16 tháng sáu 193...MAI CHI ơi! Tôi lại sắp trở lại với Mai Chi đây. Không biết từng ấy năm xa cách, Mai Chi có khác đi chút nào chăng? Còn tôi, mỗi lần nhìn vào gương, tôi thấy «già» đi nhiều lắm. Hoa phượng đã nở rồi, dưới ánh hè hoa đỏ rực. Trên những thảm cỏ xanh, hoa phượng đã để rơi những cánh lửa mà một người bạn của tôi thường gọi là những giọt máu «đỏ» khóc ngày «xanh». Ngoài phố các cô nữ học sinh bé nhỏ, tươi cười, đi lại nhộn nhịp. Các cậu học trò nghịch ngợm đã vứt tung những quyển sách mà các cậu phải mang đến trường suốt một năm ròng, để đi tìm những tổ chim ở nhà quê, những quả ổi chín, những bông hoa đồng, những con bướm trắng, vàng, những con cào cào áo xanh, áo tím. Tôi cũng muốn vứt cây đàn của tôi vào một xó, tôi cũng muốn nghỉ hè như hồi còn cắp sách đến trường, tôi đã chán những cái «hộp ban đêm» mà đêm nào tôi cũng phải vác đàn đến để hòa với một lũ «thợ đàn» cũng nghèo kiết như tôi, cũng lãnh đạm với tình như tôi, đêm nào cũng cùng tôi đánh đi đánh lại những khúc ái ân gieo giắt để êm du những cuộc tình duyên mỏng manh của kẻ khác. «C’était un musicien qui jouait dans une boîte de nuit jusqu’aux lueurs de l’aube, il berçait les amours d’autrui...» Hẳn Mai Chi đã được nghe bài hát ấy. Tôi đã chán mặt những khách ăn chơi đàng điếm, những cái mặt hốc hác, xanh như ma dưới ánh đèn xanh của một bài valse, đỏ như say rượu dưới ánh đèn đỏ của một điệu tango dâm cuồng, lả lướt. Tôi đã thương hại những cô gái nhảy ốm mòn, mỏi mệt mà vẫn phải gượng vui, gượng tươi trước «con mắt bà chủ», ôm ghì lấy những chú tây đen tối như đêm, để nhảy, để quay cuồng, cho khỏi ngã, yếu đuối như con sên bám chặt một thân cây. Còn gì buồn nản hơn là phải nghe những người đàn bà trụy lạc ấy kể lể những nỗi sướng khổ của đời mình, những điều ước muốn không bao giờ toại của mình, lúc ba, bốn giờ đêm, ở tiệm rượu ra về, hộp đàn bên nách, đi trên những hè phố vắng của Hải Phòng, thỉnh thoảng đụng phải một người lính thủy vừa đổ bộ, say mềm, hát nghêu ngao, đi vớ vẩn. Những buổi chiều, Mai Chi ạ, những buổi chiều có gió, mặt đường nhựa đã bớt nóng, bớt bốc hơi, những ống khói của các xưởng máy trong cái thành phố công nghệ rộn ràng ấy đã bớt phun khói, tôi thường đi đến bến tàu, nhìn những chiếc thuyền sám bản (sampan) nằm im chết trên mặt nước đen, hay đi lại một cách lờ đó chậm chạp. Tôi nhìn những chiếc tàu to lớn sắp nhổ neo, tôi nghĩ đến những khoảng trời rộng rãi mà người ta thở dễ dàng mà khí trời nhẹ nhõm đượm những mùi hương hoa lạ. Tôi nghĩ đến đôi mắt dịu dàng của một kẻ thân yêu, tôi nghĩ đến bàn tay trắng mát của Mai Chi để lên đầu, áp vào má tôi, hồi tôi mới mười bốn, mười lăm tuổi, hồi Mai Chi mới hai mươi nhăm, hai mươi sáu tuổi. Bây giờ thì chắc Mai Chi đã khác xưa lắm rồi đấy nhỉ, vì Mai Chi đã ba mươi sáu tuổi rồi. Nhưng nay mai đây, tôi có trở lại tìm Mai Chi, hẳn tôi vẫn còn được trông thấy vẻ đẹp kín đáo, âm thầm của Mai Chi như trong lần cuối cùng tôi từ biệt Mai Chi. Còn tôi năm nay tôi hai mươi sáu tuổi, hai mươi sáu tuổi với một cây đàn với hai bàn tay trắng. 18 tháng sáu 193... Chiều nào cũng thấy những chiếc ô tô hòm bóng lộn nối đuôi nhau chạy về phía Đồ Sơn. Nắng hè gay gắt lắm rồi. Hơi nóng nung nấu người ghê gớm lắm rồi. Người ta nhớ đến bể xanh, sóng biếc, cát ướt, bóng râm, những cánh buồm trắng ở chân trời... Còn tôi, tôi nhớ đến Mai Chi, Mai Chi với ngôi nhà cũ kỹ của Mai Chi giữa một cánh vườn âm u, lặng lẽ. Tôi nhớ đến cái phòng sách của Mai Chi độ bốn giờ chiều đã tối, vì cửa sổ trông ra vườn bị lá cây leo che gần kín. Tôi lại sắp được ngồi trên cái đi văng (divan) có những gối thêu bằng vải Thổ, cầm cuốn sách trên tay mà chẳng đọc, để tai nghe những tiếng dương cầm ở phòng bên cạnh, ở phòng Mai Chi, rời rạc rơi vào lòng tôi, thấm thía. Tôi sắp lại được cầm tay Mai Chi đi trên những con đường giải sỏi trong vườn mát mẻ, hay ngồi dưới một gốc cây to, ngoan ngoãn như một cậu bé con ngồi cạnh chị, ngước mắt nhìn Mai Chi, kính cẩn như nhìn một pho tượng, «uống» hết những lời nói trên đôi môi ướt của Mai Chi. Nhưng, tại sao mãi bây giờ tôi mới nhớ đến Mai Chi? Tại sao mãi ngày nay, tôi mới có ý tưởng tìm đến Mai Chi? Có lẽ vì Mai Chi bây giờ đã thành một người góa bụa. Có lẽ vì Mai Chi đã mất Hoàng Anh... 30 tháng sáu 193... Kẻ bộ hành mỏi mệt đã tìm đến được một khu rừng có bóng râm, có nước ngọt. Tôi đã gặp Mai Chi. Sắc đẹp của Mai Chi là thứ sắc đẹp không tàn, không phai, không đổi. Lúc tôi đặt va li (valise) trước thềm nhà, lúc Mai Chi cảm động, nghẹn ngào, mừng rỡ chạy ra đón, tôi nhìn Mai Chi như nhìn một người bạn vừa mới chia tay chiều hôm nọ. Người Mai Chi hình như có mỏng đi, mặt Mai Chi tuy có quầng thâm, nhưng Mai Chi hôm nay vẫn là Mai Chi ngày trước. Tôi ví có đi xa lộ mười năm nữa trở về, có lẽ, Mai Chi ạ, Mai Chi vẫn đẹp, vẫn đẹp như buổi chiều hôm ấy. ...Chiều hôm ấy, tôi mười sáu tuổi, lúc tôi ôm đàn đến biệt thự riêng của Mai Chi trên bờ bể Sầm Sơn thì không thấy Hoàng Anh, ông thầy dạy đàn của chúng ta. Có lẽ Hoàng Anh mãi thơ thẩn ngoài bãi cát hóng gió chiều mà quên rằng Mai Chi cùng tôi đang đợi. Mai Chi bảo tôi lên dây, dạo cho Mai Chi nghe một bản nào mà tôi sở trường nhất. Mai Chi không muốn tập violon, Mai Chi chỉ ưa đàn piano, nhưng Mai Chi lại thích nghe người ta kéo những bản êm du não nùng. Tôi được lệnh của Mai Chi, lấy hết gân tay non nớt, đem hết nghệ thuật mà Hoàng Anh đã truyền lại cho tôi, để hết tâm hồn nghệ sĩ vào cây đàn, tôi kéo bản «Célèbre Sérénata» của Toselli, mới được nữa chừng thì Mai Chi đã chứa chan nước mắt. Tôi đặt đàn vào hộp, chạy lại bên bao lơn, chỗ Mai Chi đứng tựa, tôi cầm lấy tay Mai Chi, lo sợ: - Làm sao chị khóc? - Chị khổ lắm em ơi! Chị không thể lấy được Hoàng Anh... Mai Chi có biết lúc đó lòng tôi đau xót đến thế nào? Thế mà tôi vẫn hỏi: - Tại sao? - Chỉ tại Hoàng quân nghèo hơn chị... 17 tháng bảy 193... Nếu sáng ngày mai, theo lệ thường, Mai Chi có cho người đánh thức tôi dậy để đi chơi sáng, mà thấy phòng vắng, không người, Mai Chi cũng đừng lạ, và đừng cho tìm tôi nữa. Tôi đã đi rồi. Mai Chi ơi! Tôi chỉ là một kẻ «bồ hê miêng» (bohémien), cuộc đời vô định, mang cây đàn đi bốn phương trời ca hát, kiếm ăn, không ngày, không tháng. Tôi chỉ là một anh «thợ đàn» nghèo kiết sống trong những cái «hộp ban đêm», đem tiếng đàn mà êm du những cuộc tình ái chóng đối thay của kẻ khác. Tôi là một kẻ vô tài. Tôi không quyến dũ nổi Mai Chi. Mai Chi vẫn là Mai Chi của Hoàng Anh. Đôi mắt của Mai Chi dẫu có dịu dàng đến mấy, bàn tay của Mai Chi dẫu có mát mẻ đến thế nào, nước chè của Mai Chi pha tuy thơm, quí lắm, ngôi nhà của Mai Chi im lặng, cần thiết cho sự nghỉ ngợi của một kẻ ê chề vì lăn lóc như tôi lắm, nhưng tôi phải bỏ hết mà ra đi, tôi lại đi theo cuộc đời của tôi vậy, vì Mai Chi ơi! Tôi ghen với Hoàng Anh. Hoàng Anh thật là một người sung sướng nhất đời. Lúc sống đã được làm chồng một người đàn bà hiếm có như Mai Chi, lúc chết vẫn còn được Mai Chi yêu nhớ mãi. Vậy mà Hoàng Anh cũng nghèo xơ xác như tôi. Hoàng Anh tốt số hơn tôi có lẽ vì Hoàng Anh ra đời trước. Trong buổi Mai Chi bắt đầu thổn thức vì tiếng đàn của Hoàng Anh, Mai Chi không ngờ rằng một đứa trẻ con như tôi đã bắt đầu thổn thức vì Mai Chi. Nhưng nói cho đúng thì có lẽ nghệ thuật của Hoàng Anh hơn tôi một bực. Ông thầy dạy hơn học trò là lẽ cố nhiên. Tiếng đàn của Hoàng Anh là tiếng đàn thần: Hoàng Anh sung sướng vì tiếng đàn ấy mà chết non cũng vì tiếng đàn ấy. Như thế chẳng đủ lắm rồi sao? Được Mai Chi yêu rồi chết! Tôi sẵn lòng đánh đổi cuộc đời của tôi cho Hoàng Anh. Tối hôm nay, trong gian phòng khách ngạt ngào mùi hoa huệ, tôi đã đem những tác phẩm, những công trình bất hủ của những nhạc công bất hủ trong đời để hiến Mai Chi. Tôi đã đem hết tâm linh phổ vào cây đàn đã nuôi sống tôi, từ ngày tôi cùng Mai Chi xa cách. Tôi mê man, người tôi nhẹ như bay lơ lửng trên mấy từng mây, tôi biết Mai Chi đã để hết tinh thần vào tiếng đàn tôi, tôi biết sóng lòng Mai Chi đang dào giạt. Tôi gọi Beethoven, Mozart, Chopin, Schubert giúp sức. Tôi kéo mãi, kèo mãi cho đến khi thấy Mai Chi gục đầu nức nở trên mặt «đi văn». Tôi sung sướng, bỏ rơi cây đàn xuống gạch, chạy đến nhấc đầu Mai Chi lên, hai má Mai Chi đã ướt đẫm những lệ. Mai Chi để tay lên đầu tôi, vuốt tóc tôi: - Tấn tới lắm! Khá lắm rồi! Nhưng tiếng đàn của em làm cho chị nhớ đến Hoàng Anh! Thôi thế là hết! Mai Chi ạ, thực hết! Tôi chán nản, ôm cây đàn vào lòng, cây đàn tôi bỏ rơi trên gạch đá nứt dạn một đường, cả tim tôi cũng nứt dạn một đường. Người ta bảo violon là thứ đàn có linh hồn. Vậy thì linh hồn của đàn tôi hẳn là tủi lắm. Hỡi các nhạc công bất tử của loài người! Hỡi những ông thầy học của tôi ơi! Từ nay tôi không dám dùng đến những tác phẩm thiêng liêng của các người nữa. Tôi là một kẻ vô tài, tôi không quyến dũ nổi Mai Chi. Tôi lại trở lại với những thứ âm nhạc thông thường, dễ nhớ, hợp thời, dâm đãng, trống rỗng, không hồn. Tôi lại trở lại với bọn «thợ đàn» nghèo kiết, kéo dài cái đời phóng đảng, giang hồ. Đêm nay, trong lúc Mai Chi mơ màng nghĩ tới Hoàng quân, thì tôi trèo qua cửa sổ ra đường, đi giữa trời giông tố, ôm chặt cây đàn bên nách, cây đàn đã nứt dạn một đường.