- 6 -

    
ây không phải lần đầu xe của huyện xuống trại lợn Phương Lưu xẩy ra xô xát. Nhưng đúng như các nhà viết sử nói: lịch sử không lặp lại hai lần, chỉ có thể lần sau diễn ra giông giống lần trước, chứ không y hệt lần trước. Đúng vậy.
Khác chăng là lần trước, mới cách đây hơn năm, diễn ra ngay trong trại lợn, cũng với một chiếc xe tải của huyện xuống trước, sau đó là chiếc u-oát đưa ông phó chủ tịch Hưởng xuống “ứng cứu”. Y hệt lần này.
Nhưng không phải vậy. Lần trước tính chất của vụ việc chỉ bé bằng mắt muối, chỉ có một ít xã viên chăn nuôi lời qua tiếng lại mang tính bột phát. Và cuối cùng, Hưởng vẫn chỉ đạo lấy được đủ sáu chiếc giường mang về trả cho nhà khách uỷ ban huyện.
Còn lần này tới hàng trăm người, nếu kể cả trẻ con ở mấy lớp học đang giờ chơi đổ ra nữa, thì chẳng biết đến những bao nhiêu trăm người. Chẳng biết những bao nhiêu trăm người, nên mức độ cũng nghiêm trọng hơn nhiều là cái chắc. Nhưng lý do xô xát lại mờ mịt hơn nhiều. Chứ không ư. Lần trước chỉ là sự tức bực vì phải nằm những cái giường cọc tre kẽo kẹt, nên mấy người chăn nuôi cố tình giữ lại những cái giường gỗ chắc, đẹp, đưa từ nhà khách huyện xuống, dừ là đưa xuống với mục đích chỉ để làm đẹp mặt cho xã, cho huyện đi chăng nữa, thì đã đưa xuống trại cũng có nghĩa là của trại rồi còn gì. Cái lý của mấy nguời chăn nuôi giữ giường là rõ ràng như thế. Còn cái lý của những người đang đứng chắn xe ở cổng làng đây, dẫu có hỏi mấy ông già bà cả, chứ hỏi đến ngay người đang chỉ huy tổ cờ đỏ tắc xe, vì sao các người lại ngăn trở xe của huyện chạy vào làng? Thì họ cũng không hề hé răng lấy nửa lời, mà chỉ ư hèm rằng chúng tôi được lệnh trên không cho bất cứ phương tiện giao thông và người lạ mặt nào vào làng, thế thôi. Hỏi “lệnh trên” là trên nào, xã, huyện, hay đâu nữa? Không ai hé răng. Tất cả như hũ nút. Không còn hiểu sự thể là thế nào? Làm sao cái làng ở choi loi nơi cuối xã này, lại bỗng dưng rào chắn đường đi, lối lại là nghĩa làm sao? ừ, thì bây giờ đi đến đâu chả thấy những trạm kiểm soát là kiểm soát, hết liên ngành lại công an, thuế vụ tắc xe tải, xe trâu, xe ngựa, kể cả xe đạp, xe cải tiến. Đi xe không thì thôi, còn không, hễ trên xe có cái gì là đều bị tắc lại hỏi giấy tờ, kiểm tra, thôi thì từ chục trúng, con gà, buồng chuối, mớ khoai, ống gạo đến thịt thà, ngan vịt, lợn con xuất chuồng, chứ lợn to, trâu bò thì từ lâu cấm tịt, bố ai dám mang, trừ ông mậu dịch. Tất tần tật hàng hoá, đồ ăn thức đựng đến súc vật, đã vận chuyển trên đường, bất cứ bằng phương tiện gì, cũng đều bị các trạm kiểm soát, mọc ra như nấm tháng ba, trên các ngả đường dừng lại hạch sách. Vậy thì cái việc làng Phương Lưu tự nhiên nhi nhiên dựng lên cái ba-ri-e, với một tổ cờ đỏ thường xuyên túc trực, để ngăn không cho xe cộ và người lạ vào làng cũng là hợp trào lưu, chứ chả có gì là sai.
Nhưng chắn gì thì chắn, xe của huyện xuống, nhất lại có cả xe con của lãnh đạo huyện, thì cờ đỏ của làng, chứ cờ đỏ của xã cũng phải nâng cây chắn lên cho xe đi đã. Mà xe này có chạy vào làng đâu mà không cho vào. Xe này chỉ chạy qua làng ra trại chăn nuôi, nằm phía cuối làng kia thôi. Hưởng xuống xe nói đến bã bọt mét, hết với ông đội phó Tinh, lại với anh em đeo băng đỏ trên cánh tay, rồi khi nhìn thấy Điền đứng trong đám người lại cất tiếng gọi ra, ý nhờ Điền nói hộ với họ một câu cho xe qua. Nhưng Điền chẳng biết có nghe thấy, cứ đứng cạnh ông Tinh trố mắt nhìn hai chiếc xe. Thật chẳng bù cho lần trước, cũng chiếc u-oát này, Hưởng vừa từ trong xe bước xuống, chí nói mỗi câu: “Ông Lành đâu, sao lại để quân giữ giường uỷ ban huyện lại là thế nào?”. Tức thì ông trại trưởng trại lợn Phương Lưu đã són đái ra quần, dạ dạ vâng vâng, hô quân mau mau vào khênh giường ra xe trả chúng mày ơi! Trong khi Hưởng còn đang nói bã bọt mép không được, thì nhìn thấy chủ nhiệm Lận dẫn mấy người, không biết là bảo vệ hay dân quân, lại có cả súng ống, giậy gộc đang hộc tốc chạy đến. Thế rồi trong chớp mắt, Hưởng cũng không còn biết cái gì đã xẩy ra, chỉ nghe đánh chát một tiếng, cùng với rào rào mảnh kính vỡ và tiếng người co kéo, kêu la. Liền đó là cuộc xô xát, ẩu đả, cùng tiếng Lận ra lệnh trói người này người kia và tiếng mắng mỏ, chửi bới ngậu xị, tít mù. Hưởng không những không dám đứng ra ngoài xe, mà còn ba chân bốn cẳng nhoài người vào mãi bên trong xe, ngồi tụt xuống một góc, hét đến lạc cả giọng giục lái xe lùi xe cho nhanh cho chóng, thoát khỏi cái đám hỗn quân hỗn quan này. Chứ không, khó mà thoát khỏi thiên la địa võng của đám dân chúng đang ngùn ngụt nỗi bất bình và lòng căm giận. Hơn nữa, tuy không phải người xã này Hưởng cũng hiểu, tiếng là cùng xã, nhưng khác ba làng Phương Trà, Phương Trì, Phương La bên kia, dân Phương Lưu đây là dân hàng trại, mà dân hàng trại thì nhu' người xưa dặn: “trai hàng trại, gái hàng cơm”, chớ có động vào. Hưởng ngồi tụt nữa vào phía trong xe, mắt lấm lét nhìn ra ngoài, thấy Lận và mấy dân quân xã đang trói ông Tinh và Điền cùng ba, bốn người nữa, bỗng trút tiếng thở dài, buồn bực và chán ngán. Hưởng lấm lét nhìn ra ngoài. Đám dân quân trói người cùng làng xã, thậm chí cả đảng viên, cả người từng làm chủ nhiệm xã này. Ồng phó chủ tịch huyện thấy cảnh xô xát, bắt bớ, liền giục lái xe mau mau thoát khỏi cái đám “trai hàng trại, gái hàng cơm” này mà đi cho nhanh cho chóng thôi.
°
Từ khi đi vào sản xuất theo quy mô lớn, đưa chăn nuôi lên ngang tầm với trồng trọt, không chỉ xã quan tâm, mà huyện và tỉnh cũng tập trung đầu tư đưa trại lợn Phương Lưu lên thành hình mẫu chăn nuôi của huyện, của tỉnh. Thôi thì từ đất đai, chuồng trại chăn nuôi, rộng tới hàng mấy chục mẫu Bắc bộ, ngoài hai dẫy chuồng chuyên nuôi lợn nái sinh sản, mỗi dẫy có năm, sáu chục con lợn nái đẻ, trại còn có bốn dẫy chuồng nuôi lợn con giống và lợn thịt vỗ béo. Tất cả xây toàn bằng gạch, lợp ngói móc, vì kèo sắt, chỉ có hoành dằn bằng gỗ bạch đàn để cả cây và rui mè bằng tre núi chẻ. Khu chuồng trại khang trang thế nào thì khu chế biến thức ăn cho lợn, hay nói nôm na như mấy bà đội lúa thỉnh thoảng ghen tỵ với các cô ngoài đội chăn nuôi, vẫn bảo cái nhà bếp nấu cám lợn ở trại cũng bằng mấy cái nhà kho đội tao. Khu chuồng trại khang trang thế nào thì khu chế biến thức ăn cho lợn cũng khang trang như thế. Và còn hơn thế, bởi hai ống khói chỗ đặt vạc nấu cám lợn xây vuông hòm sắc cạnh, mỗi chiều hai mét rưỡi, cao vút lên trời, người lạ đi qua không biết lại ngỡ đấy là lò luyện gang, nấu thép chăng, vì bấy giờ nhiều người đang sính cái mỹ từ “nơi nơi nấu gang, nhà nhà luyện thép” từ một nước láng giềng lan sang. Chuồng trại chăn nuôi và khu chế biến thức ăn khang trang thế nào, thì đối lại với nó, như tạo hoá cố tình nặn ra nghịch cảnh để trêu ngươi, dãy nhà ăn, ngủ của xã viên đội chăn nuôi, không ít hơn mười người, phần đông là chị em chưa có chồng, hoặc chồng rồi nhưng còn đang quân ngũ, và cũng nhiều hơn chừng đó mươi người nữa, toàn chị em dòng dòng con thơ cái quấn, cùng mấy ông trung niên thuộc loại cốt cán mới được tin cậy đưa ra lãnh đạo đám đàn bà, con gái nơi đồng không mông quạnh, ở cái nơi một thời chỉ là cái trại lẻ.
Chỗ ăn, ngủ của xã viên đội chăn nuôi, gồm hai căn nhà, mỗi căn nhà bốn gian được ngăn làm bốn phòng, mỗi phòng cách nhau bằng một bức vách kên bằng những tấm phên phơi thuốc lào cũ không dùng đến nữa. Trong mỗi phòng, không phải là những chiếc giường ba xà đóng bằng gỗ, dù là Rỗ xoan hay xà cừ, bạch đàn, mà là những đoạn tre bờ già khấc chặt ra, đóng sâu xuống nền nhà, trên đầu cọc cũng là những đoạn tre buộc vào, dằng lại thành cái khung giường, rồi bắc lên đấy năm, bảy đoạn tre làm rải, còn bên trên thì vãn là những tấm phên phơi thuốc lào cũ đặt xuống làm dát giường, rồi trải chiếu lên cho xã viên nằm. Bao nhiêu lâu vẫn nằm trên những cái giường cọc tre như thế không sao. Bỗng lần ấy, trại vinh hạnh được đón một vị lãnh đạo trung ương về thăm. Trước khi về, còn gửi lịch làm việc xuống ghi rõ thăm nơi ăn chốn ở của trại viên. Thế tất không thể để những cái giường không ra giường, chõng không ra chõng của chị em đang nằm thế kia được nữa rồi. Nhưng đóng giường mới cho chị em thì móc đâu ra tiền, giữa lúc trại chăn nuôi tiếng là hình mẫu, lá cờ đầu, điển hình chăn nuôi toàn huyện, nhưng thu chi đổng nào nhất nhất đều lên xã, chứ đâu được tay hòm chìa khoá, có đồng ra đồng vào. Chẳng lẽ lại mượn mấy chiếc giường của nhà dân mang ra trại kê làm phép khi khách đến, lúc khách đi lại mang trả dân, như kiểu mượn lợn thịt, lợn nái ấy. Nhưng dẫu mượn giường cũng như kiểu mượn lợn thịt, lợn nái của dân mang ra trại để làm phép, cũng phải giường ra giường, chí ít là giường ba xà, chứ không thể là giường tre, hay gỗ bạch đàn ọp ẹp được. Mà giường ba xà ở đâu, chứ ở cái nơi làng chưa ra làng, xóm trại không còn là xóm trại, có bói cũng không nhà ai có. Ngay cả xã này, mượn được những cái giường như thế, hoạ chỉ có mấy bố cán bộ xã gương mẫu đưa của nhà mình ra chăng. Mà nhà mấy bố ấy ai còn lạ gì, lệnh ông không bằng cồng bà, làm sao dám bỏ của nhà ra cho hàng tổng, chỉ có mang của hàng tổng về thì có. Giữa lúc bí kế, may sao, Hưởng xuống kiểm tra công việc chuẩn bị đón đồng chí lãnh đạo trung ương, quyết ngay tắp lự, cho xe tải chở mấy cái giường của nhà khách uỷ ban xuống trại chăn nuôi Phương Lưu, kê vào chỗ mấy phòng nữ, cũng là nơi ăn chốn ở của xã viên, khi nào vị lãnh đạo trung ương đến thăm xong, lại chở về trả nhà khách huyện. Mọi việc từ đầu đến lúc vị lãnh đạo trung ương về thăm trại chăn nuôi Phương Lưu xong, lên xe đi, diễn ra tốt đẹp, đúng lịch gửi xuống trước cho địa phương chuẩn bị hàng tháng trời. Nhưng còn điều mà chính Hưởng, cha đẻ của mưu kế đưa mấy chiếc giường của nhà khách huyện lên ô tô chở xuống trại Phương Lưu, kê vào chỗ mấy phòng nữ, để vị lãnh đạo nọ đến thăm cho đẹp mặt trại, cũng là đẹp mặt huyện, xã - như lời Hưởng nói với cô phụ trách nhà khách khi thông báo quyết định lấy giường cho trại lợn Phương Lưu mượn- chính Hưởng cũng không thể ngờ lúc chở giường về huyện lại rắc rối đến như vậy.
Sự việc lẽ ra không có gì rắc rối, nếu trước khi lấy giường đi, huyện, rồi xã có động thái gì đó tỏ ra dân chủ với chị em một chút, tôn trọng chị em một chút, quan tâm đến chị em một chút. Bởi họ là nữ giới, có những tâm lý, những sinh hoạt ngày thường mà ngoài giới nữ ra, không ai hiểu được ngọn ngành, gốc gác bằng chính họ. Mấy cái giường tre bao lâu nay họ vẫn nằm, than? không ra thang, rải không ra rải, nằm còn thiếu nằm trên đám chông chà, ê ẩm hết cả người. Đã vậy, mỗi khi lên xuống, giở mình, hoặc đùa dỡn ôm nhau tý chút là thôi đấy, cái giường như đung đưa, một hai tưởng gẫy. Nhiều lần giữa đêm hôm khuya khoắt, mấy cô đi xem phim về lạnh quá, oà cả ba bốn đứa lên giường một lúc, thế là gẫy giường, đành vất ra ngoài hè, trải chiếu nằm đất với nhau vậy. Cảnh gẫy giường, nằm đất của chị em ngoài trại chăn nuôi diễn ra như cơm bữa, chả mấy tháng không có, đến mức từ trại trưởng đến chị em chẳng ai nhớ nổi từ ngày đưa trại chăn nuôi hợp tác xã Phương Lưu lên thành trại chăn nuôi của hợp tác xã quy mô toàn xã, đến khi xảy ra rắc rối về giường chõng, tất thẩy đã có bao nhiêu chiếc giường tre bị gẫy vất ra đầu hè. Chịu. Không thể nhớ nổi.
Thế nên lần này, nhờ ơn vị lãnh đạo trung ương đến thăm trại lợn, chị em bỗng dưng không khóc mẹ lại cho bú, được huyện đánh hẳn ô tô chở xuống cho sáu chiếc giường một đẹp ơi là đẹp. Thì giường nhà khách uỷ ban huyện lại chả đẹp. Khỏi nói chị em mừng rỡ đến mức nào khi nhìn thấy những chiếc giường gỗ đánh véc ni bóng màu chanh thẫm, chuyển từ trên xe xuống. Gần chục cô gái tíu tít hò nhau khênh vào trong dẫy nhà chị em nằm. Rồi lại tíu tít hò nhau kê giường. Mày nằm quay ra hay quay vào? Sao dở thế. Nằm quay đầu ra, chứ đã chết đâu mà nằm quay vào đưa đi cho thuận, hả! Thì không biết người ta mới hỏi. Thế kê xong, sang kê hộ người ta với nhá. Đấy là cô Hồng ở phòng bên chạy sang hỏi cô Na. Chả là hai cô cùng ở ngoài xóm Đông, muốn nằm một phòng, nhưng chị Bảo cao to, tướng đàn ông, tiếng nói cũng như lệnh vỡ, ngoài ba nhăm rồi mà vẫn “tư lệnh phòng không”, cấm chịu lấy ai, cứ đặt mình xuống là ngủ như chết, lại một mực không ngủ chung với cái Hồng vì nó ngáy như kéo bễ. Thế là ông trại trưởng dễ tính và cả nể, đành chiều chị Bảo thích đứa nào thì ông điều sang ngủ với cho đỡ buồn, chứ nếu có điều kiện cứ để chị ngủ một mình một phòng là thuận nhất. Thì từ cha sinh mẹ đẻ đến nay đã được đặt lưng xuống cái giường gỗ đẹp thế này bao giờ mà biết. Thôi thế cũng bõ bao nhiêu năm phấn đấu băm bèo thái rau, gánh nước rửa chuồng, kỳ cọ từng con lợn, rồi cám bã, phân gio… Eo ôi, cứ nghĩ đến đận sáng ra đi đôi ủng đen bước vào chuồng lợn ngập ngụa phân và nước giải, do những ông Chư Bát Giới phóng ra trong đêm bốc mùi nồng nặc, đã thấy ruột gan cồn cào chỉ chực nôn thốc nôn tháo. Thế mà suốt bao nhiêu năm hai, ba chị em chen nhau chiếc giường tre ọp ẹp, một đứa giở mình hai đứa thức giấc, giờ mới được nếm mùi cái giường gỗ êm ơi là êm, vừa đặt mình xuống đã ngáy như kéo bễ, thì bỗng dưng lại chiếc xe tải hôm trước chở giường xuống, lù lù đến đỗ ngay cổng trại. Tất cả các cô ở tập thể nghỉ tay, về phòng, có cái gì thu dọn đi, để trả giường cho huyện. Khẩn trương lên, không có là xe người ta không chờ được lâu đâu, các cô phải tự mang lên huyện trả đấy. Tiếng ông trại trưởng nói oang oang, sau khi tiếp hai người dáng chừng là cán bộ văn phòng uỷ ban, hay nhà khách huyện, ra đến cửa đã vội cất lên thế. Nhung cả trại mấy chục con người chả thấy ai động tĩnh gì. Cái kiểu ắng lặng của trời quang mây tạnh oi oi nồng nồng, thường là báo hiệu bão giông. Khi có tiếng của một anh, dáng chừng cũng có chức quyền gì đó ở văn phòng uỷ ban chăng, dõng dạc nói như ra lệnh cho trưởng trại:
- Những người nằm giường không ai về, thì bác cứ cho người vào khênh giường ra xe đi!
Tiếng anh cán bộ huyện vừa dứt, liền có tiếng một người đang đi từ phía nhà chế biến về dẫy nhà ở, chao chát cất lên:
- Này này, cái nhà anh huyện tên là gì ơi, anh có giỏi thì cứ vào mà khênh. Chứ đừng có chỉ tay năm ngón cho người khác như thế, nhá!
Tức thì, không biết bao nhiêu tiếng nữa rào rào cất lên:
- Ừ, có giỏi thì vào mà khênh!
- Thử bước vào, xem còn sức bước ra không!
- Giường nào của các người mà khênh ra xe chở đi, hả, hả, hả…?
- Đúng rồi, giường nào của các người! Đây là giường của vị lãnh đạo trung ương về thăm trại, nên chúng tôi mới có chứ!
Anh cán bộ khi nãy lại lên tiếng, lần này có phần mềm mỏng hơn:
- Không phải giường lãnh đạo trung ương cho trại. Mà là giường của huyện mang xuống cho chị em mựơn, để đón đồng chí lãnh đạo trung ương về thăm. Xong việc rồi lại trả về huyện, chứ có phải của trại đâu mà các bà, các chị lại giữ, hử?
Một bà đốp ngay:
- Huyện thiếu gì! Sáu cái giường một, bất quá cũng chỉ đáng giá bằng góc khoản chi tiếp vị lãnh đạo trung ương hôm nọ. Đòi lại của chị em làm gì. Xem ra các chú nam giới mà còn lèm nhèm, tẹp nhẹp hơn cả cánh đàn bà chúng tôi.
- Nhưng chúng em cũng chỉ được lệnh xuống chở, chứ không được lệnh để giường lại cho các chị.
Nghe anh cán bộ huyện nói thế, ông trại trưởng liền bảo:
- Hay là thế này, xe và người lái cứ ở đây. Còn đồng chí lấy xe đạp của tồi đạp về xin ý kiến lãnh đạo cách giải quyết thế nào cho ổn thoả. Nhưng ý tôi là theo nguyện vọng chị em, lần này còn lần khác, huyện cứ để lại cho trại chúng tôi xin sáu cái giường một cho chị em họ nằm. Lần sau nhỡ có vị lãnh đạo nào về thăm, huyện khỏi phải chở xuống thì cũng thế.
Tức thì, những người có mặt đều nhất tề hưởng ứng. Chị Bảo ôm chặt lấy cô Hồng, nhưng lại nhìn anh cán bộ huyện, nói:
- Trại trưởng chúng em nói thế là có tình có lý lắm đấy. Anh cứ đạp xe về xin ý kiến lãnh đạo, em tin là được. Mấy cái giường một, đáng gì. Mới lại lọt sàng xuống nia, huyện không dùng thì cho trại chúng em dùng, đi đâu mà thiệt! Đến như bên An Hoà, mới dạo trước người ta còn cho bà cụ mẹ liệt sĩ cả bộ sa lông đóng toàn gỗ nghiến, đưa từ phòng làm việc của ông bí thư huyện uỷ xuống cho kia thì đã sao?
Cái nhà chị vợ liệt sĩ được mỗi đứa con gái đang học lớp chín, đi đến đâu cũng đánh tiếng muốn cưới rể cho con, chỉ làm cái chân suốt ngày luẩn quẩn trong xó bếp nấu cám lợn, thế mà cũng biết lắm chuyện. Chứ lại không ư. Chính các chú cũng biết, nhưng gần lửa sợ rát mặt không dám nói. Chứ chúng tôi thì…nói ra chỉ thêm vui, chứ có mất gì. ơ, thế ra các chú không biết thật à, cả chú cán bộ văn phòng uỷ ban, lẫn chú lái xe đều không nghe ai nói bao giờ thật ư? Thế thì lắng tai đây nói cho mà nghe, rồi có về xin ý kiến lãnh đạo huyện thì về cũng chưa muộn, nhá. Nghe người ta đồn mới dạo tháng trước, bên An Hoà, cạnh huyện mình đây này, cũng đón một ông gì gì ấy, to lắm, ở tận trung ương về thăm. Làm việc xong, mấy ông lãnh đạo huyện đưa ông ấy đi thăm vùng kinh tế mới ven biển. Trên đường về, đê chứng minh sự thay đổi từ đất đai đến con người của huyện nhà, lãnh đạo huyện lại dẫn vị lãnh đạo trung ương vào thăm một gia đình ở làng Am. Nhà này chỉ còn bà cụ ngoài bảy mươi và hai mẹ con đứa con dâu, ở ba gian nhà tre cũ kỹ. Chồng và hai người con trai bà cụ đều đi bộ đội, hy sinh ngoài mặt trận cả. Trước ngày vị lãnh đạo trung ương về thăm, huyện cho xe chở xuống nhà bà cụ một bộ bàn ghế sa lông mới toanh, đóng toàn bằng gỗ nghiến, với cả pích đựng nước, ấm pha chè và bộ chén sáu chiếc, đều bỏ từ trong hộp ra còn mới nguyên. Những người đưa các thứ ấy từ huyện xuống tự tay kê bàn ghế vào gian giữa nhà, bày đĩa chén uống nước lên bàn, đặt chiếc pích cẩn thận trong ngăn tủ bàn trà, quay ra dặn bà cụ và cô con dâu trông nom các thứ cẩn thận, sạch sẽ, đừng để trẻ mỏ vây bẩn vào bàn ghế, cốc chén. Ngày mai, chưa biết giờ nào, sáng hay chiều không thể nói trước, đồng chí lãnh đạo trung ương và lãnh đạo tỉnh, huyện đến thăm cụ và gia đình, nếu có hỏi tới các thứ đồ vật này, thì cụ cứ bảo rằng thì là của huyện cho… mượn, à không…tặng, đây là huyện tặng cho gia đình có ba liệt sĩ đấy ạ! Thế nhá, cụ nhá!
Thế nhá, cụ nhá, thà rằng đừng dặn đi dặn lại, chứ đã dặn kỹ lưỡng tất bà cụ cứ thế mà nói. Và rồi đúng như người đời thường nói, sảy chân thì gượng được, chứ sảy miệng thì không thể gượng được nữa đâu. Ngay sau hôm vị lãnh đạo trung ương về thăm, mấy người ở huyện bữa trước mang sa lông, ấm chén xuống kê vào nhà cho bà cụ, lại đánh xe xuống chở bàn ghế về huyện. Bà cụ nghễnh ngãng nghe câu được câu chăng, cứ ngồi co chân, ngả người ra ghế, ngửa cổ lên nhìn chị con dâu với đứa cháu, chẳng biết nói gì mà cứ khoa chân múa tay như đẩy đẩy mấy người kia ra ngoài hiên. Lúc lâu, đứa cháu gái mới ghé sát vào tai nói với bà: “Họ đến lấy ghế chở về huyện đấy, bà ạ!”. Tức thì, bà cụ như cứng cáp hẳn chân tay, đứng ngay dậy, chỉ thẳng tay vào mấy người kia, nói đến mất cả tiếng: “Bàn ghế nào của các người? Đây là huyện tặng cho gia đình có ba liệt sĩ đấy chứ! Chồng con tôi phải đổ xương máu, mới được những thứ này, chứ đâu phải bỗng dưng mà được”. Bà cụ đã nói thế cũng là thể không đừng. Mấy người xuống lấy bàn ghế đành lẳng lặng ra xe về, chứ cấm dám nói lại lấy nửa lời.
- Đấy là mấy người xuống lấy bàn ghế ở gia đình liệt sĩ bên An Hoà, đành lẳng lặng ra xe về, chứ còn anh cán bộ đây liệu có lấy xe của bác trại trưởng để về xin ý kiến uỷ ban huyện không thì bảo?
Cô Hồng chành chẻ đang ôm vai chị Bảo, nghe chị kể chuyện bà cụ bên An Hoà đến đấy, vội buông ra, đưa đôi mắt sắc như dao cau nhìn anh cán bộ văn phòng uỷ ban hỏi, mà như giục có về không thì bảo, đây đã có phép. Anh cán bộ uỷ ban mới nghe cái giọng đanh, rin rít qua kẽ răng và cái nhìn sắc nẹm của cô gái chăn nuôi, đã như mất hết hồn vía, vội quay ra ngơ ngáo tìm ông trại trưởng, hỏi lễ phép:
- Xe đạp của bác để đâu ạ?
Ông trại trưởng chưa kịp chỉ chỗ để xe, thì nghe mấy người ào lên, nhìn ra đường cái. Chiếc xe u-oát quen thuộc của uỷ ban huyện, thường chở phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp, đang rẽ lên chiếc cầu con bắc qua kênh, vào trại chăn nuôi. Nhận ra chiếc xe quen thuộc, biết chắc người ngồi trên xe không ai khác là Hưởng, người được mệnh danh là “tư lệnh nông nghiệp” của huyện, không những chủ nhiệm các hợp tác xã mà đến cả chủ tịch, bí thư đảng uỷ hai mươi ba xã trong huyện đều phải phục sát đất, huống hồ cánh tép riu như trại trưởng trại lợn Phương Lưu, thì chỉ mới nhìn thấy đã són đái ra quần. Khi chiếc u-oát vượt qua cầu, vào sân trại lợn, mấy người xã viên chăn nuôi cũng tản đi đâu hết, chỉ còn lại ông trại trưởng và mấy anh cán bộ, lái xe của huyện, kẻ trước người sau rảo cẳng ra chỗ chiếc xe con vừa đỗ.
Cải đạp xe về đến huyện vẫn còn buổi làm chiều. Tuy mới hơn bốn giờ, nhưng đi qua mấy cơ quan, nhiều cửa phòng làm việc đã đóng im ỉm. Ở huyện, dẫu là cơ quan đầu não huyện uỷ, uỷ ban hay các phòng, ban tham mưu tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, nông nghiệp, thương nghiệp, công nghiệp, thuỷ lợi, giao thông, tài chính, giáo dục, rồi huyện hội phụ nữ, huyện đoàn thanh niên, huyện hội nông dân, hay gì gì đi chăng nữa, cũng đều có lối làm việc và quan hệ giống nhau thế. Ấy là mọi quan hệ công tác, tư tác đều được trình bày, giải quyết theo kiểu gia đình, ai đi đâu cứ đi, chẳng kể còn giờ làm việc hay đã hết. Muốn đến cơ quan sớm muộn chỉ cần nói một câu bâng quơ với ai đó trong bộ phận công tác “chiều mình có tý việc, đến muộn nhé”, thế đã là tử tế, còn không, cứ lặng lẽ đến, lặng lẽ về, không phải cái chợ, nhưng cũng không khác cái chợ là mấy. Còn nói năng, tuỳ, gặp đâu nói đấy, được thì được chẳng được thì thôi, lúc này nói không được, có khi lúc khác nói lại “đồng ý”, “nhất trí” rất nhanh. Cấp dưới với cấp trên trò chuyện ít khi thưa gửi, báo cáo trịnh trọng, nhưng cách xưng hô lại thật rạch ròi, một điều cháu, hai điều chú, có khi còn anh anh, em em rất là thân mật, người lạ mới nghe có khi lại tưởng họ là người nhà với nhau thật. Nhưng đằng sau cách cư xử có vẻ gia đình ấy, ai mà biết trong bụng họ nghĩ gì về nhau, lại càng không thể hiểu họ có cộng tác với nhau thực lòng trong công việc, vẫn được gọi là phục vụ nhân dân, hay chỉ là cái vỏ bên ngoài. Thế nên, nếu chỉ đi qua hoặc ngồi ở cơ quan này, cơ quan kia một chốc, một lát rồi phủi quần đứng dậy, cũng khó biết nội bộ họ thế nào, yêu thương nhau hay đang ngầm hại nhau, đoàn kết keo sơn hay phe này, phái nọ đang lôi bè kéo cánh. Nếu có dịp vào cơ quan nào, gặp lúc có mấy người đang ngồi chè thuốc rì rầm to nhỏ, nhưng khi anh vừa bước vào đến cửa, người ta vội im bặt, người nào đấy đưa mắt ra hiệu cho mấy người kia, rồi cùng nhau đứng dậy. Chỉ còn lại một hai người trong phòng, thể không đứng dậy được nữa, vì làm thế thật khiếm nhã, đành ngồi lại tiếp anh. Thì hãy thận trọng, họ đang nói về việc gì đó không được hay ho lắm đâu, và chưa biết chừng, lại nói về chính anh hoặc người cộng tác gần gũi với anh cũng nên. Cải dẫu đi bộ đội, rồi chuyển ra dân sự đã lâu, nhưng chỉ ở trên tỉnh, làm việc với cán bộ lãnh đạo cấp huyện, thị, hoặc trưởng phó ban ngành trên tỉnh là chính, ít khi làm việc trực tiếp với cán bộ phòng ban, đoàn thể ở huyện và cán bộ xã, hợp tác xã. Thế nên, Cải mất khá nhiều thời gian mỗi lần về làm việc với cơ sở, hay gặp anh chị em cán bộ huyện mới ở dưới xã ấy, xã nọ về. Thường là hỏi họ không bao giờ nói ngay, mà cứ vòng vo, rào rào đón đón, một lúc lâu mới “nghe dư luận phản ảnh”, “một số người nói”, “theo quần chúng cho biết”, vân vân và vân vân. Thật cứ như những tin tức tình báo còn ở dạng tồn nghi, chứ chẳng có gì là thẳng thắn, thật thà, đáng tin cậy…
Thế nên, khi Cải từ nhà đạp xe về đến huyện vẫn còn buổi làm chiều, nhưng khác với ý định khi ở nhà đi là lên thẳng ban nông nghiệp gặp Hưởng, Cải đạp xe về cơ quan.
Cô Lập vừa từ phòng đánh máy bước ra, tay cầm tập tài liệu, chắc mới đánh máy xong, vừa nhìn thấy Cải dắt xe ngoài cổng vào, vội cất tiếng nói, thay lời chào:
- Ơ, chú Cải về lại không có cơm rồi. Thế mà anh Thơi lại bảo chú về qua nhà, sáng mai mới lên.
Thơi sáng nay đi với Cải xuống họp dưới xã Tiên Thành. Cơm xong đạp xe về huyện trước, hẳn là đã nói với cô Lập như thế. Nên vừa thấy bí thư về, cô văn thư nghĩ ngay đến suất cơm chiều của Cải đã bị cắt. Nghe cô Lập nói, Thơi cũng vội chạy ra cửa, nhìn Cải hơi ngớ ra mươi giây, rồi lắp bắp:
- Sao anh lại lên ngay? Chắc là anh quên việc gì à!
Cải vừa mở cửa phòng, vừa nói với Thơi:
- Ừ, mình có tý việc cần. Thơi ngó hộ xem bác Thìn còn đây không?
Cô Lập cũng vừa xách phích nước nóng lên đến cửa, nghe Cải hỏi Thơi, vội nói thay:
- Vừa nãy cháu mang công văn lên, còn thấy bác ấy ngồi xem báo đấy ạ!
Thơi nhanh nhảu:
- Em sang mời bác ấy sang đây nhá!
Cải gàn:
- Thôi, để mình sang. Cô Lập bảo nhà bếp nấu thêm cho tôi suất cơm nhé.
Lập nói như thanh minh:
- Bác Ngán chiều nay có việc nhà, về sớm mất rồi. Thôi, lát nữa chú với anh Thơi và cháu, ba người ăn hai suất cũng đủ. Anh Thơi ở đây xem chú Cải có cần gì thì hộ em với, em đi hái thêm nắm rau muống về luộc. Cháu mới có chai nước mắm cáy xổi mang ở dưới nhà lên ngon lắm, chú ạ!
Cải cười vui:
- Nhất trí phương án của cô Lập, nhưng hái nhiều rau vào. Mắm cáy xổi chấm rau muống luộc chỉ có nhất.
Cô Lập đi rồi, Thơi cũng rửa ráy qua loa ấm chén cho Cải, rồi lặng lẽ xuống dẫy nhà dưới. Phòng làm việc của Cải liền với phòng khách, tiong dãy nhà chính từ cổng nhìn vào, chếch bên phải là các bộ phận thuộc văn phòng huyện uỷ, đằng sau văn phòng là nhà bếp, nhà ăn, bê và giếng nước, nhà tắm; chếch bên trái là các ban của đảng: tổ chức, tuyên huấn, kiểm tra. Ba dẫy nhà kiến trúc hình chữ Ư vừa gọn, vừa tiện, từ nhà này có thể nhìn sang nhà kia, thậm chí có thể đứng ở nhà này gọi sang nhà kia, nghe vẫn rõ. Trước cửa ba dẫy nhà là một cái sân lát gạch, kiểu sân gạch nhà quê, chạy hình chữ nhật khá rộng, hai đầu sân được trồng hai cây nhãn quanh năm bóng mát. Gần chỗ cổng vào, ngay đầu dẫy nhà văn phòng, trước là chỗ cô Lập ngồi đánh máy, tiếp nhận công văn, báo chí kiêm luôn thường trực. Nhưng từ sau cái đận ông trưởng ban thuỷ lợi- giao thông Giang Khẩu ngồi vạ ngồi vật dưới gốc nhãn ngoài đường, theo ý kiến Cải, bộ phận văn phòng đã dồn lại chỗ làm việc, dành ra một phòng ngay cổng vào làm nơi tiếp dân. Trong phòng tiếp dân cũng kê một bộ bàn ghế sa lông gỗ, ấm chén, phích nước lúc nào cũng đầy đủ, lại có cả cái điếu cày, bao diêm và hộp thuốc lào, cho những ai nghiện thuốc cứ việc hút thoải mái. Phòng cô Lập làm việc tuy được chuyển lùi vào, nhưng cũng ngay cạnh phòng tiếp dân. Kề bên là chánh văn phòng, một nửa phía ngoài kê bàn làm việc, nửa phòng phía trong là chỗ giường nằm, có chiếc mắc áo đóng vào tường ngay đầu giường, dán kín hoạ báo Liên Xô, có cả chiếc máy cày to tổ bố, chạy giữa một vùng không biết là đồng bằng hay sa mạc, chỉ thấy những tảng đất cuộn lên đỏ sậm màu tiết đông. Cạnh phòng Thơi còn ba phòng nữa, một của phó văn phòng và cán bộ tổng hợp, một của lái xe và bảo vệ. Còn phòng cuối cùng là phòng khách, dành cho cán bộ xã mỗi khi lên làm việc cần nghỉ trưa để chiều làm tiếp thì vào đấy ngả lưng, còn muốn ngủ qua đêm đã có nhà khách của huyện do uỷ ban quản lý, giường chiếu chăn màn gối đệm đàng hoàng, chứ không úi xùi như phòng khách huyện uỷ. Đối diện với dãy nhà văn phòng cũng là một dãy sáu phòng, dành cho các ban của đảng: tổ chức, tuyên huấn, kiểm tra. Mỗi ban được chia đều hai phòng, một là của ba hoặc bốn nhân viên và phó ban ngồi làm việc, còn một của trưởng ban. Vì tất cả các ban của đảng đều có uỷ viên ban thường vụ huyện uỷ làm trưởng ban, nên trưởng ban không thể ngồi chung với phó ban, lại càng không thể ngồi chung với nhân viên, mà nhất thiết phải ngồi làm việc riêng; một phòng mới bảo đảm nguyên tắc. Ngồi riêng một phòng mới bảo đảm nguyên tắc, dẫu nguyên tắc ấy chưa bao giờ được ghi thành văn bản, nhưng từ bao nhiêu năm nay, sau mỗi kỳ đại hội bầu bán xong là việc đầu tiên chánh văn phòng lo sốt vó là xe cộ đi lại, nơi ở và làm việc cho các uỷ viên ban thường vụ kiêm trưởng ban của đảng. Dẫy nhà đối diện, tính từ góc chữ u đi, đầu tiên là ban tuyên huấn, đến tổ chức, rồi kiểm tra. Khác với dẫy nhà văn phòng bên này, từ sáng sớm đến chiều tối lúc nào cũng có người ra vào, đi lại, không chánh phó văn phòng thì văn thư, tạp vụ, lái xe, bảo vệ, hầu như hăm bốn trên hăm bốn giờ một ngày đều có người. Nhưng dẫy nhà đối diện thì ngay lúc này đây, mới hơn bốn giờ chiều đã vắng tanh vắng ngắt, duy chỉ còn một phòng uỷ viên thường vụ kiêm trưởng ban tổ chức là thấy mở cửa.
Đúng như lời cô Lập nói “thấy bác ấy ngồi xem báo”, Thìn đang ngồi ngả người trên ghế sa lông làm bằng loại gỗ bạch đàn màu vàng chanh, tay cầm tờ báo giơ cao che hết mặt, từ cửa nhìn vào khó biết Thìn đang chăm chú đọc báo, hay mải nghĩ ngợi gì, có khi ngủ ngồi cũng nên. Cải từ phòng đầu dẫy nhà giữa đi sang theo lối dọc hành lang, nên khi tiếng nói và bước chân cùng vang lên ngoài cửa thì Thìn bỗng giật mình, buông vội tờ báo xuống đùi. Nhưng khi nhìn ra thấy Cải đã vào đến cửa, Thìn cũng chỉ hơi xoay lại thế ngồi, chứ không có gì tỏ ra vồn vã. Thìn vốn thế, đi đứng, nói năng, dù là lúc chuyện trò thân mật, hay khi tranh luận gay gắt, cũng cứ tà tà chậm rãi, rành rẽ từng tiếng một, không đi đâu mà vội vàng, gấp gáp, không tranh khôn, cũng chẳng mấy khi khờ dại, hớ hênh. Dáng người cao to, nước da bánh mật, khuôn mặt chữ điền, đôi mắt to trầm lắng. Trông người thế ai bảo xấu máu. Vậy mà mới năm mươi bảy tuổi tóc Thìn đã bạc trắng từng đám. Chính mái tóc bạc trắng từng đám, cùng với dáng người quắc thước của Thìn lại làm nhiều người mới chỉ nhìn thấy thôi, đã tự nhiên nhi nhiên thấy kính nể rồi. Tình là uỷ viên ban thường vụ kiêm trưởng ban tổ chức huyện uỷ, một người trên thực tế cũng không có quyền hành gì to tát ở huyện, nhưng sau khi Cải về nhận chức bí thư thì Ngật, phó
bí thư thường trực huyện uỷ, được cử đi học tập trung ở trường Nguyễn Ái Quốc. Vậy là phải có một người trong ban thường vụ kiêm thường trực huyện uỷ để giải quyếtt công việc hàng ngày. Bàn đi tính lại, người hợp với công việc ấy chỉ có Thìn. Thế là Thìn vừa cáng đáng công việc của trưởng ban tổ chức, lại vừa phải kiêm luôn thường trực huyện uỷ.
Thìn cầm tờ báo để lên cái ghế đôn bên cạnh, n£ồi ngay người lại, hỏi Cải:
- Nghe cậu Thơi nói anh tạt về nhà, mai mới lên. Sao lại lên ngay thế?
Cải nói mà như hỏi:
- Nghe tin dưới Phương Lưu xảy ra xô xát, dân ném đất đá vỡ cả cửa kính xe uỷ ban, hả bác?
- Tôi cũng nghe bên văn phòng uỷ ban báo cáo, tấm cửa kính phía trước của chiếc xe u-oát anh Hưởng vẫn ngồi, bị họ ném vỡ tan tành. Nhưng có lẽ là vô tình chứ không cố ý, vì ném bằng đất, khi trên ghế trước không có người ngồi.
Cải nói, như để ông Thìn biết là mình cũng biết việc này rồi, giờ muốn hỏi thêm cho rõ thôi:
- Nhưng theo bác thì sự thực của cuộc xô xát này là thế nào, chứ chẳng lẽ chỉ là mấy con lợn?
- Tôi cũng nghĩ như anh đấy. Chẳng lẽ hàng trăm người đổ ra giữ cây tre ngáng đường, không cho xe vào làng, lại chỉ vì giữ không cho bắt lợn ở trại chăn nuôi mang đi. Mà lợn ấy đâu phải của trại Phương Lưu, của trại An Thái Hoà dưới xã anh chở lên từ tuần trước đấy chứ.
- Tôi đã nghe dân An Thái nói là lợn của họ từ dưới ấy chở lên. Nhưng mọi lần vẫn chở lợn ở trại An Thái Hoà lên, hoặc trại khác đến, mỗi khi trại Phương Lưu có lãnh đạo về thăm hoặc khách đến tham quan thì có sao đâu. Sao lần này lại xẩy ra xô xát, đến nỗi già trẻ gái trai kéo nhau ra đầu làng chặn xe huyện lại như vậy?
- Theo bên văn phòng uỷ ban báo cáo, thì có thể là dưới trại Phương Lưu đòi huyện thanh toán trả công chăn nuôi và cám bã, rau bèo hai mươi nhăm con lợn, họ nuôi từ hôm huyện chở lợn về trại để chuẩn bị đón đồng chí thứ trưởng bộ nông nghiệp đến nay. Có thế, họ mới cho bắt lợn chở đi.
- Chẳng lẽ chỉ có thế thôi ư?
Cải bỗng buột kêu lên thế, rồi cả hai ngồi lặng đi, mỗi người như đuổi theo ý nghĩ, mà có lẽ chỉ một mình mình biết. Chờ cho ông Thìn rót xong nước từ trong tách trà ra hai chiếc chén đặt trước mặt hai người, Cải mới nhìn ông nói rõ câu nghi thán của mình vừa nãy:
- Chẳng lẽ chỉ là đòi công chăn nuôi và số cám bã, rau bèo mà xẩy ra xô xát như vậy? Liệu đằng sau có còn là cái gì nữa không đây?
Ông Thìn cũng bày tỏ ý nghĩ của mình:
- Đầu giờ chiều nay tôi đã ra ngoài ban nông nghiệp gặp anh Hưởng, hỏi rõ đầu đuôi xem thế nào, lại để xẩy ra như vậy. Nhưng anh ấy vẫn khẳng định dưới trại họ đòi tiền công và tiền thóc gạo, cám bã nuôi hai mươi nhăm con lợn từ một tuần nay. Anh ấy còn nói, không phải hôm nay đánh xe xuống bắt lợn họ mới đòi, mà mấy hôm trước người của ban nông nghiệp xuống bố trí ngày bắt lợn, họ cũng đòi như thế. Lại còn ra điều kiện với huyện, chỉ được đưa xe đến chở lợn, chứ không được cho người và xe khác xuống. Cũng chỉ được chạy xe thẳng vào trại bắt lợn rồi về, không được dừng xe nganơ tắt bất cứ chỗ nào thuộc địa phận làng Phương Lun.
- Họ đã nói thế, sao cậu Hưởng còn ngồi xe xuống làm gì!
- Anh chưa biết tính cậu Hưởng, vừa không tin cấp dưới, lại vừa thích ra oai. Nghe anh em văn phòng gọi điện báo cáo dưới Phương Lưu không cho xe tải vào chở lợn, thế là đang chủ trì giao ban bên trạm bảo vệ thực vật vội giải tán, nhảy lên ô- tô phóng xuống Phương Lưu. Nhưng theo mấy cậu đi xe tải về kể lại hồi trưa ở ngoài nhà ăn tập thể, giá không có ông Hưởng xuống chỉ giằng co một lúc, rồi thể nào cánh cờ đỏ Phương Lưu cũng cho xe vào, vì họ đã ra điều kiện chỉ cho xe chở lợn, chứ không được cho người và xe khác xuống nữa. Nhưng đây lại là xe của phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp huyện, thế quá bằng trêu tức người ta rồi. Mà với dân thì không gì hơn là già nắn, rắn buông, ơiứ đã lên mặt ra oai thiên hạ thì chỉ như đổ thêm dầu vào lửa, làm bùng lên sự căm tức của người ta mà thôi.
Cải ngồi nghe Thìn nói mà thêm chồng chất nỗi buồn, đúng là buồn này chưa qua buồn kia đã tới. Cuộc xô xát dưới Phương Lưu, cho đến lúc này, theo lời ông Thìn, vẫn chỉ là do chỗ mấy con lợn huyện chở xuống để chuẩn bị đón vị lãnh đạo trung ương, còn đang nặng trĩu trong lòng, thì điều ông Thìn vừa nhận xét về Hưởng, uỷ viên thường vụ, phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp huyện, càng chất thêm nỗi buồn ỉên lòng Cải. Bởi một người được coi là “cánh tay phải” của bí thư, chủ tịch một huyện nông nghiệp mà lại để dân tức giận, căm ghét còn làm việc với ai? Cải buồn về cuộc xô xát thì ít, mà buồn về những lời của một người thận trọng như trưởng ban tổ chức Thìn nhận xét về Hưởng thì nhiều. Cuộc xô xát có thể một sớm một chiều giải quyết xong, không bằng tình nghĩa thì bằng pháp luật. Nhưng đức tính của một con người, nhất là người ấy lại đang giữ một cương vị có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của hàng vạn nông dân trong huyện, thì những biểu hiện của sự sa sút phẩm chất, đạo đức không còn là việc của cá nhân anh ta nữa, mà nó ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín của cấp uỷ, chính quyền. Thế mới đau! Cải cứ ngồi thừ ra, đầu mung lung bao ý nghĩ. Cây nhãn trên sân huyện uỷ đã nhạt hết nắng, chỉ còn phơi ra một màu nhoà nhoà, xác xơ của những cành lá vừa qua trận gió lốc bầm dập. Cải cầm chén trà lên ực một hơi cho đỡ khát, rồi quay lại nhìn Thìn, hỏi:
- Công an bắt tất cả mấy người, hả bác?
- Có phải công an bắt đâu, bảo vệ xã Tiên Trung bắt đấy chứ. Theo anh Hưởng nói, tất cả là năm người, nhưng kẹt nhất trong số này lại có hai đảng viên, là ông Tinh, phó bí thư chi bộ, đội phó sản xuất kiêm tổ trưởng tổ cờ đỏ Phương Lưu và cậu Điền.
Cải hỏi mà như gắt:
- Sao lại có cậu Điền dây vào đây? Mà cậu ta ra ngoài ấy làm gì để bị bắt?
- Tôi cũng hỏi mấy cậu ở ngoài nhà ăn và cả anh Hưởng nữa, như thế. Nhưng mỗi người nói một phách. Anh Hưởng thì nói như đinh đóng cột rằng, tay Lận chủ nhiệm Tiên Trung không nhầm đâu, khi nó đạp xe dẫn bảo vệ từ trụ sở xã xuống, đàng xa đã nhìn thấy tay Điền đang khoa chân múa tay xúi bẩy mấy thằng đầu chày đít thớt ở Phương Lưu xông vào quây chặt lấy chiếc U-oát…
Cải bỗng cắt ngang lời Thìn:
- Nói thế khác nào bảo cậu Điền cầm đầu đám đánh nhau.
Thìn tiếp lời, vẫn giọng nhẩn nha vốn dĩ ở ông:
- Anh Hưởng còn bảo, khi tay Lận dẫn bảo vệ tới thì chính mắt cậu ta nhìn thấy tay Điền đứng lẫn trong đám người cầm đất đá, gậy gộc dăng hàng chắn trước mũi xe ngay gần ba-ri-e. Thế nên, khi cửa kính xe đánh xoảng một cái, tay Lận mới tức tốc ra lệnh bắt tất cả những người cầm đất đá, gậy gộc đứng ở đấy, trong đó có tay Điền, mà không ai kịp chống đỡ gì được. Còn mấy đứa đi cùng xe xuống dưới ấy về thì ban trưa cả quyết ở ngoài nhà ăn tập thể, rằng đây chỉ là cuộc trả thù cá nhân giữa tay Điền và tay Hùng, kỹ sư chăn nuôi ở ban nông nghiệp, em trai Hưởng. Chuyện dài dòng lắm, nhưng đại loại là cậu Hùng đâu như yêu cô Dậm, em vợ Đĩnh. Chẳng biết hai người mặn nhạt với nhau chua, nhưng tay Hùng hay xuống nhà cô Dậm chơi lắm, nhiều lần còn đèo nhau lên tận thành phố chơi. Nghe đâu chỉ còn bà mẹ ưng nữa là xong, nhưng hình như bà cụ không muốn cho con lấy chồng xa, vì anh em Hưởng, Hùng quê mãi bên Thái Bình, chứ không phải người tỉnh này. Chuyện chưa đâu vào đâu thì bỗng nhiên mấy tháng nay, mỗi lần tay Hùng xuống cô Dậm lại đuổi khéo về, ra chiều không cho đến nữa. Tay Hùng dò la, biết cô Dậm thường gặp Điền ở nhà anh rể, nhưng chưa có dịp cho Điền biết thế nào là lễ độ, thì lần này, khi Hùng ngồi xe xuống bắt lợn lại thấy Điền đứng trong đám người ra chặn xe. Vậy là được thể, tay Hùng ra oai, cậy mình là em trai phó chủ tịch huyện, vội giục lái xe cứ đi đi, sợ đếch gì chúng nó. Tay Điền chạy đến, nhìn thấy tay Hùng cũng khoa chân múa tay thúc ông Tinh với đám cờ đỏ xông lên. Thì ra, mối thù tình ái thời nào thì thời, vẫn là mối thù không đội trời chung, anh nhỉ!
Cải đang mải đoán xem câu chuyện ông Thìn đang kể, dù là nghe người khác về kể lại, có bao nhiêu phần trăm là thực, bao nhiêu phần trăm là hư, hay thực hư chia đều, năm mươi trên năm mươi, hoặc chẳng có tý phần trăm nào là hư, là thực, bỗng nghe ông Thìn buông một câu triết lý mời gọi sự đồng tình. Nhưng Cải chưa kịp tỏ sự đồng tình lại nghe ông nói, giọng buồn buồn:
- Chỉ tiếc cho tay Điền, đảng uỷ xã vừa có công văn đề nghị công nhận hết thời hạn kỷ luật, thì giờ lại dính vào vụ này là rất gay!
Cải hỏi ông Thìn, cũng với giọng không kém buồn bã:
- Bao giờ cậu ta hết thời hạn?
- Tôi đã xem lại quyết định kỷ luật tay Điền lưu Đảng mười hai tháng, chỉ hơn tháng nữa là hết thời hạn. Nhưng giờ lại bị bắt giam thế này, sao đưa ra thường vụ xét được!
- Căn cứ vào thực tế thì vụ xô xát chưa gây hậu quả gì lớn, ngoài việc chiếc xe u-oát của uỷ ban bị vỡ tấm kính đằng trước. Còn việc bắt mấy người Phương Lưu, trong đó có cậu Điền và ông Tinh, lại do cậu Lận chủ nhiệm hợp tác ra lệnh bắt, thế cũng là sai rồi. Ừ, cứ cho là chưa ra lệnh giam giữ, nhưng trói người ta giải về nhà kho hợp tác khoá chặt lại, là không đúng rồi. Ai cũng có quyền ra lệnh, ai cũng có quyền bắt người, chỗ nào cũng có thể nhốt người như nhốt lợn, thế thì dân sống thế nào được. Cho nên, tôi đề nghị bác với tư cách thường trực huyện uỷ yêu cầu đồng chí Hưởng, với tư cách phó chủ tịch uỷ ban huyện phụ trách nông nghiệp, ra lệnh cho chủ tịch, chủ nhiệm hợp tác xã Tiên Trung thả ngay mấy người do cậu Lận cho bảo vệ bắt sáng nay ra.
Thìn cũng tỏ thái độ bực dọc trước việc chủ nhiệm hợp tác Tiên Trung cho bắt người không cần lệnh của cơ quan công an, kiểm sát, nên nghe Cải nói thế cũng nói luôn, không cần nghĩ ngợi nhiều:
- Đầu giờ chiều nay tôi ra ngoài ban nông nghiệp, cũng nói thẳng ý kiến của tôi giống như anh vừa nói, nhưng anh Hưởng chỉ nói việc này phải có ý kiến của đồng chí chủ tịch uỷ ban huyện, vì khối nội chính do chủ tịch phụ trách. Vậy thì chúng ta đành phải chờ anh Trường đi họp về thôi, chứ đảng không thể thay chính quyền thực thi pháp luật được, phải không anh!
Cải bỗng ật người ra phía sau thành ghế, uể oải rã rời.
Đúng là không thể làm thay, nhưng chẳng lẽ cứ ngồi khoanh tay mà chờ…