Dịch giả: Trọng Khiêm
Chương 15
Cuba

     ôi chẳng bao giờ dám một mình tự ý quyết định đi sang Hoa Kỳ, nhưng tình cờ xui khiến cuộc tiếp xúc đầu tiên của tôi với lục địa này xảy ra tại New York, một thành phố tôi chỉ biết qua thơ văn của Brecht, qua âm nhạc của Kurt Weill, và qua những phim kẻ cướp trong đó Peter Lorre thủ vai. Năm đó là năm 1965. Sáu năm đã qua từ khi Batista, kẻ độc tài trị vì Cuba, đã bị hạ bệ, và theo lời mời của Cuba, tôi lấy máy bay sang Havana để cố vấn cho chính quyền Fidel Castro thành lập một cơ quan tình báo hữu hiệu. Sau này, Cuba cùng với Tiệp Khắc nhập vào liên đoàn ưu tú của những nước xã hội chủ nghĩa có kỹ năng về tình báo, nhưng trở lại thời này họ chỉ là những tay mới bắt đầu chập chững. Tôi được lệnh cố vấn về mọi vấn đề từ những nguyên tắc sơ khởi công tác nguỵ trang cho đến việc thiết lập hệ thống giải mã và cài mã an toàn.
Cuba được giải phóng gần đây và điều này cho tôi nhiều hưng thú đối vì đây là một hòn đảo nhỏ bẻ trôi dạt trên biển cả của tư bản chủ nghĩa. Con đường bình thường đi từ Đông Berlin đến Havana phải đi qua Praha với những lần quá giang tại Scotland hoặc Canada.
Tuy nhiên trong trường hợp của tôi, Mielke cương quyết không cho tôi đậu trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên NATO. Ông nghiêm trọng nói: “Không ai có thể ngờ được những gì họ biết về anh và chuyện gì sẽ xảy ra nếu có chuyện không may”. Thay vào đó, tôi phải bay qua Moscow và chuyển sang chuyến bay thường không quá giang trực tiếp đến Havana.
Tôi đi cùng với hai sĩ quan đáp xuống Moscow vào ngày 6-1-1965, đúng vào mùa rét căm căm. Nhiệt độ đã tụt xuống dưới không độ Farenheit, và chúng tôi rét run khi chúng tôi hối hả bước trên phi trường Sheremyetevo để bước lên những chiếc xe ca đưa chúng tôi đến nói chuyện với Vladimir V. Semichastny (15/1/1924 – 12/1/2001), giám đốc KGB và Alexandr Sakharovsky, trưởng ban tình báo hải ngoại. Họ chỉ dẫn cho chúng tôi về những mối liên lạc của họ với Bộ Nội vụ Cuba và thông tin cho chúng tôi về những con số và những sinh hoạt của các sĩ quan liên lạc KGB đã có mặt sẵn tại đây.
Tối hôm đó chúng tôi lại lên đường bước lên chiếc máy bay phản lực AN-124, một phi cơ chuyên chở to lớn nhất của đội hàng không Xô viết Aeroflot. Cô chiêu đãi viên Maria, chắc chắn là một nhân viên của KGB, nuông chiều phái đoàn nhỏ bé của chúng tôi. Phần lớn các hành khác là sĩ quan hải quan hoặc chuyên viên quân sự Xô viết du hành với gia đình đến trụ sở làm việc mới ở nơi chân trời xa xôi của thế giới Cộng sản. Chúng tôi nằm trong một bầu không khí đi tiên phong khai khẩn. Hai người khách lạ khác là người Trung Hoa, xem ra là những liên lạc viên ngoại giao. Họ ngồi đối diện trực tiếp với chúng tôi, tay họ nắm chặt lấy quai sách của cái cặp da, làm như họ sợ chúng tôi nhảy chồm vồ lấy và đánh cắp hành lý ngoại giao của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Phía sau chiếc máy bay hoàn toàn trống rỗng. Các ghế ngồi đã được dỡ đi để cho máy bay nhẹ đi, và để bảo đảm, như chúng tôi được thông báo để cho chúng tôi an tâm, là nhiên liệu còn đầy đủ đến địa điểm đáp, cách đó khoảng tám ngàn dặm.
Chúng tôi bay thâu đêm và khi mặt trời mọc chúng tôi thoáng nhìn thấy bờ biển Canada qua cửa sổ. Vài giờ nữa trôi qua và theo dự tính của tôi, chúng tôi đang tiến gần đến Cuba. Chiếc máy bay đã từ từ hạ thấp. Tôi đang cạo râu để chuẩn bị cuộc tiếp đón tại Havana nhưng tôi để ý thấy mặt trời không nằm ở phía dự đoán. Tôi trở về chỗ ngồi vì náo động không khí làm cho phi cơ rung lắc đáng sợ, và sau đó thình lình đâm nhào xuống. Thật là khó chịu không có ai thông báo có một việc bất thường đã xảy ra, và tôi thấy biển đang tiến về phía chúng tôi. Tôi chỉ có một vài giây chợt nghĩ đây là cảm giác khi phi cơ rớt xuống, nhưng tiếp đó tôi lại biết phi cơ chúng tôi đang nhảy trên phi đạo và tiếng bánh xe thắng kêu rít lên. Đầu nóng bừng, tôi dí mắt nhìn qua cửa sổ và thấy một bảng tiếp đón ghi những hàng chữ: “Chào mừng quý khách đến phi trường John F. Kennedy”.
Chúng tôi ngồi im lặng và sững sờ, đầu óc quay cuồng nghĩ ngợi cùng một câu hỏi hiển nhiên. Chuyện gì đã xảy ra? Phi cơ hết xăng? Có tại nạn gần kề? Anh phi công Xô viết thình lình quyết định tương lai của anh nằm ở Thế giới Tự do? Tôi đặc biệt tự hỏi chúng tôi, những người phái viên của cơ quan tình báo khối Đông Âu trên đường đi đến người bạn đồng minh duy nhất ở phía bên kia thế giới đầy bất trắc, bây giờ làm gì đây, nay đã bị xô đẩy vào Hoa Kỳ, ngay trong lòng của kẻ địch.
Trong lúc động cơ máy bay gầm lên để rồi ngưng chạy, một đoàn xe cảnh sát chạy đến để bao vây chiếc phi cơ. Còi hụ. Anh bạn bên cạnh tôi văng tục: “Cục cứt”. Chúng tôi gồng mình chờ đợi cảnh sát đổ xô lên phi cơ. Nhưng không có gì xảy ra cả. Trong hàng tiếng đồng hồ, chúng tôi ngồi chờ trong chiếc phi cơ trên phi đạo chờ đợi, lòng bồn chồn và nôn nóng duyệt những kịch bản có thể xảy đến. Không có một kịch bản nào đem đến sự yên tâm. Cả ba chúng tôi trong phái đoàn đều có thông hành ngoại giao của nước Cộng hoà Dân chủ Đức nhưng Đông Đức chưa được Hoa Kỳ hoặc Liên Hiệp Quốc công nhận. Tôi mang theo trên người một tài liệu nhỏ trong đó cho biết rõ nghề nghiệp thật của chúng tôi. Tôi lặng lẽ cất giấu nó dưới tấm nệm trải trên chiếc xe lăn trẻ con, nhờ Aeroflot hạn chế hành lý, nằm cạnh bên tôi trên lối đi.
Có lẽ bây giờ các nhiếp ảnh gia và ký giả đã bao vây phi cơ. Tôi để ý thấy có một người gắn trên mũ nỉ giấy thông hành ký giả của tờ The Front Page. Họ đang kèo nài các nhân viên an ninh Hoa Kỳ cho họ lên phi cơ. Tôi nguyện thầm mong các nhân viên an ninh sẽ từ chối, lo sợ phản ứng ngược ở Đông Berlin khi hình của tôi - phương Tây vẫn chưa biết rõ hình ảnh của tôi – được trưng bày cho mọi người thấy, và ngay trên trang đầu của tờ New York Times, không hơn không kém. Đây là lần đầu tiên, sau này tôi mới biết, từ khi xảy ra khủng hoảng Cuba năm 1962, một chiếc máy bay Xô viết hạ cánh hoặc một chiếc tàu cập trên lãnh thổ của Hoa Kỳ. Sự xuất hiện thình lình của phi cơ chúng tôi đã gây náo động. Qua cửa sổ, tôi thấy các nhiếp ảnh gia yêu cầu chúng tôi vẫy tay. Tôi kéo màn chắn xuống. Sự hiện diện của báo chí khiến cho chúng tôi lấy lại tinh thần khôi hài, người bạn đồng hành tốt nhất trong những trạng huống như vậy. Chúng tôi bắt đầu nhái những câu trả lời giả định của Mielke khi đương sự khám phá giám đốc tình báo hải ngoại và hai sĩ quan tình báo cao cấp của ông, trong tay đầy áp những thông tin và chi tiết kỹ thuật để trợ giúp cho kẻ thù của Hoa Kỳ nằm ngoài biển khơi cách đó chín mươi dặm, đang bị kẹt trên sân bay của phi trường JFK. Chúng tôi mường tượng những gì ông sẽ nói với Moscow: “Các đồng chí, tôi gửi gắm họ vào tay các đồng chí để các đồng chí đảm bảo sự an toàn tuyệt đối công tác của họ. Bây giờ tôi được biết họ không những phải đương đầu với kẻ thù, họ được giao ngay vào tay của địch”.
Đàng sau những nhà chứa máy bay tôi thấy xa lộ rộn ràng xe cộ ban mai. Đầu óc của tôi suy nghĩ miên man đến những giả thuyết chưa hề được khai thác. Tình hình sẽ như thế nào nếu tôi là một hành khách bình thường? Có thể nào tôi thản nhiên tản bộ đến cửa Nơi Đến, trình thẻ thông hành ngoại giao và ví dụ gọi điện thoại cho George Fischer? Hoặc Leonard Mins, một người Cộng sản khác sống tha hương đã từng là bạn bè thân thiết với bố mẹ tôi trong những ngày sinh sống đang sau khu phố Arbat? Ông là đường giây qua đó cha tôi liên lạc với chúng tôi khi ông bị giam giữ ở Pháp. Một anh em cùng cha khác mẹ với tôi tên Lukas, một tác phẩm của cha tôi từ lần cưới đầu tiên, có lẽ đang sống đâu đó gần New York, nếu tôi nhớ không lầm. Tôi cảm thấy tự do lạ lùng. Đây là những giây phút hiếm hoi và thoáng qua trong cuộc sống bình thường nhưng lại được trải nghiệm qua những trạng huống ép buộc vì sự trộn lẫn giữa lịch sử, định mệnh con người và những điều tôi thâm tín.
Thực tế đã mau chóng chiếm ngự suy nghĩ. Tôi rà soát những hệ quả tình báo tiềm tàng về sự có mặt bất ngờ của tôi trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có thể tố cáo tôi điều gì nếu họ nhận diện ra tôi? Chỉ cần giam giữ tôi hoặc đem tôi ra xét xử tại đây? Vào lúc đó chúng tôi đang trong tiến trình huấn luyện những điệp viên xuất sắc để xâm nhập Hoa Kỳ với những căn cước giả. May mắn thay, chưa có một ai được cài đặt trên đất Mỹ bởi vì chương trình xâm nhập đã bị gián đoạn vì đã xảy ra việc nhân viên trong một ban của tình báo hải ngoại HVA đào thoát, ban này phụ trách về những sinh hoạt của những cơ chế Hoa Kỳ trong phần kiểm soát phía Tây của Berlin. Một trong những người bị bắt liền theo cuộc đào thoát này là một thông dịch viên trong phái bộ quân sự của Hoa Kỳ tại Berlin, đã cung cấp cho chúng tôi những tin tức mật về chính sách của Washington đối với hai bên nước Đức chia đôi. Chúng phát xuất từ những bản tốc ký ghi chép lại trong những cuộc viếng thăm của bà Leonor Lansing Dulles, em gái của John Foster Dulles và là một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách về chính sách ở Berlin. Vì đã trao cho chúng tôi toàn bộ tài liệu về quan điểm của người phụ nữ hoạt bát này, người cung cấp tin tức này đã bị kết án khá nặng vì tội phản bội. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi bị bắt và bị nhận diện là viên chức phụ trách về công tác này?
Dòng suy nghĩ miên man của bị gián đoạn vì cái thúc của một bạn đồng nghiệp. Anh ấy chỉ về phía hai ông Tàu ngồi đối diện chúng tôi. Hai liên lạc viên ngoại giao đã mở sách tay và đang nhai ngấu nghiến mớ tài liệu trong đó. Chúng tôi cảm kích lòng tận tuỵ của họ với công tác. Nhai và nuốt là những vũ khí suy nhất họ có để chống trả lại kẻ thù giai cấp. Nhưng bó hồ sơ khá dày và họ không có nước để giúp họ tiêu thụ món ăn không ngọn miệng này. Chúng tôi có nên, nhân danh quốc tế vô sản, giúp họ không? Chúng tôi bàn thảo ngắn gọn với nhau và quyết định với lòng thoải mái việc làm này có thể là một sự can thiệp không xác đáng vào nội tình của Trung Quốc với những hậu quả không thể lường trước cho bang giao giữa hai nước.
Bây giờ nhiệt độ trong máy bay đã hạ xuống. Luồng thông khí duy nhất là do không khí mát lạnh được đưa từ bên ngoài vào. Hàn thời biểu đã hạ dưới mức độ đông lạnh. Vì ăn mặc theo khí hậu nhiệt đới của Cuba nên hành khách phát run. Một vài tiếng đồng hồ nhẫn nhục trôi qua trước khi ông lãnh sự Xô viết cuối cùng xuất hiện với những bình nước trà nóng. Ông không cho chúng tôi biết gì nhiều hơn: “Moscow đang thương thuyết với Washington”, ông lập lại. Ông giải thích chúng tôi phải hạ cánh bởi vì phi cơ không còn nhiên liệu. Tiếp theo cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba xảy ra năm 1961, tất cả những hiệp ước cho phép phi cơ của khối Xô viết hạ cánh và tiếp tế nhiên liệu để bay sang Cuba đều bị đình chỉ, chiếu theo chương trình chế tài Fidel Castro. Tổng cộng phải mất mười tám tiếng đồng hồ trước khi cô chiêu đãi KGB xinh đẹp nói nhỏ với tôi là Washington sẽ để cho phi cơ lấy nhiên liệu và lên đường, mặc dù đã có hai sĩ quan của Air France bước lên máy bay để quan sát, và chắc chắn họ được lệnh quan sát kỹ những hành khách.
Tôi định thông báo tin vui này cho các ông Trung Hoa nhưng chỉ làm cho họ hoảng hốt thêm. Bây giờ, khả năng tiêu thụ của họ đã cạn kiệt và họ bắt đầu thay phiên nhau vào nhà vệ sinh để trút bớt bội thực trong việc tiêu huỷ tài liệu. Trước khi họ đóng cửa tôi thấy một trong hai người đứng trước bồn rửa mặt, lấy xà bông cứng Xô viết chà sát lên tờ giất tơ trên đó có lẽ ghi những mệnh lệnh mật đã được mã hoá. Có lẽ đây là mật lệnh cho các nhóm du kích châu Mỹ La Tinh, nhiều nhóm nhận lệnh trực tiếp từ Chủ tịch Mao.
Bằng bất cứ giá nào, những mệnh lệnh này chỉ đến tai người nhận qua lời nói. Cứ độ năm phút nhà vệ sinh lại có tiếng nước tháo ồn ào trỗi lên. Chúng tôi cất cánh trở lại vào lúc nửa đêm. Đây là lần đầu tiên tôi ở trên lục địa Bắc Mỹ. Tôi chẳng thấy gì nhiều ngoài chân trời khêu gợi của New York và xa lộ bên cạnh phi trường.
Trời vẫn còn tối khi chúng tôi cuối cùng thấy những dấu hiệu khích lệ chào mừng chúng tôi tại Phi trường José Marti ở Havana. Tuy nhiên, câu chuyện phiêu lưu vẫn chưa chấm dứt. Chính quyền Cuba không được thông báo về sự hiện diện của hai sĩ quan Hoa Kỳ trên máy bay và rồi lại có một thời gian chờ đợi lâu dài để chờ quyết định cho phép một người nào đó của chúng tôi rời phi cơ hay là đưa tất cả chúng tôi trở ngược về lại Moscow. Đây là những thú vị của chuyến bay quốc tế vào thời buổi Chiến tranh Lạnh. Cuối cùng, các sĩ quan an ninh của Cuba thu xếp bốc phái đoàn chúng tôi ra. Phần còn lại hành khách phải chờ đợi. Chúng tôi lướt nhanh trong màn đêm tren một chiếc Buick rộng rãi. Tôi thích thú với những chiếc xe hơi cũ Hoa Kỳ, được lái một cách thư thái trên những con đường lót đá của thủ đô. Anh tài xế Enrico đưa chúng tôi đến một biệt thự trắng rộng rãi và chúng tôi được Umberto, người anh nuôi tương lai của chúng tôi với quần áo bộ màu đen chỉnh tề, áo sơ mi trắng và cà vạt, báo cho biết nhà này thuộc quyền sở hữu của một tỉ phú trước khi Cách mạng đến. “Trước khi Cách mạng đến” là một câu chúng tôi nghe hàng chục lần trong ngày và luôn luôn tương phản với lợi ích đi cùng với sự lãnh đạo xã hội chủ nghĩa của Castro. Đến từ một nước có một thể chế cộng sản do Hồng quân áp đặt tiếp nối theo sự thất trận của Quốc Xã, tôi cảm thấy một niềm tự hào ấm áp và hãnh diện đối với những người này vì họ đã nắm vận mệnh của họ trong tay và làm cuộc cách mạng do chính sức lực của họ. Umberto giới thiệu anh tài xế Enrico là tay thiện xạ giỏi nhất Cuba. Chúng tôi không phải lo lắng về vấn đề an ninh trên hòn đảo này, Umberto nghiêm nghị nói.
Mặc dù mệt lả người, chúng tôi không thể nào cưỡng lại ham muốn đánh một vòng quanh vườn. Không khí ban đêm có sự tĩnh mịch khó tả khiến cho tôi thích thú.
Chúng tôi kinh ngạc trước sự sung túc của cây cỏ, màu nhung đen của bầu trời và tiếng ve sầu thánh thót bên tai. Anh bạn trẻ nhất trông đội chúng tôi nói “Hay tưởng tượng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội đich thực ở một nơi như vậy!”. Đây là hình ảnh gần gũi nhất anh có thể mường tượng thiên đàng trên trần gian. Tôi không đến nỗi quá choáng váng, nhưng vẫn cảm thấy phấn chấn với ý nghĩ hòn đảo đẹp đẽ và đã có lần bị đàn áp này đã tranh đấu để tìm đường giải phóng cho chính mình.
Một ngày sau khi chúng tôi đến, cũng như tất cả những vị khách viên chức, chúng tôi được dẫn đến thăm viếng tượng đài của José Marti, cha đẻ của chủ nghĩa quốc gia Cuba và cũng được dắt đi xem những chiến hạm của Hoa Kỳ neo ngoài bờ biển, một hình ảnh mãnh liệt nhắc nhở quốc gia luôn nắm dưới tầm quan sát của kẻ địch. Cuộc nổi dậy chống chế độ Batista vẫn còn hàng ngày nằm trong ký ức, những vết đạn trên tường vẫn còn nguyên vẹn. Không giống như những buổi tiếp tân tôi thường phải chịu đựng tại Moscow và các nước xã hội chủ nghĩa khác, người Cuba có một phương cách lạ lùng đưa người khách lạ vào kinh nghiệm sống của họ. Chúng tôi nhận lệnh mặc quân phục và đi đến Bãi Colorado tại tỉnh Oriente, nơi Castro và tám mươi hai người tuỳ tùng đổ bộ năm 1956, tại Granma sau khi họ đi ngang qua Mexico để bắt đầu cuộc chiến đấu giải phóng Cuba. Chúng tôi thăm viếng Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) và họ hãnh diện chỉ cho chúng tôi xác vặn vẹo của chiếc phi cơ ném bom Hoa Kỳ B-26.
Ở đây tôi không cần nhắc lại sự kém cỏi của những chiến dịch của CIA tại Cuba. Chỉ có một điều là chúng tôi rất kinh ngạc một tổ chức có được những chuyên viên nghiên cứu chiến lược hàng đầu của phương Tây lại có thể làm nên một trò hỗn độn trong việc can thiệp như họ đã làm trong việc tổ chức xâm nhập tồi tệ của những người Cuba lưu vong. Lên tiếng dạy đời chẳng có gì là hay ho cả, nhưng khi ký giả Hoa Kỳ hỏi tôi với giọng điệu lên án về những mối liên lạc của cơ quan chúng tôi với những kẻ khủng bố trong chiến tranh giải phóng, tôi không thể nào không đặt ngược lại câu hỏi là những chiến dịch phá hoại và đốt phá Cuba với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ có phản ảnh đúng quan điểm của một xã hội văn minh không.
Đối tác tình báo của tôi ở Cuba là Manuel Pineiro. Anh phát xuất từ nhóm các ông râu xồm, những người có râu quai nón đã sống sốt thời trường chinh của Castro qua dãy núi Sierra Maestra và những cuộc chiến ác liệt trên núi trước khi chiếm lĩnh Havana. Raul Castro, người em trai của Fidel và người thứ nhì trong Bộ Chính trị, và Ramiro Valdez, lúc đó là Bộ trưởng Nội vụ, họ có ý định xây dựng một cơ quan an ninh có thể cung cấp cho họ đúng thời đúng lúc và chính xác những báo động về ý định của Hoa Kỳ đối với hòn đảo. Valdez cũng như phần lớn cấp lãnh đạo Cuba làm cho tôi phải ngạc nhiên khi thấy họ sút kém trong vai trò nguyên thủ quốc gia hơn là trong vai trò một anh chàng phiêu lưu hoạt động lúc nào cũng sẵn sàng ra tay hành động. Trong cuộc hành trình của chúng tôi, ông ra lệnh cho tài xế và người hộ vệ ngồi ở phía sau chiếc xe Cadillac và mời tôi lên ngồi phía trước, và ông lái xe lến đến tốc độ một trăm dặm một giờ. Tôi giả vờ sợ hãi và la lên: “Patria o muerte”, một khẩu hiệu cách mạng “Tổ quốc hay là chết”. Ông khoái trá với lối kịch câm này và lái nhanh hơn nữa cho đến khi tôi sợ thực sự. Đam mê của ông là bóng chày (baseball) và ép chúng tôi phải đi xem đội bóng của ông chơi. Khi đội của ông không làm vừa lòng ông, anh nhảy xổ vào trong sân, đuổi anh chàng mà ông cho là dở nhất ra ngoài, chiếm chỗ của đương sự cho đến hết chiều hôm đó.
Valdez chú trọng đến việc thu thập và điều nghiên những thông tin chính trị và quân sự.
Nhưng, tôi cảm thấy rất khó xử, ông trông đợi quá nhiều về trợ giúp kỹ thuật chúng tôi có thể cung cấp. Trên bàn văn phòng của ông chất đống những sách vay mượn của phương Tây ghi mục lục những kiểu mẫu mới nhất những thiết bị nghe lén và điều khiển vô tuyến điện từ xa, những micrô có thể thu tiếng nói ngoài trời trên một khoảng cách lớn hoặc thu thanh những đối thoại xuyên qua tường, những máy nhận tuyến và phát tuyến tiểu vi, những vũ khí tí hon và cũ kỹ không sử dụng được nhưng được ưa chuộng, chẳng hạn như những cây viết phun nọc độc và những con dao dấu dưới gót giày. Đây là một quan điểm ấu trĩ về công tác tình báo, một kho vũ khí xuất phát từ óc tưởng tượng của ông và không có giá trị nhiều để quyết định những hành động của một kẻ địch hùng mạnh có kỹ thuật luôn vượt trội những gì Cuba có thể sản xuất. Tôi cố gắng giải thích một nước nhỏ phải tìm một phương thức khác để thắng cuộc chiến tình báo và trong mọi trường hợp Liên Xô chứ không phải nước CHDC Đức là người phụ trách cung cấp cho Havana những kỹ thuật chuyên dụng. Cuộc đối thoại của chúng tôi đi vào vòng luẩn quẩn và ông càng lúc càng lộ thất vọng vì ông vốn xem tôi là anh chào hàng thiết bị gián điệp.
Vai trò của các cố vấn Xô viết được giữ hoàn toàn bí mật trong những năm đầu. Valdez không bao giờ đề cập đến họ và tỏ ra bối rối khi tôi đề nghị ông nên hỏi họ để có trợ giúp về vật liệu. Không giống người Đông Đức có thói quen mời các nhân viên tình báo Xô viết tham dự những buổi lễ xã hội quần chúng và nhấn mạnh khía cạnh hợp tác, người Cuba để cho ra rìa, có lẽ để củng cố hậu thuẫn của quần chúng cho Castro và cho họ thấy Castro điều hành mọi việc. Người Cuba muốn giữ chuyện này thật sự bí mật nên khi tôi muốn gặp một người của KGB tôi biết được tên ở Moscow, họ cố hết sức ngăn cản tôi.
Cuối cùng tôi phải lắc cái đuôi theo dõi tôi bằng cách đánh lạc hướng sự chú ý của y và bất thình lình không cho y nhìn thấy để tôi tự tìm đường đến Toà đại sứ Xô viết. Mãi sau này mối quan hệ mới bớt căng thẳng. Một lý do khác khiến người Cuba xa lánh người Xô viết là sự bất tín nhiệm do vấn đề khủng hoảng tên lửa tại Cuba gây nên. Valdez than phiền về quyết định của Krushchev tháo gỡ tên lửa hạt nhân ra khỏi Cuba nằm trong thoả hiệp để giải quyết khủng hoảng. Ông nói: “Khi sự việc xảy đến, các cường quốc chỉ nhìn đến quyền lợi của mình. Chúng ta những nước nhỏ phải gắn bó với nhau”.
Đảng cộng sản Cuba vẫn còn trong thời kỳ phôi thai, vì vậy những rạn nứt chính trị còn tồn đọng không thể nào che giấu được. Đi khắp hòn đảo, tôi nhận biết vẫn còn rất nhiều tâm tư phiền lòng dai dẳng đối với Castro và nhóm râu xồm của ông trong hàng ngũ Đảng cộng sản nguyên thuỷ và các phong trào công nhân. Phái Cộng sản kỳ cựu có khuynh hướng bất tín nhiệm việc sùng bái cá nhân Castro và cảm thấy ông cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa và một hạ tầng cơ sở xã hội rộng rãi hơn nhóm bộ trưởng hiện nay. Khi tôi trở về Havana và gặp lại Ramiro Valdez hoặc Raoul Castro, tôi thấy rõ ngay tức khắc nội dung những cuộc đối thoại của tôi ở các tỉnh đã được hồi báo cho họ. Đây là một cảm giác thú vị đối với một tay trùm gián điệp đã bỏ hết cuộc đời mình để thu thập và nghiên cứu những báo cáo như vậy về kẻ khác. Nhưng người Cuba rất thẳng thắn và không thấy xấu hổ vì việc làm này nên việc than phiền xem ra nhỏ mọn. Có một lúc Valdez nói thẳng khi đề cập đến một câu hỏi tôi đặt lúc ở vùng ngoại ô về vấn để ổn định nội bộ và kiên kết trong chính quyền Castro, ông trả lời với tất cả mọi chi tiết.
Tôi không tài nào cưỡng lại việc dùng sự luôn nghe ngóng của các bạn chúng tôi để chơi một trò tinh nghịch với họ. Một buổi tối khuya khoắt tôi trở về biệt thự thấy những đồng nghiệp đang chờ tôi với một bó hoa và một chai vodka mà họ đã đánh cắp khi quá cảnh Moscow. Họ nhớ đến ngày sinh nhật của tôi, điều tôi quên bãng vì lòng nôn nóng lên đường. Dù sao tôi không có ý định ép buộc người Cuba phải làm một buổi lễ sinh nhật rình rang, lẽ cố nhiên sẽ có những bài diễn văn dài lê thê về sức khỏe và hạnh phúc của tôi. Vì vậy chúng tôi uống một vài hớp vodka với nhau và đi ngủ. Ngày hôm sau, Umberto đã cho người điều tra và nhất quyết muốn biết về nguyên nhân của cuộc ăn mừng đêm đó. Với vẻ trịnh trọng tôi nói là chúng tôi đã thành công phóng một phi thuyền Sputnik đầu tiên của Đông Đức. Lẽ đương nhiên chỉ có một Sputnik mà thôi, và chiếc này đã được Liên Xô phóng lên không gian cách đó vài năm. Nhưng Umberto tin toàn bộ chuyện này, kêu thêm một chai rượu và vài ly uống, và bắt đầu nói dài dòng văn tự về dự án không gian của Đông Đức và nó đánh dấu – không rõ bằng cách nào – một bước tiến lớn trong mối bang giao Cuba và Đông Đức.
Nhưng có một vấn đề khác khiến cho ông thực sự ngạc nhiên: Làm thế nào tôi có thể nhận được những tin sốt dẻo này mà ông lại không biết? Tôi bắt ông thề giữ tuyệt đối kín chuyện này, tôi nói với ông là tin tức của việc phóng vệ tinh Sputnik đến với chúng tôi qua một máy vô tuyến truyền tin tiểu ly, nhỏ đến độ có thể bỏ vào trong túi và đủ mạnh để nhận những tín hiệu từ Đông Berlin. Tôi đặt tên cho thiết bị tưởng tượng này là “Gogofon” và nói cho anh chàng dễ tin Umberto biết vật này là bí mật quốc gia hàng đầu, và tôi có cái máy duy nhất trên thế giới và hiện này nó vẫn nằm trong giai đoạn thử nghiệm. Umberto thề với mạng sống mình sẽ không nói cho ai biết hết.
Anh ta cố gắng giữ lời hứa thề mình của mình trong suốt một ngày trời. Đêm hôm sau, trong một bữa cơm do ông Bộ trưởng Nội vụ thết đãi, chúng tôi bị tứ phía dồn dập hỏi về tin tức bên nhà ở Đông Berlin. Tôi trả lời chúng tôi hầu như mất liên lạc với xứ sở tại Cuba. Có một sự im lặng nặng nề và sau đó Thượng uý Pineiro bật miệng hỏi: “Còn cái Gogofon ra sao rồi?”. Tôi phải thú nhận với mọi người là chúng tôi đùa với với anh nuôi của chúng tôi, và sau đó Umberto được mệnh danh là Gogofon. Những mối liên hệ của tôi với Pineiro mỗi lúc một sâu đậm hơn với ngày tháng. Mặc dù lúc ban đầu có vẻ tài tử, cơ quan tình báo Cuba phát triển nhanh chóng và tốt đẹp.
Mối quan hệ ban đầu với sự lãnh đạo của Castro có nghĩa là tôi đôi lúc có thể dùng hòn đảo để cất giấu người. Để đáp ứng trở lại, tôi cung cấp cho Pineiro những dụng cụ nghe lén, giải mã và những dụng cụ đặc biệt về nhiếp ảnh mà ông muốn. Sau khi Salvador Allende bị ám sát tại Chile năm 1973 và chiến dịch khủng bố đanh phá cánh Tả dưới sự lãnh đạo của Tướng Augusto Pinochet, chúng tôi có thể dùng Cuba làm con đường đào thoát cho những người tị nạn Chile. Con gái của Erich Honecker lấy chồng người Chile, vì vậy Đông Đức cố gắng giúp đối lập nơi đây. Honecker tỏ ý muốn Đông Đức giúp về mặt nhân đạo cho những ai túng thiếu. Giúp Chile và các nước châu Mỹ La-tinh, nơi đây cánh Tả bị quân đội và những chính quyền cực hữu thanh lọc, là một việc giới thanh niên ở Đông Âu tán đồng. Không phải là một điều quá đáng khi nói rằng những công tác trong những thập niên 1970 đã củng cố sức mạnh của Đông Đức bằng cách bôi phết một lớp sơn uy tín cho quốc gia bị vây hãm.
Pineiro cũng kể cho tôi nghe những mẩu đối thoại cuối cùng với Che Guevara người Argentina trước khi người hùng đơn độc của nhóm du kích rút lui ra khỏi Cuba, thất vọng cay đắng vì quyết định của Xô viết kết thúc cuộc khủng hoảng Cuba bằng cách thu hồi tên lửa về nước. “Che nghĩ rằng ông có thể tái lập mô thức Cuba bất cứ ở đâu và bớt gánh nặng cho chúng tôi”. Pineiro nói: “Nhưng trường hợp của Cuba là độc nhất, và tôi nghĩ rằng chúng tôi đều biết điều này trước khi ông lên đường”.
Khi Guevara bị giết tại Bolivia năm 1967, một cô thiếu nữ người Đức tên Tamara Bunke, cùng chết với ông. Cha mẹ của cô đã di cư từ Đức sang Argentina khi cô còn bé. Cô là thông dịch viên tháp tùng phái đoàn thanh niên Đông Đức tại Havana và cô ở lại đây không giấy phép, cô yêu Che và đi theo ông trên con đường kháng chiến cuối cùng. Sự phối hợp giữa tình tứ lãng mạn và tinh thần cách mạng đã biến cô trở thành thần tượng được thiếu niên Đông Đức ái mộ.
Sau khi cô chết, phụ tá của tôi nhắc nhở cho tôi biết đã có một gặp gỡ lâu ngày đã quên khi chúng tôi đến Havana lần đầu. Đương sự đã dừng lại để nói một vài câu với một thiếu nữ trẻ đẹp mặc quân phục đứng ở cửa ra vào của Bộ Nội vụ Cuba. Đó là cô Tamara. Sau đó không bao lâu cô biệt tích với Che. Tôi đoán chừng vào thời điểm tôi đến Cuba, Pineiro đang giúp họ chuẩn bị lên đường đi Bolivia, nhưng tên tuổi của Che Guevara không hề được đề cập tới khi tôi tới Havana. Người Cuba đã tuân thủ nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất cho một công tác tình báo thành công: Không ai được biết điều gì ngoài những gì đương sự cần biết.
Trái ngược với Pineiro và Valdez, tôi nhận thấy Raul Castro điềm tĩnh, có trình độ hơn hẳn hai người này và là một nhân vật chính trị có tầm vóc. Không giống với các đồng nghiệp đầy cảm tính, ông có một viễn kiến chiến lược sáng suốt về tình thế của Cuba. Tôi chưa bao giờ nghe ông đề cập ít nhiều gì đến sự thất vọng đối với Liên Xô. Ông là người duy nhất tại đây đến đùng giờ hẹn, một đặc tính hiếm có của người Cuba. Các bạn ông chế giễu ông về sự đúng hẹn và đặt biệt hiệu ông là người Phổ. Ông bận bịu nghiên cứu lý thuyết Mác và chủ thuyết quân sự trong lúc ông lưu vong ở Mexico và hớn hở trình bày cho khách đến viếng thăm biết là mặc dù khoảng cách địa lý giữa Cuba và Liên Xô cùng Đông Âu, ông rất thành thạo về những bàn luận ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản và về kỹ thuật quân sự.
Năm 1985, từ Cuba tôi đến thăm viếng Managua, Nicaragua do lời mời của bộ trưởng bộ nội vụ Thomas Borge. Chúng tôi ăn mừng kỷ niệm sáu năm Cách mạng Sandinista và tôi rất ấn tượng về phương cách dân Nicaragua đã phối hợp thần học giải phóng, chủ thuyết nhân đạo và lý thuyết Mác để thành một phương án chính trị kiên kết của chính phủ. Tôi luôn bị khích động do năng lực cách mạng của người Cuba và Nicaragua, họ đã hy sinh rất nhiều để thay đổi xứ sở của họ. Không hề có - ít nhất vào thời đó – những lời than phiền và khiển trách kẻ khác về những bất hạnh mà tôi vẫn thường nghe ở bên nhà. Tôi ganh tị với những quốc gia đã tự mình làm lấy cuộc cách mạng, và trong thâm tâm tôi biết các nước Đông Âu sẽ luôn oán hận việc chiếm đóng hậu chiến của Xô viết, đã buộc họ phải chấp nhận những chính quyền xã hội chủ nghĩa.
Những viếng thăm đáp lễ của Cuba tại Berlin luôn luôn gây lo âu cho chúng tôi về mặt an ninh. Fidel Castro thích du lịch ngoại quốc và vì gánh nặng trách nhiệm ở trong nước mỗi lúc một tăng, ông cảm thấy thoải mái khi ông viếng thăm các nước bạn xa xứ sở. Lẽ tất nhiên thoải mái đối với người Cuba dũng cảm có phần khác với phương thức người Bắc cứng cỏi chúng tôi quan niệm. Đội phụ trách về an ninh cá nhân của Castro và phái đoàn trong lúc họ viếng thăm phải tái mặt khi nhớ lại những đêm dài họ ca hát và nhảy múa, và người Cuba có khuynh hướng làm thân với người hoàn toàn lạ - thông thường là những thiếu nữ Cuba xinh xắn đến Đông Berlin để học – và mời họ về nơi trú ngụ để vui chơi. Tôi nghe nói Fidel, ấm ức vì những nỗ lực của các anh nuôi buộc ông phải lên giường sớm, đã trèo ra khỏi phòng và tuột ống máng xối để gia nhập những nhóm liên hoan đâu đó. Sau sự việc này, chúng tôi phải tìm phương cách tốt nhất để giải trí những vị khách của chúng tôi một cách hoàn hảo hơn. Có người đã nghĩ mời mọc các cô trong đoàn vũ balê của đài truyên hình nhà nước để ve vãn và nhảy múa với khách Cuba thâu đêm đề cho tránh cho bị phiền hà. Gác những bất tiện sang một bên, mỗi khi tôi nghe đến sức thèm khát sống của người Cuba, tôi trạnh nghĩ đến cuộc sống của chúng tôi xem ra buồn tẻ hơn, chỉ biết miệt mài với hai nguyên tắc chuyên cần của người Đức bổn phận và công khó.

*

Chúng tôi cộng tác với Nicaragua ít hơn nhiều so với Cuba. Người Cuba than phiền với chúng tôi rất nhiều về sự kiện Managua lộ tin như máy sàng. Trong những ngày đầu sau cách mạng ở Nicaragua, việc tham gia trong hàng ngũ chiến đấu vũ trang được xem là một chứng điểm trung thành. Việc sàng lọc kém kỹ lưỡng trong cơ quan an ninh là một lý do giúp nhóm phản cách mạng do Hoa Kỳ đỡ đầu phát triển mạnh. Chúng tôi cố gắng tìm đối tác tại đây trong hàng ngũ những người đáng tin cậy nhất của cơ quan an ninh. Có lẽ vì tự hiểu rõ danh tiếng bế bối của mình, họ nhất quyết giữ bí mật trong lúc thương thảo với chúng tôi và nhất định đòi họp mặt với chúng tôi ngoài trời chứ không ở trong bộ tư lệnh của Bộ Nội vụ.
Đóng góp chính của chúng tôi cho an ninh của Nicaragua là huấn luyện nhân viên an ninh cho tổng thống và các bộ trưởng. Điều này đã gần như thành thủ công gia đình của Bộ Công an Đông Đức. Danh tiếng của chúng tôi về tổ chức an ninh cá nhân rất cao nên các nước ở châu Mỹ La tinh và châu Phi thay phiên nhau mời những chuyên viên của chúng tôi huấn luyện cận vệ cho họ. Chúng tôi thông thường vui vẻ đáp ứng, lòng cảm thấy nhẹ nhõm vì đã tìm được phương cách giúp các bạn đồng minh đang cần trợ giúp mà không bị lôi cuốn vào những công tác an ninh nội bộ của họ. Chúng tôi cũng cung cấp một ít kỹ thuật chẳng hạn như những trang bị rửa hình và phóng đại đặc biệt. Trái lại những trang bị chúng tôi cung cấp cho các nước châu Phi luôn luôn được bảo trì kỹ lưỡng và họ hãnh diện trưng bày khi chúng tôi trở lại thăm viếng.
Đối với Chile chúng tôi đã phải cố gắng hết sức mình. Vào lúc cuộc đảo chính Salvador Allende tháng 9-1973, cơ quan tình báo của chúng tôi không hề có đại diện tại thủ đô Santiago. Tôi đã hạ lệnh giảm thiểu nhân lực và chỉ còn giữ đúng hai nhân viên đặc vụ cách đó hai năm, mặc dù chúng tôi không hoàn toàn dẹp bỏ sinh hoạt tình báo ở đây. Đầu năm đó, cơ quan của tôi đã báo động cho Allende và Luis Corvalan, lãnh tụ của Đảng cộng sản, biết một cuộc đảo chánh quân sự đang âm ỉ, nhưng họ không thèm để tâm vì họ nghĩ rằng quân đội của Chile có cội nguồn quá ăn sâu vào truyền thống kiểm soát của xã hội dân sự để xen vào chính trị. Lời cảnh báo của chúng tôi dựa trên những thông tin từ tình báo Tây Đức, lúc đó hoạt động tích cực tại Chile và biết rõ ý định của nhóm nổi dậy và của CIA.
Trong lúc giao đấu mãnh liệt tại Santiago, một vài giới lãnh đạo của đảng Unidad Popular (Đoàn kết nhân dân) xin tị nạn tại Toà đại sứ Đông Đức. Người có danh tiếng nhất trong đám họ là Carlos Altamirano, Tổng bí thư Đảng Xã hội. Đông Berlin đã cắt đứt liên hệ ngoại giao Santiago, điều này có nghĩa là trên mặt chính thức chúng tôi không thể làm gì được để giúp họ. Nhưng Erich Honecker, lúc đó muốn nới rộng mối liên hệ song phương và ảnh hưởng của Đông Đức, quyết định giúp các đảng viên Đảng Xã hội trốn thoát. Con gái của ông đã lấy một đồng chí của Altamirana, vì vậy số phận của các đảng viên Xã hội bị bức bách có tầm quan trọng về tình cảm cũng như về chiến lược đối với ông.
Chúng tôi chuẩn bị một trong những công tác cứu cấp phức tạp nhất từ trước tới nay. Một đội ngũ bao gồm những sĩ quan giỏi nhất của chúng tôi được mau chóng phái đi từ Berlin để đến tận nơi tìm kiếm những kẽ hở trong việc kiểm soát biên phòng tại các phi trường Chile, tại hải cảng Valparaiso, và tại những con đường đi ngang qua Argentina. Từ Argentina, chúng tôi ứng biến một công tác phi thường. Các tù binh được lén lút đưa ra khỏi nước trên những chiếc xe ca có chỗ nấp, được thiết kế giống như những chiếc xe cất giấu những kẻ đào tẩu nước CHDC Đức để vượt qua Bức tường Berlin. Khi những cuộc kiểm soát bất thần trở nên gắt gao và việc này trở nên quá nguy hiểm, chúng tôi chuyển các tàu thuỷ chở hàng đến Valparaiso và lén đưa các tù binh nằm trong những bao bố lên tàu chở trái cây và cá hộp. Chúng tôi phải mất hai tháng mới đưa Altamirano ra khỏi Chile – qua Argentina đến Cuba và tiếp tục lến đường đi Đông Berlin. Công trình của chúng tôi tại Chile đã được tình báo Hoa Kỳ chú ý đến. Thương thuyết với Hoa Kỳ, Wolfgang Vogel đã thành công trong việc trao đổi Corvalan với Vladimir Bukovsky, một nhà văn và trí thức đối lập bị Xô viết giam cầm. Đối với Cuba, bài học của Allende tại Chile là một bài học đau đớn. Raul Castro kể cho tôi nghe cuộc đảo chính tại đây đã gây xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo của Havana và chương trình phòng thủ dân sự đã được mở rộng, và đương sự và Fidel ngừng không du hành chung với nhau hoặc xuất hiện trên cùng một khán đài công cộng.
Khi tôi nghĩ đến Cuba ngày nay, tôi cảm thấy lòng nuối tiếc và buồn bã, vì niềm hy vọng trước đây họ biểu tượng đã sụp đổ. Việc thăm Cuba năm 1985 đã là một bài học thực tế hai mươi năm sau khi lần đầu tiên tôi đặt chân xuống đây. Sự thiếu hụt triền miên và thất bại kinh tế khiến cho người Cuba ở khắp mọi nơi đã phải vỡ mộng. Và rồi cảm giác khó chịu nhận biết mình bị bỏ rơi và yếu kém tràn ngập cả tâm hồn. Một viên chức an ninh cao cấp than phiền: “Bây giờ ai sẽ giúp chúng tôi nếu Hoa Kỳ xâm chiếm?”. Đúng như vậy. Moscow đang phải ôm gánh nặng Afghanistan. Mikhail Gorbachev mở rộng cánh cửa ra phương Tây có nghĩa là trợ giúp thực sự cho Cuba sẽ giảm thiểu. Khi phi cơ của tôi đến gần Havana – lần này không phải ép buộc qua New York – cảm giác bất an và thất vọng xâm chiếm tâm thần của tôi. Việc thực thi cộng sản chủ nghĩa xem ra càng lúc càng xa vời và càng cách biệt với lý tưởng tôi hằng ấp ủ từ thiếu thời và mang theo nó khi tôi trở về Đức năm 1945. Có một hố sâu to lớn giữa những ước vọng của các chính trị gia - trong đó có Castro - và thực tế người dân phải kinh qua hàng ngày. Gorbachev lên cầm quyền tạo được một chút hy vọng và tôi nghĩ ngợi có lẽ sự thay đổi này ở Moscow sẽ giúp Cuba và Nicaragua tìm ra những phương thức mới để gỡ rối tình hình địa lý chính trị không mấy sáng sủa của họ đối với Hoa Kỳ.
Điều tôi không đánh giá đúng mức là đường hướng mới của Gorbachev có thể cô lập hoàn toàn Cuba và đưa đến thất bại của nhóm Sandinista tại Nicaragua. Các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Mỹ La Tinh bị dứt khoát tách biệt với Moscow trên phương diện an ninh, và lần đầu tiên điện Kreml cho thấy rõ ràng họ chấp nhận và tôn trọng vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Vào lúc Gorbachev trị vì, tôi nghĩ sự kiện này sẽ tạo nên một phong trào tự do hoá và gia tăng tự do cá nhân trong chế độ xã hội chủ nghĩa Cuba. Tôi bẽ cái lầm. Tôi thăm Cuba lần cuối cùng vào mùa xuân năm 1989, và trong thời gian này tôi bị ngập lụt trong những vấn đề của chính nước Đức và Cuba cũng gặp những vấn đề tương tự. Cả hai nước chúng tôi từ chối áp dụng chính sách cởi mở chính trị và cải cách kinh tế của Gorbachev – hai chính sách song song glasnost (trong sáng) và Perestroika (cải tổ). Trong thâm tâm tôi đầy linh cảm khi nhìn thấy những đường dài xếp hàng trước những cửa hàng chẳng có bao nhiêu để bán. Tôi không thể nào mường tượng được làm thế nào chính quyền Castro có thể tồn tại được với cảnh tượng này. Đúng là một trong những oái ăm đắng cay của lịch sử là chính đất nước chúng tôi, được các chuyên gia Đông và phương Tây đánh giá vững chắc hơn Cuba nhiều, lại sụp đổ một vài tháng sau. Erich Honecker, đã từng đưa tay của Đông Đức giúp đỡ những anh em xã hội chủ nghĩa bại trận của Chile, kết thúc cuộc đời trên đất nước này 26-5-1994, vì đã bị Moscow từ chối không cho tị nạn lâu dài.
Tôi thấy xung quanh tôi sự thất bại của lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Chủ thuyết dân chủ xã hội của Allende bị dập tan trong máu lửa tại Chile. Cơ cấu đa nguyên và những đổi mới đã từng tạo nên Cuba vào những năm sau cuộc Cách mạng và đã tạo niềm hứng khởi cho tôi cũng đã suy sụp, chỉ còn lại một chế độ độc đoán. Tôi chăm chú theo dõi với một ít đau buồn cố gắng của Castro nhằm mở rộng tự do và tái tạo động lực trong nội bộ, nhưng lại không có sự giúp đỡ ngay cả tượng trưng của Liên Xô. Chắc hẳn ông cảm thấy là người cô đơn nhất trên thế giới. Về điều này, tôi có cùng ý nghĩ với Günter Grass, một văn hào danh tiếng người Đức còn sống. Ông viết: “Tôi luôn luôn chống đối hệ thống giáo điều tại Cuba. Nhưng khi tôi ngày nay thấy chế độ đi vào giai đoạn cuối mà không có một lối thoát nào khác, ít nhất không ai ngoài Batista, do đó tôi ủng hộ Castro”.