Chương 8

Tôi làm món xúc xích chiên tỏi, hâm nóng nồi súp đậu, nấu nồi cơm chuẩn  bị bữa ăn trưa. Ăn xong tôi ra ngoài vườn làm cỏ. Thật ra không cần phải làm  lúc này, tôi muốn quên đi việc mới, làm vườn chốc lát cho tinh thần được thư giãn.
Tôi cũng không thể nhớ lại Bonita Edwards mà quên đi được hình ảnh nàng  đang khóc lóc. Cái chết đau thương của con bé gợi cho Regina thêm căm tức.
Tôi định bàn tình với Regina một khi đã tìm hiểu kỹ công việc bên Sở cảnh  sát đề nghị.
Bỗng tôi tự hỏi vì sao bọn da trắng đổ xô vào nhà tôi một cách khác thường  để bắt tôi đi?
Trước đây, tôi đã từng là công chức ở tòa thị chính, lúc đó công việc thường  được mời ra ngoài phố. Tôi đến trước, ngồi chỗ ở ghế đá trong khi họ ăn mặc  chải chuốt xong mới ra tới. Có khi tôi được mời tới bót cảnh sát hăm họa đủ thứ rồi mới bàn đến công việc. Nhưng chưa bao giờ họ kéo nhau cả đám tới nhà.
Tôi mong gặp được Quinten Naylor hay là một bạn đồng nghiệp da trắng,  nào ngờ tôi được gặp gỡ những nhân vật quan trọng, còn hơn cả con bé da trắng  bị giết chết. Mà sao lại là nạn nhân nữ nếu không phải là những bà mẹ ngây ngô  bị chồng cưỡng hiếp ngay trên giường, thì luật pháp đâu có làm rùm beng cả lên.
Ăn xong một bụng tôi vẫn còn thấy đói. Nốc luôn một hơi ba ly rượu  bourbon, tôi mới thấy êm bụng. Có rượu vô người ta quên đi cái nóng nực.

• •
Đúng một giờ rưỡi trưa tôi bắt đầu đi. Tôi mặc trên người bộ quần áo màu  xám, ve áo màu đỏ thẳm, mang giày da lật. Tôi lấy làm thích thú vì vừa tậu  được chiếc Chryler mới cáu cạnh. Tôi chạy xe rong trên đường phố như một  chiếc du thuyền lượn qua những con kênh đào trong nước.
Ở phố Chín – Ba và Hooper có một thư viện, bà Stella Keaton là thủ thư. Tôi quen bà đã lâu, bà là người da trắng quê ở Wisconsin. Chồng bà chết do đau tim lúc ba mươi bốn tuổi, hai đứa con chết trong vụ hỏa hoạn năm sau đó. Một năm  sau người em là Horton ốm nặng, ba tháng sau thổ huyết chết trên tay bà. Bà chỉ còn mỗi người thân là ông anh cả làm việc ở SanDiego, một căn cứ hải quân đã  hơn mười năm. Mất việc ông trở về ở Los Angeles. Bà Keaton gặp hoạn nạn,  ông cho bà ở chung.
Hiện tại bà Keaton chỉ còn nơi ở là chi nhánh sách ở phố Chín – Ba. Bạn đọc  đến đây bà coi như con cháu người thân trong nhà. Nếu bạn là người đọc  thường xuyên, bà làm bánh tặng ngày sinh nhật, giữ những cuốn sách bạn thích đọc dưới gầm bàn làm việc của bà.
Tôi với Stella cùng vần tên, nàng may mắn hơn có được chỗ làm. Cái không  may của tôi là Stella vừa xinh đẹp lại vừa là người da trắng. Nàng kiếm một chỗ làm ưu tiên người da trắng. Là một tín đồ cơ đốc giáo, Stella tôn thờ Shakespeare như một vị thánh. Với tôi điều đó vô nghĩa; nàng thì biết gì về những câu chuyện dân gian được truyền bá mấy thế kỷ nay? Có biết gì về thứ ngôn ngữ thường ngày của chúng tôi.
Tôi thường nghe nàng chỉnh những câu nói của bọn trẻ “đừng nên nói “I is”,  nàng hay nhắc “Nên nói là I am”.
Quả nhiên nàng dạy đúng. Bọn trẻ da đen được nghe một cô giáo da trắng  chỉ cho cách đọc đúng vần điệu, bây giờ chúng (bọn trẻ) mới tin là phải từ bỏ thứ ngôn ngữ bấy lâu nay, cả những câu chuyện kể để học theo ngôn ngữ mới  văn minh hơn. Trước kia, bọn trẻ có thể nhầm lẫn Waller là Mozart, Remus là  Puck còn giờ đây bọn chúng được hòa nhập vô thế giới của những người dân da  trắng có ngôn ngữ riêng. Cho dù sách của Dickness và Voltaire không có hay cỡ nào bọn trẻ cũng không tìm ra một mô hình như trong ngôi nhà này – chỗ thư viện. Chuyện này tôi và Stella đã đem ra bàn cãi từ trước. Nàng nhận ra ngay  nhưng khi nghe tôi kể những câu chuyện tục tĩu của bọn đầu đường xó chợ như là câu chuyện của nhà thơ Chaucer thì nàng nhăn mũi, lắc đầu ngay. Nàng biết  tôn trọng người đi trước. Những người dân da trắng biết điều nhất được chọn để khai hóa bọn dân da màu. Cho dù có tử tế như bà Keaton, thì đó cũng là mẫu  người hoàn toàn xa lạ với quan điểm chúng tôi.
“Chào ông Ezekiel”, bà Keaton cất tiếng.
“Stella”.
“Thằng nhóc Jesus ra sao?”.
“Nó khỏe, khỏe lắm”.
“Thứ bảy nào nó cũng tới đây, nó muốn được giúp đỡ hơn là đọc sách,  nhưng cũng đã có tiến bộ. Lâu lâu, tôi tới gần bên thấy nó đang gắng đọc một  mình”.
Bác sĩ chẩn đoán thanh quản nó không có vấn đề gì đáng lo, vẫn có khả năng  nói được như là người bình thường.
“Nó sẽ nói được tốt thôi”, tôi nói. Vậy là yên chí còn hơn là nói nhiều.
Bà cười để lộ cả phần lợi bóng loáng như xà cừ. Bà Keaton nhỏ người, dẻo  dai, mái tóc cũng một màu như bà Gabby Lee. Nhưng bà Keaton thì như trong vỏ chai, còn bà Gabby thừa hưởng từ cuộc xung đột do người da trắng phát động đối với phụ nữ da màu từ mấy thế kỷ trước.
“Bà còn giữ báo ra hai tháng trước chứ, Stella?”
“Có đây. Báo Times và Examiner”.
Bà dẫn tôi vào trong căn phòng phía sau có đặt chiếc bàn rộng rãi, bên trong  một mùi giấy bảo cũ trên kệ chất đầy các thứ báo tôi cần đọc.
Đây là những tờ báo đăng tải nhiều tin tức mà Naylor đã kể cho tôi nghe  trước. Tin tức đăng tải ở trang cuối không có chứng cứ nào liên quan đến tội  phạm.
Chưa tìm thấy tung tích hai nạn nhân Willa Scott và Juliette Le Roi ngay sau những ngày xảy ra vụ án. Trước tiên cả hai làm nghề phục vụ quán bar. Nhưng  hiện tại Willa thất nghiệp.
Bonita Edwards đang còn phục vụ cho một quán bar ngay trong đêm xảy ra  vụ án. Nàng có uống rượu trước đó và còn nói chuyện với khách. Nhân chứng  kể lại đã nhìn thấy nàng ra về một mình. Vậy thì chẳng có gì đáng nói, nàng có  thể hẹn hò với mấy anh chàng đã có vợ mà không cần nghe lời đồn đại về hành  vi của hắn và có thể hẹn hò với một tên sát thủ mà không ai biết mặt.
Tôi gom góp mấy chuyện đồn đãi tin tức đăng trên báo, và những chuyện kể về Robin Garnett.
Chuyện Robin Garnett không có gì đáng nói. Nàng sống chung với cha mẹ ở phố Hauser, tây Los Angeles. Cha nàng là một công tố viên tòa án thành phố,  mẹ làm nội trợ. Robin hai mươi mốt tuổi đang học đại học UCLA năm thứ hai.  Nàng vừa đi du lịch một chuyến Châu Âu về và còn tiếp tục theo học.
Nàng rất xinh đẹp (Robin là nạn nhân duy nhất đăng ảnh trên báo). Tóc nàng  đỏ hoe,miệng cười có duyên mặn mà (theo như nhận xét của cha mẹ nàng).  Nàng chải tóc ngược ra sau, thẳng nếp. Nàng mặc chiếc áo bờ lu cài nút vạt  trước, không sót một hột. Nhìn tấm ảnh chụp để cha mẹ của nàng lưu trong sổ học bạ, không thấy có một dấu điềm báo hiệu trước chẳng lành.
Báo không nói vì sao nàng lại là nạn nhân thứ tư, tiếp theo sau ba vụ kia nạn  nhân là con bé da đen. Cho dù muốn bổ sung thêm một nạn nhân người da trắng  trong chuỗi vụ án giết người đi nữa, thì tại sao thủ phạm giết chết ba con bé làng  chơi rồi mới tính tới lượt nạn nhân là nữ sinh?
Tôi bước vội ra ngoài đường phố, đầu óc rối mù.
“Ông tìm được bài báo đó chưa, Ezekiel?”.
“Chưa, Ờ, tôi… tôi lắc đầu. Nghe nói vậy bà nhíu mày lại, ý bà muốn sửa  lưng phải nói cho đúng “Dạ có”…

• •
Quán bar John Mc Kenzil hoạt động đã mấy năm nay. Gã bày thêm tám quầy, một cái bếp phục vụ ăn tối và thuê một tay bếp trưởng chuyên làm món  bít tết xà lách. Trang trí sân khấu chơi nhạc blues và Jazz. Thuê ba anh em phục  vụ quầy, chạy bàn sân khấu.
John còn một quán ba Targets nữa giao Odell lo kinh doanh. John không có  giấy phép mua bán rượu, nên nhờ một tay khác đứng tên. Odell được giao quản  lý quán bar. Tính lão dễ chịu, kém hai tuổi đầy lục tuần, lão hơn tôi tới hai mươi  hai tuổi.
Odell đang ngồi ở quầy phía sau dãy bar nhấm nháp ly bia, trên tay là tờ Sentinel – nhật báo lớn nhất của dân Negro ở L.A. Ba năm nay, tôi với lão  không hề nói chuyện, tôi cảm thấy xót xa phải bỏ mất một người bạn tốt. Nếu  bạn là tay nghèo rớt mồng tơi ở giữa cái xã hội này thì bạn phải cọ xát với bao  nhiêu hạng người, khó khăn lắm mới kiếm đủ ăn. Và phải va chạm thường  xuyên với bọn con gái nhà nghèo như chính bản thân mình.
Những lúc tùng quẫn tôi thường đến gặp Odell nhờ vả. Làm sao tôi biết  trước chuyện ngài mục sư chết? Làm sao tôi có thể trách lão thù ghét tôi?
“Kìa Easy”, John cất tiếng chào.
Nước da hắn ngăm đen đanh lại lạnh lùng.
“John, cho tớ một ly Johnnie Walkie nhỏ!”.
Hắn rót rượu, tôi hỏi: “Cậu nghe tin mấy con bé phục vụ quán bar bị giết  chưa?”.
“Tớ biết quá đi chứ, Easy, biết rõ từng đứa một”.
Chợt tôi liên tưởng đến Bonita Edwards. Tôi hớp một hơi, cạn nửa ly rượu.
“Biết cả à?”.
John nhìn tôi, gật đầu.
“Cả con bé Robin Garnett?”.
“Tớ chả biết con bé nào là Robin, chỉ thấy có tấm hình đăng trên báo một  con bé da trắng. Chính là Cyndi Starr không thể nào nói tầm bậy được”. Gã liếc  nhìn chiếc ghế trần chỗ tôi đang ngồi, có thể bữa đó con bé có vô đây. “Ờ,  Cyndi – biệt danh Bướm Trắng”.
“Cái gì?”
“Tên nó trên sân khấu, nó hành nghê thoát y vũ, khiếp lắm”.
“Cậu đặt tên nó là Cyndi Starr à?”.
“Tên thật đấy, nghe mọi người gọi nó vậy. Mấy con bé da trắng làm rùm  beng cả lên, bọn chúng đã bàn tán chuyện gì đó rồi con bé mới bị giết”.
“Cậu chắc chứ, John? Báo đăng tin con bé đang học cao đẳng ở phố Tây L.A, còn ở chung với cha mẹ”.
“Tớ có coi báo, nhưng báo thì chắc gì đã nói đúng. Nếu còn đi học, không lẽ nó học cách lột hết quần áo cho bọn đàn ông xem, và nếu còn ở chung với cha  mẹ thì nhà ở xung quanh xóm Hollywood Row kia?”.
“Cậu biết nó còn ở tại đấy?”.
“Ơ – hơ, ngay trong xóm Hollywood Row, tớ làm sao biết hết.
“Vậy hả?”.
“Còn con bé Juliette Le Roi, tối hôm đó tôi có thấy nó vô quán bar Aretha  rồi sau đó bị giết”.
“Tôi biết chuyện nó đánh nhau với bọn con trai. Con Baxter kể lại, bọn con  trai quậy phá dữ quá, gã phải đi cấp cứu bệnh viện Temple Hospital.
“Quán bar Aretha, phải không?”.
John gật đầu.
Tôi hỏi thêm vài câu gã khai ra hết.

• •
Tôi đề máy xe ôtô kêu giật giật và nhấn ga vọt tới ngã ba, tôi bẻ lái cho xe lùi lại nhắm ra hướng đường quốc lộ.
Vừa ra tới nơi gặp một bà đi bộ, bà băng ẩu qua đường, tay đẩy xe em bé.
Tôi đạp thắng gấp đèn sau chớp lên. Nhìn qua phía kia đường nào là cửa  hiệu, shop tôi cho xe quay ngoắc lại. Lại gặp phải bà lúc nãy.
“Bố khỉ! Đồ ôn dịch! Đồ chết đâm! Mẹ mày!” bà lầm bầm trong miệng.
Chiếc xe sau thắng rít lên. Cứ thế các xe khác nối đuôi nghe két két. Không  xe nào đụng vô xe nào. Bà kia thôi không la lối nữa, bà ẵm đứa bé leo lên xe  điện bỏ mặc chiếc xe đẩy nằm giữa đường.
Tim tôi đập loạn xạ, bà đang dỗ cho đứa bé nín khóc.
Tôi đề máy nổ, lùi xe chạy vọt tới, nghĩ lại có lúc tôi không làm chủ được  mình.