- 8 -

    
au hôm ở chỗ Trường về vài ngày, trong một buổi hội ý thường vụ đảng uỷ xã, mà thường vụ nào nhiều nhặn gì, chỉ có ba người, thì duy nhất mỗi ông Sa là người ngoài, còn hai là anh em Thuật, Lận. Cuối buổi họp, Thuật rút cặp lấy ra tờ giấy viết tay có chữ ký của Lận, uỷ viên ban thường vụ đảng uỷ, chủ nhiệm hợp tác xã Tiên Trung, thay mặt đảng uỷ, uỷ ban và hợp tác xã đề nghị trên cho dành khu đất gò, lối vào làng Phương Trì, để xây dựng “khu văn hoá sinh phần”. Bên trên, phía góc trái đơn đề nghị, là chữ ký duyệt “đồng ý” của Trường, chủ tịch uỷ ban huyện, kèm dấu đóng treo, mà cái buổi sáng hôm Thuật lên gặp Trường để trình bày, may sao lại gặp đúng lúc cuộc tình công sở giữa Trường và Hà vừa xong. Tiền trảm hậu tấu, việc đã rồi mới đưa “thường vụ bàn”, thì một bí thư Sa, chứ mười bí thư đảng uỷ như Sa cũng gật gật lia lịa. Vậy mà không làm khẩn trương thì dở quá. Cả một kế hoạch cụ thể được hai anh em Thuật, Lận và thằng Bính, cháu trưởng đích tôn, hoạch định sẵn rồi. Sở dĩ phải có Bính, vì không những nó là cháu trưởng, sau này trông coi hương hoả của cả gia tộc, còn vì thằng Bính đang rấp rinh yêu cái Viên, con ông Mải, em gái Điền bên Phương Trà. Gì thì gì chứ tiếng tăm ông Mải không những trong đảng bộ, mà cả bàn dân thiên hạ xã này còn phải kính nể. Một khi thằng Bính đã tác thành với cái Viên, cũng coi như họ Vũ làng Phương Trà và họ Phạm làng Phương Trì là một. Còn việc tay Điền bị kỷ luật lưu đảng mười hai tháng, chứ hai năm bốn tháng đi chăng nữa, đối với Thuật cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Ý nghĩa là cái chức chủ nhiệm hợp tác xã toàn xã đã về tay Lận, cũng có nghĩa hai trong ba chân kiềng lãnh đạo cao nhất ở xã này đều nằm ở làng Phương Trì, cụ thể là nằm trong tay hai anh em ruột Phạm Khắc Thuật và Phạm Khắc Lận. Không gì hơn lúc này là đi lại kết thân với cha con ông Mải, hay ít ra cũng không nên có định kiến với họ như trước đây nữa, nhất cử lưỡng tiện, việc tác thành của thằng cháu trưởng hẳn không gặp trở ngại, lại còn có thể tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cha con ông ấy trong việc lập “khu văn hoá sinh phần”, một công trình lớn của anh em Thuật để lại cho đời sau, cũng là sinh phần lớn nhất không những xã này, mà cả huyện này, cũng chưa dòng tộc nào có. Đến Trường cũng còn thúc giục ông anh vợ cứ làm đi, làm khẩn trương, làm cho to đẹp vào, có gì mấy năm nữa em cũng rập mẫu bên anh về lập một “khu văn hoá sinh phần” dòng tộc nhà em bên Tiên Thái. Vậy chẳng những mình không thể đi, mà chú Lận cũng không thể dứt ra năm bữa nửa tháng để đi mãi miền ngược mua sắn được. Chỉ còn một cách… Đúng thế.. Thuật vừa chợt nhớ đến gợi ý của ông Liểu, cửa hàng mua bán xã, khi anh hỏi việc cử người đi miền ngược mua sắn năm nay theo bác nên cử ai, vội đứng lên, tất tưởi đi vào buồng, lay gọi vợ:
- Mẹ Hồng ơi, dậy, dậy tôi nhờ tý!
Phượng, chị chủ tịch uỷ ban xã Tiên Trung ngày nào đi giao ban cụm chiến đấu bắn máy bay Mỹ, cùng với đại uý Cải về đến ngang đường gặp mưa to gió lớn sấm chớp đùng đùng, hai người phải vào trú mưa trong chiếc lều người coi đồng, nay là vợ Thuật. Phượng đang nằm nghỉ trưa trên chiếc giường hai vợ chồng vẫn nằm, kê trong gian buồng phía đông, bỗng bị chồng đánh thức, lần khân không muốn dậy. Nhưng khác với cử chỉ của một ông chồng quen lấy quyền uy ra lệnh hơn là ăn nói nhẹ nhàng, Thuật ngồi xuống mép giường, rồi rất nhanh luồn một tay xuống gáy vợ như nâng dậy, giọng có cái gì như một sự nhờ vả:
- Mẹ nó dậy đi! Dậy đi tôi nhờ một việc.
Phượng ngồi hẳn người trên giường, hai tay đưa lên vuốt vuốt mái tóc đang xoã xuống vai ra phía sau, rồi một tay chít nắm tóc sau gáy, một tay cầm nắm đuôi tóc cuộn vào, búi thành búi tó sau lưng. Kiểu búi tóc thành búi tó sau lưng ấy của Phượng như một sự tự trang điểm, làm cho cái cổ của chị, vốn đã cao và trắng, lại càng thêm cao và trắng trẻo, khơi gợi hơn. Bỗng chốc, Thuật nhìn vào cái cổ cao và trắng trẻo, khơi gợi của vợ như nhìn cô gái đang xoan, chứ không phải cái bà vợ đã ngoại tứ tuần nữa. Hay cũng tại đã lâu lắm chưa được nhìn thấy Phượng thế này giữa ban ngày ban mặt, giờ nhìn thấy khác lạ quá chăng. Thuật vội đổ người trùm lên Phượng, rồi một tay luồn nhanh xuống vạt áo, lùa lên bộ ngực phơi trần không mặc xu chiêng, còn một tay thọc dưới cạp quần rộng, cũng không có quần con bên trong. Rất nhanh, Thuật đặt được cả hai tay vào hai chỗ mẫn cảm nhất của người đàn bà. Nhưng bất ngờ, Phượng ngồi bật dậy:
- Anh làm cái gì mà hùng hục như trâu húc mả thế! Không sợ có người đến thì dơ mặt ra đấy à!
Biết vợ không thích, cũng không thể ép, vợ chồng chăn gối là cả một đời, vả giữa ban ngày ban mặt cũng không nên. Thuật vội ngồi dậy, nói như thể chữa thẹn:
- Đùa một tý…
Phượng nhìn chồng, cười:
- Hôm nay lại biết đùa cơ! - Rồi tụt cả hai chân xuống đất tìm dép, miệng giục chồng. - Thôi, nhờ vả gì người ta thì nói đi!
Thuật cũng đã xỏ được hai chân vào hai chiếc dép, đứng lên:
- Mình sang tìm hộ tôi chú Lận sang đây nhá!
- Thì đằng nào chiều anh em ông chả ra xã, còn bắt tôi đi tìm giữa trưa nắng thế này làm gì.
Thuật như không nghe thấy lời vợ, hoặc có nghe, nhưng việc bảo đi là vẫn cứ phải đi:
- Thôi, mình đi đi! Bảo chú ấy là đến ngay có việc cần, tôi muốn bàn riêng với chú ấy, nhá!
Phượng lẳng lặng ra ngoài nhà, lấy chiếc nón treo đầu cột, rồi cun cút đi ra sân giữa trời nắng chói chang.
Thuật cũng quay ra ngoài nhà, ngồi vào đúng cái ghế có hai tay vịn Thuật ngồi ban nãy. Cái ghế ấy lúc nào cũng được đặt bên trong, cạnh bàn thờ tiên tổ, phía tay phải lối vào gian buồng vợ chồng Thuật nằm ở phía đông nhà. Bên ngoài cũng là một chiếc ghế có hai tay vịn, giống như chiếc ghế dài kê đối diện, vợ con hay khách khứa ai ngồi vào đấy cũng được, miễn là đừng có vô ý, nhỡ ngồi vào cái ghế có hai tay vịn đặt phía trong, dưới chỗ bàn thờ tiên tổ, gặp lúc ông chủ nhà đi đâu về thì thôi đấy, không bị mắng té tát cũng bị quở vô ý vô tứ. Thuật đặt đít ngồi xuống ghế, hai chân khuỳnh lên để tỳ hai đầu gối vào mép hai bên tay vịn, còn hai tay đặt lên như kiểu vua chúa ngồi đặt tay lên tay ngai. Với kiểu ngồi ấy, dường như có làm cho xương cốt trở lên thư giãn hay sao, mà Thuật lại hướng hẳn khuôn mặt chữ điền, nước da thiết bì, với đôi mắt to có hàng mi dầy cum cúp, nhìn chằm chằm về phía Phượng đang tất tưởi bước ra cổng. Chẳng lẽ Thuật không tin vợ mình lại không sang tìm Lận. Chả dám. Nhưng vẫn ngại vợ ra ngõ gặp ai lại chuyện trò năm câu ba điều, sang đến nơi khéo không chú ấy lại ra xã rồi cũng nên.
Thuật sốt ruột ngồi đợi. Mãi cũng không thấy Lận sang, mà cũng không thấy vợ quay về. Đang định đứng dậy ra ngõ xem có thấy ai không, thì Lận tất tưởi đạp xe đến. Thuật hỏi ngay:
- Nhà tôi sang bên chú đấy.
Lận dựng xe đạp ngoài tường hoa, bước vào:
- Bác gái về sau. Mà hình như em thấy bác ấy rẽ vào bà Thêm hỏi cái gì ấy.
Lận vừa nói vừa bước vào trong nhà, ngồi xuống đầu chiếc ghế dài, nhìn ông anh đang ngả người ra ghế tựa, nét mặt khó đăm đăm, dè dặt hỏi:
- Bác cho tìm em có việc gì ạ?
Thuật ngồi ngay người lên, chằm chàm nhìn Lận, hỏi:
- Chú cho thả tay Điền, ông Tinh với mấy người ngoài Phương Lưu chưa?
Lúc ở nhà, vừa xách xe đạp ra sân định đi xã, thấy chị dâu sang tìm: “Chú sang ngay có việc cần, ông ấy bàn riêng với chú đấy”, Lận nghĩ lại chuyện lập “khu văn hoá sinh phần”, chắc là sáng nay lên huyện họp, gặp ông em rể lại thay đổi gì chăng. Nhưng không ngờ vừa sang đến nơi đã nghe ông anh cả hỏi một câu đột ngột, không có liên quan gì đến việc gia đình, mà sao lại cho tìm sang nhà bàn thế này. Lận chưa hiểu đầu trê tai nheo ra sao, lưỡng lự:
- Em tưởng việc thả hay không là phải có ý kiến của huyện chứ?
Thuật bỗng ngồi hẳn lên, người như lao về phía Lận, hỏi dồn:
- Thế lúc bắt mấy người ấy chú có xin ý kiến huyện không, hay tự chú cho bảo vệ xuống bắt?
Lận ngập ngừng:
- Lúc em xuống đã thấy ông Hưởng ở đấy rồi. Em hỏi, ông ấy bảo, đứa nào chống đối cho bắt ráo về xã, chờ giải quyết.
- Vậy mà về huyện ông Hưởng lại nói là xã họ bắt, chứ huyện ai ra lệnh. Chú đi mà cãi. Giải quyết! Giải quyết cái con khỉ! Hai mươi nhăm con lợn, toàn loại to, chín mươi cân, một tạ, đang đâu chở đến trại người ta bắt nuôi báo cô gần chục ngày giời. Báo thanh toán cho mấy tấn thóc trừ vào công chăn nuôi, cám bã, rau bèo cho xã viên họ phấn khởi, cũng nhất định không thanh toán. Nhẽ nào người ta chả không cho bắt lợn về. Thế mà ông ấy chỉ cho người lên báo, chú đã dẫn bảo vệ súng ống, gậy gộc kéo xuống Phương Lưu bắt người, đem về giam trong nhà kho phân đạm hợp tác xã rồi. Thật là quá nông nổi em ạ! Bắt người phải có con dấu đóng quốc huy hẳn hoi, chứ đâu dễ như bắt con cái trong nhà thế được!
Lận ngồi ngay đơ nghe ông anh cả, đứng đầu chính quyền xã, nói như mắng vỗ vào mặt. Nhưng cấm dám cãi câu nào. Giây lát, hẳn là chờ cho ông anh hạ hoả, mới từ tốn giãi bày:
- Thực tình em cũng chưa hiểu lắm cái việc bắt người là phải thế nào. Em đang ở ngoài trụ sở thì thấy cậu em trai ông Hưởng, làm ở ban nông nghiệp, cùng với một anh ở văn phòng uỷ ban huyện, đạp xe đèo nhau lên. Bảo chúng tôi đi với anh Hưởng về kiểm tra trại chăn nuôi Phương Lưu, bị bọn xấu chặn xe hành hung đập vỡ cửa kính, dân đang kéo ra đông lắm. Đồng chí phó chủ tịch huyện bảo chúng tôi lên truyền đạt ý kiến của đồng chí ấy lệnh cho xã mang dân quân xuống bắt bọn hành hung tống giam. Thế là em gọi mấy cậu bảo vệ đang có mặt ở trụ sở chạy xuống, chứ nào em có biết bắt người là phải thế nào đâu.
Lận nói thật lòng. Bởi cha mẹ sinh ra, bé cho bú mớm, lớn cho ăn cháo ăn cơm. Lớn lên chút nữa cho đi học. Học xong lấy vợ, sinh con. Rồi ra ở riêng, nghiễm nhiên thành ông chủ một gia đình. Đấy là bổn phận làm người đàn ông, làm ông chủ gia đình, biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe. Còn như không muốn dựa cột nữa thì hỏi mẹ hỏi cha, hỏi anh hỏi chị đê biết mà làm theo. Hoặc tinh mắt nhanh tay thì không cần hỏi ai, cứ nhìn người khác làm mà bắt chước, lâu dần rồi cũng biết, chỉ phải cái chậm và lâu, chứ không mất gì, không thiệt hại đến ai. Ngay đến mình nhiều khi cũng không bị thiệt, mà còn có lợi là đằng khác. Nhung việc bên ngoài thì không thể thế được. Nhất là cái việc bên ngoài ấy lại do mình chủ sự, mình đầu têu, chưa nói nhiều khi lại còn phải miệng nói tay làm, hay như cánh vẫn ra sân khấu thường bảo “tự biên tự diễn”, thì tính chủ động, tính sáng tạo cá nhân có vai trò quyết định thành bại. Tiếc rằng Lận chỉ có được một nửa những điều vừa nhắc kia thôi. Nghĩa là, Lận đúng là người đứng đầu hợp tác xã toàn xã Tiên Trung, nơười chủ sự của hành vi bắt người giải về xã giam. Bởi nếu không có Lận đưa bảo vệ xã xuống, không ra lệnh cho bắt người, thì bố bảo mấy tay bảo vệ dám xông vào bắt ông Tinh, đội phó đội sản xuất kiêm tổ trưởng tổ cờ đỏ và Điền, nguyên chủ nhiệm hợp tác xã, cùng mấy người nữa ở đầu làng Phưtyng Lưu. Đúng như Lận vừa nói với ông anh nửa như thanh minh, nửa như nhận lỗi: “Em cũng chưa hiểu lắm về cái việc bắt nguời là phải thế nào”. Vì từ ngày còn đang học lớp bảy, Lận đã say gái như say thuốc, không mấy tối thứ bảy, chủ nhật chịu ở nhà, cứ cơm xong là lỉnh, nhiều đêm để nhà chờ cổng rõ đến sáng. Mà tìm gái thì cấm chịu tìm gái làng cho 2ần, cứ vào mãi Phương Trà, Phương La, có khi còn lần sang tận xã bên mò gái. Nhưng nào có kết cô nào, cứ vài tháng lại thấy cặp kè một cô dẫn về nhà chơi, có khi chỉ tháng trước dẫn cô này, tháng sau đã thấy đèo cô khác về giới thiệu đây là bạn con rồi. Thế nên, học chưa hết lớp bảy Lận đã đòi lấy vợ. Từ bà mẹ đến anh trai, chị dâu, rồi chị gái, anh rể ai cũng nhất loạt giơ cả hai tay, kẻo lỡ nó dại dột làm con nguời ta chửa ra đấy thì mang tiếng. Không những thế, lấy nhau ăn chung ở độn với mẹ và vợ chồng ông anh được đúng ba bảy hăm mốt ngày, vợ Lận dở quẻ đòi ra ở riêng. Thế là Thuật, bấy giờ còn làm uỷ viên thư ký uỷ ban xã, đành thu xếp mãi mới đổi được ít diện rau về chân tre cho em vượt thổ làm nhà. Ổn định chốn ở thì vợ Lận sinh con gái đầu lòng. “Ruộng sâu, trâu nái, gái đầu lòng”, chẳng biết câu ca của các cụ sướng khổ đến đâu, nhưng Lận đúng là từ khi vợ đẻ con gái đầu lòng thì cứ lên như diều gặp gió. Đẩu tiên là chị An đang làm thư ký đội sản xuất thì xin nghỉ, vì đến tháng nằm cữ đứa con thứ ba. Lẽ ra chỉ tạm nghi mấy tháng, đẻ xong hết cữ lại vẫn làm. Nhưng đằng này chị cứ nằng nặc xin nghỉ, vì nhà neo người, chồng lại làm công nhân mãi nhà máy đóng tàu Hạ Long, chiều chủ nhật đạp xe đi, tối thứ bảy mới về đến nhà, chả còn đỡ đần gì được cho vợ con. Vả bấy giờ Lận cũng thôi học hơn một năm, vợ Lận đã đẻ được mấy tháng, ông anh rể, tức là Trường, chồng cô Ngấn, hồi ấy đang làm trưởng phòng ở huyện, cũng định xin cho em vợ đi làm chân bảo vệ uỷ ban huyện. Nhưng của đáng tội, Lận không biết thuộc nhóm máu gì mà hễ rời vợ ra mươi hôm, thậm chí chỉ vài ba ngày đã không sao chịu nổi, cứ ngửi thấy mùi gái là sấn đến như gà trống quyện gà mái mỗi buổi sớm thả trong chuồng ra. Lận không đi đâu, chỉ ở nhà, hai vợ chồng, một đứa con nhỏ với ba sào rưỡi ruộng, vừa làm vừa đú đởn, nhàn thân, sướng đời, việc gì còn phải đi đâu cho gò bó, lại mỗi khi thích lên muốn tý máy tý mẻ chả biết vào chỗ nào, chi bằng cơm nhà, lổn vợ là hơn. Thế là Lận nhận chân thư ký ghi chép công điểm, phân gio, giống má của đội sản xuất. Cũng nói thêm là đội sản xuất hồi ấy nằm trong họp tác xã một làng, không to như sau này sáp nhập bốn hợp tác xã của bốn làng thành hợp tác toàn xã. Nên công việc của một thư ký đội cũng không có gì vất vả, nhọc nhằn và phức tạp cho lắm, đến như chị An mới học dở lớp năm còn làm được, huống hồ Lận đã có trình độ tới lớp bảy.
Khởi đầu từ anh thư ký đội, được vài vụ anh trai trúng chấp hành đảng bộ xã, được cử sang tham gia ban quản trị, làm chủ nhiệm hợp tác xã Phương Trì, liền rút em lên làm phó ban kế hoạch của hợp tác xã. Cuối năm ấy Lận lại được kết nạp đảng. Con đường hoan lộ của Lận cứ thế thăng tiến. Chả bao lâu trước ngày sáp nhập bốn hợp tác nhỏ thành hợp tác có quy mô toàn xã, Lận đã là chủ nhiệm họp tác xã Phương Trì. Thế là khi sáp nhập, Lận nghiễm nhiên đảm trách chức phó chủ nhiệm hợp tác toàn xã Tiên Trung. Nhà anh em Thuật, Lận năm ấy hình như là năm thăng quan. Trên huyện, thì Trường, em rể Thuật, cũng là anh rể Lận, được đề bạt phó bí thư huyện uỷ, phân công đảm nhiệm chức chủ tịch uỷ ban huyện; dưới xã, Thuật được cử làm phó chủ tịch uỷ ban, còn Lận cũng nghiễm nhiên trở thành một trong ba phó chủ nhiệm hợp tác toàn xã, sánh ngang với chức phó chủ tịch. Còn về sau, bằng cách nào Lận lên chủ nhiệm hợp tác toàn xã Tiên Trung, thì chúng ta đã biết qua câu chuyện của Điền với Cải cái đêm hai người thức gần đến sáng, nếu không có tiếng kêu “có đứa lấy trộm sen”, mà kỳ thực lại chính thằng Bính và cái Viên đưa nhau ra bờ đầm sen thề thốt để ông Khởi trêu cho, rồi ù té chạy, thì có lẽ họ còn chuyện trò với nhau đến sáng.
Thuật nghe em trai nói đi nói lại nửa như thanh minh, nửa như nhận lỗi: “Em cũng chưa hiểu lắm về cái việc bắt người là phải thế nào”, liền hiểu ngay là em nói thật lòng. Bé cha mẹ nuôi, lớn lại mẹ đi xin dâu, dẫn cưới. Vào đời thì hết anh trai, chị gái, anh rể lo cho từng bước. Con đường hoan lộ cứ thẳng như kẻ chỉ, chưa một vết rạn. Vậy mà Lận lại chưa bao giờ có nổi lấy một tháng, chứ chưa nói một năm, ngồi vào lớp quản lý kinh tế, hành chính hay chính trị chính em nào, thì làm gì có hiểu biết về quá trình dẫn đến một hành vi có thể bị bắt, và trước khi bắt người thì phải tiến hành những bước nào. Bơi Lận không biết thuộc nhóm máu gì mà hễ rời vợ ra mươi ngày, thậm chí vài hôm đã không sao chịu nổi, nên cứ nói đến đi học tập trung trên trường đảng tỉnh, thậm chí ngay tại trường đảng huyện, là Lận lo kế hoãn binh. Thuật biết tính em trai nên làm việc gì cũng kèm cặp riết róng, bảo ban đến nơi đến chốn trước khi em ra đến ngoài. Lận được cái nhiệt tình, bảo làm gì là hùng hục như trâu húc mả, nhưng hữu dũng vô mưu, lại nông cạn xốc nổi, nhiều khi làm xong mới biết là dại. Được cái bảo là nghe ngay. Nói ra được câu ấy cũng là người biết nghĩ. Thuật nhìn ông em trai đứng đầu hợp tác xã nông nghiệp toàn xã vừa thấy cảm thông, vừa thấy thương thương, tồi tội cho thằng em vừa làm một việc nông nổi, nếu không muốn nói là dại dột. Giây lát, Thuật dịu dàng bảo Lận:
- Thôi, chú đi thả mấy người ấy ra đi. Riêng ông Tinh và tay Điền, chú mời bằng được họ vào phòng chú bên hợp tác xã uống nước. Chờ tôi ra, cả tôi và chú có lời xin lỗi họ vì chưa hiểu rõ thực hư ra sao, mới chỉ nghe mỗi em trai ông Hưởng và một anh ở huyện đến nói, đã vội cho bảo vệ xuống bắt người là thiếu sót. Mong hai đồng chí về nói với các anh, các bác dưới làng thông cảm cho. Thế nhá, chú đi đi. Mềm nắn, rắn buông, phải biết lựa chiều cư xử, chứ cứ lúc nào, với ai cũng nắn nắn, bóp bóp là có bữa vỡ mặt đấy!
Ông anh trưởng tộc, lại làm chủ tịch xã, bảo chẳng lẽ không đi. Chứ đi thì đi, Lận vẫn thấy ấm ức. Dẫu là việc bắt người vô cớ, ừ thì cứ cho là vô cớ, vì chưa có lệnh đã bắt người ta đi, thì những người ấy cũng chưa hẳn hoàn toàn không có lỗi. Thế nên, thả ra thì được, chứ lại còn mời vào văn phòng để cả chủ tịch, chủ nhiệm đến xin lỗi và mong được sự thông cảm thì nghe nó thế nào ấy. Quả là thái độ của Thuật đối với vụ xô xát giữa tổ cờ đỏ làng Phương Lưu và những người đi trên hai chiếc xe đến chở lợn ở trại, có cái gì như một sự nhún nhường, sờ sợ, khác với bản tính cứng rắn, máy móc, đầy uy quyền của một người đứng đầu chẳng những trong gia tộc, dòng họ mà còn trong cả xã. Lận mơ màng nghĩ thế, nhưng cái đầu củ chuối của Lận lại không cắt nghĩa được nguyên do của việc ông anh có thái độ mềm mỏng với những người Phương Lun, trong đó có Điền, không hiểu sao lại lạc vào đấy, mà Lận cho bắt giam, là nghĩa làm sao. Nhưng ông anh bảo đi thả thì cứ phải đi đã. Thả rồi thì mời bằng được ông Tinh và Điền sang phòng hợp tác xã uống nước và có lời xin lỗi họ, thì cứ phải mời bằng được. Có gì khuất tất, có gì chưa hiểu thì đành hiểu sau vậy.
Nhưng Lận không phải chờ hiểu sau, lại càng không phải tự mình tìm hiểu lấy. Ngay tối hôm ấy, nhà Lận vừa cơm nước xong đã thấy: “Bác cả sang chơi đấy!”. Ấy là Hoan, vợ Lận, đang đứng ngoài cửa chuồng lợn cho con lợn nái mới đẻ mười hai con ăn thêm bát cháo lấy sữa đêm cho con bú, chợt nhìn thấy Thuật lững thững đi khuất sau bụi tre ngoài cổng, vội chạy vào bảo chồng, giục con dọn mâm bát đi, nhanh lên, bác cả sang chơi đấy.
Nhà này cũng như nhà mẹ con bà Bao, chị dâu, và cả bà cô Ngấn, tiếng lấy chồng làm chủ tịch huyện, nhưng gia phép “quyền huynh thế phụ” từ đời ông, đời cha vẫn được giữ nghiêm. Dẫu Thuật không phải là con trai cả trong nhà, nhưng ông cả là chồng bà Bao, bố thằng Bính, đã hy sinh ngoài mặt trận. Thuật là thứ, giờ phải đứng chân trưởng tộc, không những nối dõi tông đường thờ cúng tiên tổ, giữ nghiêm gia phép, mà còn phải bảo ban các em, các cháu biết đường ăn ở với họ tộc, xóm làng. Mà họ Phạm Khắc làng Phương Trì cũng là một họ lớn, chỉ riêng số suất đóng giỗ tổ hàng năm đã trên dưới hai trăm. Chưa nói đến người họ này đi sinh cơ lập nghiệp mãi Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, rồi tận Sài Gòn, Vũng Tàu. Ở đâu làm ăn được, ở đấy thấy người họ Phạm Khắc. Dẫu gia tộc nhà Thuật không là ngành cả trong họ, nhưng cụ cả Bộ, trưởng họ này, hồi cải cách ruộng đất bị quy địa chủ, đưa ra đấu tố mấy đêm ngoài sân đình. Năm ấy cụ cả Bộ bảy mươi ba tuổi, đúng vào tuổi hạn, lại người đang yếu sẵn, bị giam hàng tháng trời. Lại đúng vào năm đói kém, nên vợ con cũng chẳng còn gì tiếp tế cho cụ ngoài gói cơm nắm, củ khoai luộc. Cụ cả cùng mấy người bị quy là địa chủ trong xã bị đưa ra giam ngoài trại lẻ chân đê, nay gọi là làng Phương Lưu, nơi có trại chăn nuôi lợn nổi tiếng, mới xảy ra xô xát giữa tổ cờ đỏ với ông phó chủ tịch cùng hai chiếc xe của huyện xuống bắt lợn. Mấy ngày đầu vợ con còn hạt gạo, củ khoai thì ngày hai bữa vẫn mang cơm khoai ra cho cụ. Ít ngày sau những thứ ấy hết, thì vợ con cũng hết thứ tiếp tế. Nhưng đấu tố thì không thể vì thế mà hết, vẫn cứ đúng lịch đội sắp xếp, cụ cả Bộ được đưa về đình làng để nông dân đấu tố. Trong một đêm mưa phùn giá rét, trước mấy trăm con người đứng ngồi lố nhố chật sân đình, cụ cả đang đứng co ro trong vành móng ngựa bỗng khuỵ gập chân, đổ người đánh uỳnh một cái xuống sân gạch, cứ như xin âm dương vậy. Cụ cả qua đòfi, dòng họ Phạm Khắc làng Phương Trì mất đi một vị trưởng tộc mấy chục năm hương hoả từ đường, giữ nghiêm luật lệ dòng họ. Theo lẽ thường tre già măng mọc, nhưng của đáng tội, nhà cụ cả về đằng trai chỉ được độc mỗi người là anh Bôn, thì cách đấy hai năm đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ mất rồi. Chí còn hai bà con gái, nhưng xưa nay không ai lập con gái làm thừa tự bao giờ. Vậy là nhà Thuật dẫu chỉ là ngành thứ cũng phải đứng ra cáng đáng công việc họ tộc.
Thế lại hoá hay. Giờ Thuật chẳng những đứng đầu họ tộc, mà còn đứng đầu chính quyền cả xã Tiên Trung. Một người làm quan cả họ được nhờ, huống hồ chi riêng nhà Thuật giờ đã có tới hai người làm quan đứng đầu xã, người nắm chính quyền, người nắm kinh tế tập thể. ơiưa nói ông em rể là người đứng đầu chính quyền của cả huyện, như ngày xưa gọi là quan, quan huyện, chứ chả anh anh, em em sấc sược như bây giờ. Nhưng đấy là chuyện hàng xã, hàng huyện, còn giờ đang nói chuyện trong nhà.
Thuật không mấy khi vào nhà bà chị dâu, mà nếu ông chồng còn sống thì lại là trưởng tộc cơ đấy, cũng không mấy khi ra nhà chú em trai. Ngay cô em út, tiếng là chồng làm chủ tịch huyện, anh cả đến lúc nào cũng cơm gà cá gỡ, nhưng Thuật cũng ít khi đến. Có công việc gì cần bàn, cần hỏi, trên là bác Bao, dưới là chú Lận, cô Ngấn, Thuật đều cho tìm đến nhà uống nước nói chuyện. Tiếng anh em Thuật còn mẹ đẻ, nhưng bà cụ năm nay đã tám sáu, tám bảy, gần đất xa trời, dạo tháng trước bị ngã tưởng chết, thuốc thang mãi mới qua, nhưng giờ ăn đâu nằm đấy, có đi lại gì được nữa đâu. May còn biết phân biệt, con cái có vào thăm, hỏi cụ xơi cơm chưa, vẫn nghe ra, bảo tao ăn rồi, chứ chưa đến nỗi như ông ngày xưa, cả ngày, ai hỏi cũng chỉ mỗi câu tao chưa ăn, rõ khổ. Thế nên ông anh cả đã cáng đánơ chân trưởng họ, lại trưởng tộc, còn thêm gánh nặng trông nom, chăm sóc bà mẹ già, nên từ bà chị dâu đến em trai, em gái, rồi em rể, cũng đều kính nể ông anh cả túc trí đa mưu, tề gia nội trị đâu vào đấy. Dẫu một vài tháng, chứ cả năm anh cả không đến nhà các em, các cháu cũng không ai nỡ nửa lời trách cứ. Không những không nửa lời trách cứ, mà mỗi khi thấy ông anh cả hạ cố đến nhà còn mừng vui khôn xiết. Vợ chồng, con cháu rối rít giục nhau rước bác cả vào nhà, đi đun nước mau lên, còn chè mạn không mẹ nó, đứa nào chạy đi mua cho bố lạng chè về tiếp bác cả này.
Sau khi chạy vội vào bảo chồng, giục con: “Bác cả sang chơi đấy!”, Hoan liền quay ra rối rít mời chào:
- Bác sang chơi nhà chúng em ạ! Mời bác vào trong nhà xơi nước.
Thuật hôm nay mặc chiếc áo sơ mi màu nước biển ngắn tay, bỏ trong chiếc quần bộ đội cũ nhưng màu vẫn chưa bạc mấy, như tôn thêm dáng người đã cao càng cao và đĩnh đạc hơn. Vừa bước những bước thư thái, chững chạc rất đúng tư thế ông anh trưởng đến nhà chú em, Thuật vừa cất tiếng rành rẽ:
- Thím cứ mặc tôi. Đã cơm nước gì chưa?
Hoan vội đáp:
- Dạ, chúng em cũng vừa dùng bữa xong ạ!
Lận từ trong nhà vừa đưa tay lên trước ngực đóng vội hàng cúc áo, vừa tập tững bước ra:
- Bác sang chơi. Mời bác vào trong nhà.
Nhà Lận làm từ những năm bảy mươi, khi Thuật mới ở bộ đội về, đang làm chân uỷ viên thư ký uỷ ban xã, phải đổi mấy thước diện rau năm phần trăm của nhà mới được nửa sào ruộng chân tre, vượt thổ làm nhà cho em trai. Tiếng là ở rìa làng, nhưng chỗ thổ cư nhà Lận không lấy gì làm rộng. Lại thêm lúc làm nhà chú em tinh tướng nhất định không nghe ai, cứ mình một phách, vượt thổ làm nhà chính giữa đám đất, còn đằng trước đằng sau để đất không. Ngày ấy ông anh cả nói không được, giận mấy hôm không lai vãng đến em làm nhà, mặc dù ngày nào cũng có hàng chục người xây, người phụ. Thế nhưng bây giờ trông gia cảnh nhà Lận lại ra dáng một thổ cư hài hoà, nếu không muốn nói là đẹp. Có lẽ chỉ thua ông anh một cấp là nhà chưa thành hình gọng bừa, nghĩa là chưa có mấy gian nhà ngang nữa thôi, nhưng về cảnh trí lại ăn đứt nhà ông anh cả. Này nhé, cái nhà ba gian một thò hai thụt, một kiểu nhà rất phổ biến ở đồng bằng sông Hồng những năm bảy mươi, tám mươi, xây vững chãi, có cửa sổ mở ra bốn phía, giờ như đứng giữa một khuôn viên cây xanh, toàn loại vải thiều Thanh Hà mua tận gốc, cây nào cây ấy cứ như chiếc nơm khổng lồ úp chụp xuống đất, trĩu trịt những quả là quả. Nhưng cái đáng giá hơn không phải là ở mươi cây vải thiều, mặc dù mỗi vụ vải Lận để đúng dịp tết Đoan Ngọ, mồng năm tháng năm chiết sâu bọ, mới lấy xuống bán, đắt còn thiếu nước hơn cả tôm tươi. Nhưng cái đáng giá hơn không phải là ở mươi cây vải, mà ở khu đất đằng sau, vốn là một cái bến thuyền ra, thuyền vào từ bao đời, nhưng sau khi sáp nhập các hợp tác nhỏ thành hợp tác toàn xã, rồi đi lên sản xuất lớn, thì không ai chịu nước lạc hậu lại đi chở thuyền. Hơn nữa, lại có nhà nước đầu tư rót tiền bạc, máy móc vào cho mặt trận hàng đầu nông nghiệp, nên đội sản xuất nào cũng có xe bò, xe công nông, máy kéo chở phân ra đồng, chở lúa về sân kho, cày bừa cũng bằng máy, tý nữa thì còn được trang bị cả máy cấy, máy gặt đập liên hoàn nữa ấy chứ. Thế, cái bến thuyền cạnh nhà Lận mới thành bến hoang. Mà cái giống đất đai, đầm hồ đã bỏ hoang thì không anh nông dân nào không thấy xót. Thế là Lận mượn người, mua tre bờ, chặt hạ, đan thành những con rồng tre thả xuống đầm, rồi lại đóng đất, móc bùn đổ lên. Chỉ mươi hôm đã thành con bờ vững trãi bao gọn cái bến rộng đến hàng mẫu. Ngay vụ cá năm ấy, Lận cho đổ xuống vùng bến gần chục vạn cá con bằng lá lúa, hạt bòng, quay đi quay lại mấy tháng kéo lên bán cá giống có tiền ngàn. Nhà Lận phất lên từ đấy. Vợ chồng làm không xuể, Lận phải mượn người cắt cỏ cho cá ăn, nuôi ông chú vợ cơm ngày hai bữa chỉ trông coi bờ nậm vùng bến.
Vậy nhưng dưới con mắt ông anh cả, Lận vẫn bị coi là cái thằng “đầu củ chuối”, như Thuật thường nói mỗi khi chỉ có mấy anh chị em trong nhà với nhau. Như cái việc Lận đùng đùng cho bắt tay Điền, ông Tinh và mấy người làng Phương Lưu ra cản xe huyện. Khi ông anh bắt đi thả ngay họ ra, Lận chẳng hiểu sự thể ra sao, nhưng cũng không dám hỏi lại, chỉ biết dồn đọng trong lòng một cục bực. Bực, nhưng lại khôna; dám nói, không dám hỏi, càng không dám cãi, thì lại càng bực hơn. Lận đeo cục bực về nhà, ngồi xuống mâm cơm, mặt đầy như cái cơi, không hỏi, không nói, không trò chuyện với vợ con, cứ thế bưng bát cơm lên ăn. Hết ba bát như lệ thường, đứng dậy vào giường nằm. Rõ đến khi vợ từ ngoài chuồng lợn chạy vào nói mà như gọi: “Bác cả sang chơi đấy!”, mới uể oải dậy, với chiếc áo sơ mi treo đầu cột, vừa mặc vừa đi ra chào.
Ông anh cả nhìn nét mặt héo như dưa, lại nghe tiếng chào như mồm ngậm hạt thị của chú em, liền nói một câu vỗ về:
- Vải nhà chú năm nay sai quá nhỉ. Dễ mỗi cây tới vài tạ đấy nhá!
Mặt Lận đã thấy dãn ra, da dẻ cũng bớt đi những nét nhăn cóc cáy. Ai đến nhà Lận chơi, hoặc gặp ở đâu, mà ngay lập tức khen cây cối trong vồng xanh tốt và sai quá nhỉ, vùng bến trông ngày càng đẹp ra đấy, nhiều hôm đi qua thấy cá mú nổi lên như sao sa, là dẫu đang có nỗi buồn bực trong lòng, Lận cũng tươi tỉnh niềm nở được ngay. Tính Lận lắm lúc đến buồn cười, bực dọc đấy, hờn giận đấy, nhưng bỗng chốc lại như không có gì vướng bận trong lòng, cười nói vui vẻ vô tư được ngay. Lận kéo chiếc ghế gỗ mộc đến sau lưng Thuật:
- Mời bác ngồi tạm. Gớm, bên nhà em đông trẻ, chúng bày bộn bừa bãi quá, chứ không như bên bác.
Thuật quay lại nhìn nhanh cái ghế Lận vừa đặt sau lưng, trên mặt ghế còn in mấy vết chân trẻ con dính đầy cát, bảo:
- Ai bảo đẻ lắm vào, còn kêu!
Quả là vợ chồng Lận đẻ hơi nhiều, giời để cho nguyên vẹn dễ hơn nửa tiểu đội. Bỏ mất đứa đầu và đứa thứ ba, vẫn còn năm đứa con sàn sàn đầu nhau, ba trai, hai gái. Chả bù cho vợ chồng Thuật, chỉ đẻ một bận, được mỗi đứa con gái. Thế nên, riêng về đường con cái, Thuật nhiều lúc như ghen tỵ với chú em ruột. Nhưng có ghen tỵ thế, chứ ghen tỵ nữa cũng chả lại được với vợ chồng Lận. Vì người đời đã có câu “tốt giống tốt má, tốt mạ tốt lúa”, vợ chồng Lận được cả hai. Lận có dáng người cao đậm, đôi chân dài với hai bàn tay to bè. Những người đàn ông trường túc như thế, người ta bảo, cứ đi qua đầu giường vợ cũng có chửa, chứ đừng nói đêm nào vợ chồng cũng nằm chung giường. Mà vợ chồng Lận, Hoan từ khi lấy nhau, giờ đã có báy mặt con cả sống lẫn chết, khó khăn lắm cũng chi giữ được một, hai tháng đầu vợ mới ở cữ, là vợ chồng nằm riêng. Nhưng cũng chả mấy hôm gần sáng anh chồng không lần vào cái giường ngào ngạt mùi sữa quyện mùi nước đái và cứt trẻ sơ sinh tanh ngằn ngặt, vờ rấu con, nhưng kỳ thực tay cứ rờ rờ vào cái bên dưới của vợ. Còn sang đến tháng thứ ba, thứ tư trở đi thì thôi đấy, dẫu ban ngày Lận đi làm mệt, đêm vừa đặt mình xuống đã ngáy như kéo bễ lò rèn, thì thể nào nửa đêm về sáng, Hoan cũng rờ rẫn sờ soạng cái ấy của Lận cho kỳ cứng như cây sào, rồi đê vào đúng chỗ bẹn mình day day, làm Lận có ngủ say đến chết cũng giật mình tỉnh giấc. Người ta bảo “chim ra ràng, nàng ở cữ”, mỗi lần Hoan ở cữ là một lần như thấy Hoan thoát xác, thịt da nở nang, trắng như trứng gà bóc, còn khuôn mặt trái xoan với núm đồng tiền trên má lúc nào cũng hồng hồng, như ngượng ngùng, e ấp, khát khao một cái gì muốn được đền đáp, muốn được toại nguyện. Hoan là người đàn bà có vẻ đẹp tự nhiên, dáng người cao ráo, thắt đáy lung ong, khuôn mặt nhẹ nhõm, tươi tỉnh, hai cánh tay thuôn dài, đi cứ vung va vung vảy như múa, ai đi đằng sau nhìn cũng phải khen mềm và đẹp.
Chẳng bù cho vợ chồng ông anh cả. Tiếng nhà Thuật được cả vợ lẫn chồng đều to con, săn chắc, nhìn bên ngoài ai chả bảo vợ chồng nhà ấy cũng vào loại mắn đẻ. Nhưng Phượng, vợ Thuật, người đanh, chắc rắn như cây sắt, nước da khô như tàu chuối mùa đông. Lần có chửa đứa đầu lòng đi cấy chiêm ruộng đầm, ngâm nước bị cảm lạnh chạy vào, cấm khẩu tưởng chết. May gặp thầy gặp thuốc ông lang Luân dưới Lai Hạ, nên chỉ cấm khẩu đúng bảy ngày, sang ngày thứ tám không phải lấy đũa cả ngáng răng cũng đổ được mấy thìa cháo. Qua đận ấy, đẻ đứa đầu lòng chưa được nửa năm, lại có chửa đứa thứ hai. Một hôm Phượng đi gánh phân khoán cho hợp tác xã ra cánh đồng Láng, tham gánh nhiều, đâu những hơn sáu mươi cân phân chuồng, đang đi bỗng đòn gánh gãy, Phượng ngã quỵ xuống bờ ruộng, một bên quang sảo đè lên lưng. Phượng bị sảy thai, băng huyết, phải đưa đi bệnh viện huyện. Từ đấy, không biết có phải do quen máu, hễ lần nào có chửa là y như rằng, chỉ giữ được vài tháng cái thai lại ra. Những năm sau này, khi Thuật đã xuất ngũ, vợ chồng có dịp gần nhau, có dạo chỉ già nửa năm Phượng sảy thai đến hai lần. Thế là sợ chết khiếp, hễ gần đến ngày kinh nguyệt là Phượng lại lảng xa chồng, thậm chí nằm chung giường cũng không dám, chỉ sợ chồng đi họp hành tiết canh lòng lợn bia rượu vào, đang đêm lại tý máy tý mẻ là lại có chửa, mà chửa, lại sảy thai băng huyết lần nữa, quá tam ba bận, chỉ còn nước chết. Thế nên Phượng cạch, không dám đẻ đái gì nữa. Đúng là con người ta không biết thế nào. Chẳng lẽ ngay cả đường con cái, câu của người xưa: “kẻ ăn không hết, người nần không ra”, vẫn cứ đúng. Thế nên, mỗi lần sang nhà chú em, nhìn lũ cháu đùa nghịch như quỷ xứ, nghe vợ chồng em trai ca cẩm con cái chỉ biết bày bừa ra nhà, chứ không biết đường dọn dẹp, Thuật vừa thấy ghen tỵ với vợ chồng em con đàn con đống, lại vừa thấy thảnh thơi, quang quẻ cửa nhà, một khi vắng bóng trẻ mỏ đùa nghịch bừa bộn.
Thấy ông anh cả quay lại nhìn cái ghế mình vừa đặt xuống, miệng lẩm bẩm như mắng: “Ai bảo đẻ lắm vào, còn kêu!”, Lận vội cúi xuống chân bàn lấy cái giẻ lau lau mặt ghế, rồi cười tuế toá:
- Nhiều lúc nghĩ bực lắm, bác ạ. Chỉ muốn đét cho mỗi đứa mấy cái cậng chổi!
Thuật cười buồn:
- Chú bực, chứ tôi dẫu muốn cũng chả có mà bực!
Thuật nói xong, cả hai anh em như rơi vào im lặng. Lận lẳng lặng lau ghế, rồi lau bàn. Xong lại đổ ít nước từ chiếc ấm trong dành tích ra bốn cái chén cáu vàng nước chè, không biết từ bao giờ, rồi quấn một đầu giẻ vào ngón tay trỏ đưa vào lòng chén kỳ cọ từng cái một, ra ý dềnh dàng chờ vợ đi mua chè về. Còn Thuật ngồi xuống chiếc ghế em trai vừa lau, lặng lẽ đưa mắt ra ngoài sân, chỉ có một vệt sáng nhạt nhoà từ chiếc đèn soi cá treo trong nhà hắt ra, nhưng cũng đủ để Thuật nhìn thấy ngoài sân, ngoài vồng, cả ngoài đường ngõ xóm chạy qua trước nhà, có ai qua lại? có động tĩnh gì? Nhưng chỉ thấy im ắng đến phẳng lặng. Không tiếng bước chân người. Không tiếng gió thổi. Đến tiếng lợn gà, ngan vịt tranh ổ, động chuồng cũng không. Tiếng chó sủa lại càng không nữa. Vì lệnh cấm nuôi chó vẫn được đọc đi đọc lại ra rả trên đài truyền thanh huyện theo đường dây có loa kim mắc vào tận các nhà, có cho ăn kẹo cũng không đâu còn dám nuôi chó. Không có tiếng chó sủa, xem ra xóm làng đêm hôm cũng thấy văng vắng, thiêu thiếu cái gì. Chỉ có sự im ắng, phẳng lặng, làng xóm chưa hẳn đã hay. Nó còn phải thế nào nữa kia. Tiếng gà kêu. Tiếng chó sủa. Tiếng lợn réo đòi ăn. Tiếng sừng trâu cọ vào róng cồm cộp. Tiếng kẽo kẹt của khóm tre bờ ao. Và cả tiếng chửi nhau như hát hay của hai nhà liền kề, chỉ mất mỗi quả khế chua mà cho nhau ăn đủ thứ ngon vật lạ. Thuật ngồi lặng lẽ nhìn ra vệt sân nhạt nhoà ánh sáng đèn dầu, trong đầu chập nhờn những ý nghĩ rời rạc, đứt quãng. Giây lát, có tiếng Hoan chao chác ngoài ngõ, chứ cũng chưa nhìn rõ người:
- Ối giời, chẳng mấy khi bác cả lại chơi mà chạy vào mãi ông Vở, nửa làng trong mới mua được bò chè.
Lận cũng vừa lau xong chiếc chén cuối cùng trong cái khay nhôm, lơ đễnh nhặt tùng chiếc để ra bàn, rồi cầm khay đứng lên đi ra cửa, hắt tẹt khay nước ra sân:
- Sao không vào bà Quý, chè gì chả có.
Hoan né người tránh chỗ nước chồng vừa hắt ra:
- Ối giời, chè bà Quý chỉ thợ thuyền, xóm láng với nhau uống thì được. Chứ khách như bác cả mà bố nó lại bảo đi mua chè bà Quý, về để bác cười cho à.
Thuật nhìn cô em dâu đẹp người lại đẹp cả nết, biết tính ông anh không uống thì thôi, đã uống là phải chè móc câu Thái Nguyên chính hiệu, chứ còn uống chè bồm, chè cám, thà uống nước vối còn hơn. Thuật nhìn cô em dâu, nói như dàn hoà:
- Thôi, chè nào uống chả được, hả thím!
Hoan đưa gói chè cho chồng, quay lại thấy hai chị em cái Lạng vẫn ngồi cạnh nhau chỗ đầu giường, sau cái ghế bác cả ngồi, liền bảo:
- Hai đứa đưa nhau xuống nhà dưới, xem bài vở thế nào học đi chứ, ngồi đấy hóng hớt à!
Hai chị em con bé nghe mẹ nói như quát, lấm lét đứng lên đưa nhau xuống nhà ngang.
Trên nhà chỉ còn lại ba người lớn. Lận mở gói chè, dốc vào cái hộp, nguyên là vỏ hộp đựng sữa bột Trung Quốc, còn để lại một dúm, đang khum khum tờ giấy gói, định dốc chè vào chiếc ấm con để trong khay. Thuật vội dơ tay ra ngăn:
- Ấy, từ từ. Chú phải rót nước sôi vào ấm, xúc sạch, rồi đổ đi đã. Sau mới cho chè vào, lại đổ một ít nước sôi vào ấm, lắc lắc mấy cái cho bao nhiêu thứ bụi bậm dính vào những cánh chè nó ra hết đã. Xong lại đổ nước ấy đi, như kiểu tráng chè ấy mà. Bấy giờ mới rót nước sôi vào ấm. Rót làm sao cho vừa với lượng chè cho vào, lại cũng vừa số người uống, đủ mỗi người một chén, đến hai là cùng. Nhiều quá là nhạt, ít quá là chát. Cái giống trà uống nhạt hay chát đều mất hương vị, không ngon. Phải uống đậm đà, vừa phải, mới thấy hết cái ngon của chè, chứ còn uống xô bồ kiểu chú, thà uống nước vối cây nhà lá vườn cho khỏi tốn tiền.
Hai vợ chồng Lận cứ ngồi ngây như phỗng, nghe ông anh cả bảo ban cách pha trà, dùng trà. Hoan cứ hếch mắt lên hau háu nhìn Thuật như thể lần đầu, như người lạ lẫm, luôn mồm lí nhí: “Bác không nói thì ông Lận nhà em chẳng biết đường nào mà lần, cứ bỏ tộc chè vào ấm, lắm hôm uống chát ơi là chát. Giá thỉnh thoảng bác lại sang chơi, bảo ban chúng em thế này, thì mình cũng sáng ra được nhiều, nhỉ bố nó nhỉ!”. Chẳng biết Hoan nói thật hay nói lấy lòng ông anh cả, mà chính Hoan cũng biết không có ông ấy, chỉ mình ông Lận nhà này thì có ba đầu sáu tay cũng chẳng dám lấn ra bao đầm, bao bến, lập vùng cá, trồng cây lưu niên sum suê thế kia. Vậy dẫu Hoan có phải chạy vào tận xóm trong mới mua được lạng chè móc câu, chứ chạy lên mãi thị trấn giữa đêm tối thế này Hoan cũng chạy, chứ hẹp gì mấy câu nói lấy lòng mà không nói. Còn Lận nghe vợ nói còn thiếu nước run như cầy sấy, ông ấy mà thỉnh thoảng lại sang có mà trời sập, chứ lại không, rồng nào có rồng thỉnh thoảng đến nhà tôm, nói thế mà nghe được. Ông ấy mà thỉnh thoảng sang bảo ban ấy a, có Lận này chỉ còn nước chui xuống lỗ nẻ. Lận không còn lạ tính ông anh cả, mỗi khi trong nhà có công to việc bé cần bàn bạc, trao đổi, hỏi han ý kiến người này người kia, từ bà chị dâu trưởng chồng liệt sĩ, đến cô em út chồng đứng đầu chính quyền huyện, đều cho con cháu đi tìm, chứ không mấy khi thân chinh đến nhà ai. Nhưng hôm nay ông ấy đã phá lệ, hẳn phải có việc gì hệ trọng. Lận vừa dốc ấm rót nước chè ra ba chiếc chén, vừa chập chờn ý nghĩ. Nhưng không sao nghĩ ra việc gì, ngoài cái việc khởi công công trình “khu văn hoá sinh phần”. Chẳng có lẽ. Bởi nếu thế, Thuật cũng không nhọc công sang tận đây, cứ ngồi nhà rung đùi uống nước, cho vợ con đi tìm như bao lần khác, Lận vẫn phải đến ngay tắp lự cơ mà. Chịu. Không còn biết trong cái đầu ông anh cả đang ngồi, trông có vẻ bình thản thế kia, lại đang chất chứa mưu toan gì nữa. Lận rót xong ba chén nước, đặt ấm xuống khay rất nhẹ, như chỉ sợ động mạnh sẽ làm cho cái ấm sứ Hải Dương có thể vỡ tức thì. Xong, cũng lại rất nhẹ tay bimg chén nước chè vừa rót ra, còn bốc hơi nghi ngút, ngạt ngào thơm, đặt trước mặt ông anh cả với lời mời lễ phép:
- Em mời bác xơi nước!
Thuật hơi xoay người, ngồi ngay lưng lại, đưa một tay ra, nói nhỏ:
- Chú để tôi xin. - Chợt nhìn sang bên kia bàn, chỗ vợ chồng Lận đang ngồi, từ tốn bảo Hoan. - Thím uống nước đi.
Hoan lễ phép:
- Dạ, mời bác dùng trước ạ!
Cả ba người đều nâng chén trà uống chậm rãi, xuýt xoa khen thơm ngon, lại ngòn ngọt nữa. Cái giống chè Thái lạ thật.
Nhưng vừa uống hết một lượt trà, mỗi người mới chỉ đúng một chén đầu tiên, Thuật quay nhìn Hoan nói nhỏ, nhưng rắn rỏi, kiên nghị, đúng chất giọng anh cả:
- Thím có khi vào buồng nghỉ đi, hoặc xuống dưới nhà nằm nghe đài với các cháu. Anh em tôi có chút việc cần bàn.
Hoan chưa hiểu đầu trê tai nheo ra sao, cũng lí nhí: “Dạ, dạ!”, rồi đứng lên.
Lận thở phào nhẹ nhõm. Thế là rõ. Bao ý nghĩ chà xát trong đầu từ lúc ông anh sang, giờ mới được giải toả. Có thế chứ, không sao bỗng dưng rồng đến nhà tôm. Nhưng cũng phải đợi đến lúc Hoan xuống hẳn nhà dưới với mấy đứa nhỏ, vừa nghe đài vừa trông con học bài, ông anh cả mới từ chiếc ghế bên này bàn đứng dậy, đi sang ngồi sát cạnh ông em, ngay cái ghế em dâu vừa ngồi. Nhưng dường như vẫn chưa yên tâm, Thuật còn bảo Lận đứng lên tắt cái đèn soi cá đi chẳng lãng phí dầu, giờ còn ai làm gì nữa mà đốt đèn to thế. Dầu hoả tháng này cửa hàng mua bán xã chỉ bán theo bìa mua hàng mỗi hộ nửa chai, chứ không cả chai như tháng trước nữa đâu. Lận vâng dạ đứng lên hạ cây đèn soi cá xuống tắt, rồi xách vào treo lên bức tường đầu hồi nhà, xong mới quay ra ngồi vào chiếc ghế ban nãy. Thuật chờ em trai ngồi yên vị mới như bất ngờ quay lại, hỏi Lận:
- Chú có hiểu tại sao tôi lại thúc chú thả ông Tinh, tay Điền, cùng mấy người ngoài Phương Lưu ra không?
Lận đáp ngay thật:
- Bác sợ em bắt sai luật, vì chưa có lệnh của viện kiểm sát huyện chứ gì. Này, bác nhầm đấy. Ông Hưởng trước lúc lên xe về huyện còn bảo em cứ đưa về xã tạm giam lại đã, nặng thì trong vòng hai mươi bốn tiếng sẽ có lệnh bắt giam, còn nhẹ thì thả cũng chưa muộn. Từ ấy đến lúc thả đâu đã được nửa cái hăm bốn mà em sợ.
- Thì ai bảo chú sợ. Nhưng chú nói thế là chú chưa hiểu ý định của tôi vì sao lại thả họ ra, đúng không?
- Quả thật là đến giờ phút này em vẫn chưa hiểu ý định của bác trong việc xử lý cái vụ Phương Lưu này thế nào.
Lận vừa nói đến đấy, Thuật bỗng ngả người ra phía sau, cười ngật ngưỡng:
- Hà hà ha… Cái thằng này, đúng là đầu củ chuối, khôn nhà dại chợ. Việc nhà thì vun vén, mưu mẹo, mà sao việc bên ngoài lại chậm hiểu quá thế, em!
- Ừ, à… Quả thật là việc ấy em chưa hiểu bác giải quyết như thế là thế nào? Lúc ở ngoài trụ sở em định hỏi, nhưng chưa tiện. Giờ bác có thể nói cho em rõ được không?
Thuật nói, như để xua đi nỗi thắc mắc của chú em:
- Tôi cũng đoán chú chưa thông với cách giải quyết của tôi ban chiều, nên giờ sang cũng là muốn nói rõ với chú cho có đầu có đuôi. Tiếng là trong nhà chú là em ruột tôi, nhưng bên ngoài chú là chủ nhiệm hợp tác toàn xã, lại là một trong ba uỷ viên ban thường vụ đảng uỷ. Thế nên đã làm việc gì lại càng phải thống nhất, chứ không, ông chằng bà chuộc bên ngoài người ta cười. Mà người ta cười chú, hoặc cuời tôi, cũng là cười cả ban thường vụ đảng uỷ, thường trực uỷ ban và ban chủ nhiệm hợp tác xã. Chứ lại không ư. Ông Sa tiếng là bí thư, nhưng từ khi mổ ruột thừa về, đến ăn còn không được, huống hồ là làm. Thế nên, chỉ còn tôi với chú chèo chống phong trào, thì càng phải làm sao giữ cho dân yên lành, đừng để đơn từ kiện cáo kéo nhau lên huyện, lên tỉnh, rồi tận trung ương như Đồng Tâm, Đồng Triều bên kia, là anh em mình đầu không phải cũng phải tai đấy, chú ạ. Còn cái việc xô xát ở Phương Lưu, sự thực cũng là tại anh tại ả tại cả đôi bên. Huyện đương đâu đưa mấy chục con lợn về bắt trại người ta nuôi, rồi bỗng nhiên lại đánh xe xuống bắt lợn chở đi. Cứ làm như bao nhiêu ngày lợn của các ông ấy chỉ toàn uống nước lã mà sống, chứ không cần rau bèo, cám bã, công sá chăn nuôi gì. Nhẽ nào dân người ta chẳng tức.
Thuật vừa nói đến đấy, Lận vội nói chen:
- Nhưng mà bác ơi, em nghe mấy đứa cờ đỏ làng mình nó thầm thì với nhau, là nguyên nhân xô xát lại không phải vì mấy chục con lợn đâu, bác ạ.
Thuật chả tin cái chú em đầu củ chuối lại có thể có được thông tin đắt giá, liền cuời mỉa:
- Không vì mấy chục con lợn thì còn vì cái đ. gì nữa, mà còn phải nghe mấy đứa cờ đỏ với chả cờ vàng. Có nó sui dại chú thì có. Động vào cái dân hàng trại ấy đừng có đùa. Chú thử giam mấy người đó hết đêm nay, ngày mai xem, không lại dân tình kiện cáo kéo lên chật trụ sở, như cái vụ gặt tranh điền năm nọ, tôi chớ kể.