Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG VI
LẠC THÚ Ở ĐỜI

1. VẤN ĐỀ HẠNH PHÚC
 
Ở đời, ta có thể hưởng thụ được nhiều thứ lắm: ta hưởng thụ cái bản thân của ta, hưởng thụ đời sống gia đình, hưởng thụ cây cỏ, hoa lá, mây ráng, dòng nước uốn khúc, ngọn thác cuồn cuộn, và thiên hình vạn trạng trong vũ trụ; ngoài ra ta còn hưởng thụ thi ca, nghệ thuật, trầm tư, tình bạn, đàm đạo, sách vở, những cái này đều là những hình thức cảm thông của tâm hồn. Có những lạc thú dễ thấy như một bữa ăn ngon, một buổi họp vui vẻ, một buổi đoàn tụ trong gia đình, một buổi dạo xuân; có những lạc thú không hiện rõ như thi ca, nghệ thuật, trầm tư. Nhưng tôi không thể phân biệt được lạc thú ra làm hai loại tinh thần và vật chất, vì tôi không tin rằng sự phân biệt như vậy là đúng và cũng vì mỗi khi tôi muốn phân biệt thì tôi thấy lúng túng. Chẳng hạn khi thấy một bọn người già trẻ, trai gái vui vẻ ăn trên bãi cỏ trong một cuộc dạo cảnh thiên nhiên thì trong cái vui của họ, phần nào thuộc về vật chất, phần nào thuộc về tinh thần? Tôi thấy một em nhỏ lăn trên bãi cỏ, một em khác kết bông, bà mẹ chúng ăn một cái bánh, một ông chú hay ông bác của chúng cắt một trái táo đỏ và thơm tho, còn ba chúng thì nằm ra ngó mây trôi, ông nội của chúng phì phà ống điếu. Đâu đó có người quay dĩa hát và tiếng nhạc hoà tiếng sóng văng vẳng đưa lại. Bao nhiêu cái vui, cái nào là vật chất, cái nào là tinh thần? Phân biệt cái thú ăn uống hoặc ngắm cảnh với cái thú ngâm thơ, có phải là một việc dễ không? Nghe nhạc có phải là một cái thú cao thượng hơn hút thuốc ngon không? Mà người ta vẫn cho thú trên là thú tinh thần, thú dưới là vật chất. Vậy theo tôi sự phân loại như vậy mơ hồ, khó hiểu, lầm lẫn. Nó căn cứ vào một thứ triết học phân biệt tinh thần và nhục thể mà không nghiên cứu kĩ những hoan lạc của ta.
 
Tôi cho mục đích chính đáng của sinh hoạt là sự hưởng thụ; có lẽ giả định đó có phần quá đáng chăng? Giản dị quá nhỉ? Vâng, vì nó như vậy đấy. Tôi còn do dự không muốn dùng tiếng “mục đích” vì tiếng đó hàm cái nghĩa bó buộc, gắng sức, mà hưởng thụ chỉ là một thái độ rất tự nhiên. Vấn đề mà mọi người đặt ra ở trên cõi đời này không phải là làm sao cố gắng đạt được mục đích của đời sống mà là làm gì trong cái khoảng đời người trung bình là năm, sáu chục năm này. Tổ chức đời sống đó ra sao để tìm được nhiều hạnh phúc; vấn đề đó rất thực tế chứ không có tính cách siêu hình học.
 
Mặc khác tôi nghĩ rằng những triết gia nào tính giải quyết vấn đề mục đích của nhân sinh là mắc vào cái tật lí luận sai về nguyên tắc vì đáng lẽ phải chứng minh rằng đời người có mục đích thì các nhà đó lại giả định rằng nó có mục đích. Vấn đề đó mà các nhà tư tưởng phương Tây đã bao lần đem ra tranh luận, sở dĩ được coi là quan trọng có lẽ do ảnh hưởng của môn thần học; và nội một điều là người ta rán giải quyết nó, cãi nhau vì nó, lúng túng vì nó, cũng đủ cho ta thấy rằng nó hão huyền, không sao giải được. Nếu đời người quả thực có mục đích thì có đâu mục đích lại mơ hồ, khó kiếm đến như vậy.
 
Người ta có thể đặt vấn đề theo hai cách: một là mục đích đó đã được Thượng Đế quyết định rồi, hai là nó do con người lựa chọn lấy. Tôi không xét quan niệm thứ nhất vì cái mà cho là ý chí của Thượng Đế đó, nhất định là do óc chúng ta nghĩ ra, chúng ta tưởng tượng rằng Thượng Đế có ý nghĩ đó; vả lại nếu Thượng Đế có một ý chí nào thì làm sao mà trí khôn của phàm nhân chúng ta có thể đoán được. Lí luận cái kiểu đó (đem ý nghĩ của ta gán cho Thượng Đế) thì kết quả là sẽ coi Thượng Đế như một viên Thượng sĩ trong quân đội của chúng ta, biến Thượng Đế thành một vị ái quốc cuồng nhiệt hơn chúng ta nữa. Ta quan niệm Thượng Đế như vậy thì Thượng Đế không thể định một “thiên vận” cho thế giới hoặc châu Âu được, mà chỉ có thể định một “thiên vận” cho tổ quốc thân yêu của chúng ta thôi. Thượng Đế luôn luôn “mit uns” chứ không thể “mit ihnen”[1] được. Nhưng không phải chỉ có người Đức là nghĩ như vậy; người Pháp, người Anh cũng cho rằng Thượng Đế đứng về phe mình nữa. 
 
Về quan niệm thứ nhì, tranh điểm không phải là mục đích đời sống “ra sao”, mà là mục đích đời sống “phải ra sao”; vậy đây là một vấn đề thực tế chứ không phải siêu hình. Mỗi người đưa ý kiến, đưa trị giai (tức thang giá trị: échelle des valeurs) của mình ra. Vì trị giai của mỗi người một khác nên chúng ta cãi nhau.
 
Riêng phần tôi, xin nguyện chỉ thực tế thôi, không dám mong làm một triết gia cao siêu. Tôi không định trước rằng đời người phải có một mục đích, một ý nghĩa. Như Walt Whitman đã nói: “Cá nhân tôi ra sao thì tôi mãn nguyện như vậy”. Tôi cũng mãn nguyện rằng được sống – có lẽ vài chục năm – rằng vạn vật tồn tại. Xét dưới gốc cạnh đó thì vấn đề hoá ra giản dị lạ lùng và chỉ có thể có một giải đáp. Mục đích đời là gì, nếu không phải là hưởng lạc?
 
Kì dị thay, vấn đề hạnh phúc, vấn đề hưởng lạc đó được các triết gia phi tôn giáo rất quan tâm tới mà lại bị các tư tưởng gia Ki Tô hoàn toàn không bàn tới. Các nhà thần học không thắc mắc về hạnh phúc mà về sự “cứu rỗi”; tiếng “cứu rỗi” nghe sao mà bi thảm, vị sao mà cay đắng. Đạo Ki Tô mà người ta cho là “hơi thở ra của hai thế giới hấp hối” (thế giới La Mã và thế giới Hy Lạp) ngày nay còn giữ được đặc tính đó mà nhấn mạnh vào sự quan trọng của “cứu rỗi”. Thế là người ta đem sự sống sót thay vào sự sống; vì nếu chúng ta không cảm thấy rằng chúng ta sắp chết đến nơi thì tại sao lại quá lo về sự cứu thoát như vậy? Các nhà thần học chỉ lo đến cứu rỗi mà quan tâm ít tới hạnh phúc, đến nỗi khi bàn đến tương lai chỉ có thể trỏ cho chúng ta một cảnh Thiên đường mơ hồ; và nếu chúng ta hỏi họ lên Thiên đường con người sẽ làm gì, hạnh phúc trên đó sẽ ra sao thì họ trả lời bằng những ý rất đỗi hoang mang, chẳng hạn trên Thiên đường chúng ta sẽ được bận áo trắng và hát thánh ca. Ít nhất Mahomet (vị Thánh sáng lập Hồi giáo) cũng còn tả cho ta được một cảnh hạnh phúc vị lai có rượu ngon, trái ngọt, có những thiếu nữ đa tình, tóc đen và mắt to, và cảnh đó bọn phàm tục chúng ta còn có thể hiểu được. Chừng nào mà cảnh Thiên đường không linh động hơn, hấp dẫn hơn, thì không có lí gì lại bỏ cái kiếp trần này để hưởng nó. Dại gì “bỏ mồi bắt bóng”. Khi tôi lựa nơi để đi nghỉ mát trong vụ hè, tôi phải hỏi về nơi tôi muốn tới. Nếu Sở du lịch trả lời một cách mơ hồ thì tôi ở nhà còn hơn, đi mà làm chi? Lên được Thiên đường, chúng ta còn phải gắng sức đạt tới sự hoàn thiện nữa không? (Tôi chắc rằng những người tin ở sự tiến bộ, ở sự gắng sức bảo sẽ có). Nhưng chúng ta đã hoàn thiện rồi mà (có vậy mới lên được Thiên đường) thì làm sao còn toàn thiện thêm được nữa? Hay là chúng ta sẽ ở không mà dạo chơi? Nếu vậy thì tại sao không tập ở không và dạo chơi ngay từ dưới trần này đi?
 
Nếu chúng ta cần có một quan niệm về vũ trụ thì xin đừng thu hẹp vũ trụ vào cái bản thân ta. Nên mở rộng nó ra một chút, rán cho nó bao gồm tất cả vạn vật, cả đá, cây, cầm thú. Trong vũ trụ có một kế hoạch (tôi rất nghi hoặc cái tiếng kế hoạch này, cũng như nghi hoặc tiếng “mục đích”, nhưng xin tạm dùng nó) và có một sự an bài nào đó, và chúng ta có thể có một quan niệm nào đó về toàn thể vũ trụ, về địa vị chúng ta trong vũ trụ, mặc dầu quan niệm của ta thiếu tính cách cứu cánh, chung cục. Quan niệm đó phải tự nhiên vì chúng ta là một bộ phận trọng yếu của vũ trụ, và khi chết chúng ta lại trở về với tự nhiên. Khoa thiên văn, khoa địa chất, khoa sinh vật và lịch sử cung cấp cho ta nhiều tài liệu để giúp chúng ta đừng quá vội vàng đi tới kết luận. Nếu theo quan niệm đó địa vị của con người có giảm đi ít nhiều thì cũng không phải là điều đáng quan tâm tới. Miễn là chúng ta có một địa vị là đủ rồi; lúc đó, sống hoà hợp với thiên nhiên ở chung quanh, con người sẽ có được một quan niệm hợp lí về nhân sinh.
 
2. HẠNH PHÚC CỦA TA THUỘC VỀ CẢM GIÁC
 
Hạnh phúc của con người là vấn đề sinh lí. Quan niệm đó có tính cách tuyệt đối khoa học. Sợ độc giả không hiểu, tôi xin giảng thêm: hạnh phúc của ta thuộc về cảm giác. Các người theo chủ nghĩa tinh thần chắc chắn không hiểu ý tôi; người theo chủ nghĩa tinh thần với người theo chủ nghĩa vật chất không khi nào hiểu được nhau vì không cùng chung một ngôn ngữ hoặc dùng chung một tiếng để trỏ hai vật khác nhau. Vậy trong vấn đề này ta đừng để hạng người theo chủ nghĩa tinh thần lừa gạt ta mà rồi nhận rằng chỉ có hạnh phúc về tinh thần mới thực là hạnh phúc. Dù có nể họ mà nhận đi nữa thì cũng phải nói thêm ngay rằng: muốn cho tinh thần khoan khoái, cần có điều kiện là nội tiết phải hoạt động điều hoà đã. Đối với tôi, hạnh phúc trước hết là vấn đề tiêu hoá, phần lớn thuộc về ruột. Muốn bảo vệ nhân cách, thanh danh của tôi, khi tuyên bố như vậy, tôi phải dùng một vị Viện trưởng một Viện Đại học Mĩ làm bùa hộ thân. Vị Viện trưởng đó mỗi lần khai giảng thường nói với sinh viên mới vô như vầy: “Tôi muốn rằng các anh nhớ hai điều này: đọc Thánh kinh và coi chừng bệnh bón”. Nói được câu đó phải là một bực lão thành minh triết có thiên tài! Ruột ta mà hoạt động điều hoà thì ta sung sướng, không thì ta khổ sở. Sự tình chỉ có vậy.
 
Bàn về hạnh phúc ta đừng lạc lối vào khu vực trừu tượng, cứ nhìn thẳng vào sự thực và tìm xem những lúc nào chúng ta thật sung sướng. Trên thế giới này, hạnh phúc rất thường rất có tính cách tiêu cực: không đau khổ, không bị sỉ nhục, không có bệnh tật. Nhưng cũng nhiều khi nó tích cực, và lúc đó ta gọi nó là hoan lạc. Chẳng hạn, đối với tôi, những lúc như vầy là những lúc thật sung sướng: ngủ một đêm thẳng giấc, sáng dậy hít không khí đầy phổi, và muốn hít vô cho thật sâu; lúc đó tôi cảm thấy nhẹ nhàng, như có cái gì lưu thông ở ngoài da và bắp thịt nơi ngực, và tôi khoan khoái muốn làm việc; hoặc tay cầm ống điếu, chân gát lên một chiếc ghế, thuốc cháy từ từ trong ống điếu; hoặc một ngày hè đi chơi, khát khô cả cổ, bỗng gặp một dòng suối trong mà chỉ nghe tiếng nó róc rách cũng đủ thấy khoái rồi, chạy lại, cởi giày ra, dầm chân trong dòng nước mát, thú tuyệt; hoặc sau một bữa ăn thật ngon, tôi ngã mình trong một chiếc ghế bành, chung quanh không có một người nào mà tôi ghét cả, cùng nhau mạn đàn bâng quơ, vô mục đích.
 
Trông những cặp giò mũn mĩn của con tôi, nghe tiếng bi bô của chúng, tôi thích; như vậy tình yêu của tôi thuộc về tinh thần hay thể chất, tôi không thể biết được. Có ai yêu vợ về tinh thần mà không về thể chất không? Có cái gì nó nâng cao tâm hồn phụ nữ lên trong các đồ trang sức như son, phấn, y phục vì một thiếu nữ khi tô điểm nhan sắc, cảm thấy một sự bình tĩnh, một sự quân bình trong tâm hồn mà hạng người theo chủ nghĩa tinh thần không nhận ra được. Chúng ta có một thể xác thì nhờ cái gì mà đạt được những cảm xúc cao cả, đẹp đẻ nhất, nếu không phải là nhờ giác quan? Về cảm xúc, thính giác hoặc thị giác, không có cái gì là đạo đức hay bất đạo đức. Có thể rằng nếu ta không cảm được những cái vui tích cực trong đời thì phần lớn là do ít dùng đến giác quan mà giác quan nhụt đi.
 
Nhưng tôi bàn cãi về vấn đề đó làm gì? Lấy ngay những thí dụ cụ thể trong số những người yêu đời, xem họ tả những phút vui của họ ra sao, sẽ thấy những cái vui đó liên quan mật thiết đến thính giác, khứu giác, thị giác ra sao. Đây là một đoạn Thoreau[2] tả cái mĩ cảm rất cao của ông khi nghe tiếng dế kêu:
 
“Trong khu núi đá này, đâu cũng nghe tiếng dế kêu. Tôi thích một con kêu thôi. Nó gợi cho tôi một sự minh trí già giặn, vượt tất cả những tư tưởng thế tục; mà giữa mùa hè nóng nực, nó có cái mát mẻ của mùa thu. Nó nói với chim: “Các em như con nít, tuỳ hứng mà ríu rít; Thiên nhiên mượn các em mà nói, còn ta đây, là tiếng nói của kiến thức thành thục. Bốn mùa không xoay chuyển vì ta, mà ta ru ngủ bốn mùa”.
 
Các con dế ca như vậy, vĩnh viễn, ở dưới chân cỏ. Minh triết mà bình tỉnh, tiếng ca của nó có tính cách bình ổn của tản văn. Nó không uống rượu mà uống sương. Thời kì ấp trứng qua rồi, không bị luyến ái kích thích ngầm nữa, nó ca tụng Thượng Đế, vĩnh viễn hưởng lạc ở Thượng Đế. Nó đứng ra ngoài sự chuyển biến của bốn mùa. Tiếng ca của nó bất biến như chân lí. Chỉ khi nào người ta thật khoẻ mạnh mới thích nghe tiếng dế kêu”.
 
Đây là một đoạn văn về khứu giác của Whitman:
 
“Tuyết đổ từ sáng sớm tới chiều tối vẫn chưa ngưng. Gió nhẹ thổi trong bụi tùng, phát ra một âm nhạc trong trẻo kì diệu, như tiếng thác, lúc ngừng, lúc đổ. Thị giác, thính giác, khứu giác đều khoan khoái lạ lùng. Tuyết nhẹ nhàng rơi, tĩnh mịch phủ xuống cây cối, và cành là như khoác một chiếc áo dài trắng nặng nề, có những đường viền màu đá xanh; lại có những luồng hương nhẹ thoang thoảng mùi nhựa cây lẫn với mùi tuyết. (Vật gì cũng có khí vị, tuyết cũng có khí vị, chỉ cần phân biệt là thấy những khí vị đó thay đổi tuỳ lúc, tuỳ nơi. Khí vị lúc giữa trưa và lúc nửa đêm, khí vị trong mùa đông và trong mùa hè, khí vị lúc gió nổi và lúc gió tạnh đều khác nhau)”.
 
Trong bọn chúng ta có bao nhiêu người phân biệt được những khí vị đó?
 
Tại đô thị con người không sung sướng bằng tại đồng quê vì ít nhận rõ được những biến đổi của mọi vật, của khí vị, của âm thanh, những biến đổi đó tản mát trong cảnh đơn điệu của những bức tường xám và những con đường tráng xi măng. Xét về giới hạn của khả năng hưởng lạc, về phẩm chất của lạc thú, thì người Trung Hoa với người Mĩ cũng như nhau. Cho nên trước khi giới thiệu một đoạn văn kể ba mươi ba cái vui của một học giả Trung Hoa, tôi muốn dẫn thêm một đoạn văn nữa của Whitman để độc giả thấy cảm giác của chúng ta y như nhau:
 
“Trời trong sáng, không khí hanh và vui, đầy dưỡng khí. Có bao nhiêu cái kì diệu lặng lẽ, lành mạnh, đẹp đẽ bao vây tôi và làm cho tôi say mê: cây, nước, cỏ, mặt trời, và sương sớm – nhưng cái làm cho tôi chú mục nhất hôm nay là vòm trời. Trời có màu xanh lam, trong trẻo, thanh nhã đặt biệt của mùa thu, và có những cụm mây trôi, hoặc lớn, hoặc nhỏ cụm nào cũng trắng, lặng lẽ, khoan khoái. Suốt buổi sáng (từ bảy giờ đến mười một giờ) trời vẫn giữ màu xanh trong mà đậm đó. Nhưng gần trưa, màu lại bớt đi, hai ba giờ sau biến ra màu xám, rồi màu lợt hơn nữa cho tới lúc mặt trời lặn mà tôi thấy tia sáng chiếu qua kẽ lá một lùm cây cao – những tia đỏ như lửa trong một vùng rực rỡ vàng tươi, đỏ, đỏ đậm ở trên một cái làn đậm, trắng như bạc chênh chếch trên mặt nước – tất cả những cái đó từ bóng râm trong trẻo đến tia sáng, máu sắc rực rỡ, hết thảy đều đẹp hơn cả những bức hoạ từ trước tới nay.
 
“Tôi không hiểu tại sao và cách nào, nhưng tôi tưởng có lẽ là tại vòm trời hôm nay (hình như trước kia tôi chưa thực là ngắm trời bao giờ cả, mặt dầu ngày nào cũng nhìn lên trời) mà mùa thu này tôi hưởng được những giờ mãn nguyện lạ thường, có thể nói hoàn toàn sung sướng nữa. Đọc sách, tôi thấy Byron trước khi mất, nói với một người bạn thân rằng suốt đời ông ta chỉ được có ba giờ sung sướng. Trong khi tôi ngồi ở trong rừng, nhìn qua kẽ cây cảnh hoàng hôn rực rỡ này, tôi nghĩ tới Byron. (Cả trong những lúc vui đẹp nhất, tôi cũng không bao giờ ghi chép cảm tưởng để viết kí sự, sợ làm tan mất cái thú đi. Tôi cứ du nhiên tự tại, đắm say trong trạng thái xuất thần êm ái).
 
“Với lại hạnh phúc là gì? Phải là một trong những lúc xuất thần như vậy không? – một cái gì vô cùng phiêu nhiên – như một hơi thở, một sắc thái rất dễ tiêu tan? Tôi không biết được, tôi còn hoài nghi điều đó. Ôi! Cái khoảng trong trẻo kia, trong chỗ xanh xanh thăm thẳm của mi, có thứ linh dược trị bệnh cho ta chăng? (Trong ba năm nay thân thể ta bị huỷ hoại, tinh thần ta thác loạn). Và từ không trung, một cách thần bí, vi diệu, mi cho linh dược đó nhỏ từng giọt, từng giọt xuống thân thể ta chăng?”.
 
3. BA MƯƠI BA LÚC VUI CỦA KIM THÁNH THÁN
 
Bây giờ đây chúng ta sẵn sàng cả rồi để nhận xét và thưởng thức những lúc vui của Kim Thánh Thán do chính ông ta tự thuật. Nhà phê bình Trung Hoa thuộc phái ấn tượng, ở thế thế kỉ mười bảy đó, nhân một lúc ngồi buồn trong một ngôi miếu, cùng bạn nhìn mưa rơi liên miên mà nhớ lại những phút vui trong đời mình rồi chép lại trong tập phê bình tuồng Tây Sương Kí. Ông cho mỗi phút mà tinh thần cùng cảm quan liên hệ chặt chẽ với nhau là những phút sung sướng trên đời.
 
1. Mùa hè, tháng bảy, mặt trời ngừng ở giữa trời, không có gió mà cũng không có mây, sân trước sân sau hực lên như lửa, không một con chim nào dám bay lại. Mồ hô đổ khắp mình, chảy như suối. Cơm dọn trước mặt mà ăn không được. Bảo trải chiếu để nằm trên đất, nhưng chiếu ướt nhẹp, ruồi bay lại đậu ở cổ, ở mũi, đuổi không đi. Đương lúc không biết làm sao, thì bỗng mây đen cuốn tới, sấm nổ vang như trăm vạn tiếng trống tiếng kèn của đạo quân. Mái nhà nước xối như thác. Mồ hôi ngưng chảy, đất khô như quét, ruồi bay đi hết, ăn cơm được. Chẳng cũng khoái ư?
 
2. Một ông bạn cách biệt mười năm, chiều tối bỗng tới nhà. Mở cửa, vái nhau xong, chưa kịp hỏi han đi đường thuỷ hay đường bộ, cũng chưa kịp mời bạn ngồi ở giường hay ở ghế[3], vội vào trong bếp, hỏi nhỏ vợ: “Bà có sẵn đấu rượu như bà Đông Pha[4] không?”. Vợ vui vẻ gỡ cây trâm vàng đem đổi rượu. Tính ra đãi bạn được ba ngày. Chẳng cũng khoái ư?
 
3. Đêm ngồi một mình trong phòng không, đương bực mình vì một con chuột ở đầu giường, sột soạt không biết gậm đồ vật nào hay nhấm cuốn sách nào. Trong lòng nghi hoặc, không biết phải làm sao thì bỗng thấy một chú mèo dữ, đuôi ngoe nguẩy, mắt chăm chú như ngó cái gì. Tôi yên lòng nín thở đợi xem; bỗng nghe kêu chít lên một tiếng nhỏ, con chuột chạy biến đi như gió. Chẳng cũng khoái ư?
 
4. Trước thư trai, chặt các cây hải đường rũ lá và các cây tử kinh để trồng một vài cây chuối. Chẳng cũng khoái ư?[5]
 
5. Đêm xuân uống rượu với vài bạn hào sĩ (kẻ sĩ hào phóng, lãng mạn), tôi đã nửa say, do dự không biết nên uống nữa hay ngừng. Một đồng tử đứng bên, hiểu ý, đem lại một gói trên mười chiếc pháo bông, tôi đứng dậy châm lửa đốt. Mùi lưu hoàng xông vào mũi, vào óc, toàn thân nhẹ nhàng. Chẳng cũng khoái ư?
 
6. Đi chơi ngoài đường thấy hai gã tranh lí với nhau, mắt trợn mặt đỏ, tưởng chừng như không đội trời chung nữa, vậy mà vẫn làm bộ lễ độ, chắp tay đưa lên, khom lưng xuống, miệng đầy những tiếng “chi, hồ” (nghĩa là ngôn ngữ rất nhã nhăn), thao thao bất tuyệt. Bỗng một tráng phu vung tay tiến lại, dõng dạt quát một tiếng, giải tán hai gã kia. Chẳng cũng khoái ư?
 
7. Nghe trẻ đọc thuộc sách làu làu như nước trong bình chảy ra. Chẳng cũng khoái ư?
 
8. Sau bữa cơm, không biết làm gì, dạo chợ, thấy một món đồ nhỏ, muốn mua. Trả giá cũng gần xong, số tiền chỉ còn cách nhau một chút, mà người bán không chịu nhường, cố tranh cho được. Tôi lấy ở trong tay áo ra một vật giá trị cũng xấp xỉ chỗ sai biệt đó, ném xuống quầy cho người bán hàng. Hắn đổi ngay sắc diện, cười cười, chắp tay thưa “không dám, không dám”. Chẳng cũng khoái ư? 
 
9. Sau bữa cơm, không biết làm gì, sắp đặt lại một chiếc rương cũ, bỗng thấy hàng chục hàng trăm văn khế cũ mới của những người thiếu nợ. Người còn, kẻ mất, nhưng đều toàn là vô hi vọng đòi lại được tiền. Không cho ai hay, tôi gom lại, châm lửa đốt hết, nhìn lên trời cao không gợn một chút mây. Chẳng cũng khoái ư?
 
10. Một ngày hè, đầu trần chân không, cầm cây dù che nắng, nhìn tráng phu vừa đạp nước vừa hát khúc Ngô. Nước cuồn cuộn đưa lên trắng phau như bạc, như tuyết. Chẳng cũng khoái ư?
 
11. Sáng sớm thức dậy, nghe như có tiếng gia nhân than thở rằng: Có người nào mới chết ban đêm. Tôi liền lên tiếng hỏi ai chết, thì chính là một kẻ giảo quyệt mưu mô nhất trong thành. Chẳng cũng khoái ư?
 
12. Một ngày hè, dậy sớm, thấy người ta cưa tre làm ống nước ở dưới một mái che. Chẳng cũng khoái ư?
 
13. Mưa dầm suốt tháng, sáng nằm ở giường không muốn dậy, như người say rượu hoặc đau. Bỗng nghe chim ríu rít mừng nắng. Tôi vội đưa tay vén màn, đẩy mạnh cửa sổ ngó ra, thấy ánh mặt trời long lanh, rực rỡ và cây trong rừng như mới gội. Chẳng cũng khoái ư?
 
14. Ban đêm hình như cảm thấy có người nào đó ở xa nghĩ tới mình, sáng dậy thử lại thăm. Qua cửa sổ ngó vào trong phòng, thấy đúng người đó đương ngồi ở bàn đọc một văn thư. Thấy mình vô, người đó lặng lẽ vái, kéo tay áo bảo ngồi rồi nói: “Bác đã tới đây thì thử đọc văn thư này đi”. Rồi cùng nhau vui cười, cho đến khi ánh mặt trời đã biến hết. Chủ nhân thấy đói, hỏi khách: “Bác cũng đói chứ? Chẳng cũng khoái ư?
 
15. Vốn không có ý cất nhà, ngẫu nhiên được một số tiền thì cũng thử cất chơi. Từ hôm đó, không sáng nào, tối nào là không nghe om om bên tai những tiếng kêu thiếu gỗ, thiếu đá, thiếu ngói, thiếu gạch, thiếu vôi, thiếu đinh. Tôi phải chạy khắp nơi kiếm tiền mua thêm, mà trong thời gian đó cũng không thể ở nhà được nữa, cho tới khi an phận chịu cảnh đó vậy. Bỗng một hôm nhà cất xong, tường đã quét vôi, sàn đã lau chùi, cửa sổ đã dán giấy, tranh đã treo. Thợ thuyền về hết, bạn bè tới, chia nhau ngồi. Chẳng cũng khoái ư?
 
16. Đêm đông uống rượu, trời chuyển lạnh dữ, đẩy cửa sổ nhìn ra thấy những nấm tuyết lớn phủ mặt đất tới ba bốn tấc. Chẳng cũng khoái ư?
 
17. Ngày hè, cầm dao bén cắt một trái dưa hấu vỏ xanh bày trên một cái mâm đỏ. Chẳng cũng khoái ư?
 
18. Đã từ lâu muốn làm tì khưu, nhưng khổ nỗi không được công nhiên ăn thịt. Nếu được làm tì khưu, lại được công nhiên ăn thịt thì mùa hè nấu một nồi nước, dùng con dao bén, cao đầu cho sạch. Chẳng cũng khoái ư?
 
19. Có ba bốn mảng phong lở ở chỗ kín, thỉnh thoảng đóng cửa lấy thuốc nóng rửa. Chẳng cũng khoái ư?
 
20. Mở rương ra, vô tình tìm được một bức thư của cố nhân. Chẳng cũng khoái ư?
 
21. Một hàn sĩ lại mượn tiền, nhưng còn ngại ngùng và nói bâng quơ những chuyện đâu đâu; đoán được khổ tâm của bạn, kéo lại chỗ vắng, hỏi cần bao nhiêu; rồi đi vô nhà trong, lấy đủ số ra đưa. Và hỏi bạn có cần về gấp để thu xếp công việc không, nếu không thì ở lại uống vài chén rượu. Chẳng cũng khoái ư?
 
22. Ngồi trong chiếc thuyền nhỏ, gặp gió tốt, khổ nỗi không có buồm để giương cho nó hả. Bỗng thấy một chiếc thuyền lớn tiến vùn vụt như gió. Thử liệng cái móc qua, hi vọng níu được. Không ngờ mà móc trúng, rồi lấy dây đỏi cột vào đuôi thuyền lớn, và ngâm hai câu của Đỗ Phủ: “Màu xanh làm ta nhớ tiếc núi, màu đỏ bảo ta rằng có cam quít” (Thanh tích phong loan, hồng tri quất dữu[6]) rồi vui vẻ phá lên cười. Chẳng cũng khoái ư?
 
23. Từ lâu muốn kiếm một ngôi nhà để ở với một người bạn, nhưng chưa được chỗ vừa ý. Bỗng có người cho hay có một ngôi nhà không rộng lắm, khoảng trên mười gian, cửa ngó ra sông cái, lại thêm cây cối tươi tốt. Giữ người đó lại, ăn cơm xong rồi cùng đi coi nhà, vì cả hai đều chưa biết ngôi nhà ra sao. Vô khỏi cổng, thấy ngay một khoảng đất trống độ sáu bảy mẫu, sau này khỏi lo thiếu dưa, rau. Chẳng cũng khoái ư?
 
24. Xa quê đã lâu mới được về, ngó thấy cửa thành, hai bên bờ sông đàn bà trẻ con đều nói giọng cố hương. Chẳng cũng khoái ư?
 
25. Một đồ sứ đẹp đã bể, không sao gắn lại được. Lật đi lật lại, càng nhìn càng bực mình, không biết làm sao. Bảo giao cho người bếp dùng làm gì thì dùng, miễn là khuất mắt mình đi. Chẳng cũng khoái ư?
 
26. Mình không phải là bực thánh, làm sao không có lỗi. Ban đêm bất giác làm một việc quấy không ai hay, sáng dậy áy náy, thực không an lòng. Bỗng nhớ rằng theo phép Bồ Tát của nhà Phật, hễ không giấu lỗi tức là sám hối rồi; như vậy bèn vui vẻ kể lỗi ra với khách chung quanh, cả thân lẫn sơ. Chẳng cũng khoái ư?
 
27. Nhìn người ta viết chữ triện lớn, chẳng cũng khoái ư?
 
28. Mở cửa sổ cho ong bay ra, chẳng cũng khoái ư?
 
29. Làm quan huyện, mỗi ngày cho đánh trống lui hầu. Lúc đó, chẳng cũng khoái ư?
 
30. Thấy chiếc diều đứt dây, chẳng cũng khoái ư?
 
31. Nhìn cảnh đốt đồng, chẳng cũng khoái ư?
 
32. Trả hết nợ, chẳng cũng khoái ư?
 
33. Đọc truyện Cầu nhiêm khách[7], chẳng cũng khoái ư?
 
Tội nghiệp cho thi sĩ Byron chỉ được hưởng có ba giờ hạnh phúc trong suốt đời! Một là tại ông bệnh hoạn và tính tình cực kì thất thường, hai là tại ông bị nhiễm cái bệnh của thời đại, “bệnh ưu uất”, nếu không thì ông đã thú rằng được hưởng ít nhất là ba mươi ba giờ hạnh phúc chứ không phải là ba. Đọc đoạn văn của Kim Thánh Thán trên kia, có phải rõ ràng thế giới là một bàn tiệc bày ra cho chúng ta hưởng đấy không? Tôi ngờ rằng sở dĩ chúng ta cứ cố ngoan cố nhắm mắt không chịu nhìn cái thế giới đẹp đẻ đó, vì các nhà theo chủ nghĩa tinh thần doạ cho ta nhát sợ nó. Một thứ triết học cao thượng hơn phải gây ra được cho lòng ta tin tưởng cái cơ quan đẹp đẽ, dễ tiếp nhận cảm xúc tức thể xác của ta này, trước hết phải diệt trừ cho ta cái lòng khinh thị, sợ sệt giác quan của ta. Trừ phi các triết gia có thể “thăng hoa” (sublimer) được vật chất, “thuần tinh hoá” (éthéraliser) được thể xác con người, hoặc trừ phi ta nhất định theo bọn người hành xác Ấn Độ cho đến cùng, còn thì chúng ta phải có can đảm nhìn thẳng vào thực thể của ta. Vì chỉ có triết học nào chịu nhận sự thực là mới có thể dắt ta tới hạnh phúc, chỉ có một triết học như vậy mới lành mạnh và bổ ích.
 
4. NGƯỜI TA HIỂU LẦM CHỦ NGHĨA DUY VẬT
 
Đoạn văn của Kim Thánh Thán đủ cho ta tin rằng những cái vui vật chất và tinh thần liên quan mật thiết với nhau. Những cái vui tinh thần – và cả những cái vui đạo đức nữa – phải do thể xác cảm được thì mới có thực. Những người truyền bá một học thuyết thường phải chịu cái nông nỗi bị người ta hiểu lầm, như trường hợp các nhà trong phái Khắc kỉ như Marc Aurèle; và biết bao lần chủ nghĩa minh triết, thận trọng, điều độ của Epicure bị hạng người phàm tục coi là chủ nghĩa của hạng người chỉ tìm khoái lạc! Họ trách cái quan niệm hơi vật chất của chủ nghĩa đó là ích kỉ, thiếu tinh thần trách nhiệm xã hội, là chỉ dạy cá nhân hưởng thụ lấy một mình. Như vậy là lầm, là không biết cái nhân hậu của chủ nghĩa hưởng lạc, cái khả ái của hạng người yêu đời. Ta không nên coi lòng yêu nhân loại là một học thuyết, một tín điều, một lòng tin do trí tuệ mà có hoặc một đề mục biện luận có thể đem chứng cứ ra bênh vực được. Nếu lòng yêu nhân loại cần có lí lẽ để bênh vực thì nó không còn là một lòng yêu chân chính nữa, vì lòng yêu chân chính thì phải hoàn toàn tự nhiên, tự nhiên đối với ta cũng như sự vỗ cánh tự nhiên đối với loài chim vậy; nó phải là một tình cảm phát thẳng từ tâm hồn ra, một tâm hồn tiếp xúc với tự nhiên. Một người thật sự yêu cây cối không thể nào độc ác với loài vật hoặc với đồng bào được. Trong một tâm hồn hoàn toàn lành mạnh, thì sự nhân ái là tự nhiên, không cần cầu viện tới một triết học hay một tôn giáo nào cả.
 
Chủ nghĩa duy vật đã bị người ta hiểu lầm, hiểu lầm quá lắm. Tôi xin nhường lời cho George Santayana[8], một người tự cho là “một kẻ theo chủ nghĩa vật chất – kẻ độc nhất còn sống mà theo chủ nghĩa đó”; nhưng cũng chính là người mà chúng ta đều biết là hiền từ có lẽ vào bực nhất trong thế hệ hiện nay. Ông bảo chúng ta sở dĩ có thành kiến về chủ nghĩa duy vật vì chúng ta đứng ở ngoài mà xét nó; và muốn hiểu nó, cũng như muốn hiểu một triết học, một tín ngưỡng, một nước nào, phải đứng ở trong mà xét, phải sống trong cái thế giới mới đã. Theo ông một người thực duy vật thì luôn luôn là một triết gia tươi cười, vị tha như Démocrite, mà bọn chúng ta, “miễn cưỡng duy vật”, duy vật mà vẫn theo chủ nghĩa tinh thần, mới là sống một đời duy vật ích kỉ, mới hướng về trí lực một cách vụng về và không biết cười.
 
Ông nói:
 
“Nhà chân duy vật đứng trước vũ trụ, một cơ cấu tự nó có thể biến đổi thành những hình trạng tuyệt diệu, tuyệt mĩ, lại có thể tạo nên những nhiệt tình rất phấn khởi, tất thấy một nỗi vui tinh thần y như người đi thăm một viện bảo tàng vạn vật học, đứng ngắm hàng ngàn những con bướm nằm trong hộp, những con hồng hạc, con tôm, con cua, con voi thời cổ, con tinh tinh (gorille). Trong cái đời sống vô số lượng đó, tất có nhiều đau khổ, nhưng rồi cũng vượt được; mà trong lúc đó, cảnh vũ trụ đẹp đẻ biết bao, những hỗ tương động tác thú vị biết bao, còn những đau khổ nho nhỏ không sao tránh được kia, xét ra có đáng kể gì đâu.
 
“Chủ nghĩa duy vật phải gây được trong một bộ óc lành mạnh, một tình cảm vui vẻ, hoạt động, vô tư, một sự miệt thị những ảo giác của cá nhân.
 
“Đối với những thống khổ vô tội của sinh vật, chủ nghĩa đó không khi nào lãnh đạm; mà đối với những cái khổ do hư vinh cùng ảo tưởng gây ra thì nó chỉ có một thái độ để tự vệ là mỉm cười”.
 
Vả lại cái đời sống tinh thần hoặc tâm linh mà ta tự hào, đặt lên trên đời sống của cảm quan kia, là đời sống gì? Nó do đâu mà có, nguồn gốc bản thể của nó ở đâu, nó tồn tại nhờ cái gì? Đã từ lâu, các triết gia đã bảo ra rằng tri thức đều do kinh nghiệm của giác quan mà có. Không có giác quan thì ta không thể có tri thức cũng như máy ảnh không thể chụp hình được nếu không có ống kính và phim. Một người thông minh với một người đần độn khác nhau ở chỗ người thông minh có những giác quan hoàn hảo hơn, nhạy hơn, bắt được hình ảnh mau hơn và giữ được bền hơn. Khi ta dò dẫm trong đời để rút kinh nghiệm thì tất cả những giác quan của ta đều làm việc chung và do sự hợp tác đó, sự hợp tác của tim và óc, mà ta có được cái nhiệt tình tinh thần, nó biểu hiện cho sự sống, cũng như màu xanh biểu hiện cho thảo mộc. Xét một tư tưởng ta thấy nó sinh động nhiều hay ít là nhờ nó có nhiều nhiệt tình hay ít, cũng như nhìn một cây, thấy là xanh hay khô mà biết nó tươi tốt hay đã héo.
 
4. NHỮNG THÚ VUI TINH THẦN LÀ GÌ?
 
Khi xét những thú vui mà người ta cho là cao thượng nhất của tinh thần, chẳng hạn thú vui văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, tôn giáo, triết học, ta thấy trí tuệ đóng một vai trò rất nhỏ so với vai trò của giác quan và tình cảm. Một bức hoạ có công dụng gì nếu không phải là cho ta thấy một phong cảnh, một diện mạo và gợi cho ta cái vui khả cảm, như được nhìn một phong cảnh, một diện mạo thực? Và công dụng của văn chương là gì nếu không phải là tạo lại một trạng thái đời sống, gây cho ta cái không khí, màu sắc, hương thơm của bãi đồng cỏ, hoặc cái xú khí của cống rãnh trong đô thị? Chúng ta đều cho rằng một tiểu thuyết là thứ văn học chân chính nếu nó tả được những sinh vật và cảm xúc chân thật. Một cuốn sách thoát li nhân sinh một cách lạnh lùng thì không phải là văn học; nó càng chân thật, cận nhân tình thì nó càng hay. Nếu nó chỉ phân tích một cách lạnh lùng, không cho ta cảm được cái khí vị chua chát, mặn nồng của đời sống thì đọc nó ta chán lắm.
 
Thi ca chỉ là chân lí đã nhuộm màu sắc của cảm xúc; âm nhạc là tình cảm không có ngôn từ; còn tôn giáo chỉ là sự minh triết diễn thành hình ảnh. Hội hoạ đặt cơ sở trên sự cảm giác về màu sắc; thi ca cũng đặt cơ sở trên sự cảm giác về âm, vận, tiết điệu và trên xúc cảm. Âm nhạc là tình cảm thuần tuý, có thể gợi cho ta được tiếng chuông, tiếng họp chợ, tiếng binh đao, có thể tả được cái đẹp thanh tú của hoa, tiếng ào ào của sóng hoặc vẻ tĩnh mịch êm đềm của trăng, nhưng khi nó vượt giới hạn của giác quan mà rán diễn một ý triết học thì phải coi nó là suy đồi rồi.
 
Mà tôn giáo chẳng vậy ư? Như Santayana đã nói, nó mà dùng nhiều lí luận quá thì nó cũng biến mất mà suy đi: “Chẳng may tôn giáo đó (Ki Tô giáo) đã từ lâu không còn là sự minh triết diễn bằng hình ảnh nữa, mà đã thành ra một thứ mê tín trong một lớp lí luận”. Ta càng biện giải, càng hợp lí hoá các tín ngưỡng của ta, càng tin chắc rằng mình có lí thì đức thành tín của ta càng giảm. Cho nên tôn giáo nào tự cho là đã phát minh được chân lí độc nhất thì sẽ biến thành một môn phái hẹp hòi, cuồng nhiệt. Một tôn giáo như vậy nuôi lòng ích kỉ của con người vì chẳng những nó làm cho tín đồ không hiểu được những môn phái khác mà còn biến đổi sự thờ phụng thành một lối buôn bán giữa Thượng Đế và tín đồ. Tín đồ hát thánh ca và cầu Thượng Đế trong mọi trường hợp để được phù hộ hơn người khác, để Thượng Đế phù hộ gia đình mình hơn những gia đình khác. Vì vậy ta thấy nhiều bà già rất mộ đạo mà rất ích kỉ. Tóm lại sự biện giải rằng chỉ có mình mới là chính đáng, sự tin tưởng rằng chỉ có mình mới nắm được chân lí làm cho những tình cảm đẹp đẽ nhất do tôn giáo gây nên hoá ra xấu xa, hẹp hòi, ích kỉ.
 
Tôi cho rằng nghệ thuật, thi ca, tôn giáo chỉ nên nhắm mục đích này là rán làm cho chúng ta khôi phục được lại một thị giác mới mẻ, một sự hoan hỉ lớn hơn và một ý thức lành mạnh hơn về nhân sinh. Vì chúng ta càng già thì giác quan của ta càng tê liệt đi, cảm xúc của ta càng chai lại vì đau khổ, vì bất công, vì tàn nhẫn, và lối nhìn đời hoá ra sai lầm vì tiếp xúc quá lâu với những thực tại lạnh lùng, thô bỉ. Nghệ thuật phải bồi bổ giác quan của ta, tái lập sự liên hệ giữ lí trí và thể xác, phục hưng lại bản chất của ta. Một thế giới có khoa học mà thiếu sự thông cảm, có sự phê bình mà thiếu sự hân thưởng, có cái đẹp mà thiếu tình yêu, có chân lí mà thiếu nhiệt tình, có luật pháp mà thiếu từ bi, có lễ độ mà thiếu sự ấm áp của con tim, một thế giới như vậy quả thật đáng thương.
 
Phải coi trọng đời sống hơn tư tưởng, mới có thể tìm lại được cái mới mẻ, cái tự nhiên trong chân kiến thức của trẻ em. Tôi tin tưởng các triết gia phải xấu hổ khi nhìn một em bé hoặc một con sư tử con trong chuồng. Chân cẳng, bắp thịt, bộ lông đẹp đẽ, cặp tai nhọn, cặp mắt sáng mà tròn và ý thức về du hí của con vật đó, nhất thiết đều là những công trình tuyệt diệu của hoá công. Các triết gia phải xấu hổ rằng đôi khi con người làm cho cái tuyệt diệu của hoá công biến thành cái bất hảo, phải xấu hổ rằng con người phải đeo kính, mất ăn mất ngủ, tâm trí thường âu sầu, không cảm thấy lạc thú của đời sống nữa. Hạng người như vậy quả là vô dụng và những thuyết họ đưa ra đối với chúng ta không có một giá trị gì cả. Chỉ có triết học nào cho chúng ta một kiến giải đúng đắn về thiên nhiên, về bản tính của con người, mới là một triết học hữu ích.
 
Triết học nào cũng phải đặt cơ sở trên sự điều hoà bản năng của con người; nếu ta quá thiên về chủ nghĩa lí tưởng thì thế nào cũng bị thiên nhiên trừng phạt. Theo Khổng giáo, con người đạt được lí tưởng cao nhất, đạt được sự tôn nghiêm bằng cách sống hoà hợp với thiên nhiên, thuận với thiên nhiên, và như vậy sẽ sánh được với tạo hoá. Đó là học thuyết của Tử Tư (cháu đích tôn Khổng Tử) trong cuốn Trung Dung:  
 
“Cái trời phó cho gọi là Tính, noi theo Tính gọi là Đạo, sửa cho hợp Đạo gọi Giáo (dạy). Mừng, giận, thương, vui chưa phát ra thì gọi là Trung[9], phát ra mà đều trung triết thì gọi là Hoà. Trung là gốc lớn của thiên hạ; Hoà là cái đường thông suốt[10] trong thiên hạ. Hễ trung hoà rất mực thì trời đất yên vị và vạn vật được sống mãn nguyện[11].
 
Do đức thành[12] mà được sáng suốt, đó là tính: sáng suốt rồi mới thành, đó giáo: hễ thành thì sáng suốt, hễ sáng suốt thì thành[13].
 
Chỉ có bậc chí thành trong thiên hạ mới biết rõ và thực hành được hết cái bản tính của mình; biết rõ và thực hành được hết cái bản tính của mình thì biết rõ và thực hành được hết bản tính của người, biết rõ và thực hành được hết bản tính của người thì biết rõ và thực hành hết bản tính của vật; biết rõ và thực hành hết được bản tính của vật thì giúp được vào việc hoá dục Trời, Đất; giúp được vào việc hoá dục của Trời, Đất thì sánh được cùng Trời, Đất[14]“. 
Chú thích:
[1] Mit uns, tiếng Đức, nghĩa là “với chúng tôi”, về phía chúng tôi; mit ihnen nghĩa là “với các anh”, về phía các anh.
[2] Văn hào Mĩ ở thế kỉ trước (1817-1862), môn đệ của Emerson, tác giả những cuốn: Une semaine sur les rivières Concord et Merrimack, La vie dans les bois; tả cảnh rất khéo, có tinh thần hài hước và nhiều tư tưởng ngược đời, tinh thần rất gần dân tộc Trung Hoa.
[3] Chính là tháp: cái giường hẹp và dài.
[4] Tức Tô Đông Pha, thi hào đời Tống. Trong bài Hậu Xích Bích Phú, một người bạn Tô Đông Pha có cá ngon, nhưng không có rượu. Tô về nhà hỏi vợ có rượu không. Bà đáp: “Tôi có đấu rượu, cất đã lâu, đợi ông thình lình dùng tới”. Thế là Tô đem rượu và cá cùng bạn đi chơi Xích Bích.
[5] Trong bản tiếng Pháp bỏ đoạn này. Người Trung Hoa rất thích chuối vì thứ đó hiếm.
[6] Nguyên tác: “The green makes me feel tender toward the peaks, and the red tells me there are oranges”. Nhưng trong bản Sinh hoạt đích nghệ thuật đăng trên website Sina lại là: 青惜峰峦过, 黄知橘柚来 (Thanh tích phong loan quá, Hoàng tri quất dữu lai). Xem thêm bài Phóng thuyền trong Phụ lục 2. (Goldfish).
[7] Một truyện ngắn của Đỗ Quang Đình, đời Đường, chép trong bộ Thái Bình nguyên kí, kể chuyện một hiệp sĩ râu quăn (cầu nhiêm khách) và Lí Thế Dân. Truyện được nhiều người khen là hay nhất đời Đường. Coi bản dịch ra tiếng Việt của Giản Chi đăng trong Nội san Bưu điện số Xuân Canh Tí và bản viết lại ra tiếng Anh của Lâm Ngữ Đường trong Famous Chinese Short Stories. [Có thể xem truyện Gã râu xòm tại http://www.thuvien-it.net/home/truyen/view.asp?act=6_3&lv=6&cid=1&sid=19&tid=21239. (Goldfish)]
[8] Triết gia Mĩ gốc Y Pha Nho (1863-1952), tác giả nhiều cuốn viết về triết học; ông theo chủ trương duy vật, cho rằng lí tưởng nào cũng phải có một cơ sở tự nhiên; về luân lí, ông theo học thuyết Aristote.
[9] Lâm Ngữ Đường dịch là “the innersell” (cái ở trong con người).
[10] Lâm dịch là “illustrious way” (con đường rực rỡ).
[11] Đoạn này ở trong chương I sách Trung Dung.
[12] Chữ thành ở đây không phải chỉ có nghĩa là thành thực, mà còn hàm cái nghĩa theo tự nhiên, không hư nguỵ. Lâm dịch là “being one’s true seft” cũng là nghĩa đó.
[13] Đoạn này là chương XXI.
[14] Đoạn này là chương XXII.