- 9 -


- 7 -

     uận Huy triệt hạ được Nguyễn Khản, Tuân Sinh Hầu, Khê Trung Hầu, a bảo Hân Quận Công Nguyễn Dĩnh, rất đắc ý...
Bây giờ Huy ngồi trên đầu trăm quan, uy thế rất lớn. Huy lại luôn luôn luyện đám quân Trung Nhuệ rất tinh luyện, biến chúng như một thứ quân đặc nhiệm có thể đương đầu với tất cả các đạo quân bảo vệ hoàng cung. Mặt khác, Huy thay được dần những viên chỉ huy tín cẩn của Chúa, bởi đã già nua, đưa vào những viên tướng trẻ của mình... Lại thải hết những quân lính ở tứ chiếng, ở kinh đô, lấy đa phần là người cùng quê với Chúa với mình để tuyển vào đạo quân thiện chiến của Kinh thành... Huy dùng Nghĩa Phái Hầu Lê Quý Đôn vào đến chức Bồi tụng, rồi lại tâu Chúa chuyển ra ngoài biến trấn đất Quảng để vỗ về thiên hạ, thu phục lòng dân, chỉ giữ lại triều những viên quan văn để sai khiến an phận thủ thường, việc võ biền phó mặc mấy vị quận công.
Quyền uy của Huy bây giờ rất lớn - Chỉ có Quận Huy mới được ở bên cạnh Chúa, tâu gì Chúa cũng nghe, xin gì Chúa cũng cho.
Trịnh Sâm lại yêu quý Tuyên Phi Đặng Thị Huệ, do đó, ngoài triều Quận Huy thiết kế, nội cung Tuyên Phi xui xiểm, việc gì mà không thành. Lúc ấy, phía Nam, quyền thần Trương Phúc Loan cũng lấn át Chúa Nguyễn. Tây Sơn ở Bình Định đã nổi dậy, quân Trịnh đã lấy được Phú Xuân, vượt Hải Vân lấy đất Quảng Nam, lập ra viễn châu Thuận - Quảng. Đất đai của nhà Trịnh được rộng mở. Chúa càng cho rằng huân nghiệp của mình rạng rỡ. Chúa biết Huy là kẻ trong triều đình khiển được trăm quan, cử ra biên trấn có thể thành tướng giỏi, lại tin mình điều khiển được Quận Huy, là ân nhân của Quận Huy. Huy chỉ có phò mình và Thị Huệ thì mới thành người, mới giàu sang phú quý, do đó Huy phải cúc cung tận tụy với mình...
Đặng Thị Huệ từ khi dựa vào Quận Huy, thì càng tin rằng mình là người có thể làm tất cả. Huệ càng ra sức giữ sắc đẹp, càng hết lòng nâng giấc, chiều chuộng đón ý Chúa. Trận ốm lớn của Chúa, Huệ tự tay chăm lo bên màn trướng, tự tay nâng nằm, nâng dậy, nếm thuốc mới, tự tay bón thuốc, nếm canh, tự tay cơm cháo cho Chúa. Mỗi lúc Chúa tỉnh, Huệ lấy hơi ấm của mình để phục hồi sức sống cho Chúa, tìm lấy những lời nói vui, đẹp ý Chúa, để Chúa vui, cười, ăn dần, ngủ dần, đến hồi phục, thoát được trận ốm lớn, tưởng không qua khỏi.
Huệ lại tự tay giặt giũ, trông nom giường cứt, chiếu đái, đến nỗi đám cung tần, thị tỳ đều thấy rõ Huệ yêu thương Chúa thật lòng, không chối cãi nổi...
Khi Trịnh Sâm khỏi, biết hết chuyện, thấy Huệ ngày đêm chăm lo cho mình, nên lại càng yêu hơn. Riêng mấy bà phi thì mỗi người nghĩ một kiểu.
Nguyên Phi Dương Ngọc Hoan, sau con mình là Thế Tử Trịnh Tông bị phế truất, lòng còn đầy uất ức. Bà lo toan héo hắt, suốt ngày hầu hạ Thái Hậu. Cũng may Thánh Mẫu là người thuần hậu, biết Nguyên phi là người đức hạnh, hiền thục, do đó mới bảo trì cho cả hai mẹ con không đến nỗi bị lâm vào nạn lớn, thậm chí phải tội chết hay giam vào ngục tối.
Nguyên phi một lòng thờ Chúa, không một chút oán giận, chỉ biết khóc thầm. Nhưng nàng Ngọc Khoan và Trần Thị Lộc thì oán Chúa và tức Đặng Thị Huệ ra mặt. Họ thường rủa thầm, oán sâu chỉ mong Huệ gặp nạn, thất sủng mới hả những nỗi cô quạnh, bị ruồng bỏ bởi Chúa, từ khi Huệ được sủng ái...
Những điều kín đáo nhất, Thị Huệ đoán biết được cả. Nhưng Tuyên Phi rất khôn ngoan. Những buổi Chúa bận coi chầu, Đặng Thị Huệ thường đến vấn an Thánh mẫu, mẹ Trịnh Sâm, sang thăm hỏi Nguyên phi và các bà chính, thứ phi khác, đem những lụa là, gấm vóc tặng cho họ, lại cho đến cả cung nữ yêu của họ... Ai cũng biết Huệ giảo hoạt, chứ trong bụng chẳng quý hoá gì mình, nhưng bên ngoài vẫn phải ân cần giữ lễ và giữ hoà khí với Huệ.
Riêng Thánh Mẫu, thì căm ghét Huệ hết mức, thường nói với người thân của mình rằng:
- Từ ngày con yêu nghiệt ấy vào cung, làm đảo lộn cả triều chính. Chúa mê muội, đắm đuối vào nó, định phế trưởng lập thứ. Lại ruồng bỏ, đàn áp các cựu thần, thiên về dùng Quận Huy, ta còn sống ngày nào, quyết phải chặn đứng mưu mô giảo trá của yêu nữ này mới được.
Do đó, việc Trịnh Tông, dự trữ lực lượng, định khi Chúa có mệnh hệ nào, thì giành lấy ngôi Chúa, Thánh Mẫu biết, không ngăn cản, cũng không tố giác, cũng mong triệt hạ được vây cánh của Đặng Thị Huệ và Quận Huy mà thôi.
Tuyên Phi một buổi vào hầu Chúa, thấy Chúa rất vui liền nói:
- Huệ này được Chúa yêu thương, ơn kết cỏ ngậm vành cũng không báo được. Lòng chỉ mong sao giúp Chúa giữ vững ngôi bảo tộ, trị dân, mở nước, huân nghiệp sáng ngòi. Nhưng, cũng biết rằng, đã có người yêu thì thế nào cũng có kẻ ghét. Nhất là Huệ lại giành hết những phần trước đây họ được hưởng.
Chúa hỏi:
- Phần của phi được là do phi có. Phi đẹp lại hết lòng thờ phụng ta. Ta yêu phi. Yêu là điều dễ có ở cung đình đâu... Ta thấy vua Chúa bởi nhiều quyền, nhiều của, muốn ai cũng được, đòi gì có nấy. Họ nào có biết tìm lấy một người yêu đích thực cho mình. Ta khác họ, ta đi tìm lấy người yêu cho mình, dù rằng, có những ngươi đẹp cha mẹ cưới cho hoặc quần thần chọn về. Ai có thể ghen với em được.
- Tạ ơn Thánh thượng. Người con gái nghèo ở ven thành được Chúa sủng ái, thật đã quá lòng mong mỏi. Thần thiếp chỉ canh cánh một nỗi rằng, vì mình mà hậu cung của Chúa không yên ổn, thì trong lòng dù sung sướng ở bên Chúa cũng vô cùng áy náy. Huệ đã thực lòng đến với Thánh mẫu với các nguyên phi, thứ phi của Chúa, nhưng họ cho là Huệ giả dối, không thực bụng, nên Huệ không biết ứng xử như thế nào?
Chúa an ủi:
- Người đời thường chỉ biết nghĩ cho lợi riêng của mình. Chỉ mong em cứ thực lòng, để mọi người thấy rõ lòng trung hậu của mình là được.
Huệ thấy Chúa tin mình có lòng thành, liền nói:
- Thiếp muốn xin Chúa Thượng cho việc này nữa. Mậu Lân là em thiếp, tuổi đã trưởng thành. Tuy mang tiếng chơi bời, nhưng cũng vốn là nếp nho phong, lại rất thông minh lanh lợi.
Chúa nói vui:
- Mậu Lân tuấn tú đấy chứ. Sao vẫn chưa thấy đả động gì đến chuyện hôn nhân.
Huệ liền sụp lạy Chúa, rồi ôm lấy gối thưa ngay:
- Nếu được Chúa tác thành cho thì em thiếp mới nên người được.
Chúa ôm lấy Huệ, hôn lên mái tóc, âu yếm nói:
- Em muốn ta giúp gì nào. Nói ngay đi!
- Thiếp nghe thần phi được hai người con gái, một là Ngọc Thuyên đã gả cho Dương Trung hầu Bùi Thế Toại, con trai của Đoan quận Công Bùi Danh Đạt. Nếu được Chúa thượng rủ lòng thương thì xin Chúa ban ơn gả Công chúa thứ hai của thần phi là Ngọc Lan cho Đặng Mậu Lân?
- Gả Ngọc Lan cho Mậu Lân?
Chúa hỏi lại, Huệ hơi bị bất ngờ. Ngọc Lan là cô con gái Chúa rất thương yêu. Con gái lớn đã gả bán cho người ta rồi. Đạt lại ở tít trong xứ Nghệ, Chúa xót con gái lớn, không làm gì được, nên càng yêu con gái thứ hai. Mấy đứa con trai thì con cả là Trịnh Tông đã chẳng ra gì. Trịnh Cán thông minh, nhưng ốm đau quặt quẹo suốt. Ngọc Lan thuỳ mị, dịu dàng, yếu đuối, rất cần phải chăm chút. Chúa thương lắm! Nhưng gả Ngọc Lan phải chọn một chàng rể thế nào cho đáng mặt, chứ gả con cho Đặng Mậu Lân, đẹp trai thì có, nhưng tài cán tính nết nào có ra gì? Ngộ nó lại hành hạ con gái mình, thì cũng ăn năn suốt một đời với nó...
Chúa sững sờ, chưa quyết, Tuyên Phi liền nói mát:
- Hay là Chúa khinh chị em thiếp vốn là con nhà thường dân mà không gả... Thì, chị nó bây giờ cũng là ái phi rồi, nay mai Trịnh Cán được Chúa phù trì cho vào Phủ Thế tử, thì Mậu Lân sẽ cũng đường đường một vị quốc cữu, như thế Ngọc Lan không đủ vinh hoa hay sao.
Chúa im lặng không nói gì. Huệ dịu giọng đến bên Chúa, ôm lấy vai Chúa, nói:
- Chúa công là một bậc anh hùng hào kiệt ở đời. So với các đời Chúa trước, công lao rạng rỡ. Trong triều đầy những người tài giỏi. Biên trấn mở mang tận đến Thuận Quảng. Phương Bắc, Trung Hoa vì nể. Phía Tây, Trấn Ninh phải hàng năm triều cống rất nghiêm cẩn... Gần đây, phe cũ hư đốn, Chúa dùng Quận Huy, vỗ về bốn trấn, trọng dụng người tài. Việc nước như thế không ai trách cứ nổi. Nhưng từ ngày Chúa công yêu thần thiếp, thì các bà phi đều ghen tức hằn học. Nào thiếp có cướp chồng của ai. Nếu như Chúa yêu người nào đẹp thì ân huệ đâu có phải do Chúa cho ai là người ấy được. Họ do ganh ghét mà ra thôi. Do đó, thiếp xin Chúa công gả con cho Mậu Lân, cũng là mong làm cho mọi người thấy tấm lòng của thiếp biết phận mình ở trong cung, muốn bồi đắp việc ở hậu cung cho kiêm ái, hoà thuận... Như vậy, lẽ nào Chúa không nghĩ đến.
Trịnh Sâm thấy Huệ nói có lý, liền đến ngồi bên cạnh Tuyên Phi, thác giọng bị bất ngờ, ôn tồn nói:
- Tình nghĩa của phi ta rất biết. Thánh Mẫu và các quý phi của ta, biết ta yêu Tuyên phi, nhưng họ không chê trách nổi điều gì, cũng là do Tuyên phi khéo xử sự. Song việc này không đơn giản như việc thăm viếng, quà cáp. Vả lại, muốn gả con gái cho ai là quyền ta. Nhưng cũng phải để ta bẩm với Thánh Mẫu và nói cho Thần phi, mẹ của Ngọc Lan biết nữa chứ!
Biết Chúa nhận lời, Thị Huệ nũng nịu sà vào lòng Chúa:
- Em biết mà! Chúa chẳng bao giờ nỡ từ chối em.
Chúa tuy bên ngoài tỏ ra rất vui vẻ, nhưng trong bụng, vì ngại Tuyên phi phật ý, lại nghĩ, hi sinh cô con gái yêu mà êm thấm hậu cung, cũng là chuyện thường tình - Sâm nghĩ rằng mình còn nắm quyền, tất cũng chăm sóc lo liệu được cho con gái.
Ngay hôm ấy, Chúa tất tả đến thỉnh kiến Thánh Mẫu, mẹ đẻ ra Chúa, lại đến bàn với Nguyên phi và Thần phi. Thánh mẫu vẫn giận Huệ, quát lác thôi hồi, sau Chúa kiên nhẫn trình bày. Thần phi vốn hiền lành, thấy con mình được Thị Huệ chọn làm vợ cho em, hẳn là cũng được một đời giàu sang, không hơn là lấy một kẻ cứ lủi thủi ở biên trấn như con rể và con gái trưởng của bà, do đó, bà chỉ xin Trịnh Sâm để mắt mà hạn chế sự hung hãn ngỗ ngược của Đặng Mậu Lân.
Trịnh Sâm chấp nhận.
Còn nguyên phi Dương Ngọc Hoan, mẹ Thế Tử, thì Chúa Trịnh chỉ nói qua cho biết.
Chúa Trịnh đến thăm con gái. Ngọc Lan hồn nhiên chạy ra chào. Chúa choàng tay ôm con. Lòng Chúa se lại. Con gái của Chúa mảnh mai yếu đuối quá. Lan như một cành hoa đẹp đứng trước gió! Ở thâm cung, ngay sát kề phủ Chúa, Ngọc Lan thường mê mải đọc sách, chặm hoa, và cũng thường hay vãng cảnh chùa chiền danh thắng Công chúa tâm hồn mơ mộng, thích những sự thiêng liêng huyền ảo. Trong buồng khuê, cách bầy biện cũng tế nhị, thanh khiết. Màn trương màu trắng, bằng những hàng thêu ren của Ba Tư, Flô-răng-xơ, Chúa đều ban cho Công chúa cả...
Kỷ ngồi, án thư, Công chúa đều chọn màu thanh nhẹ, không thích màu vàng son chói lọi. Quần áo thường nhật, Ngọc Lan hay chọn màu da trời, màu trắng cho mùa hè, màu hạt dẻ, màu đỏ thắm cho mùa đông. Do đó, khác hẳn với các bà phi, các cung tần, mỹ nữ trong cung, Công chúa hiểu biết rộng rãi, không chỉ kiến thức, kinh truyện mà còn biết cả những phong tục đẹp, trang phục, những vật khảo cổ lâu đời...
Công chúa gần đây lại thích đọc kinh... Thấy cha đến, Công chúa vui lắm. Nhân có bài thơ Đường của Lý Thương Ẩn, nàng rất thích, liền đem ra hỏi Chúa. Chúa cầm bài thơ, trước hết xem chữ viết rồi nói:
- Chữ con viết cũng như ngươi, mềm mại, đẹp nhưng yếu đuối quá!
- Thì chữ đàn bà mà lại.
Công chúa bèn nói:
- Cha thử viết chữ cho con xem..
Chúa liền cầm bút viết chữ “Thiên hạ thái bình”. Công chúa cầm lên xem nói:
- Chữ của cha khoáng đạt, vững chãi, nhưng những nét cuối thường chưa xứng với cả khối. Cha có nét mác rất đẹp, nhưng những nét ngang hay chấm còn chưa lưu ý...
Chúa cười:
- Con gái ta hay thật. Con nói như thầy học của ta xưa ấy.
Ngọc Lan cũng cười nói:
- Con đâu dám hỗn hào thế. Đó là con bình phẩm thôi mà.
Trịnh Sâm đọc cả bài thơ Vô đề của Lý Thương Ẩn do Công chúa dịch. Những chữ Nôm còn chưa ráo mực:
KHÔNG ĐỀ
Gặp nhau thường khó, khó chia tay,
Ngọn gió thôi đành, hoa lắt lay,
Dẫu thác, thân tằm tơ vướng vít,
Thành tro, giọt nến, lệ vơi đầy,
Soi gương buổi sớm, buồn phơ tóc,
Ngâm ngợi thơ đêm, sợ nguyệt gầy,
Đường tới Bồng Lai xa chẳng mấy,
Chim xanh nhắn hỏi giúp mình đây...
Chúa khen:
- Chữ con viết đẹp lắm. Thơ dịch cũng hay. Nhưng sao con gái ta thích những bài thơ sắc tình như thế này?
Công chúa đáp:
- Thưa cha, con đọc thơ Đường nhiều, thấy ít bài nói được nỗi riêng tư thầm kín như Lý Thương Ẩn, mà con thì cho rằng, trong thơ ai nói được cái riêng tư thì ngươi ấy thành công. Cha cũng là người hay làm thơ. Như vậy có phải không ạ?
Trịnh Sâm rất ngạc nhiên, không ngờ con gái lại có những ý nghĩ sâu sắc như thế. Cha con đôi lời với nhau rồi Chúa liền nói với Công chúa:
- Cha thấy con yếu đuối, mẹ con lại quá hiền lành, cha thì tuổi cao rồi, lại bệnh tật, do vậy, cha muốn lo gia thất cho con.
Công chúa nói:
- Cha ơi, con mới mười mấy tuổi. Cha đã vội gì!
- Không được đâu con ạ! Con là đứa con gái ta yêu nhất, thương nhất. Nếu như không lo được chuyện chồng con cho con. Nay mai thế nào, ta ân hận mãi, làm sao cho yên lòng được.
Công chúa thấy Trịnh Sâm hết lòng thương mình, lại vốn là người nhu mì hiếu thuận, không nói gì thêm nữa. Do đó, Trịnh Sâm cho là con đã ưng thuận, liền chuyển sang nói chuyện văn thơ với con gái...
Chúa hồi cung, gặp Đặng Thị Huệ, Huệ bươn bả đến đón, sà vào lòng Chúa, rồi hỏi:
- Chúa đã quyết việc gả Công chúa Ngọc Lan cho Đặng Mậu Lân chưa?
Chúa giả vờ nói:
- Ta bận quá nhiều việc triều chính nên chưa nói được.
Đặng Thị Huệ lập tức giận dỗi, ngoay ngoảy ngồi quay mặt ra...
Chúa Trịnh không lấy thế làm bực mình, lại cười rồi kéo Huệ vào lòng, vuốt tóc, thơm lên mắt và nói:
- Em lúc nào cũng chỉ nghĩ đến công việc của mình. Cả ngày hôm nay, ta sang thỉnh ý của Thánh mẫu, của Thần phi, lại sang bàn bạc với con gái... Vậy mà, về đây, chẳng được lời cảm ơn nào, lại còn chuốc oán...
Huệ lập tức lăn vào lòng Chúa, cầm lấy tay Chúa đặt vào ngực mình rồi nói:
- Tại Chúa chứ, ai bảo Chúa trêu em, nói dối em... Nếu Chúa nói thật, em đâu có thế.
Rồi ôm lấy đầu Chúa, dụi mặt mình vào cổ, nũng nịu như một con mèo. Huệ nói:
- Chúa đã ưng, cho em trai của em được định ngày cưới hỏi.
Chúa cười hỏi:
- Lấy con gái Chúa không rẻ đâu.
Huệ ép ngực mình vào ngực Chúa nói:
- Trời đất này là của Chúa. Giang sơn này là của Chúa. Chúa lấy bao nhiêu, ban lại chừng nấy có gì mà sợ.
Chúa cười vui:
- Lấy là lấy mà cho là cho. Việc nào phải đi việc ấy, không thể lẫn lộn được. Ngọc Lan là em, đã có đám cưới chị là Công chúa Ngọc Thuyên, mọi việc đã có người Bộ Lễ sẽ bàn bạc để bên nhà được tường. Phi phải cậy đại thần làm mai, chọn vị quốc lão đứng chủ hôn... sao cho thật nghiêm chỉnh.
Huệ cảm động thật sự, nói:
- Ơn của Chúa, em dẫu chết đi sống lại mấy kiếp cũng không sao đền đáp nổi...
Liền cậy Quận Huy làm mai, Tứ Xuyên hầu Phan Lê Phiên làm chủ hôn.
Lễ dạm dẫn, 1000 lạng bạc, một trăm lạng vàng, lụa Hàng Châu 10 tấm, gấm Tô Châu 10 tấm, 9 viên ngọc bích, 9 viên ngọc hồng và còn nhiều thứ quý giá nữa...
Lễ hỏi gấp hai lần lễ dạm. Còn dẫn cưới thì đoàn đi dài đến hai ba dẫy phố. Vàng bạc, châu báu lụa là đi đến đâu làm bừng sáng cả một quãng đường dài... Người dẫn lễ đi kiệu hồng, lọng hồng, phẩm phục từ bọn phu khiêng cũng đủ sang trọng, chỉ kém người của Chúa một bậc... Đến người của vua Lê Hiển Tông cũng phải thốt lên:
- Đám cưới của em trai Tuyên Phi, tuy màu sắc không dùng màu vàng của vua, màu tía của Chúa, song nghi thức thì chỉ vua, Chúa mới dồi dào long trọng đến như thế...
Ở Cửa Nam, nơi tụ tập nhiều đám bói toán, tướng số, thầy đồ hàn vi lập tức truyền đi một câu hát như sau:
Đám cưới thằng ăn cướp,
To hơn đám con vua,
Vàng, tía dẫn cao quý,
Thưa con đi tô hô...
Lại có câu hát tiếp rằng:
Tiếc thay một đoá hải đường,
Chùa thiêng chẳng gặp, gặp phường bán buôn.
Tiếc thay cành liễu xanh rờn,
Con trâu lấm húc gãy cành, tróc da...
Lời hát đến tai, Thị Huệ tức lắm, cho gia nhân, mặc áo thường dân đến gây gổ, đập gãy răng, vả cho sưng miệng mới thôi...
Chúa Trịnh tuy gả cho cho Đặng Mậu Lân, nhưng vẫn chưa thật yên tâm. Chẳng qua nể lời Thị Huệ mà ưng cho thôi, vả lại, Thị Huệ thường bưng bít mọi chuyện ngỗ ngược tày trời của Mậu Lân, chỉ nói tốt cho Mậu Lân...
Trước hôm cho lễ dạm hỏi, Chúa đòi Mậu Lân vào phủ dụ. Thị Huệ biết trước, liền cho người gọi em đến. Lại ngầm báo cho Lân những bài thơ Chúa rất thích, những bài văn mà Chúa vẫn thường hay bình luận với các đại thần để Mậu Lân xem trước... Hôm ấy vào hầu, Chúa hỏi han rồi nhân lúc bàn về văn chương, liền hỏi:
- Câu thơ “Minh nguyệt sơn đầu khiến, hoàng Khuyển ngoạ hoa tâm” nên dịch như thế nào?
Đặng Mậu Lân đã nghe lỏm được giai thoại về câu thơ này, liền lấy câu của một thầy đồ nho dịch ở quán rượu mà đọc luôn rằng:
“Chim Nguyệt hói đầu núi! Sâu chó nằm lòng hoa”.
Trịnh Sâm rất ngạc nhiên, vặn hỏi:
- Sao minh nguyệt không dịch là trăng sáng mà lại dịch là Chim Nguyệt, Hoàng Khuyển không dịch là Chó vàng mà lại dịch là Sâu chó...?
Đặng Mậu Lân liền đem lời đối đáp của một nhà nho, bàn bạc văn chương trong quán rượu bữa nọ, nói liền một mạch:
- Tâu Chúa Thượng, đây là giai thoại văn chương giữa Vương An Thạch và Tô Đông Pha... An Thạch muốn thử tài Đông Pha, mới đưa hai câu thơ này cho họ Tô xem. Nhà thơ liền lấy bút chữa “Minh Nguyệt sơn đầu khiến” thành “Minh Nguyệt sơn đầu chiếu”, “Hoàng Khuyển ngoạ hoa tâm”, thành “Hoàng Khuyển ngoại hoa âm”... Vì họ Tô cho rằng. Trăng sáng không thể kêu ở đầu núi mà chó vàng không thể nằm ở lòng hoa được. Mãi về sau Tô Đông Pha bị đi đầy đến Tô Châu, vùng núi non này có loài chim là Minh Nguyệt và có loài sâu phá mùa rất dữ dân gọi là Hoàng Khuyển... Bấy giờ nhà thơ mới biết mình nhầm.
Chúa khen Mậu Lân chịu đọc. Song nhìn tướng Mậu Lân tuy có đẹp mã nhưng nét ngỗ ngược hiện ra ở mắt, ở cử chỉ... Liền nhớ đến một vài tờ sớ tấu của những vị ở toà Đô Ngự Sử, thẳng thắn vạch tội Đặng Thị Huệ và Đặng Mậu Lân, liền cho lui, rồi gọi cận thần là Sử Trung vào bảo:
- Ta rất quý Tuyên Phi mà gả con gái yêu của ta cho Mậu Lân. Phi nói hay nói tốt cho Lân rất nhiều. Nhưng sớ tấu vạch tội Lân cậy quyền, cậy thế ăn chơi làm càn cũng có. Sự thể ra sao, người có biết không.
Sử Trung dập đầu nói:
- Chúa không bắt tội thì thần mới dám tâu bày.
- Thì ta hỏi sự thực kia mà...
Sử Trung liền đem mọi việc bạo thiên nghịch địa của Mậu Lân ra nói với Chúa. Chúa ngạc nhiên, thừ người ra một lúc lâu, không nói gì cả... Hình như Chúa thấy mình đã tính toán sai việc gả con cho Lân.
Chúa bảo Sử Trung:
- Ta không ngờ, Mậu Lân lại hoang dâm ngỗ ngược như thế. Nó chưa bỏ được cái thói chó hoang ngoài đồng. Con gái ta là cành vàng lá ngọc, không thể để cho muốn làm gì thì làm. Sử Trung, ta giao cho ngươi, phải lo người canh gác, hộ vệ Công chúa. Con gái ta như cây liễu trước gió, thằng vũ phu ấy nó trắng trợn ham hố, Ngọc Lan khiếp hãi cả đời, không được đâu. Người có làm được không?
Sử Trung vốn là người tin cẩn, trung hậu, hứa:
- Tuân ý Chúa công, tiểu thần xin hết lòng.
Liền chọn thêm mười hộ sĩ khoẻ mạnh, ba bốn thị tỳ ở kề bên phòng của Ngọc Lan... Công chúa lại ở trong phủ Chúa, Lân không đường đột đến thăm được. Lễ dạm, Công chúa chỉ đứng sau rèm xem mặt. Lễ hỏi thì Công chúa chỉ ra chào Tuyên phi và Mậu Lân, khi Tuyên Phi đích thân đưa em trai mình đến thăm Công chúa.
Khi rước dâu, Sử Trung đã khéo kết liên với mấy công tử, cũng là bạn chơi bời của Đặng Mậu Lân, chuốc rượu cho say... Khi Lân về phòng riêng của Công chúa thì đã chân nam đá chân chiêu, thấy thị tỳ đã bờm xơm từ cửa. Cả bốn cô thị tỳ, cười cợt bả lả, chuốc rượu thêm cho Lân, say mềm, gục ngủ ngay ở bên ghế ngoài phòng của Công chúa... Lân ngủ như một thây chết. Đến sáng, Công chúa dậy, lên kiệu về nhà mình, thị nữ mới khiêng Lân vào giường, y nằm lỳ đến tận quá ngọ mới dậy... Rồi Công chúa cũng phải về nhà chồng. Sử Trung và đám tỳ nữ, đám hộ sĩ, theo lệnh Chúa, đều đến nhà lo bảo vệ Công chúa.
Chúa Trịnh, khi cho con đến dinh Đặng Mậu Lân, gọi Lân đến mà bảo:
- Mậu Lân, ngươi bây giờ nghiễm nhiên đã thành phò mã. Mọi việc làm hãy cho nghiêm túc đứng đắn. Ngọc Lan vốn yểu tướng, thuở bé đậu sởi liên miên, ta muốn ngươi hãy nghĩ đến sức khoẻ của Công chúa!
Mậu Lân tuy bên ngoài vâng dạ nhưng trong bụng rất tức tối... Tuy nhiên, Lân lại được Tuyên Phi nhắn bảo: Chúa Trịnh rất yêu Công chúa Ngọc Lan, đừng làm gì phật ý Chúa... Nếu chưa được như ý, thì hãy tìm cách khác mà tiêu khiển.
Mậu Lân tuy lấy vợ, nhưng vẫn ham thói rong chơi. Những ca lâu, tửu quán Lân thường qua, y vẫn dan díu với những cô đào hát có đủ tài, lẫn sắc. Xóm Bình Khang biết Lân là Cậu Trời, vung tiền qua cửa sổ, nên cũng chiều chuộng Lân hết mức. Có đêm, Lân bao cả ba bốn nhà hát, chạy sang nhà này một tí, nhà kia một tí, bỡn cợt người đẹp này, vầy vò người đẹp kia, cười nói, la hét, rượu chè, văng tục rất khả ố.
Bữa ấy, Chúa cho các tân khoa vinh qui, kinh thành mở hội. Bao nhiêu người xô ra xem mặt các quan Trạng, quan Bảng và quan Thám...
Mậu Lân cũng nghênh ngang cho sắm ngựa, võng lọng rất oai phong, đi sau đám tân khoa ấy. Lại cho đoàn bát âm, tấu nhạc dọc đường, lấy tiền kẽm vung ra cho người xem cướp nhặt. Thành thử, kinh thành bữa ấy có hai đám rước. Một đám vinh qui của các quan tân khoa, một đám rước ăn chơi khoe của của Cậu Trời. Khi đi qua xóm Bình Khang, chị em đào hát xô ra đón, Mậu Lân vung tiền thưởng càng nhiều. Lại cho hai cô đào hát son phấn loè loẹt, cô ngồi trước, cô ngồi sau, cợt nhả với nhau trên yên ngựa đi suốt mấy phố, rồi kéo nhau về xóm ăn chơi, uống rượu, nghe hát.
Mậu Lân kéo cô đào đẹp nhất, làm tình giữa cuộc rượu, rồi lại xông vào uống cho rõ say. Một công tử, bạn của Mậu Lân, cũng là một tay ăn chơi, cứ nhìn Lân nô giỡn với đám con hát, tủm tỉm cười.
Mậu Lân lúc trước còn không để ý, sau nhân lúc rượu bốc, lại tỏ ra mặt yêng hùng trước mặt các chị em, Lân liền hất hàm hỏi:
- Này, công tử Hoàng, vợ dặn gì mà đến đây cứ ngồi ngây như tượng thế.
Công tử Hoàng cười đáp:
- Nể Cậu Trời ta đi chơi thôi, vợ ta con quan bồi tụng, lá ngọc cành vàng, yêu ta đến đỗi, nhà cửa lại đàng hoàng, thì về hú hí với vợ hơn, chứ ăn chơi ở đây làm gì để mang tiếng.
Mậu Lân hùng hổ, lại đang cơn say, túm lấy cổ áo công tử Hoàng hỏi:
- Thế mày đến đây để làm gì?
- Ta đến đây để nghe hát vì vợ ta không hát được!
- Mày nói thế để làm gì?
Công tử Hoàng lại mủm mỉm cười, ghé tai Lân nói:
- Mày lấy con gái của Chúa, đã mó được đến người Công chúa chưa?
Mậu Lân hét to:
- Vợ của ta, ta muốn làm gì lúc nào cũng được.
Công tử Hoàng lại nói:
- Tao nghe, mày chỉ quen bắt nạt dân thường, hãm hiếp gái ngoan nghèo ngang đường, còn con gái Chúa, thì dù là vợ, mày cũng không dám đụng đến chân lông!
- Ai bảo mày thế?
- Thì chuyện Sử Trung được mật lệnh của Chúa cho hộ sĩ đến bảo vệ Công chúa, thiên hạ nói giăng giăng kia.
Đặng Mậu Lân đang cơn say, tức lắm, bị công tử Hoàng nói khích, liền xách gươm, bảo đám lâu la đứng dậy, lại thách:
- Công tử Hoàng, rồi mày xem. Tao là Cậu Trời kia mà. Vợ tao là vợ tao chứ. Con Chúa chứ con Trời tao cũng chẳng coi ra gì. Chẳng qua tao còn để dành đấy mà thôi...
Công tử Hoàng vốn là tay giỏi võ, ăn chơi cũng ngang tàng, Lân kết liên để cho mạnh vây cánh, do đó, y cũng không dám mắng mỏ bạn, chỉ thách:
- Mày cược gì với tao nào?
- Ngủ với vợ khó gì mà phải cược. Nhưng Cậu đã thách tớ cược đấy, Cậu Trời ạ... Mà Cậu cũng không ngủ được với con bé ấy đâu. Khéo mà mất mạng đấy.
Đặng Mậu Lân hung lên:
- Mi định cược bao nhiêu?
- Năm trăm lạng!
- Xoè tay ra.
- Thì xoè!
Cậu Trời đập đánh bốp một cái vào bàn tay của Công tử Hoàng, rồi đùng đùng đứng dậy về nhà...
Về đến dinh, Mậu Lân xông thẳng đến phòng riêng Công chúa. Sử Trung ngăn lại.
Mậu Lân, quắc mắt, lông mày xếch ngược, rút kiếm ra quát:
- Lui ra!
- Quan nhân không được vào!
- Sao ta lại không được vào phòng của vợ ta.
- Công chúa yếu đuối, còn đang thời chữa bệnh, cần giữ gìn, Chúa thượng sai tôi đến đây chỉ có việc ấy, xin quan nhân hãy rán sức kiềm chế, đợi lúc nào Công chúa khoẻ mạnh, tươi tỉnh vui vẻ, hãy nghĩ đến chuyện hoa nguyệt. Vợ chồng còn cả đời, đâu chỉ có một vài ngày mà vội vàng.
Mậu Lân huơ gươm lên, chửi:
- Đồ chó má! Mày là thằng ngu mới làm việc này cho Chúa! Con gái đã gả bán rồi. Tiền của châu báu của tao như núi, mà từ lúc dạm vợ cho đến lúc cưới xin về nhà tao rồi, vẫn cứ là của niêm phong, gần không được gần, hỏi không được hỏi, chưa nói đến chuyện đầu gối tay ấp. Chỉ có Chúa mới đặt ra cái chuyện lạ đời ấy thôi.
- Sử Trung tôi nghĩ, ông là con rể, không nên nói những lời thiếu tôn kính.
- Ông ta xúc phạm ta, ta việc gì phải tôn kính ông ấy. Vợ ta, ta có quyền sai bảo, có quyền ra vào phòng khuê, cái đó luật lệ nào ngăn cấm. Nếu con Chúa quý như tiên, như Phật thì gả cho ta làm gì... Thử hỏi, chị ta cũng được cấm đoán như thế, Chúa có chịu được không! Ông ấy quá lắm, ta không chịu nổi nữa. Ra đi...
Sử Trung nói:
- Chúa tin cẩn, tôi mói đến đây. Dẫu chết cũng không lui ra được.
- À, thằng này vừa ngu vừa láo. Muốn chết hả - Mậu Lân gầm lên.
Sử Trung vẫn giăng hai tay ngăn Đặng Mậu Lân ở trước cửa, những tưởng Lân sợ oai Chúa không dám làm gì mình. Nào ngờ, rượu say, cơn điên nổi lên, Lân giang kiếm đâm thẳng vào ngực Sử Trung một nhát, Sử Trung gục xuống. Phía trong, đám thị tỳ đóng kín cửa buồng lại. Lũ hộ sĩ xông đến, Lân rút gươm chém đuổi cũng tản mất cả. Công chúa Ngọc Lan sợ run lên, chỉ một mực khóc sướt mướt, ôm chặt lấy cô thị tỳ yêu nhất, không dám rời. Trong đám thị tỳ, có một đứa lanh lợi, nhân lúc Đặng Mậu Lân quát tháo, đâm chết Sử Trung, đã lén được ra ngoài, theo lối cổng sau vào vương phủ, tìm đến tận nơi Chúa đang ngồi, khiếp hãi, tâu lại sự việc. Chúa nghe, tức lắm, truyền cho nội giám gọi ngay Quận Huy đến.
Chúa nói:
- Đặng Mậu Lân đang làm loạn, ông đem quân đến bắt nó, giam trong ngục đại hình và đưa Công chúa về cung cho ta.
Quận Huy thấy Chúa đang giận, không dám trù trừ vội đi ngay. Mậu Lân nguôi cơn nóng thì sự đã rồi, nên khi Quận Huy đến, không dám chống cự, chỉ nói với Huy:
- Ông nể mặt chị ta mà đừng mạnh tay với ta đấy nhé! Mọi việc ông lựa lời xin Chúa cho ta. Ta biết dại rồi, ông Quận Công ạ.
Quận Huy trước mặt ba quân, không nói gì, chỉ bắt Đặng Mậu Lân, bỏ vào cũi, giam vào ngục đại hình, và cho người đưa Công chúa Ngọc Lan trở về nhà bà Thần phi họ Hoàng ở phủ Chúa. Công chúa gặp lại được mẹ, ôm chặt lấy, không nỡ rời. Một lát sau, Chúa cũng đi kiệu sang để phủ dụ, trông thấy cảnh con gái bám chặt vào mẹ mình gầy như con nhái bén, mặt cắt không còn hột máu, thương lắm. Liền gọi quan thái y đến chăm sóc sức khoẻ, vỗ về hai mẹ con rồi về phủ. Chúa cho gọi người của Viện Đô Sát đến xét tội Đặng Mậu Lân ngay. Hôm sau, quan coi Bộ Hình và Viện Đô Sát dâng án lên, Mậu Lân phải tội tử hình. Chúa xem nghĩ ngợi rất lâu, chưa tiện phê, thì thấy Tuyên Phi mặt mày rầu rĩ, đầu bù, tóc rối, chạy đến sụp lạy trước mặt Chúa.
Chúa vẫn còn đang tức và giận Mậu Lân, rất thương Huệ, nhưng vẫn chưa đưa tay ra nâng dậy.
Quận Huy thì vẫn ngồi ở phía ngoài chờ lệnh Chúa y án Đặng Mậu Lân, Đặng Thị Huệ đi qua, hầm hầm, không thèm nhìn mặt.
Chúa vẫn ngồi im không nói. Tuyên Phi tâu xin:
- Mậu Lân tội tầy trời. Nhưng nhà thiếp một chị, một em, nếu Chúa giết nó thì lấy ai nối dõi tông đường cho được. Xin Chúa mở lượng trời bể, nghĩ đến thần thiếp, nghĩ đến Vương Tử Cán là con yêu của Chúa, hãy tha chết cho Mậu Lân.
Chúa nghiêm giọng nói:
- Mậu Lân quá quắt lắm. Phi không biết đâu, cả kinh thành đều biết tiếng ăn chơi phá phách của hắn. Hắn lại chém chết Sử Trung, một người trung hậu, ta rất yêu quý, nói năng hỗn hào không coi Chúa ra gì... Em của Phi, chứ con của ta, ta cũng chém.
Tuyên Phi biết Chúa giận lắm, liền vươn người lên, ngửa cổ mà nói:
- Em thiếp tội không thể dung được, nhưng nó chết, thiếp biết làm sao ăn nói với dòng họ, làm sao về nhà trước bàn thờ tổ tiên để thắp hương... Thôi thì, Chúa hãy giết thiếp đi rồi hãy giết nó.
Chúa bắt đầu lúng túng, đi đi lại lại trong phòng, Đặng Thị Huệ lại kêu lên:
- Nếu Chúa không nỡ giết, thì khi chôn cất thằng Lân xong, thiếp cũng treo cổ lên để tạ tội với dòng họ, rằng mình được Chúa yêu mà không cứu nổi đứa em trai duy nhất của nhà... Thiếp rất yêu Chúa, thương Chúa, nhưng tình cảnh này, sống không được nữa...
Rồi dập đầu côm cốp xuống sàn nhà. Chúa thấy bất nhẫn, liền gọi nội giám, vực Tuyên Phi ra...
Chúa bỏ tờ sớ nghị hình, ra vườn cho đỡ căng thẳng, khi trở vào mói phê vào bên cạnh mấy chữ: Đầy ra châu xa!
Rồi gọi Quận Huy vào bảo trả về cho Bộ Hình và Viện Đô Sát y án.
Đặng Thị Huệ được Quận Huy cho biết, mừng lắm. Huệ lại nhờ Huy cho quân sĩ đi theo, sợ Chúa giận cho người ngầm giết Mậu Lân, lại cậy nhờ Huy nói với quan trấn thủ nơi Mậu Lân phải lưu đầy, chăm sóc và để mắt cho. Quận Huy nhất nhất nghe theo.
Mậu Lân trước khi bị giải ra Thuận Hoá xin đến gặp chị. Tuyên Phi hẹn cho gặp. Lúc chị em gặp nhau, trông thấy em cũng rất thương, nhưng Đặng Thị Huệ mặt vẫn lạnh như băng. Khi Lân đeo gông, chân lê xích đến trước lạy chị và nói:
- Em đã biết tội, xin chị nghĩ tình máu mủ, thương cho trót.
Huệ đứng lặng nhìn em không nói gì và nói:
- Làm con để cho dòng họ bị nhục lây là một tội lớn. Sung sướng không thoả, lại cậy thế làm càn đến nỗi không đáng tội mắc vào tội đó, là tội thứ hai... Bỏ cả tổ tiên, quê hương không ai thờ cúng, đi về; thân xác thành tù nơi xa, chí trai chỉ biết hưởng thụ, không giúp được gì cho mình cho đời, là tội thứ ba... Chị tiếc không được làm đàn ông, phải làm phận gái. Mày được làm đàn ông mà đớn hèn thì đi đi cho rảnh mắt.
Mậu Lân khóc, hứa sẽ cải tà qui chính, rồi bước đi theo lính giải đường trường. Tuyên Phi trở về, nước mắt ròng ròng, một mình khóc trong kiệu...