Dịch giả: Trọng Khiêm
Chương 7
Giải pháp bê-tông

     hi Chiến tranh Lạnh được nhắc đến như là một trong những xung đột của những đế quốc lớn, và nước Cộng hoà Dân chủ Đức đã trở thành một lời ghi chú nhỏ trong các sách lịch sử, đất nước của tôi có lẽ sẽ được ghi nhớ là một nước đã dựng một bức tường để giữ chính công dân của mình không cho họ đào thoát. Hình ảnh của Bức tường Berlin không những chia cắt một thành phố lớn mà cả hai ý thức hệ và hai khối quân sự tranh đua nhau vì tương lai của nhân loại, bức tường luôn mãi là biểu tượng hùng hồn nhất của sự chia rẽ hậu chiến của châu Âu và của sự tàn bạo và vô nghĩa của chính cuộc Chiến tranh Lạnh.
Đối với tôi, một người đã sống và làm việc đằng sau bức tường sau khi nó được dựng vào ngày 13-8-1961 và cống hiến sức lực cho nền an ninh và sự phát triển của hệ thống đã xây dựng nên nó, Bức tường luôn luôn là biểu tượng của sức mạnh và sự yếu kém. Chỉ có một hệ thống với sự tin tưởng mãnh liệt vào hệ tư tưởng chỉ đạo mới có thể thu xếp để chia cắt một thành phố và tạo nên một biên giới gần kề giữa hai phần của một nước. Và chỉ có một hệ thống yếu kém và hư hỏng từ căn bản như hệ thống của chúng tôi mới phải làm như vậy trước tiên.
Vì vậy tôi biết trong thâm tâm, nước Cộng hoà Dân chủ Đức đã đến ngày tàn khi, vào đêm ngày 9-11-1989, tôi bật máy truyền hình và nghe tin các công dân CHDC Đức được phép đi lại qua biên giới và thấy đám người đầu tiên đổ dồn về ngã biên giới thình lình được mở ngỏ. Một nước như nước chúng tôi, mà sự sống còn lệ thuộc hoàn toàn vào sự ổn định nội bộ, không thể nào tồn tại với biến cố chấn động này. Làm thể như thực tại đã ngưng động. Bàng hoàng, tôi ngồi với vợ tôi nhìn hình ảnh người Đông và Tây Đức ôm chầm lấy nhau trên vùng đất vô chủ (no man’s land) tại biên giới Berlin. Có vài người đi dép ngủ, làm như họ mộng du trong một đêm quyết định cho định mệnh của nước Đức và của châu Âu trong những năm tới.
Lẽ cố nhiên biên giới chưa bao giờ đóng cửa hoàn toàn. Nó được mở ngỏ cho những du khách Đông Đức thi hành công vụ. Họ là những người đã được rà soát và thích hợp với vai trò “cán bộ du lịch”. Điều này có nghĩa là họ đáng tin cậy về mặt chính trị, họ không có thân nhân ở Tây Đức. Kể từ khi có sự nới lỏng những hạn chế vào thập niên 1970, vào lúc mối giây liên lạc giữa hai nước Đức đã cải thiện, các người về hưu được phép du lịch dựa trên lý luận, tuy là lô-gíc nhưng không thiếu phần cay độc, nếu họ ở lại Tây Đức họ không phương hại đến nền kinh tế của Đông Đức và ngay cả việc từ bỏ tiền hưu trí. Và đương nhiên, các điệp viên của tôi làm việc tại chỗ và các tiếp liên trao đổi thư tín cho những nguồn cung cấp được phép du lịch sang Tây Đức với lý lịch giả.
Những ai có phép đi ra ngước ngoài rất được quần chúng thèm muốn; cơn sốt du lịch lên cao trong một quốc gia không có khách du lịch. Tôi đã du lịch không vì thú vị bản thân như phần đông các sinh viên trung lưu Hoa Kỳ. Mặc dù tôi có mọi đặc quyền, tôi chưa bao giờ viếng thăm Viện bảo tàng Prado, Viện bảo tàng Anh, hoặc Viện Le Louvre. Tất cả chúng tôi sống một cuộc đời thu hẹp, mặc dù cuộc sống của tôi ít hẹp hòi hơn vì công tác gián điệp đưa tôi đến Đông Phi, các vùng hoang dã của Sibir, những bờ biển Hắc Hải, những cánh rừng Thuỵ Điển và sự dịu dàng của vùng nhiệt đới Cuba. Vì được ưu đãi nên tôi có một một căn phòng sinh xắn, một chiếc xe hơi và một tài xế, và được những ngày nghỉ thoải mái qua lời mời của các cơ quan tình báo khác trong khối Đông Âu. Những biệt đãi này luôn liên hệ đến công việc và trách vụ của tôi; xét ra cuối cùng thế giới rộng mở bên ngoài nhưng đối với tôi cũng như khép kín.
Mặc dù bọn chúng tôi không hưởng được sự thoải mái và tinh thần độc lập của một công dân tương đối khá giả của Tây Âu, tôi hoàn toàn cách biệt với những công việc cực nhọc chi phối một công dân thường ở nước tôi. Chúng tôi thụ hưởng từ nhóm Xô viết hệ thống đặc quyền đặc lợi của tầng lớp Nomenklatura. Sự việc khởi sự vào năm 1945, khi các công chức, các khoa học gia và những kẻ hữu dụng cho lý tưởng Cộng sản nhận được một số ít phụ trội về lương thực, mà chúng tôi gọi là payoks, mượn từ tiếng Nga để chỉ phần chia lương thực. Sau đó thành thói quen, như mọi sự việc, và trở thành một định chế dưới danh nghĩa một phân cục gọi là “an ninh cá nhân” và đã đương nhiên trở thành một đội ngũ năm ngàn người. Rồi những đặc quyền của chúng tôi được hợp thức hoá trong hệ thống liên lạc với Bộ Ngoại thương, để đảm bảo các đầy tớ tối cao của quốc gia không bị thu hẹp trong mớ sản phẩm thường là hạng nhì của chính quốc gia mình. Tất cả đều được phân chia tuyệt đối theo thứ bậc. Có những cửa hàng đặc biệt dành những món hàng của phương Tây để cung cấp cho Bộ Chính trị. Sau khi họ đã chọn lựa, phần còn lại được giao cho chúng tôi ở trong những cơ quan tình báo và tại đây các bộ khác và cơ quan thương mại khác nhận phần của mình. Cuộc sống thật là đơn giản và thoải mái cuộc sống. Tôi quá yếu đuối để từ chối những đặc quyền này, và những năm sau tôi thú nhận điều này khi sinh viên hỏi tôi. Họ hài lòng với câu trả lời của tôi, vì họ hiểu những yếu đuối của con người trước những đặc quyền như vậy. Lẽ cố nhiên, nếu tôi không được sủng ái, những thứ này biến mất chỉ trong một đêm.
Ngoài những món ưu ái này và những nơi dừng chân đặc biệt, tôi sống một cuộc đời bàn giấy, kẻ thi hành lệnh của những chủ nhân ông chính trị ại cuộc sống thường ngày để người Đức sinh sống.
Emmi cùng đi với tôi, lần đầu tiên chúng tôi sống chung với nhau như vợ chồng. Đối với cả hai chúng tôi, hành trình trở về quê nhà vừa phấn khởi vừa đau đớn khi chúng tôi nhìn thấy cảnh thảm não và tan nát của các thị xã và thành thị Đức. Chúng tôi cũng đã thoáng nhìn cảnh tàn phá của Warsaw trên đường bay về Berlin. Nó hoàn toàn bị tàn phá, khói nghi ngút bay lên từ những đống gạch vụn như thể trong nhà táng. Phi cơ của chúng tôi là chiếc đầu tiên đáp xuống phi trường Tempelhof vừa mới mở lại; phi trường này ba năm sau đã được dùng làm trạm liên lạc không vận của Đồng minh khi Berlin bị bế môn phong toả. Sự tàn phá của Berlin hầu như toàn diện không ai nghĩ có thể tái thiết lại được.
Vì chúng tôi là những đứa con của Quốc tế Cộng sản, chúng tôi có tinh thần quả quyết rất cao. Chúng tôi muốn gột rửa cho nhân dân vết nhơ quá khứ Quốc Xã và hết lòng tin tưởng vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa chúng tôi được nuôi dưỡng để có thể rửa sạch và tái tạo nước Đức. Tôi không ngờ việc hoà nhập sống chung với những người đã từng tung hô Hitler và Goebbels khó khăn hơn tôi nghĩ. Phần đông hầu như không có khả năng hoặc không muốn hiểu những gì Quốc Xã đã làm với sự trợ giúp của họ hoặc nhân danh họ. Chẳng có mấy ai cảm thấy có tội hoặc có trách nhiệm với những gì đã xảy ra. Emmi có lần nghe trộm một nhóm phụ nữ bàn thảo về báo cáo tội ác chiến tranh của Đức do đài phát thanh do tôi điều khiển loan truyền. Họ nói và dùng những ngôn ngữ của nhóm quốc gia cực đoan Hitler mà họ đã nghe từ mười hai năm nay “Người Đức không bao giờ làm một việc như vậy”.
Dưới nhãn quan của nhiều người Đức và của phần đông thế giới, chúng tôi trở lại từ phía Đông mang theo với chúng tôi một chế độ độc tài khác. Nhưng chúng tôi không tự xem chúng tôi là những người thay thế chế độ độc tài Nâu bằng một chế độ độc tài Đỏ, như Tây Âu sau này vẫn nhìn chúng tôi. Chúng tôi người Cộng sản Đức có lẽ là những người ngoại quốc mù tịt nhất về những tội ác của Stalin, vì chúng tôi đã được Liên Xô cứu khỏi cái chết hoặc tù tội tại Đức. Tất cả những mối nghi ngờ về những gì đang xảy ra bị che lấp bởi những biến cố dưới chế độ hung bạo của Hitler, và tôi không thể nào nhìn thấy hệ thống xã hội chủ nghĩa là một chế độ độc đoán. Đối với tôi và đối với thế hệ Cộng sản chúng tôi, đó là một lực lượng giải phóng. Có thể phương pháp của họ mạnh bạo, nhưng chúng tôi luôn luôn cảm thấy đó thực sự là một lực lượng lương thiện và những cố gắng để thuyết phục tôi phải thay đổi suy nghĩ hầu như vô hiệu.
Nếp suy nghĩ này quyết định não trạng của chúng tôi trong suốt thời gian Chiến tranh Lạnh. Điều này có nghĩa mỗi lần chúng tôi nghe mô tả một hình ảnh không đẹp đẽ của phía chúng tôi, câu hỏi xuất hiện đầu tiên trong đầu óc không phải là “Điều này có đúng không?” mà là “Bọn họ đang tìm cách che đậy gì đây khi họ tố cáo chúng ta điều này?”. Một khi hệ thống phòng thủ trí não đã được hoàn chỉnh, ít lời chỉ trích nào có thể làm suy xuyển nổi tinh thần chúng tôi.
Chúng tôi cũng còn ngây thơ. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người Đức, sau khi bị chấn động vì bại trận, tỏ ra biết ơn được cởi bỏ ách của Hitler và ôm chầm đoàn quân Xô viết như đoàn quân giải phóng. Thực tế có phần hơi khác. Nơi cư xá tôi ở, tôi nghe trộm các người láng giềng cãi cọ xem ai là người sẽ được dời đến những căn phòng rộng rãi và thông thoáng nằm đối diện với căn phố chúng tôi, nơi đây một gia đình Quốc Xã bị trục xuất. Sự sụp đổ của nước Đức, một cường quốc thế giới, đã không huỷ diệt ước vọng của người dân mong muốn có được “Lebensraum” (Không gian sinh tồn) (Lời dịch giả: Thuyết “không gian sinh tồn” được Quốc Xã sử dụng để biện minh cho chính sách bành trướng lãnh thổ của nước Đức).
Tôi cảm thấy đau xót vì vấn nạn này. Tôi tức điên tiết khi tôi nghe người khác kể lại gia đình đòi căn phố này dựa trên chứng cớ họ không là đảng viên của Quốc Xã, nhưng thực ra họ bị ghi trong sổ hộ tịch địa phượng là “những kẻ tố cáo”, họ đã tố giác năm đảng viên cộng sản cho chính quyền.
Làm sao tôi có thể ngu muội trước cảnh mỉa mai của lời kêu gọi của chúng tôi nhằm thiết lập một trật tự nhân bản và yêu chuộng hoà bình? Tôi chỉ có thể trả lời là một phần con người của tôi trải qua những năm tháng tại Liên Xô đã trở thành nửa Nga và nhìn nhận phần nảo khát vọng trả thù vì những kinh hoàng mà Quốc Xã đã gieo rắc. Tôi thiết nghĩ sau một cuộc tháo chạy tán loạn như vậy khát vọng trả thù sẽ lắng dịu và sau đó chúng tôi có thể xây dựng mối liên hệ Đức Nga, không chút tham vọng chế ngự lẫn nhau.
Một vài ngày sau khi chúng tôi đến, chúng tôi được lệnh trình diện Ulbricht từng người một. Ngắn gọn, ông vạch rõ vai trò hành chính của chúng tôi trong vùng kiểm soát của Liên Xô. Tôi được chuyển sang Đài phát thanh Berlin làm biên tập viên; đây là một công thự đồ sộ tại Charlottenburg, nằm trong vùng kiểm soát của Anh, trước đây là Đài phát thanh của Josef Goebbels nay rơi vào tay của quân đội Xô viết. Lúc đầu tôi cự nự lệnh của Ulbricht, vì tôi được huấn luyện để trở thành kỹ sư hàng không và tôi không biết gì nhiều về kỹ thuật xách động - mặc dù khi tôi còn nhỏ tôi sống trong khung cảnh đó, nhưng đây là một chương tình huấn luyện để chống lại chủ thuyết Quốc Xã. Khi tôi hỏi ông Ulbricht đến khi nào tôi được phép hoàn tất học vấn về hàng không tại Moscow, ông quát mắng “Anh thi hành công tác của anh đi. Chúng ta có nhiều việc phải lo toan hơn là làm tàu bay”. Mặc dù lo sợ lúc ban đầu, nhưng khi tôi làm phóng sự và bình giải chính sách ngoại giao (với bí danh là “Michael Storm”) tôi cảm thấy công việc hấp dẫn. Nằm xa khu vực kiểm soát Xô viết, ngay trong khu vực Anh, đài phát thanh của chúng tôi đúng là tiền đồn trong cuộc Chiến tranh Lạnh bắt đầu khởi sự. Khoảng cách giữa Bộ tham mưu Đảng tại Berlin với nơi chúng tôi làm việc cho phép chúng tôi hoạt động có ít nhiều phần độc lập. Tôi có một tập nhỏ do Ulbricht viết khi còn ở Moscow chỉ thị đường hướng của Đảng và nhấn mạnh công cuộc đấu tranh chung chống phát-xít, nhưng, trong thu khác nhau: Một điệp viên có thể trình bày là y bị bắt tại trận man khai quá khứ đảng viên Đảng Quốc Xã hoặc tố chức Waffen SS, hoặc y tỏ ý phê bình nét xấu của những chính sách của chính phủ. Chúng tôi đi xa hơn nữa cài đặt “những vết nhơ” trong lý lịch cá nhân của các điệp viên trong hồ sơ các bộ để tăng cường độ khả tín nếu phản gián Tây Đức bằng phương cách nào đó lấy được hồ sơ của họ.
Chúng tôi tránh kết nạp vào cơ sở chúng tôi những người có thân nhân bên Tây Đức, vì tôi nghĩ rằng những cơ quan tình báo phương Tây có thể dễ dàng xâm nhập cơ quan chúng tôi - như chúng tôi đã xâm nhập họ - qua liên hệ và áp lực gia đình.
Mỗi một người chúng tôi gửi đi đều có một công tác nhất định và mỗi một điệp viên được huấn luyện bởi một đội trách nhiệm về công tác này. Chúng tôi giới hạn việc huấn luyện trong những nguyên tắc sơ đẳng về tình báo và phương cách thu thập những tin tức mà chúng tôi muốn. Việc huấn luyện những điệp viên về những vấn đề và phương thức không liên quan đến công tác của họ xét ra không cần thiết; trên một phương diện nào đó, điều này có thể khiến cho công tác của họ nguy hiểm hơn vì công tác của họ sẽ trở nên phức tạp hơn một cách không cần thiết. Trong một vài trường hợp chúng tôi triệu hồi điệp viên từ Tây Đức và đưa họ trở về Đông Đức để huấn luyện bổ túc khi có thời cơ thuận tiện.
Sự kiện chúng tôi gửi điệp viên sang Tây Đức, một nước có cùng ngôn ngữ và văn hoá, rõ ràng là một điểm lợi. Quả nhiên, việc đưa người của Liên Xô xâm nhập Hoa Kỳ và ngược lại là một việc khó khăn hơn nhiều. Khi cả hai nước Đức trưởng thành theo hai chiều chương khác nhau, công tác xâm nhập trở nên khó khăn hơn, và việc xây cất Bức tường Berlin hạn chế hẳn làn sóng di dân trong đó chúng tôi cài điệp viên. Điều này có nghĩa là lý lịch nguỵ tạo phải tinh vi hơn. Nhưng vào thời điểm này Tây Đức vẫn lép vế hơn, vì việc di dân từ Tây sang Đông rất hiếm và bị quan sát kỹ lưỡng. Mặt khác, Tây Đức không có nhu cầu gửi người đi: Họ có thể mua chuộc người trong đám đông công dân bất mãn tại Đông Đức chúng tôi.
Để khắc phục những khó khăn hành chính trong việc định cư tại Tây Đức, phần đông điệp viên của chúng tôi thường bắt đầu công tác bằng cách trải qua một thời gian lao động chân tay đơn sơ. Vì lý do này, chúng tôi thường chọn các thí sinh có tay nghề khéo léo và có kính nghiệm thực tiễn trong một ngành nghề. Tuy nhiên, không phải ai cũng đi qua nẻo đường này. Như đã đề cập trước đây, hầu hết các khoa học gia và sinh viên ngành khoa học di cư vào thời đó đều kiếm được việc tại các hãng hoặc cơ sở nghiên cứu mà chúng tôi chú ý. Chúng tôi cũng thâu thập tin tức qua các mối liên lạc không chính thức với các khoa học gia Tây Đức. Nhiều người cảm thấy bồn chồn về hiểm hoạ hạt nhân, vũ khi sinh trùng và hoá học. Họ bị chấn động mạnh vì hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, họ cung cấp cho các điệp viên chúng tôi rất nhiều cơ hội và đề tài để bàn thảo.
Có một vài người của chúng tôi xâm nhập vào các khu vực có những nguyên tắc bảo mật khắt khe. Những người khác vào được những vị trí lãnh đạo, lương bổng cao trong các tổ chức xí nghiệp. Nhưng việc xâm nhập vào thâm cung của các trung tâm quân sự và chính trị tại Bonn, nơi những quyết định lớn được thực hiện, khó hơn nhiều.
***
Sau những cuộc nổi dậy năm 1953, cuộc họp thượng đỉnh của các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của phía Đồng minh năm sau đó là một mối quan tâm bức xúc nhất của chúng tôi. Đây là lần đầu tiên một biến cố như vậy diễn ra trước ngưỡng cửa chúng tôi và tôi không rõ tôi phải có những hoạt động tình báo nào. Như thường lệ, ông bạn Xô viết yêu cầu chúng tôi có một kế hoạch hành động chính xác. Trong tinh thần ước vọng hơn là trông chờ, tôi cố gắng chuẩn bị một kế hoạch nhằm tạo nên nhu câu bức thiết để có được tin tức phẩm chất cao từ các nhân viên của tôi.
Moscow phái một cố vấn đặc biệt đến để xem xét bản sơ đồ lớn nằm trên bàn của tôi và, giống như một anh thợ phát giác một lỗ hở trong máy, y nói: “Lẽ cố nhiên, quý vị cần có một “malina” trong thời gian công tác này”. Tôi đâm ra bối rối. Malina theo tiếng Nga có nghĩa là “quả mâm xôi”, nhưng chắc chắn ông bạn KGB không nói về trái cây ăn tráng miệng. Hoá ra đương sự dùng tiếng lóng để chỉ động chị em ta, nơi đây các nhân viên của chúng tôi quyến rũ các viên chức lạc lối từ hội nghị ra trút bớt gánh nặng vào nơi có chút xa hoa.
Việc này diễn ra hàng mấy năm trước khi tôi khai triển chiến lược sử dụng tình dục trong nghề điệp báo, nhưng tôi không muốn để lộ cho ông bạn đồng nghiệp Nga biết là tôi quá ngây ngô. Chúng tôi cấp tốc biến một căn nhà nhỏ mà chúng tôi đôi khi dùng ở phía nam ngoại ô Đông Berlin thành vừa là nhà chứa và là trung tâm gài bẫy với đầy dụng cụ nghe lén và máy quay phim có đèn hồng ngoại tuyến, giấu trong phòng ngủ có ánh sáng thích hợp. Ngày nay những dụng cụ này tỏ vẻ rất thô sơ, chính vì vậy các nhiếp ảnh viên phải luồn lách trong tủ quần áo nhỏ và đứng chờ cho đến khi đối tượng họ quan sát ra đi.
Vấn đề kế tiếp là kiếm các giai nhân. Chúng tôi tiếp xúc một ông cảnh sát cao niên đã từng chỉ huy đội tuần tra thuần phong mỹ tục tại Berlin. (Điều ngộ nghĩnh, việc kiểm soát mãi dâm và hình ảnh khiêu dâm được cả hai bên Đông và Tây cùng thực hiện giữa những năm 1945 và 1949). Ông đi mòn giầy cao su biết hết những nơi hành nghề của chị em ta và những nơi họ trú ngụ vì nay cái nghề xưa nhất trái đất đã đi vào bóng tối trong một xã hội mới trong sạch của chúng tôi. Nhưng không may, ông dẫn chúng tôi đến khu Mulackstrasse, một khu từ xưa đến nay luôn biểu tượng cho thị trường buôn bán da thịt hạ cấp nhất Berlin. Cấp trên của tôi lúc đó, đã từng trải cuộc đời trong nghề điệp báo mặc dù điềm nhiên trước những sự kiện này, điện thoại cho tôi với giọng nhăn nhó: “Anh không thể nào đặt chân đến những nơi như vậy cho dù chỉ tốn một DM”.
Đi ngược lại với chủ thuyết, chúng tôi hành động theo bản năng của một xí nghiệp tự do. Tại một quán bán sữa trên đại lộ Karl Marx chúng tôi kiếm ra được nhiều cô gái hấp dẫn, mặc dù sống cuộc đời đáng kính ban ngày, chấp nhận sống một cuộc đời kém trang trọng hơn về đêm nhân danh Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Kế hoạch dự tính gửi một đám điệp viên của chúng tôi đến trung tâm báo chí tại Tây Berlin và các quán ăn, quán rượu nằm xung quanh những nơi hội họp của các Bộ trưởng ngoại giao. Họ có công tác mời mọc các viên chức và cố vấn đến giải khát và, nếu tình hình có vẻ khả quan, đưa họ đến tham gia một “nhóm nhỏ” tại căn “malina”, nơi đây bảo đảm có sự hiện diện của phái nữ.
Sự việc diễn tiến êm xuôi. Nhưng vào giữa đêm, điện thoại của tôi reo vì xảy ra một “biến chuyển bất ngờ”. Bà Tám yêu cầu kiểm soát vệ sinh kỹ lưỡng và khám phá một trong những cô nàng không lấy gì làm cảnh vẻ cho lắm. Cô ta có rận. Tôi ra lệnh rút cô ta ra khỏi nhóm công tác.
Cuộc họp bắt đầu, đội công tác chúng tôi trông chờ hành động, nhưng không thấy xuất hiện một anh bạn nào cả. Nhân viên tháp tùng năm nay hình như đạo đức một cách bất thường, vì người duy nhất lọt bẫy, lại vào đêm cuối, là một ký giả Tây Đức. Nước và thức ăn khai vị được trưng bày thịnh soạn, các giai nhân đứng vào vị trí của mình. Nhưng trong lúc cao hứng, nhân viên trách nhiệm của chúng tôi đêm đó uống nhầm ly rượu chứa thuốc cường dương dành cho khách. Để kết thúc đẹp, có chiếu phim khiêu dâm. Lẽ cố nhiên những loại phim này bị cấm tại Đông Đức, nhưng cũng được ông cựu cấp chỉ huy đội tuần tra thuần phong trình chiếu mỗi khi có dịp cần đến. Trong khi người của chúng tôi không phút nào rời đoạn phim, con mồi chúng tôi không hề chú ý một chút nào đến màn ảnh hoặc các cô gái và rút lui vào trong bếp để nói chuyện gẫu với cô gia nhân.
Ngày hôm sau, anh ký giả là người duy nhất có đầu óc tỉnh táo. Anh ta hiểu chò trơi và nói sẵn sàng làm việc cho chúng tôi. Đây cũng là một loại chiến thắng, nhưng quá bất xứng với công lao bỏ ra. Chúng tôi trả lương các cô chiêu đãi thất vọng và mời họ về với chỉ thị họ triệt để không được bàn tán về vở kịch hỏng này.
Sau đó sự vụ này tiếp diễn một cách kỳ lạ. Khi chúng tôi gửi điệp viên đến gặp anh ký giả, một người bạn đồng nghiệp đến thay anh ta, tên là Heinz Losecaat van Nouhuys, tự nhân làm việc tờ tuần bán danh tiếng Tây Đức Der Spiegel. Hoặc giả họ tự dàn xếp cuộc trao đổi hoặc việc này do phản gián Tây Đức tổ chức, tôi chẳng bao giờ đoán ra sự thật. Nhưng ông van Nouhuys tỏ ra là một điệp có tinh thần cộng tác cao độ. Mặc dù tôi nghi ngờ lời nói của ông cho rằng những tin tức của ông lấy từ các Bộ ra, tin tức ông cung cấp cho chúng tôi năm này qua tháng nọ ăn khớp với những báo cáo khác. Sau đó ông vào ban biên tập của tờ Quick. Tờ tuần báo cánh hữu rất phổ biến này chống Đông Đức mãnh liệt, nhưng nơi đây ông vẫn tiếp tục làm việc cho chúng tôi.
Chúng tôi bắt đầu sử dụng hội chợ thương mại Leipzig để bắt liên lạc với giới thương gia và qua họ bắt mối liên hệ với các chính trị gia bảo thủ và các khuôn mặt nổi bật có lòng tin trong việc công tác với Đông Đức, họ bằng cách này hay cách nọ muốn duy trì không cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa hai mảnh nước Đức. Các giao ước thương mại Đông Tây tại đây phải tuân thủ lệnh cấm vận của phương Tây trên những mặt hàng có tính chiến lược, ví dụ như những vật liệu căn bản như ống thép. Những hạn chế này khiến các thương gia phải lập nên những mối liên lạc đáng tin cậy và gian xếp các giao dịch kinh doanh bất hợp pháp, và một bộ phận của Uỷ ban Trung ương Đảng phụ trách về thượng lượng đút lót, cho dù sau này chúng tôi đảm nhiệm công việc này. Tôi thường hay đi Leipzig đóng vai trò nghiêm trang của một viên chức cao cấp thương mại hoặc một đại diện của Hội đồng Bộ trưởng.
Nhờ vậy tôi gặp Christian Steinrücke, người liên quan đến việc buôn bán thép tại Tây Đức. Steinrücke giao hảo với các kỹ nghệ gia lớn như Otto Wolff von Amerongen, gia đình ông quản trị một công ty thép tiên phong giao thương với Liên Xô vào đầu những thập niên 1920 và giúp xây dựng đường xe hoả Mãn Châu. Một hôm ngồi ăn tối với Steinrücke, tôi nói với ông tôi là một vị tướng trong Bộ Nội vụ Đông Đức, và từ đó chúng tôi tâm đầu ý hợp. Sáng hôm sau, tại một buổi họp kín của Liên đoàn Sắt và Thép Tây Đức, ông giới thiệu tôi là đồng nghiệp của ông ta cho vị giám đốc, ông Ernst Wolf Mommsen. Nhờ sự bảo trợ của Steinrücke, không một ai trong nhóm tinh anh kín đáo này để ý đến sự hiện diện của tôi, nói gì đến chú ý đến tôi. Steinrücke có vợ thuộc gia đình Wehrhahn, một trong những gia đình thế lực nhất của tư bản Đức. Anh của cô vợ là rể của Adenauer - tai tôi rung động vui mừng khi tôi nghe điều này - và hơn thế nữa, chị dâu của cô vợ là cháu của Hồng Y Frings, gương mặt kỳ cựu của giáo hội Công giáo Tây Đức.
Mối liên lạc của chúng tôi kéo dài nhiều năm. Để duy trì mối hữu nghị này, đôi khi tôi mời Steinrücke đến dùng cơm tối với tôi và nguỵ tạo một gia đình thứ hai. Tôi chọn một biệt thự tại Rauchfangwerder và một cô xướng ngôn viên xinh xắn tại đài truyền hình Đông Đức để làm vợ. Hình con cái của cô ta được treo trên tường mỗi khi Steinrücke ghé thăm tôi. Khi vấn đề buôn bán vũ khí trở nên phức tạp hơn, những cuộc đối thoại với đương sự càng lúc trở nên hữu ích, và đến khoảng giữa thập niên 1970 ông là cố vấn của Lockheed Corporation với nhiều mối liên hệ với cấp lãnh đạo của Không quân Tây Đức và quan hệ với những sinh hoạt của Franz-Josef Strauss, lãnh tụ chính trị vùng Bavaria đồng thời là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tây Đức. Tôi chưa hề đề nghị hoặc mời ông làm việc cho chúng tôi, mặc dù ông cũng đoán được vai trò nếu không muốn nói đến tên tuổi đích thực của tôi. Mối liên lạc giữa chúng tôi bất đắc dĩ chấm dứt vì tôi cắt đứt do sự hiện diện của người bạn Steinrücke, bác sĩ Walter Bauer.
Bauer tỏ ra vẻ là một thương gia khiêm tốn buôn bán mỡ của Tây Đức để đổi lấy nỉ của Đông Đức trong vùng Lausitz của Đông Đức. Điều này không phù hợp với tài sản Bauer đương có. Mối nghi ngờ của chúng tôi không sai. Vào khoảng trước năm 1945, ông giữ một chức vụ cao trong tổ hợp kỹ nghệ Flick, sở hữu tiền chiến của mỏ than phát đạt của vùng Lausitz. Hình ảnh của một thương gia tầm thường và tồi tàn của ông phản nghịch với bức hình chụp chúng tôi tìm thấy ông ta đứng cạnh Konrad Adenauer trong một hội nghị Công giáo. Chúng tôi tình nghi nhiệm vụ chính của ông là giúp chủ nhân của ông có chân đứng tại Đông Đức nhân danh các kỹ nghệ gia lớn trông chờ ngày thống nhất đất nước Đức. Theo đạo luật hình sự của chúng tôi, công tác của ông bị kết tội gián điệp lẫn hoạt động phản động. Điều này cho tôi lý cớ để đưa Bauer vào tròng, tôi nghĩ như vậy.
Tôi biết ông cũng là cộng sự viên thân cận với một người tên Hans Bern Gisevius, người đã từng trong Chiến tranh thế giới II là giao liên giữa kháng chiến trung lưu Đức và OSS (Office of Strategic Services), tiền thân của CIA. Trang bị với dữ liệu này, tôi quyết định tấn công trực diện với Bauer. Chúng tôi gặp nhau tại Johannishof, khách sạn dành cho khách của chính phủ tại Đông Berlin. Trái với hình ảnh của một công tác viên nhã nhạn và phóng khoáng, Bauer là một người tròn trịa khoác một bộ quần áo cũ kỹ.
Steinrücke, có vẻ thích thú với vai trò trung gian mới này, cho y biết tôi là một viên chức cao cấp trong Bộ Nội vụ đặc trách về những vấn đề kinh tế. Chúng tôi nói chuyện hàng tiếng đồng hồ và tôi dùng hết lá bài này sang lá bài khác nhưng không có kết quả. Bauer luôn có câu giải đáp hoặc lời giải thích cho những gì y làm và y không tỏ vẻ lo sợ hoặc do dự khi bị áp lực, kể cả lúc tôi báo cho y tôi biết những đường giây liên lạc của y với Hoa Kỳ. Đây là lá bài tẩy của tôi nhưng tôi đã thất bại một cách thảm não.
Một thương gia chính tông hoá ra là một tay hoạt động điêu luyện, quá cứng rắn để một sĩ quan trẻ hc. Hình ảnh không thể xoá nhoà hoàn toàn này có thể có ích cho tôi, vì điều này luôn nhắc nhở tôi hấp lực của kẻ độc tài vẫn quan trọng và mạnh mẽ, vẫn tồn tại ngay cả sau khi những bất công y gây ra đã được phơi bày.
Ấn tượng sống động nhất trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi tại Toà đại sứ là buổi tiếp tân khoản đãi lãnh đạo Trung Quốc ông Mao Trạch Đông tại đại sảnh tròn của khách sạn Metropol vào tháng 2-1950. Tôi đang đứng lưng quay ra cửa ra vào, thình lình tôi nghe tiếng xôn xao trong phòng. Quay trở ra, tôi thấy Josef Vissarionovich Stalin đứng cách tôi vài thước. Ông mang bộ Litevka nổi tiếng với cổ áo may cao. Ông không đeo một huy hiệu hoặc huy chương nào cả. Với vóc dáng thấp bé và tròn trịa lạ lùng, ông có đầu hói bóng lưỡng. Những chi tiết này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh của Vozhd, “Vị lãnh tụ vĩ đại”, được nuôi dưỡng trên phim ảnh và trình diễn trên những bức chân dung. Tôi choáng váng trước tiên vì thất vọng nhưng sau đó vì hãnh diện. “Thì ra ông cũng như một người bình thường”, tôi nghĩ. “Tất cả những câu chuyện để tôn vinh cá nhân ông đã được thêu dệt nhưng ông không được biết đến”.
Với tư cách là Tham vụ Ngoại giao, tôi thay mặt cho Đại sứ vào dịp này, ngồi đối diện với nơi các cấp lãnh đạo của cả hai phái đoàn nâng chén chúc mừng nhau. Trong khi Chu Ân Lai, Bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc và đồng nghiệp Xô viết, ông Andrei Vishinsky trò chuyện với nhau, Stalin mồi hết điếu thuốc nọ đến hết điếu thuốc kia, điếu thuốc nặng mùi mang hiệu Herzegovina Flor (một loại thuốc lá Nga dài đặc biệt quấn giấy papyrosi mà ông ưa thích). Sau đó ông đọc nhiều bài diễn văn chào mừng theo kiểu của ông. Trong một bài, ông ca ngợi tính khiêm nhường và tinh thần đoàn kết của cấp lãnh đạo Trung Quốc. Rồi, với vẻ đầy hăm doạ, ông nâng chén chúc mừng nhân dân Nam Tư, mà ông hy vọng một ngày gần đây lấy lại chỗ đứng của mình trong gia đình các nước Xã hội chủ nghĩa. Chỉ cách đó hai năm trước đây, Nam Tư đã bị khai trừ đưa vào bóng tối do lệnh của Stalin, sau khi lãnh tụ Nam Tư đầy hấp lực Josip Broz Tito đã từ chối khép mình theo phong hoá tôn vinh cá nhân lãnh tụ của điện Kreml và yêu cầu được thêm phần tự trị nhiều hơn nữa trong việc cai quản quốc gia Balkan đa chủng trong khi Moscow không muốn như vậy. Chúng tôi, tại các nước trung thành với đường lối của Xô viết, nhìn nước Nam Tư với lòng sợ hại và kinh ngạc lẫn lộn là Tito đã cả gan thách thức ý nguyện của Stalin.
Chúng tôi nuốt từng lời của các vị lãnh đạo Xô viết một cách kính cẩn. Đối với tôi, cũng như đối với tất cả các quan khách có mặt trong buổi tiếp tân, Stalin và Mao không phải là những người phàm tục. Họ là đền đài của lịch sử. Tôi không hề nghĩ đến viễn tượng Trung Hoa - Xô viết sẽ rạn nứt, nhưng tôi nhớ rõ một điều đáng chú ý họ Mao không hề nói một câu nào suốt đêm đó. Tôi tự hỏi có phải đây là chỉ dấu tinh thần hội nhập nổi tiếng của người Trung Hoa.
Không phải tất cả biến cố trong hai năm trong ngành ngoại giao đều để lại ấn tượng mạnh mẽ trong trí óc của tôi. Trong một cuộc tiếp tân kỷ niệm hai năm thành lập nước Đông Đức, việc tranh chấp không liên quan gì đến vấn đề rạn nứt trong liên minh hoặc về một quốc gia Cộng sản phản động, nhưng lại liên quan đến y phục phải mặc hôm đó. Như thường lệ, các nhân viên ngoại giao trẻ bàn luận với ông trưởng phái đoàn, vị này muốn chúng tôi mặc y phục tiếp tân ban ngày áo đuôi tôm để đánh dấu vẻ trọng thể của ngày lễ. Vì không có áo đuôi tôm, chúng tôi chọn y phục thượng khách. Cuối cùng chúng tôi đi đến thoả thuận mặc y phục thực khách mầu đậm với cà-vạt đen. Tuy nhiên vào thời buổi đó chỉ có những nước xã hội chủ nghĩa công nhận nước Cộng hoà Dân chủ Đức, và đa số, họ phủ nhận cà-vạt đen cho rằng đó là trang sức của bọn tiểu tư sản. Với tất cả danh tiếng sau này của chúng tôi là nô bộc Cộng sản ngoan ngoãn nghe lệnh, nước Cộng hoà Dân chủ Đức rõ ràng vẫn mang ấn dấu của quá khứ Phổ trong những năm phôi thai. Chúng tôi bối rối cực độ vì những người duy nhất tham dự mặc y phục như chúng tôi là những người hầu bàn. Khi ông Nikolai Krutitsky, Giám mục Chính thống giáo Kinh Thành của tất cả tín đồ Nga, đứng dậy để từ giã và tôi xã giao tiễn ông đến phòng mắc áo, ông lục lọi một lúc trong áo choàng nặng nề của ông để rồi móc ra ba rúp và trao cho tôi một cách trịnh trọng để làm quà.

*

Tháng 8-1951, tôi nhận văn thư khẩn cấp kêu tôi trở về Đông Berlin để gặp Anton Ackermann - tên thật là Eugen Hanisch - Bộ trưởng ngoại giao Đông Đức và cũng là một chiến lược gia lãnh đạo trong Bộ Chính trị. Ông chào đón tôi tại Bộ Ngoại giao ban sáng, thăm hỏi sức khỏe của tôi và dặn tôi sau bữa ăn trưa cùng ngày đến một căn phòng nào đó trong dinh thự vĩ đại của Trung ương Đảng. Tôi cảm thấy có gì bí mật - cho đến khi đến nơi gặp gỡ để rồi cũng gặp lại đồng chí Ackermann ngồi đằng sau một chiếc bàn khác, lần này trong chức vụ Uỷ viên Trung ương Đảng. Cái trò vô lý này bày ra là do Ackermann nhất quyết bảo mật và thực thi phân cách quyền hành giữa Đảng và Nhà nước, trên thực tế tỏ ra kịch cỡm.
Ackermann đã được giao phó công tác thành lập một cơ quan tình báo chính trị, và tôi được chỉ định để làm việc này, chia sẻ trách nhiệm để “soi sáng quốc gia tân lập”. Nói trắng ra, tôi trở thành gián điệp. Đây một lần nữa là một mệnh lệnh, và theo thói thường lúc đó, tôi chẳng thắc mắc gì hoặc thậm chí suy gẫm về quyết định này có ảnh hưởng gì đến cuộc đời của tôi. Đảng đã cho tôi đi học trường Quốc tế Cộng sản. Đảng đã chỉ định tôi đi đến Moscow và đến trạm vô tuyên truyền thanh tại Berlin. Đảng đã phái tôi đi đến Moscow để làm nhân viên ngoại giao. Nếu Đảng nghĩ rằng tôi hữu ích trong ngành tình báo, tôi cũng tuân lệnh. Tôi hãnh diện vì cấp lãnh đạo đã tin tưởng giao phó cho tôi công tác mật. Tinh thần kỷ luật mù quáng là một điều khó hiểu nhất đối với các quan sát viên phương Tây tìm hiểu hệ thống của chúng tôi, nhưng nếu không hiểu được mãnh lực của Đảng trên tinh thần chúng tôi và phương pháp họ chỉ định công tác cho thế hệ Cộng sản chúng tôi, thì không thể nào hiểu nổi, chưa nói đến phán đoán về cuộc sống của chúng tôi.
Ngày 16 tháng 8-1951, tôi bắt đầu làm việc tại một cơ sở hoàn toàn mới Viện nghiên cứu khoa học kinh tế, một tên nguỵ trang cho cao ốc nơi làm việc của hệ thống tình báo phôi thai của Đông Đức. Sự nghiệp mới của tôi bắt đầu với cuộc diện kiến với Richard Stahlmann trên một chuyến xe limusine Tatra to lớn có tám xy-lanh, rất sang trọng vào thời đó. Stahlman, mang trách vụ thiết lập công tác cho chúng tôi, là một nhà cách mạng chuyên nghiệp và tôi kính phục tác phong đường bệ của ông. Tên thật của ông là Artur Illner, nhưng vì ông công tác quá lâu trong thế giới bí mật Cộng sản nên mọi người, kể cả vợ ông, dùng bí danh của ông như tên thật của ông. Ông là thành viên của Đảng cộng sản Đức từ năm 1918 và ông trở thành uỷ viên trong “Hội đồng quân sự” của Đảng năm 1923. Như mọi thành viên cựu trào, ông ít khi nói về quá khứ với quá nhiều bí ẩn. Tuy nhiên ông chia sẻ với tôi những mẩu chuyện về những công tác của ông tại Liên Xô, Anh, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Thuỵ Điển và Hoa Kỳ. Ông nhận lãnh tước hiệu bất hủ “Richard Kháng chiến quân” trong cuộc nội chiến tai Tây Ban Nha và ông là bạn thân tín của Goergy Dimitrov, đảng viên cộng sản Bulgari bị Quốc Xã tố cáo âm mưu đốt toà nhà Quốc hội. Stalhmann đi cùng với Dimitrov khi mật vụ Gestapo đến bắt Dimitrov, nhưng cả hai đều giữ bình tĩnh, mặc dù bị bắt và bị hạch hỏi một cách thô bạo. Sau này nhắc đến Stalhmann, Dimitrov luôn gọi ông “con ngựa tốt nhất trong chuồng”, một tước hiệu giúp ông thăng tiến trong giới lãnh đạo Đông Đức mới. Ông là người đầu tiên được tham khảo trong mọi vấn đề, và mỗi khi có trở ngại trong việc thiết lập hệ thống tình báo, ông đến gặp Thủ tướng Otto Grotewohl tại tư gia và các vấn đề được nhanh chóng giải quyết. Thường các vấn đề liên quan đến tiền bạc và nguồn tài trợ. Chúng tôi đói khát tiền bạc trong những năm đầu, và tiền mặt phải đợi đến cả tháng để đi qua các cửa ngõ công quyền. Đôi khi Stalhmann đến gặp bộ trưởng tài chính và trở về với cặp sách tay chứa đầy ghi chú. Khi Tiệp Khắc có nhã ý tặng hai mươi bốn chiếc xe Tatra cho chính quyền Đông Đức, Stahlmann đã khéo léo chuyển nửa số xe sang cơ quan còn nhỏ bé của chúng tôi, nhờ vậy khi chúng tôi hoạt động ngoài phạm vi của cơ sở chật hẹp của chúng tôi, chúng tôi có thể di chuyển trong một tư thế sang trọng. Stahlmann hiểu rõ những tiểu tiết này giúp nâng cao vị thế của cơ quan đối với chính phủ, và những cơ quan nào cố gắng hoạt động trong vòng eo hẹp thường gây chú ý hay bị cắt giảm ngân sách.
Lần đầu chúng tôi gặp gỡ tại Bohnsdorf, một ngoại ô phía đông nam Berlin. Chẳng ai nhớ rõ ngày họp mặt, và chúng tôi cũng chẳng ghi sổ sách, vì vậy chúng tôi chọn ngày 1 tháng 9 năm 1951 là ngày thành lập cơ quan tình báo. Ngay sau đó chúng tôi dời cơ quan đến một ngôi trường cũ trong khu vực Pankow của Đông Berlin, sát cạnh khu bảo vệ nơi các cấp lãnh đạo Đảng và nhà nước cư ngụ - một dấu hiệu chứng tỏ chúng tôi được nể trọng.
Lúc ban đầu chúng tôi chỉ có tám người và bốn cố vấn Xô viết, trong số đó có một nhân viên điệp báo NKVD lão thành tự xưng mình là “Đồng chí Grauer”. Andrei Grauer đã từng là sĩ quan tình báo của đại sứ quán Liên Xô tại Stockholm. Ông giàu kinh nghiệm hoạt động và chúng tôi chăm chú và thán phục nghe những thành tích phát hiện điệp viên nằm vùng, xâm nhập cơ quan và các nhân viên anh dũng. Chúng tôi học hỏi nơi ông cách xây dựng hạ tầng cơ sở tình báo, biết phân nhiệm và tìm đánh vào điểm yếu của địch thủ. Than ôi, sự nghiệp của ông kết thúc một cách thảm não vài năm sau đó. Ông càng lúc càng trở nên đố kỵ vì ông méo mó nghề nghiệp trong môi trường sinh hoạt thời Liên Xô của Stalin. Ông và Ackermann, người lãnh đạo chính thức cơ quan tình báo, trở thành những kẻ thù gay gắt, và Grauer luôn ám ảnh nghi ngờ Ackermann. Một thời gian sau Grauer bị triệu hồi về Moscow. Sau này tôi nghe các bạn trong ngành tình báo Xô viết xấu hổ thú nhận ông bị bệnh tâm thần bách hại cuồng, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Tinh thần cảnh giác cao độ của ông trước đây khiến ông trở nên một sĩ quan tình báo tinh nhuệ nay đã lôi kéo ông đi.
Trong nội bộ chính quyền và đảng, tên nguỵ trang của cơ quan của chúng tôi là Tổng Cục nghiên cứu kinh tế và khoa học (Hauptverwaltung für Wirtchafts-Wissenschaftliche Forschung). Danh xưng này chẳng có gì là bí mật, vì ngay cụm từ “Tổng cục” nhắc nhở cho mọi người biết những biệt môn của Pervoye Glavnoye Upravleniye, “Tổng Cục Một” của KGB, phụ trách về các công tác gián điệp. Năm 1956, cơ quan tình báo hải ngoại được đặt tên là Die Hauptverwaltung Aufklärung - gọi tắt là HVA - có thể dịch là “Tổng Cục tình báo”.
Các cố vấn Xô viết của chúng tôi giữ một vai trò lớn, có thể nói là bao trùm. Lúc đầu các cấp lãnh đạo ngành của chúng tôi soạn thảo tất cả kế hoạch dưới sự kiểm soát của các cố vấn. Các vị này nhất mực theo phương pháp cực kỳ hành chính của Xô viết, làm cho chúng tôi phải điên đầu. Ngoài việc sao chép các điều lệ và các giấy tờ khác bằng tay, chúng tôi phải mất hàng giờ đóng chúng gọn ghẽ thành tập, một thủ tục du nhập của công an mật vụ Nga Hoàng trước thời Cách mạng. Không ai hiểu nguyên uỷ của thủ tục này, nhưng cũng chẳng có ai đặt câu hỏi thắc mắc.
Cơ cấu tổ chức của cơ quan chúng tôi phản ánh trung thực mẫu mực Xô viết. Những ngôn từ trong đường hướng chỉ đạo để lộ nét phiên dịch từ tiếng Nga và vạch rõ những mục tiêu công tác tương lai của chúng tôi. Đó là thu thập tình báo chính trị của nước Tây Đức và Tây Berlin; tình báo khoa học và kỹ thuật trong lãnh vực vũ khí hạt nhân và hệ thống phân phối, về năng lượng hạt nhân, hoá học, thiết kế điện lực và điện tử, hàng không và vũ khí quy ước, và sau cùng nhưng không phải là cuối cùng, tinh báo về các đồng minh Tây Âu và những tính toán của họ đối với nước Đức và Berlin.
Một chi nhánh nhỏ, độc lập của Tổng Cục tình báo, gọi là “phản gián” (Abwehr) được thành lập để giám sát và xâm nhập các cơ quan tình báo Tây Âu; nhưng nó xung đột trực tiếp với Bộ An ninh quốc gia, vì bộ này cũng có một bộ phận giám sát tinh vi hơn. Ngay cả khi chúng tôi sát nhập vào Bộ này năm 1953, cuộc xung đột vẫn tiếp diễn và phản gián vẫn nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Bộ. Những cuộc chiến hành chính này khiến cho những tin tức bức thiết liên quan đến những công tác trong ngay nội bộ của chúng tôi không đến tay chúng tôi, đặc biệt những năm sau này khi các nhân viên phản gián bắt đầu làm việc với bọn khủng bố hải ngoại.
Người ta thường hỏi tại sao Moscow lại thành lập một cơ quan do người Đức chúng tôi điểu khiển để tranh đua với họ. Nhưng Stalin nhận định chính xác nước Đức thời hậu chiến sẽ là một khu vực các cơ quan Nga khó mà xâm nhập, và một cơ quan vững chắc của chính quốc gia đó như trong trường hợp cơ quan Đông Đức trong khu vực của Xô viết sẽ tạo niềm hãnh diện cho chúng tôi và nhờ đó bảo vệ quyền lợi của Xô viết. Thoạt tiên các cố vấn Xô viết nhận tất cả tin tức chúng tôi có, ngay cả đến bí danh của các nguồn tin và các đơn vị cá nhân, mặc dù chúng tôi bắt đầu bảo vệ nguồn tin và cung cấp cho các sĩ quan liên lạc Xô viết những tin tức chọn lọc.
Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là phụ tá điều nghiên cho Robert Korb, một bạn đồng nghiệp cũ của tôi tại Radio Moscow. Korb hiểu biết sâu rộng về chính trị và thấu hiểu các sự kiện, và trình độ hiểu biết của ông rất cao. Tôi học hỏi rất nhiều nơi ông về những vấn đề không liên quan gì đến công tác của chúng tôi, ví dụ như Islam, lịch sử khúc mắc của Israel và những xung đột tôn giáo tại bán lục địa Ấn Độ. Ông là một chuyên gia điều nghiên sáng suốt; ông dậy cho tôi biết phân xét các bản báo cáo tại địa bàn công tác một cách lãnh đạm, và chúng tôi sớm đi đến kết luận việc duyệt đọc kỹ lưỡng báo chí thường đem lại kết quả hữu hiệu hơn là các báo cáo mật của điệp viên, và các chuyên viên điều nghiên phải biết rút tỉa kết luận từ nhiều nguồn tin khác nhau để có thể thẩm định các thông tin tình báo. Từ đó nhận định này luôn là hành trang cùng đi với tôi.
Korb, trong cung cách cũng như trong suy nghĩ cá biệt của ông, có thể gợi chú ý của cử toạ với óc tinh tế và lời lẽ mỉa mại ông thường biểu lộ khi ông trình bày vấn đề trước các bậc trưởng thượng. Vì tôi chia sẻ tính bất nể phục này nên chúng tôi có nhiều điểm giống nhau. Mặc dù chúng tôi là những bày tôi trung kiên của nhà nước, chúng tôi cố gắng giữ khoảng cách với tinh thần tận tuỵ quá đáng của các cấp lãnh đạo chính trị trong việc truyền bá chủ nghĩa.
Cơ quan chúng tôi phát triển nhanh chóng và chúng tôi lại di chuyển từ khu Berlin - Pankow đến một cao ốc lớn hơn trong khu vực Rolandufer tại trung tâm Đông Berlin. Tôi sớm được thăng chức phụ tá giám đốc cơ quan tình báo hải ngoại vừa mới thành lập bên cạnh ông Gustav Szinda, một người có hàng chục năm kinh nghiệm trong các công tác mật tại Tây Ban Nha và các nơi khác cho tình báo Xô viết.
Không may cho cả hai chúng tôi, ông Szinda và tôi không ai biết cách thức khởi sự đối phó với tình báo Tây Đức ra sao; một cơ quan vừa được thành lập từ sự sụp đổ của chế độ Quốc Xã không hề bị một thiệt hại nào. Các cấp lãnh đạo tình báo phục vụ cho Hitler nay làm việc với các chủ nhân mới tại một cái làng nhỏ, bao trùm nhiều bí mật của vùng Bavaria gọi là Pullach. Chúng tôi phải tìm kiếm tên của ngôi làng trên bản đồ khi tên làng này xuất hiện trên báo chí. Đây là một thế giới xa lạ với chúng tôi và hầu như chúng tôi không với tới được, mặc dù với thời gian, chúng tôi rất quen thuộc với lề lối làm việc của họ.
Tôi được biết đến danh tính của Tướng Reinhard Gehlen, cấp lãnh đạo đấu tiên của tình báo Tây Đức, trên trang nhất của tờ Daily Express tại London; tờ nay ghi rõ Tướng của Hitler làm gián điệp trở lại - lần này với dollars.
Sefton Delmer, một ký giả được biết có liên lạc với tình báo Anh, đã viết hàng tựa này; vào thời kỳ chiến tranh, ông phụ trách phản gián Anh tại đài phát thanh Soldatensender Calais. Bản tin của Delmer gây phẫn nộ. Nó không những tiết lộ hệ thống tình báo cũ của Quốc Xã vẫn còn nguyên vẹn, mà còn cho biết cơ quan tình báo mới của Cộng hoà Liên bang chứa chấp nhiều cựu sĩ quan SS và chuyên viên an ninh quân đội đã hoạt động dưới thời Hitler tại Pháp và nhiều nơi khác. Chính Gehlen đã từng chỉ huy đơn vị điệp báo quân đội của Quốc Xã chống lại Hồng quân. Nhờ Cơ quan của Gehlen, sau này được biết, Hoa Kỳ tiếp cận với tất cả các đường dây hệ thống tình báo cũ của Quốc Xã; Hoa Kỳ ra lệnh cho giới tình báo Tây Đức cũng giống như Nga ra lệnh cho khối Đông Âu.
Cũng có tin đồn Tướng George S. Patton Jr. bao che cho một số sĩ quan cao cấp của Đức. Tôi lo âu nhận thức mục tiêu để đạt đến một châu Âu hoà bình toàn diện khó lòng thành tựu. Dây khoá mõm đã được cài đặt ở cả hai phía. Viễn ảnh hoà bình với bao nhiêu hy sinh vừa qua rất mong manh. Châu Âu bị chia cắt và đường chia cắt nằm ngay trên nước Đức.
Thủ tướng Tây Đức Konrad Adenauer dốc toàn lực ủng hộ “chính sách mạnh” của Hoa Kỳ và chiến lược đẩy lui chủ nghĩa công sản do John Foster Dulles đề xướng; người em tên Allen Dulles chính là giám đốc Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ (CIA).
Liên Xô đã giúp các nước Tây Âu đặt được hoà bình; nay Washington đang chuẩn bị huy động tất cả sức mạnh chính trị, tình báo, kinh tế và, nếu cần, sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh để phản công. Gehlen nhận biết lần xung đột mới này là cơ hội cho đương sự tạo ảnh hưởng trực tiếp lên đường hướng chính trị. Ông gặp gỡ Adenauer trước khi Tây Đức thu hồi cơ quan tình báo khỏi tay CIA và ông được hỗ trợ và có quyền lực rất lớn. Điều này có nghĩa ông kiểm soát và dùng những hồ sơ để đánh các đối thủ chính trị trong nước, trong đó có đảng Dân chủ Xã hội đối lập với chính quyền Dân chủ Thiên Chúa giáo tại Quốc hội. Trong quân đội và các cơ quan hành chính Tây Đức, các bày tôi trung kiên của Đệ Tam Quốc Xã một lần nữa giữ những địa vị then chốt, và các cựu sĩ quan Quốc Xã chỉ huy tổ chức của Gehlen.
Tên của Hans Globke, một trong những cố vấn thân tín của Adenauer và là Đổng lý Văn phòng của Thủ tướng, đồng nghĩa với phương thức xâm nhập này. Là một cựu viên chức cao cấp trong Bộ Nội vụ của Hitler, Globke là tác giả của bài bình luận nặng cân về luật phân biệt chủng tộc Nuremberg nhằm hợp thức hoá việc phận biệt bằng võ lực và đưa đến “Giải pháp cuối cùng” của Quốc Xã. Globke làm đổng lý văn phòng cho Adenauer trong vòng mười năm.
Trong bầu không khí xôi động này, thành phố Berlin vào thập niên 1950 thừa kế Vienna trở nên trung tâm điệp báo châu Âu. Có khoảng tám mươi cơ quan điệp báo cùng với nhiều ngành khác và tổ chức nguỵ trang hoạt động tại thủ đô này. Tại các văn phòng nguỵ trang của Hoa Kỳ và của Nga được che đậy qua bình phong đủ các thứ hãng, từ công ty sửa ống nước và xuất khẩu mứt cho đến những viện hàn lâm và các cơ quan nghiên cứu, có cả một đội ngũ sĩ quan chuyên kết nạp và điều khiển các điệp viên của mình và những điệp viên này có thể di chuyển dễ dàng trong những khu vực Berlin và cả hai phần của nước Đức vào những ngày trước khi Bức tường, chia cắt thành phố và đất nước Đức, được xây dựng vào năm 1961.
Đây cũng là lúc trước khi phép lạ kinh tế Tây Đức bắt đầu và do đó cũng là thời buổi thiếu thốn và tan tác kinh tế. Hứa hẹn cung cấp thực phẩm hoặc được thăng tiến xã hội đã khiến thiên hạ đi vào con đường điệp báo. Nhưng trong khi chính quyền Tây Đức có thể dễ dàng trông cậy vào nguồn tài chính, chúng tôi vẫn hoạt động trong cảnh nghèo nàn và phải theo đuổi một lối tiếp cận có tính cách ý thức hệ hơn. Nhiểu điệp viên nằm vùng của chúng tôi tại Tây Đức, đặc biệt trong môi trường chính trị và kỹ nghệ, không phải là Cộng sản nhưng họ làm việc cho chúng tôi vì họ muốn khuất phục tình trạng chia đôi nước Đức và nghĩ rằng chính sách của các Đồng minh Tây Âu đang củng cố nó. Sau này chúng tôi mất một số điệp viên như vậy khi Bức tường được xây và cho họ thấy biểu tượng của nước Đức chia hai theo nghĩa đen đã được xây dựng bằng bê-tông.
Những chi tiết nhỏ nhặt trong việc xây dựng một cơ quan tình báo hoàn toàn mới chiếm hầu hết thời gian của tôi. Tôi chú ý đến các nước phương Tây và tôi cố gắng làm quen với những chuyển biến chính trị tại Hoa Kỳ và tại Tây Âu và tôi theo dõi sát những tiến triển trong ngành tình báo hậu chiến.
Chúng tôi phải thu thập những nguồn tin mới tại các trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và khoa học kỹ thuật của phía bên kia. Điều này nói dễ hơn là làm, vì những đòi hỏi an ninh trong chính guồng máy của chúng tôi, do tình báo Xô viết áp đặt, rất là gắt gao. Cả ngàn thí sinh được gửi gắm đến phải được sàn lọc để có được một nhúm nhỏ khả dĩ chấp nhận được. Những ai có thân nhân ở Tây Âu đều bị loại bỏ, cũng như những người trải qua những năm tháng chiến tranh làm người tị nạn hoặc là tù binh chiến tranh ở Tây Âu. Trái ngược với những lời đồn đại cho đến nay vẫn còn, chúng tôi không có ý dùng những cựu đảng viên Quốc Xã trong bộ máy của chúng tôi và chúng tôi kiêu hãnh có đạo đức hơn Tây Đức về mặt này.
Chúng tôi tiếp cận một số hồ sơ đảng viên Quốc Xã của Đệ Tam Đức Quốc và chúng tôi dùng những hồ sơ này để thuyết phục những người Tây Đức đã xoá bỏ quá khứ cộng tác với Quốc Xã về cộng tác với chúng tôi. Nhiều người khác tình nguyện làm việc cho chúng tôi và họ cho đó là một loại đền bù tinh thần cho những tổn hại họ đã gây ra trong quá khứ. Thoạt nhìn phong thái này có vẻ tử tế. Lý do thực sự là họ muốn được an toàn và bảo vệ sự nghiệp mới của họ ở Tây Đức để tránh không bị chúng tôi lật tẩy sau này. Theo ngôn từ Đức, chúng tôi gọi là Rückversicherung, có nghĩa nguyên văn là “tái bảo hiểm” cho quá khứ. Nhờ Đảng cộng sản Tây Đức chúng tôi thừa hưởng được sự cộng tác của một chính trị gia trong Đảng Dân chủ Tự do tên là Lothar Weihrauch (sau này làm việc trong Bộ Xử Lý Các Vấn Đề Chung Nước Đức của Tây Đức), người này cung cấp cho chúng tôi rất nhiều tin tức chính trị cho đến khi chúng tôi khám phá đương sự đã phạm những tội ác chiến tranh khi đương sự giữ một chức vụ quan trọng vào thời kỳ Đức chiếm đóng Ba Lan. Chúng tôi cắt đứt liên lạc với y. Chúng tôi cũng đã kết nạp một cựu đảng viên Quốc Xã, trước đây là một đội viên xung kích, mang bí danh là Moritz. Người này đã giúp chúng tôi trong cuộc đấu tranh chính trị chống lại sự thành lập của Cộng đồng Quốc phòng châu Âu (cuối cùng đã bị ngăn chặn vì tinh thần chủ nghĩa quốc gia của nước Pháp chứ không phải vì cơ quan tình báo chúng tôi phá vỡ dự án thành lập).
Quá khứ là một vũ khĩ lợi hại trong ngành tình báo và cả hai bên không ngần gại dùng nó để hăm doạ. Đúng vào lúc chúng tôi tìm phương kế để hạ bệ những chính trị gia hoặc những khuôn mặt kỳ cựu có ý đánh phá chúng tôi bằng cách tiết lộ sự đồng loã của họ với Quốc Xã, một tổ chức chống Cộng tên là Uỷ ban luật sư Tự do Tây Berlin do các luật gia trốn chạy Đông Đức thành lập, cho xuất bản một quyển sách nhỏ ghi tên những công chức Đông Đức đã tìm cách gia nhập đảng Quốc Xã. Nhưng vì phần đông các sĩ quan tình báo cao cấp và cấp lãnh đạo chính trị của chúng tôi đều sống lưu vong hoặc ẩn núp vào thời Đệ Tam Quốc, chúng tôi ở Đông Đức chúng tôi đã thắng trong chiến trận tuyên truyền này.
Một vài thành phần Quốc Xã tìm cách chuyển hướng sang phía chúng tôi bằng cách che giấu quá khứ. Không bao lâu sau khi tôi bắt tay vào việc, một nhân viên trẻ trong đội đến gặp tôi và nói với tinh thần vô cùng hoang mang anh để ý thấy một người làm việc tại ban thẩm vấn trên cánh tay có xâm huy hiệu SS. Ban thẩm vấn là ban thô bạo nhất ở trong Bộ, và tôi không muốn mang tai tiếng vì có những tay côn đồ này làm việc tại đây. Tôi mường tượng một kẻ nào đó ưa thích những việc làm như vậy ở chế độ trước lại cảm thấy an nhiên tự tại ở đây. Chúng tôi lặng lẽ thuyên chuyển y khỏi vị trí này.
Những màn hăm doạ đang diễn ra là một trò bần thỉu và tác hại nhưng cả hai bên đều dùng nó. Một vài thành phần Quốc Xã cũ ở Tây Đức giúp việc cho chúng tôi vì có lòng hối cải, một vài kẻ khác vì tiền, hoặc để phòng bị không bị lộ là người cộng tác với chế độ Quốc Xã. Xô viết có nhiều cơ hội đẻ hăm doạ hơn vì họ nắm giữ những hồ sơ của Quốc Xã, và sai khiến những người này chẳng hạn như cựu chiến binh SS Heinz Felfe, đã từng giữ chức vụ Obersturmführer (tương đương với cấp Trung uý – Người dịch) trong tổ chức tình báo Quốc Xã, Cơ quan An ninh quốc gia (Reichssicherheitshauptamt), và làm việc với Tổ chức của Gehlen thời hậu chiến. Felfe đã trở thành gián điệp nhị trùng của Xô viết, tiết lộ tất cả những thành quả của cơ quan tình báo Tây Đức cho Moscow và đã gây thiệt hại không thua những gián điệp nhị trùng có tầm cỡ như Kim Philby, George Blake và Aldrich Ames.

*

Một trong những cơ hội đầu tiên của chúng tôi để xâm nhập các cơ quan của Đồng minh là nhờ vào tình báo Đảng cộng sản ở Đức. Vào thế kỷ thứ mười chín phong trào Dân chủ Xã hội Đức đã tổ chức những nhóm bí mật để đối phó với sự đàn áp của Kaiser. Đảng cộng sản Đức (Kommunische Partei Deutsclands hoặc gọi tắt là KPD) đã được tôi luyện bởi những đối xử hà khắc thô bạo của chính quyền (lịch sử khởi đầu của họ đã ghi khắc việc tàn sát những đảng viên Spartacist Rosa Luxemburg và Karl Liebnecht), bắt chước các đảng viên Dân chủ Xã hội bằng cách phát triển hệ thống tình báo riêng của họ. Cơ cấu này đã tạo mối liên hệ chặt chẽ với cấp lãnh đạo của Comintern tại Moscow và các cơ quan tình báo tại đây.
Đầu não đứng sau hệ thống tình báo của Đảng vào thế kỷ thứ hai mươi là Ernst Schneller, bị ám sát năm 1944 do lệnh của Hitler, và Hans Kippenberger, mà sau này được biết là bị giết năm 1937 do lệnh của Stalin. Hệ thống này, chuyên thu thập những tin tức khoa học kỹ thuật và quân sự để chuyển cho Liên Xô, là nguồn cung cấp tin tức, vào thời Hitler cầm quyền, cho hệ thống tình báo danh tiếng Rote Kapelle - tiếng Anh gọi là “Dàn hoà tấu Đỏ”.
Dàn hoà tấu Đỏ là một trong những tổ chức kháng chiến lớn nhất. Một vài thành viên trong đó là Cộng sản, và một phần ít ỏi là những nhân viên của các cơ quan tình báo Xô viết (NKVD và GRU, Quân báo).
Thử thách đầu tiên tôi phải đương đầu là kiểm nghiệm năng lực xây dựng một hệ thống tình báo Cộng sản mới. Tôi sớm biết hệ thống mới đặt trên con đường hệ thống cũ không thể nào tin tưởng được. Đặc biệt người Anh đã khéo đánh tráo một số những đảng viên cộng sản trước đây là những tù binh chiến tranh. Họ cũng đã vô cùng thành công trong việc đánh tráo một vài người Cộng sản di dân thời chiến cũng như nhiều điệp viên mới trẻ của hệ thống tình báo mới thành lập này.
Một ví dụ điển hình để thấy hệ thống mới này đã bị lũng đoạn là trường hợp của Merkur, tên thật là Hans Joachim Schlomm. Tôi được biết đến đương sự trong lúc kiểm soát trong núi hồ sơ, phần đông chưa được đối chiếu, để tìm những đầu mối trong những cơ quan tình báo của phương Tây. Tôi nghiên cứu những hồ sơ cho biết đương sự có liên hệ với phản gián Tây Đức, được mệnh danh là Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp (Bundesamt für Verfassungsschutz, BfV), đặt trụ sở tại Cologne. Đương sự cũng có nhiều mối liên hệ với giới hoạt động chính trị tại Bonn. Những báo cáo của đương sự về cho Đảng gây ấn tượng mạnh vì có nhiều chi tiết, đa dạng và sâu sắc, trong đó có cả những thông tin nội bộ của các đảng phái chính trị trong quốc hội Tây Đức, những hồ sơ mật của bộ ngoại giao và các bộ khác. Trên bề mặt, đương sự có vẻ như là một nguôn tin lý tưởng, vì vậy tôi phái người đi tìm đương sự ở Schleswig -Holstein, theo như hồ sơ cho biết chỗ ở của đương sự. Merkur nói rằng y đã kiên nhẫn chờ đợi cú điện thoại của chúng tôi và không chút ngần ngại chấp nhận lời mời để đến Berlin. Đương sự là điệp viên đầu tiên của tôi.
Đương sự đến nhà an toàn đúng giờ hẹn tại một biệt thư ở ngoại ô Berlin. Dáng người cao ốm, độ chạc ba mươi tuổi, đương sự có vẻ thích hợp với nghề nghiệp của mình, nghề của một kỹ sư điện. Đương sự giải thích đương sự đã cộng tác với Đảng cộng sản khi còn là sinh viên ở đại học Hamburg, làm việc cho cơ quan tình báo của Đảng, và theo lệnh đảng đã gia nhập tổ chức thanh niên cánh hữu, cuối cùng đến làm thư ký cho bác sĩ Fritz Dorls tại Bonn. Rồi tôi hỏi đương sự khá lâu, nhưng có nhiều điều lạ; những câu trả lời của y về những người y nói y quen biết không phù hợp với những lời ghi trong hồ sơ. Chúng tôi đưa y trở về Tây Berlin và mời y đến lại ngày hôm sau. Tôi lại giở xem những hồ sơ của y.
Khi y trở lại, tôi đóng vai trò người trí thức và Szinda, kẻ thô bạo. “Đủ rồi, đồ khốn nạn”, Szinda nói để báo hiệu là không còn đủ kiên nhẫn với anh điệp viên tiềm năng này. Khi những mâu thuẫn trong những lời khai man của y bị lột trần, Merkur cuối cùng nhận là đầu năm 1948 y đã được tình báo Anh cài vào tổ chức tình báo Cộng sản, hiện nay y vẫn tiếp tục làm việc cho họ và những hồ sơ y cung cấp là những hồ sơ do họ cài đặt.
Cuộc điều tra được giao phó cho Erich Mielke, người số hai làm việc tại Bộ Công an (được thành lập vào ngày 8-2-1950) và là cấp lãnh đạo tại đây, vốn nghi ngờ cơ quan của chúng tôi vì ông nghĩ nó cạnh tranh với bộ của ông. Ông này là một tay Stalinnít kỳ cựu thô bạo và không mấy ưa thích Szinda từ những ngày còn là đồng chí thời Nội chiến Tây Ban Nha, và ông cũng chẳng ưa gì tôi. Mielke bắt giam Merkur vì tội gián điệp nhị trùng và đem ra xử án, kết quả là án lệnh chín năm tù giam.
Trường hợp của Merkur gây báo động không những ở phương Tây mà ngay cả trong cơ quan của chúng tôi. Chúng tôi kết luận từ những cuộc thẩm vấn và lời khai của y là y biết quá nhiều về tổ chức tình báo của Đảng cộng sản và những mối liên hệ của tổ chức này với các tổ chức khác, nhiều hơn mức độ của điệp viên nguỵ trang. Ở thời điểm này chúng tôi nhận thức là chúng tôi phải kiểm tra lại tất cả mọi người trong các nhóm tình báo Cộng sản bí mật, mà tổng số lên đến từ bốn mươi đến năm mươi người. Giống như để kết hợp những mẩu hình ghép, tôi bắt đầu hỏi những những sĩ quan giao liên và những người chuyển thư đã được gửi sang Tây Đức từ nước CHDC Đức, để cho những mối nghi ngờ không bị đánh điện đi cho chính các điệp viên. Những gì họ nói cho tôi biết về những vi phạm nguyên tắc trong công tác bí mật làm cho tôi nghi ngờ có nguy cơ bị xâm nhập.
Do đó tôi ngồi vào bàn và bắt đầu vẽ một sơ đồ những mối liên lạc ngang và chéo trong những hệ thống tình báo hiện có, nó giống như một màng nhện khổng lồ. Với kỹ năng của một kỹ sư hàng không kinh nghiệm, tôi thảo cái mà tôi gọi là “màng nhện” trên một trang giấy. Trên sơ đồ tôi liên kết tất cả các thư tín viên, các nhà an toàn, và những điều tương tự. Tôi tô màu đỏ những điệp viên tình nghi là nhị trùng, màu xanh dương những nguồn tin và màu xanh lá cây các điệp viên thường trú. Những đường vẽ và những ô vuông cũng ghi dấu những trường hợp đáng nghi hoặc những mối liên lạc đáng nghi với tổ chức địch. Đối với những người không hiểu biết, sơ đồ chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng đối với tôi, nó bắt đầu làm rõ nét khả năng khai triển và đào sâu công tác của chúng tôi. Có được một hình ảnh rõ rệt để tìm hiểu cơ quan này đã bị xâm nhập sâu đậm như thế nào là một điều cần thiết.
Tôi cuối cùng kết luận là nếu các cơ quan tình báo phương Tây muốn, họ có thể tiêu diệt toàn bộ hệ thống này. Trên mặt thực tế, họ chưa chắc đã khôn ngoan hoặc hữu hiệu như vậy, nhưng nguy cơ vẫn còn đó, đặc biệt đối với Đảng cộng sản nếu hệ thống tình báo cũ bị cài ngược hoặc bị bại lộ. Vì vậy tôi quyết định tốt hơn hết là giải tán hệ thống này và bỏ rơi những mối liên hệ với điệp viên Cộng sản ở Tây Đức.
Sơ đồ màng nhện của tôi được cuộn lại và kẹp dưới nách, tôi xin hẹn gặp Walter Ulbricht, là người phụ trách về tất cả các cơ quan tình báo vào lúc đó. Tôi nhấn mạnh về tính cách bí mật tuyệt đối về những gì tôi báo cáo cho ông. Thay vì gọi tôi vào văn phòng của ông, ông mời tôi đến nhà ông ở khu Pankow, nơi mà người Đông Đức không thích mấy và họ gọi là “thành phố nhỏ”. Những căn phòng của nhà lãnh đạo cho thấy sở thích của một anh thợ mộc chuyên nghệ ưa chuộng những đồ đạc rắn rỏi của giới trung lưu, có trạm trổ.
Tôi trải sơ đồ lên trên bàn ăn của ông Ulbricht và trình bày những khám phá của tôi trong từng chi tiết. Với sự đồng ý của Ackermann, tôi đã nói chuyện trước khi tôi đến đây, tôi quyết định cắt đứt tất cả mối liên lạc với hệ thống tình báo Cộng sản tại Tây Đức và loại tất cả những điệp viên có ít nhiều dính líu đến nó. Sự kiên chính quyền Tây Đức đã chuẩn bị đặt Đảng cộng sản ra ngoài vòng pháp luật - cuối cùng việc này bị xét là vi hiến vào năm 1956 - giữ một vai trò quan trọng trong những tính toán của chúng tôi. Ulbricht chấp nhận lợi đề nghị của tôi, và từ đó trở đi Đảng cộng sản Quốc gia Đức ở Tây Đức là vùng cấm địa của cơ quan chúng tôi, cũng như tổ chức kế tục Đảng cộng sản Đức được thành lập trở lại năm 1968 vào thời buổi tư do hơn.
Năm 1952 chúng tôi triệu hồi tất cả điệp viên về, ngay cả những người Cộng sản trung kiên nhất cũng bị cô lập trong một loại “giam biệt thự” và bị tra khảo gắt gao. Thiên hạ thường hỏi chúng tôi dùng phương pháp gì trong những trường hợp như vậy. Đây là một loại áp lực tâm lý trên những người đàn ông và đàn bà đã gắn liền căn cước và lòng tự trọng bản thân với tinh thần liên thuộc vào một nhóm cùng chung một lý tưởng. Khi thình lình lòng tín nhiệm này không còn nữa, áp lực tâm lý trở nên gay gắt hơn. Ở đây không cần phải đe doạ hoặc trình lệnh để bắt họ. Nói chuyện với họ và coi họ như những kẻ tình nghi và giám sát những lời khai của họ cũng đủ để cho chúng tôi biết là họ vô tội và chúng tôi không thấy một điệp viên nhị trùng nào khác. Lẽ cố nhiên, vấn đề cài đặt họ lại ở phương Tây không được đặt ra. Họ được cảnh báo không nên tiết lộ những gì đã xảy ra. Tất cả mọi người đều giữ lời hứa đưng như tư cách của những đồng chí tốt.
Có một vài người đã có chiến công hiển hách chống lại Quốc Xã. Một người đã từng ở chung trại với cha tôi ở bên Pháp; chúng tôi cô lập đương sự trong một căn phòng trong nhiều tuần và sau đó đánh tan mọi nghi ngờ đối với đương sự.
Năm 1956, sau khi Khrushchev đọc bài Báo cáo mật trong Đại hội Đảng lần thứ XX, chúng tôi phục hồi danh dự cho phần lớn những đồng chí đã bị triệu hồi này, trao cho họ huy chương và huân chương. Bruno Haid, đã từng chiến đấu với kháng chiến pháp thời chiến và đã bị triệu hồi và phái đến một cơ xưởng tại Karl-Marx-Stadt để làm một công chức nhỏ và sau đó được phong chức phó uỷ viên công tố của nước CHDC Đức. Ông tố cáo tôi đã dùng những phương pháp thô bạo gợi lại việc Lavrenti Beria, Tổng giám đốc mật vụ của Stalin, phá vỡ hệ thống của Đảng - điều tôi không làm - nhưng cuối cùng, nếu không muốn nói là miễn cưỡng, ông chấp nhận quan điểm của tôi khi ông được biết trường hợp của gián điệp nhị trùng Merkur.
Một vài nguôn tin “bảo tồn” của chúng tôi không bị triệu hồi và sau đó được phục hoạt, tuy nhiên vẫn phân cách hoàn toàn không hề liên hệ với những đường dây mới. Tại sao chúng tôi làm việc này? Đơn giản thôi, chúng tôi khám phá việc xâm nhập không có sâu đậm như chúng tôi lo sợ. Phương Tây không có những phép lạ an ninh như chúng tôi.