ở bên dưới lầu Mỵ Châu, Gái hầu đang nằm ngủ thiếp đi. ánh sáng xanh mờ, huyền ảo. Trai hầu từ từ đi vào, khẽ đập vào tay Gái hầu. Trai hầu: Gái hầu này! Gái hầu! gái hầu (Mở mắt): ại! Trai hầu vẫn sống à? (Vừa vui mừng vừa kinh ngạc) Trai hầu: Thần núi đã cứu tôi sống lại vì Gái hầu muốn vậy phải không? gái hầu (Ngồi dậy, xúc động): Phải! Trai hầu: Tôi sống lại, tôi thấy sướng hơn lần sống trước, tôi cũng thấy quý Gái hầu hơn trước. Gái hầu: Nhưng Trai hầu khoan ra mắt đã! Họ sắp đi rồi. Họ mà biết Trai hầu sống lại, họ sẽ xin nhà vua cho Trai hầu cùng đi đấy.Trai hầu: Chết thì chết, tôi cũng chẳng thèm đi. Tôi chỉ cần được sống gần Gái hầu thôi. Tôi sẽ xin nhà vua cho tôi đi đúc tên với người học trò giỏi nhất của tướng quân Cao Lỗ. Gái hầu: Đúng đấy. Nhưng đợi họ đi rồi Trai hầu hãy ra mặt. Trai hầu: Tôi vừa được sống lại là tôi đến gặp ngay Gái hầu. Tôi chết lại thấy nhớ Gái hầu gấp trăm lần. Gái hầu có nhớ tôi không? Gái hầu: Có! Nhớ và khóc một mình luôn đấy. Trai hầu: Từ nay thì chúng ta được sống gần nhau rồi (Cầm tay Gái hầu). Nhưng này, chúng nó về rồi chúng nó có sang lại không? Gái hầu: Sang lại chứ! Trai hầu: Không sợ nhà vua, tôi sẽ giết hết cả hai đứa để trả thù. Nhất là thằng Sư phó. Chính nó đã lập đủ các thứ mưu để giết tôi và đổ tội cho tướng quân Cao Lỗ. Gái hầu: ại! Bây giờ mà được gặp tướng quân Cao Lỗ thì không gì sướng bằng! Trai hầu: Muốn gặp thì dễ thôi! Kìa tướng quân đang đến! (Cao Lỗ hiện ra thật... Cao Lỗ từ từ đi lại cạnh Trai hầu, Gái hầu. Cả hai chạy đến ôm lấy chân Cao Lỗ) Cao Lỗ: Bác mừng cho hai cháu đã gặp lại nhau... Nhưng này, Gái hầu ơi, sao cháu không biết gì cả thế? Gái hầu: Thưa bác gì ạ? Cao Lỗ: Chúng nó thừa lúc nhà vua đi săn mà lấy cắp cái lẫy thần của nhà vua rồi! Gái hầu: Làm sao chúng lấy cắp được thưa bác? Cao Lỗ: Việc gì mà chúng không làm được! Gái hầu: Bác biết có chắc không? Cao Lỗ: Là bác đoán như vậy và chắc đúng như vậy. Gái hầu: Nhưng cháu thấy nhà vua đối xử với chúng không có gì khác. Cao Lỗ: Nhà vua có biết là bị nó lấy cắp đâu! Gái hầu: Phải làm gì bây giờ thưa bác? Cao Lỗ: Ta sẽ cho người chặn đường nó, và ta sẽ đích thân cải trang làm kẻ cướp để cướp lại cái lẫy thần cho vua. Gái hầu: Vậy thì bác cho hai cháu cùng đi với. Mà phải đi ngay đi bác ơi! Canh tư này chúng đã lên đường rồi! Cao Lỗ: Bác biết! Cháu đừng lo! Nhưng bác hỏi cháu điều này. Cháu không hề nghi ngờ gì chuyện chúng nó có thể lấy cắp lẫy thần à? Gái hầu: Thưa bác có chứ ạ! Cao Lỗ: Có! (Hừ). Vậy tại sao cháu không cho người chạy lên báo cho bác biết? Gái hầu: Cháu định đi báo tin cho người học trò giỏi nhất của bác, nhưng không đi được. Công chúa buồn vì người kia họ sắp đi nên cứ giữ cháu ở bên cạnh. Cao Lỗ: Phải tìm hết mọi cách mà đi chứ! Sao không thừa lúc công chúa ngủ mà đi! Gái hầu: Lúc đó thì lại sợ lính canh họ không cho đi! Cao Lỗ: Nghe cháu nói bác buồn lắm! Bác giận nữa! Bác giận thật đấy! Nếu không ai báo cho bác biết, bọn nó lấy mất lẫy thần, thì liệu vua ta, dân ta có còn giữ được thành, giữ được nước nữa không? Gái hầu: Cháu xin bác tha lỗi cho cháu. Trai hầu: Thưa tướng quân, bây giờ thì chúng cháu xin làm để bù lại tội. Cao Lỗ: Làm gì? Trai hầu: Chặn đường bọn nó, lấy lại lẫy thần. Cao Lỗ: Vậy thì đi nhanh đi! Kìa có tiếng trống đồng tiễn chúng nó lên đường kia rồi! (Tiếng trống đồng rền như sấm. Đèn tắt một giây rồi sáng lại, sáng trắng, sáng thật. Không huyền ảo như trước. Gái hầu vẫn đang nằm ngủ thiếp như lúc mở màn bỗng vùng dậy ngơ ngác nhìn quanh). Gái hầu: Cao Lỗ tướng quân và Trai hầu đi đâu cả rồi? (Giụi mắt nhìn quanh) Hóa ra chỉ là chiêm bao! (Đau khổ) Tướng quân ơi! Trai hầu ơi! Sao chẳng ở thêm lúc nữa! (Đứng dậy bỗng nghe tiếng mõ từ xa vọng đến. Ba hồi mõ dài, sau mỗi hồi lại gióng lên ba tiếng). Chỉ mới canh ba thôi. Còn một canh nữa thì chúng nó ra đi... Ta phải làm gì bây giờ! Tướng quân Cao Lỗ có vẻ giận ta lắm. Bác ơi, cháu xin nghe lời bác, cháu sẽ đi rủ người học trò giỏi nhất của bác cùng cháu lên báo tin cho bác biết ngay bây giờ. Phải chặn đường chúng lại! Phải giành lại lẫy thần! Cháu đoán chắc là đã có sự không hay xảy ra. Nó đã biết nhà vua mà đi săn thì để lẫy thần ở nhà, mà để ở nhà thì thế nào nó cũng tìm cách lấy trộm. Đêm thì dài. Từ lầu nó sang lầu vua thì ngắn. Chúng nó là người nhưng như ma, như quỷ. Mà nếu chúng nó không ăn cắp, chưa ăn cắp được thì càng tốt chứ sao! Cứ chặn đường, cứ lục soát cho kỹ là rõ ra hết. Có tay Cao Lỗ tướng quân thì mọi việc sẽ đâu vào đấy. Trời! Trai hầu! Được Trai hầu sống lại thật để cùng đi với tôi (Nhìn ra xa như tưởng nhớ cái giây phút vừa gặp Trai hầu) Trai hầu hãy phù hộ cho tôi làm xong việc nhé! (Đổi nét mặt) Phải đi ngay lập tức bây giờ. Công chúa có thức dậy gọi thì cũng mặc công chúa. Bây giờ chỉ có mỗi một việc này thôi: Phải gặp ngay tướng quân Cao Lỗ! (Đi dép cỏ vào chân và nhanh nhẹn bước ra. Màn ngoài kéo lên.Cảnh làng xóm hiện ra. Một cái chòi canh. Người đánh mõ đang chuẩn bị ra về thì bà cụ xách cái ấm nước đến. Trời sáng) Người đánh mõ: Chào bà cụ! Bà cụ lại xách ấm nước đến chỗ tướng quân Cao Lỗ đấy à? Bà cụ: ừ! Nhưng ông Cao Lỗ còn ở đấy nữa đâu! Từ bữa vắng ông ấy, tôi cứ thấy buồn héo cả ruột. Sáng nào tôi cũng muốn đến ngay chỗ ông ấy cho đỡ nhớ. Đến đó, lại thấy nhớ hơn... (Thở dài) Người đánh mõ: Bây giờ ai trông nom việc đúc tên đấy hả cụ? Bà cụ: Vẫn người học trò giỏi nhất của ông Cao Lỗ đấy. (Sực nhớ ra điều gì) à, có phải chúng nó đã kéo nhau đi từ lúc đầu canh tư không hả anh mõ? Người đánh mõ: Đúng đấy cụ ạ! Chúng nó kéo đi, cháu thấy vừa nhẹ cả người mà vừa lo... Vả lại cũng tức trong bụng! Mỗi lần về, chúng nó lại chẳng khuân mất của mình bao nhiêu của quý ấy à! Bà cụ: Chúng nó kéo về rồi chúng nó lại kéo sang đấy thôi! Đừng có chơi bời, lui tới gì với lũ quỷ chúng nó thì tôi mới mừng được. Chúng nó trước thế nào, nay thế ấy, tôi nói không sai đâu mà! Người đánh mõ: Nghe nói mấy bữa nay công chúa buồn lắm vì sắp phải xa phò mã (Giọng mỉa mai) Bà cụ: Người nó đẹp, con gái, đàn bà dễ mê lắm. Nhưng cái bụng của nó chỉ chứa toàn cái ác, mà có ai biết đâu... Người đánh mõ: Bà cụ nói vậy tức là bà cụ biết chứ! Bà cụ: Biết thì cũng chịu. Này nó có mang gì về bên nước nó không? Người đánh mõ: Chúng nó có mang thì mang của quý. Mà của quý thường lại bé nhỏ! Không cồng kềnh. Còn cái quý hơn hết thì lại to quá, chúng nó làm sao mang nổi. Bà cụ: Cái gì vậy? Người đánh mõ: Thưa cụ, tôi muốn nói cả cái đất nước mình đây này. Chúng nó có cướp được thì cũng để ở đây mà gậm thôi. Bà cụ: Thách chúng nó đấy. Chúng nó có muốn cướp cái đất này thì cứ để xác lại đã! (Có tiếng vó ngựa xa xa) Người đánh mõ: Có bóng hai người đang phi ngựa! Bà cụ: Ai vậy nhỉ? Người đánh mõ: Một trai, một gái cụ ạ! Mà lại phi về hướng chúng nó vừa kéo đi. Bà cụ: ừ! Đúng như vậy thật! Kìa gà đã gáy canh năm rồi, anh gióng mõ lên. Tôi phải đến nhà tướng quân Cao Lỗ kẻo anh em họ chờ. Người đánh mõ: Tôi đánh lần mõ này để báo cho xa gần được biết là đêm đã qua nhưng cũng để báo là trong đêm nay có nhiều chuyện xảy ra. Chuyện chúng nó kéo về nước, chuyện có hai người phi ngựa đuổi theo... Làng nước hãy nhớ mà đợi xem rồi ngày nay, đêm nay sẽ xảy tiếp chuyện gì. Rồi cần làm gì thì phải sẵn sàng. LạY trời cho dân Phong Châu này, đất Phong Châu này ai gặp điều không may cũng chỉ như cơn giông kéo đến rồi tan đi... Trời sắp sáng thật rồi. (Giơ cao tay đánh ba hồi mõ dài, rồi tiếp theo là năm tiếng lẻ cuối hồi)