ang ngồi ủi quần áo của mình và của con, Đan Trầm nghe tiếng gõ cửa rồi tiếng ông phát thư vang lên. - Cô Đan ơi... Cô có thư nè... Mở cửa ra nàng thấy ông phát thư quen mặt trao cho mình phong thư khá dày và xốc xếch như đã cũ lắm. Nhìn lên góc bên trái nàng mới biết thư của Mặc gởi cho mình. Sau bữa ăn tối ở nhà hàng Thanh Bình, hai người còn đi chơi với nhau một lần trước khi Mặc trở lại An Lộc. Từ đó tới hôm nay, hơn hai tháng nàng không gặp cũng như không nghe tin tức gì của người lính. Mân mê lá thư gởi từ KBC, nàng mường tượng ra hình ảnh của ông lính ba mươi chín tuổi, mà trong lần đi chơi nàng hay đùa gọi là ông lính tuổi con cù lần. Dù hai người vẫn gọi nhau bằng tiếng '' ông '' '' bà '', song tình thân thiết của họ đã tiến một bước khả quan đủ để cho họ có thể bày tỏ cảm nghĩ và những chuyện tư riêng. Nhờ vậy nàng mới biết, dù ba mươi chín mà Mặc vẫn chưa lập gia đình. Biết được điều đó Đan Trầm bớt dè dặt trong chuyện giao tiếp với anh. Nàng không thích giao du với một người đàn ông vướng mắc vợ con. Đó là một phiền phức và rắc rối. Nàng không thích và không cần làm bé ai hết. Lật qua lật lại phong thư giây lát, nàng ngồi xuống chiếc băng gỗ nơi hàng hiên rồi chậm chạp xé ra. - An Lộc ngày... tháng… năm… Đan Trầm mến, Tôi định gọi Đan Trầm bằng tiếng '' bà '' cố hữu như tôi đã từng gọi mấy tháng qua, song cảm thấy tiếng bà có vẻ xa lạ, khách sáo quá nên tôi xin thay bằng cái tên của người còn thiếu nợ tôi bữa ăn; mà tôi, mỗi lần nghĩ đến cảm thấy ao ước được ngồi ăn với Đan Trầm và cháu Điềm trong căn nhà ấm cúng đầy tình gia đình. Tôi tự biết còn lâu lắm tôi mới được hân hạnh đó... Không nhịn được nàng bật lên tiếng cười rồi lẩm bẩm nói. - Thôi ráng chờ đi ông ơi... Càng đói ăn càng ngon... - Chắc còn lâu lắm tôi mới được phép trở lại Sài Gòn thăm Đan Trầm. Tình hình chiến sự ở đây có những dấu hiệu báo trước một một trận đánh lớn giữa hai phe. Vì thế mà quân dân ta phải chuẩn bị ráo riết. Tôi và các chiến hữu bận bịu luôn. Bận xây thêm hầm núp mới. Bận tu bổ lại công sự phòng thủ cũ. Bận thiết trí các ổ súng cộng đồng. Tôi ăn đụng nhiều hơn. Ngủ đụng nhiều hơn. Và nhớ đụng nhiều hơn. Đụng mặt ai cũng nhớ tới một người quen ở xa. Đụng nói chuyện với ai cũng nhớ lại tiếng cười thánh thót, giọng nói thanh thanh của người quen. Nhìn ai cũng thấy đôi mắt dài có đuôi long lanh huyền bí... Đan Trầm mỉm cười. Dĩ nhiên nàng biết Mặc có cảm tình với mình. Nàng cũng hiểu những lời bóng gió xa xôi ông lính nói với mình, viết cho mình, tán tụng mình mong hâm nóng lại tình cảm đã lạnh của mình. Nàng thích Mặc. Nàng không phủ nhận điều đó. Chỉ thích thôi chứa chưa phải nhớ nhung hoặc thương yêu. Đời sống của nàng quá thừa thải thời giờ do đó chỉ muốn có một người quen, bạn cũng được, như Mặc để có chút bận tâm, lo nghĩ về một người lính mà nàng biết đang xả thân, đang đem sinh mạng của họ để làm hàng rào cản cho nàng được sống trong tự do và yên ấm. Chấp nhận tình cảm mà Mặc dành cho mình, hay xem ông ta như là một người bạn, với nàng tựa như một hành động bày tỏ lòng biết ơn người lính đang chiến đấu cho đất nước. - Sau một ngày làm việc nhọc mệt, tôi trở về chỗ ngủ của mình. Đêm ở vùng núi rừng ngút ngàn này tới sớm lắm. Khí lạnh căm căm. Lạnh vì chất thép của súng đạn. Lạnh vì khí lạnh của rừng cao su tiết ra. Lạnh vì nỗi cô đơn của chính mình. Trong màn sương mù giăng giăng tôi nằm im trong bóng tối hình dung lại vóc dáng của một người quen tuy không xa lắm nhưng khó mà gặp mặt được. Vùng đất xa xôi mà tôi đang ở ít có thú vui ngoài đọc sách, nghe nhạc. Cũng có quán xá song nghèo nàn và phố thì '' đi dăm phút đã về chốn cũ ''... '' Ông ta bắt đầu tả oán... Ông lính bắt đầu kể khổ...''. Đan Trầm nghĩ thầm khi lật lật lá thư dày 6 trang được gởi từ chiến trường của người lính tên Mặc. Nàng biết ông ta tả oán, kể khổ song cũng tìm thấy trong đó phần nào sự chân thành của cảm nghĩ. Một người lính 39 tuổi, ở xa thành phố, không có vợ con, dĩ nhiên phải đơn độc và cảm thấy thiếu thốn tình cảm, thiếu rất nhiều, hơn hẳn những người có gia đình. Bây giờ được quen biết nàng, dĩ nhiên nàng trở thành một đối tượng để cho ông lính trút hết nỗi niềm. Đưa tay lên xem đồng hồ chỉ hơn 10 giờ sáng, nàng lại cắm cúi đọc tiếp lá thư được viết với từng đoạn ngắn giống như nhật ký hay viết khi nào người cầm bút có thời giờ. - Hôm qua tôi may mắn được tháp tùng sếp lớn đi Lai Khê hội họp. Muốn về gặp Đan Trầm giây lát rồi đi song không có chuyến trực thăng nào đành thôi. Đường bộ cũng không xa lắm nhưng mất nhiều thời giờ mà tôi phải trở lại An Lộc cùng ngày. Đứng ở Lai Khê trông về hướng Sài Gòn, buồn và chỉ còn biết gọi tên của Đan Trầm; cái tên mà trí tôi bảo đừng gọi nhưng lòng tôi lại muốn gọi. Không gọi tên của Đan Trầm thời gọi tên ai đây. Tôi không có lấy một người tình, bạn gái để gọi. Chẳng lẽ lại gọi tên cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Tôi '' tuổi con cù lần '' chứ đâu còn nhỏ nhít gì mà khi buồn bã và đơn côi lại réo tên người thân trong gia đình. Tôi muốn có, tôi cần có một người bạn, hiểu mình chút chút, thông cảm mình chút chút để thư từ thăm hỏi và ít ra mình cũng có một người thân quen ở thành phố, để không có cảm tưởng mình bị bỏ rơi, bị quên lãng... Đan Trầm cảm thấy chút bồi hồi khi đọc hết một đoạn thư của Mặc. Nàng như mường tượng ra nét mặt thoáng buồn của ông lính trong buổi giã từ. Nàng biết mình nặng tình cảm, lãng mạn và phóng khoáng. Vẻ thản nhiên và vui cười ở bên ngoài chỉ là cái vỏ bọc bên trong một tâm hồn đa sầu đa cảm. Giữa buổi sáng tĩnh lặng của thành phố, thứ tĩnh lặng hiếm hoi của thủ đô mà áp lực của địch càng ngày càng đè nặng lên, nàng mơ hồ nhớ lại buổi sáng sớm được Mặc đón đi ăn phở Hiền Vương. Chỉ có nàng nói cười mà Mặc im lặng nghe. Nàng nhớ mình hứa viết thư cho ông lính song chần chờ vì chưa quyết định có nên nới rộng giao du với ông ta hay không. Dù ông ta cả quyết mình chưa bao giờ lập gia đình nhưng mấy ông lính nói khó tin lắm. Miệng của họ dẻo còn hơn mạch nha, lưỡi của họ uốn đủ trăm chiều, do đó muốn giao du thân mật nàng nên thận trọng để sau này khỏi lo chuyện bị đánh ghen hoặc mang tiếng làm bé. Nàng cần phải hiểu thêm về đời tư của Mặc trước khi đi sâu vào chuyện quen biết với anh. Thấy đồng hồ chỉ 11 giờ, Đan Trầm gấp thư lại bỏ vào phong bì rồi lẩm bẩm. - Thôi bây giờ tôi phải đi nấu cơm... Thằng bé đi học về đói bụng mà hổng có cơm nó nhằn tôi ông biết hông... Bật cười thành tiếng nhỏ vì câu nói của mình, bỏ lá thư vào trong túi áo nàng đi thẳng vào bếp nấu cơm. Không biết nghĩ sao nàng lại đi vào phòng ngủ, nhét lá thư của Mặc vào ngăn tủ đựng quần áo. Dường như nàng không muốn Điềm biết Mặc đã gởi thư cho mẹ của nó. Nàng nghĩ còn quá sớm để nói cho con trai biết sự giao du giữa mình với Mặc. Điềm vừa rời nhà để tới trường thời Đan Trầm cũng trở vào phòng ngủ sửa soạn một cách sơ sài xong đi bộ ra đường Hùng Vương đón xích lô đi chợ Bến Thành mua một chục cam biếu ba má Mặc. Mua quà xong nàng lại ngồi xích lô đi Ngã Ba Hàng Xanh tới nhà của ông lính. Trước khi quyết định viết thư hồi âm, nàng muốn biết rõ thêm về đời tư của anh. Nàng ngại giao du với một người đã có vợ con, ngại gây rắc rối cho chính mình đồng thời làm khổ một người đàn khác. Nếu anh còn độc thân thời lúc đó nàng mới yên tâm mà viết thư và tiếp tục giao du. Theo lời chỉ dẫn của người trong xóm, sau một hồi đi lanh quanh cuối cùng nàng cũng tìm ra nhà. Ba má Mặc tỏ vẻ ngạc nhiên về sự viếng thăm của một người đàn bà tự xưng là bạn với con trai của mình song họ cũng ân cần và niềm nở tiếp đón nàng. Dù không nói ra họ cũng lờ mờ hiểu phải có liên hệ tình cảm như thế nào, người đàn bà đẹp và cốt cách giàu sang này mới tìm tới nhà để làm quen với gia đình của họ. Chị gái của Mặc ở chung nhà với cha mẹ còn anh trai cũng ở kế bên. Du, anh hai của Mặc cũng đi lính, tùng sự tại Biệt Khu Thủ Đô với cấp bậc trung úy. - Cô Đan Trầm quen với Mặc lâu chưa? - Dạ... Tôi quen anh Mặc được hơn ba tháng... Tụi này đi chơi với nhau đôi lần... Nhìn Du giây lát, nàng mới cười thốt. - Thú thật với anh, tôi thích anh Mặc vì tính tình hiền lành và có nhiều chỗ hợp với tôi. Sở dĩ tôi tới đây gặp hai bác và các anh chị là để biết thêm về đời tư của Mặc trước khi tôi tiếp tục giao du với anh ấy... Cười cười, Du hỏi thẳng. - Cô muốn biết Mặc có vợ con chưa hả? - Dạ... Anh cũng hiểu là đàn bà, tôi không thích giao du với một người đàn ông đã có gia đình, vừa mang phiền lụy cho mình đồng thời gây ra đau khổ cho người khác... - Tôi hiểu ý cô Đan Trầm. Tôi cũng khen cho tính ngay thẳng của cô. Cô đừng lo. Dù đã lớn tuổi song Mặc chưa bao giờ lập gia đình. Theo tôi, nó là thằng khó tính trong việc chọn lựa một người bạn trăm năm. Cách đây mấy năm, nó có một cô bạn gái thân thiết lắm, song không biết vì lý do gì mà hai đứa tụi nó xa nhau. Cô gái đó đi lấy chồng còn Mặc thời gian sau cũng đi lính. Cô chắc còn trẻ hơn nó? - Dạ tôi trẻ hơn anh Mặc... - Mời cô Đan Trầm uống nước... Du đưa ly nước lên mời. Đan Trầm vui vẻ vừa uống vừa trò chuyện với Du, một người rất tử tế và cởi mở. - Tôi cũng định viết thư cho Mặc. Cô có muốn nhắn gì không? - Dạ cám ơn anh. Chắc tôi không có gì để nhắn. Anh Mặc vừa gởi cho tôi lá thư. Đọc thư xong, muốn biết thêm về ảnh trước khi hồi âm nên tôi tới đây gặp hai bác và anh để hỏi cho rõ ràng. Như thế tôi mới yên tâm viết thư cho anh Mặc. Ảnh tả oán khiến cho tôi cũng hơi... Đan Trầm ngừng lại. Dù nàng không nói hết ý, song cũng là lính nên Du hiểu bèn cười đùa. - Nó tả oán với cô chứ gì... Nè... nè… đừng có nghe mấy ông lính tả oán, ca bài con cá rồi động lòng nghen... Đan Trầm bật cười thánh thót. - Dạ... Anh cảnh cáo tôi hơi chậm rồi anh... Vui miệng và cũng muốn thắt chặt tình thân với gia đình của Mặc, Đan Trầm vui vẻ kể lại cho Du nghe chuyện nàng với Mặc quen nhau. Nghe xong, Du gật đầu nói bằng giọng nghiêm nghị. - Nó kết cô rồi đó. Tôi đã giới thiệu cho nó nhiều cô trong sở còn trẻ và đẹp mà nó đi chơi một lần rồi trốn biệt luôn... Thấy trò chuyện cũng lâu, Đan Trầm từ giã đồng thời xin phép ba má Mặc thỉnh thoảng được tới nhà thăm viếng ông bà. Ngồi trong lòng chiếc xích lô trên đường trở về nhà, nàng cảm thấy thoải mái và yên tâm khi biết rõ đời tư của Mặc cũng như quyết định viết thư trả lời cho anh. Đi lính xa nhà, không có niềm vui và an ủi nào lớn hơn khi nhận được thư, nhất là thư mà mình trông đợi. Mặc đang ở trong tình trạng đó. Anh vừa nhận được thư của Đan Trầm hồi chiều. Vì đang bận nên anh dằn lòng không mở ra mà chỉ chăm chú nhìn bên ngoài. Thư khá dày, bao thư được làm bằng giấy đắt tiền nên đẹp mắt. Nhưng đẹp nhất chính là nét chữ gãy gọn, nắn nót và rõ ràng của người gởi. Góc bên trái phía trên cùng có tên Nguyễn Thị Đan Trầm- 21/5/11 đường Hùng Vương- Xã Thạnh Mỹ Tây- Quận Gò Vấp- Tỉnh Gia Định. Phía dưới ngay chính giữa có tên Tr/u Trần Quân Mặc- Phòng 3- Tiểu Khu Bình Long. Ăn vội chén cơm, tắm gội và thay quần áo xong, ra ngồi nơi góc cây xế cửa chính của căn cứ anh chậm chạp lấy lá thư ra. Trên nền giấy pellure màu xanh nhạt những dòng chữ đầu tiên hiện ra làm cho anh phải lắc đầu mỉm cười lẩm bẩm: '' Đợi dài người ra mới có thư...'' - Kính thưa ông lính trẻ của tôi… Đọc câu đầu tiên, Mặc bật cười tiếng nhỏ vì hơi văn cợt đùa của Đan Trầm. - Sở dĩ tôi chậm viết thư hồi âm vì tôi có lý do. Cách đây ba ngày, tôi có tới thăm ba má ông và hân hạnh được trò chuyện khá lâu với anh Du. Mục đích của cuộc viếng thăm này chỉ để xác định: ông đã đùm đề vợ con hay ông vẩn còn là ông lính độc thân vui tính. Không phải tôi không tin những gì ông đã kể với tôi, nhưng tôi muốn thật sự yên tâm và vững lòng trước khi viết thư trả lời ông. Tôi muốn, khi đi chơi với ông, tôi sẽ không làm một người đàn bà nào đó đau khổ. Là đàn bà, tôi hiểu nỗi khổ tâm của họ khi bị người khác cướp mất đi kẻ mà mình yêu thương. Tôi cần được sự an lòng, không sợ bị người ta chận đường đánh ghen khi tôi đi ăn kem với ông, cùng đi với ông vào Khai Trí mua sách báo mà không bị mang tiếng giựt chồng của người khác. Sau khi đã bí mật điều tra lý lịch và được ba má ông cũng như anh Du xác nhận ông không có vợ con, tôi cảm thấy an lòng, hân hoan chấp nhận tình bạn mà ông đã dành cho tôi. Nếu ông giận và không đồng ý về chuyện tôi đã làm ( tôi nghĩ ông không giận cũng như ông đồng ý ), vì điều này khiến cho tình cảm giữa chúng ta tiến triển một cách mau mắn và tốt đẹp hơn, thời tôi, sẽ không gọi ông bằng ông và xưng tôi nữa. Tôi sẽ gọi Anh Mặc ( Điềm nói tên của ông kỳ quá... Mặc là mặc gì... Mặc quần áo, mặc cả, hay bỏ mặc...) Nó nhờ tôi hỏi anh Mặc giải thích một cách rành mạch về cái tên Mặc của anh. Dù tôi có nói Mặc là trầm mặc nó vẫn không chịu. Anh Mặc nên dành thời giờ suy nghĩ hầu giải thích cho đứa con khó tính của Đan Trầm... Mặc mỉm cười. Anh cảm thấy vui vui khi đọc những dòng chữ của Đan Trầm. Thoạt đầu hơi văn xa lạ và có khoảng cách nhưng sau đó chuyển nhịp thân mật hơn bằng cách gọi anh và xưng tên. - Như đã nói với anh Mặc đôi lần, tôi rất thương con và có thể nói một cách không ngoa, từ khi chồng bỏ đi xa Đan Trầm đã sống cho con nhiều hơn sống cho mình. Nó là hạnh phúc nhỏ nhoi, niềm vui hèn mọn của tôi. Hiểu được sự hi sinh vô bờ bến của mẹ hiền, Điềm cũng rất thương mẹ. Điều đáng nói ở đây chính là vì hoàn cảnh chỉ có hai mẹ con sống với nhau nên rất thân thiết, thông cảm và đối xử với nhau như bạn. Từ lúc còn bé, Điềm đã rất '' mê '' mẹ. Nó tôn thờ, ngưỡng phục, ái mộ và si mê mẹ của nó. Tại sao Đan Trầm lại nói ra điều này với anh Mặc? Chỉ vì trong lần mình đi chơi với nhau trước khi trở lại An Lộc, anh Mặc có nhắc đi nhắc lại nhiều lần ý muốn lập gia đình với Đan Trầm. Điềm chính là trở ngại đầu tiên mà anh Mặc phải giải quyết. Nó sẽ là người đứng ở chính giữa. Nó không có may mắn được sống với cha từ lúc nhỏ cho tới khi lớn khôn, nên Đan Trầm không muốn con của mình phải mất thêm người mẹ mà nó thương yêu rất mực. Tôi không thể sống hạnh phúc bên anh Mặc hay bất cứ người đàn ông nào nếu con không được sung sướng. Nói một cách khác là Đan Trầm đặt nặng tình thương con ngang hàng với chính hạnh phúc của mình. Sở dĩ tôi phải nói rõ như vậy cốt ý để cho anh Mặc hiểu thêm về hoàn cảnh đặc biệt của tôi... Mặc gấp lá thư đọc dở dang lại rồi bỏ vào túi áo trận. Anh muốn nhín lại để đọc vào dịp khác vì không phải lúc nào cũng có thư để đọc. Huống chi thư của Đan Trầm còn hiếm hoi hơn nữa. Anh cũng muốn tĩnh tâm suy nghĩ về những gì nàng đã viết trong đoạn đầu của lá thư dài bốn trang. Xuyên qua lời lẽ trong thư, anh biết Đan Trầm rất thương con. Có thể nàng thương con nhiều hơn bản thân nàng. Cũng vì vậy mà nàng chịu đựng được cảnh cô đơn mười bảy năm ròng rả để nuôi dưỡng con trai cho đến ngày khôn lớn. Hồi tưởng lại cử chỉ, thái độ của Đan Trầm đối với con, cũng như của Điềm đối với mẹ; anh biết cả hai mẹ con, ngoài tình mẫu tử còn đối xử nhau như bạn vong niên. Điềm có mẹ mà không có cha, còn Đan Trầm có con mà không có chồng; hoàn cảnh đơn độc đó vô hình chung tạo ra sự gần gụi, thân mật và gắn bó hiếm có và hiếm thấy trong những gia đình có đầy đủ cha mẹ và nhiều anh chị em. Dĩ nhiên phần lớn người mẹ nào cũng thương con. Người mẹ nào mà không thương con của mình thì người đó không phải là người mẹ đúng nghĩa mẹ. Riêng Đan Trầm và Điềm còn hơn thế nữa. Cả hai còn tựa nương vào nhau để sống. Con trở thành bạn của mẹ và mẹ đóng vai trò bạn của con, rồi tạo nên một thực thể mẹ-con gắn bó với nhau tựa bóng với người. Suy nghiệm ra điều này, Mặc biết muốn hội nhập vào trong thực thể mẹ-con đó không phải dễ dàng, bởi vì anh phải được Đan Trầm cũng như Điềm chấp nhận, chia xẻ và nhường cho anh một vị thế ngang hàng với hai mẹ con. Tuy nhiên việc đó còn quá sớm để bàn luận một cách chi tiết. Chuyện cần thiết trước nhất là chuyện tình cảm giữa anh với Đan Trầm. Dù chỉ mới quen biết nhau thời gian ngắn, song anh cũng phải tự thú nhận mình rất mến và thích Đan Trầm. Phải nói anh bị nàng cuốn hút. Ai lại không bị thu hút bởi một người đàn bà trẻ đẹp, có học, thông minh và nhiều cá tính. Anh cũng biết dù ít hay nhiều Đan Trầm cũng mến và thích mình, bởi vậy nàng mới chịu khó tìm hiểu về đời tư và sau đó viết thư cho anh. Như vậy anh có nhiều hi vọng để làm cho sự quen biết thêm sâu đậm rồi tiến tới tình yêu. Nếu anh và Đan Trầm yêu nhau thời mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nếu biết anh có ý định lập gia đình với mẹ nó tất nhiên Điềm phải chấp nhận vì thương mẹ. Suy đi tính lại Mặc nghĩ mình không nên vội vàng viết thư trả lời cho Đan Trầm. Phải để cho nàng đợi, nàng chờ. Như thế lá thư của anh mới có giá trị nhiều hơn.