Lý Tự Thành - Chính sử và tiểu thuyết

Trong bộ tiểu thuyết võ hiệp Lộc Đỉnh ký, Kim Dung đã dành ít nhất ba chương nói về nhân vật Lý Tự Thành. Trong chính sử Trung Quốc, Lý Tự Thành là một nhân vật có thực, đã từng làm triều Minh sụp đổ. Xung quanh nhân vật này, có khá nhiều huyền thoại ly kì...
Lý Tự Thành, người huyện Mễ Chi, tỉnh Thiểm Tây. Ông sinh năm 1606, dưới triều Minh, còn có tên là Lý Sấm. Đời vua cuối cùng của triều Minh, Sùng Trinh hoàng đế, là một hôn quân nhu nhược, đắm say sắc dục. Ở miền Đông Bắc Trung Quốc, dân tộc Mãn Châu dựng lên triều Thanh, có tham vọng vượt Sơn Hải quan tiến đánh Trung Quốc. Loạn lạc nổi lên khắp nơi, Lý Tự Thành cũng dựng cờ khỏi nghĩa tại Thiểm Tây. Đây là cuộc khởi nghĩa nông dân có quy mô tầm cỡ nhất dưới thời Sùng Trinh hoàng đế.
Trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung mô tả Lý Tự Thành là "một vị lão tăng thân hình cao lớn...tay cầm thiền trượng... Vị lão tăng này mặt vuông, dưới cằm có hàm râu xanh, mục quang loang loáng như điện, lộ vẻ uy mãnh phi thường... Lão đứng trước cửa đồ sộ như một trái núi nhỏ, tướng mạo như hùm beo sư tử, khí thế đủ làm cho người ta phát sợ...". Kim Dung cũng cho biết con người của Lý Tự Thành rất nhiều lông lá, tiếng nói rổn rảng, khi ngủ ngáy rất dữ dội. Nhưng văn chương tiểu thuyết thì bao giờ cũng là văn chương tiểu thuyết. Minh sử cho biết Lý Tự Thành bị mù một mắt. Con mắt ấy bị mù là do mũi tên của tướng Minh - Trần Vĩnh Phúc bắn vào khi Lý Tự Thành đánh vào Biện Lương (phủ Khai Phong).
Lý Tự Thành khởi nghĩa năm 1637, tự xưng là Phụng Thiên Xướng Nghĩa Đại nguyên soái. Cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Thành gắn liền với huyền thoại về một đại mỹ nhân thời Minh mạt. Tên người phụ nữ ấy là Trần Viên Viên.
Trần Viên Viên là một danh kỹ đất Tô Châu, hát hay đàn giỏi, nhan sắc cực kì diễm lệ, được bọn quan lại và phú hào Tô Châu phong làm đệ nhất đại mỹ nhân. Năm 1640, Sùng Trinh hoàng đế say mê quý phi họ Điền mà xao nhãng hoàng hậu họ Chu. Cuộc chiến tranh lạnh xảy ra giữa Chu hoàng hậu và Điền quý phi. Chu quốc trượng về Tô Châu mua Trần Viên Viên, tiến vào cung hầu hạ Sùng Trinh hoàng đế để nhà vua quên bớt Điền quý phi. Sùng Tỉnh gần gũi với Viên Viên một thời gian rồi cho bà trở lại tư dinh Chu quốc trượng. Viên đại tướng quân Ngô Tam Quế gặp Trần Viên Viên thì say đắm ngay. Lúc bấy giờ, quân Thanh đang áp sát biên giới Sơn Hải quan. Sùng Trinh ban Trần Viên Viên cho Ngô Tam Quế và ra lệnh cho Quế về trấn giữ Sơn Hải quan. Quế gởi Viên Viên ở lại Bắc Kinh và ra đi.
Năm 1643, Lý Tự Thành đánh vào Bắc Kinh bức tử Sùng Trinh hoàng đế ở núi Môi Sơn, chiếm đoạt toàn bộ kho báu nhà Minh. Vật quý giá nhất trong kho báu ấy là nàng Trần Viên Viên tài hoa và xinh đẹp. Lý Tự Thành lên ngôi vua, tự xưng là Đại Thuận hoàng đế, Phụng Thiên vương. Đêm đêm, sau những trận đánh đẫm máu, vị hoàng đế thô hào lỗ mãng ấy lại quay về cung cấm với chiến lợi phẩm biết nói. Được tin Lý Tự Thành đã chiếm được Bắc Kinh đoạt người đẹp Trần Viên Viên, Ngô Tam Quế mở cửa đầu hàng Mãn Châu. Nhà Thanh phong ngay cho Ngô Tam Quế làm Bình Tây vương, đưa quân về Bắc Kinh. Ngô Tam Quế đánh đuổi vừa quân lính nhà Minh, vừa quân lính của Đại Thuận hoàng đế Lý Tự Thành; thế mạnh như chẻ tre. Lý Tự Thành chạy về hướng núi Cửu Cung. Thuận Trị lên ngôi vua tại Bắc kinh cùng năm 1643, mở ra Thanh triều trên đất Trung Quốc. Số phận Lý Tự Thành ra sao?
Sách sử Trung Quốc cận đại cho rằng Lý Tự Thành chết vào năm Thuận Trị thứ ba (1645). Minh sử viết: "Lý Tự Thành bị bọn dân quê vây, không thoát được nên thắt cổ tự tử". Sách Minh quý bắc lược lại đưa ra một cách lý giải khác: "Lý Tự Thành bị bệnh, chết trong núi La Công". Phải nói rằng Thuận Trị hoàng đế của nhà Thanh rất ngại Lý Tự Thành. Nhà vua sai các tướng lĩnh truy kích Lý Tự Thành phải tìm cho ra những bằng chứng về cái chết của nhân vật thủ lĩnh phong trào nông dân này. Tướng Hà Đằng Giao (người Hán) gởi bản tâu về Bắc Kinh, có đoạn: "Không có chứng cứ gì về cái chết của Sấm, thủ cấp của Sấm cũng không thấy". Tướng A Tế Cách (Mãn Châu) cũng có bản tấu về, có đoạn: "Có tên hàng binh ra trình rằng Lý Tự Thành chạy vào núi Cửu Cung, bị dân quê vây, tự thắt cổ mà chết". Nói chung, chẳng có ai có được bằng chứng đích xác khẳng định Lý Tự Thành đã chết và chết như thế nào. Tất cả đều chỉ là tin đồn, lời khai...
Trong khi đó, có hai tư liệu lịch sử khác lại cho rằng Lý Tự Thành vẫn còn sống. Sách Phong Châu kí viết: "Lý Tự Thành chạy trốn đến Giáp Sơn, xuất gia đi tu, bảy mươi tuổi mới chết ở tư thế ngồi...". Giang Dục Chí lại viết Lý Tự Thành mộ chí, có đoạn: "Lý Tự Thành quả thực chạy về Phong Châu... cưỡi ngựa mà đi, đến Giáp Sơn đi tu, chết mộ vẫn còn". Theo Giang Dục Chí, tháp xây trên mộ Lý Tự Thành có hàng chữ "Phụng Thiên Ngọc hoà thượng". Giang Dục Chí cũng khẳng định rằng Lý Tự Thành đi tu năm Thuận Trị thứ nhất và "thắng làm vua, bại làm sư là cách sống của người Trung Quốc".
Kim Dung viết Lộc Đỉnh ký xây dựng nhân vật Lý Tự Thành trên cơ sở tham khảo các tài liệu từ Phong Châu kí và Lý Tự Thành mộ chí. Trong Lộc Đỉnh ký, Lý Tự Thành sống đến sau năm Khang Hy thứ 10 (1672), khi Vi Tiểu Bảo làm Tứ hôn sứ gả công chúa Kiến Ninh qua Vân Nam làm vợ Ngô Ứng Hùng, con trai Bình Tây vương Ngô Tam Quế. Rõ ràng Kim Dung gọi Lý Tự Thành là một lão tăng. Vị "lão tăng" này cũng rất lợi hại: tìm đến ngoại thành Côn Minh, biết người tình cũ Trần Viên Viên đang đi tu, không sống chung với Ngô Tam Quế nữa, bèn nối lại cung đàn xưa. Mối quan hệ vụng trộm ấy đã đơm hoa kết quả: cô gái xinh đẹp A Kha ra đời. Người ngoài cứ ngỡ A Kha là con của Ngô Tam Quế; chỉ có Lý Tự Thành và Trần Viên Viên mới biết rõ. A Kha là con riêng của họ, đứa con của mối tình bà vãi-ông sư!
Tất nhiên, tiểu thuyết vẫn là tiểu thuyết, tác phẩm tiểu thuyết không thể thay thế cho ác phẩm lịch sử. Nhưng ngay những sách sử thời Minh mạt - Thanh sơ vẫn không xác định được cái chết, cái sống của Lý Tự Thành thì bảo sao Kim Dung không lãng mạn phóng bút cho nhân vật Lý Tự Thành của mình ở tuổi 70 vẫn sinh ra cô con gái xinh đẹp tuyệt vời, vẫn cầm cây thiền trượng đánh nhau với Hán gian Ngô Tam Quế trước mặt người tình Trần Viên Viên. Ai cấm được nhà văn hư cấu trên thực tế của lịch sử. Như vậy, đối với sử sách Trung Quốc, cái chết của Lý Tự Thành, người "anh hùng nông dân" vẫn còn là một nghi án. Để hoá giải những thắc mắc từ nghi án ấy, người ta đọc Lộc Đỉnh ký của Kim Dung.
Chú thích:
Danh xưng của Lý Tự Thành là Phụng Thiên vương. Chữ Vương (王) thêm một dấu chấm thành ra chữ Ngọc (玉). Phụng Thiên Ngọc hoà thượng chính là như vậy.

Truyện KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI Khái quát phong cách xây dựng nhân vật Võ công Rượu Âm nhạc Hoa Y học Tình yêu Tình dục Chất hài Ghen Chất thơ Ngôn ngữ bình dân Những bộ sách “Thời trang” Những nhân vật quái dị Nghề kỹ nữ Con trâu Người Tây dương Kỹ thuật Thức ăn Trung Hoa Tinh thần Phật giáo Libido Nghệ thuật tiểu thuyết của Kim Dung Kim Dung đặt lại mấy vấn đề lịch sử Kim Dung và ngôn ngữ xã hội hóa Kim Dung - Hồn tính lãng mạn phương Đông Kim Dung và những ông thần si tình Kim Dung và "Thiên ngoại hữu thiên" Kim Dung và Vạn sự giai không Kim Dung và chữ Xuân Kiếm luận Đao luận Cành mai trên Thiên Sơn Thư pháp và Võ công Suy niệm ký tiểu hữu Tiếu ngạo giang hồ Những suy niệm siêu hình học Sự suy tàn của chủ nghĩa bạo lực Thanh kiếm và Cây đàn Huyền thoại Thủ cung sa Bọn hào sĩ giang hồ ăn Tết Bọn hào sĩ giang hồ tiếp thị Hàng giả tống Vân Nam Bức giác thư giã từ thế kỷ Hành trình qua thống khổ Đêm phương Nam đọc lại Ỷ thiên Đồ long ký Sử kiếm ý, bất sử kiếm chiêu Kiều Phong - Khát vọng của tự do Khóc lên hỡi Nghi Lâm! Vi Tiểu Bảo ở đâu? Con trâu thông thái Thiên hạ đệ nhất đại mỹ nhân Thử bình bầu Thập đại mỹ nhân Chân dung Nhạc Bất Quần Lam Phượng Hoàng Đại phu Bình Nhứt Chỉ Từ AQ tới Vi Tiểu Bảo Vi Tiểu Bảo và phép thắng lợi tinh thần Vi Tiểu Bảo và nghệ thuật làm quan Vi Tiểu Bảo và kỹ thuật xuyên tạc thông tin Lý Tự Thành - Chính sử và tiểu thuyết Đau thương A Tử Huyền thoại Nhạc Linh San Ba người ngu nhất thiên hạ Khang Hy Thử bình bầu chín vị anh hùng Ỷ thiên Đồ long ký - Bài ca của chủ nghĩa yêu nước Hiệp khách hành Vấn đề pháp luật Nhân vật Kim Dung đi tìm công lý Những vụ án tình báo gián điệp Các tôn giáo, bang hội Bang giao Trung - Nga nhìn qua Lộc Đỉnh ký Đào cốc lục tiên - Một luật sư đoàn ngộ nghĩnh Vụ án "di hoa tiếp mộc" trong Lộc Đỉnh ký Tố tụng hình sự theo luật giang hồ Những vụ án oan Tứ di "Luật hôn nhân" Thiên Long bát bộ và luật tục thảo nguyên Bang giao Tống-Liêu nhìn qua Thiên Long bát bộ Khi Vi Tiểu Bảo hình sự hóa quan hệ dân sự Vi Tiểu Bảo phá án đua ngựa Vụ án Vi Tiểu Bảo phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp Bản luận tội Vi Tiểu Bảo Bản luận tội Nhạc Bất Quần Bản luận tội Nhất Đăng đại sư Báo cáo về việc đình chỉ điều tra vụ án Tiểu Long Nữ Kết luận điều tra về hành vi phạm tội của Chu Chỉ Nhược Yếu tố bằng chứng trong truyện võ hiệp Kim Dung Những phiên tòa trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung