Trong lúc mọi người đều chú ý theo dõi hành vi của Anh Tử. Thì một sự việc quá sức tưởng tượng của tôi xảy ra. Hôm ấy, Anh Tử lặng lẽ kẹp một lá thư vào vở qua cho tôi, mời tôi và Lưu Đại Khôi đến quán trà vắng khách ở hoa viên gần trường uống trà. Ngày hẹn: chủ nhật tới. Tôi ngồi suy nghĩ mãi không biết Anh Tử lại định giở trò gì đây. Hay là cha cô nàng sắp chuyển công tác nên nàng muốn giã từ chúng tôi? Cũng có thể Anh Tử đã phát hiện được chuyện tôi theo dõi nàng nên muốn phủ đầu đe dọa? Cũng có thể Anh Tử mời chúng tôi để thăm dò khuynh hướng và tư tưởng bọn tôi. Khi đem sự việc này ra bàn với Lưu Đại Khôi thì Khôi lại phản bác điều tôi đã nghi ngờ hết. Hắn bảo có lẽ Anh Tử định nhờ chúng tôi giải thích giùm một bài toán hay chẳng qua mời uống trà chỉ để mua chuộc bọn tôi thôi. Tôi báo cáo sự việc lên thầy Dương, thì thầy không phản đối. Thầy hỏi không nhân sự việc này để thăm dò đối phương, nhất là về phương diện tư tưởng. Có thể đây là một hình thức mà Khuyển Dưỡng Quang Hùng định dùng để xâm nhập chính trị vào nhà trường. Thầy Dương khuyên chúng tôi nên tương kế tựu kế để đánh lạc hướng Quang Hùng. Cũng trong dịp này thầy Dương yêu cầu chúng tôi thay đổi thái độ với Anh Tử. Thù ghét ra mặt là hành vi hạ sách, chẳng những không kết quả mà có khi bị tác động ngược. Thế là buổi chiều chủ nhật, tôi và Đại Khôi đúng giờ hẹn đến quán. Nhìn quanh chỉ thấy có một cô gái đội khăn ngồi ở góc quán. Đến gần mới biết là Anh Tử. Anh Tử lột khăn xuống giải thích. - Tôi ngại các bạn cùng lớp nhận thấy rồi lo ngộ nhận không tốt. Tôi hiểu ra. - Hèn gì Anh Tử chẳng ăn mặc lạ như thế này, trông như gái quê! Anh Tử cười. - Bây giờ tôi đã là thiếu nữ Trung Quốc rồi chứ? - Giống lắm. Anh Tử có vẻ suy nghĩ. - Nếu mọi người chịu coi tôi là người Trung Quốc thì hay biết bao. Lưu Đại Khôi nhớ đến lời thầy Dương hỏi. - Cô không thích mặc Kimono nữa à? Anh Tử đáp. - Đương nhiên là thích. Tôi là người Nhật mà nhưng áo nào đẹp là cũng thích thôi. Vì vậy tôi cũng muốn người Trung Quốc yêu Kimono. Lưu Đại Khôi cười. - Chuyện đó rất có thể, nếu mọi người dẹp bỏ được óc dân tộc hẹp hòi, nhưng điều này có thể khó khi cô là người Nhật! Anh Tử nghiêm mặt. - Các anh vẫn có định kiến như họ nữa sao? Tôi thấy Nhật hay Trung Quốc đều có chung một nền văn hóa nguyên thủy. Chẳng lẽ Nhật và Trung Quốc rồi không dẹp bỏ được hận thù cứ mãi đối nghịch nhau? - Có thể dẹp bỏ được, nếu có một bên bại. - Tôi thì thấy thắng bại không thành vấn đề. Chiến tranh rồi có lúc phải kết thúc cũng như nhân sinh quan của con người. Có lúc cũng phải thay đổi. Phải chăng Anh Tử đang triển khai kế hoạch chiêu dụ chúng tôi? Ý nghĩ đó khiến bọn tôi khó chịu. Lưu Đại Khôi xẵng giọng nói. - Thôi đừng có nói chuyện chính trị ở đây. Tôi hỏi cô gọi chúng tôi đến đây có việc gì? Anh Tử lắc đầu. - Chẳng có việc gì cả. Chẳng qua vì trong lớp muốn nói chuyện riêng với các anh không được tự nhiên. Mà trong lớp lại chỉ có các anh coi tôi là bạn bè. Lưu Đại Khôi liếc nhanh về phía tôi, rồi cười. - Cũng đâu có gì. Lúc hay tin cô bệnh mà chúng tôi không đến thăm được, chuyện đó không phải bạn bè rồi. Nhưng xin Anh Tử miễn thứ cho. Vì chuyện vào dinh thự nhà cô không phải là chuyện dễ. - Cảm ơn anh. – Anh Tử cảm động nói. – Anh nói câu đó tôi đã thấy mát lòng rồi. Lâu nay rôi cứ nghĩ mình quá cô độc. Không biết khi chết đi rồi, có ai là người nhỏ lệ vì tôi không? Lời của Anh Tử làm tôi vô cùng xúc động. Tôi chưa kịp nói gì thì Lưu Đại Khôi đã lên tiếng. - Tôi rất ân hận về thái độ của các bạn với cô, nhưng tôi nghĩ mọi thứ chỉ tại hiểu lầm. Có điều cô là người khá kiên nhẫn. Tôi nghĩ mặc dù cô là người Nhật nhưng cô đã đạt được chữ nhẫn của học thuyết Khổng Mạnh Trung Quốc. - Cảm ơn anh – Anh Tử cười nói – Chuyện đó tôi không oán trách ai cả. Tôi chỉ nghĩ rằng mình cư xử với bạn bè chưa tốt nên mới bị hiểu lầm. Có lẽ tôi còn phải cố gắng hơn, từ tốn hơn. Như vật may ra các bạn mới không còn thành kiến tôi là con gái của kẻ thù! Nhưng từ tốn thế nào để được hòa nhập với mọi người, điều này hẳn phải nhờ hai anh chỉ bảo. Lưu Đại Khôi lắc đầu nói. - Chuyện này hoàn toàn bế tắc. Vì sự thù hận của hai dân tộc khó hòa giải trong một sớm một chiều. Nói rõ ra các bạn của chúng ta không có gì để thù hằn cá nhân cô, mà người họ căm thù là Khuyển Dưỡng Quang Hùng, cha cô đấy. - Nhưng cha tôi đâu có làm gì xấu? - Nhưng ông ấy là sĩ quan Nhật, đang cầm đầu đội quân xâm lược chiếm lấy đất nước chúng tôi. Anh Tử yên lặng. Lưu Đại Khôi lại tiếp. - Vì vậy chuyện cô muốn vun đắp tình bạn với bọn tôi chẳng khác nào dã tràng xe cát biển đông. Bao nhiêu sức lực bỏ ra chỉ một con sóng thôi là mọi thứ tan tành. Anh Tử lắc đầu. - Tôi không hiểu! - Có gì mà không hiểu. – Lưu Đại Khôi lại tiếp – Ý tôi muốn nói là mọi cố gắng của cô sẽ vô ích, nó chẳng những không gây được thiện cảm với mọi người, mà còn khiến bạn bè ngờ vực. - Tại sao vậy? - Vì có người cho rằng có người đã chỉ thị cho cô thi hành công tác chiêu dụ trong trường. - Ai? Thầy Nguyên ư? Lưu Đại Khôi gật đầu. - Vâng, cô thông minh lắm, nhưng nếu thật là hắn làm việc đó thì không thể nào tha thứ được. Vì hắn là người Trung Quốc. Anh Tử lắc đầu. - Các anh lầm rồi! Thầy Nguyên không phải là người xấu như các anh tưởng đâu. Lưu Đại Khôi nghiêm nghị. - Nếu như cô coi chúng tôi là bạn, thì tôi khuyên cô nên chú tâm và việc học nhiều hơn, ít nói, đừng phí thời gian vào chuyện lấy lòng bạn bè. Chuyện đó cô không thể nào thực hiện được đâu. Anh Tử tránh ánh mắt của Khôi, lắc đầu nói. - Tôi không tin là tình yêu không thể hóa giải hận thù. Hẳn anh đã đọc chuyện Romeo và Juliette? Chúng tôi gật đầu. Anh Tử tiếp: - Đấy, máu của Romeo và Juliette đã hóa giải hận thù giữa hai giòng họ. Thì tại sao chúng ta không dựa vào đó mà mà xóa bỏ sự hận thù dân tộc. Tôi yên lặng. Anh Tử tiếp. - Tôi mong các anh giúp đỡ tôi. Nhất là anh Khôi, anh là trưởng lớp, anh nói các bạn hẳn nghe theo. Tôi thật lòng muốn làm bạn với mọi người. Tôi tin là với thời gian các bạn rồi sẽ chuyển ý như anh Ngô Hán Thanh chẳng hạn. Lời của Anh Tử khiến tôi nhớ đến cái buổi chiều ở rừng phong. Lưu Đại Khôi không biết chuyện đó, nên nói. - Ai chứ Ngô Hán Thanh thì tôi chịu. Anh ấy là chủ tịch hội học sinh. Hắn là người rất khó lay chuyển. - Tại sao? - Vì hắn là người yêu nước sôi nổi nhất, nhiệt thành nhất. Anh Tử nhíu mày. - Người yêu nước vẫn có tình cảm chứ không phải là gỗ đá. Ngô Hán Thanh chắc chắn phải có gia đình, chị em? - Ngô Hán Thanh không còn gia đình nên tình cảm dành hết cho tổ quốc. Nghe nói Ngô Hán Thanh đã mất cha mẹ từ nhỏ. Thanh và hai người anh được người thân nuôi nấng nên người. Nhưng hiện giờ Thanh cũng đã mất liên lạc với hai người anh từ lâu. Anh Tử có vẻ hiếu kì, thắc mắc. - Tôi thấy thì anh Thanh chẳng phải dành hết tình cảm cho tổ quốc đâu, nghe nói hiện anh ấy đang có cảm tình với Tôn Thắng Nam? Lưu Đại Khôi lắc đầu, cười. - Cô lầm to rồi! Hoa rơi hữu ý nhưng nước chảy vô tình. Tôn Thắng Nam yêu Ngô Hán Thanh thật, có điều đó chỉ là tình yêu đơn phương. Tình yêu không được đáp lại. Có điều Ngô Hán Thanh là con người tế nhị, nên không nhẫn tâm nói thật sợ Nam đau lòng. Anh Tử cười. - Chuyện riêng tư của họ mà sao anh biết? Hay là chỉ đoán mò thôi? - Tôi nói dối cô làm gì? – Lưu Đại Khôi đáp – Cách đây không bao lâu Ngô Hán Thanh còn tâm sự với tôi và nhờ tôi khuyên Tôn Thắng Nam giùm là hãy dành thời gian cho chuyện học nhiều hơn. - Thế anh có khuyên Tôn Thắng Nam không? - Đàn bà con gái các cô có bao giờ chịu nhận sự thật. Khi nghe tôi nói. Thắng Nam đã chối leo lẻo. Cô ta còn nói là xem Hán Thanh như một người anh tinh thần. Anh Tử cúi xuống với một với nụ cười. - Vậy là tốt rồi. À mà… Người Trung Quốc các anh thường cho rằng hôn nhân bao giờ cũng là duyên nợ. Anh tin điều đó không? Đại Khôi lắc đầu. - Tôi không tin! Đấy là điều mê tín dị đoan. Nhiều người đã lợi dụng cái lý do đó để giải thích việc làm sai trái của mình. Anh Tử nói. - Tôi thì tin chuyện đó, mà không phải chỉ một mình tôi, các bạn gái đều tin như vậy. Nó tương tự như thuyết nhân quả vì có cái lý của nó. Đúng ra khoa học nên nghiên cứu kỹ vấn đề này. Lưu Đại Khôi hình như chẳng thích bàn đến vấn đề trai gái nhiều, nên đã chuyển đề tài sang chuyện học hành. Chuyện vãn một hồi, Anh Tử chợt nói. - Mùa đông sắp đến, nhà tôi có tổ chức buổi khiêu vũ vào hôm Giáng Sinh. Tôi muốn nhờ các anh mời hộ thêm mấy bạn đến dự cho vui. Anh thấy thế nào? Lưu Đại Khôi suy nghĩ rồi nói. - Cám ơn Anh Tử, nhưng lúc đó ai ai cũng đang chuẩn bị về quê ăn Tết, e là họ không dự đâu. Người Trung Quốc chúng tôi rất quan trọng tết Nguyên Đán. Đó là ngày trọng đại nhất trong năm. Anh Tử nói. - Vâng, người Nhật cũng xem đó là ngàu sum họp gia đình. Thôi được, các anh không muốn dự lễ Giáng Sinh với tôi thì thôi, nhưng tôi mong là trong những ngày nghỉ tết các anh vẫn thư từ với tôi nhé? - Chuyện này thì chẳng có gì trở ngại. Khôi nói, rồi lật sổ tau đọc một số địa chỉ cho Anh Tử chép. Tôi ngồi yên lặng theo dõi thái độ của Anh Tử, Tôi thấy khi biết được địa chỉ Ngô Hán Thanh, hình như Anh Tử rất mừng. Sau khi Anh Tử chép địa chỉ bạn bè xong, chúng tôi đã chia tay. Trên đường về, tôi và Khôi đã phân tích những sự việc trong buổi nói chuyện vừa qua. Quả thật không có gì để nghi ngờ. Khôi còn cho rằng Anh Tử bị cô lập nên cảm thấy rất cần tập thể. Sống trong xã hội con người chẳng thể bị cô lập. Vì đó là một sinh vật sống hợp quần. Chúng tôi chẳng ngờ buổi nói chuyện hôm đó lại tiềm tang một tai họa vô tình cho một người khác.