PHẦN I - Chương 7

Cuộc đời kể ra cũng không biết thế nào. Vào cái năm 66 ghê gớm ấy con người bỗng nhiên giống như con ốc ở dưới ao, cái gì cũng phải có vỏ, cũng phải ẩn mình dưới một cái gì đó. Người đang ở thành phố thì đùng đùng bỏ nhà bỏ cửa đi ra những vùng làng mạc, xa xôi. Mầu trắng của áo quần thì phải nhuộm thành mầu của cỏ cây, ít ra là một mầu xẫm nào đó. Chưa xong về đến làng quê rồi vẫn băn khoăn thấy thiêu thiếu thứ gì đó. Mới hay phải đào những cái hầm cái hố bằng động tác và những thứ dụng cụ dùng để đào huyệt. Nhưng đó là những cái hầm cái lỗ giống như cái huyệt nhưng không để con người ngủ giấc ngàn thu mà lại để giữ cho con người tránh những khoảng khắc sinh tử ghê gớm để tránh hàng chùm bom rơi, đạn rít xé nát bầu trời chang chang của mùa hạ; lặng lẽ, xám xịt của mùa đông. Sau đó lại lóp ngóp bò lên khỏi những cái lỗ giống như lỗ huyệt để tồn tại, để đi lại, ăn uống sinh hoạt của một kiếp người dẫu rằng giây phút nào trên mặt đất cũng luôn thảng thốt kinh hoàng sợ bất ngờ những cái chết từ trời cao bất chợt rơi xuống đầu mình. Duyên do tạo ra sự bất ưng khủng khiếp đó đơn giản chỉ bởi vài nhóm người thích chứng minh rằng luận thuyết của họ đúng. Thế là cả nhân loại hàng tỉ con người bất đồ chia làm hai phe. Kẻ ủng hộ, kẻ phản đối Chỉ có điều sự phản đối hay sự ủng hộ người ta nói bằng miệng, bằng giấy tờ trên bàn hội nghị diễn ra trong những phòng họp sáng choang bất chấp bên ngoài tuyết đang rơi, nhiệt độ ngoài trời hạ xuống hàng chục độ. Đám người sang trọng đeo găng tay trắng lôi mớ giấy tờ loằng ngoằng ngôn từ trong những chiếc cặp da đen sang trọng, bóng lộn đó lại làm cho cả dân tộc gần sáu mươi triệu dân sống đang sống yên lành bỗng tự nhiên vớ lấy những khẩu súng người ta dúi cho và chĩa thẳng vào nhau bóp cò. Để phụ hoạ cho sự chém giết kiểu nguyên thuỷ núp dưới hình thức của một trình độ văn minh Đó là sự tàn nhẫn của khoa học kĩ thuật khi trên trời dầy đặc những chiếc máy bay từng là niềm tự hào trong sự sáng tạo của con người lại mang hàng tấn những thứ vũ khí hiển hiện ra là những quả bom đen xì thả xuống dân lành, những tràng đạn xỉa vào con trẻ, đàn bà. Dân Việt nam khốn khổ vừa thoát khỏi sự đánh đấm, tàn sát được vừa tròn một tá năm. Và chỉ mới đây thôi khi cách cái năm 66 oan nghiệt đúng 6 năm dân Việt nam ngây thơ đã tưởng mình đang ở đỉnh cao tót vời của cuộc đời. Cơm trong nhà ba bữa no kệt. Ra đường tràn ngập mầu đỏ trên những băng khẩu hiệu và những lá cờ. Con gái con trai tha hồ mặc áo hoa, áo trắng. Vậy mà chỉ mới qua 6 cái tết tất cả gần sáu mươi triệu dân của đất nước khốn khổ chuyên bị dồn đến bước trở thành kẻ thí mạng cho sự kiện máu lửa của trái đất nhưng lại được người ta phỉnh phờ là dân tộc này được chọn là điểm tựa của lịch sử, là trung tâm của nhân loaị. Rốt lại dân của cái điểm tựa ấy, cái trung tâm đó buộc phải trở về sự xám xịt của mầu quần áo nguỵ trang, của nỗi lo âu sinh tồn. Nhưng thôi kệ những điều to tát đó để chỉ biết năm 66 đó Long đang làm kế toán kiêm thủ quĩ cho một hợp tác xã làm giấy có cái tên gọi căng cứng theo mốt một thời. Hợp tác xã giấy cao cấp Quyết tâm. Lúc đó vợ Long là Diễm đã có hai con. Con Lễ lên chín tuổi. Thoạt đầu tiên hai vợ chồng Long, Diễm đều thống nhất bàn đặt tên con bé là là Lệ. Lấy tên mẹ đệm vào thành cái tên khá mũi mẫn. Bùi Diễm Lệ nhưng không hiểu sao khi đến bót công an ở phố Hàng Trống lúc đó khi vừa đọc tên con bé lên Long thấy viên công an mặt có những nốt rỗ quá sâu hơi nhíu mày rồi xì ra một câu khe khẽ nhưng ông bố trẻ có một thời nhút nhát nghe thấy hình như trong đó có mấy tiếng "lãng mạn, tư sản". Một viên công an khác dong dỏng cao lại lầm bầm chêm vào "giống như tên cô đầu ở Khâm thiên ấy nhỉ. Không chấp nhận được". Thế là Long ngay lập tức ghi rõ tên con bé là Bùi thị Lễ. Về nhà hôm ấy cả đêm Diễm sụt sùi khóc và khăng khăng cho rằng chồng mình coi người thiên hạ hơn vợ, mặc cho Long trẹo mồm giải thích. Giống đàn bà quả là giống vật khó giải thích. Đến đứa con gái thứ hai thì Diễm chẳng nói gì cả khi được chồng hỏi về chuyện đặt tên thì cô nói như buột mồm "cứ theo tên chị nó mà đặt". Thế là con bé mang tên mộc mạc Bùi Thị Lê. Tháng năm tây năm 66 ấy tuy đã cuối mùa hạ nhưng trời nóng ghê gớm. Ngồi trong nhà nhìn ra thấy ngoài nắng rừng rực như giữa đám cháy. Thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng lép bép của những ngọn cỏ may nổ hạt. Mấy con cào cào ma say nắng nằm im lìm cánh nhấc cao trong nách những bụi dứa dại. Hôm chủ nhật Long tranh thủ đưa vợ con sơ tán sang vùng Ngọc Khám bên Bắc Ninh ở nhà người bà con với một xã viên cùng hợp tác xã. Diễm lúc đó đã có mang đứa thứ ba đến tháng thứ tư nên thực lòng cô không muốn xa chồng. Hai vợ chồng hai chiếc xe đạp nặng nề. Chiếc xe của Long có lẽ là một trong những chiếc xe hiếm hoi còn sót lại từ thời cũ. Trong khi hầu hết dân Hà nội lúc đó đã trèo trẹo gò lưng trên những chiếc xe đạp mà trên ra đi ô, trên loa công cộng oang oang tự hào là thành quả của một nền công nghiệp với nhãn hiệu Thống nhất với các mầu xanh nhuôm nhuôm, hay những chiếc xe Trung quốc dân gian gọi là xe trâu đen xì xì, nặng chình chịch với những chiếc phanh tay dài ngoằn ngoèo thì xe của Long lại trắng xoá mang nhãn hiệu Méc xê Đuya ra khung trắng xoá. Mỗi khi dừng lại thì râu tôm của nó lại vang lên một chuỗi âm thanh lanh tanh giống như một chuỗi âm thanh của những giọt nước rơi nhanh vào một chiếc mâm đồng. Nhìn thấy vợ mồ hôi dòng dòng miết mải đạp xe trên những con đường mấp mô. Lúc đầu tiên khi xe hai người còn chưa rời khỏi đường phố thì Long còn băn khoăn không biết bây giờ Vân đang ở đâu. Ngay chiều hôm kia khi Long đến nhà Vân thì cô vắng nhà, chỉ có Vũ em Vân đang lúi húi bỏ thức ăn vào cho chuột bạch ăn. Cu cậu đang có vẻ phởn chí vì vừa được mấy cậu bạn trong hội nuôi chuột bạch giới thiệu cho Bệnh viện sốt rét ngay sau vùng quê Phùng khoang là nơi mỗi ngày dùng hàng trăm con chuột để thí nghiệm. Long mất khá nhiều thời gian để tán với Vũ về chuyện này. Lựa dịp mãi sau mới làm như vô tình hỏi về Vân thì Vũ thủng thẳng, ơ thờ bảo nghe đâu chị Vân sẽ theo tổ đan len sơ tán ở mạn trên Chèm cạnh nhà anh Lâm anh em thúc bá làm ở phòng chấp pháp của Công an Hà nội. Còn cụ thể ở chỗ nào thì Vũ chịu. Hơn một ngày bận bịu trong việc chủân bị cho vợ con đi sơ tán những trong đầu Long vẫn lởn vởn suy nghĩ về Vân. Nhưng khi vượt khỏi cầu Long Biên thì Long gần như bay hết nghĩ ngợi về Vân mà lại cảm thấy thương vợ. Diễm gò lưng đạp mải miết mà dường như chiếc xe đạp nữ Thống nhất không đi. Ai có thể ngờ chiếc xe mà không hiểu thế nào trong lần phân xe dành cho ban chủ nhiệm hợp tác xã sau thành tích làm ăn cung cấp giấy hoàn thành chỉ tiêu cho sở thương nghiệp cuối năm ngoái Long lại may mắn gắp được phiếu mua. Khi Long dắt xe về thì cả nhà, rồi cả phố ồn lên coi như một sự kiện may mắn lớn Khi Long nói bô bô là dành cho Diễm chiếc xe đó thì đêm đó Diễm dường như quên hết sự ghen tuông với chồng trong mối quan hệ với Vân đã chủ động yêu chồng một cách đắm say. Đứa con đã đến tháng thứ tư trong bụng chính là hậu quả của niềm say mê đó. Trong những ngày tết lúc hai vợ chồng đi chúc tết họ hàng. Thấy vợ chồng Long, Diễm dắt Lễ, lê đi. Ai cũng bảo hai vợ chồng nên gắng đẻ thêm vài đứa con trai nữa. Những lần được nhắc như vậy thì đêm về Diễm đều vừa nghiến ngấu Long xung quanh chuyện dính líu với Vân và thẳng thừng bảo nếu quan hệ kia không chấm dứt thì chẳng bao giờ Diễm đẻ thêm đứa nào nữa. Long vừa nhìn vợ vừa giơ tay nhắc hai chị em Lễ, Lê đừng trêu đùa nhau trên xe nữa. Khi rẽ xuống đường năm Long chợt nhận ra hôm nay đường sang nơi sơ tán ngược gió. Anh vẫy tay bảo Diễm dừng lại. Nghe tiếng chồng, Diễm từ từ dừng xe, vừa giơ tay bảo Lễ đừng xuống vội nhưng con bé cố tình làm như không nghe thấy lời mẹ nên vừa thấy bố đỗ xe đã trèo tót xuống chạy ào vào bãi ngô ven đường làm Lê kêu réo lên khi thấy chị chạy đi.
Em mệt không? Long nhẹ nhàng hỏi vợ.
Diễm hơi ngếch khuôn mặt đỏ bừng, nhễ nhại mồ hôi nói khẽ với chồng:
- Kì này em thấy khác hai lần trước lắm. Mới có già bốn tháng mà nó đạp dữ quá làm em đau hết cả mình mẩy.
Thế hả. Con giai mà lại.
- Ai nói với anh thế? Ơ kìa, anh gọi hai chị em lại chứ. Chui vào bụi ngô làm gì chẳng may trong đó có rắn rết thì làm sao.
Long gọi váng cánh đồng. Vừa lúc đó có tiếng loa phát thanh đột ngột vang lên rồi tiếng ì ầm ngày một to cùng những tiếng những luồng đạn không biết từ đầu bay qua bầu trời xanh ngát cuối hạ, Có tiếng người nào đó quát thật to "máy bay đến đó". Tiếng Diễm rối rít "thôi chết các con tôi rồi kia anh… ". Một tốp máy bay nhỏ xíu, đen xì đằng sau có những giải khói đen nhạt từ sau những cụm mây vừa hình thành bởi khói đạn bay vọt ra. Long cúi lom khom lao về phía hai đứa trẻ mặt xanh lét đang run lẩy bẩy bên trong một bụi ngô đã có những túm râu mầu nâu nhạt phơ phất. Tốp máy bay nhỏ dần rồi biến hẳn phía chân trời. Tất cả im ắng trở lại. Đột ngột tiếng loa phát thanh từ đâu lại vọng lên cùng tiếng còi báo yên vọt lên rú từng hồi thì vừa lúc đó thình lình một tốp du kích vai quàng súng từ đâu hiện ra. Họ đứng sững trước mặt vợ chồng Long Diễm, lúc đó vừa bế hai đứa con lên yên chuẩn bị đi. Một gã du kích cao lớn mặt có những nốt rỗ quá sâu như chân của những chiếc đinh vừa nhổ ra trên một miếng gỗ tạp. Gã này nhìn xói vào chiếc xe đạp của Long hỏi giật giọng:
- Này anh kia. Có phải anh cố tình không sơn khung xe kia. Để trắng xoá như thế để làm gián mặt đất làm ám hiệu cho máy bay hả hả?
Long hình như không nghe thấy tiếng hỏi của tay du kích có giữ vẻ bình tĩnh thọc tay vào túi áo ngực lôi chứng minh thư và thẻ xã viên ra nhũn nhặn:
Mời các đồng chí xem giấy tờ ạ. Đây là vợ con tôi.
- Ai đồng chí với anh. Vẫn tay du kích rỗ với vẻ đứng đầu tốp vừa cầm giấy của Long lên vừa nói như quát. Gã không hề liếc mấy tờ giấy mà ngoáy cổ lại đưa cho tay du kích người đậm chắc, hai vai u lên như u con bò kéo xe hạ giọng. Xem cho cẩn thận vào. Còn anh hãy trả lời tôi. Tại sao lại cố tình để khung xe đạp sáng?. Nói nhanh
- Báo cáo các ông. Đây là xe đuya ra không thể sơn được. Xe này tôi có từ thời Pháp.
- Không nói tiếng tây. Đây không biết thời Pháp thời phiếc gì hết. Đừng có mà loè nhau. Đây biết tỏng ra rồi. Anh, chị người ở đâu? Tay du kích mặt rỗ càng hách dịch thì vừa lúc đó tay du kích thấp lùn vai u nhô lên mặt tươi như vừa được đi ăn cỗ về, đầu gã gật gật:
- Đúng đúng. Tôi biết tông tích ông này rồi. Không việc gì đâu. Ông này là xã viên của hợp tác xã giấy Quyết tâm. Con em tôi thỉnh thoảng có lên lấy giấy vụn trên ấy về bán. Đúng rồi. Không phải người gian đâu, cho họ đi đi.
Hai đứa bé thần mặt ra không hiểu vì sau bố mẹ chúng đứng im lặng còn mấy chú ngưòi lớn mặt mũi dữ tợn khoác súng quát to như thế. Con Lê thần mặt ra một lúc rồi oà khóc nức nở vì sợ. Tiếng khóc của con bé làm tốp du kích lúng túng nhưng dường như để không mất vẻ oai gã mặt rỗ lại quát:
- Thôi được rồi. Đủ giấy tờ thế này là người ngay chứ không phải kẻ gian. Nhưng về nhà nhất quyết phải sơn lại khung xe đi nhớ chưa? Để sáng trắng ra thế là không được đâu
Buổi chiều khi về đến nơi sơ tán Diễm cằn nhằn chồng:
- Em đã nói anh rồi, ở phố mình nhà ông cả Dăm còn đến hai cái xe thế này mà có ai dám đi đâu, thế mà anh…
- Được rồi. Cái méc xê này của anh ăn thua gì. Chiếc xe Xtéclinh của anh Lâm đẹp thật, lại nhẹ nữa chứ. Móc hai ngón tay vào khung nhấc lên nhẹ bỗng. Hồi trước khi tay Phong còn sống tay ấy rất khoái chiếc xe đó. Chính anh và Phong đi mua chiếc xe đó ở cửa hàng phố Duy tân chứ đâu. Thế mà khi hoà bình về Phong cho ngay anh Lâm.
- Anh lúc nào cũng tìm cớ nhắc đến nhà ấy đấy à. Nhớ nhà nó thì đi đi để mặc mẹ con tôi ở đây.
Diễm đang định cao giọng ghen tuông thì chợt thấy con gái bà chủ nhà đi lại, giọng cô mềm hẳn xuống:
- Em nói thật đấy, anh phải sơn ngay đi không có đang đi, du kích người ta kiểm tra mà anh lại quên giấy tờ ở nhà thì khổ lắm đấy.
- Được rồi, Được rồi. Long nói cho qua chuyện. Liền sau đó anh nghĩ thầm. Chính vợ anh đã làm anh lại nhớ đến Vân. Không biết giờ này em đang ở đâu. Gần một tuần nay không nhìn thấy mặt, lúc quên đi thì không sao nhưng hễ có người nhắc đến là y như rằng nỗi nhớ và những sự tưởng tượng vẩn vơ lại bùng lên như ngọn lửa của chiếc đèn đất. Biết làm sao được. Giá con người như con vật, ăn ngủ, rồi làm công việc gieo giống. Tất cả cứ tuần tự như một cái máy thì mọi sự sẽ thật đơn giản. Đằng này ngày ngày ăn uống và kể cả khi nằm cạnh với một người, làm mọi chuyện của một người chồng - một đàn ông với một người đàn bà - người vợ lại đi nhớ nhung, mường tượng đến người khác.
- Bao giờ thì anh quay về đấy? Giọng Diễm nhẹ nhàng âu yếm hỏi chồng dường như quên tất cả sự ghen tuông của người vợ.
- Bốn giờ sáng mai. Long quay lại nhìn vợ, anh hơi ngạc nhiên khi thấy Diễm trở lại sự hiền dịu cố hữu.
- Về sớm thế sợ có vắng người quá không. Em chỉ lúc ấy tối quá nhỡ gặp kẻ xấu thì làm thế nào.
- Không phải lo. Bây giờ du kích trực chiến cả ngày cả đêm sợ gì. Mới lại đi sớm thế một là kịp giờ làm ở hợp tác xã, hai là đỡ để người ta phàn nàn, xách nhiễu vì mầu khung xe. Thôi kì này về có khi phải tìm giẻ hay giấy quấn lại chứ để thế này có khi lại bị bắt oan đấy. Ngày xưa càng trắng càng sang, bây giờ lại sinh chuyện ra.
- Làm ngay đi. Cứ cẩn thận là hơn anh ạ. Về sớm thế thì tối nay đi nghỉ sớm đi. Bữa ăn cơm chiều nói với anh chị Lục để anh chị ấy biết. Mai đỡ phải nói lại. Nhưng về thì một là ở nhà hai là đến hợp tác xã, đừng có mà…
Biết rồi, biết rồi.
- Kỳ sau sang mang cho em mấy cân muối. Được ít mỡ xào nấu cho con nó ăn
- Được rồi, được rồi. Long nhìn vợ và đôi mắt anh hơi nhíu lại. Thế mà đã chín năm rồi. Cái hồi năm bẩy ở bệnh viện Phủ Doãn. Rõ ràng là vợ mình có quý Phong hơi vượt quá giới hạn không?