Phê Bình nghệ thuật
Vũ trụ Phạm Tăng

 Hội họa và thi ca, hai ngành nghệ thuật có những tương quan mật thiết, nhưng hiếm hoi là những nghệ sĩ làm sáng tỏ được mối tương quan đó trong tác phẩm của mình, từ Vương Duy.
Họa sĩ Phạm Tăng vào thơ, theo lời ông "chỉ để trò truyện tâm sự với mình". Ông làm thơ tài tử. Sau hành trình hội họa dài của một họa sĩ Việt Nam, gây nhiều tiếng vọng bên trời Tây, tập thơ Phạm Tăng đầu tiên ra đời, như một món quà muộn.
Thơ kèm phụ bản: hai bức tranh tiêu biểu Phạm Tăng, tượng trưng quan niệm sống và sáng tạo nghệ thuật. Bức thứ nhất, họa sĩ đặt tên là Vũ Trụ, và bức thứ nhì, xin tạm gọi là Hữu Hình Vô Thể.
Người đọc sẽ không tìm thấy ở thơ Phạm Tăng những khám phá mới lạ về hình thức. Ông nói những chuyện đã cũ, cũ như trái đất, như hành tinh, như vũ trụ, như hạt cát, hòn sỏi, con người. Nhưng thơ ông có những tia "mắt sao" dõi buồn về một cố nhân xa:
  Quê nhà từng mảnh con con
  Khâu khâu vá vá đã mòn đường kim.

°

Thơ ông vẽ con đường nghìn trùng hải lý về những chuyến đi "nửa phiêu lãng, nửa lưu đầy". Không hành khách. Không hành lý. Không cả con người:
  Hành trang đến cả linh hồn cũng dư
Hành trang hữu cơ và tâm cơ không cần thiết, nhưng hành trang thơ có họa. Họa làm sáng thơ và thơ khơi mạch cho họa. Cả hai giao ứng trong đồng thuận và nghịch lý như một trắc họa nghiệm sinh những triền miên trăn trở của con người: Từ cái không đến cái có, cái riêng đến cái chung, cái hữu hình đến cái vô thể.
Từ niềm đau riêng của một Phạm Tăng lưu vong gần trọn cuộc đời, toát ra cái đau chung của cõi người lưu vong trong chính bản thân mình. Từ nỗi đau riêng của một mối tình đứt đoạn, rạng nở bình minh những mối tình miên viễn, thực thụ hiện hình sau cái chết. Những đối cực ấy, Phạm Tăng thể hiện song song trong họa và thơ. Dường như trong thơ đã có họa và trong họa đã có thơ như lời Tô Ðông Pha nói về Vương Duy ngày trước.
Phạm Tăng họa như thế nào?
  Xé mây làm vải vẽ
  Chấm mực nghiên mặt trời
"Ngông" thì vẽ thế. "Tuyệt vọng" vẽ rằng:
  Năm đầu tay xé rách không gian
 Về bức tranh Vũ Trụ, Phạm Tăng đề:
  Trông lên thiên thể bao la
  Nhìn vào sâu thẳm trong ta mịt mùng
  Xác thân: vạch nối đôi vùng
  Khoát tay một nét: cuộn vòng càn khôn.
Một vũ trụ ngông trong thơ, trong họa, trong chuyển động và tư tưởng. Ngoảnh lên nhìn tranh, người xem không biết tranh minh họa thơ hay thơ phụ đề tranh. Cả hai tạo thành một chủ đề, một cơ cấu, một càn khôn ngông, thách đố giữa con người và vũ trụ, giữa cái nhỏ vô song và cái lớn vô cùng.
Hội họa Phạm Tăng khởi hành từ những vi phân, vi bản, từ những nguyên tử, những tế bào của sự sống để đi đến cái vĩ mô trong vũ trụ phổ quát. Tất cả vận hành trong không gian thiên di, thời gian biến động: Dòng đời cuồng lưu, vũ trụ càn khôn. Giữa cuồng và càn, con người truân chuyên, vận chuyển, bức tranh Hữu Hình Vô Thể, phác họa hành trình của luân hồi:
  Trăm ngàn vạn ức cái ta
  Chết trong lúc trước thành ta lúc này
  Ngừng đây nhưng vẫn vần xoay
  Nằm đây nhưng vẫn tung bay khắp trời
Ở Phạm Tăng, người đi trong vũ trụ như một tinh thể, như tế bào vận hành trong da thịt, và như con người luân hồi trong dĩ nghiệp tử sinh truyền kiếp:
  Ði từ đâu? Ðể về đâu?

°

Trong vị trí thiên di ấy, con người tự bản chất đã mang dư vị "lưu vong"
  Ði hoài sao? Liệu có chăng đường về
  Ðêm đêm ngẩng mặt tìm Quê
  Hỏi thầm sao rụng sao về nơi đâu?
Lạc loài trong vũ trụ càn khôn, trạng thái lưu vong gắn liền với số phận, vận mệnh, trở thành một định mệnh, một thiên thể, một hằng sáng. Trước Phặm Tăng, Thanh Quan đã "lưu vong" trên đất nước: Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc. Cùng Phạm Tăng, Ðặng Ðình Hưng đã sống "lưu vong" trong quản thúc suốt đời: Những chiếc va-li cứ về bến lạ. Lưu vong, do đó, đối với nhà thơ không phải chỉ là sự "ra đi" hiện thực và lý tính, mà còn ẩn những viễn du trong tâm linh, trong nội tại:
  Nghe trôi, không biết trôi mình về đâu.
Về "lưu vong", người Việt hải ngoại đã tốn nhiều giấy mực, bàn cãi, sáng tác... Nhưng mấy ai viết được ngắn gọn và sâu xa như thế?
  Nửa trời nửa nước chênh vênh
  Thấy mình trôi giữa mông mênh: cũng mình
Lưu vong, đối với Phạm Tăng, dường như không những là sự vận chuyển con người trên trái đất, trong không gian tinh cầu, mà còn là hành trình du lịch trong thời gian, từ thuở sơ sinh đến lúc bạc đầu: Lang thang khắp mặt địa cầu.Thịt xương: áo đã ngả màu hoàng hôn. Với người lữ hành đặc biệt ấy, những chuyến đi ngoài trùng lấp những chuyến đi trong: Chỗ đâu chứa cả thế gian trong lòng.Với người lữ hành đặc biệt ấy, đi nhiều, bụi trần đã ngấm vào lục phủ ngũ tạng: Trong ta cũng bụi, rũ hoài chưa ra. Ði mòn, đi mãi, nhưng sau mỗi hành trình hỏi rằng: Chép lại gì chăng? Một chữ: Không. Thế còn tranh? Vẽ bao nhiêu mộng không đầy khoảng không.
Và như thế, hư vô trở thành định mệnh thứ nhì mà người nghệ sĩ đem vào cuộc sống lưu vong trường cửu của mình:
  Thôi chuyến đi này, đi tay không
  Tội chi tay xách với vai gồng
  Thịt xương trút gánh hành trang nặng
  Xóa cả linh hồn: con số không
 .....
  Không cái tôi này, không xác thân
  Không sau, không trước, chẳng xa gần
  Không đi, không đến, không còn mất
  Vũ trụ và tôi, một, bất phân
Tại đây, vũ trụ quan và nhân sinh quan của người thơ, người họa đã giao hòa thành một khối hư vô:
  Soi gương, bóng ảnh, bóng mình... đều không.

°

Phạm Tăng gặp gỡ lưu vong trong định mệnh, trở thành bạn đời, nẩy sinh quý tử: cô đơn. Cô đơn là "thế hệ thứ nhì", là con đẻ của nỗi đau thơ và họa. Và là bản thể của sáng tác:
  Sống cô đơn, chết một mình
  Trí tâm thác loạn -  xác hình quặn đau
  Xé từng chữ - nghiến từng câu
  Xoáy từng nét bút, khoan sâu từng lời.
Niềm đau của họa sĩ không còn là nỗi đau trừu tượng nữa, mà đã trở thành vật thể, một kết tinh máu thịt, xương da, toát ra từ tinh lực của cây cọ, ngòi bút: Ðục sầu, khoét khổ, đầu tay. Từ hoàn cảnh riêng tư của tác giả, nỗi đau trở thành một sinh linh, có tâm thức, tri thức và hành động. Nỗi đau tự tạo: Trăm năm khơi một nguồn đau tự mình, trở thành đời sống thứ nhì, hướng về căn cước của sáng tạo: cái chết.
  Ði vơ vất giữa đêm trường ngơ ngác
  Tìm xương thịt để trở về nhập xác
  Ta rùng mình hun hút gió tha ma
  Trong mê cuồng ta gặp chính hồn ta.
Ðã Hàn Mạc Tử, rồi một Ðinh Hùng, giờ đến Phạm Tăng, kết tinh niềm đau đến mức thượng thừa, thác loạn:
  Ôi Thượng Ðế! Tôi vô cùng đau khổ
  Sao sinh tôi cùng một thuở sinh em.
  Thổi linh hồn, cát bụi chắp nên duyên
  Yêu tuyệt đối, nên căm hờn vĩnh viễn.
Từ sự cách biệt âm dương, xa lìa thân xác, phát xuất niềm đau. Tuyệt đối. Edgar Poe. Nhưng cũng chính từ niềm đau tuyệt đối đó, người nghệ sĩ khám phá chân lý. Chân lý lóe sáng như một trực giác, một niết bàn, một Poe-Phật:
  Anh chợt hiểu ra
  Mộ cũ ngày xưa
  Chỉ là nơi em trút bỏ thân hình
  Ðể sát nhập vào anh
  Kết tình thương làm một.
  Chết có nghĩa là thay hình bỏ lốt
  Cho tâm linh nhẹ gánh thịt xương
  Hình hài ta nay là cát bụi vướng trên đường
  Làm mờ ám chân tâm thanh khiết.
 .......
  Giũ thân xác để linh hồn hợp nhất
  Em còn đây
  và sát nhập trong anh...
Sự thức tỉnh kể như toàn diện, vì từ nay, không cần tìm nữa: em chính là Tâm, mà Tâm chính là em: Ði tìm đâu nào biết ở trong Tâm? 

°

Sự thức tỉnh không chỉ ở mức độ âm dương sát nhập, giao hòa, mà còn đến cả với vũ trụ vi tinh, vi thể. Hình ảnh giao duyên "mắt sao" lạ và đẹp. Họa sĩ lồng sao trong mắt, lồng mắt trong vũ trụ, tỏa cái nhìn phổ quát, hòa đồng tinh thể và con người, hòa con người với bao la vũ trụ. Trong bối cảnh tâm - thân - vũ - trụ hợp nhất, không rõ đâu là vật thể, đâu là khách thể. Tất cả bật ra một dấu hỏi: Sao? Âm vang phiếm định, hư vô, huyền bí, mà chung nhất, bởi trong - ngoài - có - không, từ thuở tiên thiên vẫn chỉ là một:
  Tưởng đâu vũ trụ vô hình
  Cớ sao thao thức như mình trắng đêm?
  Vòm cao thăm thẳm vô biên
  Có sâu hơn chốn u huyền trong ta?
  Trong ngoài - cách một lần da
  Sao hơi thở vẫn chan hòa chuyển thông?
  Bên ngoài lẫn với bên trong
  Mắt sao hay mắt mình trông lại mình?
  Ta - sao, đồng cảm đồng tình
  Cả hai chung một cái mình bao la.
Tuy nhiên sự xác định không có trong thơ. Thơ chỉ là phiếm định và những dấu hỏi. Người nghệ sĩ đặt những câu hỏi từ đầu đời đến cuối đời. Không lời giải đáp.
  Khi chưa xương thịt, nơi nào ngụ?
  Ðến lúc tàn tro, có chốn bay?
Mà nghệ thuật cũng chỉ là một dấu hỏi. Nói thế không sợ phật ý Phạm Tăng, bởi chính nhà thơ báo trước với chúng ta:
  Những lời thơ, thực là thơ
  Chưa từng viết, chẳng bao giờ viết nên
  Như lời nguyện ước không tên
  Ở ngoài sự vật, bên trên cuộc đời.
Phải chăng đây là một trong những định nghĩa sâu xa nhất của thi ca nói riêng, và của nghệ thuật nói chung? Mà chỉ những nghệ sĩ đã "xoáy từng nét bút" "khoan sâu từng lời" mới cảm thấy những mịt mùng, bấp bênh, chênh vênh, vô thường trong sáng tạo.

Paris tháng 7-1996