10 - Năm qua

     ết năm ấy, Chi lên bảy mà Thụy mới lên năm. Sáng mồng một, Chi bí mật kéo Thụy vào một xó nhà, khoe nhỏ:
- Năm nay... Chi lên bảy! 
Lên bảy, đối với Chi hình như là một sự lạ lùng, quan trọng lắm thì phải. Vì mỗi sáng ra, mẹ Chi là một người quả phụ, đã sửa soạn cơm canh rồi thắp hương, khấn vái trước bàn thờ, đoạn nhìn vào tấm ảnh của chồng rưng rưng nước mắt ôm con gái quý vào lòng mà nức nở:
- Chi của mợ năm nay lên bảy... giá còn cậu thì cậu hẳn vui lòng.
Lên bảy thì có gì là vui lòng? Chi nghĩ thế. Nhưng nếu lên bảy mà làm vui lòng cậu Chi, một người «đi không về nữa» để cho mợ Chi ngày tháng âu sầu, lên bảy mà làm rơi được nước mắt của người mẹ bao năm lẻ loi, buồn thảm, thì lên bảy phải là một sự không thường.
Cho nên, vừa mới bảnh mắt ra, nghe tiếng pháo bên nhà Thụy nổ, tuy mợ Chi, đã dặn đi dặn lại mấy lần rạng sáng mồng một chưa được đi đâu vội Chi cũng lừa lúc mẹ lúi húi dưới bếp chạy tọt sang khoe với Thụy. Vì Chi chẳng còn biết khoe với ai nữa. Chi chỉ có mợ Chi ở trên đời. Ngày xưa, Chi con có cả cậu Chi nữa, nhưng bây giờ, chỉ còn có bức ảnh cậu trên bàn thờ. 
Thụy ở giáp vách nhà Chi. Thụy cũng chỉ có một người mẹ như Chi thôi. Mà mợ Thụy cũng yêu Chi lắm, yêu cả mợ Chi nữa. Hình như hai người vì cùng giống cảnh nhau, cùng thiếu «cậu» mà hóa thương mến nhau. Chi thường bắt gặp hai người nhiều lúc cũng ngồi với nhau trò chuyện, thường nhìn lên bức ảnh ở bàn thờ mà thở dài.
Tết năm ấy, Chi mặc một cái áo nhung hồng. Cái áo ấy, hình như mợ Chi đã phải chật vật lắm mới may nổi cho Chi. Chi không thấy mợ Chi có áo mới để mặc Tết, thì Chi lấy làm lạ lắm. Chi tưởng cứ Tết đến là ai cũng phải may áo mới. Nhưng hỏi mợ thì thấy mợ gượng cười mà trả lời:
- Mợ không cần mặc áo mới. Chi của mợ ngoan ngoãn. Chi của mợ có áo đẹp là sung sướng. Mợ già rồi, còn mặc áo đẹp làm gì? Mợ còn đẹp với ai...
Tuy Chi lên bảy nhưng Chi tinh ý lắm. Chi đã thoáng hiểu mợ Chi không có nhiều tiền như mợ Thụy. Mợ Chi đã thiếu tiền lại mất cậu, cho nên mợ chẳng vui. 
Tết năm ấy, lúc mợ Chi dắt Chi qua nhà Thụy để mừng tuổi mợ Thụy, thì mợ Thụy vui vẻ, tươi cười ra đón, lấy đồng ván mừng tuổi Chi, béo má Chi mà nói:
- Con dâu của tôi đây! Con dâu tôi sang quá, đẹp quá!
Chi được tiền chỉ biết cười, đã biết gì mà thẹn. Chi lại kéo Thụy ra cửa, rốc hết xu hào ra tay để khoe. Rồi ngây thơ, hỏi Thụy:
- Thụy được tất cả mấy hào mừng tuổi rồi?
Trong khi ấy thì mợ Chi và mợ Thụy im lặng nhìn hai đứa con thơ, hai cái hi vọng để mà vui, mà sống ở đời, hai hòn ngọc quý. Hai người im lặng nhìn nhau thỏa mãn, tuy không nói ra lời, nhưng trong đáy lòng đã dự định cả một cái tương lai tươi tốt.

 

Tết năm ấy, Chi mười ba và Thụy mười một. Chi, ngày bé đã tinh ý, bây giờ lại tinh ý hơn. Động Thụy nhìn mình lâu là Chi bừng đỏ mặt. Chi đã hiểu được những ý nghĩa bóng gió, xa xôi mà cái tuổi của Thụy mới lờ mờ, chưa hiểu rõ rệt. Chi mới mười ba mà trong dạ «có vẻ» lắm rồi.
Sáng mồng một, chẳng còn ai mừng tuổi cho Chi lấy một xu. Sáng mồng một sang nhà Thụy, một bà khách thân hỏi Chi:
- Cô em năm nay bao nhiêu tuổi?
Chi chưa kịp trả lời, thì Thụy đã nói trước:
- Thưa bà, cô ấy mười ba.
Rồi Thụy cười sằng sặc, làm cho Chi mặt đỏ như cánh hoa đào. Chi lại càng thẹn thêm lúc nghe bà khách bảo:
- Tốt đôi lắm! Gái hơn hai, trai hơn một.
Lúc Chi và Thụy cùng ngồi chơi tam cúc với mấy người nhà, Thụy chỉ rình để đôi tốt đỏ lại sau, vì Chi chỉ chực ăn kết tốt đen. Một lần Chi bị đè thực. Bốn người nhà nhao nhao lên: 
- A ha! Cô Chi bị đè.
Chi đã hơi tức. Nhưng lần sau Chi vẫn không chừa, Chi lại bị đè. Rồi lần sau cuối ván bài, Chi lại đét mạnh hai cây tốt đen xuống chiếu, má nóng bừng bừng:
- Lần này, ai đè thì cứ việc đè!
Thụy đã vứt hết bài trong tay, chỉ còn giữ lại hai cây tốt đỏ, lúc này giáng mạnh lên hai cây tốt đen trước mặt Chi:
- Có mỗ đây!
Rồi Thụy bò ra cười. Còn Chi thì thẹn, tức chảy nước mắt, vùng vằng ra phòng khách ngồi, vờ vuốt ve mấy cành thủy tiên.
Hối hận, Thụy mon men đến cạnh Chi, giọng buồn rầu:
- Chi giận Thụy đấy à?
Chi đẩy Thụy ra, nhoẻn miệng cười:
- Ai người ta thèm giận cái mặt ấy!
Rồi chạy tót ra cửa, về nhà không sang nữa.

 

Tết năm ấy, Thụy ở trường được nghỉ học về nhà thì nghe nói Chi và mẹ đã ra ở ngoại ô, vì nhà Chi càng ngày càng túng. Bà cụ Chi lại đâm ra đau ốm luôn luôn. Chiều ba mươi, Thụy bùi ngùi nhìn mưa bụi nhẹ nhàng bay trên những mái nhà của thành phố. Lần đầu tiên, cậu học trò vô tư lự cảm thấy những nỗi thống khổ ở đời. Năm ấy Thụy mười tám mà Chi hai mươi mốt. Một bàn tay đặt nhẹ nhàng trên vai Thụy, Thụy chùi một vài hạt lệ đọng trên mí mắt, quay lại nhìn thấy mẹ, với đôi nét mặt tươi cười. Bà cụ chỉ giỏ hoa thủy tiên đầy đặn nở trong một cái bát thủy tinh đầy nước, đặt cạnh một tấm ảnh của con:
- Con có biết hoa của ai cho không?
Thụy đang lưỡng lự thì bà cụ đã nói ngay:
- Hoa của con Chi cho đấy. Nó bảo chính tay nó tỉa, nó mang lại đây chiều hai mươi chín. Mẹ bảo nó ba mươi con mới được về nhà mà sao tận bây giờ nó chưa đến. Tội nghiệp! Bà hai ốm đau quanh năm mà chỉ có mỗi một mình nó, mẹ vẫn phải giúp đỡ luôn đấy. Con đi học vắng thì sao nó hay lại thăm mẹ, mà hễ ngày nghỉ nghe tin con sắp về là nó tránh. 
Buồn rầu, Thụy sẽ nhắc lại:
- Tội nghiệp Chi...
Trong khi ấy thì Chi đang phải tiếp những khách nợ đến đầy nhà quấy rầy, nói nặng. Trong khi ấy thì bà cụ Chi đang lên cơn sốt, ở xó buồng một ấm thuốc đang sôi reo âm thầm.
Tết năm ấy, Chi nhớ tới cái áo nhung hồng ngày xưa mà thấy nghẹn ngào trong cổ họng. Chi không muốn khóc nữa, vì Chi đã khóc nhiều. Lạnh lùng Chi nhìn con đường vắng vẻ trước cửa nhà bùn lầy nước đọng. Lần đầu, Chi rõ thấm thía sự chia rẽ độc ác của cái nghèo. Hình ảnh người bạn ngây thơ, càng ngày Chi càng thấy xa xôi, cách biệt. Chi đã nhìn rõ thấy con đường sau này của mình bước, cũng bùn lầy nước đọng, - nhơ bẩn nữa biết đâu? - như con đường ở ngoại ô, trước cửa nhà mình biết bao giờ Thụy đặt chân đi đến?
Nhìn những nét dăn trên mặt mẹ, nhìn những nét đau khổ in trên mặt mẹ làm cho già sớm, làm cho tiều tùy con người. Chi thấy rõ sự tàn phá của thời gian, của tháng, năm qua. Chi sẽ mất người mẹ tuy ốm yếu quanh năm nhưng còn là một người thân yêu nhất trên đời, Chi sẽ bơ vơ, bỡ ngỡ, lạc loài. Còn biết bao nhiêu năm tháng đầy nỗi lầm than, cay đắng, hãi hùng chờ đợi?
Nhưng, Tết năm ấy, Thụy đã tới thăm Chi trong gian nhà vắng vẻ ở ngoại ô. Thụy đã đem đến những lời an ủi đủ làm ấm áp lòng Chi trong những ngày nặng nề sẽ tới.
Chi sung sướng, để nguyên bàn tay giá lạnh của mình ủ ấp trong hai bàn tay êm ấm của Thụy. Nhưng, trong thâm tâm của Chi, Chi vẫn cảm thấy sự cách biệt của hai cuộc đời. Chi biết rằng hạnh phúc ở đời không đến phần mình. Mình không mong đợi gì ở mai sau nữa.
Tựa cửa nhìn theo chiếc xe buông mui kéo Thụy đi về giữa chốn phồn hoa, náo nhiệt, dưới một bầu trời xám ngắt, buồn tênh, Chi biết cái mộng của mình, đã tan như mây khói theo ai rồi. Từ nay, Chi sẽ sống theo đời thực, Chi còn mẹ ốm phải nuôi, còn đời mình phải liệu.
Tết năm ấy, trừ Thụy tới với mẹ con Chi, không còn ai lui tới hỏi han, thăm viếng nữa.
Cạnh ánh lửa hồng của chiếc hỏa lò con sắc thuốc, Chi lần giở những chiếc thư đầy lời ân ái thuở xưa ra xem lại một lần. Rồi mạnh bạo, bỏ chiếc một vào hiến cho Thần lửa. Giấy cháy thành than đọng lại đầy hỏa lò. Chi phải lấy cái que đập cho tan ra từng mảnh bụi. Bà cụ nằm trong màn sực tỉnh giấc hỏi Chi:
- Còn làm gì đấy?
Chi thấy đau đớn như xé lòng, cố nén cho khỏi bật nên tiếng khóc. Chi phải nói dối mẹ:
- Con cời than tàn để thay than mới cho ấm thuốc chóng sôi.
Chi không muốn cho mẹ biết: Chi vừa đập tan quả tim của mình làm trăm ngàn mảnh. Những mảnh tim ấy là mớ tro tàn của những bức thư tình.

 

Tết năm ấy, Thụy ngồi hút thuốc lá một mình trên một gian phòng gác trọ. Thụy rót rượu uống đến say mềm mà không biết lim dim con mắt nhìn chiếc ảnh của mẹ để trên bàn thờ, trước mấy nén hương nghi ngút cháy.
Năm qua...
Thụy đã mất hết người thân yêu trên đời, Thụy đã mất Chi rồi. Thụy lại mất mẹ. Càng đi sâu vào cuộc đời, Thụy càng thấy nhiều điều đau khổ. Chưa bao giờ Thụy thấy trong lòng ấm áp, yên vui, đến nỗi có thể nói một câu:
- Đời tươi đẹp lắm!
Mở cửa sổ cho gió lạnh thổi vào phòng, thổi vào mặt nóng bừng bừng, Thụy tì bên cửa bâng khuâng nhìn mưa bụi nhẹ nhàng bay trên những mái nhà ẩm ướt, cũ kỹ của thành phố, trong lòng chán nản, trống rỗng, lạnh lùng.
Trong khi ấy thì Chi ngồi đan một chiếc áo len nhỏ xíu cho con mặc, đứa con không bố, nằm ngủ trọn trong một tấm chăn. Chi đã thức tối qua đến ba, bốn giờ sáng, mà hôm nay Chi còn cố ngồi đan áo cho con. Vì Chi vẫn chưa quên cái áo nhung hồng nhỏ xíu thuở xưa. Một đôi khi cũng nhớ đến Thụy, nhưng nhớ đến Thụy, Chi lại tự an ủi mình bằng câu triết lý vẩn vơ:
- Kiếp người như thế. Tiếc làm sao được?
Cũng như Thụy, càng đi sâu vào cuộc đời, Chi càng nhận thấy nhiều điều đau khổ. Chi đã trải qua cảnh làm lẽ mọn trong gia đình một kẻ phú thương. Chi đã chịu quá nhiều nỗi ê chề, dằn vặt, ghen tuông của người vợ cả, Chi cắn răng mà chịu nhận cái cuộc đời nhiều sự lầm than ấy là vì mẹ già ốm yếu. Nhưng, đến lúc người mẹ ốm yếu cũng không còn nữa, thì Chi ôm con đi thoát thân, để kiếm một nghề nuôi con, để làm lại cuộc đời.
Người ta cũng chẳng buồn giữ đứa con kia lại. Từ nay Chi đã lại có một kẻ thân yêu ở trên đời. Chi lại phải chăm nuôi, phải nâng giấc, săn sóc cho đứa con thơ như người mẹ già đau yếu ngày xưa.
Rồi..., rồi như Trời Phật cũng không nở đọa đày Chi mãi nữa. Tết năm ấy, Chi bỗng gặp Thụy, nhưng gặp Thụy lúc nhan sắc đã phôi pha, tâm hồn đã mỏi mệt. Trời già thường éo le, độc địa như vậy.
Tối mồng hai, Thụy đi một mình lang thang trên hè vắng không chủ định gì. Một điệu kèn trong một nhà khiêu vũ vẳng đưa đến tai Thụy. Thụy đẩy cửa bước chân vào chốn ăn chơi, rộn rịp, tưng bừng ấy để mong lấy cái vui của người khác, để uống một cốc rượu mạnh cho nóng người. Khí lạnh ngoài đường đã làm co quắp cả chân tay Thụy. Người mà Thụy nhìn thấy trước nhất là Chi. Thụy nhìn Chi. Chi nhìn Thụy. 
Hai quả tim cùng đập mạnh.
Trên hè vắng, lúc canh khuya, có hai cái bóng người đi nép vào nhau, quên cả mưa gió phùn, gió lạnh. Chi không cần kể lể một lời, Thụy cũng đã hiểu rằng trong những ngày qua, Chi không sung sướng. Nghẹn ngào, hai người từ lúc gặp nhau vẫn chưa trao đổi một câu nào.
Bổng Thụy ngập ngừng hỏi:
- Sao Chi lại làm tan nát đời Chi... Sao Chi lại quên Thụy... Làm lỡ cả hai cuộc đời?
Chi buồn rầu đáp lại:
- Kiếp người như vậy... đừng nên nhắc lại việc đã qua.
...Tại sao? Tại sao Chi phải đi theo con đường của Chi? Chi nghèo... Chi không muốn làm bận đời Thụy...
Trong gian nhà ẩm thấp của Chi thuê để ở với con, một ngọn đèn dầu lù mù cháy. Trên bàn thờ, trước tấm ảnh của bà Hai, mấy nén hương nghi ngút khói. Hai cái đầu kề nhau than thở...
Bỗng một tiếng trẻ con khóc thét làm cho hai người giật mình như vừa tỉnh một cơn ác mộng. Thụy đưa mắt hỏi Chi. Chi chạy lại vỗ về con, ru một giọng buồn buồn cho con ngủ lại, rồi thở dài:
- Con của Chi... một đứa con không bố... Đời Chi chỉ còn có bấy nhiêu... Trong lúc Chi đi làm đêm ở tiệm khiêu vũ thì con Chi nằm ngủ với một con ở nhỏ. Lọt lòng ra đã khổ rồi.
Bàng hoàng, đầu nặng, Thụy đứng dậy, nhìn đồng hồ:
- Thôi khuya rồi! Anh về để em đi nghỉ...
Thụy bước ra cửa, buồn rầu, chán nản. Từ nay lại có một đứa con vô tội, vô tình chia rẽ hai cuộc đời.
Thụy lại đi vớ vẩn một mình trên hè phố vắng..., nhưng nửa giờ sau, quay lại nhà Chi đấm cửa.
Chi vừa mở cửa đã thấy hai bàn tay của Thụy nắm chặt lấy tay mình:
- Đời Chi cần phải có một người đàn ông che chở. Đời Thụy cần phải có một thứ tình thiêng liêng, bền chặt để ủ ấp cho quả tim trống trải. Đời đứa bé con thơ dại kia phải cần có bố, có mẹ chăm nuôi. Chúng ta đã trải qua cảnh vợ không chồng, con không bố, Thụy không có quyền bỏ Chi bơ vơ trên đường đời, không bạn bè, thân thích...
Chi đứng không vững, phải tựa đầu vào ngực Thụy. Chi tưởng mình đang ở trong mê. Chi tưởng có thể chết ngay lúc đó vì cảm động, chết không mong ước gì nữa, không ân hận gì nữa.
Chi vẫn để nguyên bàn tay giá lạnh của mình nằm trong bàn tay ấm áp của Thụy. Lần này trong thâm tâm Chi, Chi mới cảm thấy sự lâu bền, vĩnh viễn của cái nắm tay chặt chẽ kia. Lần này, Chi mới lại khóc. Một giọt lệ sung sướng rơi trên tay của Thụy. 
Tết năm ấy, Chi đã hai mươi tám mà Thụy thì hai mươi sáu...