Nhận được thư của chánh sứ Sài Thung, Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc cứ đọc đi đọc lại mãi không thôi. Vương tự lấy làm hài lòng. Vì danh tiếng của vương không những chỉ lẫy lừng trong nước, mà ngay cả Đại đô, người ta cũng biết tới. Và Sài Thung, ai cũng bảo y là kẻ kiêu ngạo, nhưng với riêng ta, Sài thượng thư lại hết sức khiêm nhường. Phải chăng Sài Thung có tư tình gì với ta? Hoặc giả mọi người đã quá khắt khe với ông ta?Chiêu Quốc vương chăm chú nhìn nét chữ Sài Thung viết trong phần phẩm tước mới của ông ta: “ An Nam tuyên úy phó đô nguyên súy". Ơ hay, sao nét chữ có phần run run? Ông ta xúc động hay dè dặt? Ông ta thích thú hay ngượng ngùng? Vì chức quan này do Hốt-tất-liệt tấn phong, có nghĩa là nhà Nguyên đã chính thức coi nước ta như quận, huyện của họ. Có đúng họ đã sắp đặt xong vận mệnh của Đại Việt? Và Sài Thung sang ta lần này là để áp đặt cái mà cuộc xâm lăng năm Đinh tỵ (1257) do Ngột-lương-hợp-thai(Uryangqadai), cùng với năm vạn quân của y không làm dược. Lại mới đây, Sài Thung cũng đã trắng tay năm ngàn quân với cả triều đình bù nhìn Trần Di Ái.Chiêu Quốc vương lại tự hỏi: Tại sao Sài Thung căng cứng với mọi người, kể cả quốc vương Nhân tôn mà chỉ có riêng ta được y biệt đãi? Có ý mua chuộc hoặc chia rẽ gì ở đây chăng? Dù sao thì y cũng là người có biệt nhỡn. Ta không thể đãi y như đãi một người thường. Nghĩ vậy, Trần ích Tắc bày tỏ mối thiện cảm của mình với vị sứ giả thiên triều. Và hẹn ngày giờ nghênh tiếp sứ tại vương phủ.Cùng với việc mời Sài Thung, Chiêu Quốc vương cho sửa sang quét tước, cũng như sắp đặt lại các đồ trần thiết trong vương phủ.Phủ Chiêu Quốc không phải là phủ lớn nhất, nhưng là phủ đẹp nhất trong tất cả các vương phủ ở kinh thành Thăng Long. Phủ đệ nằm trên một doi đất vuông vức, ước độ hơn một trăm mẫu, xế cửa Quảng Phúc, ở phía tây Thăng Long thành chừng hơn một dặm. Bốn bề có thành đất bao quanh, có lũy tre dầy ken kín. Lại có hào chạy theo thành lũy. Hào có đường ăn thông ra hồ Dâm Đàm (Hồ Tây ), rồi ra sông Cái. Con hào này rộng tới bảy trượng, sâu hai trượng, thuyền bè đi lại thuận tiện như đi trên mặt sông. Hào có nhiều nhánh, chảy uốn éo theo hình thể các khoảnh vườn và chia làm ba nhánh như ba con rồng chầu về hoa viên, nằm ở trung tâm vương phủ, ngay trước nhà đại bái. Hoa viên trồng đủ các loại kỳ hoa dị thảo, ngay đến cả vườn ngự uyển của đức vua, cũng chưa chắc đã hơn được. Bốn mùa hoa nở khoe sắc, khoe hương, muôn hồng ngàn tía. Chính giữa hoa viên là một hòn non bộ, cao tới hơn mười trượng, đồ sộ như trái núi thật. Xung quanh non bộ là khe, suối, ngòi, lạch. Và giữa các đỉnh núi nhỏ được bắc những chiếc cầu cong như vành lược, rộng chưa đầy gang tay, dài ngắn độ vài thước. Lại có người bằng đất nung, bày thật là ngoạn mục. Đám này một bàn cờ, mỗi bên là một tiên ông với chòm râu dài quá ngực, đang chăm chú nghĩ suy. Đám kia là văn nhân, xe, ngựa, kiệu, võng thật là nô nức, như cảnh trảy hội, hoặc tiến sĩ vinh quy. Loáng thoáng nhú từ kẽ đá mọc lên một vài cây tùng, nom gân guốc như thách thức với cả thời tiết và thời gian. Và dưới các tán cây cổ thụ trong vườn nổi lên những mái đình xinh xắn, ngói đỏ, rêu phong theo kiểu phương đình, bán nguyệt, ngũ giác, lục giác, bát giác... Mỗi đình có một tên gọi riêng: nơi là đình Tị huyên, nơi là đình Nghênh xuân, lại có đình Tịnh tâm, và cả đình Nghênh tiên và nhiều tên đình khác nữa, để Chiêu Quốc vương ghé nghỉ khi dạo vườn cho hợp với tình cảm và tâm trạng của chủ nhân lúc đó. Các đình đều để thông gió bốn mặt. Ba nhánh ngòi chầu về hoa viên đều được bắc ba cây cầu vồng bằng gỗ. Mỗi cây cầu là một công trình khắc trạm rất tinh vi. Đoạn thì phượng múa, rồng chầu. Đoạn thì theo bốn mùa: tùng, cúc, trúc, mai. Đoạn thì tứ dân: ngư, tiều canh, mục... Và trong khắp dinh phủ, nếu Chiêu Quốc vương có nhà, thì đi về phía nào cũng nghe thấy tiếng đàn, địch, ca hát. Trong vương phủ có cả một đội nhạc công, ca công và một bầy vũ nữ. Hát, múa hay phô diễn làn điệu, tích điển gì đều do tay Chiêu Quốc vương soạn lời, chế nhạc và truyền dạy. Lại có cả một tòa nhà bày đặt tranh, tượng mà Chiêu Quốc vương đã dày công sưu tầm trên dưới hai mươi năm nay. Nghĩa là từ khoảng mười bảy, mười tám tuổi, Chiêu Quốc vương đã đem lòng yêu thích nghệ thuật hội họa, và đã có ý thức lưu giữ những tác phẩm nổi tiếng. Cho tới năm ngoài hai mươi tuổi, hiểu được ít nhiều về đường hội họa, và cũng có đôi khi cầm tới ngọn bút lông nhúng vào nghiên mực, và suy tư trước giá căng lụa. Và cũng nhiều lần suýt thành công trong một bức sơn thủy họa. Sau đó có một danh họa của nhà Tống từ Hàng Châu ghé thăm, có được xem phòng tranh sưu tập của Chiêu Quốc vương. Và cũng được Chiêu Quốc vương cho xem đôi bức họa của ông. Nhà danh họa kia lấy làm kinh ngạc về những ý đồ thể hiện trên tranh của tác giả. ông phải thốt lên: "Một tâm hồn nghệ sĩ. Một con người đam mê nghệ thuật. Một tài năng bạt quần". Nhưng rồi ông lắc đầu. Chiêu Quốc vương gặng hỏi mãi, nhà danh họa mới đáp: "Chỉ đáng tiếc là các hạ chưa biết sử dụng ngọn bút lông. Nên nét vẽ không tuân theo nếp nghĩ của các hạ”.Chiêu Quốc vương lấy làm tâm phục nhà danh họa, và cố ý lưu ông lại vương phủ được hai tháng. Ông có giảng giải cho Chiêu Quốc ít nhiều về nghề họa. Sau Chiêu Quốc có vẽ được dăm bảy bức vào loại khá, không kém tranh Tống. Nhưng tự thấy không thể tiến xa hơn trong hội họa. Vả lại, hội họa ở Đại Việt, ông cũng không có đối thủ, nên chẳng còn mấy hào hứng theo đuổi. Tuy nhiên, về đường thơ văn, người đương thời vẫn khen ông có chất rắn rỏi, gân guốc của đời Hán, lại có sự nhuần nhị, bóng bẩy mà siêu thoát của thịnh Đường. Về thi, thư năng lực của ông ít ai sánh kịp. Còn đường, cầm, ca, họa, nhạc. Ông không chỉ là người sành thưởng thức, mà còn là người sáng tác bậc thầy. Thế nhưng ông cũng khá am tường về đằng võ bị. Ngay trong vương phủ, ông cũng lập được hai Đô vào loại tinh binh. Còn trong thái ấp, ông có tới bốn Quân là đám quân luân phiên vừa làm ruộng vừa luyện tập. Việc luyện tập cung tên, đao, kiếm, thủy bộ thế nào đều do đích thân ông xem xét. Ông lại thường đem binh thư ra giảng cho các tướng dưới quyền. Cũng có đôi ba lần ông sang chơi bên phủ Hưng Đạo để tham bác cách dạy tướng, rèn quân và cách hành binh bày trận của Trần Quốc Tuấn. Kể cả việc ông về ấp An Sinh xem Quốc Tuấn rèn binh, tập trận. Trong thâm tâm, ông không phục Quốc Tuấn lắm. Vì Quốc Tuấn không theo đúng sách của các nhà Tôn - Ngô thời cổ.( Theo tổ chức quân đội nhà Trần của Trần Quốc Tuấn thì một đô có 80 người. Mỗi quân có 30 Đô = 2.400 người. Nhà Trần vẫn tổ chức quân đội theo chính sách "Ngụ binh ư nông" có từ đời Lý.)Mấy bữa nay ông cho dọn dẹp dinh phủ để đón Sài Thung. Ông để mắt tới mọi nơi, mọi chỗ. Răn dạy kẻ hầu người hạ từng li từng tí. Rồi đám môn khách và học trò, ông cũng giảng giải để họ thấy, sao cho qua cuộc tiếp kiến này, Sài Thung phải kính nể giới sĩ phu Đại Việt và nền văn hiến Thăng Long. Ông đã từng mở mắt cho biết bao sứ đoàn qua thăm Đại Việt. Duy có Sài Thung, trước sau vẫn kiêu ngạo. Ông chắc lần này, y phải thay đổi các định kiến cố hữu của nòi đại Hán.Một hôm ông đang huấn dụ đám học trò thì có quân vào bẩm: "Hưng Đạo vương và hoàng cô An Tư tới thăm". Cũng là tình cờ, Trần Quốc Tuấn vừa ở Giảng võ đường đi ra, chợt thấy tiếng vó ngựa phi gấp ở phía sau. ông thả cương cho ngựa đi nước kiệu. Một con ngựa bạch tiến sát con tía mật của ông, chỉ kém một cái đầu. Có tiếng chào trong trẻo: "Kính chào vương huynh". Ông ngoảnh lại, thấy công chúa nai nịt gọn ghẽ như một kị sĩ. Sắc phục thuần một màu trắng, điểm thêm những bông hoa kim tuyến.( An Tư công chúa con gái út của thái thượng hoàng Trần Thái tông, nên nàng phải gọi Quốc Tuấn bằng anh họ. Vì Trần Liễu- cha của Quốc Tuấn là anh ruột Trần Thái tông.)Ngang lưng, công chúa thắt đai trắng, có đính những viên ngọc sáng nạm vàng. Công chúa đi hia cao tới đầu gối chứ không đi hài. Hia màu đen tuyền thêu chim phượng đỏ, hai mắt phượng đính hạt châu. Công chúa đội mũ có tua kim tuyến rủ xuống hai vai và trước ngực. Ngang lưng dắt một thanh trường kiếm. Hưng Đạo nhìn cô em họ mỉm cười, gật đầu: "Chào em! Chào công chúa!" - "Con bé tinh nghịch đến thế là cùng. Phận gái mà chỉ thích chơi trò cung kiếm như con trai" - Hưng Đạo thầm nghĩ vậy. Và ông hỏi thêm:- Vậy chớ em ta đi đâu về đó?An Tư công chúa cung kính đáp:- Bẩm vương huynh, con ngựa này nghịch lắm, em phải theo nó đi dạo. Lại nhân bữa nay bên phủ Chiêu Quốc, vương huynh em gọi sang. Em nghe đâu bên Chiêu Quốc phủ đang dọn dẹp để đón sứ Sài Thung, chắc vương huynh đã biết?- Ta cũng có nghe chuyện đó. Vậy chớ em đã giáp mặt Sài Thung lần nào chưa?- Dạ chưa. Bữa trước em có nghe anh Chiêu Minh nói trong cung, thằng này nó hạch sách, láo xược lắm. Em định bụng, nếu gặp sẽ thì cho nó một đường kiếm vào cái miệng đại Hán của nó. Vừa nói, An Tư vừa vỗ tay vào đốc kiếm bên hông.Hưng Đạo cười, vỗ vai công chúa, ông nói:- Em ta dũng lược quá. Em cứ mài chí và mài kiếm cho sắc, nay mai ắt dùng đến. Còn như chém sứ giả thì đó là việc đại sự quốc gia, không phải việc của em, nghe chưa?- Bẩm vâng. Nhưng em ghét nó quá đi. Vương huynh có ghé phủ Chiêu Quốc với em không?Một thoáng lóe ở trong đầu, Quốc Tuấn nghĩ, nay mai ta về ấp An Sinh, tiện ghé thăm Chiêu Quốc vương rồi từ biệt luôn. Thế là hai anh em đều thả lỏng tay cương tiến vào phủ Chiêu Quốc.Thấy Quốc Tuấn đến cùng công chúa An Tư, Trần ích Tắc vừa mừng vừa băn khoăn. Băn khoăn vì nhẽ ông chưa có chủ định mời Quốc Tuấn trong dịp này. Vả lại, nếu biết ông sắp tiếp Sài Thung, liệu Quốc Tuấn có phản bác gì không. Thật ra Trần ích Tắc và cả mấy anh em trong chi thứ nhà ông đều ngại Quốc Tuấn. Vì Quốc Tuấn ngoài tài thao lược, thì ông có cái uy át chủ. Kể cả Trần Thánh tôn, Trần Nhân tôn đều không có cái uy toát ra từ nhân cách con người như Quốc Tuấn. Hơn nữa, mấy cha con Quốc Tuấn nắm trong tay quá nửa số quân trong cả nước. Và ai cũng canh cánh lo vì đều biết rằng, trước khi chết, An Sinh vương Trần Liễu đã di chúc lại cho Quốc Tuấn điều gì.Chính việc cha dặn bị vỡ lở, người trong nước ai cũng biết, khiến Quốc Tuấn rất khó xử. Và mối hiềm nghi giữa hai chi trưởng, thứ cứ đeo đuổi riết róng làm ông lắm phen đau đầu. Nhất là sau khi Vũ Thành vương Doãn, người em cùng cha khác mẹ với ông bỏ nước trốn sang Bắc quốc bị bắt lại hồi năm Bính thìn (1256). Ông suýt bị liên lụy, nếu như hồi ấy không có Thái tôn đứng ra che chắn trước sự đàn hặc của nhiều người. Số là Vương Doãn, con của Thuận Thiên sinh với cha ông. Khi Hiền từ hoàng hậu băng năm Mậu thân (1248), Vương Doãn cảm thấy mình hụt hẫng vì không có chỗ dựa. Lại tiếp vài năm sau, vào năm Tân hợi (1251), Yên Sinh vương tạ thế. Buồn bực vì thất sủng, Vương Doãn tính quẩn lo quanh thôi chứ chẳng có mưu mô phản trắc gì. Nhưng trò đời, thường là phù thịnh chứ đã mấy ai dám phù suy. Chiêu Quốc vương chưa kịp mặc áo dài đội mũ, để làm lễ tương kiến vương huynh Trần Quốc Tuấn, ông cứ luôn miệng: "Xin vương huynh thứ lỗi," Khi đã dẫn Hưng Đạo và công chúa An Tư vào nhà tân khách, lại sai nội thị pha trà, ông vội trở lại phòng riêng mặc áo đội khăn, rồi mới điềm đạm ngồi tiếp anh và em gái.Hưng Đạo không phải không nhận ra sự tế vi trong giao tiếp của Trần ích Tắc. Song đó là nét riêng trong cá tính của từng người. Xưa nay việc giữ lễ để tỏ cái bụng của mình đối với người, cũng là sự tự kính trọng. Sau vài tuần trà, ông cùng công chúa được Ích Tắc dẫn đi xem khắp vương phủ, từ nhà cửa đến trang trí sắp xếp, bày biện. Cũng lại xem cả đội tinh binh đang luyện võ. Nhìn đám binh cường tráng tập tành, Hưng Đạo bằng lòng lắm. Ông thầm nhủ: "Thế nước đứng được, tựu trung là do ở những người lính này". Cũng đã.có đôi ba lần ghé thăm phủ Chiêu Quốc, nhưng chưa lần nào Hưng Đạo được chủ nhân cho đi xem xét một cách thấu đáo như lần này. Càng xem, Hưng Đạo càng thấy từ việc xây cất dinh thự đến trồng tỉa cây cảnh, sắp đặt khuôn viên đều tuân theo một quy củ thẩm mỹ cao. Lại như việc thành, lũy và hào lạch được đào theo thế thủy bộ liên hoàn, quả là chủ nhân không những có con mắt sắc sảo của một kiến trúc gia bậc thầy, mà còn có cái đầu của một chiến lược gia biết nhìn xa thấy rộng. Cho nên phủ Chiêu Quốc không thuần nhất là một dinh thự, mà còn là một pháo đài công, thủ đều có thế cả.Cũng qua việc kiến trúc và bài trí, Hưng Đạo đọc được nét chung trong con người Trần ích Tắc là tính phô trương, xa hoa, kênh kiệu, hiếu thắng. Nhưng phải thừa nhận, đây là một dinh phủ sang quý nhất Thăng Long.Khi Chiêu Quốc vương dẫn Hưng Đạo trở lại nhà tân khách, ở đấy đã có sẵn một bầy vũ nữ, ca công, nhạc công. Đám nhạc công, ca công dâng hiến hai vương một khúc nhạc Champa. Trống paranưng bập bùng, rộn rã, âm vang sâu thẳm, như lời nhắn gửi từ vũ trụ mênh mang tới con người. Kèn saranai như một lời ảo não oán than, một tiên tri đồng vọng, báo trước số phận bi thảm của một dân tộc tài hoa và bất hạnh, có một không hai trên cõi thế này.Ngồi cạnh Trần ích Tắc, nghe giai điệu Champa buồn thảm, Hưng Đạo vương cảm như mình rơi vào lạc lõng. Lòng ông còn ngổn ngang biết bao việc lớn chưa làm được. Và ông nghe như bước chân quân thù đang dần nhích tới biên cương. Đã toan đứng dậy cáo từ thì một bày vũ nữ vận theo lối Champa, trông như những thiên thần cánh trắng vừa từ thượng giới sà xuống trần gian. Họ múa một điệu múa dân gian Champa, khi kết thúc, hợp lại thành một bông sen trắng, hàm tiếu. Sự sắp xếp và bài trí khéo đến nỗi, người xem chỉ thấy toàn thể khối người kia là một bông sen trắng khổng lồ, và mỗi con người là một cánh trắng mỏng manh, toát lên vẻ đẹp và sự cao khiết.Nghĩ tới công việc ở An Sinh ấp, Trần Hưng Đạo thấy nóng lòng. Mặc dù khi đi, mọi việc ở nhà, ông đã ủy thác cho Dã Tượng. Lại mới cách đây vài ngày, ông cho Yết Kiêu về trước. Ông cam thấy bao việc đang chờ ông: việc quân, việc lương như lửa đốt đầu. Vậy mà ngồi đây nghe hát, nghe đàn thánh thót, nỉ non sao mà vô duyên thế.Như đọc được ý nghĩ sâu xa của Quốc Tuấn, Trần ích Tắc vẫy tay cho bầy ca-vũ-nhạc lui ra ngoài. Và sai tiểu đồng dâng rượu thạch xương bồ. Uống vội một chén, Trần Hưng Đạo cáo lui.Khi tiễn người anh họ ra tới cổng ngoài, thân cầm cương ngựa trao cho Quốc Tuấn, Ích Tắc hỏi:- Bẩm huynh trưởng, trước khi trở về An Sinh, huynh trưởng có điều chi dạy bảo?Một tay đỡ lấy cương ngựa, một tay đặt lên bả vai Ích Tắc, với vẻ chân thành và cảm động, Quốc Tuấn nói:- Chiêu Quốc vương, ta mong em để tâm nhiều hơn nữa vào việc mở rộng đám dân binh ở thái ấp. Cả đám tinh binh ở vương phủ, cũng nên lấy thêm vài đô nữa. Hốt-tất-liệt không để chúng ta yên đâu. Gấp lắm rồi. Thôi chào vương.Nói xong, Hưng Đạo nhảy phắt lên mình ngựa. Chiêu Quốc vương chưa hết cảm động đã lại sủng sốt. Ông không ngờ, đã ngoài năm chục tuổi mà Quốc Tuấn vẫn còn khỏe đến vậy. Vương mới kịp nói một lời: "Kính huynh", thì bóng con tía mật đã khuất ở nẻo đường quanh, chỉ còn vọng lại tiếng khua lộc cộc.