Chương VIII
ÔNG ẤY LÀ ÔNG QUAN, ÔNG ẤY KHÔNG THÈM NÓI DỐI

     ược nghỉ lễ hai hôm, Điệp về nhà quê. Người làng gặp chàng, đêu hỏi han chuyện trò, vui vẻ, tưởng như cậu Phán đem khối bổng lộc về kính mẹ, chứ có biết đâu là chàng đem tấm lòng chết trở về nhà!
Điệp đến đầu cầu, nhìn xuống đường thấy có vết bánh ô tô vẫn còn mới, mà trẻ con làng nháo nhác kháo nhau đi xem quan. Điệp gặp một vài ông kỳ lý khăn áo chỉnh tề đi lại có ý vội vã, chàng hỏi xem quan nào, thì họ bảo:
- Quan Chánh án.
Điệp lo sợ. Ông Chánh án đi về có việc gì? Nếu là việc công, sao chàng không biết? Chàng đương đoán phỏng, thì kìa lù lù cái xe ô tố đỗ trước cổng nhà ông  Tú đã làm cho chàng giật nẩy mình. Chàng biết tất có chuyện chẳng hay.
Qua nhà ông Tú, Điệp nhìn vào, thấy cả mẹ cũng ở trong ấy. Tự nhiên chàng đứng dừng lại, sửng sốt cả người, như điên như dại.
Bà Cử trông thấy con, vẫy vào.
Điệp đến sân, trông rõ ông Chánh án và ông Tú ngồi ở ghế giữa, bà Cử thì ngồi phản bên. Trong buồng
Lan ngó ra nhìn Điệp nét mặt sợ hãi. Điệp chắp tay chào mọi người, nhưng chẳng ai trả lời một tiếng. Thấy sự lãnh đạm đột ngột ấy, chàng đoán được cả đầu đuôi câu chuyện. Rồi ai nấy nét mặt giận dữ, không nhìn nhau, đều im lặng. Cái im lặng mới nặng nề làm sao? Điệp biết rằng vì có mình nên câu chuyện bị ngắt quãng, chàng bèn bẽn lẽn ngồi cạnh mẹ. Bỗng ông Chánh án đứng phắt dậy, nói:
- Đấy, anh ấy đã về, bà Cử và ông Tú hỏi anh ấy thì rõ, rồi bảo anh ấy hộ tôi.
Nói đoạn ông đi ra, ông Tú mời lại thế nào cũng không ở.
Điệp theo mọi người ra tiễn ông Chánh án, ruột rối như mớ bòng bong, nhất là chưa biết đích câu chuyện nó xoay đến thế nào.
Xe ô tô mở máy chạy. Ông Tú quay lại nói với bà Cử.
- Mời bà hãy ở lại chơi.
Bà Cử và Điệp theo vào. Điệp chưa ngồi yên đã bị mẹ mắng thốc một hồi.
- Tao không ngờ mày bất hiếu bất mục, lừa lật, hư đốn như thế. Tao xấu hổ về mày. Thôi, từ nay tao kệ xác mày, có thân thì lo, tao không có mày nữa!
Nói đoạn bà òa lên khóc. Điệp nghẹn ngào, không đáp được lời nào. Mà lời nói không ra được, thì tất nước mắt phải ra thay. Ông Tú ngồi chống tay vào má, nhìn Điệp. Lúc ấy ở trong buồng nghe có tiếng sụt sịt.
Một lúc, Điệp nói:
- Thưa đẻ, đẻ nói cho con đầu đuôi câu chuyện rồi đẻ cho phép con thưa lại hãy hay, chứ đẻ cứ mắng át đi thì con biết làm thế nào được?
- Thôi, tôi cắn cỏ tôi van ông, tôi không dám đẻ đẻ con con với ông nữa.
Rồi bà nằm vật xuống giường, nghẹn ngào, hai tay vuốt ngực. Điệp như đứt từng khúc ruột thưa:
- Thưa ông, thưa đẻ, con oan lắm. Việc này con biết cả rồi. Ông Chánh án muốn gả con gái cho con, nên mới đặt điều cho con như thế.
- Đặt điều à! Mày còn già họng phải không? Ông ấy bắt được quả tang mày nằm với cô gì, bây giờ mày còn cãi à!
- Con lạy đẻ, đẻ ôn tồn mà nghe con phân trần mọi lẽ, chứ chưa chi đẻ đã tin ngay ông Chánh án, thì đẻ giết con đi còn hơn. Nguyên là hôm con đến phủ để trả lời việc xin đi làm của con, thì bữa cơm tối hôm ấy, ông ấy ép con uống rượu. Con uống say quá, chẳng biết trời đất là gì, đến nỗi thiếp đi, rồi sáng hôm sau, con thấy con nằm chung một giường với cô Thuý Liễu. Thực con không hiểu vì sao!
- Không hiểu vì sao? Vì mày phải lòng cô ấy. Tao không ngờ mày liều lĩnh bất nhân đến như thế!
- Bẩm đẻ, thực ông Chánh án lầm, nay ông ấy làm lầm cả ông Tú lẫn đẻ.
- Nếu mày bảo ông ấy lầm, sao việc to thế, mày về giấu, mày không dám nói?
- Bởi vì hôm con về, ông Chánh án có gửi cho đẻ cái thư.
- Ừ phải, mày cũng bịt đi!
- Trong cái thư ấy, ông ấy khuyên đẻ nên hỏi vợ cho con, và hứa sẽ hết lòng giúp, nhưng con hiểu ý ông ấy muốn gả Thuý Liễu cho con, vì ông ấy lầm. Con thấy ông ấy nghĩ tới một điều không thể thực hành được, nên con xé thư đi, không dám nói với đẻ, sợ đẻ để bụng mà nghĩ ngợi. Bởi thế từ hôm ấy, con thơ thẩn cả người, vì con lo.
- Sao tao hỏi mày, mày không nói? Mày nhớ nó chứ lo cái gì?
Ông Tú bảo:
- Phải, tôi cũng có ý hỏi xem anh ấy vơ vẩn cái gì, nhưng anh ấy cũng không nói.
Bà Cử lại nổi giận đùng đùng:
- Đồ bất hiếu mày có học mà ăn ở thế à!
Ông Tú can:
- Không, bà đừng nên làm quá như thế! Nhưng tôi hỏi anh Phán. Thế anh với cô Thuý Liễu có tình ý gì với nhau không? Anh cứ nói thực.
Điệp thấy ông Tú ôn tồn, thì nở nang khúc ruột, cho là ông Tú bao giờ cũng đại lượng, suy xét kỹ hơn, thì ông có thể làm trạng sư cho mình, bèn trả lời:
- Bẩm ông, con xin thề rằng nếu con có tình ý gì với Thuý Liễu, con không dám sống thêm một ngày nào nữa.
Ông Tú ung dung cười, đưa Điệp mảnh giấy nói:
- Sao lại có thư này? Hay không phải chứ anh?
Điệp nhìn mảmh giấy rõ cái thư chính tay mình viết cho Thuý Liễu hôm nọ. Điệp cầm lấy, trông lại từng chứ. Trời ơi! sao mà những lời ám muội quá lắm thế! Thật là đôi nhân ngãi vừa viết cho nhau, chứ còn cãi thế nào được. Điệp nhìn kỹ ông Tú bằng con mắt nằn nì, nhưng cứ nói rõ sự thực:
- Bẩm ông, vì hôm con về, Thuý Liễu bị ông Chánh án mắng tàn nhẫn, nên đánh liều định tự vẫn, có viết giấy nhờ con sau khi chết thì minh oan hộ. Nhưng lương tâm nào để con nỡ mặc cô chết một cách oan uổng, con bèn trả lời bằng mấy câu này.
Ông Tú cầm tờ giấy, đọc to lên đến câu “vỉ quá cuồng dại mà đêm ấy anh đã làm hại một đời em” thì dằn từng tiếng mà nhìn Điệp, khiến Điệp như bị từng ấy nhát dao đâm xói vào ruột gan.
Đọc xong thư, ông Tú hỏi:
- Thế cái thư của Thuý Liễu viết cho anh đâu?
- Bẩm ông, con xé rồi.
Ông Tú lắc đầu, cười lạt, đến nỗi Điệp phải khóc.
- Thôi, anh đừng khóc nữa cho thêm nặng tình. Làm quái gì cái vặt, rồi anh sẽ được sở cầu như ý, lo gì?
 - Bẩm ông, xin ông chớ quá giận con. Điều sở cầu của con là được nhờ vả ông suốt đời.
Ông Tú lắc đầu mát mẻ nói:
- Tôi không dám, anh nói quá.
- Bẩm ông, xin ông xét cho con. Hẳn ông cũng biết từ thuở bé, tính con như thế nào.
- Phải tôi biết thì đã hẳn, nhưng tôi có ngờ đâu. Anh bảo ông Chánh án còn lầm nữa là! Này! Ông ấy bảo anh định sở khanh đấy!
- Trời ơi! Ông Chánh án là người thế nào lời ông đoan hôm nọ rất đúng, ông ấy muốn gả Thuý Liễu cho con, nên bịa để nói dối ông và đẻ con đó mà thôi.
Bà Cử ngôi nhỏm dậy, xỉa xói nói:
- Ông ấy là ông quan ông ấy không thèm nói dối! Mày bảo ông ấy bịa rằng mày chim con gái ông ấy, ông ấy bịa rằng mày ngủ với con gái ông ấy phải không? Đồ vô phúc!
- Thôi, bà đừng mắng anh ấy, anh ấy tủi. Tôi đã đoán rằng anh ấy cứ nhờ ông Chánh án, có xảy ra sự gì thì tôi chịu trách nhiệm, nay tôi xin giữ lời hứa, thế là êm chuyện.
Bà Cử lại vật mình xuống giường, nói:
- Xin ông chớ giận mẹ con tôi.
- Không hề gì, dù anh Điệp có làm rể ông Chánh án, thì tùy ý anh ấy, chứ không bao giờ tôi đốì với bà kém trước, xin bà chớ ngại.
Điệp nói:
- Bẩm quả ông Chánh án ép con, ông ấy dọa rằng nếu con không nghe thì ông ấy làm hại cả ông nữa.
Ông Tú đủng đỉnh nói:
- Cái đó cố nhiên. Vì anh đã làm hại con ông ta, tất nhiên ông ta phải làm hại tôi, cho sự nhân duyên của anh và con bé nhà tôi ngăn trở.
Điệp thở dài, lau nước mắt nói:
- Chỉ có cách là con chết đi cho xong. Ông Chánh án khôn ngoan, có ô tô, về nói chuyện trước với ông và đẻ, nên ông và đẻ tin ngay.
Bà Cử nghiến răng, chỉ vào mặt Điệp:
- Mày cho mẹ mày là đồ ngốc phải không? Mày đã làm một điều đại ác. Lũ người nhà đầy tớ ông Chánh án phải đuổi oan vì mày, mày có biết không? Coi chúng nó oán đến chết, con ạ.
Điệp sực nghĩ ra sáng hôm ấy, Ông Phủ hầm hầm quát mắng đầy tớ, và đuổi suốt lượt. Song chàng ôn tồn nói với mẹ:
- Ông ấy đuổi chúng nó về tội gì, ông ấy đã nói rõ cả hôm ấy.
- Tội gì! Ông ấy ngờ chúng nó đồng mưu với mày. Đuổi chúng nó đi, vì ông ấy lại muốn không cho những đứa biết chuyện này bàn ra tán vào, rồi lên tỉnh mới lại đi bép xép, mách lẻo với người khác, hại danh giá nhà ông ấy.
Hiểu bụng thâm hiểm của ông Chánh án, Điệp lắc đầu nói:
- Đẻ tin ông ấy quá!
Ông Tú cười:
- Không phải chúng tôi tin lời ông ấy đâu. Bao giờ chúng tôi chẳng tin anh trước. Tôi tin lời nói của anh ở trong bức thư này anh viết cho Thuý Liễu.
- Thế này thì con còn nên sống làm gì, vì con đã phụ bạc ông.
- Đừng hoài thân, vô ích, anh ạ. Bằng lòng ai thì lấy người ta, chứ cần gì!
- Khốn nạn thân con, thưa ông, con bị ông Chánh án ép! Con ức quá!
Ông Tú cười sâu sắc. Bà Cử đang nằm, bỗng kêu nhức đầu, lấy dầu bôi, rồi xin phép ông Tứ về, vì thấy trong người khó chịu!
Điệp theo mẹ, trong bụng rối beng. Chàng chỉ muốn bỏ phắt công việc làm ăn để về nhà quê mà ở cho yên thân. Nhưng 'bây giờ cơ sự đã quá như thế này, dù ở đâu, mình cũng không tránh khỏi được tay ông Chánh án, và chắc gì ông Tú gả Lan cho mình nữa? Mà bỏ việc thì chết đói; con trai đã lớn tuổi, không lẽ bắt mẹ phải nuôi báo cô đến bao giờ.
Bà Cử về nhà, lên giường lấy chăn ra đắp. Điệp thấy cảnh càng cực, cực nhất là mình không làm gì nên tội, mà bỗng hai gia đình tự nhiên gây nên mối ác cảm, sầu thảm như thế này.
Chàng ngồi cạnh mẹ, khẽ kiếm lời an ủi:
- Thưa đẻ, đẻ không nên nghĩ ngợi quá nữa. Rồi hẳn đẻ sẽ thấu nỗi oan cho con, mà ông Tú sau này cũng không giận con nữa.
Bà Cử lại nổi trận lôi đình, ngồi nhỏm dậy, xỉ vả:
- Người ta hoài con cũng không thèm gả cho cái thứ mày. Mày là đồ khốn nạn! Tao chỉ dạy mày những cái ăn ở trung hậu, mày học ở đâu những thói ba que của con nhà mất dạy. Mày bêu tao, mày làm nhục tao với ông Tú.
Rồi không còn sức nữa, bà nằm xuống, thở hồng hộc, đập chân đập tay, nước mắt ràn cả xuống thái dương.
Điệp đành chịu để mẹ mắng, không dám nói cốt để bà yên nghỉ một tí.
Chàng ngồi ủ rũ, khoanh tay trước ngực, gục mặt xuống nghĩ ngợi. Trong óc chàng, biết bao cảnh vùn vụt diễn ra, khiến chàng mỗi lúc lại thở dài. Chàng tưởng như thấy ông Chánh án trợn mắt dọa:
- Đời anh bây giờ là trong tay tôi, anh liệu đó!
Lại thấy ông tươi cười, rót rượu cho chàng mà bảo:
- Ừ, làm tài trai, rượu không biết uống thì hèn lắm.
Rồi chàng nhớ lại sáng hôm ấy, cùng Thuý Liễu nằm ở trong buồng. Chàng nghĩ tới ông Tú nói mát:
- Tôi tin lời nói của anh ở trong bức thư này.
Rồi chàng lại văng vẳng thấy mẹ máng:
- Đồ vô phúc!
Bỗng đến cái cảnh dưới trăng hỏm mười sáu tháng năm trước, dưới vùng trời trong trẻo chàng như lại được nghe Lan thỏ thẻ:
- Vậy mà chưa chi cậu đã ghét, đã khinh, đã phụ tôi.
Từng ấy điều nghĩ làm cho Điệp bứt rứt, bực dọc, nước mắt ở đâu lại chầy ra. Bà Cử nằm đó, thỉnh thoảng lại cựa và kêu rên lên một tiếng kinh hồn. Điệp tưởng tượng đến khi mình cùng Thuý Liễu lấy nhau, mà Lan thì kết hôn với một người khác. Thỉnh thoảng hai cặp vợ chồng, khi về làng Văn Ngoại, có gặp nhau thì chỉ nhìn nhau bẽn lẽn, mà tâm sự rạt rào.
Điệp để tay vào trán mẹ, thấy hơi hâm hấp nóng.
Chàng lo mẹ ốm quá. Nhưng biết làm thế nào?
Một lúc lâu chàng thấy mẹ nằm yên, và đã ngáy. Chàng mừng vì nếu mẹ ngủ được một tí thì đỡ nghĩ ngợi nhiều sinh mệt.
Bỗng có tiếng gót chân ngoài hè, Điệp ngửng đầu lên nhìn: Lan đến.
Vừa mừng, vừa tủi, vừa thẹn, vừa vui, chàng thấy trong bụng nao nao, chẳng hay Lan đến làm chi, chẳng hay mình gặp Lan Tân này là hay hay là dở.
Điệp đứng dậy. Lan vẻ mặt rất buồn, thấy Điệp ra đón, ngượng nghịu đứng dừng lại, luống cuống vội nói:
- Thưa cậu, thầy tôi sai mang thứ thuốc này sang đây để bà dùng.
Điệp ngùi ngùi, thở dài:
- Thưa cô đẻ tôi mới ngủ. Tôi muốn mời cô xuống nhà ngang, cho tôi được tỏ chút tâm tình.
Lan cười, đau đớn:
- Thôi, không cần, cậu ạ.
Điệp choáng đầu lên, mãi mới nói được:
- Thế cô cũng không thương tôi nữa hay sao?
Lan thở dài, không đáp. Điệp đi xuống nhà ngang trước, rồi mời Lan, Lan ngần ngừ, nhìn vào trong nhà chỗ bà Cử nằm, rồi cũng theo xuống.