1. Cổ giả Bào Hi thị chi vương thiên hạ dã, ngưỡng tắc quan tượng ư thiên, phủ tắc quan pháp ư địa, quan điểm thú chi văn dữ thiên địa chi nghi, cận thủ chư thân, viễn thủ chư vật, ư thị thủy tác bát quái dĩ thông thần minh chí đức, dĩ loại vạn vật chi tình. Dịch: Ngày xưa họ Bào Hi (tức Phục Hi) cai trị thiên hạ, ngửng lên thì xem các hình tượng trên trời, cúi xuống thì xem các phép tắc dưới đất, xem các văn vẻ của chim muông cùng những thích nghi với trời đất (của từng miền). Gần thì lấy ở thân mình, xa thì lấy ở vật, rồi làm ra bát quái để thông suốt cái đức thần minh và điều hoà cái tình của vạn vật. Chú thích: Phan Bội Châu chỉ dịch tiết này và tiết 5, còn thì bỏ hết. 2. Tác kết thằng vi võng cổ, dĩ điền dĩ ngư, cái thủ chi Ly. Dịch: (Bào Hi)Thắt dây mà làm ra cái rớ, cái lưới để săn thú, đánh cá, là lấy tượng của quẻ ly. Chú thích: Vậy là Bao Hi phỏng theo một cái gì đó trong thiên nhiên mà vạch ra quẻ Ly rồi lại phỏng theo quẻ Ly mà tạo ra cái lưới? 3. Bào Hi thị một, Thần Nông thị tác, tác mộc vi tỉ (cũng đọc là cử hoặc tự), nhu mộc vi lỗi, lỗi nậu chi lợi, dĩ giáo thiên hạ, cái thủ chư Ích. Dịch: Họ Bào Hi mất. tới khi họ thần Nông dấy lên, đẽo gỗ làm cái lưới cày, uốn gỗ làm cái cán cày, đem cái lợi của cái cày, cái bừa dạy cho thiên hạ, là lấy tượng quẻ Ích. 4. Nhật trung vi thị, trí thiên hạ chi dân, tụ thiên hạ chi hoá, giao dịch nhi thoái, các đắc kỳ sở, cái thủ chi Phệ hạp. Dịch: Mặt trời đứng bóng thì họp chợ, khiến dân trong thiên hạ tụ lại trao đổi hàng hoá với nhau xong rồi về, ai cũng được như ý, là lấy tượng ở quẻ phệ hạp. 5. Thần Nông thị một, Hoàng đế, Nghiêu Thuấn thị tác, thông kỳ biến, sử dân bất quyện, thần nhi hoá chi, sử dân nghi chi. Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu. Thị dĩ tự nhiên hữu chi cát, vô bất lợi. Hoàng đế, Nghiêu, Thuấn thùy y thường nhi thiên hạ trị, cái thủ chư Càn, Khôn. Dịch: Họ Thần Nông mất rồi các họ Hoàng đế, Nghêu, Thuấn, nổi lên tiếp tục sự biến đổi, khiến cho dân không buồn chán (về những việc cũ); cách biến đổi của các ông ấy thần diệu. Khiến cho dân vui lòng thích nghi. Đạo dịch là đến lúc cũng tất phải biến, đã biến thì thông, nhờ thông mà được lâu dài. Thế là tự trời giúp cho, tốt, không có gì là chẳng lợi. Vua Hoàng Ðế, vua Nghiêu, vua Thuấn rũ áo (ngồi yên trên ngôi, không làm gì cả) mà thiên hạ được trị, là lấy tượng ở quẻ Càn, quẻ Khôn. 6. Khô mộc vi chu, diệm mộc vi tiếp. Chu tiếp chi lợi dĩ tế bất thông trí viễn dĩ lợi thiên hạ, cái thủ chư Hoán. Dịch: Xẻ gỗ làm thuyền, đẽo gỗ làm mái chèo. Cái ích lợi của thuyền, chèo là có phương tiện giao thông, tới những nơi xa được, làm lợi cho thiên hạ; đó là lấy tượng ở quẻ Hoán. Chú thích: Chu Hi ngờ rằng những chữ “trí viễn dĩ lợi thiên hạ” (tới những nơi xa được, làm lợi cho thiên hạ) là thừa. 7. Phục ngưu thừa mã, dẫn trọng trí viễn dĩ lợi thiên hạ, cái thủ chư Tùy. Dịch: đánh bò cưỡi ngựa chở nặng đến xa, làm lợi cho thiên hạ, đó là lấy tượng ở quẻ Tùy. 8. Trùng môn kích thác dĩ đãi bạo khách, cái thủ chư Dự. Dịch: Đóng hai lần cửa, đánh mõ để báo động kẻ cướp, là lấy tượng ở quẻ Dự. 9. Đoạn mộc vi chữ, quật địa vi cữu; cữu chử chi lợi vạn dân dĩ tế, cái thủ chư Tiểu quá. Dịch: Đẽo gỗ làm chày, đào đất làm cối; cái ích lợi của cối chày là để giúp nhân dân, là lấy tượng ở quẻ Tiểu quá. 10. Huyền mộc vi hồ, diệm mộc vi thỉ; hồ chỉ chi lợi dĩ uy thiên hạ, cái thủ chư Khuê. Dịch: Dăng dây để uốn gỗ thành cung, đẽo gỗ làm tên; dùng cái lợi của cung tên để làm uy với thiên hạ, là lấy tượng ở quẻ Khuê. 11. Thượng cổ huyệt cư nhi dã xử; hậu thế thánh nhân dịch chi dĩ cung thất, thượng đống hạ vũ dĩ đãi phong vũ, cái thủ chu Đại tráng. Dịch: Thời thượng cổ người ta (mùa đông) ở trong hang (mùa hè) ở giữa đồng; thánh nhân đời sau mới thay bằng nhà cửa, trên có đòn nóc, dưới có mái che để phòng lúc mưa gió là lấy cái tượng ở quẻ Đại tráng. 12. Cổ chi táng giả, hậu ý chi dĩ tân, táng chi trung dã, bất phong bất thụ; tang kỳ vô số; hậu thế thánh nhân dịch chi dĩ quan quách, cái thủ chư Đại quá. Dịch: Thời xưa, chôn cất người chết thì lấy củi bó một lớp dày chung quanh rồi chôn ở giữa đồng, không đắp mộ cũng không trồng cây; để tang bao lâu không hạn định; thánh nhân đời sau thay đổi (cách thức), dùng áo quan và quách, là lấy tượng ở quẻ Đại quá. 13. Thượng cổ kết thằng nhi trị; hậu thế thánh nhân dịch chi dĩ thư khế, bách quan dĩ trị, vạn dân dĩ sát, cái thủ chư Quải. Dịch: Thời thượng cổ thắt nút dây (để ghi nhớ các việc) mà cai trị; thánh nhân đời sau thay đổi (cách thức), dùng văn tự, khế ước, mà cai trị trăm quan, kiểm soát dân chúng, là lấy tượng ở quẻ Quải.
°Chú thích: Tác giả chương này cho ta thấy một công dụng bất ngờ của Kinh Dịch, bảo nó là nguồn gốc của văn minh, bao nhiêu phát minh thời thượng cổ từ nhà cửa, chữ viết, tới việc trị dân vô bị, phòng cướp, giao thông, chôn cất... đều do Kinh Dịch mà có cả; vì Phục Hi, Thần Nông...nhận xét các hện tượng trong vũ trụ mà đặt ra tám đơn quái và 64 trùng quái để tượng trưng mọi sự vật, rồi lại phỏng theo 64 trùng quái đó để tạo nên nền văn minh thời cổ.
Ví dụ: Phục Hi nhận xét một vật gì đó trong vũ trụ mà tạo ra quẻ Ly rồi phỏng theo hình quẻ đó tạo ra lưới bẩy thú và đánh ca. Điều đó có cái gì khó hiểu. Sao không nói rằng Phục Hi nhận xét chẳng hạn một mạng nhện rồi chế tạo ngay ra chiếc lưới, mà lại phải qua giai đoạn trung gian là quẻ Ly? Sau mỗi tiết trong chương này, Chu Hi thường giải thích cổ nhân mượn ý nào trong một quẻ nào đó để tạo nên một đồ dùng; nhưng giải thích của ông sơ sài quá, khiên cưỡng nữa. Chẳng hạn sau tiết 8, về việc cổ nhân đóng hai lần cửa, đánh mõ để báo động kẻ cướp, là lấy tượng ở quẻ Dự, ông bảo “dự” đây là ý dự bị, đề phòng; nhưng thực ra, theo thoán từ (coi phần dịch) thì quẻ Dự có nghĩa là vui, chứ không có nghĩa là đề phòng. Chữ dự có cả hai nghĩa khác nhau xa đó. Trong phần Truyện (hệ từ hạ truyện này). Chu Hi dùng một nghĩa khác phần kinh (Thoán từ), như vậy là khiên cưỡng. R. Wilhelm không biết theo sách nào, dùng tượng của quẻ để giải thích kỹ hơn.: “quẻ Lôi địa Dự gồm quẻ Chấn có nghĩa là động, ở trên quẻ Khôn là đất. Hào 3,4, 5 họp thành quẻ Hỗ (1) Khảm có nghĩa là nguy hiểm; hào 2, 3, 4 họp thành một quẻ hỗ nữa: quẻ Cấn là núi. Quẻ Khôn tượng trưng một cái cửa đóng, mà quẻ Cấn cũng có nghĩa là cái cửa; vậy là có hai lần cửa. quẻ khảm có nghĩa là ăn trộm. Bên kia cửa, có động (quẻ Chân với gỗ (Chấn là gỗ) ở trong tay (Cấn là tay) dùng để dự bị (tên quẻ: Dự cũng có nghĩa là dự bị) chống lại kẻ trộm” (Sách đã dẫn – tr.333).䷧
Cũng rất khiên cưỡng: Chấn là gỗ, Cấn là cửa, là tay! Vô lý nhất là lời chú giải này của Chu Hi: về quẻ Phệ hạp, Thần Nông mượn chữ phệ 噬 làm chữ thị 巿, chữ hạp 嗑 làm chữ hạp 合 (nghĩa là lấy những chữ phát âm giống nhau nhiều ít như phệ và thị mà thay cho nhau), do đó mà phệ hạp nghĩa là cắn để họp lại (coi quẻ Phệ hạp – số 21) hoá ra thị hạp nghĩa là họp chợ. Từ đó mới có chợ (thị). Nhưng trước khi Thần Nông đặt ra chợ thì làm gì có chữ thị để ông mượn mà thay cho chữ phệ? Chưa có vật thì làm sao có tên để chỉ vật? Còn như nếu đã có chữ thị rồi, có việc họp chợ rồi, thì cần gì phải mượn hai chữ phệ hạp để tạo ra hai chữ thị hạp nữa?