iệp về nhà, vơ vẩn, thờ thẩn, không vui vẻ như mọi ngày. Bà Cử hỏi cớ, nhưng chàng giấu, không dám nói thực cái nỗi lòng của mình. Ngày nào Điệp cũng sang ông Tú, ông Tú cũng nhận thấy chàng có vẻ lo lắng, hẳn có một chuyện tâm sự uất ức không tiện nói ra. Nhiều bận ông Tú gợi ra để dò ý chàng, nhưng gợi sao cho đúng được vào nơi có mạch sầu?
Hôm sau, người phu trạm đưa Điệp một bức thư. Ký nhận xong, chàng nhìn chữ để phong bì, thấy nét mềm và sắc, rõ chữ đàn bà. Chàng chột dạ, vội bóc ra xem, thì chỗ ký tên ba chữ Trần Thuý Liễu, làm chàng không còn hồn vía nào nữa.
Anh ĐiệpHẳn anh chẳng ngờ đàu rằng lúc anh đi khỏi, thì cậu em chửi mắng em ra làm sao. Mười chín năm trời nay, em giữ tấm thân trong sạch, nào ai hay rằng đến bây giờ tự nhiên vô cớ, em không còn dám khoe băng khoe tuyết với đời nữa. Cái đêm hôm ấy, chỉ vì anh quả cuồng dại mà giết danh dự của em, của nhà em, cả họ em. Khốn nạn, bao cái tủi nhục một mình em xin chịu đựng hết, em không dám oán trách ai cả, nhưng em chỉ yêu cầu anh một điều, là mai sau dù có thế nào, thì nhờ anh minh oan hộ cho em, vì chỉ một mình anh là hiểu cho người bạc mệnh này cái nỗi oan ức ấy.Em chờ thư anh trả lời. Thư riêng của em, không ai xem cả.TRẦN THÚY LIỄUĐọc xong, Điệp rủn cả người, xé thư đi. Những tiếng “mai sau dù có thế nào, người bạc mệnh” làm cho Điệp phải lo, phải sợ! Đích là Thuý Liễu đâm liều mà đi tự vẫn, nên mới nói thế. Mà chẳng định thế, sao Thuý Liễu lại yêu cầu chàng minh oan làm gì. Điệp không ngờ mình lại làm nên một tội đại ác không tưởng tượng được. Không ngờ mình giết người!
Thần lương tâm ở đâu đến trách mắng Điệp khiến chàng ăn năn cái tội của mình. Chàng chỉ hơi có thể tự tha thứ được ở chỗ mình không định làm mà nên vạ. Điệp thở dài, bóp trán, cắn môi, đắn đo mải, mới quyết trả lời Thuý Liễu. Điệp viết ráp, chữa đi chữa lại, mới chép ra giấy trắng, rồi đọc kỹ một lượt, lại ngần ngừ xé đi. Rồi lại viết, rồi lại xé đến lượt thứ tư mới định hằn, chàng rút ngắn vài câu, cho đủ nghĩa:
Em Thuý Liễu,Tiếp thư em, anh rất hối hận, vỉ quá cùồng dại mà đêm hôm ấy, anh đã làm hại một đời em. Nhưng em chớ quá liều thân, anh xin thề với lương tâm rằng, anh sẽ hết sức chu toàn danh dự cho em. Em thế nào, chỉ một mình anh biết, anh thế nào, cũng chỉ một mình em hay, vậy xin em chớ ngại.VŨ KHẮC ĐIỆPViết xong thư, Điệp tạm được đỡ lo.
Từ hôm sau, ngày nào chàng cũng đón người phu trạm để hỏi xem mình có thư hay không, vì chàng áy náy sợ Thuý Liễu tự tử lắm.
Một hôm Điệp tiếp được thư của ông Phủ. Chàng tái mét mặt, lật đật bóc ra, thì may quá, ông báo cho chàng tin ông thăng Chánh án, và bảo chàng biết công việc của chàng mười phần đã chắc chín, chỉ còn chờ nghị định ký nữa là xong. Không thấy ông nói đả động gì đến Thuý Liễu, Điệp mừng lắm.
Nhưng cơ sự đã như thế này, Điệp chẳng mong được đi thư ký lục sự tý nào, mà nhất là phải làm việc dưới quyền ông Chánh án này! Điệp nghĩ đến ông, khó chịu như nghĩ đến một con cọp, một con ma, mà chàng chỉ mong được tránh xa, cho khỏi sinh chuyện.
Những lúc đêm khuya, Điệp sực nhớ lại cái buổi chàng cùng Thuý Liễu chung chiếu, chung chăn, mà giật mình thon thót. Chẳng hay việc này vỡ lở ra thì Lan đối với mình ra sao? Ngày cưới của Điệp, bà Cử cũng đã dự định, chỉ từ nay đến tháng hai sang năm là cùng. Nhiều bận Điệp muốn nói với mẹ xin cưới ngay, để tránh mọi chuyện trắc trở, song vì giữ ý, nên lại thôi.
Hôm tiếp được nghị định bổ đi làm, ông Tú sửa bữa cơm mời bà Cử cùng Điệp sang dự. Ăn xong, ông Tú tiễn Điệp hai mươi đồng bạc và nói:
- Bây giờ anh đi làm, chẳng thiếu chi, nhưng gọi là tôi giúp anh lúc buổi đầu.
Điệp cảm động, không ngần ngừ, giơ hai tay cầm ngay lấy và thưa:
- Ơn của ông, không khí nào con dám chối từ.
Bà Cử thấy Điệp khéo thì bằng lòng lắm. Rồi ông Tú khuyên răn mọi điều, Điệp cúi đầu nghe rất vui vẻ, ông Tú lại viết thư cho một người bạn là ông Cả Tòng ở trên tỉnh, để nói cho Điệp ở trọ.
Điệp lên đường, cả bà Cử cùng đi tiễn, nhân tiện đến mừng và cảm ơn ông Chánh án.
*
Hôm ấy là chủ nhật, ông Chánh án không phải ra tòa. Ông ngồi trong nhà, thấy Điệp đi với một bà ăn mặc nhà quê, thì đoán ngay là bà Cử, vội chạy ra đón.
Ông làm ra dáng rất vồn vã, sai người nhà khênh hòm hộ Điệp, và cho mời bà lớn ra.
Ông mừng cho bà Cử có con ngoan ngoãn, hiền lành, hiếu hạnh. Bà Cử thấy ông dễ dãi, thì cũng hả lòng, nhưng vẫn có ý rợn, vì ông là quan. Nói đến chuyện nhà ở, ông hỏi bà Cử:
- Thưa bác, bác định cho anh Phán ở đâu?
- Bẩm quan lớn, ông Tú chúng tôi định thu xếp cho cháu ở trọ nhà ông Cả Tòng ngoài phố.
- À, ông Cả Tòng, tôi cũng biết, ông ta đã vào trong này vài lần. Ông Tú nào cũng quen ông ấy thế?
- Bẩm ông Tú họ Nguyễn, người làng chúng tôi là chỗ thông gia.
Ông Chánh án trừng mắt hỏi:
- Vậy anh Phán có vợ rồi?
- Bẩm quan lớn chưa. Nhưng ông Tú chúng tôi với ông cháu ngày xưa đã giao ước cùng nhau, mà bây giờ ông Tú giữ lời hứa trước, trông nom cho cháu từ thuở bé…
Ông Chánh án cười nhạo báng:
- Thế thì đã gọi là thông gia sao được! Tôi tưởng bà cứ cho anh ấy ở trong này với tôi cho tiện thì hơn.
Bà Cử thấy ông Chánh án săn sóc đến con mình thì phân vân, nhưng Điệp khẽ liếc mẹ một cái, nên bà Cử không trả lời. Ông Chánh án hiểu ý, vuốt cái cằm nhẵn thín, nói:
- Các anh ấy còn ít tuổi, sợ kiếm được tiền rồi bị bạn bè rủ rê đi chơi bời, ở trong này với tôi thì bó buộc một tý
Điệp thưa:
- Bẩm chu không phải thế ạ. Ông Cả Tòng có con là bạn học với cháu, nên cháu xin phép chú ở ngoài ấy cho vui. Vả cháu tiện có bạn để học hành.
Ông Chánh án nói:
- Thì anh hãy ở tạm trong này dăm bữa nửa tháng, đừng ngại.
Bà Cử bảo Điệp:
- Hay là quan lớn dạy thế, thì con hãy nghe. Vả bây giờ chưa tìm được nhà ông Cả Tòng.
Bất đắc dĩ Điệp phải bằng lòng ở trong dinh. Nhưng nhận lời mà vừa lo, vừa buồn.
Hôm sau bà Cử về, Điệp bắt đầu ra tòa làm việc.
Ồng Chánh án cho chàng ngồi ngay trong buồng ông, để tiện dạy dỗ các công việc. Ông thấy chàng thông minh, giảng đâu hiếu đấy, lấy làm yên tâm, khen:
- Rồi anh làm hơn chú được. Nhưng cốt nhất là phải khéo xử với quan thày.
Trái lại, Điệp thấy nản trí ngay từ buổi đầu, vì tưởng tượng đến công việc sau này, mình sẽ chỉ như cái máy.
Điệp ở trong dinh được ba hôm, bực mình quá, mất cả tự do. Vả khó chịu nhất là thỉnh thoảng cứ chạm trán Thuý Liễu. Điệp thì nhìn thẳng nhưng dù nhìn thẳng đến đâu cũng thấy được cái vô ý của Thuý Liễu, đến nỗi có lúc chàng phải phát ngượng! Cho nên đến hôm thứ tư, chàng xin phép ông Chánh án ra ở ngoài phố. Ông Chánh án không bằng lòng, nhưng chẳng còn cớ gì giữ nổi, nên phải để cho chàng đi. Điệp như con chim sổ lồng, thấy dễ chịu lắm.
Tối hôm sau, ông Cả Tòng nói chuyện với Điệp rằng ông Chánh án muốn gả tiểu thư cho chảng, và hỏi ý chàng nghĩ ra sao. Điệp như bị sét đánh, trả lời:
- Thưa ông tôi đã làm rể ông Tú rồi thì làm rể ông Chánh án sao được?
Hôm sau đi làm, thoạt gặp ông Chánh án, Điệp đã hơi giận đầy lên cổ. Tan hầu chiều, ông bảo chàng về nhà riêng để nói chuyện, chàng hiểu ý ngay.
Đến nhà, Điệp theo ông vào buồng khách. Tuy ông không có cảm giác về sự rét, nhưng ông thân hành đóng các cửa kính, rồi tươi cười xếp bằng tròn trên sập, nói:
- Hôm qua, ông Cả Tòng có nói câu chuyện gì với anh không?
- Bẩm chú có ạ.
Ông gật gù, hỏi:
- Thế anh đã trả lời ông ấy thế nào?
Điệp bướng bỉnh đáp:
- Bẩm chú, cháu nói với ông ấy rằng cháu có vợ rồi.
Ông Chánh án cố ghìm sự giận dữ, cười lạt, hỏi:
- Anh có vợ rồi?
Điệp trông cái cười lạt bỗng sợ hơn cái gật, nên dịu:
- Bẩm chú biết rằng chú thương cháu như con, muốn gây dựng cho cháu được hẳn hoi, cháu không biết lấy gì báo đáp. Nhưng bẩm chú, cháu đã trót hò hẹn với con ông Tú người làng.
Ông Chánh án lại cười:
- Thế thì anh trót học trường Sư phạm, sao bây giờ anh lại đi thư ký lục sự?
- Bẩm chú, nhưng mà cháu nợ ông Tú cháu một cái ơn to.
Ông Chánh án lại cười, nói:
- À, ra ông Tú nói cho anh đỗ, ông Tú xin cho anh đi làm đấy nhỉ!
Điệp lúng túng chưa biết trả lời ra sao, thì ông Chánh án hoạnh luôn câu nữa:
- Anh với con ông Tú, đã nặng tình với nhau như với con Thuý Liễu nhà tôi chưa?
Điệp cuống lên, sửng sốt cả người, cựa mạnh một cái, nói ấp úng:
- Bẩm chú, hôm ấy…
Ông Chánh án không cho Điệp dứt lời:
- Tôi tưởng anh trung hậu, chứ ra anh lại lừa, lại phản tôi.
- Bẩm chú…
- Anh làm hại danh dự nó, nghĩa là anh làm hại danh dự tôi.
- Bẩm…
- Mà tôi không ngờ đâu, tôi nuôi ong tay áọ. Tôi không ngờ đâu, anh đáp lại tôi bằng cách ấy.
Điệp run người, tắc hơi, không nói được tiếng nào nữa.
- Anh không nên bắt chước lối các công tử Hà thành mà dùng cái lối ngựa truy phong ấy được.
- Bẩm chú, thật là oan cháu quá. Nguyên là…
- Anh kêu oan, tôi cũng ví dụ là oan. Nhưng anh nỡ xử với con tôi như thế à? Anh nỡ bỏ nó à?
- Bẩm chú cháu có làm gì đâu mà cháu bỏ.
- Anh phải biết, tôi rõ cả đầu đuôi câu chuyện rồi. Nay tôi đã định, anh không được bướng. Anh đã làm hại đời con Thuý Liễu, thì anh cứu lấy đời nó, lẽ đó là công bằng; vả dĩ nó là con tôi.
- Bẩm chú, ông Tú Nguyễn đã hứa gả cô Lan cho cháu.
- Thì từ chối phắt đi, khó gì!
Điệp rưng rưng nước mắt, rồi hu hu lên khóc. Ông Chánh án bảo:
- Đời anh bây giờ là trong tay tôi, anh liệu đó! Nếu anh kệ đời con Thuý Liễu, thì tôi không để đời anh yên đâu. Nếu anh cứ khăng khăng một mực cưỡng chế hoài, thì liệu hồn cả cái đời ông Tú nhà anh nữa. Tôi mà làm ra thì tù tội cả lũ, chớ trách.
Thấy câu nói gọn thon lỏn, trôi chảy như miếng “tào phở”. Điệp nghẹn ngào, ngồi trơ như bức tượng, mặt nóng bừng bừng. Giá trông ông Chánh án không có oai, Điệp đã quyết can đảm cầm cái ghế choang phăng cho ông một cái vào đầu, rồi sau muốn ra sao thì ra.
Ông Chánh án nhìn Điệp mất hồn ngay như khúc gỗ, thì ông lại sắt đá, lãnh đạm, hất cằm bảo:
- Cho anh về ăn cơm. Vài hỏm nữa, nghỉ hai ngáy, tôi cho phép anh về nhà quê mà hỏi ý đẻ.