CHƯƠNG 26

Bị đánh bật khỏi Thăng Long, quân giặc không kịp phóng hỏa đốt trụi kinh thành như chúng thường dọa dẫm. Nhưng mấy tháng "ở trọ" chúng cũng cướp bóc, tàn phá đến thê thảm. Các kho tàng, châu báu triều đình đã di chuyển vợi, cái gì còn sót lại chúng đều lấy đem về nước. Cái gì không lấy, không cướp mang đi được thì chúng đập, phá. Ví như trong nhà thái miếu, các đồ tế khí, phủ Tông chinh đã dời hết về Long Hưng từ trước Đại hội Diên Hồng, chỉ còn lại những con rồng đá, nghê đá, phỗng đá trước sân điện. Vậy mà lũ giặc cũng đập nát ra từng mảnh. Hai chiếc đầu rồng chầu mặt trời hình lá đề bằng đất nung, gắn trên nóc điện, giặc cũng trèo lên đập nham nhở. Các đầu đao có đắp hình phượng chúng bẻ gẫy hết.
Cả mấy bia đá ghi chép lịch sử nhà Trần từ thời dựng nước, chúng cũng phá bể. Các đồ đồng như chiêng, trống, chuông, đỉnh, vạc chúng đều lấy đi hết. Ngay giữa nền điện thờ, giặc đào bới tìm của, còn để lại một vũng sâu như đáy giếng.
Ngoài sân, ngoài vườn xưa trang nghiêm là thế, hoa lá cây cối sum xuê tỏa bóng, bốn mùa hương thơm ngào ngạt, giờ đây la hệt những bếp quân ngoài trời với các đồ ăn uống thải bỏ dòi bọ lúc nhúc, ruồi nhặng tanh hôi đến lợm mửa. Hành, tỏi hàng đống đã nảy mầm xanh, ớt cay thối nhũn như bùn.
Trong nhà thái miếu giặc còn biến thành nơi đóng quân, bếp quân, cho nên các cung điện, các vương phủ, các đình thự không nơi nào giặc không làm hoen ố. Cung Cảnh Linh, điện Thiên An, Thoát-hoan, Lý Hằng, A-lí Hải-nha chiếm lấy làm nơi hành lạc. Điện Tập Hiền là nơi giặc nhốt gái đi càn quét bắt được đem về để cho lũ tướng soái giải khuây.
Về lại Thăng Long, đi thị sát khắp kinh thành, vua Nhân tông thấy hết các cảnh mà giặc dữ gây ra. Vừa xót xa nơi thờ tự tôn nghiêm bị thương tổn, vừa thương dân chúng mới thoát khỏi cảnh khói lửa chiến tranh đã phải lo dựng lại nhà của, tìm kiếm người thân, lo ăn, lo làm đủ thứ.
Việc đầu tiên nhà vua thấy cần phải làm lúc này, ]à chẩn cấp ngay cho dân chúng các vùng bị giặc tàn phá nặng nề, để khôi phục sản xuất. Nhân tông cũng cho gấp gáp tu bổ nhà thái miếu để sớm làm lễ hiến phù, và sức cho các chùa, quán, đền miếu cả nước lo liệu lễ đại cầu siêu trong một tuần, cho tất cả những ai đã bỏ mình vì nạn nước.
Lại nói về Kim Liên, sau khi giã biệt An Tư công chúa thì kinh thành đã bốn bề rực lửa. Quân ta công thành dữ dội. Giặc Thát tháo chạy hỗn loạn. Nhân lúc xuất kỳ bất ý, Kim Liên táp vào bóng tối, rồi lăn nhanh xuống dòng kênh dẫn tới hồ Liên Trì phía trước cung Cảnh Linh. Đang tiết mạnh hạ, sen lên xanh tốt che kín cả mặt hồ rộng. Lá sen to như những chiếc nón thúng, chen chúc nhau giống hệt cảnh các bà các cô ghé nón xúm quanh một đám rước, hoặc đám diễn trò trong ngày hội xuân. Đâu đây những đài sen xòe nở, những búp hoa lấp ló trên mặt nước, tỏa một thứ hương thơm ngạt ngào, thanh khiết, tưởng như nó chẳng hề liên can gì đến cảnh chiến trận đang hỗn loạn ở trên bờ kia.
Kim Liên nghiến răng dùng hết sức mình ấn mãi đôi chân lút trong bùn, rồi ghìm mình dưới những tàn sen. Nàng run sợ nhìn ánh lửa bốc cao, và những tiếng nổ kinh hoàng, từ dãy nhà kho trại lính phía sau cung Cảnh Linh. Nàng thất thần khi chợt nhớ, An Tư và Yến Ly quất ngựa chạy về nẻo ấy. Trời rạng sáng, tiếng nổ đã dứt, ánh lửa cũng hầu tàn, chợt ào đến một trận mưa lớn. Nước xối xả tuôn thành dòng. Lá sen không còn đủ che chắn cho Kim Liên nữa, và hồ dềnh nước lên. Kim Liên rét, hai hàm răng tự nhiên cứ gõ vào nhau lộc cộc. Thấp thoáng trên bờ, bóng quân ta đi lại. Khi nhận biết đích xác quân ta đã chiếm thành, Kim Liên mới lóp ngóp nhoai vào bờ.
Mưa tạnh. Trời quang. Mặt trời mùa hè rực rỡ như cùng với Thăng Long, cùng với quân dân Đại Việt mừng cuộc sống thanh bình trở lại.
Quân cấm vệ lượm được Kim Liên ngất xỉu trên bờ hồ, đem vào cho sưởi ấm một lúc sau thì tỉnh lại. Nàng khóc tức tưởi ai hỏi cũng không nói được ra lời.
Chợt có quân vào bẩm viên đô úy:
- Trình thượng cấp, quan gia đi úy lạo binh sĩ, xa giá đã tới đầu trại.
Viên đô úy và cả bọn tùy tòng hấp tấp chạy ra cổng đón vua. Kiệu vừa hạ xuống. Nhân tông đã đi thẳng vào trại. Quân xúm quanh tung hô: "Đức vua thiên tuế!" "Thiên tuế!"...
Nhìn thấy người con gái mặt mày ngơ ngác, nhà vua ngờ ngợ như đã gặp nàng ở đâu, nhưng không thể nhớ ra. Nhân tông bèn hỏi:
- Thị nữ, ta trông ngươi quen quá, chẳng hay ngươi ở cung nào, phủ nào mà lạc tới đây?
Kim Liên nhận ngay ra đức vua, bởi trước khi thầy trò An Tư vào dinh Thoát-hoan, còn được hai vua úy lạo; nàng bèn phục lạy khóc lóc thưa lại tình đầu. Nàng thuật hết khúc nhôi đoạn trường, kể cả việc gặp lại Yến Ly và các kế sách mà An Tư và Yến Ly vạch ra, để kìm chân tướng giặc Thoát-hoan.
Nhân tông nghe như uống lấy từng lời, bụng thầm phục hoàng cô An Tư phận liễu yếu, mà lòng trung với nước thật chẳng thua một đấng tu mi hào kiệt nào. Vua hỏi:
- Vậy chớ hoàng cô ta hiện giờ ở đâu?
- Lạy đức vua, đó là điều con đang muốn biết.
- Ngươi vẫn hầu hạ hoàng cô ta kia mà?
- Dạ, đúng là như vậy. Nhưng từ chiều tối qua, khi quân ta khai pháo công thành, hoàng cô đã không cho con theo; người bắt con đi trốn, để rồi còn nói lại mọi điều người nhắn gửi đức Chiêu Thành vương. Dạy bảo con xong, công chúa lên ngựa cùng với Yến Ly đi về phía sau cung Cảnh Linh. Loáng cái, lửa từ dãy nhà kho trại lính Thát bốc cháy đùng đùng, con sợ quá. Chính lúc ấy Thoát-hoan được A-lí Hải-nha, Lý Hằng cùng bộ tướng dẫn chạy ra phía bờ sông Cái. Chúng chưa kịp hãm hại hoàng cô con đâu. Xin đức vua phái người đi tìm kiếm mau mau. Ôi, con chỉ sợ tên rơi đạn lạc. Nói đến đây Kim Liên bưng mặt khóc thảm thiết.
Nhân tông vỗ về khuyên giải mãi nàng mới tạm nguôi nguôi. Chợt nhớ, Kim Liên quì hỏi:
- Muôn tâu bệ hạ, đức ông Chiêu Thành vương hiện giờ ở đâu con xin được gặp để trao lời.
Nhân tông rầu rĩ đáp:
- Ta rất lấy làm đau buồn phải báo cho ngươi tin này.
Tưởng Chiêu Thành vương đã mất, Kim Liên gào lên, toan gieo đầu vào tường tự vẫn. Mấy người lính cấm vệ kịp giữ nàng lại.
Kim Liên giọng hổn hển: - Công chúa biệt tích, đức ông cũng không còn nữa, tôi sống để làm gì! Nhà vua ôn tồn dẫn dụ:
- Ta nói chưa hết lời, ngươi đã vội khóc. Ta chỉ muốn bảo rằng tướng quân Hoài Văn hầu đã bỏ mình vì nước, nên Chiêu Thành vương phải đưa thi hài về hương ấp mai táng.
Ta chắc úy lạo mẫu thân Hoài Văn hầu dăm ba bữa, rồi vương sẽ trở lại kinh thôi, con cứ yên tâm nán chờ.
Theo lời Kim Liên, quân đi sục vào kho trại cháy rụi phía sau cung Cảnh Linh, quả người ta bới được hai xác người một xác ngựa. Kim Liên nhận ngay ra chủ mình và Yến Ly. Nàng nấc lên rồi lịm ngất.
Đám tang An Tư công chúa và Yến Ly khiến cả kinh thành rơi lệ. Nếu như ngày ở Thiên Trường, chỉ có một số các đại quan và ít nhiều dân chúng đưa tiễn nàng xuống thuyền vào trại giặc, thì nay cả kinh thành đưa tiễn An Tư và người con gái tự coi mình là nghĩa nữ của Thăng Long - nàng Yến Ly về nơi an nghỉ ngàn thu. Chiêu Thành vương cũng vừa về kịp. Chàng lặng lẽ đi theo linh cữu, mình mặc đồ tang. Chàng đau đớn tới mức không khóc được, chỉ âm thầm như một chiếc bóng.
Chôn cất mồ yên mả đẹp xong, đích thân Trần Thánh tông gắn mộ chí có dòng chữ: “ Dực bảo trùng hưng liệt nữ chi mộ", phía dưới là ngày sinh, ngày mất và tước hiệu của An Tư.
Song song với mộ An Tư là mộ của Yến Ly. Vị quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự Hưng Đạo vương, tự tay đặt mộ chí ghi công ơn nàng. Tấm bia mộ Yến Ly mang dòng chữ: “Lưỡng quốc liệt nữ chi mộ". Phía dưới, vì không biết ngày sinh, nên chỉ ghi quê quán và ngày mất.
Bậc anh hùng cân quắc như quốc công, như Thánh tông mà cũng không ngăn được dòng lệ ứa.
Mọi người về hết, chỉ còn lại Chiêu Thành vương và Kim Liên. Kim Liên xin được ở lại săn sóc phần mộ hai nàng. Chiêu Thành vương không nỡ cản. Thật ra, chàng chỉ muốn một mình chàng ở lại với An Tư.
Hai thầy trò đi chặt cây que về dựng hai tấm nhà mồ, để che nắng che mưa cho hai liệt nữ.
Suốt mấy ngày liền. Chiêu Thành vương bắt Kim Liên thuật lại từng chi tiết chuỗi ngày An Tư phải sống trong trại giặc. Kim Liên nói lên tất cả tấm lòng công chúa đối với nước, với chàng. Nhất những lời trước lúc vĩnh biệt. An Tư nhắn gửi lại cho vương.
Mắt chàng nhòa lệ, nhìn sâu vào lòng đất, như thấy nàng cùng Yến Ly đang thiếp ngủ. Chuỗi ngày nối tiếp là cả một sự khó khăn đối với Chiêu Thành vương. Phần thương Trần Quốc Toản, thương hiền tẩu góa bụa, cô đơn, nhất là thương nhớ An Tư. Nỗi nhớ thương không bao giờ vợi nguôi được, bởi nàng đã đem cả tình yêu của chàng về nơi huyệt mộ. Chàng thơ thẩn vào ra nơi nhà mồ như vào ra lầu Thiên Quang thuở trước. Chàng hình dung rất rõ nàng cắm cúi ngồi thêu. Cả gốc ngâu già hương đưa thoang thoảng, con Hắc long gõ móng hí dài bữa chàng từ biên ải trở về. Lại cả đêm trước khi An Tư lánh nạn về Long Hưng. Tất cả những kỷ niệm xưa, những lời ăn tiếng nói, những cử chỉ tao nhã và tình yêu rực lửa nàng trao trọn vẹn cho chàng, khiến giờ đây chàng càng thêm đau đớn. Chàng không nghĩ trên cõi thế này lại có thể tìm thấy An Tư. Vì vậy Chiêu Thành vương quyết đi tìm nàng. Cũng không biết tìm nàng ở đâu; nhưng nhất định chàng phải ra đi. Và thế là vào một đêm trời đầy sao, Chiêu Thành vương áp má xuống ngôi mộ thì thầm trò chuyện với An Tư, rồi chàng lấy một nắm đất gói vào chéo khăn nàng thêu tặng với khúc "Lương Châu từ" của Vương Hàn. Chàng cũng sang mộ Yến Ly nói lời vĩnh biệt. Rồi chàng khoác chiếc tay nải nhẹ tênh lên vai. Bước chân vô định đưa chàng về nẻo nào không ai biết nữa. Họa chăng đêm ấy chỉ có vì sao khuê lấp lánh tận xa xanh kia tiễn biệt chàng... và biết chàng đi đâu, về đâu.
Nhà thái miếu đã tu bổ xong, các đồ tế khí phủ Tông chinh đã đem về bầy lại, cảnh trang nghiêm đã phục chế lại được tới bảy, tám phần.
Sắp đến ngày làm lễ hiến phù, vua Nhân tông bèn nhóm họp triều hội, hỏi ý các quan:
- Trong công cuộc kình chống xâm lăng vừa qua, giặc Thát đại bại, một cuộc đại bại nhục nhã chưa từng có đối với triều đại Hốt-tất-liệt.
Nhưng ta giành được thắng lợi này thật không dễ. Tới mấy phen, Thoát-hoan làm cho ta nghiêng ngả, cơ hồ như sắp đổ ngã. Giành được thắng lợi này, ngoài sự hy sinh lớn lao của toàn dân tộc, còn phải kể đến công của các liệt tổ và oai linh của các vị anh hùng dân tộc từ các triều đại trước. Cả sự độ trì của Phật tổ, cùng chư vị thần linh và hồn thiêng sông núi, thậm chí cả cỏ cây nữa. Vì vậy, ta không thể không làm lễ hiến phù, để tri ân các hệt tổ và chư vị thánh thần. Trong lễ hiến phù, lại không thể không chém vài tên tướng giặc đã gây nhiều tội ác với dân ta, để tế cáo Trời - Đất, tế cáo tiên tổ, tế cáo vong linh các liệt sĩ, và lấy máu giặc rửa binh khí của quân ta. Song, ta e việc ấy đến tai, dễ làm kinh động triều đình nhà Nguyên, làm ô nhục tiếng tăm của cha con Hốt-tất- liệt, do đó can qua lại nhen nhóm chăng?
Nhà vua vừa dứt lời, lập tức các quan đều hăng hái nói lên khí phách của quân dân Đại Việt và thách: “ Nếu giặc kia lại dám xâm phạm cõi bờ ta một lần nữa, thờ ta lại đánh cho chúng đau đớn hơn lần vừa rồi... ".
Thấm mệt vì chiến trận, vua Nhân tông như không muốn nghe những lời cao ngạo của những kẻ suốt đời sống trong nhung lụa, sống nhờ vào máu xương sĩ tốt.
Mãi sau thượng tướng Trần Quang Khải mới nói:
- Tâu bệ hạ, việc làm lễ hiến phù để tri ân liệt tổ và cổ súy sức quân, là việc không thể trì hoãn. Ta sẽ có cách che tai, bịt mắt tù binh Thát-đát, che tai bịt mắt đám khách trú và lũ tay sai giặc.
Quốc Tuấn cũng xen vào, giọng ông trầm sâu, đầy uy lực. Ông nói:
- Tâu quan gia, ý thượng tướng thái sư là chí phải. Quan gia cứ cho cử hành lễ hiến phù như đã định, chúng thần đã có kế sách giữ kín nhẹm việc này. Khi còn năm mươi vạn quân Thát-đát rải khắp nước ta, với không biết bao nhiêu tay chân, tai mắt giặc, mà Thoát-hoan vẫn như một kẻ mù lòa sống trên đất ta, huống chi bây giờ.
Hưng Đạo ve vuốt chòm râu bạc, tự nghĩ: "Lễ hiến phù tới, có nhẽ ta phải xin với quan gia, cho chém vài viên tướng giặc hung hăng gây nhiều nợ máu nhất. Ta đã cho nhốt riêng từng đứa ngay từ ngày mới bắt được chúng. Chẳng cứ gì mấy tên này, mà hàng trăm viên tướng bị bắt, ta đều cho cách ly hết. Ta cũng còn cân nhắc xem sẽ tha đứa nào về nước, còn những đứa nào mãi mãi không có ngày về. Làm việc đó, là ta muốn ngừa hậu họa, song cũng là một việc vạn bắt đắc dĩ. Bởi biết đâu, Hốt-tất-hệt không phái binh sang xâm lấn cõi bờ ta nữa". Tự nhiên đôi hàng mi quốc công trễ xuống. Dường như ông chợt buồn.
Vững dạ, vua Nhân tông lại hỏi:
- Vậy chớ kiểm điểm tù binh, lo liệu cho chúng hồi hương, quốc công và thái sư đã làm đến đâu rồi?
- Tâu bệ hạ, Hưng Đạo vương đáp - Tất thẩy số tù binh ta bắt được là hơn mười vạn tên. Xin bệ hạ mở lượng tha hết bọn này về nước.
Về nước, chỉ cần chúng nói một phần sự thật trên chiến trường Đại Việt mà chúng đã nếm trải, cũng đủ làm nản lòng hàng trăm vạn quân kiêu hùng của Hốt-tất-liệt. Dạ, thần sẽ phiên chế cho đám lính thủy về theo đường bộ, còn đám quân kỵ, quân bộ về theo dường biển. Dạ muôn tâu, việc ấy chỉ cốt gây cho chúng sự xáo trộn tâm thần là đủ. Còn tàu, thuyền, xe, ngựa, lương thảo, cấp cho chúng ăn đường như thế nào, do bên phủ Thái sư lo cả.
Thượng tướng Trần Quang Khải đứng trước ban tâu:
- Trình bệ hạ, mọi việc đã tính toán xong xuôi. Chờ qua lễ hiến phù, cho đoàn cống sứ của ta sang Yên Kinh trước vài ngày, rồi thả đám tù binh về nước sau. Đây là việc làm mang tính hậu thuẫn cho cuộc bang giao mà bấy lâu bệ hạ vẫn quan hoài.
Lo tính xong việc cứu trợ khẩn cấp cho dân chúng các vùng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Lo làm lễ cầu siêu cho tất cả những ai bỏ mình vì nước. Lại lo làm lễ hiến phù để tri ân các liệt tổ sau khi thắng giặc. Và sai sứ sang thông hiếu với nhà Nguyên, để cha con Hốt-tất-liệt đỡ bẽ bàng.
Lo liệu xong các việc lớn, hai vua Trần Thánh tông, Trần Nhân tông mở đại triều hội để cùng các quan văn võ bàn thảo xem vì sao ta thắng giặc.
Có người nói - Nước ta binh mạnh, lương nhiều, tướng giỏi nên thắng giặc.
Lập tức có người bác luôn - Binh ta không mạnh bằng binh Thát-đát. Nước ta quá nhỏ, không giàu bằng nước Nguyên.
Lại có người nói - Dân ta đoàn kết, muôn người như một đồng lòng đánh giặc, giữ nước...
Nghe mọi người bàn thảo. Trần Nhân tông lấy làm đẹp ý, nhà vua mỉm cười phán:
- Các khanh nói đều đúng cả, nhưng sao ta vẫn thấy thiếu một cái gì khác kia. Nhà vua có ý chờ đợi.
Bỗng thượng tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật nói:
- Thắng được giặc dữ, công lao không chỉ do một người, một nhóm người mà thuộc về toàn dân. Bởi nhẽ đi lính đánh giặc cũng là dân. Cày ruộng lấy lúa gạo nuôi quân cũng là dân. Tải lương, tải thương vận chuyển binh khí cũng là dân. Nhưng để cho người dân được no đủ, yên tâm cho chồng con rèn luyện tinh thông võ nghệ, khi nước có giặc sẵn sàng giết giặc hy sinh của cải, máu xương bảo bệ giang san bờ cõi, thì phải nhờ vào chính sách của nhà nước. Ấy là "PHÚ QUỐC CƯỜNG BINH SÁCH".
"Phú quốc cường binh sách" khởi từ phủ Hưng Đạo. Đây là việc làm cực khó. Bởi làm việc này, vương phải chịu biết bao thiệt thòi cho riêng mình, như thả bớt nông nô, cho họ ruộng đất cấy trồng. Ai có sức cày được nhiều ruộng, thì bán chịu cho họ trả dần. Nhớ hồi phủ Hưng Đạo làm việc này, các vương, hầu nhao nhao phản bác. Vì sao vậy? Vì họ sợ hao tổn đến lợi quyền của họ.
Chiêu Văn vương đôi mắt sáng như hai vì sao, nhìn khắp trên dưới, thấy mọi người hào hứng còn có ý muốn nghe, vương tiếp:
- Nhớ hồi đó, phủ Hưng Đạo thực hiện được đâu một hai vụ, thì thóc lúa, trâu bò, lợn gà trong dân thật là sung mãn. Thượng hoàng và quan gia cho phổ cập "Phú quốc cường binh sách" của phủ Hưng Đạo, thành quốc sách để hưng thế nước. Hồi ấy thượng hoàng phải cưỡng chế, các vương hầu mới chịu tuân theo. Nhưng chỉ một năm sau, dân trong cả nước no đủ, lương thực dư thừa, thế nước nổi hẳn lên. Vì vậy, theo ý thần "Phú quốc cường binh sách" là một khởi đầu căn bản, cho công cuộc kình chống giặc Nguyên đại thắng.
Mọi người lấy làm tâm đắc, về các điều mà thượng tướng Chiêu Văn vương nói.
Phiêu kỵ thượng tướng quân Trần Khánh Dư, một người vốn ít nói, nhưng thấy việc cần phải nói, ông bèn đứng lên:
- Tâu, việc này thần thấy thấm thía. Nếu như thần chỉ là một kẻ đốt than ở xó rừng chắc là thần không tha thiết đánh giặc lắm. Tựa như người nông dân có ruộng đất trong tay, khác với người nông nô nhiều lắm. Đúng như thượng tướng Chiêu Văn nói, thắng giặc là nhờ chính sách "Phú quốc cường binh" tức nhà nước hữu sản hóa cho người dân. Dân giàu, nước mạnh, binh nhiều. Dân tham gia đánh giặc giữ nước, kỳ thực cũng là giữ nhà mình, giữ tài sản của mình. Nhà và nước gắn bó với nhau như thế, giặc nào không bại.
Song ngoài "Phú quốc cường binh sách", còn phải kể đến "Binh thư yếu lược", nhằm dạy cho binh sĩ biết các phép tắc của việc binh, biến người lính ngoài việc tinh thông võ nghệ, còn có mưu trí, quyền biến trong khi chiến đấu nữa. Lại phải kể đến: "Vạn kiếp tông bí truyền thư", là một thứ binh pháp thâm viễn dùng cho các bậc trí tướng, nhân tướng. Công lao ấy của Quốc công tiết chế, thật không gì có thể so sánh được.
Hưng Đạo từ lúc vào triều hội, ông vẫn ngồi yên nghe ngóng. Ông ngồi đó điềm đạm thư thái, như một nhà tu hành đắc đạo ông không nói và cũng không định nói gì. Bởi có gì cần nói, ông đã dồn vào các trước tác, và các việc làm cả rồi. Ông không quan hoài đến việc khen chê của người đời.
Trong số các vương có mặt tại triều hội, có nhẽ Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, là người có tâm tư trĩu nặng hơn cả. Bởi lẽ con trai của đại vương - gã Trần Kiện đã đem cả một vạn quân đầu hàng giặc. Y còn dẫn đường cho giặc lùng bắt thượng tướng thái sư Trần Quang Khải, là em ruột ông. Mặc dù trong trận chiến vừa qua, ông đã tận lực đánh giặc và lập không ít công lao. Vậy mà ông vẫn cảm như mình có tội. Trong thâm tâm, ông rất muốn nói lên sự sáng suốt của thái sư, trong việc xin nhà vua cho mở Đại hội Diên Hồng, để cố kết lòng dân trước khi vào cuộc chiến. Đó là nút thắt cuối cùng trong công cuộc chuẩn bị kình chống giặc từ nhiều năm trước, cần phải nói ra để bàn thảo, cũng như phải lưu sử sách cho con cháu các đời sau chung soi. Thế nhưng ông vẫn cứ im lặng. Bởi ông sợ các đồng liệt lại ngờ ông nịnh thái sư, để hòng gỡ tội cho thằng con phản bội. Có nhẽ, các tướng lĩnh văn võ dại thần bàn thảo đã thấu đáo. Nhưng sao Hưng Đạo vẫn cứ im lặng ngồi kia. Thượng hoàng Thánh tông bèn lên tiếng gạn hỏi:
- Các quan đã có nhời tất cả, xin Quốc công cho nghe cao ý.
Hưng Đạo bước ra khỏi ban, sửa lại mũ, áo rồi vòng tay cung kính:
- Tâu thượng hoàng, tâu quan gia, thần trộm nghĩ, các quan bàn thảo tưởng đã rõ và đã đủ. Thần chỉ xin tâu lại một đôi điều, mà thần cho là tâm đắc nhất. Tức là trong cuộc kình chống giặc dữ vừa qua, sở dĩ ta thắng được, trước hết là nhờ vào phúc ấm của tổ tông và đức lớn của bệ hạ, nên vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục.
Hưng Đạo hơi cúi xuống đặt cho ngay ngắn chiếc đai áo, và tiếp - quả thật, nếu vua tôi chia lòng, anh em bất mục, hẳn là giặc đã biến được nước ta thành quận huyện của chúng rồi.
Còn một điều nữa thần tâm đắc là bệ hạ đã ban hành chính sách thả nô, hạn điền, làm cho người cày có ruộng, nhờ đó mà thế nước mạnh hẳn lên. Ấy cũng là gốc rễ sâu xa của việc thắng giặc. Cho nên từ nay, theo ý thần, phải luôn khoan nới sức dân, đó là kế sâu gốc bền rễ, cũng là thượng sách để giữ nước vậy.
Lại nữa, còn một điều thần không thể không nhắc đến, ấy là sự sáng suốt dùng người của triều đình. Xét trong cuộc kình chống giặc dữ vừa qua, không một người có lòng yêu nước nào, một tài năng nào mà không được triều đình trận trọng, sắp đặt đúng người, đúng việc. Thiết tưởng bệ hạ nên biến điều đó thành quốc sách trong công cuộc hồi sinh đất nước.
Đại triều hội kéo suốt hai ngày. Tới ngày thứ ba, nhà vua xem xét ban thưởng.
Công đầu thuộc về các phủ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư... và các  tướng Chiêu Thành vương, Trung Thành vương. Tuệ Trung thượng sỹ Trần Quốc Trung, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, Đặng Dương, Nguyễn Thế Trực, Phạm Lãm, Trần Thì Kiến, Ngô Sỹ Thường, Trần Quốc Khang, Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Hiến, Trần Quốc Uất, Trần Quốc Tảng, Trần Đạo Tái, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô, Trương Hán Siêu, Nguyễn Đức Dư, Nguyễn Văn Hàn, Đỗ Khắc Chung, Nguyễn Nhuệ...
Tướng Triệu Trung và cả đội quân người Tống được đặc cách tuyên dương, và được nhà vua ban cho thực ấp để an cư lạc nghiệp.
Các đầu mục người thiểu số như Hà Đặc, Trịnh Giác Mật, Nguyễn Lộc... cùng các động, sách có công đánh giặc đều được triều đình ban khen xứng đáng.
Các nghĩa liệt như Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, An Tư công chúa, Yến Ly, Đỗ Vỹ, Tần Sầm... đều được vẽ hình khắc bia, lập đền thờ, tên lưu sử sách.
Các đội Long dực, Hổ dực, Thần dực, Thiết hạm đô... đều xếp vào ưu hạng. Sử quan Lê Văn Hưu, trạng nguyên công bộ Nguyễn Hiền... đều là những bậc quốc sĩ tận tâm với nước, liệt vào hàng đệ nhất công thần.
Nghe các đại thần bình công, báo công vui vẻ, vua Nhân tông lấy làm đẹp ý, ngài ban khen không tiếc lời. Đoạn nhà vua như phấn hứng hẳn lên, ngài nói:
- Trận này, tướng nào, phủ nào, đô, chủng quân nào cũng đều lập được công lớn cả, khiến ta phải lúng túng cân nhắc. Song phải thừa nhận phủ Chiêu Văn lập được nhiều công nhất. Mà đặc sắc nhất là "đội quân Thát-đát của chú Chiêu Văn". Nhà vua cười, cả triều hội đều cười nói vui vẻ.
Bỗng thượng hoàng Trần Thánh tông như sực nhớ, ngài vẫy tay cho mọi người im lặng, rồi nói:
- Suýt nữa ta quên mất Trần Lai. Quan gia xét hỏi xem Trần Lai, hiện có còn sống ở đô quân nào để ban khen cho y. Nhớ bữa chạy ra Vạn Kiếp, ta chưa kịp ăn sáng, tới xế chiều đói quá, Trần Lai có dâng ta nắm cơm hẩm. Vua tôi chia nhau ăn rất ngon miệng. Ta hứa, dẹp xong giặc, sẽ cho Trần Lai về quê quán phụng dưỡng cha mẹ, và cho làm câu đương. Ngoài các điều trên, quan gia nhớ cấp thêm cho y ba mẫu ruộng nữa.
Nhân sự kiện thượng hoàng hồi nhớ, vua Nhân tông cũng nhắc hỏi Trần Thì Kiến:
- Khanh có nhớ bữa vua tôi chạy từ Tam Trĩ về Thủy Chú ta có sai khanh bói một quẻ Dịch. Quẻ gì khanh có nhớ không?
Trần Thì Kiến bèn đứng dậy tâu:
- Bẩm quan gia, quẻ "Lôi địa dự" ạ.
- Khanh giải đoán khoảng hạ chí, quân ta đuổi được hết giặc. Ta nói, nếu đúng như lời sẽ có thưởng. Nay quả đúng như lời. Việc khen thưởng khác ta chưa tính, riêng việc bốc Dịch và giải đoán đúng, ta ban cho khanh tước bốn tư. Đây là chuyện nghiêm chỉnh, thiên tử không có nói đùa.
Thấy nhà vua đang đà vui vẻ, có người thưa:
- Xin bệ hạ khen thưởng các tướng trọng hậu hơn nữa ạ.
- Ta cũng muốn như thế đấy, vì công các ngươi, công quân sĩ to lớn lắm. Ta biết thưởng, khen và tôn vinh như vậy vẫn chưa tương xứng. Nhưng nếu các khanh dám đoán chắc rằng, giặc Thát-đát không xâm phạm cõi bờ ta nữa, thời ta có tiếc gì. Chỉ sợ khen thưởng ưu hậu cực phẩm rồi, tới lúc giặc sang, ta lại thắng thì lấy gì mà khen.
Nhà vua vừa dứt lời, cả triều hội hô vang:
- Thượng hoàng vạn tuế!
- Quan gia thiên tuế!... thiên tuế!
Im lặng trở lại, vua Nhân tông nói, mắt ngài rưng rưng lệ:
- Vua tôi ta mải tôn vinh nhau, mà suýt quên mất những người công lao không kém chúng ta, nhưng lại gánh chịu thiệt thòi lớn nhất. Các khanh có biết đó là ai không?
- Dân chúng ạ! Cả triều hội đồng thanh.
- Phải rồi. Chính là dân chúng đấy. Vậy ta có dụ rằng: Các vùng bị chiến trận tàn phá nặng nề, đều tha tô, thuế ba năm. Các vùng bị tàn phá nhẹ hơn được tha tô thuế một năm. Nội lệnh sử phải xem xét phân loại từng vùng cho thật công bằng, rồi bố cáo sớm nhất cho dân chúng được biết.
Ngưng lại trong giây lát, Nhân tông lại nói: Còn về sĩ tốt, nhất loạt được thăng một bậc. Những thương binh, phế binh được nuôi dưỡng, chu cấp trọn đời. Người nào đánh giặc mà bị chết, bị mất tích thì cha mẹ, vợ con họ được cấp tiền, cấp ruộng theo lệ cũ, và hưởng ân trạch suốt đời. Những người già cả, cô đơn không nơi nương tựa, những trẻ mồ côi cha mẹ, đều được nhà nước săn sóc nuôi dưỡng. Làm xong các việc trên, nhà vua cảm thấy lòng thanh thản.
Vừa xong việc khen thưởng thì quan tri khu mật viện ra trước ban tâu:
- Bệ hạ đã ban chính sách khen thưởng, vỗ về mọi người trong công cuộc kình chống xâm lăng, xin bệ hạ cũng ban chính sách trừng trị những kẻ phản dân, phản nước làm tay sai cho giặc. Những kẻ đã theo giặc Thát về Bắc quốc, xin được tịch thu hết điền sản và gia nô của chúng. Lại cũng phải trừng trị đích đáng một số kẻ trong đám khách trú, chuyên đưa lối chỉ đường cho giặc đánh phá quân ta, hoặc cướp đốt kho tàng.
Vua Nhân tông gật đầu khen phải. Đoạn ngài nói:
- Ta đã đọc kỹ "Nhị thập thất điều” (Hai mươi bảy điều) về các tội danh do bên Đăng văn viện khởi thảo, cùng danh sách những kẻ bị ghép vào các tội đồ trên của bên Khu mật viện. Song ta thiết nghĩ, việc này phải cân nhắc kỹ lắm. Khi ta khen thưởng, nếu có khen nhầm, khen sai, chắc chỉ có lợi cho kẻ bị nhầm ấy thôi. Còn như trừng trị sai, là gây tội ác không gì biện minh được cho kẻ cầm quyền. Bởi mỗi sai sót của triều đình, đều có thể gây án mạng, hoặc chí ít cũng tan cửa nát nhà cho người bị xử oan. Vả chăng, nó sẽ làm hoen ố chính sách đại nghĩa của ta. Ngừng một lát, nhà vua lại nói - Tuy vậy, triều đình không thể không trừng trị nghiêm khắc, những kẻ đã có tội danh rõ ràng. Không thế thì lễ luật, kỷ cương phép nước của ta sẽ ngày một lu mờ, gian, ngay, trung, nịnh khó phân, khiến kẻ tận tâm với nước cũng phải nản lòng. Mai đây, nếu giặc lại xâm lấn cõi bờ, thử hỏi ai còn muốn hy sinh tài sản, tính mệnh nữa.
Nhà vua vừa nói xong thì một viên quan nội hầu khệ nệ bê lên một chiếc tráp, ông ta đặt trước hai vua rồi nói hổn hển qua hơi thở:
- Trình bệ hạ, hôm qua dọn phía sau điện Thiên An, thần nhặt được cái này, do A-lí Hải-nha bỏ lại... Tưởng văn thư gì của giặc, hóa ra... Thần sợ quá, xin đem nộp bệ hạ.
Nhà vua mở xem qua loa, nhưng lòng thì trĩu nặng. Vì rằng những kẻ ăn lộc triều đình ưu hậu là thế, kíp khi thế nước lâm nguy, thì chúng lại nghĩ đến thân hơn đến nước. May thay, nếu không có quốc công cùng các hàng tướng lĩnh tài ba dốc lòng trung với nước; nếu không có hàng vạn sĩ tốt lấy máu xương mình cản giặc; lại không có toàn thể quốc dân hy sinh hết thảy vì sự nghiệp cứu nước, thời làm sao ta thắng nổi giặc dữ.
Nhân tông vội đưa mớ thư từ xin hàng, hoặc ước hàng của một số đại thần đã vắng mặt, hoặc đang có mặt tại đây cho vua cha coi. Vua Thánh tông cũng xem qua rồi an ủi viên quan nội hầu:
- "Giữa lúc thế giặc đang cường như thác lũ, như sấm sét từ trời cao giáng xuống, thế nước chung chiêng như chuông treo chỉ mảnh, đến ta có lúc còn hoang mang hãi sợ nữa là các quan".
Vua Nhân tông cũng nói thêm vào để viên quan nội hầu vững dạ:
- "Họa Thát-đát vừa dẹp xong, nhưng nguy cơ chưa dứt. Bây giờ là lúc vua tôi phải đồng lòng, gắng sức kiến thiết quốc gia, lo cho dân giàu, nước mạnh, chớ không phải lúc bới móc ra để vua tôi nghi kỵ nhau”. Rồi vua sai đem đốt hết đi.
Để cổ súy lòng hăng hái của ba quân, triều đình cho mở tiệc khao thưởng toàn thể binh sĩ trong cả nước suốt ba ngày. Tại Thăng Long, tiệc yến khao thưởng binh sĩ đặt trong điện Thái Bình.
Tiếng rằng nhà nước chỉ mở hội khao thưởng trong quân thôi, vì vừa ra khỏi chiến tranh, quốc khố đã vơi cạn. Nhưng không gì có thể ngăn được dân chúng khắp nước mở hội mừng vui. Thôi thì từ Thăng Long tới tứ trấn, và tận các vùng miền heo hút, đâu đâu cũng giăng đèn, kết hoa. Khắp bốn phương trời, ngày đêm vang vang tiếng nhạc, tiếng hát và cả tiếng reo vui từ các cuộc chơi. Như kéo co, đánh vật, đánh đu, múa sư tử. Trong quân thì bơi chải, đua ngựa, bắn cung, bắn nỏ, đấu vật, đấu quyền, đấu kiếm...
Ngày thì vui chơi, đêm về tiệc yến. Trong tiệc vui không hạn chế này, các tưởng đều cho phép binh sĩ bầu tửu lệnh. Tiệc vui có tửu lệnh, vui đến nổ trời. Bởi nó không còn sự phân biệt tướng, binh, trên, dưới nữa. Tất cả đều phải theo người giữ tửu lệnh, do lính tráng tự bầu ra.
Trong tiệc khao quân, tướng lĩnh và binh sĩ chan hòa như tình anh em, tình cha con.
Họ ôm lấy nhau, vừa vỗ tay vừa vỗ gươm mà hát mà múa, mà khóc vì sung sướng. Trong tiệc, binh sĩ được phép uống say, được phô diễn các trò vui không hạn chế. Nhiều người đóng giả gái, hát múa cặp đôi với con trai, đến là duyên. Nhiều người khéo đóng vai Thoát-hoan, trong tích trò "Tam thập lục kế". Khi diễn lại cảnh Thoát-hoan chui vào rọ, bọc đồng lá ở ngoài rồi kéo lê trên mặt đất. Thoát-hoan co rúm người nhăn nhó như khỉ ăn phải mắm tôm, khiến mọi người cười đến nôn cả ruột.
Cha con vua Trần Thánh tông, Trần Nhân tông cùng hòa vui với binh sĩ trong tiệc rượu. Nghiêm như quốc công tiết chế Hưng Đạo vương, mà lính còn dám bê rượu đến mời. Ông uống và mời lại họ. Và cùng nắm tay nhau vui đùa, nhảy múa.
Thượng tướng Trần Quang Khải tay cầm chiếc bát to, men nâu có hình bốn lực sĩ ném lao, tay kia xách hũ rượu đến trước Trần Hưng Đạo và hai vua, thân rót đầy bát rượu dâng lên Trần Thánh tông. Nhà vua đỡ lấy bát rượu uống một hớp rồi đưa cho Trần Nhân tông, Nhân tông lại đưa mời Hưng Đạo, Hưng Đạo trao cho Quang Khải, Nhật Duật, Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão... Cứ vơi lại rót, bát rượu chuyển khắp lượt từ hai vua qua các vị tướng rồi đến tay từng người lính...
Trong không khí thoải mái ấm áp tình người, và chất chứa hào khí của một đội quân vừa lập chiến công nghiêng trời lệch đất, thượng tướng Trần Quang Khải lòng đầy thi hứng, ông xúc động xuất khẩu đọc luôn:
Đoạt sáo Chương Dương độ.
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực.
Vạn cổ thử giang san.
( Bến Chương Dương cướp giáo.
Cứa Hàm Tử bắt thù.
Thái bình nên gắng sức.
Non nước ấy muôn thu.).
Giảng Võ mùa xuân năm Tân mùi (1991)

Xem Tiếp: ----