Bảy

     uổi sáng chừng như đã muộn, tôi mới thức dậy. Bên đóng sách bừa bộn đêm trước, tôi ngáp dài đói ngủ. Tôi lười lĩnh ra ban-công vươn vai mấy cái nữa rồi mới đi rửa mặt, đánh răng. Tôi pha lấy một ly cà phê sữa thật nóng, gặm với khúc bánh mì ngắn rồi lại trở lên phòng. Hôm nay có lẽ chị Hà đi chợ sớm rồi còn sửa soạn đi phố, tôi chắc vậy, vì bây giờ mới có tám giờ hơn một chút.
Phải cố gắng hai ba bận tôi mới mở lại được trang bài vật lý đang học ôn. Nó rắc rối, nó lê thê, nó đầy công thức và đoạn nào cũng đòi cần phải nhớ. Cần phải nhớ, cần phải đọc lại nhiều lần, có thể thi... Những hàng chữ có gạch dưới, những nét chì đỏ và tôi xếp cuốn sách lại. Rất tự nhiên tôi nhớ đến Chi. Như cậu bé học lớp vỡ lòng ngây ngô nhìn con chim sẻ đậu trên cửa sổ. Cậu bé hôm nay không thuộc bài sợ thầy giáo mắng nên phải vội đuổi cho con chim sẻ bay đi. Bay đi chim sẻ, để ta học bài. Tôi mở lại cuốn vật lý và làm phần bài tập. Nhưng khi tìm đến cuốn vở nháp thì tôi giật mình nhận thấy những nét chữ lạ. Hẳn không phải là nét chữ của đứa bạn nào trong lớp. Tôi đã nghỉ học trước từ mấy hôm nay rồi cơ mà. Đó là những nét chữ viết vu vơ như người thử bút, có chỗ mấy chữ ký đan lấy nhau. Tôi chịu không đoán được. Có điều chắc là chữ con gái, mà không phải là chị Hà tôi. Thắc mắc mãi và tôi mở sang một trang khác, ở một góc tôi thấy hàng chữ: “Thúy Quỳnh”.
Có thể Quỳnh đã đến đây chiều hôm qua, tôi nghĩ vậy. Chị của Quỳnh với chị Hà là bạn thân. Quỳnh đi với chị và chắc họ đã nói chuyện nơi bàn học của tôi. Chị Hà có cái “tật” mà tôi chả ưa chút nào là, chị cứ hay vào phòng tôi.
- Em ghét chị, sao chị cứ làm mất trật tự của em. Làm em cất cái gì rồi cũng phải đi kiếm hoài.
Chị Hà bĩu môi:
- Trật tự của chú là trật tự... bừa bộn hả. Gớm con trai nhớn đầu rồi mà cái bàn, cái phòng cứ như cái... thùng rác. Sách vở quăng mỗi nơi một quyển, quần áo quăng mỗi nơi một thứ. Tôi trông thấy thế là không thể nào chịu được.
Và sách vở của tôi thì cứ phải gọn ghẽ trẽn bàn, trên giá. Còn quần áo thì thỉnh thoảng tôi cứ phải nhìn ra sân phơi để tìm. Sau một hồi mắng mỏ, thế rồi chị Hà lại nhặt mỗi nơi một cái, đem giặt giũ đàng hoàng cho tôi. Như thế thì còn gì phải trách. Chỉ phiền một nỗi là hễ kiếm cái gì, chỗ tôi để chả thấy, tôi lại đâm bực vì chị Hà cứ làm mất “trật tự” của tôi.
Tôi se vuông vắn trang giấy trong cuốn vở nháp có chữ “Thúy Quỳnh” rồi gấp chéo, gấp vuông lại thành hình chiếc tàu bay. Tôi phóng chiếc tàu bay ra ngoài cửa sổ, chiếc tàu bay giấy chao chao trong không rồi vướng lại một cành hoa giấy trước cổng. Tôi đem cuốn vật lý ra ngồi học bên cửa sổ, nhìn xuống con đường hẹp. Năng 9 giờ vừa làm khô hẳn những lối đi quanh vườn ngôi nhà có trồng nhiều cây hoa đại. Ở phía đầu con đường hẹp kia, lối vào nhà tôi, tôi thấy Quỳnh đang nói chuyện với một cô bạn ở trước cổng, mái tóc rối thắt bằng chiếc khăn tay, có lẽ buổi sáng thức dậy muộn nên biếng chải.
Thành quách tâm hồn tôi vẫn cứ thường bị những mơ mộng, những ý tưởng tự đâu đâu đến chiếm cứ. Có khi một lúc, có khi thì thật lâu, tôi mới giật mình nhớ cuốn sách đang ôm trên tay. Ngày thi tới gần làm tôi luống cuống.
Một lần ở ngoài vườn mẹ Anh Chi đã nói với tôi, em Huy ạ, tôi biết em có nhiều ước mộng lớn lắm.
- Bác nói thế chứ, có lẽ cả đời cháu cũng chả làm được gì ra chuyện đâu, bác ạ.
Tôi biết, mẹ Anh Chi nói, tôi nghĩ như thế. Ước mộng đầy là của những người lãng mạn. Những người lãng mạn thì họ có những ước mộng kỳ lạ lắm, họ có đôi tay của cánh thiên thần. Họ rướn người với cao, họ nuôi những tư tưởng lạ lùng mà có khi cả phần đời họ mới chợt tỉnh như người vừa được đánh thức khỏi giấc mơ... Tôi nhìn sâu trong mắt chiều của bà, tôi biết bà đang liên tưởng, nhắc nhở đến người bạn đường đã chia tay bà, lỡ một phần đời bà. Có lẽ người thanh niên ấy phải có đôi lông mày dày và cặp mắt rất sáng, sâu và thông minh lắm, người thanh niên kém bà hai tuổi. Bỗng dưng bà hỏi tôi:
- Em Huy à
- Dạ...
- Em có thích đi xa không?
- Đi xa hở bác?
- Ừ, có bao giờ em nghĩ như thế không?
Tôi cố nhớ xem có lần nào tôi nghĩ như vậy chưa. Không, cũng chưa lần nào có ai hỏi tôi điều đó.
- Đừng dại dột em Huy ạ.
Mẹ Anh Chi nhìn tôi lạ lùng, mắt bà sáng ngời:
- Như thế gọi là dại dột. Chồng tôi lãng mạn lắm.
Tôi lặng yên, có lẽ lúc đó tôi ngồi ngoan ngoãn, y như cậu học trò mười tuổi ngồi khoanh tay nghe thầy giáo giảng bài, bài học mới và học trò ngẩn ngơ. Mẹ Anh Chi bỏ đi một lát, bà đến bên cụm mẫu đơn rồi trở lại chỗ tôi.
- Em Huy ạ, em phải học cao. Em có thích du học không?
Tôi đáp:
- Cháu có nghĩ tới chuyện đó, nhưng cháu thích được học ở Pháp về lối vẽ và kỹ thuật trong loại phim hoạt họa hơn. Cháu thích từ lần đọc ở một tạp chí.
Mẹ Anh Chi cười:
- Em lại lãng mạn rồi. Phim hoạt họa thường là loại phim thần tiên. Em Chi thích xem cái phim gì mà “Mi-um Mi-um” đó.
- À, phim những cô cậu bé tí thưởng ngủ lười trên các lá sen ạ. Chúng tập thể dục tức cười ghê lắm.
Mẹ Anh Chi bật cười thành tiếng. Bà nói:
- Dù sao thì em cũng phải học xong ở một phân khoa nào, em Huy ạ. Tôi xem rồi - Ba túm tỉm cười
- đường học hành trên chỉ tay em còn dài lắm.
Lần ấy ở nhà Chi về, tôi thấy yêu sách vở hơn. Tôi cũng chả hiểu tại sao nữa. Đôi lần tôi mơ hồ thấy Chi trên những trang sách, mắt Chi sáng. Chi nghiêng cái đầu cho mái tóc ngắn ngả xuống vai, vẫn là một lời nói ấy: Anh Huy nhé. Và tôi không còn “quyền” gì nữa hết.
Tôi đang nghĩ như thế thì có tiếng chuông cửa, tôi cứ ngỡ là Khoa, nhưng không phải. Tôi giật mình khi nhận ra chị Hai, người giúp việc nhà Chi. Tôi làm ra thật tự nhiên với chị, mặc dù tôi rất bối rối, tôi hỏi:
- Có chuyện gì đó chị Hai?
Chị Hai nâng cao gói giấy đang ôm trên tay:
- Của cô Chi gửi cho cậu.
- Của cô Chi à?
Chị ta nhìn tôi, cái nhìn lạ làm sao ấy. Tôi đỡ lấy gói giấy và khi chị ta trở về đã xa tôi mới nhớ là mình quên gửi lời cám ơn Chi. Chả biết Chi gửi gì cho tôi đây nữa, đã hơn một tuần tôi không sang nhà cô bé. Tôi ôm gói giấy trên tay rồi nhảy hai bậc một lên phòng. Có lẽ là những cuốn sách, tôi đoán vậy khi mở ra. Đúng là những cuốn sách. Một cuốn Tự điển Anh-Việt cỡ trung bình, hai cuốn bài tập Cơ và Lý Hóa cùng mấy cuốn sách học khác. Có một cuốn sách lạ tôi chưa nhìn thấy lần nào, đó là cuốn. “Đây, Đại Học”. Tôi biết, mẹ Chi đã bỏ ra cả buổi để chọn những cuốn sách này cho tôi. Lại cả bộ compas và thước góc rất xinh mà đầu năm tôi vẫn thích nhìn trong tủ kính tiệm sách nữa. Tôi tìm thấy miếng giấy chữ Chi viết gấp trong một cuốn sách, nét chữ học trò của Chi hôm nay bỗng dưng... thấy lạ.
Anh Huy ơi, tuần sau anh Huy thi phải không? Mẹ với Chi đi chọn những cuốn sách này cho anh đó. Chi thì biết gì đâu, chỉ biết ôm sách cho anh thôi. Eo ơi, nặng gấp mười cái cặp đi học của Chi ấy, muốn rụng tay luôn vậy đó anh, bây giờ vẫn còn đỏ những ngón tay nè. Hết tuần này trường Chi nghỉ học rồi. Mẹ bảo, anh Huy ở nhà học thi đi, không phải sang dạy Chi nữa. Mí lại mẹ còn bảo anh không được uống cà phê nhiều và thức khuya quá, coi chứng đau đó nha anh. Trước hôm thi anh Huy đứng thèm học, sang chơi vói Chi cả ngày, anh Huy nhá (câu này là Chi nói đó) Anh Huy phải nhớ, Chi hỏng biết giận đâu. Thật mà.
Nè anh Huy nè, mẹ mới xếp vào cho anh lọ thuốc bổ nữa, mẹ dặn anh uống ngày sáu viên. Còn Chi thì có kẹo đây (Chi ngậm hộ anh trước một chiếc, Chi chia đều hộp kẹo của mẹ cho Chi đấy nhé)
Tối nay Chi lên giường sẽ nhớ cầu nguyện Đức Mẹ cho anh
Anh Chi
Tôi không hề nghĩ là một lá thư. Chi chưa biết viết thư. Nét mực tím với giấy vở thơm hồn nhiên học trò, Chi ngoan lắm. Tôi xếp thật đẹp trang chữ viết của Chi vào cuốn “Đây, Đại Học”, rồi mở gói kẹo thơm ra ngậm một chiếc. Chiếc kẹo thơm ngon lắm, ngọt lắm. Tôi vừa ngậm vừa xem mấy trang sách rồi xếp tất cả vào chiếc giá nhỏ của tôi. Tôi để lọ thuốc hồng ngay trên bàn để nhớ trước mỗi bữa ăn. Rôi tôi đi học ngay, rất chăm chỉ.
Tôi phải học hơi vất vả một chút vì đầu năm tôi học không đều. Tôi lo làm báo chí trong trường cả buổi, hết Nội San đến Giai Phẩm, hết tuần này sang tuần khác. Vì thế mà sách vở, bút thước compas của học trò ban B hay nằm buồn. Năm ngoái tôi cũng phải sửa soạn kỳ thi một cách ì ạch và mệt mỏi. May là người ta cũng không quên tên tôi. Chị Hà bảo: “Phước của chú còn to lắm. Học hành thế!” Tôi phải nhận là tôi may mắn lắm. Nhưng năm nay thì tôi lo hơn. Lo hơn nên mỗi lần cầm tới hai cuốn Vật Lý dầy cộm là tôi... muốn khóc luôn. Tôi phải cố học và tôi phải đỗ. Tôi phải bước lên Đại học và ít ra là phải học xong ở một phân khoa nào.
Đêm học tới mười hai giờ hơn, tôi ra ngồi ngoài ban-công. Trời khuya trải kín một thám sao và hơi lạnh. Bỗng nhiên tôi thấy thèm một viên kẹo. Tôi vào lục gói kẹo ra và vừa ngậm kẹo tôi vừa nhớ tới Chi. Con chim nhỏ bé của anh ạ, anh muốn đan một cái lồng và đem nhốt chim vào đó. Lồng anh đan bằng mười ngón tay học trò, mười ngón tay thương yêu đó, mười ngón tay vụng dại đó. Và bé là chim, hót lên mỗi buổi sáng lúc anh học bài. Hót lên nhé chim, để những lúc mở trang vở anh hay buồn vơ vẩn, anh hay cầm bút vẽ vòng vèo trên những tờ giấy trắng. Lạy trời cho con chim ngoan cứ nhỏ bé mãi, và học trò thì cứ còn ngậm quản bút mà buồn vơ vẩn hoài.
Tôi bảo tôi đừng nghĩ nữa, Huy ạ, nhỡ mẹ Chi biết. Hẳn là mẹ Chi không bao giờ muốn tôi dẫn Chi đi xa, như lần tôi đã hoảng hốt trước cửa trường Chi. Lần ấy tôi cứ lo là mẹ Chi sẽ giận tôi. Nhưng thực là những cái lo không bao giờ đến, mẹ Chi không hề nhắc tới gì cả, bà làm như không hề biết chuyện đó. Và không biết là Chi có kể cho mẹ nghe chuyện cô bé và tôi quỳ cầu nguyện ở nhà nguyện không. Nhưng có điều là tôi không hề kể cho Chi nghe chuyện tôi gặp Khoa. Thế nào khi vui miệng tôi cũng quên mất, và Chi biết thêm một người bạn của tôi nữa, một người bạn không thân. Rồi Chi sẽ hỏi ngay: anh ta có hút thuốc lá không, anh. Tôi thì chưa bao giờ “dám” nói dối Chi gì cả. Và Chi sẽ giận, như lần Chi bảo “Cây hoa đại trước cửa nhà chị Quỳnh nhiều hoa anh Huy nhỉ”.
Ngậm tan hết viên kẹo, giọt rượu để lại lưỡi tôi hơi ran ran. Chi nhé, cứ cho anh ngậm kẹo rượu, nhỡ anh... say thì sao. Tôi trở lại bàn học, ngọn đèn vẫn còn để sáng. Chị Hà đã sắp sẵn cho tôi chiếc thìa với lại một tô cháo gà tự lúc nào, chị đậy chiếc đĩa lên trên miệng tô nên cháo vẫn còn khói nóng. Chị viết nguệch ngoạc mấy chữ lên cuốn vở nháp trên bàn: Ra sương làm gì, coi chừng lại ho, ăn đi. Nhớ uống thêm một ống thuốc Révi nữa. Tốp bớt những chuyện không đâu, ngủ sớm đi, ông tướng ạ.
Thức khuya mà được tô cháo gà nóng thú biết mấy. Chị Hà lo cho tôi quá. Cũng phải đáng để ý cho sức khỏe của tôi, đứa con trai lớn lên không được bình thường cho lắm. Chị Hà hay mắng tôi là phí phạm thời giờ một cách vô lý, có khi bỏ ngủ trưa hoặc thức mãi tới 1, 2 giờ sáng làm những việc không đâu. Thật là không đâu!!!15082_6.htm!!! Đã xem 11253 lần.


Nguồn: VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 13 tháng 5 năm 2014