Họ và tên bị can: Chu Chỉ NhượcTên khác: Không cóTrình độ văn hoá: Biết đọc biết viết, tinh thông Dịch kinhTôn giáo: Phật giáoHoàn cảnh gia đình: Độc thânNghề nghiệp: chưởng môn phái Nga MyCăn cứ vào Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam năm 1999, cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can Chu Chỉ Nhược về các tội danh “giết người” (Điều 93), ”giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” (Điều 95), “trộm cắp tài sản” (Điều 138), “cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 143). Trên cơ sở điều tra, cơ quan điều tra kết luận như sau:Bị can Chu Chỉ Nhược là con gái của người thuyền chài không rõ tên trên sông Hán Thủy. Trong lần đào thoát của Thường Ngộ Xuân và Chu công tử, con trai của Chu Tử Vượng; cha của bị can bị quân Nguyên (Mông Cổ) bắn chết. Thường Ngộ Xuân nguyên là bộ tướng của Chu Tử Vượng, một người trong lực lượng Minh giáo tham gia khởi nghĩa chống quân Nguyên ở Hoài Tứ. Khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, Chu Tử Vượng bị giết, Thường Ngộ Xuân cùng con trai của Chu Tử Vượng bị quân Mông Cổ truy sát trên dòng sông Hoài Thuỷ, làm chết Chu công tử và cha của bị can. May là lúc đó Trương Tam Phong, chưởng môn phái Võ Đang, cùng đồ tôn là Trương Vô Kỵ đang trên đường từ chùa Thiếu Lâm về, đã đánh tan quan binh truy sát, cứu mạng Thường Ngộ Xuân và Chu Chỉ Nhược.Lúc bấy giờ, Trương Vô Kỵ mới 10 tuổi và Chu Chỉ Nhược mới 8 tuổi nhưng đã quyến luyến nhau. Trương Vô Kỵ gặp bệnh hiểm nghèo sắp chết nhưng Nhược đã làm quen, đút cơm cho Vô Kỵ ăn, an ủi Vô Kỵ. Trước tình cảnh đó, Thường Ngộ Xuân đưa ra một điều kiện: Xuân sẽ đưa Vô Kỵ đi gặp bác sĩ giỏi để chữa bệnh; ngược lại Trương Tam Phong sẽ bảo bọc cho Chu Chỉ Nhược. Hai bên đã đồng ý.Sau khi về núi Võ Đang, Chu Chỉ Nhược được Trương Tam Phong gửi làm đệ tử tục gia của Diệt Tuyệt sư thái, chưởng môn phái Phật giáo Nga My. Tại đây, y thị tu học trên 10 năm, trở thành một vị cô nương xinh đẹp, võ công cao cường. Khi Diệt Tuyệt sư thái sắp qua đời, có di ngôn cho Chu Chỉ Nhược kế tục đảm nhiệm chức vụ chưởng môn phái Nga My. Cũng trong thời gian đó, Trương Vô Kỵ bị lưu lạc sang Tây Vực, nhờ may mắn mà tự chữa được bệnh và tu tập được võ công cao cường, cứu được bọn quần hùng Minh giáo (Bái hỏa giáo Trung Quốc), được tôn xưng giáo chủ Minh giáo. Xa nhau hơn 10 năm, cả hai gặp lại nhau trên đỉnh Quang Minh, dãy Thiên Sơn tại Tây Vực.Trong lúc truy tìm và giải cứu cha nuôi là Tạ Tốn đang bị Kim Hoa bà bà giam lỏng tại Linh Xà đảo, Vô Kỵ tình cờ gặp lại Chu Chỉ Nhược và Hân Ly (em họ của Vô Kỵ). Cùng đi với Vô Kỵ có Triệu Mẫn (tên thật là Mẫn Mẫn Đặc Mục Nhĩ, Thiệu Mẫn quận chúa Mông Cổ) và Tiểu Siêu (gái lai Ba Tư, người hầu của Vô Kỵ). Thấy Vô Kỵ có mang theo hai bảo vật hiếm có trên thế gian là kiếm Ỷ Thiên và đao Đồ Long, Chu Chỉ Nhược đã rắp tâm chiếm đoạt, chỉ chờ có cơ hội thuận tiện là ra tay.Trên vùng biển Linh Xà đảo, Vô Kỵ đã đụng độ với 12 Bảo Thụ vương và Phong Vân Nguyệt tam sứ của Bái hoả giáo Ba Tư. Tại đây, Kim Hoa bà bà, nguyên là Tử Sam Long Vương (đứng đầu trong Tứ hộ giáo pháp vương của Minh giáo Trung Quốc), bị người Ba Tư bắt và chuẩn bị đưa lên giàn hỏa vì đã phản bội sứ mạng của Minh giáo Ba Tư. Kim Hoa bà bà, tên thật là Đại Ỷ Ty, nguyên là Thánh nữ của Bái hoả giáo Ba Tư, là mẹ ruột của Tiểu Siêu, người hầu của Vô Kỵ. Để cứu tất cả mọi người, Tiểu Siêu, dù đã thầm yêu, phải chấp nhận xa Vô Kỵ, trở về Ba Tư để lên ngôi giáo chủ Bái hoả giáo, cứu mạng cho mẹ ruột. Chia tay trên biển, Trương Vô Kỵ đưa Tạ Tốn, Hân Ly, Triệu Mẫn và Chu Chỉ Nhược trở về Trung Nguyên. Trên đường về, họ ghé tạm vào một hòn đảo không tên để nghỉ ngơi và điều trị các vết thương. Tại đây, bị can Chu Chỉ Nhược đã thực hiện các hành vi gây án nghiêm trọng.Biết Triệu Mẫn có món thuốc độc Thập hương nhuyễn cân tán, bị can Chu Chỉ Nhược đã lấy cắp và dùng thủ đoạn đê hèn để đầu độc Vô Kỵ, Tạ Tốn, Triệu Mẫn và Hân Ly. Y thị chiếm đoạt được cả kiếm Ỷ Thiên lẫn đao Đồ Long, làm gãy cả hai bảo vật hiếm có này, lấy được bộ Cửu âm chân kinh - một kinh điển võ học thượng thừa – cùng với bộ chưởng pháp Hàng long thập bát chưởng, Võ Mục di thư - một bộ binh pháp dùng để đuổi quân xâm lược. Y thị trói Triệu Mẫn, bỏ lên thuyền và thả trôi lênh đênh trên biển. Hồ sơ vụ án do Kim Dung ghi lại đã gọi hành vi này là “phóng trục”. May mắn là sau đó Triệu Mẫn không chết và được cứu sống. Đối với Hân Ly, cô em cô cậu yêu Vô Kỵ tha thiết, bị can Nhược đã thể hiện lòng ghen tuông sâu sắc và thực hiện thủ đoạn cực kỳ hèn mạt. Y thị giết Hân Ly bằng cách vạch nhiều nhát kiếm lên mặt cô gái này và tạo hiện trường giả để đổ tội cho Triệu Mẫn.Thực hiện xong các thủ đoạn gây án hèn mạt đó, bị can Nhược cũng giả vờ trúng độc Thập hương nhuyễn cân tán để đánh lừa Trương Vô Kỵ và Tạ Tốn. Quả nhiên, Trương Vô Kỵ bị y thị đánh lừa, luôn tin rằng Triện Mẫn là kẻ thủ ác tàn bạo. Riêng nhân chứng Tạ Tốn tuy mù nhưng lại biết rõ các hành vi gây án của bị can Nhược. Tuy nhiên, vì cả Tạ Tốn lẫn Trương Vô Kỵ đều bị trúng độc nên không tiện lên tiếng tố cáo nhằm tránh bị bị can Nhược thủ tiêu bịt đầu mối.Trở về Trung Nguyên, bị can Nhược luyện ngay Cửu âm chân kinh. Tuy nhiên, do ý nghĩa bộ kinh này quá ảo diệu và nóng lòng muốn thành công nhanh chóng nên y thị chỉ tập trung luyện những phần bá đạo. Từ khi luyện hai môn võ công bá đạo này, bị can Nhược ngày càn tỏ ra tàn bạo hơn. Lúc Triệu Mẫn tìm đến khi lễ cưới giữa Vô Kỵ và bị can diễn ra, kêu gọi Vô Kỵ đi cứu Tạ Tốn; bị can Nhược trong lớp áo cô dâu, đã dùng một chiêu trong Cửu âm bạch cốt trảo, chộp vào đầu Triệu Mẫn hòng giết chết cô ngay lúc ấy. Rất may là Triệu Mẫn đã cảnh giác trước, phản xạ lanh lẹ nên bị can đã đánh trượt vào vai; nhờ đó cô mới thoát chết. Ngoài ra, nhân chứng Vô Kỵ có khai rằng, anh nghi ngờ rằng chính bị can đã thực hiện hành vi giết người đối với đôi vợ chồng già Đỗ Bách Đương và Dịch Tam Nương, cư trú dưới chân núi Thiếu Thất, hòng phục kích giết chết Triệu Mẫn; cũng như nhiều lần chủ mưu hoặc trực tiếp mưu sát Tạ Tốn để bịt đầu mối. Tuy nhiên, yếu tố này chưa đủ bằng chứng để buộc tội bị can.Trước cơ quan điều tra, bị can Chu Chỉ Nhược đã thú nhận các hành vi gây án đối với những người bị hại. Y thị khai rằng y thị rất yêu thương Trương Vô Kỵ nhưng y thị đã trót có lời thề với sư phụ trước khi bà này chết. Lời thề đó là không được lấy Trương Vô Kỵ mà phải bằng mọi cách lấy cho được bảo kiếm và bảo đao, luyện thành võ công cao cường để đưa páhi Nga My lên đứng đầu thiên hạ. Nhưng trước cơ quan điều tra, những điều y thị nại ra là không có cơ sở để tin cậy.Trong quá trình điều tra, phá án, cơ quan điều tra đã thu giữ được hai đoạn gãy của thanh kiếm Ỷ Thiên, riêng thanh đao Đồ Long đã được hàn lại, ba bộ kinh sách viết trên lụa mỏng, một bình thuốc độc. Theo biên bản kết luận giám định của phòng khoa học kỹ thuật hình sự, loại độc dược đựng trong bình là một loại thuốc bột kết hợp từ 10 thứ nhuỵ hoa, có tác dụng làm người bị trúng độc uể oải gân cốt, đi đứng không vững có tên là Thập hương nhuyễn cân tán. Trước những lời khai của các nhân chứng, đặc biệt là lời khai của nhân chứng Tạ Tốn ghi tại chùa Thiếu Lâm, các tang chứng, vật chứng cụ thể trên, Chu Chỉ Nhược đã cúi đầu nhận tội.Kết luận:Bị can Chu Chỉ Nhược, chưởng môn phái Nga My, đã thiếu tu dưỡng đạo đức, tự buông thả mình theo các tham vọng cá nhân, trở thành kẻ phạm tội. Hành vi lấy kiếm rạch nhiều nhát lên mặt Hân Ly do bị can thực hiện đã cấu thành tội “giết người” theo Điều 93 Bộ luật Hình sự. Việc Hân Ly không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị can. Hành vi đánh Triệu Mẫn trong lễ cưới của bị can đã cấu thành tội “giết người trong trạng thái kích động mạnh” theo Điều 95 Bộ luật Hình sự. Việc bị can dùng thuốc độc đối với bốn người bị hại Vô Kỵ, Tạ Tốn, Triệu Mẫn và Hân Ly khiến bốn người mê man để y thị tiến hành việc trộm cắp bảo kiếm Ỷ Thiên và bảo đao Đồ Long đã cấu thành tội “trộm cắp tài sản” theo Điều 138 Bộ luật Hình sự. Hành vi làm gãy kiếm Ỷ Thiên và đao Đồ Long để lấy 3 bộ kinh sách trong đó của bị can đã cấu thành tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143 Bộ luật Hình sự. Cơ quan điều tra đề nghị Viện Kiểm sát truy tố bị can Chu Chỉ Nhược với 4 tội danh nêu trên. Vậy xin chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án để quý viện nghiên cứu.