rong cuốn sổ tay du lịch tôi được phu nhân đại sứ Anh tại Việt Nam tặng riêng trước khi sang Anh du học, phần viết về Liverpool chỉ có hai hình minh họa, trong đó một vẽ bốn chàng trai trong ban nhạc huyền thoại The Beatles. Chừng đó đủ biết Fab Four – tên gọi thân mật của The Beatles – có ý nghĩa như thế nào đối với thành phố cảng miền Bắc nước Anh này. Đó là một ngày đầu thu. Mùa thu ở Anh, đặc biệt là ở miền bắc, rất lạnh nhưng tôi hăm hở dậy thật sớm đón một trong những chuyến xe đầu tiên của ngày để khám phá Liverpool và cảm nhận không khí Beatles trọn vẹn. Quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi vặn đài Virgin Radio, sau những bản nhạc rock quen thuộc trong tháng (một anh bạn bảo mới nghe Virgin Radio rất thích vì nhạc hay, nhưng sau vài ngày rất dễ… nổi điên vì cứ nghe đi nghe lại những bài hát y chang vậy), tôi tỉnh ngủ hẳn khi nghe giọng John Lennon: “Tất cả những nơi ấy đều có những khoảnh khắc riêng với những người yêu và bạn bè tôi vẫn còn nhớ… Nhưng tất cả những bạn bè và người yêu ấy đều không thể so sánh với em” (In my life). Virgin Radio rất hiếm khi chơi The Beatles, thế mới lạ. Đến Liverpool vào tháng chín quả không đúng lúc vì Hội nghị quốc tế về The Beatles đã diễn ra một tháng trước đó, còn Liverpool MOW – lễ hội âm nhạc hằng năm với những ban nhạc địa phương có triển vọng – lại được tổ chức vào tháng mười. Nhưng không khí âm nhạc vẫn tràn ngập thành phố rộn rã này, trong dòng người tấp nập đi mua sắm ngày cuối tuần, trong những cửa hiệu bán nhạc cụ bên đường, và ngay cả trong những góc phố khuất nẻo ít ai để ý đến. Giọng Liverpool rất khó nghe, ngay cả đối với người Anh đến từ những vùng khác. (Giống như người Sài Gòn lần đầu đi Huế rất dễ kêu trời vì không hiểu người Huế nói gì). Được một người địa phương nhiệt tình chỉ cặn kẽ đường đến quảng trường thành phố, và với tấm bản đồ trong tay tôi hoang mang với một mớ rối rắm những từ địa phương và cách phát âm đặc trưng Liverpool nghe câu được câu mất. Cuối cùng tôi cũng đến được quảng trường thành phố, quả không uổng công lặn lội. Quảng trường đầy nắng và tràn ngập nốt nhạc réo rắt của những nghệ sĩ lang thang. Ở đó tôi nghe lại những ca khúc The Beatles quen thuộc And I love her, Hey Jude… và bản nhạc tôi rất thích mà đã nhiều nằm không nghe lại “Tôi yêu em tám ngày mỗi tuần… Tám ngày mỗi tuần cũng không đủ chứng tỏ tôi quan tâm đến chừng nào… “ (Eight days a week). Bài hát cứ làm tôi mỉm cười. Mặc dù rất muốn ngồi nán lại nghe thêm các giai điệu của Fab Four, tôi quyết định đi thăm những nơi khác của Livepool. Trên bản đồ một địa điểm được đánh dấu với cái tên “Câu chuyện The Beatles” ở cảng Albert. Tôi hỏi người đàn ông trung niên có khuôn mặt vui vẻ ngồi nghe nhạc cùng bậc thềm. Thật may mắn, ông không nói giọng Liverpool, và may hơn nữa ông cũng muốn đi đến cảng Albert thăm bảo tàng nghệ thuật thành phố ở gần đó. Trên đường đi, tôi hỏi: “Sao giọng Liverpool khó nghe nhưng giọng The Beatles lại dễ nghe đến vậy!”. Ông cười xòa: “Phải đổi chút ít chứ, ai lại mang giọng địa phương đặc sệt vào âm nhạc hiện đại. Nhưng đời thường Fab Four vẫn nói giọng Livepool đấy. À, đường này rẽ vào Cavern Club, cô có muốn vào cho biết không?”. Trong cuốn guidebook có viết về Cavern Club, nơi tứ quái từng chơi nhạc từ khi còn “hàn vi” đến lúc đỉnh cao âm nhạc. Rẽ vào đường Mathew, một con đường khá nhỏ so với mức độ nổi tiếng của nó, là đến Cavern Pub, một quán rượu bên ngoài có dựng tượng John Lennon cầm đàn guitar to bằng người thật. Trên khắp bức tường bên ngoài quán có khắc tên tất cả những nghệ sĩ từng biểu diễn ở Cavern Club từ 1957-1973, trong đó có không ít tên tuổi dữ dằn không kém như Eric Clapton, The Rolling Stones, Status Quo, The Who, Rod Stewart, Queen, Stevie Wonder, Elton John, Jimi Hendrix. Đối diện Cavern Pub là Cavern Club, nhưng thật đáng tiếc Cavern Club thật đã bị đập bỏ vào thập niên 1970, nơi chúng tôi đến chỉ là một phiên bản giống hệt trên nền ngôi nhà cũ và dùng lại những viên gạch cũ của Cavern Club ngày xưa. Tôi thắc mắc sao đập đi rồi lại xậy lại y vậy làm gì mất hết ý nghĩa. Ông bạn đồng hành nhún vai: “Nhiều khi dân Liverpool điên điên vậy đó. À, mà tôi không phải dân Liverpool đâu nghe!”. Dù vậy tôi vẫn có cảm giác bồi hồi khi đi bộ xuống cầu thang đá mờ mờ ánh điện vàng, xuống sảnh chính lung linh ánh nến với sân khấu cũng bằng đá, những cây đàn guitar điện và chiếc trống Ringo Starr có chữ Ludwig The Beatles. Người đàn ông tốt bụng bảo tôi: “Trên đường Slater có quán bar tên Jacaranda, Beatles cũng từng chơi ở đó. Nếu còn thời gian cuối ngày cô đến đó cho biết, quán bar này chính hiệu, hi vọng họ không có ý đập bỏ nó như Cavern Club”. Đường Mathew có một cửa hiệu tên Beatles Shop rất nổi tiếng với bộ sưu tập lớn nhất những đồ lưu niệm và đĩa nhạc The Beatles. Song trên đường đi, bắt gặp bảng hiệu “Tặng bản đồ âm nhạc Beatles” và mũi tên chỉ đến một shop có tên From Me To You, chúng tôi quyết định đi đến đó. Cách thức marketing này quả hiệu nghiệm: rất nhiều du khách đến From Me To You, sau khi được chủ tiệm vui vẻ tặng tấm bản đồ in màu, hầu như ai cũng nán lại mua một món gì đó: áo thun The Beatles, đĩa nhạc, hay vài tấm postcard… Theo bản đồ, không lâu sau ở khu này sẽ mọc lên một khách sạn mang tên Hard Day’s Night hotel. Những ai yêu nhạc ắt nhận ra đó là tên một bài hát của Fab Four – A hard day’s night (Đêm sau một ngày mệt nhọc). Tôi tạm biệt người dẫn đường vui tính ở cảng Albert, nơi chiếc tàu neo gần bờ đang phát ra bài Yellow submarine, và mua vé đi tuor “Câu chuyện The Beatles” để làm một chuyến lữ hành hoài cổ ngược về lịch sử “bốn gã trai làm rung chuyển thế giới” – câu chuyện được khắc trên bức tượng Dooley trên đường Mathew. Trời ngả về chiều, tôi rời cảng lên xe buýt đến giao lộ Penny Lane. Giữa giao lộ có một căn chòi nhỏ (shelter), gợi nhớ ngay đến lời bài Penny Lane do Paul McCartney sang tác về thời thơ ấu của mình “Phía sau căn chòi nhỏ ở chính giữa giao lộ, cô y tá xinh đẹp đang bán hoa thuốc phiện (°) trên một cái khay”. Một thời nhạc The Beatles bị chỉ trích rằng có những bài hát của họ cổ súy lối sống buông thả vời ma túy (trong đó khét tiếng nhất là Lucy in the Sky with Diamond với tên viết tắt LSD, một loại ma túy cực mạnh. Các nhà phê bình cho rằng bài hát này nói về cảm giác lâng lâng khi “phê”, nhưng The Beatles lại khăng khăng bảo đó không phải ý của họ). Penny Lane chỉ là một con đường rất bình thường như mọi con đường khác, với những ngôi nhà gạch đỏ rèm cửa viềm ren trắng trải dài dưới ánh nắng cuối ngày. Đầu đường có một quán rượu cùng tên, trên tường khắc trọn vẹn lời bài hát của Paul. Cạnh đó là một panô quảng cáo dự án biến Penny Lane thành một địa danh nổi tiếng hơn nữa với cách chơi chữ rất khéo “Penny Lane not just any lane” (Penny Lane chứ không phải một con đường bình thường). Lang thang cuối ngày, tôi còn muốn đến Strawberry Fields (Những cánh đồng dâu), địa danh trong bài Strawberry Fields forever, nhưng đường đến đó còn xa quá nên đành luyến tiếc hẹn dịp khác. Cũng cần phải nói thêm, đây chỉ là tên địa danh, nếu muốn đến để… hái dâu bạn sẽ rất thật vọng vì ở đó chẳng có trái dâu nào! Và suốt một tiếng đồng hồ trên xe buýt, trong đầu tôi cứ luẩn quẩn những bài hát của The Beatles: “Con đường dài quanh co dẫn đến nhà em sẽ không bao giờ biến mất, tôi đã thấy con đường ấy trước đây”…”Penny Lane vang trong tai tôi, đọng trong mắt tôi. Ở đó, dưới bầu trời ngoại thành xanh thẳm, tôi ngồi…”. (°) Bài báo này được đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 23-10-2004, một tuần sau tôi được biết chữ “poppies” trong bài hát không phải hoa thuốc phiện (còn gọi là hoa anh túc) mà là một loại hoa vải có hình dáng và màu sắc giống như hoa anh túc, được bán trên đường phố trong khoảng thời gian đầu tháng mười một hàng năm ở Anh để gây quỹ cho quân đội hoàng gia Anh (và ở một số nước khác như Canada, Mỹ, Úc, Colombia…). Những người mua hoa poppies sẽ gài lên áo để tưởng nhớ những chiến sĩ tử trận trong chiến tranh thế giới và những cuộc chiến khác. Hoa anh túc được chọn là biểu tượng một phần do bài thơ “Trên những cánh đồng Flanders” của trung tá John McCrae của quân đội Canada năm 1915, viết thay lời những người ngã xuống trên đồng Flanders và được chon tại đây vào chiến tranh thế giới thứ nhất. Được biết sau khi những người lính được chôn một thời gian, nơi đây mọc lên rất nhiều hoa anh túc đỏ thắm. Hai đoạn cuối có viết: We are the dead. Short days ago We lived, felt dawn, saw sunset glow, Loved and were loved, and now we lie In Flanders fields. Take up our quarrel with the foe: To you from failing hands we throw The torch; be yours to hold it high. If ye break faith with us who die We shall not sleep, though poppies grow In Flanders fields. Tạm dịch: Chúng tôi là những người đã chết. Chỉ vừa mới vài ngày trước Chúng tôi còn sống, cảm nhận bình minh, thấy hoàng hôn rực rỡ Yêu và được yêu Còn bây giờ chúng tôi nằm Trên những cánh đồng Flanders Hày tiếp tục cuộc chiến đấu của chúng ta với kẻ thù Từ những cánh tay yếu ớt của mình, chúng tôi sẽ ném lên cho bạn ngọn đuốc Nó sẽ là của bạn, để bạn giương cao. Nếu bạn không còn niềm tin vào chúng tôi, những người đã chết Chúng tôi sẽ không ngủ được Dù hoa anh túc vẫn cứ nở Trên những cánh đồng Flanders. Như vậy cô y tá trong bài “Penny Lane” của The Beatles bán hoa poppies bằng vải để gây quĩ, không phải bán hoa thuốc phiện như tôi nhầm tưởng lúc viết bài.