thế tại sao ông không mời lão Đổng về? - ông Đỗ hỏi. - Ông cho là tôi không mời sao? - Chú Mặt Rỗ nói - Ngày hôm qua tôi đã đến trạm thú y, đồng chí ấy đang bận túi bụi. Toàn công xã có bao nhiêu đội sản xuất, có bao nhiêu con trâu? Đó là chưa kể lừa, ngựa, la... tất tần tật đều qua tay đồng chí Đổng cả. - Thế chúng ta đành khoanh tay đứng nhìn nó chết? - ông Đỗ hỏi. - Ông Đỗ, không ngờ một phú nông như ông mà lại quý trọng tài sản công xã như của chính nhà mình đến như thế! - Chú Mặt Rỗ nói. - Ông đừng quên rằng tôi có bốn thằng rể thì ba đứa đang ăn cơm nhà nước! - Thôi thì thế này, ông và La Hán dắt nó lên trạm thú y công xã để đồng chí Đổng xem xét tho nó vậy - Chú Mặt Rỗ nói. - Đúng là ông trợn trừng mắt để nói những lời trong mơ! Từ đây lên trạm thú y công xã hơn mười cây số, ông định bảo chúng tôi đi mấy ngày? - ông Đỗ bực tức nói lớn. - Đi được ngày nào tính ngày ấy! - Chỉ e giữa đường là nó chết thôi! - Quả thực là nó sắp chết, chúng ta cũng chẳng có cách nào hơn đâu. Ngay cả bí thư huyện ủy sắp thết mà có ai can thiệp được gì đâu, huống hồ nó chỉ là một con trâu! - Tôi đi, nhưng những con trâu ở nhà thì ai trông nom? - Đồng chí Đỗ! Đừng có nghĩ là không có ông thì quả đất ngừng quay. Bảo ông đi thì ông cứ đi, chuyện ở nhà ông quan tâm làm quái gì? - Được được được! Tôi đi, nhưng câu khó nghe này cũng phải nói trước: Nó mà gục chết giữa đường, ông chớ có mang phiền phức lại cho tôi! - Còn có La Hán làm chứng cho ông đây nữa nè - Chú Mặt Rỗ nói câu cuối cùng.