Chương 9

    
iền ngồi im, chàng nhận là Phi có lý, mặc dầu cái lý do ấy mong manh nhưng chứng tỏ Phi là người thật giầu tình cảm, yêu thương góp nhặt kỷ niệm một cách ngây dại và yếu đuối như người con gái đánh mất tình yêu ngồi nhặt những cành lá rơi trên lối đi của hai người yêu nhau ngày xưa. Nhưng dù sao Điền vẫn thấy rõ ràng sự trốn chạy đó của Phi vẫn còn là lý do tự ái chi phối một phần lớn. Chàng lắc đầu nhìn Phi nhưng không nói rõ ý nghĩ của mình, chàng hỏi một câu khác:
- Cậu định thế nào?
Phi cười, xòe hai tay:
- Chuyện định đoạt bây giờ không còn tùy thuộc một mình tôi nữa. Tôi không định gì cả, nếu có là chỉ định tới đây nói chuyện với anh, uống rượu rồi rủ nhau đi chơi, sáng mai lại chui vào bệnh viện sớm, thế thôi. Từ mai thì nằm lỳ ở bệnh viện không đi đâu nửa cả. Đợi khỏi rồi vào trường võ bị hay đi đánh nhau cũng được.
Điền hiểu là mình đã hỏi một câu vô ích và Phi đã trả lời trong một phút buồn chán tất cả, câu trả lời thế này hay thế khác cũng chỉ quy tụ vào sự chán chường tột độ đó mà thôi. Điền rót thêm rượu vào ly cho Phi:
- Hôm nay biết một cậu cần đi chơi mà... không đi với cậu được quả là điều ân hận vô cùng
Phi dằn mạnh ly rượu trên bàn kính dầy:
- Sao vậy?
Điền chỉ tay vào trong phòng.
- Có khách.
- Ồ thế mà từ nãy tôi quấy rầy anh mãi.
Điền thẳng thắn gật đầu:
- Đúng, nhưng không sao. Có chuyện buồn cậu tìm đến đây, tôi coi đó là một vinh dự. Cậu cứ ngồi chơi tự nhiên. Người khách đó cậu biết chuyện mà.
Phi ngây mặt:
- Ai vậy?
- Trinh, Jeannette Mộng Trinh.
Bộ mặt Phi hơi cau lại:
- Mộng Trinh nào nhỉ?
Điền hơi nhổm người về phía trước, giọng chàng thấp xuống:
- Người đàn bà có chồng...
- A... Gặp rồi sao? Tuyệt nhỉ!
- Bọn này mới đi Cấp với nhau về. Chuyến đi vĩnh biệt. Nàng nói chỉ có thể gặp mình một lần này nữa thôi. Cho nên từ buổi chiều, ngay từ lúc xe về đến Saigon là lúc nàng bắt đầu khóc, hai đứa về đây uống rượu say khước. Nằm ngủ tới giờ mới dậy, chưa uống gì cả.
Phi bỗng chăm chú nhìn Điền, cái nhìn dò xét. Chàng thấy trong giọng nói của Điền, trên nét mặt của Điền mang một niềm sướng thỏa, mệt mỏi nhưng mãn nguyện, buồn rầu nhưng hãnh diện. Chàng thở dài:
- Thà là được xa nhau như vậy đẹp đẽ hơn.
Điền cũng thở dài:
- Tôi nghĩ khác: Thà đừng gặp nhau nữa có lẽ đỡ khổ hơn.
Phi mỉm cười:
- Không ai bằng lòng hoàn cảnh của mình ca?
- Nhưng rốt cuộc hai thằng cùng buồn như nhau.
Hai người nhìn nhau yên lặng, trong sự yên lặng đó, đôi mắt nói thật nhiều. Đôi mắt những người đàn ông thường nói “những tiếng nói đàn bà”, những tiếng nói yếu đuối, những tiếng nói tình cảm mà người đàn ông thường không nói với nhau bao giờ. Nhất là với những người lính chiến, tình thương yêu không bao giờ phát lộ qua lời nói nhưng có thể biểu hiện bằng cái chết câm nín, một sự hy sinh cứu trợ trên cả nhiệm vụ, trên cả kỷ luật đồng đội.
Cái nhìn của Điền và Phi lúc này tuy mang một ý nghĩa khác song giá trị vẫn tương tự.
Một lát sau tiếng Phi cất lên rời rạc:
- Gặp nhau trong trường hợp nào?
Điền mỉm cười hóm hỉnh:
- Trường hợp “bất ngờ nhưng cả hai đều cố ý”. Trinh đến nhà bà chị tôi sau khi đọc báo thấy hình tôi được gắn huy chương. Nàng hẹn với bà chị tôi buổi chiều sau tới đánh bài. Tất nhiên là bà chị tôi vội vàng thông báo cho cậu em. Buổi chiều hôm sau tôi cũng tà tà lần tới. Cậu không thể nào ngờ tới được cái cảnh hai đứa chúng tôi gặp nhau, không thể tưởng tượng được những cảm giác kỳ lạ lúc đó. Ly kỳ lắm...
Điền ngừng lại chàng gật gù, đôi mắt mơ màng hình dung lại những giây phút gặp gỡ đầy thú vị đó. Phi thấy rõ Điền có một sự say mê chân thật không khác gì cậu con trai mười tám được nói về người yêu thứ nhất của mình. Phi cười nhẹ, đưa ly rượu lên môi, bỗng dưng chàng có ý nghĩ là giữa chàng và Liên sẽ không bao giờ tìm được những giây phút như của Điền. Hớp rượu cay nghẹn, Phi chớp mau mắt quay đi.
Tiếng Điền nói tiếp:
- Cậu có thể ngờ được rằng thấy tôi vào, Trinh đang ngồi đánh bài bỗng sững người ra không? Nàng cố mà không trấn tĩnh nổi. Bàn tay nàng run lên rơi cả những con bài xuống chiều. Trong khi đó thì tôi lại là thằng rất tĩnh, rất bình tĩnh, tôi cười, nghiêng đầu chào Trinh, Trinh lúng túng đến nỗi không biết phải trả lời ra sao nữa. Đến bây giờ vẫn tự hỏi là tại sao tôi lại có thể bình tĩnh được đến thế nhỉ?
- Tại anh có sửa soạn trước, anh biết trước sẽ gặp Trinh ở đây. Còn Trinh thì chỉ có một phần hy vọng nhỏ thôi.
- Có lẽ thế. Nhưng cậu có nhận thấy một điều bọn mình trong những lúc “lạnh” nhất là những lúc mình yêu nhiều nhất. Nhưng đáng lẽ phải làm một cử chỉ thật nồng nàn thì mình tỏ ra rất lạnh.
Phi gật đầu xác nhận:
- Đúng như vậy. Đôi khi đến với Liên, tôi đến bằng tất cả đam mê song không chứng tỏ ngay phút gặp gỡ thứ nhất. Đó cũng là điều tôi không hiểu nổi chính tôi.
- Bọn mình thường có những điều khó hiểu như vậy. Tại thất vọng nhiều, đau đớn nhiều hay là tại bản chất “gan cóc tía” của chúng mình?
- Có trời mới hiểu được. Nếu không là trời thì chính là người yêu...
Tiếng cười giòn giã của Phi vang lên sau câu nói đó. Rượu mạnh đã có vẻ thấm.
Một tiếng động nhỏ từ phòng ngủ vọng ra. Điền quay vào nhìn rồi mỉm cười nói với Phi một cách sung sướng:
- Nàng dậy rồi.
Phi vơ bao thuốc lá trên bàn, đứng dậy:
- Tôi chuồn nhé.
Điền lưỡng lự một chút rồi nắm tay Phi:
- Cứ ngồi đây đi để tôi giới thiệu. Nếu nàng về nhà bây giờ thì tôi đi chơi với cậu cho vui. Hai thằng đi với nhau đêm nay chắc thú vị lắm.
- Thôi, ở nhà với nhau đi. Nàng định bao giờ về?
- Đêm nay, nhưng chưa dứt khoát là giờ nào. Có thể là mười hai giờ và cững có thể là hai ba giờ sáng. Bọn này đi Cấp với nhau hai hôm liền rồi, vì thế tôi không vào thăm cậu được. Ngồi lại đây đi, có lẽ như vậy khi nàng về đỡ buồn hơn.
Phi trù trừ không quyết định, chàng cầm ly rượu tiến lại bên cửa sổ nhìn ra ngoài vườn hoa.
Tiếng giầy đàn bà khua nhè nhẹ rồi dừng lại trong phòng khách. Phi quay lại, chàng sững người khi nhìn thấy Mộng Trinh trong chiếc “robe” màu tím hoa cà. Mộng Trinh thật đẹp và quyến rũ. Người đàn ba đó chừng trên dưới ba mươi tuổi, mái tóc xõa xuống che gần nửa khuôn mặt trái soan trắng nõn nà, nàng hơi cao, đôi chân dài, bộ ngực căng đầy. Nàng có vẻ đẹp của Ava Gardner, vẻ đẹp quý phái nhưng... liều lĩnh, đam mê. Nhất là đôi mắt thật buồn, thật ướt. Toàn thể con người Mộng Trinh toát ra một sức lôi cuốn, song cho người ta cái ý nghĩ là chỉ khi nào chính nàng giơ tay ra mới tiến gần được đến mà thôi.
Tiếng Điền giới thiệu hai người với nhau. Phi chỉ nghe thoang thoảng. Chàng còn đang mãi nghĩ rằng: “Người thế này chẳng trách Điền nhớ như điên là phải”. Phi nghiêng đầu chào Trinh, Trinh cũng nghiêng đầu chào lại với một nụ cười rất tự nhiên.
Điền giới thiệu tiếp:
- Anh Phi đang chán đời đó, leo tường bệnh viện ra mà người yêu “cho nghỉ dài hạn không lương”.
Trinh cười khanh khách:
- Nghe anh Điền nói chuyện nhiều về anh rồi, anh đỡ nhiều chưa mà đã leo tường ra đây?
- Cám ơn chị tôi khá nhiều rồi, đời lính đánh giặc bị thương là thường.
Điền xen vào:
- Nhưng bị người đẹp cho “leo cây” là chuyện không thường chút nào phải không?
Phi nhún vai:
- Cũng thường nốt. Mấy thằng như mình phần nhiều thua thiệt. Đi cả đời, làm gì có thì giờ...
Mộng Trinh thản nhiên ngồi xuống thành ghế salon, một tay đặt lên vai Điền, bộ ngực sát vào mái tóc Điền. Cái cử chỉ đó Mộng Trinh làm với tất cả vẻ thản nhiên tình tứ của một người yêu bất chấp mọi thứ ở trên đời. Nàng nhìn Phi và nàng bắt đầu tin là Phi bị thất tình, nàng nhướng đôi lông mày, tiếng nàng săn đón:
- Thật sao? Cô ấy có thể tàn nhẫn được thế cơ à? Tại anh không chịu khó đeo băng tay đến với cô ấy chứ gì?
Điền cười khanh khách phụ họa:
- Có lẽ chịu khó “tả oán” cái kiểu ấy, em sẽ cảm động lắm đấy!
Phi nhún vai lừng khừng trở lại salon:
- Tôi không quen tả oán bao giờ cả.
Trinh cười hôn nhẹ lên mái tóc Điền:
- Anh nên nhớ đàn bà thích được thương đàn ông. Các anh thường tỏ ra mình là đàn ông nhưng một đôi khi các anh cũng nên tỏ ra mình là con nít để cho người đàn bà cơ hội được chiều chuộng và một đôi khi phải tỏ ra mình “đáng thương” để được... thương hại và được săn sóc.
Phi chịu là Mộng Trinh có lý, nhưng chàng làm ra vẻ ngang bướng, lắc đầu:
- Tôi không thể làm được như vậy.
Điền ngửa người về phía sau để ngước lên nhìn lên đôi môi ngon như trái nho của Mộng Trinh.
- Anh có làm con nít bao giờ không?
- Anh thì lúc nào chẳng làm con nít.
- Sao em nói trông hình anh khi được huy chương coi như... dũng sĩ thời trung cổ?
- Đó là lúc anh đứng trong hàng quân, còn với em, anh luôn luôn là con nít.
Và, không ngần ngại, Mộng Trinh cứ cúi xuống môi Điền. Phi vội vàng quay đi nhưng chỉ trong một thoáng nhìn rất nhanh Phi nhận thấy đôi mắt Mộng Trinh nhìn Điền thật say đắm, ánh mắt như muốn trao gởi tất cả cho người yêu, dâng hiến tất cả cho người yêu những gì mình có từ mạch máu trái tim đến một ý nghĩ thầm kín nhất. Đôi mắt ấy Phi đã tìm thấy trên một vài tấm hình của Liz Taylor khi ở bên Richard Burton. Liên cũng thường nói với chàng: “Em chịu đôi mắt Liz khi nhìn người yêu” và Liên cũng từng nhìn Phi như vậy. Nhưng có lẽ khi Liên nhìn Phi, chàng không thấy rõ ràng sự say mê của Liên dâng hiến cho chàng bởi chính chàng cũng ở trạng thái say mê. Phải là người thứ ba đứng ngoài mới thấy được như cái ống kính của người phóng viên hoặc như chàng bây giờ trước Điền và Mộng Trinh. Phi tiếc rằng trong thời gian ôm Liên trong vòng tay, chàng đã không có được một tấm hình nào.
Phi ngước nhìn lên một tấm tranh của Hiếu Đệ treo lưng chừng tường gạch trong phòng khách. Bức tranh một người con gái Huế tóc dài toàn một màu đen và xám. Chàng nghĩ đến những thiệt thòi trong tình yêu của những con gái mới lớn. Họ không thể làm những cử chỉ nồng nàn như Mộng Trinh, họ không dám say mê hết mình như Liên. Ý nghĩ đó khiến Phi mỉm cười. Chàng bỗng nghĩ rằng sau đây ít lâu chàng có thể yêu một người con gái nào đó cũng rụt rè e lệ như mảnh tình đầu. Không hiểu chàng có đủ sức chịu đựng với những run sợ, những e ấp nửa chừng đó không. Phi lắc đầu: “Chắc mình không nổi quá!” Chàng nghĩ thầm rồi nâng ly rượu uống cạn.
- Mấy ly rồi?
Tiếng Mộng Trinh nhí nhảnh vang lên và Mộng Trinh cầm sẵn chia rượu rót cho Phi, Phi vừa ghé ly vào miệng chai vừa cười nhẹ:
- Mới có hai ly, ly này là ly thứ ba. Nhưng ly thứ ba để mừng cuộc hội ngộ này của anh Điền và chị... Ly thứ tư để mừng cuộc gặp gỡ của cả ba người chúng mình ly thứ năm để... chia tay, từ ly thứ sáu mới là để buồn vì chia tay.
Điền cười khanh khách, chàng xua tay:
- Cậu còn quên một điều.
Phi hất hàm:
- Điều gì?
- Chưa có ly nào cho chuyến đi sắp tới của chúng mình cả. Con nhà binh mà quên không nói tới chuyến đi là... lính hạng bét..
- Ừ, đúng đấy. Nhưng chuyến đi của con nhà lính phải kể là ly thứ một trăm lẻ một. Bằng ấy chưa đủ số.
Nói rồi Phi lại cười ha hả. Men rượu bốc lên, Phi không thấy buồn như khi mới đặt chân tới đây, Phi muốn nói thật nhiều.
Tiếng Mộng Trinh lại dí dỏm cất lên:
- Anh quên chưa nói đến hay ly rượu đầu tiên để mừng cái gì?
Đôi mắt Phi tròn lên rồi chớp mau, chàng làm như quên lãng hẳn ý nghĩ thật của mình về hay ly rượu đầu tiên. Điền tưởng là Phi không muốn nhắc đến nên chàng nói toạc ra:
- Hai ly đầu tiên là để buồn cái buồn của người lính đi chiến đấu về bị thương và bị người yêu cho “đi một chuyến tàu suốt”.
Phi cười hực lên:
- Nghe thảm thật. Anh làm tôi thương tôi. Người khác có thể đổ tội cho anh phản tuyên truyền vì cứ đi chiến đấu về là bị đào cho “đi một chuyến tàu suốt” như anh nói thì con ai đi chiến đấu làm gì!
Điền cãi ngay:
- Đó là một sự thật và sự thật đó cho người ta cái ý nghĩ tốt về người lính, cho người ta có cảm tình với những anh chàng chiến binh cô độc như cậu. Còn người lính thì... cóc cần, dù biết rằng mình đi sẽ có “một chuyến tàu suốt” đi theo sau cũng cứ đi.
Mộng Trinh tười cười:
- Sự thật thường là những con dao hai mũi, hiểu thế nào cũng được. Riêng Trinh, Trinh chỉ thấy một điều đáng nói trong trường hợp anh Phi là nỗi buồn trong hai ly rượu thứ nhất. Đúng ra chưa chắc đã là buồn đâu hay là trong cái buồn có cái vui mừng nữa.
Tiếng Điền thốt lên kinh ngạc:
- Trời ơi! Bị người đẹp đuổi đi trong khi có “kép” khác ở trong nhà là mừng được thì lạ thật.
- Không lạ. Em muốn nói đến cái mừng của một người biết rằng mình còn đau, còn được đau. Xa nhau mà biết mình còn đau tức là biết mình còn yêu là mừng rồi. Chỉ sợ xa nhau rồi... khinh nhau, rồi không còn gì cả mới đáng buồn mà thôi. Chừng nào mình chán nản, mình kinh sợ, mình nhờm gớm ngay cả nỗi buồn của mình đáng buồn thật. Lúc đó mình không còn gì cả.
Phi ngừng uống rượu, chàng chụm tay bật quẹt hút thuốc, khuôn mặt chàng sáng lên một nửa, những nếp nhăn xếp lại đầy khắc khổ. Chàng ngửa người thở một hơi khói dài lên không trung. Chàng đồng ý với Trinh về cái ý nghĩ có vẻ mới mẻ đó, nhưng chàng vẫn thấy mình không thể làm theo hoặc nghĩ theo lời Trinh nói.
Điền gật gù, ôm ngang lưng Trinh:
- Vậy phải đổi “danh hiệu” nỗi buồn của Phi là gì cho đúng nghĩa?
- Em thấy không cần thiết. Chỉ cần hiểu với nhau như vậy là đủ. Cũng như trường hợp của hai đứa mình sắp tới.
Sau câu nói của Trinh bỗng dưng bầu không khí giữa ba người hầu như đặc lại, sự im lặng nặng nề đột ngột hiện đến xâm chiếm. Trinh im lặng trước nhất như đã xúc phạm đến một nỗi đau tê không thể nói thành lời được nữa. Điền lặng lẽ vì xúc động, vì đau cái đau của những giây phút cuối cùng bên người yêu. Phi muốn thở ra một hơi dài, chàng nhìn Trinh bởi chàng vừa nghĩ rằng Trinh trốn tránh nỗi đau đớn của một cuộc chia ly sắp tới, nàng cố nghĩ như vậy để an ủi chính nàng và người yêu. Nàng buồn đấy nhưng đem theo một niềm kiêu hãnh trong sự buồn đau thấm thía đó để mãi mãi yên ổn, mãi mãi rời xa Điền, không bao giờ tìm đến. Đó chính là ý nghĩ họ muốn nói với nhau. Phi gật gù, tiếng chàng dịu dàng:
- Tôi đồng ý hoàn toàn với chị Trinh.
Nhưng tiếng nói của Phi không cứu vãn được gì cả. Tiếng nói đó tan loãng, nhạt nhẽo vô cùng. Chính Phi cũng cảm thấy như vậy. Chàng vừa nâng ly rượu định uống thì Điền đã giành lấy:
- Cho moa uống với.
Trinh đưa tay ngăn Điền:
- Thôi, uống hoài cũng đến thế mà thôi, từ chiều hai đứa mình uống nhiều rồi. Nếu không có anh Phi tới chắc là buồn lắm.
Phi cười:
- Thế ra sự có mặt của tôi dù sao cũng có một chút ý nghĩa.
Điền ngang ngạnh uống một hớp rượu:
- Càng có ý nghĩa hơn khi cậu thất tình, chúng mình có thể họp thành một cặp.
Mộng Trinh dằn lấy ly rượu:
- Anh muốn em khóc nữa hay sao?
- Thà là được thấy em khóc còn hơn là thấy em ra khỏi nơi này để rồi không bao giờ trở lại.
Phi thấy tình hình giữa Điền và Trinh đã có vẻ “căng thẳng” chàng đứng lên vờ đi ra phía chiếc đàn dương cầm kê ở góc trái phòng khách.
Chàng lớn tiếng:
- Anh Điền chơi piano hay lắm à?
- Thường thôi kỷ niệm của bà mẹ moa đấy. Hồi xưa bà mẹ moa chơi piano tuyệt lắm. Từ khi bà mất tới giờ moa mang về để đây, bao giờ buồn lắm mới đánh vài bài và thường thường là moa đợi ông bô đi vắng mới đánh. Ông bô moa thường nói là tiếng đàn của moa giống hệt tiếng đàn của mẹ moa.
Nói rồi Điền đứng dậy, chàng diù theo Mộng Trinh:
- Ra đây, anh đàn cho em nghe bản đàn mẹ anh ngày xưa vẫn thích.
Tấm vải dày đậy trên mặt dương cầm được Phi tháo ra, Điền thản nhiên ngồi vào đàn. Mộng Trinh đứng sát góc nhà yên lặng chờ đợi.
Mười ngón tay Điền chạy thoăn thoắt trên những phím ngà, thoạt tiên là những tiếng đàn dạo ồ ạt như thác nước. Chỉ cần nhìn qua cái dáng Điền và tiếng đàn dạo đó người ta cũng có thể biết trình độ dương cầm của Điền.
Bản nhạc La Polama vẳng lên thánh thót khiến Phi và Mộng Trinh cùng đứng lặng đi. Tiếng đàn của Điền thật hay, thật ấm, và thật buồn. Mái tóc Điền hơi xõa xuống, những lúc này Điền có cái dáng một nghệ sĩ thuần túy không hề mang một dấu vết chiến binh. Tiếng đàn dương cầm mỗi lúc một xao xuyến dìu dặt. Tiếng nhạc đang thao thao chảy như một dòng suối, bỗng Mộng Trinh dang rộng hai cánh tay ôm lấy Điền:
- Thôi, anh đừng đàn nữa.
Toàn thân Điền ngay ra, chàng im lặng vài giây, rồi mới vòng tay luồn vào mái tóc Trinh:
- Sao vậy?
- Buồn quá. Em sẽ phải nhớ mãi tiếng đàn, em sợ kỷ niệm...
Trinh bỏ lửng câu nói ở đó, nàng chúi đầu vào vai Điền, hình như nàng khóc. Phi thở dài rất nhẹ, cầm ly rượu uống cạn. Chỉ còn tiếng giầy của Phi đi nhanh trở lại.
Phi rót đầy một ly rượu nữa, chàng đã định đẩy cửa bước ra ngoài mặc cho hai người tự do tình tự trong những giây phút đó. Nhưng ngày lúc đó tiếng Mộng Trinh vang lên:
- Chúng mình đi ăn cái gì đi, em đói quá rồi. Ăn xong mình có thể đi chơi luôn với anh Phi cho vui.
Tiếp sau đó là tiếng giầy Mộng Trinh lách cách trên sàn gạch hoa. Điền đi theo sau, tiếng chàng lừng khừng:
- Em không sợ gì nữa sao?
- Không, chẳng cần nữa. Vả lại đi chung với anh Phi, em không ngại. Mấy giờ rồi anh?
- Hơn chín giờ.
- Đi chơi đến hai giờ đêm em về nhà. Anh đi thay quần áo đi kẻo muộn.
Ngoan ngoãn như một đứa trẻ con, Điền chúm môi hôn gió nhanh nhẹn vào phòng trong. Trinh tiến lại bên Phi:
- Mấy ly rồi?
- Có lẽ mới là bốn.
Trinh cố tạo một nụ cười:
- Uống rượu để quên hay là để buồn thêm.
Phi nhún vai:
- Tôi cũng không rõ, điều tôi biết chắc là không uống rượu thì làm gì trong khoảng thời gian trống rỗng này.
Trinh thở dài, nàng đứng tựa lưng vào khuôn cửa, nàng mang cái dáng điệu của một phụ nữ Tây phương. Tiếng nàng buồn bã:
- Cuộc đời bọn mình bây giờ phức tạp thật, tất cả là do chính mình tạo ra. Nếu cứ sống yên ổn trong cuộc sống của mình đừng bao giờ đi kiếm cái khác chắc đỡ nhiều lắm!
Phi cười, sự thật chàng không thể hiểu được người đàn bà này muốn nói gì. Tuổi trẻ của chàng chưa hề một lần suy luận về những cựa quậy tìm kiếm trong cuộc sống. Chàng đứng im chờ nghe tâm sự Trinh nhưng Trinh trốn tránh, nàng bỏ lửng ý nghĩ ở đây, hỏi một câu khác gần như vô nghĩa:
- Người yêu của anh thế nào?
- Chị muốn hỏi...
- Về tình yêu.
Đầu Phi hơi cúi xuống, chàng chưa kịp trả lời thì Trinh đã lại tiếp:
- Tôi có tò mò quá không?
- Không sao, tôi mong được chị coi như bạn.
- Vì vậy không hiểu tôi có giúp cho anh được những gì. Tôi là đàn bà may ra có thể cho anh vài ý kiến.
Phi cười nhẹ:
- Cám ơn chị. Thật ra tôi cũng không mong hàn gắn những gì đã vỡ.
- Chưa chắc đã là vỡ hoàn toàn đâu.
- Để tôi kể hết chị nghe rồi chị muốn hiểu thế nào cũng được.
Trinh gật đầu rất nhẹ. Phi kể tóm tắt chuyện tình của mình cho Trinh nghe. Trinh kết luận bằng một tiếng cười khanh khách giòn giã:
- Anh chị ghen tuông với nhau đấy thôi, mai mốt lại xử huề bây giờ. Ai xử huề trước thì không biết, nhưng thế nào cũng huề.
- Tôi cam đoan không có chuyện huề. Ngày mai tôi vào nằm lỳ trong bệnh viện, cố một vài hôm cho khỏi rồi đi thật xa.
- Anh lính nào thất tình hình như cũng có những ý định tương tự là đổi đi thật xa. Thú thật với anh là đàn bà rất sợ ý nghĩ đó của các anh, cứ dọa đi, nếu “nàng” còn yêu anh, nàng sẽ khóc ngay.
- Tôi không tin.
- Thử đi sẽ biết.
Nói rồi Trinh cười. Phi im lặng. Chàng nghĩ đến một lần giận nhau, chàng cũng nói với Liên là chàng sẽ xin đổi đi xa hơn nữa, xa đến nỗi mỗi năm chưa chắc đã được về Saigon một lần. Liên sợ, nhưng Liên không khóc, nàng chỉ khuyên chàng không nên làm như vậy, nàng nói “em xin anh, hãy ở gần đây để thỉnh thoảng em được nhìn thấy anh một lần” Phi thỏa mãn với lời nói ấy, chàng biết Liên yêu mình bằng tất cả những tình ý sâu đậm nhất. Bây giờ chàng chỉ thắc mắc là tại sao Liên không khó như lời Trinh vừa nói. Chàng lắc đầu một cách vô nghĩa.
Trinh hất hàm hỏi Phi:
- Anh cho là đàn bà bạc lắm phải không?
- Bây giờ tôi không nghĩ gì cả, tôi chán ngay cả ý nghĩ của tôi.
- Đàn bà phức tạp lắm, tự họ muốn như vậy. Có khi người ta yêu anh mà người ta nhất định xa anh. Có khi người ta không thích anh mà người ta vẫn tìm đến, tùy từng trường hợp.
- Chị an ủi tôi hay sao đó?
- Không! Tôi nói sự thật.
Phi cười mỉa mai, chàng không thể tin được rằng vì yêu mình mà Liên muốn xa mình, đó là một điều vô lý không thể có, chàng lắc đầu:
- Tôi biết Liên là người đàn bà sống thẳng thắn, sống theo mình, không có gì ràng buộc.
Trinh có nụ cười hiểu biết tự tin:
- Anh đừng tin chắc một cách quả quyết như vậy, đàn bà có sống thẳng thắn tới đâu cũng có đôi khi không sống đúng theo ý mình, nhất là trong tình yêu người đàn bà càng giả dối với chính mình hơn, hay nói cho đúng là sống khác với ý thích của mình.
Tiếng Phi đầy nghi ngờ:
- Để làm gì?
- Tùy theo mỗi việc, mỗi hoàn cảnh.
Phi muốn đánh trống lảng:
- Chị làm tôi muốn điên đầu.
- Tại người yêu của anh chứ không phải tại tôi.
Hai người cùng cất tiếng cười. Giữa lúc đó Điền ra tới nơi, chàng rất đỏm dáng trong chiếc chemise trắng và chiết cravate màu nâu có những bông hoa màu trắng thật nhỏ. Điền cầm tay người yêu:
- Mình đi chứ?
- Dạ.
Phi bước ra ngoài khuôn cửa trước, chàng biết Trinh và Điền cần có vài phút trước khi rời bỏ căn nhà này. Chàng cẩn thận đóng cửa lại làm như một cử chỉ vô tình, chàng thoáng thấy bóng hai người in hình trên khuôn cửa kính. Bỗng dưng Phi cảm thấy cô đơn lạ lùng. Chàng bật quẹt châm thuốc, môi chàng gần như khô rang, cổ họng nghẹn đắng khói thuốc. Khung trời tối xẩm, ánh đèn điện không đủ sức vượt khỏi một vùng ánh sáng nhỏ bé. Phi đi thật nhẹ trên con đường sỏi. Chàng nghĩ đến Liên và người đàn ông ở trong nhà Liên. Chàng cố nghĩ rằng giờ này họ đang có mặt ở một vũ trường nào đó. Nhưng óc tưởng tượng quái ác thường vẫn dẫn người ta đến với những hình ảnh đau thắt như dao cắt, đau đến nỗi chỉ còn biết nhắm mắt để không dám nghĩ tiếp nữa. Phi muốn vùng chạy, muốn nghiến răng đập phá bất cứ một cái gì, muốn mang một cảm giác mạnh như khi ghì chắc khẩu súng máy trên vai trước một làn sóng địch ào ào xông tới.
Nhưng Phi chỉ nắm chặt hai bàn tay, bả vai chàng đau buốt, chàng lại có cảm tưởng như rỉ máu. Chàng hối hận vì hành động “nhảy rào” của mình hôm nay. Chàng muốn trở lại bệnh viện ngay bây giờ, nhưng... đồng thời chàng cũng biết là mình không thể chịu đựng nổi trong bốn bức tường hẹp đó, chàng ném mạnh mẩu thuốc lá vào đám cỏ tối.
Mười lăm phút sau Trinh và Điền mới đẩy cửa bước ra. Những vòng tay khăn khít khiến Phi thèm là những vòng tay trước một lần từ biệt. Chàng trở lại xe với Điền, tiếng chàng rời rã:
- Đi xe nào?
- Đi xe cậu đi. Trinh đi xe riêng.
- Sao vậy?
- Chút nữa nàng về bằng xe đó.
Phi “à” một tiếng ngắn rồi đẩy cửa xe cho Điền bước lên. Trinh vòng lại phía sau nhà lấy xe. Một phút sau, chiếc Stude Barker lướt rào rào trên lối đi, Phi rồ máy đuổi theo, chàng quay sang Điền:
- Đi đâu?
- Vào Chợ Lớn, cứ đi theo Trinh.
Từ đó hai người lầm lì không nói với nhau một tiếng. Cho đến khi chiếc xe của Trinh dừng lại trước một tiệm ăn tây không lấy gì làm sang trọng lắm nhưng kín đáo, Điền mới nói:
- Gặp nhau hôm nọ, hai đứa này cũng ăn ở đây. Ăn xong có thể vào trong kia nhảy nhót một lúc, kín đáo lắm, phần nhiều là “các chú”, không ai cần biết đến ai cả.
Phi lẳng lặng theo Điền và Trinh vào tiệm ăn. Tâm trạng Phi rã rời, gần như chàng không còn muốn biết chàng tới đây để làm gì nữa. Nỗi buồn đau thiếu vắng càng hiện lên rõ rệt trên từng ánh đèn, từng góc bàn phủ khăn trắng, từng tiếng nhạc từ phía trong vũ trường vẳng ra. Phi ngồi nín lặng. Trinh và Điền cũng ngồi yên, nhưng họ được nhìn nhau, nói tiếng nói đau đớn của chia tay, Phi thèm cái cảnh ấy, chàng muốn được nhìn người yêu dù chỉ để nhìn một lần cuối.
Những món ăn dọn ra, nhưng không ai đụng tới cả. Điền cố tìm chuyện để quên rằng trong một vài giờ nữa chàng sẽ phải xa người yêu, chàng quay sang Phi tâm sự:
- Có lẽ tôi không về bộ chỉ huy Trung đoàn đâu.
- Sao vậy?
- Mình chiến đấu quen rồi, bây giờ về cạo giấy chịu gì nổi.
- Anh tính đi đâu?
- Trở lại với tiền đồn mới hoặc là đi du học một thời gian, có khóa học ở ngoại quốc, có lẽ Trung tá Lạc đề cử tôi đi.
Phi gật gù, yên lặng vài giây rồi chàng thở ra rất nhẹ:
- Còn tôi, chưa biết sẽ ra sao, đi học ở trường võ bị cũng là một ý kiến hay và là một vinh dự lớn, nhưng chưa chắc đã hơn gì cuộc đời chiến đấu. Giá chúng mình cứ sống với nhau như ở tiền đồn ngày xưa có lẽ thú vị hơn nhiều.
Điền cười:
- Cuộc đời nhà binh mà phẳng lặng quá, dù là chiến đấu trong sự phẳng lặng cũng không còn ý nghĩa gì cả. Xáo trộn một chút, thay đổi không khí một chút có lẽ hay hơn.
Trinh dừng đũa xen vào:
- Hình như lúc nào anh Điền cũng tính đến chuyện xáo trộn.
Điền mỉm cười nhìn người yêu đăm đăm:
- Không tính đến thì tự nó cũng đến. Cuộc đời quân ngũ đã dạy người ta cái kinh nghiệm là luôn luôn sắp ba lô và không cần biết là để đi chiến đấu, đi nghỉ mát hay là về cưới vợ hay là vào trại giam ít ngày. Thằng nào biết sắp sẵn ba lô, thằng đó thường ngồi mục trên một cái ghế, trong một bức tường lô cốt, thằng đó sẽ sợ cái gì xáo trộn. Một người lính như vậy là một anh công chức già với những con đường cũ. Không thể kể là lính được.
Trinh xua tay:
- Em không muốn hỏi anh chuyện đó.
Đôi mắt Điền làm bộ tròn lên tỏ dấu một câu hỏi Phi cười:
- Chị ấy muốn hỏi về tình yêu.
Trinh gật đầu rất nhẹ:
- Đúng vậy.
Điền nhìn Trinh âu yếm:
- Người nào cũng sắp sẵn để thản nhiên trước một xáo trộn nhưng cuối cùng... không ai thản nhiên trước cả. Thương nhớ từ một mảng vỡ của mái lô cốt thường đi đến một con đường mòn đất đỏ. Vậy thì không có lý do gì nói rằng người lính cũng tính trước cả chuyện xáo trộn giản dị là người lính sắp sẵn ba lô cho cuộc đời mình mang theo cả tình yêu. Cuộc sống xáo trộn và tình yêu thường chỉ có một. Người lính yêu thương nhiều hơn ai hết.
Tiếng Trinh cười nhè nhẹ nhưng cũng đủ làm vang động cả một góc phòng ăn, nàng lắc đầu:
- Tại sao anh lại quyết đoán một cách... có lợi rằng người lính thương yêu nhiều hơn ai hết là thế nào? Bộ những người khác tim bằng gỗ à, hay là người lính có thêm một trái tim?
Điền dừng tay định trả lời, nhưng Phi đã nói trước:
- Xin phép để tôi trả lời, không phải tôi bênh anh Điền mà tôi cũng không bênh vực chính tôi làm gì trong trường hợp này. Tôi chỉ xin mang bản thân ra để trả lời câu hỏi của chị thôi. Chị có tin được là tôi hết sức khách quan khi nói với chị điều này không?
Trinh có đôi mắt láu lỉnh:
- Anh cứ nói, tin hay không còn tùy...
- Vậy dù chị không tin tôi cũng cứ nói theo “kinh nghiệm bản thân” riêng của tôi. Sở dĩ người lính dám tự hào là người yêu thương nhiều hơn ai hết vì mỗi người lính thường phải hy sinh quá nhiều cuộc sống riêng tư của mình cho tập thể, cho đồng đội. Họ không có hoàn cảnh, không có thì gian để được yêu thương như những người khác nên luôn luôn họ khao khát, họ nhớ mong. Sống bên cái chết, trước cái chết họ nghĩ đến tình yêu, họ nhớ đến người yêu. Nói xa hơn chút nữa, chị hãy tưởng tượng đến một người khi ôm súng ra trận, họ thường ít nghĩ đến điều họ hy sinh chính họ mà người lính lo cho vợ và những đứa con ở nhà. Có người chỉ sợ rằng khi mình không còn nữa thì vợ con sẽ khổ cực, có người lo rằng khi được tin mình tử trận người yêu sẽ ngã ngất đi. Chị có tin được như vậy thì chị sẽ biết rõ câu người lính yêu thương nhiều hơn ai hết.
Trinh xua tay cắt ngang rồi gật đầu:
- Bây giờ thì tôi tin.
Điền nhoẻn miệng cười nhìn Phi:
- Cảm ơn cậu đã cứu tôi thoát khỏi một câu hỏi khá hắc búa. Thú thật tôi phải trả lời câu hỏi đó, tôi sẽ lúng túng to, tuy rằng tôi hiểu nhưng không thể cắt nghĩa hết được.
- Tôi cho rằng tôi cũng chưa trả lời hết nghĩa. Tôi còn muốn nói thêm nhiều nhưng... Không biết phải nói thêm gì bây giờ.
Tiếng Trinh dịu dàng:
- Các anh không cần trả lời thêm nữa. Tự tôi có thể tưởng tượng ra được rồi. Một buổi chiều ở tiền đồn, một đêm mưa ở rừng sâu và những ngày tháng đợi chờ một lá thư như anh Điền đã nói, sâu xa hơn nữa là một gia đình tử sĩ khi ở bên chiếc quan tài mới... tôi đã nghĩ như các anh vừa nói là người nằm đó thương cho người sống, lo cho người sống hơn là lo cho mình.
Điền cúi đầu, chàng nghĩ đến sợi dây chàng đang đeo trên cổ. chàng nhìn Trinh:
- Chừng nào anh không còn nữa, anh sẽ gửi sợi dây này về cho em, anh sẽ dặn chị Hoa điều đó. Khi nhận được sợi dây mang tên anh mà mang loại máu của anh, chị Hoa sẽ nói với em rằng quân đội không cần đến sợi dây...
Trinh không cho Điền nói hết câu, nàng lắc đầu nhất quyết từ chối:
- Em không đủ can đảm nhận đâu, đừng dặn lại chị Hoa điều gì cả.
Phi cười thầm trong bụng. Đã có lần Phi nói với người yêu như vậy và sau đó chàng nhận rõ là chàng thành thật nhưng chàng biết sự thành thật đó vẫn có một lời tán tỉnh, một câu thề nguyện rất cảm động. Đàn bà thường hay cảm động về ý nghĩ, những lời nói nhỏ nhặt ngắn ngủi như vậy, và đàn bà sẽ nhớ mãi mãi. Chính vì Phi biết quá rõ như thế nên câu nói trở thành một ý định chinh phục rõ rệt. Chàng tin là bây giờ Điền thành thật với Trinh, đó là một lời nói tâm quyết trước khi xa nhau, nhưng không hẳn là Điền không có ý định chinh phục để bắt Trinh phải nhớ chàng mãi mãi.
Phi lảng nhìn đi nơi khác để tránh một tiếng cười chàng có thể vô lý thốt ra khiến Điền ngượng ngập. Chàng nói một câu khác:
- Không người đàn bà nào tỏ ý muốn nhận kỷ niệm cuối cùng cả. Có phải tại nó thiêng liêng quá hay là tại nó đau lòng quá? Hay là, cũng có thể có những trường hợp người đàn bà sợ mình không xứng đáng giữ gìn di vật kỷ niệm đó? Tôi cũng đã từng bị từ chối như anh Điền hôm nay.
Câu nói của Phi đượm một chút cay đắng và vô tình khiến Trinh hơi buồn. Cái cử chỉ từ chối của nàng hóa ra giống như bao nhiêu người đàn bà khác khi yêu một người trai quân ngũ? Tuy buồn, song Trinh vẫn nhận rõ một điều là tại kỷ vật đó thiêng liêng thật, nàng vừa sợ đau lòng vừa sợ tới một ngày gần đây hay xa đây, nàng không còn xứng đáng nữa. Nàng không nghi ngờ rằng nàng sẽ quên Điền mà nàng chỉ nghi ngờ “biết đâu nàng sẽ yêu một người khác hơn Điền hoặc nàng sẽ coi gia đình nàng nặng hơn một tình yêu xưa cũ”. Ý nghĩ thoáng qua đó khiến Trinh chỉ biết thở dài.
Bữa ăn trôi qua trong buồn nản gắng gượng, cả ba người cùng đều hiểu như vậy và cả ba cùng không dám nói thẳng ra. Họ cố gắng để hầu mong xóa bỏ những ý nghĩ ấy, cố cười đùa để hy vọng ghi lại những giây phút cuối cùng thật đẹp. Nhưng mọi cố gắng đều chỉ làm nổi bật thêm sự gượng ép giả tạo.
Khi ở bàn ăn đứng dậy, Phi nói ngay:
- Tôi về. Mỏi mệt và chán chường quá, đi chơi thế này chỉ mỏi mệt thêm. Hai anh chị đi với nhau đi.
Trinh nhìn Điền nàng thấy Phi có lý, nàng kéo Điền ra cửa:
- Mình đi chơi với nhau một lát rồi em về. Kéo dài mãi những giây phút này rồi cũng thế.
Điền gật đầu, đưa tay bắt tay Phi:
- Mai mình vào nhà thương thăm cậu.
Phi chào Trinh rồi lầm lũi bước ra xe. Chiếc xe nặng nề rời lề đường. Phi cũng không biết là mình nên về nhà hay nên đi đâu nữa. Hình ảnh Liên thoáng hiện như một vì sao băng lòe sáng trên trời rồi mất hút trong phẳng lặng, tối tăm. Phi vòng xe đi dọc theo đường bờ sông, chàng không định mà xe chàng chạy qua tiệm khiêu vũ rồi qua nhà Liên. Nỗi buồn đau thấm sâu, chỉ xuyên qua vai mà không nhích thêm vào một chút nào nữa, chỉ một chút nữa thôi, chàng không phải sống những đêm như đêm nay. Tâm trạng người lính chiến có những giây phút mềm yếu, những giây phút trẻ con hơn cả trẻ con. Phi biết ý nghĩ của mình là hèn, là vô lý song chàng không biết làm gì để dẹp bỏ. Chàng phóng xe ra xa lộ, con đường rộng phẳng tắp hun hút như đi sâu vào vô tận. Những chiếc xe đậu bên lề đường im lìm như những căn phòng nhỏ, những mái đầu sát lại bên nhau là hình ảnh của ái ân. Lòng Phi dại đi, chàng tưởng tượng đến hình ảnh Liên ngồi trong một chiếc xe nào đó. Nếu chàng nhìn thấy tận mắt, chàng sẽ làm gì? Chàng sẽ đau đớn thêm hay là chàng sẽ dễ dàng quên Liên?
Phi lắc đầu, chàng không muốn trả lời câu hỏi đó. Chàng vội vàng trở lại và đi thẳng về nhà. Nhưng khi chiếc xe vừa dừng lại để quẹo vào cổng nhà thì Phi đã nhìn thấy Liên đứng sừng sững dưới một gốc cây me. Phi tắt đèn xe, lòng chàng như mở hội.
Liên nhào đến bên Phi, dưới ánh đèn thành phố, Phi nhìn rõ nụ cười rực rỡ của người yêu. Phi không hiểu tại sao lúc này chàng không thể mở cửa xe nhảy choàng xuống ôm ghì lấy người yêu trong vòng tay, chàng ngồi im sững nhìn khuôn mắt người yêu, bàn tay người yêu đặt lên bàn tay mình. Thái độ của chàng thật lạnh lùng, chính chàng cũng không hiểu tại sao. Chàng chỉ biết rõ một điều là những lúc chành lạnh như vậy là những lúc chàng yêu Liên hơn bao giờ hết.
Tiếng Liên nghẹn ngào:
- Em chờ anh cả nửa giờ đồng hồ rồi, anh đi đâu? Em nhìn thấy xe anh đi ngang, em lấy taxi đuổi theo mà không kịp, em về đây chờ anh.
Rồi chính Liên mở cửa xe, chính Liên bước lên ôm choàng lấy Phi. Mùi mái tóc, mùi nước hoa, mùi da thịt quen thuộc của Liên phả lên mặt Phi, chàng ngồi lặng, vòng tay ghì chặt trên vai người yêu mà ý nghĩ để tận đâu đâu. Chàng bỗng thấy khổ sở âm thầm như niềm tủi cực thầm lén khi nhớ đến người đàn ông xa lạ ngồi trong nhà Liên. Chàng không biết Liên có vòng tay ôm người đàn ông đó như ôm mình hay không. Chàng thở dài rất nhẹ.
- Anh làm sao vậy, anh ghét em lắm phải không? Anh khinh em lắm phải không? Em xin anh, đừng tỏ thái độ lạnh lùng với em như thế này, không thế nào em chịu nổi.
Quả thật những lúc này, Phi muốn đẩy Liên ra khỏi vòng tay mình. Chàng khổ sở, tức tối vì những ý nghĩ, những tưởng tượng ghê gớm mà chàng vừa đắm mình vào như một ngục tù. Tuy vậy, chàng không đủ can đảm để nói với Liên tất cả những gì chàng nghĩ, chàng nói một câu khác:
- Anh muốn nhìn khuôn mặt em...
Liên tin ngay lời Phi nói, nàng cho rằng Phi nhớ nàng. Phi yêu nàng suốt những ngày xa cách, bây giờ Phi muốn nhìn thật lâu khuôn mặt nàng cho bỏ những thèm khát nhớ nhung Liên sung sướng với những ý nghĩ ấy, nàng nói như một tiếng thở:
- Em nhớ mình.
Phi cúi xuống môi người yêu thật lâu. Tiếng Liên yếu đuối:
- Chúng mình về nhà đi anh.
Một tuần lễ sau, Phi rời bệnh viện. Chàng được phép nghỉ dưỡng bệnh bảy ngày.
Khi chàng mang quần áo về tới nhà, việc đầu tiên mẹ chàng nghĩ tới là việc mua một ít trái cây bánh mứt và nho táo đến cám ơn Trung tá Lạc. Đối với những người đàn bà Việt Nam, sự chứng tỏ mình biết ơn, chịu ơn là một chuyện cần thiết, Phi hiểu thế, song chàng thấy hành động đó có một vẻ khôi hài khó chịu thế nào! Chàng nhất quyết cản mẹ chàng, nhưng bà cụ cứ thắc mắc, ray rứt mãi không yên. Bà nói:
- Người ta đối tốt với mình, bao nhiêu quà bánh người ta cho mình thì mình phải trả lễ chứ mình cần cạnh gì người ta mà sợ. Mình cứ cư xử cho phải phép, mặc ai muốn nghĩ thế nào thì nghĩ!
Phi cố ngăn, song thực tình có lúc chàng thấy bà cụ có lý. Sau cùng, chàng bỏ đi, cũng có thể là chàng nhượng bộ mà cũng có thể là chàng bực bội. Bà cụ đã trót mua quà bánh rồi, không thể trì hoãn được nữa, bà làm theo ý mình, bà mang quà bánh đến nhà Trung tá Lạc.
Phi đi từ sáng, và chàng quên khuấy đi chuyện mẹ chàng định làm, buổi chiều chàng ghé nhà Trung tá Lạc. Vừa thấy chàng, Phượng cười khanh khách ba hoa ngay:
- Nhân dịp anh cưới vợ hay đi hỏi vợ mà cho quà nhiều thể hả anh Phi?
Còn Loan thì chỉ nhìn chàng bằng một đôi mắt khác lạ nhưng có một chút ít ngượng ngùng và đầy âu yếm.
Phi đứng lặng, mặt chàng đỏ lên, chàng đã biết chuyện gì xảy ra, nhưng chàng làm bộ ngây ngô ngây mặt ra:
- Chuyện gì vậy?
Phượng vẫn cười tỏ vẻ không tin là Phi ngây ngô thật:
- Anh không biết gì thật sao?
Phi khôn ngoan quay sang hỏi Loan:
- Chuyện gì vậy Loan?
Loan mỉm cười, tiếng nàng dịu dàng bởi nàng biết là Phi ngượng:
- Bà cụ tới đây hồi trưa với một thúng quà bánh đầy, bà nói là để cám ơn ba Loan và gia đình Loan đã săn sóc anh trong những ngày ở bệnh viện. Loan từ chối mãi, nhưng nhất định bà cụ không chịu.
Loan cũng mỉm cười đồng lõa với Phi, nhưng sự thật nàng hiểu là Phi biết rõ chuyện bà cụ tính mang quà bánh tới đây, có lẽ là Phi đã cản, song bà cụ không chịu. Nàng hỏi một câu để lảng chuyện:
- Anh được nghỉ phép mấy ngày?
- Một tuần nhưng có thể kéo tới mười ngày.
- Anh có định đi đâu không?
Phi ngập ngừng một chút để suy tính, chàng không biết nên nói dối Loan không và nói dối để làm gì? Nhưng rồi Phi cũng nói dối:
- Có lẽ có, nhưng... chưa biết đi đâu.
Loan cười, Phượng xen vào:
- Anh định đợi người đẹp của anh cho ý kiến à?
- Không!
Câu chối của Phi vội vàng như sợ người khác chú ý tới điều gì đó mà chàng cố giấu khiến chính chàng cảm thấy mình trẻ con sau câu trả lời. Chàng làm ra vẻ phân vân:
- Có lẽ đi Đà Lạt.
Loan tròn mắt:
- Đi Đà Lạt à?
Phi khẽ gật đầu và chàng chột dạ:
- Mới định thế thồi, chưa chắc lắm.
- Anh định đi một mình?
Phi cười nhạt, Phượng lắc đầu:
- Chắc không đi một mình đâu.
Một ý nghĩ chạy thoáng qua rất nhanh, Phi trả lời:
- Có mấy người bên không quân rủ đi nghỉ mát, có lẽ tôi cùng đi với họ cho vui.
Phượng gật gù:
- Mấy ông không quân thì hào hoa lắm, chắc chắn sẽ có “người” đi theo.
Phi cãi:
- Mỗi năm họ được đi nghỉ mát một lần và họ có ở tập trung, bắt buộc phải ăn uống trong nhà nghỉ mát, họ không “ẩu” được đâu.
- Nói thế cho vui chứ chẳng lẽ cấm họ đi chơi ở ngoài phố à? Xin phép cho Phượng được nghi ngờ đấy.
- Đó là quyền của Phượng.
Nói rồi Phi bỏ vào salon ngồi xem một tờ tuần báo, Phượng trở ra ngoài sân. Còn một mình Loan ngồi trên chiếc ghế xích đu ngoài hàng hiên, nàng đang khâu mấy hột nút ở bộ đồ trận của Trung tá Lạc. Thỉnh thoảng Phi liếc nhìn Loan. Thái độ của Loan hôm nay khiến chàng nghi ngờ - sự nghi ngờ thường có do bản chất tự kiêu của người đàn ông - Phi thấy Loan có vẻ ngượng ngập và vui thích khi được bà má Phi mang đến cho quà. Loan có thể có một ý nghĩ khác hoặc một tưởng tượng khác về chuyện này không? Nàng có thể nghĩ rằng bà mẹ Phi đến cầu thân với gia đình nàng để... định tiến thêm một bước nữa? Hoặc giả là Loan có thể tưởng tượng món quà mang một ý nghĩ khác, như một món quà “chạm ngõ”, như một “cơi trầu quả cau” làm lễ ra mắt cho người con trai? Người con gái mười tám đôi mươi thường có những ý nghĩ, những tưởng tượng thầm lén như vậy mà người ta chỉ có thể cảm thông, qua nụ cười, qua một vài cử chỉ vẩn vơ suy tính.