Chương Thứ Tám
NGƯỜI TRÍ THỨC
VÀ NỘI CHIẾN

Chỉ biết bắt người khác làm mà không
biết khẩn cầu người ta làm là một thái
độ nguy hiểm.
 
MAURICE DRUON
 
Những người mà chúng ta gọi là giai
cấp lãnh đạo gồm đa số là những kẻ đã
không còn tiếp xúc với giai cấp bị lãnh
đạo nữa.
 
MAURICE DRUON
 
Giai đoạn mới
Tháng 10 năm 1930, Quảng Châu và Vũ Hán theo nhau thất thủ. Kháng chiến trên mặt quân sự tiến vào một giai đoạn mới, cục diện thay đổi. Lúc chiến tranh mới khởi sự, Tưởng Giới Thạch từng tuyên thị đây là cuộc trường kỳ kháng chiến. Lòng ai nấy còn đang hăng hái phục cừu tuyết sỉ nên hai chữ trường kỳ chẳng thấm thiết gì, vả lại cũng chưa hiểu trường kỳ gian khổ ra sao. Đột nhiên Vũ Hán lọt vào tay giặc, chiến tuyến kéo dài, những trận đánh lớn quyết định không thấy xuất hiện. Tính kích thích của những trận đánh lớn không còn nữa. Chiến tranh trở thành ray rứt tiêu hao. Người ta thấy hiện tượng mệt mỏi chán nản từ trung ương lan xuống địa phương. Thủ phủ Trùng Khánh lãnh đạo chiến tranh bằng một giọng điệu tắc trách. Trong khi đó Cộng sản bành trướng mạnh. Trước vụ Tây An, quân sự của Trung Cộng như chiếc đèn hết dầu. Tây An đã đổ cho CS đầy lại bầu dầu, đến kháng chiến thì Trung Cộng có thêm hẳn một “phuy” dầu cách mạng vô sản tha hồ mà thắp.
Ban đầu, Quốc dân đảng rất mãn ý với thắng lợi hình thức đã bắt được CS phải cúi đầu tin tưởng Tam dân chủ nghĩa, còn CS thì âm thầm nỗ lực nắm cơ hội 15 tháng kháng chiến cộng với những thắng lợi trên trận doanh văn hóa mà phát triển đảng. Bấy giờ Quốc dân đảng mới tỉnh ngộ, vội vã củng cố lại quyền thống trị.
Trong đầu óc Tưởng Giới Thạch, ông có ý muốn hòa hợp Quốc dân đảng với CS đảng thành một đảng, cho nên ông thiết lập tổ chức Tam dân chủ nghĩa thanh niên đoàn. Ông hết sức kỳ vọng vào đoàn thể mới mẻ này. Ông đã tìm nhiều mưu kế để vét Chu Ân Lai và Tả Vũ Sinh, thanh niên đảng vào lưới của ông nhưng bất thành. Mưu của họ Tưởng chẳng những thất bại mà còn tác họa sau này, chính vì Tam dân chủ nghĩa Thanh niên Đoàn nên Quốc dân đảng vốn đã lắm phái hệ nay lại thêm hệ phái. Tam dân chủ nghĩa Thanh niên đoàn thành lập sau khi nhiệt thành kháng chiến lắng đọng, Tưởng Giới Thạch muốn dùng nó để đốt lên ngọn đuốc sáng năm cũ. Riêng ở điểm này thì Tưởng Giới Thạch được hài lòng phần nào.
Bây giờ nói đến ảnh hưởng quốc tế.
Chiến tranh Trung Nhật vừa chuyển sang giai đoạn cầm giữ dằng dai thì bên Âu châu Đức quốc xã gây chiến, Pháp bại trận đầu hàng. Cục thế biến chuyển bên ngoài làm cho dân khí phấn khởi chút đỉnh. Nhật với Đức là một phe, thế là từ nay Trung Quốc không phải cô độc chiến đấu nữa.
Mặt khác, chiến tranh Âu châu làm cho vật tư ở Trung Quốc càng ngày càng khan hiếm. Hải cảng lớn đã bị Nhật chiếm hết, giao thông nội địa cực kỳ khó khăn, vật giá vọt lên cao.
Năm 1940 là năm sinh hoạt kinh tế chiến thời nguy ngập, tiền tệ lạm phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân hậu phương.
Cái khổ thường dắt kèm cái nản. Cái nản ban đầu chỉ hiện ra qua giọng điệu ỉu xìu trên thượng tầng, nay nó lan ra khắp nước.
Tiền tệ lạm phát gây ra tình trạng hết sức kỳ quái, người theo kháng chiến thì cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Bọn bạo lợi tham nhũng gian thương chợ đen chợ đỏ thì hưởng đủ xa hoa. Một bên đắng cay tân khổ, một bên hoang dâm vô sỉ. Nhân tâm oán thán thật là lẽ đương nhiên.
Chính sách kinh tế chiến thời của chính phủ thất bại, chiến tranh tất đem tới lạm phát. Khi quốc gia ấn định chính sách trường kỳ chiến tranh thì ít ra cũng định trước được biện pháp thích ứng tối thiểu, không thể đợi nước vỡ ở đâu đắp đất ở đấy.
Hàng hóa thực ra đã khan hiếm từ lâu rồi, nhưng buổi ban đầu nhiệt huyết còn mạnh mẽ chạy trong tim, nên ai nấy đều tự nguyện tiết kiệm để phục vụ cho kháng chiến thần thánh. Càng về sau thiếu thốn càng xóa mờ nhiệt tình. Chính phủ cấp thời khống chế vật giá, do những cơ sở khuyết điểm của kẻ thừa hành làm cho gian thương thả cửa hoành hành. Chợ đen, gian thương lại sinh sản ra cao lâu tửu quán, đĩ bợm. Kẻ anh hùng mã thượng mà mọi người ước ao không còn là chàng chiến sĩ khoác áo chinh y nữa mà là kẻ nhiều tiền bạc bạo lợi.
Công chức binh sĩ đồng lương cũng chẳng đủ nuôi miệng, một bao thuốc lá giá tiền bằng nửa tháng lương của một tiểu công chức, binh sĩ phải tự bện dép rơm mà đi.
Giai cấp bạo lợi tạo cho kháng chiến bộ mặt kỳ dị. Khi giai cấp bạo lợi thành hình rồi, mỗi cá nhân trong xã hội đều lấy tiền tài làm tiêu chuẩn nhân cách. Ai tung tiền nhiều, ai thừa thãi, kẻ đó là thượng lưu nhân vật. Ngoài ra đều đáng chê bỏ.
Giữa xã hội bạo lợi, phần tử trí thức chính là một thứ đồ bỏ vào cấp thượng thặng.
Trí thức hầu như không ai khả dĩ làm nổi một Rhett Butler (Trong chuyện Cuốn theo chiều gió) xông pha buôn lậu, đầu cơ, quan(?) cần thiết cho kháng chiến. Họ là những cán bộ trung cấp, đồng lương cực nhỏ nhoi, trong nhà ai nấy sắc mặt toàn một màu rau cỏ.
Ăn còn chẳng đủ lấy đâu ra mà học. Mãi lo ăn, lo sống nên dục cầu học hỏi cũng kém hẳn đi.
Văn học sáng lạn cách đấy một năm bây giờ khô héo, ngàn phần chưa sót được hai ba. Số sách xuất bản thụt xuống thảm hại.
Ngòi bút nhà văn trở nên chua chát. Hồi Vũ Hán chưa mất, văn học hướng toàn vào bộ hoạt động kháng chiến. Đến giai đoạn cầm giữ bây giờ nhìn thấy xã hội sa đọa với tiền bạc, các nhà văn giận dữ công kích, số nhà văn khác âm thầm lén trốn khỏi hiện thực đau lòng bằng giọng tiêu cực đắng cay. Đâu đâu văn học màu vàng cũng hiện ra.
Không khí đọc sách xẹp xuống. Kể cả bên phía tả. Sơ kỳ kháng chiến, sách thiên tả xuất bản nhiều lắm. Giờ phút này, thanh niên bị sinh hoạt thực tế áp bách quá cũng chẳng có mảy may hứng thú với bất cứ chủ nghĩa nào.
Chắn ngang trước mặt trí thức là vấn đề làm sao có cơm gạo sống qua ngày hôm nay, làm sao ngày mai không đói rét. Cái khổ cực quá quắt sở dĩ không làm cho người Trung Quốc từ bỏ đấu tranh chỉ là mối thù với Nhật quá sâu, thà chết để phục hận.
Chính phủ bất lực luôn cả việc nâng đỡ binh sĩ và các chức viên. Tất cả căm thù giai cấp bạo lợi. Vào thế giới quan chức lại càng thấy thối nát hơn, nạn tham nhũng hoành hành vô giới hạn. Các bạo quan, để thích ứng với sinh hoạt cũ, cố gắng xoay sở. Các tiểu quan dùng đủ mọi phương kế để thoát vòng đói khổ. Hiện tượng thượng hạ giao chinh lợi là chuyện đương nhiên vậy. Đói rét đe dọa thì liêm sỉ làm gì?
Cơn lốc bạo lợi lôi cuốn cả phần tử trí thức quay cuồng, thổi bay luôn cả lòng tự tôn cố hữu của trí thức và thay thế vào đấy những mầm mống tự ti. Họ cảm thấy thân phận mình kém vế quá. Họ bây giờ mới nhận ra rằng “bách vô nhất dụng thị thư sinh” thật đúng.
Giai đoạn chiến tranh giằng co, tiếng kêu cấp cứu duy nhất là tiếng kêu “cải thiện đãi ngộ”. Bất cứ từ phía nào có tiếng kêu đó là tất cả mọi người quay hướng ngóng trông.
Giữa lúc ấy nội chiến Quốc Cộng bùng nổ trở lại.
Tại khu du kích Hoa Bắc, lực lượng quân sự CS phát triển mau lẹ. Những cuộc chạm súng lẻ tẻ với Quốc quân mỗi ngày mỗi nhiều. Ở lưỡng ngạn Trường Giang, Tân tứ quân Cộng Sản lên đến 10 vạn người. Với sự tăng vọt ấy, Quốc dân đảng lo ngại cái họa Cộng Sản uy hiếp cho nên qua một thời gian liên tục đụng độ nhỏ, nay chuyển thành đánh lớn, trước nay là đánh lén nhau rồi chối lới, nay đánh thẳng mặt rồi kết tội. Tháng 10 năm 1940, quân chính phủ tập trung lực lượng vây đánh chủ lực Tân tứ quân Cộng sản, bắt được quân trưởng Hạng Anh. Tháng 1 năm 1941, chính phủ hạ lệnh triệt tiêu quân hiệu Tân tứ quân.
 Vấn đề Quốc Cộng đã phân tán sự nhất trí kháng Nhật. Bản thân kháng chiến từ 1941 trở đi đã thành vấn đề thứ yếu.
Thời kỳ đen tối
Mã Bân viết:
Trước ngày kháng chiến thắng lợi, thực ra là thời kỳ đen tối của cuộc kháng chiến. Thời gian tiếp cận thắng lợi là thời gian mọi hy vọng tiêu tan.
Tháng 12 năm 1941, chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ. Bị đánh ở Trân Châu cảng, Mỹ tuyên chiến với Nhật. Nhưng vì Anh Mỹ thiếu chuẩn bị nên lúc đầu quân Nhật đánh thắng như chẻ tre.
Chiến tranh Thái Bình Dương một lần nữa làm cho kháng chiến Trung Quốc thêm phần hy vọng. Tuy vậy hy vọng ấy rất sớm tàn lụi. Bởi vì kinh tế kháng chiến không ngừng ác hóa, đồng tiền sụt giá không ngừng. Chính phủ không hề có một chính sách tốt và thi hành triệt để. Chính phủ chỉ có những phương pháp chữa chạy ngoài da. Đại chúng cơ cực. Thiểu số phát đạt. Kêu gọi không xong, dân chúng phản đối chính phủ. Khởi đầu cho tiếng nói phản đối là cơ quan Dân hiến Tham chính hội. Cơ quan này trong kháng chiến tuy không thể gọi là đại biểu cho chính trị nghị hội, nhưng ít ra nó cũng là một đóa hoa dân chủ nở trong thời kháng chiến.
 
Chiến tranh Quốc Cộng tái hồi. Không khí chính trị ngột ngạt. Sứ mạng Tham chính hội trước sự đôi bên đả nhau bằng súng ống, đành khoanh tay tự đặt vào cái thế cùng đường. Chính phủ đưa ra một danh sách để loại trừ C.S ra khỏi Tham-chính -Hội. Cộng Sản chống lại. Tham chính Hội vỡ sau khi đã vạch vòi chính sách đảng trị của Quốc dân Đảng.
Thay thế Tham chính Hội là tổ chức Trung Quốc dân chủ Chính đoàn đồng minh. Lãnh đạo tổ chức này là các trí thức tên tuổi như Trương Lệ Quân, Lương Nộn Minh, Tả Vũ Sinh, Hoang Viêm Bồi, Chương Bá Quân, v.v… Tổ chức kết hợp bởi các đảng phái nhỏ từ trước tới giờ vẫn từng là khối đảng hoãng xung giữa Quốc Cộng. Về sau có thêm Cứu Quốc hội gia nhập làm cho thanh thế to lớn. Chính phủ Tưởng Giới Thạch đối với tổ chức Dân minh này trước sau vẫn không ưa, cũng không buồn đặt vấn đề tranh thủ. Vả lại lúc kháng chiến, ngôi sao Tưởng Giới Thạch quá sáng, khối Dân minh dù thân thế to tát cũng không đọ lại, nên nằm yên. Nhưng từ năm 1944 thì dân chúng thích nghe tiếng nói của Dân minh. Và cũng từ năm này, tổ chức Dân minh do Cộng sản tranh thủ đã thành khuynh hướng thiên tả.
Trước ngày thắng lợi, nội chiến và đấu tranh Quốc Cộng phá hoại kháng chiến rất nhiều. Sau vụ Tây An, Tưởng Giới Thạch được hoan nghênh như lãnh tụ duy nhất, được toàn dân yêu kính. Thế mà đến giai đoạn tương trì, tình cảnh đói khổ tham nhũng phá hủy uy tín của họ Tưởng. Khổng Tường Hi, Tống Tử Văn, Trần Lập Phu và Tưởng Giới Thạch thành bốn họ quyền hành nhất nước và cũng bị công kích oán ghét nhất nước.
Không để lỡ cơ hội, Cộng sản huy động một cuộc vận động tuyên truyền vĩ đại đả kích tứ hào Tưởng, Tống, Khổng, Trần. Trợ giúp cho cuộc vận động tuyên truyền Cộng sản là Nhật Bản mở đại tấn công đánh đâu thắng đấy. Trận chiến đe dọa cả thủ phủ Trùng Khánh. Tưởng Giới Thạch đích thân điều khiển mặt trận cũng vẫn thua liểng xiểng. Nguyên nhân thua trận đều do tinh thần binh sĩ xuống thấp, chưa chiến đấu đã chạy. Tinh thần quân đội xuống thấp là do xã hội bạo lợi “heo hậu phương no béo, ngựa chiến trường không có cỏ khô ăn”.
Đau khổ là toàn thể dân chúng.
Giác ngộ nguyên nhân đau khổ là phần tử trí thức.
Phần tử trí thức thức tỉnh toàn dân đối diện với tập đoàn Tưởng Giới Thạch, tỏ lộ sự hoài nghi khả năng lãnh đạo của Quốc dân đảng.
Bên ngoài, các nước chê bai quân Trung Quốc vô dụng.
Đối với phần tử trí thức đây là một quốc sỉ trọng trong khi thế giới đang tiến gần đến thắng lợi thì Trung Quốc thảm bại hoàn toàn.
Cộng sản cho phát hành cuốn sách Trung Quốc Tân dân chủ nghĩa cách mệnh sử gồm 250 trang có ghi đậm mấy dòng sau đây:
“Trên kinh tế, hết thảy huyết mạch kinh tế đều nằm trong tay bốn đại gia tộc Tưởng, Tống, Khổng, Trần, một bọn quan liêu mãi biện. Chúng lợi dụng chiêu bài kháng chiến để thu vét, tích lũy, điên cuồng làm giàu làm có”.
Hai bộ mặt của thắng lợi
Trong tiêu trầm thất vọng, trong đen tối, Dân quốc Trung Hoa như chiếc xe cũ kỹ chạy đường trường đến đích thắng lợi với dáng dấp hết sức mệt nhọc.
Thắng lợi 4.
Tiếng tăm Tưởng Giới Thạch nổi dậy. Hàng trăm triệu người ở các vùng luân hãm (chiếm đóng) hướng về vị lãnh tụ kháng chiến khâm phục chiêm ngưỡng. Khu chiếm đóng thì sôi nổi như thế mà trái lại khu hậu phương thì nguội lạnh.
Ngày 10 tháng 8 Nhật Bản tuyên bố đầu hàng.
8 năm chiến tranh đằng đẵng kết thúc. Ở Trùng Khánh tin thắng lợi loan ra, mọi người vui sướng đến phát điên: lánh nạn, tản cư hết rồi. Nguyện vọng “thanh xuân tác bạn bảo hoàn hương” rộng mở.
Nhưng thắng lợi chóng quá nên thắng lợi mang hai bộ mặt. Một mặt vui sướng và một mặt lo âu. Mặt vui sướng ở phía dân chúng, mặt lo âu ở phía tập đoàn lãnh đạo. Nhật Bản tuyên bố đầu hàng như tiếng sét nổ xuống, khiến cho Quốc dân đảng chưa kịp chuẩn bị tiếp thu di sản Nhật để lại.
Còn Cộng sản, họ đang tích cực sửa soạn tranh cướp đất đai với Quốc dân đảng, CS sẵn sàng cho một nội chiến đại quy mô.
Nhật Bản tuyên bố đầu hàng ngày 10 tháng 8 nhưng Nhật Hoàng chính thức tuyên cáo điều kiện đầu hàng lại là ngày 14-8. Lãnh tụ quân sự Cộng sản Chu Đức ngày 10-8 đã tức tốc ban bố lệnh giải giới quân Nhật và tiếp thu các khu vực chiếm đóng.
Chính phủ Dân quốc thì hạ lệnh không cho phép Cộng quân được tiếp nhận đầu hàng của Nhật. Dĩ nhiên CS không tuân lệnh. Thế là chiến tranh bùng nổ.
Có hai sự thực không thể chối cãi là:
- Quân đội CS nhờ kháng chiến đã lớn mạnh hơn nhiều.
- Người Trung Quốc sau 8 năm chiến tranh khổ sở không ai bằng lòng lại chiến tranh nữa.
Tưởng Giới Thạch bất đắc dĩ phải minh xác lập trường tỏ ý muốn hợp tác với CS lần thứ ba.
Đại sứ Mỹ thôi thúc Tưởng Giới Thạch thỉnh Mao Trạch Đông đến Trùng Khánh thương nghị hợp tác.
Mao Trạch Đông đến Trùng Khánh ngày 28-8.
Chính phủ Dân quốc công việc bộn bề, nào phải đàm phán với Cộng sản, nào phải tiếp thu Nhật đầu hàng, thêm trận tuyến Quốc Cộng rộng lớn đã có nhiều trận đụng độ tiến hành cuộc chiến tranh cướp đất.
Phần tử trí thức tản cư vào nội địa rất chú trọng đến cuộc đàm phán Quốc Cộng.
Phần tử trí thức khu luân hãm chỉ biết vui sướng với thắng lợi ngoài ra không biết chi khác nữa, bởi vì họ cho rằng: ta thắng rồi, bây giờ là lúc phải kiến thiết đất nước. Nội chiến tái phát là chuyện họ không tin.
Mao-Tưởng đàm phán. Mao Trạch Đông đòi cho đảng CS năm chủ tịch năm tỉnh, bốn phó chủ tịch bốn tỉnh, bốn phó thị trưởng, giữ nguyên 48 sư đoàn CS. Đòi thế có nghĩa là đòi chia đôi Trung Quốc cho nên Chính phủ Dân quốc không chịu.
Mao Trạch Đông ở Trùng Khánh tới một tháng rưỡi. Trong thời gian ấy lễ nghi đầu hàng tiến hành giữa Trung Nhật hoàn tất. Kháng chiến kể như kết thúc, Mao Trạch Đông rời Trùng Khánh về Diên An và công bố “ký lục hội đàm”. Nội chiến không thể tránh được.
Nói cho đúng, cuộc đàm phán hy vọng thêm một lần hợp tác nữa là kết quả của đầu óc quá giàu tưởng tượng. Mao, Tưởng qua hai lần hợp tác vẫn giữ nguyên vẹn người này mưu đồ nuốt chửng người khác. Tưởng lúc nào trong đầu cũng mang sẵn ý nghĩ tiêu diệt Cộng sản. Mao luôn luôn rình rập cơ hội để sát hại Quốc dân đảng.
Sở dĩ Mao lưu lại Trùng Khánh lâu như vậy mục đích chỉ là tiến hành công tác phân hóa nội bộ Quốc dân đảng. Tuyệt nhiên Mao không hề luyến tiếc hòa đàm.
Mỹ quốc phái tướng Marshall tới Trung Quốc để làm trọng tài cho cuộc điều đình Quốc Cộng thoát khỏi nội chiến. Hai bên ký hiệp định đình chiến và ban bố đình chiến lệnh. Hai bên thỏa thuận mở hội nghị hiệp thương chính trị ở Trùng Khánh. Lần này cũng hão huyền luôn vì cả hai bên đều thấy rằng không đánh nhau không xong.
Khi hội nghị hiệp thương chính trị bắt đầu thì cục diện Trung Quốc nhanh chóng ác hóa. Tiếp thu các chiếm đóng khu ở trong tình trạng cực hỗn loạn, dân chúng oán thán rầm trời. Cái phong khí quan lại trụy lạc trở lại. Mấy trăm triệu người sống trong đen tối của khu chiếm đóng lúc nào cũng yên trí hướng về ánh sáng của chính phủ kháng chiến. Họ chẳng khi nào ngờ vực lòng quả cảm trong sạch của những người đã từng gian khổ để đuổi giặc, thế mà bây giờ họ biết họ đã lầm. Bao nhiêu lòng nhiệt thành ủng hộ, đón mừng chỉ trong vài tháng tiêu tan.
Phần tử trí thức khu vực chiếm đóng đi tiên phong của phong trào uất hận tuyệt vọng. Tuyệt vọng và uất hận vì người có trách nhiệm tiếp thu khu luân hãm chẳng thèm biết rằng ở đây cũng có gian khổ đấu tranh. Nhân viên Trùng Khánh về Bắc Bình cho tập họp bọn giáo sư ngụy và học sinh ngụy để lên tiếng xỉ vả.
Tối trọng yếu là vấn đề kinh tế, thắng lợi làm cho tiền tệ khu chiếm đóng buộc phải mất giá đem đổi lấy tiền chính phủ kháng chiến. Với chính sách này, chính phủ Dân quốc đã làm mấy trăm triệu người phá sản trong một thời gian kỷ lục.
Quốc nạn mới khai thủy: kể từ kháng chiến kết thúc Nga Sô thừa kế Nhật Bản đem quân đóng khắp miền Đông Bắc. Vì Nga Sô là đồng minh nên Tưởng Giới Thạch không ra mặt phản đối việc Nga gỡ hết máy móc cơ xưởng vùng Hoa Bắc, nên ngầm phát động phong trào phản kháng trong dân chúng mà mục tiêu chính là nhằm đả kích Cộng Sản. Để đối phó, Trung Cộng rầm rộ hơn chuyển phong trào dân tộc đả kích nội chính.
Chiến tranh Quốc Cộng lan tràn, vấn đề Đông Bắc hết quan trọng vì xương máu lại rơi đổ khắp nơi.
o0o
Kháng chiến thắng lợi, quân mệt mỏi, dân mệt mỏi chẳng bụng dạ nào còn hăng hái. Bề ngoài binh lực chính phủ quốc dân có vẻ chiếm ưu thế, nhưng bề trong, tinh thần bì quyện của quân đội thêm thất bại trên chính sách kinh tế nên ưu thế kia không thể tồn tại. Cái cảnh hoàng đế sai lũ dân đói khát trông thật thảm thương.
 
Chiến tranh phá hoại cực nhanh chóng phong khí xã hội, đạo đức mất hết chỉ còn lại tham lam và vô sỉ. Tám năm trời gian khổ, khí tiết con người bị đói rét tiêu hủy không dễ chốc lát xây dựng được.
Trong chiến tranh, phần tử trí thức đã cố gắng chịu khổ mong giữ cho lòng trong sạch, thế mà xã hội bạo lợi chẳng để yên, nó miệt thị khinh rẻ bọn trí thức gàn dở vô dụng. Chiến tranh trong một lúc nào đó có thể làm biến mất chất cả một nền văn hóa.
Thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên trong chiến tranh ít được giáo dưỡng kỹ càng nên ưa phù phiếm, lấy sự xa hoa làm cao quý, tất cả mục đích sinh tồn chỉ là hưởng thụ hoang phí vậy thì chỉ có việc lao vào tranh đấu tranh thủ kim tiền.
Một xã hội như vậy, Cộng sản đánh thắng không khó khăn.
Văn hóa đấu tranh rơi vào tay Cộng sản
Tháng 9 năm 1939, thế chiến bùng nổ ở Á châu. Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương tìm mọi cách để canh chừng và kìm hãm dân tộc Việt. Chính sách khủng bố diễn ra ở khắp nơi. Tiếp đó, tình hình chính trị trong ngoài nước biến chuyển dồn dập. Tháng 6-1940 nước Pháp bị chiếm đóng, tháng 9 năm 1940 Nhật Bản thực sự xâm lược Đông Dương. Pháp bắt tay với Nhật chịu chia quyền với Nhật ở Đông Dương. Nhiều vụ khởi nghĩa của dân Việt nổi lên khắp nơi.
Năm 1941, CS cho ra đời mặt trận Việt Minh nêu khẩu hiệu giải phóng dân tộc, ra sức tranh thủ sinh viên, trí thức và tư sản. Lúc bấy giờ hàng ngũ các tầng lớp trí thức bị phân hóa, một bộ phận thân Nhật, một bộ phận tán thành Việt Minh, một bộ phận còn lưu luyến Pháp. Càng về sau, số thân Pháp ngày một ít, số thân Nhật thất vọng. Việt Minh liền thả màng lưới vơ vét.
Nhật Pháp biết không thể chỉ đàn áp mà dập tắt được sự chống đối của dân chúng. Chúng liền cho khôi phục các đồi phong bại tục, truyền bá những tư tưởng phản động, lập ra phong trào sức khỏe để lôi cuốn thanh niên đồng thời cũng chỉ để cho thanh niên mải mê huy chương áo vàng quên mất chính trị. Các khuynh hướng văn học tiến bộ bị triệt để ngăn cấm.
Văn học lãng mạn chỉ còn làm công việc phỉnh nịnh thú vui đê cấp của độc giả.
Tự lực văn đoàn cũng hết thời lãnh đạo.
Văn hóa đấu tranh bị bỏ trống. Cộng sản bí mật phát hành tập Đề cương văn hóa Việt Nam. Công khai thì có nhà xuất bản Hàn Thuyên của nhóm đệ tứ Tờ rốt kít. Báo Tri Tân tranh đấu cho chủ nghĩa Dân Tộc và báo Thanh Nghị của một số nhà trí thức tiến bộ. Tuy báo Thanh Nghị không là cơ quan của Cộng Sản. nhưng báo này lại do Đặng Thái Mai, người trí thức thiên tả thao túng. Trong bài nhan đề bàn về nguyên tác sáng tác.
“Lịch sử văn nghệ đã chứng thực rằng: một thời kỳ lịch sử vẫn có một nền văn học riêng. Và một nhà văn bao giờ cũng đại biểu cho một giai tầng xã hội. Phú Tư Mã Tương Như đến nay còn truyền tụng là một lối văn chuyên môn mô tả vườn hoa và thú đi săn bắn của vua Hán. Lý Bạch là một người tôi hầu hạ nhà vua trong ban văn học!”.
 
Ngót hai ngàn năm đế chế ở Trung Quốc đã sản sinh được một đội thị vệ văn học đua nhau múa bút, nặn lời viết nào là chiếu biểu, là trướng thượng thọ, nào là văn tế, nào là bia để mả. Những nhà văn cao cách hơn không thèm viết những lối văn ấy thì cũng ngồi mà gõ bằng bằng trắc trắc, tìm từ trong huấn hộ điển mô, lựa lọc những vế chữ đối cho chỉnh để dâng các nhà quý tộc một ít văn chương tiêu khiển, hoặc để ca tụng, để ủng hộ chế độ chính tài. Trong làng văn đó nếu có kẻ gặp thời thì tới một địa vị cao quý, tâm tình họ được thư thái trong cảnh ngộ an nhàn thì chơi nơi dặm khách vui cùng nước non, để vịnh những cảnh vật thiên nhiên hoặc là nằm bẹp trong chốn thư phòng, đập kinh chuyện ngày xưa ra mà tầm chương trích cú, đem những danh ngôn đời trước đảo ngược đảo xuôi mà viết những bài văn chương thù tạc. Văn chương họ nếu chải chuốt bóng bẩy thì đã có bề trên đỡ đầu và được ấn hành lưu truyền tới đời sau. Một bọn nữa sinh chẳng gặp thời hóa ra sinh kế một ngày một đốn, họ viết thế nào viết cho ai? Thôi đành luẩn quẩn nhìn tháng trọng ngày qua, tự an ủi với cái cao vọng là văn thơ mình chỉ có thể tàng chi danh sơn, truyền chi hậu thế, giấu vào chốn núi đẹp để truyền cho đời sau. Văn chương của bấy nhiêu nhà văn bất đắc chí nếu không kết tinh vào những khúc phẫn uất lâm ly thì cũng biểu hiện những mối tình hoài phóng khoáng và thoát tục, những ý tưởng hoài nghi yếm thế.
Dưới chế độ phong kiến, địa vị nhà văn cố nhiên là cao quý hơn dân chúng. Tuy vậy đối với vua, họ chỉ là một lũ hề để làm vui cung điện miếu đường mà thôi. Lúc vua Càn Long nhà Thanh hạ Giang Nam, người văn thần được vua yêu quí hơn hết là Kỷ Hiểu Lam có vào can đừng đi. Càn Long cười gằn ra vẻ giận dữ trả lời rằng: Chú cũng dám can gián kia à? Chú đối với trẫm chẳng qua là một con đào hát, một thằng hề đồng, lâu nay nuôi nấng trong nhà để hầu làm vui mà thôi.
Văn học sử Pháp còn ghi lại những lời chua chát của nhà thi sĩ Marot. Ai cũng biết rằng đối với vua Phơ răng xoa, Marot chỉ là một vai “ba lơn” phải luôn luôn khẩn khoản với “bệ hạ” mà xin tiền ăn mặc. Marot đã viết trong một bài thơ hiện nay còn truyền:
Hạ thần biết nói gì hơn nữa? Tấm thân khốn khổ
Mà hạ thần mô tả cùng bệ hạ, bây giờ chỉ còn
Chút tinh thần yếu đuối rền rĩ than vãn
Và vừa khóc lóc, vừa cố hơi cố sức làm cho bệ hạ vui cười
Văn sĩ và thi sĩ thời phong kiến, nếu không sinh trưởng ở giai tầng quí phái thì chỉ là một con hát con đào của quí tộc.
Sau khi giai tầng quí tộc đã bị bọn thị dân khuynh loát sau khi qui mô kinh tế đại địa chủ đã vỡ lỡ và sinh hoạt xã hội đã kiến thiết trên một nền tảng mới, thì văn học dần dần biến tướng. Các thành phố lớn đã thành chỗ tập trung các nhà văn. Trên các thị trường to nhỏ, tác phẩm văn học cũng như trăm ngàn món hàng khác, phải chịu luật cạnh tranh thương trường chi phối. Viết xong một cuốn sách, nhà văn phải cần một nhà xuất bản, cần mà cả trên món tiền nhuận bút cò kè bớt một thêm hai, cần quảng cáo, cần có người tiêu thụ cho, nghĩa là phải cần chiều thời thượng, phải hợp với nhu yếu sở thích của độc giả thì đối với ông chủ nhà xuất bản, các ông nhà văn cũng chỉ là một bác thợ trí thức làm khoán mà thôi. Ông nào được tín nhiệm thì tiền công được cao, ông nào không được đặc ân ấy thì  sẽ bị bỏ rơi và tha hồ mà bực tức mà buồn bã mà viết những câu văn căm giận hoặc chán chường!
 
Nhiều nhà đại biểu của văn học tư sản cũng đã cảm thấy những nỗi thất vọng trong tình cảnh mới của làng văn. Ngay từ 1667, Boileau nhà văn cổ điển Pháp đã viết:
Ngay sau lúc một nhà thi sĩ nẩy nở trong khuôn ấn loát
Là lúc chàng đã thành nô lệ của khách mua
Trong một xã hội mà ai cũng nhận rằng vạn tội bất như bần và chỉ có đồng tiền đủ thế lực để đi trước, đứng trên trong một thời kỳ mà bọn trọc phú càng vô lương tâm càng ngu xuẩn chừng nào, lại càng hách dịch kiêu căng với thiên tài với trí tuệ của chúng, thì phường trí thức chỉ có hai đường đi, một là xa hẳn giai tầng mình, hy sinh hết bản ngã của mình dựa theo sở thích của lũ hãnh tiến, lũ “parvenus” để mà in sách, mà bán văn chương hê ha ngâm vịnh theo luận điệu duy tâm, say sưa với hình ảnh của mình, viết những bộ tiểu thuyết ngắn hay dài, đem giọng lãng mạn mà tiêu khiển các ông bà, cô cậu tư sản trong lúc chúng ngáp dài ngáp ngắn, trước cái mặt quầy đã trơn lỳ dưới bàn tay vơ đi vét lại, trên một bậc nữa thì viết những sách dài sùng sục về triết học, về lý luận về xã hội học, kinh tế học, để tán dương ủng hộ một chế độ đã đèo mình tới địa vị cao quí. Nói tóm lại họ chỉ là một lũ đĩ bút mực. Hai là nhà văn đã cố sức giữ lấy lòng trinh bạch và không chịu hy sinh bản ngã, thì lẽ tất nhiên phải đọa lạc, phải nghèo khổ, tha hồ cho lửa cơ đốt ruột dao hàn cắt da. Trong tình cảnh ấy nếu nhà văn không buồn rầu chán nản, không thốt ra những đoạn văn lãng mạn sầu não lâm ly, thì tất là phải bực tức giận dữ, tìm một lối văn để biểu hiện những tư tưởng mới đã lĩnh hội được trong sự mâu thuẫn của sinh hoạt.
 
Vì vậy nên trong những buổi giao thời, trong một chế độ sắp đổ nát là một lối văn tân tiến, một nền văn học tiên tiến phải xuất hiện. Giải nghĩa danh từ thiên tài, một nhà triết học hiện đại chủ trì rằng thiên tài không phải là người đã rút trong trí khôn của mình những ý nghĩ hoàn toàn mới mẻ để đổi mới cục diện thế giới, cải tạo xã hội, mà thiên tài chỉ là một nhân cách đào luyện trong cuộc sinh hoạt xã hội, và đã nhận thấy trong xu hướng đại chúng một phương pháp thích nghi để giải quyết những sự khủng hoảng của thời đại.
Để kết luận Mai đưa vào bài luận văn của mình một lập lý bênh vực cho văn học vô sản hiện đang lên tại tổ chức xô viết. Những điều Mai ca tụng thì nhà văn Ba Lan danh tiếng là Milosz trong cuốn tư tưởng mắc bẫy (La pensée captive) đã công kích kịch liệt.
Tiếp theo Đặng Thái Mai là Trường Chinh viết bài: Mấy nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa mới lúc này. Bài này nhằm mục đích đả kích nhà xuất bản Hàn Thuyên, khởi sự cho cuộc đấu tranh chính thức giữa đệ tam và đệ tứ quốc tế để nắm quyền lãnh đạo vận động văn hóa, đồng thời cũng là cuộc đấu tranh giữa đảng cộng sản Pháp với âm mưu tư bản Pháp định dùng đệ tứ bẻ gẫy đệ tam.
Trường Chinh lập luận: Vấn đề văn hóa được đặt ra một cách hăm hở nhiệt liệt, nhưng không ai để ý đến phương châm vận động văn hóa mới.
Việc tìm nguyên tắc vận động là phải nhìn ngay vào tình trạng văn hóa nước Việt Nam hiện tại.
Xét văn hóa Việt Nam lúc này thấy ba hiện tượng:
a) Vì còn là một thuộc địa cho nên văn học hợp pháp hầu hết phải (phản?) bội tinh thần dân tộc độc lập. Kỹ nghệ yếu kém, nền hành chính khác nhau, sinh hoạt các vùng sai biệt nên văn hóa Việt Nam thiếu thống nhất.
b) Vì là một nước nông nghiệp nên đầu óc đồng bào ta rất non kém trên khoa học. Trình độ yếu kém về khoa học ảnh hưởng không tốt đến các ngành văn học nghệ thuật khiến cho những sản phẩm văn hóa mang đầy tính chất huyền bí phản thực tại.
c) Bệnh mù chữ trầm trọng không kém gì nạn đói, văn học nghệ thuật là đặc quyền của bọn quyền quí nên văn học không có rễ đại chúng, kết quả là cằn cỗi héo non.
Để kết luận, bài này cho rằng vận động tân văn hóa lúc này phải theo ba nguyên tắc, ba khẩu hiệu: dân tộc hóa- khoa học hóa- đại chúng hóa.
 
Gần cuối bài, Trường Chinh lên tiếng công kích nhóm tân văn hóa Hàn Thuyên đã dám tự nhận là khoa học, nhưng đã phản lại duy vật biện chứng tức là phản khoa học. Nhóm Hàn Thuyên tự nhận không dám bênh vực quyền lợi văn hóa cốt yếu của đại chúng, họ tỏ ra yếu xịu trước những thủ đoạn tuyên truyền của viện văn hóa Nhật Bản hay của nhà xuất bản Alexandre de Rhodes. Đáng lẽ phải tập trung văn hóa để chống lại văn hóa thoái bộ phong kiến và văn hóa phát xít thì họ lại thi hành chính sách văn hóa chia ngọn lửa đấu tranh vào các nhà văn hóa dân tộc của Tri Tân và Thanh Nghị.
Bài của Trường Chinh chẳng có điểm nào mới mẻ đặc sắc, nó chỉ là sự nhai lại những kinh nghiệm, những khẩu hiệu của vận động Ngũ Tứ. Tuy nhiên bài này cho người ta thấy Cộng sản hết sức chú ý đến mặt đấu tranh văn hóa.
Tiêu diệt tờ rốt kít trí thức 
Tên trùm mật thám Marty của thực dân Pháp ở Đông Dương có ghi lại nhiều điểm quan trọng trong cuốn: “Góp phần tìm hiểu các phong trào chính trị ở Đông Dương". Khi nhận định về các phong trào quốc gia, y thường tỏ ý chê bai, tỉ dụ như nói về Tân Việt đảng, y viết:
“Đoàn thể chính trị không được tổ chức, không có chương trình và phương tiện hoạt động nhất định để đạt tới mục tiêu nhất định, không có liên lạc giữa các đảng viên: mỗi người hành động theo ý mình mà không tiên đoán những cản trở trên đường.
Những người cách mạng này không biết gì về tình hình chính trị Đông Dương. Họ cũng không thảo nổi một kế hoạch thích nghi với hoàn cảnh. Ai cũng muốn cho An Nam độc lập nhưng không ai ấn định phương thức hoạt động. Người thì chủ trương dùng võ lực chiếm lại xứ sở, người thì chủ trương ôn hòa với người Pháp (theo bản dịch của giáo sư Nguyễn Văn Trung).
Nói về Quốc dân đảng y viết:
Những luật lệ của họ bắt chước cương lĩnh của Quốc dân đảng Trung Hoa; chủ nghĩa của đảng chỉ được phác họa sơ sài. Tất cả những gì người ta biết được là đảng chủ trương dân chủ xã hội. Những lãnh tụ không bao giờ xác định ý tưởng của họ về những vấn đề xã hội và những tầng lớp của xã hội An Nam mà họ nhằm tuyên truyền, hình như cũng không để ý nêu lên những vấn đề đó trước khi chấp nhận những lời tuyên truyền của họ… Những truyền đơn của Quốc dân đảng chỉ thấy hô hào bạo động nổi loạn. Sự nghèo nàn về văn tự của Quốc dân đảng ở tại chỗ họ không đưa ra một chương trình xã hội nào. Chính mình còn không biết sẽ đưa xứ sở đến đâu nên các lãnh tụ đảng cũng rất ít để ý đến việc giáo dục đảng viên. Vì thế họ chỉ đưa ra những nhận định thông thường về việc nước bị mất và nước Pháp vô nhân đạo trong các tài liệu của họ (theo bản dịch của giáo sư Nguyễn Văn Trung).
 
Trái lại khi nhận định về các cuộc vận động của Cộng sản Marty đã viết để nói rõ sự nguy hiểm của các cuộc vận động này:
“Những rối loạn mà Cộng sản đã gây nên trong những năm 1930-1931 trong một vài vùng ở xứ An Nam là những vụ trầm trọng nhất mà chính quyền địa phương phải đối phó đàn áp từ trước khi nước Pháp chiếm đóng xứ này… Có điều không thể chối cãi được là những nguyên nhân vẫn có thể bó buộc phải đưa đến những hậu quả tương tự và sự phục sinh của đảng Cộng sản Đông Dương tạo thành một mối nguy hiểm trầm trọng cho trật tự công cộng mà chính phủ có bổn phận phải làm tê liệt nó.
Qua nhận định của Marty vốn là tên thực dân cáo già, một tên tình báo nhà nghề rất am tường tình hình, người ta có thể thấy được ngay rằng: kể từ sau khởi nghĩa Yên Bái của những người quốc gia yêu nước thất bại thì Cộng sản đã nắm được lãnh đạo quyền đấu tranh chính trị ở Việt Nam. Đối với thực dân Pháp chỉ có Cộng sản mới là một thứ đảng mới, đảng của thời đại với hệ thống thế giới chọi với hệ thống đế quốc thế giới. Các đảng phái quốc gia không thể đương đầu với thực dân từ gốc rễ của nó. Các đảng phái quốc gia nhiều lắm chỉ mới nhìn thấy Trung Quốc hay Nhật Bản là cùng. Các đảng phái quốc gia lại rất ít kinh nghiệm đấu tranh, thứ nhất là kinh nghiệm chính quyền, lật chính quyền, giành chính quyền và giữ chính quyền. Bằng cớ rõ rệt nhất là nội các Trần Trọng Kim, nội các thành lập sau khi Nhật Bản lật chính quyền Pháp tại Đông Dương. Nhật Bản đầu hàng, ông Trần Trọng Kim, tự ý rời khỏi Thủ Tướng phủ ra ở ngoài phố để chờ giao quyền cho Việt Minh.
Tuy nhiên không phải chỉ riêng Cộng sản chỉ có những điều kiện ưu việt nói trên. Còn người anh em thù hận tức là nhóm tờ rốt kít chia sẻ những điều kiện đó. Cho nên CS để đấu tranh giành chính quyền, trong sách lược chiến tuyến thống nhất có thể bắt tay đoàn kết hay liên hiệp với các đảng phái quốc gia, để mượn danh nghĩa dân tộc. Nhưng CS nhất định phải giết, phải tiêu diệt bọn tờ rốt kít. Đúng kế hoạch đã thảo ra từ lâu, khi đệ tam quốc tế CS cướp được chính quyền Đông Dương thì các lãnh tụ đệ tứ như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, v.v… (cũng là những người trí thức nhiều thành tích đấu tranh nhất) lần lượt bị thủ tiêu.
Kháng chiến
Nửa đêm hôm 14 tháng 9-1946, ông Hồ Chí Minh đến gõ cửa Moutet nói:
Tôi đến đây bằng lòng ký tạm ước.
Ký xong ông than thở với một người Pháp:
“Tôi vừa ký một bản án tử hình của tôi”.
Ngày 15 ông Hồ Chí Minh xuống Marseille, thợ thuyền tiếp đón ông lạnh nhạt thờ ơ khác hẳn với sự tiếp đón lúc trước. Hồ Chí Minh hiểu ý họ nên đứng ra ngập ngừng giải thích về lý do phải ký tạm ước. Thợ thuyền không thỏa mãn với những lời giải thích quanh co hô to:
Việt gian!
Việt gian!
Đệ tứ quốc tế đã tổ chức và vận động phản đối Hồ Chí Minh ngày hôm đó.
Trong khi ấy ở Hà Nội phe quốc gia đã bị tiêu diệt lần mòn vì quá ư tin tưởng vào lòng thành thật cộng tác giữa hai ông già Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh. Lề lối chính trị “tòng long” cố hữu của phe quốc gia hoàn toàn phá sản trước thỏa hiệp Pháp-Cộng sản bẫy Tầu ra khỏi Việt Nam. Quân đội Trung Hoa về nước thì phe Quốc gia cũng hết chỗ bấu víu, xô nhau chạy.
Mặc dầu có tạm ước Moutet nhưng tại Đông Dương, đô đốc D’Argen-Lieu vẫn hối thúc tay chân của ông tìm mọi cách gây hấn. Ngày 20 tháng 11 một vụ bé xé ra lớn, đại tá Dèbes hạ lệnh pháo kích Hải Phòng. Đô đốc D’Argen-Lieu đánh điện khen ngợi tướng Vally người đã cho phép Dèbes làm dữ.
Ngày 30 tháng 11, Quốc hội Hanoi nhóm họp, gửi thông điệp sang Ba Lê yêu cầu Quốc hội Pháp làm trọng tài giải quyết các vụ lưu huyết vừa xảy ra. Trong thông điệp có ghi:
“Dân tộc Việt Nam chúng tôi cương quyết muốn hợp tác với dân tộc Pháp, yêu cầu Quốc hội Pháp can thiệp bằng cách gửi qua một ủy ban điều tra tại chỗ”.
Quốc hội Pháp gửi Sainteny qua Hanoi gặp Hồ Chí Minh. Hai người đều đồng ý là tất cả đã quá chậm. Hà Nội đã khởi sự tản cư.
Ngày 17 tháng 12 Chính phủ Léon Blum được tấn phong. Việc làm đầu tiên của ông Blum là gửi Montet qua Đông Dương, ngày 19 tháng 12 Montet lên đường qua Saigon. Ngay tối hôm ấy súng đã nổ khắp Hanoi.
Trước lòng căm phẫn của toàn thể nhân dân Việt, trước sự khiêu khích khinh mạn của quân đội Pháp, Chính phủ Việt Minh không thể tiếp tục chính sách thỏa hiệp với Pháp được nữa. Tiếp theo kháng chiến Nam Bộ là kháng chiến toàn quốc.
Ngày 2 tháng 1 Moutet tới Hanoi đi quan sát và ở tại đấy 2 ngày rồi về Saigon tuyên bố:
“Tôi hết sức buồn thấy thảm trạng ở Hanoi. Tôi muốn tai nghe mắt thấy và bây giờ tôi có đủ bằng cớ rằng Việt Nam đã mưu tính bạo động từ lâu.
Tôi nói rõ lập trường của tôi: đêm 19 tháng 12 tại Hanoi đã xảy ra do mưu tính kia và chúng tôi phải dùng võ lực đối phó… Chừng nào quân đội lập lại trật tự rồi chừng đó mới có thể nghiên cứu vấn đề chính trị”.
Thế là mọi hy vọng điều đình cũng tiêu tan luôn qua lời tuyên bố của Montet.
Quyền lãnh đạo kháng chiến
Lãnh đạo quyền trên cơ bản ý nghĩa là quyền lực căn bản quyết định phương hướng căn bản của một công cuộc. Công năng của nó giống như bánh lái của chiếc xe hay kim chỉ nam của chiếc tàu biển.
Lãnh đạo quyền kháng chiến chống Pháp do CS nắm giữ thì công cuộc kháng chiến không còn chỉ là việc giữa dân tộc thuộc địa giành độc lập đánh đuổi đế quốc thực dân mà còn duỗi rộng vào nhiều quan hệ khác.
Bởi vậy khi Trung Cộng tiến sát biên giới Hoa Việt và đất Tàu được đặt làm hậu cứ cho bộ đội Việt, thì Trung Cộng ra ngay điều kiện đòi hỏi chính phủ Hồ Chí Minh phải chấm dứt tình trạng mù mờ, nghĩa là phải công khai đứng vào trận tuyến Cộng sản. Những năm 1950-1951 hàng ngũ kháng chiến phải chịu sự thanh trừng lớn lao, tất cả những phần tử yêu nước không Cộng sản đều bị loại bỏ. Chiến tranh tiếp tục đẩy tình thế ra khỏi tay chính Pháp cũng như ra khỏi tay dân tộc Việt để trở thành chiến tranh giữa hai khối tư bản và xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh đi Bắc Kinh thì De Lattre cũng đi Hoa Kỳ. Cố vấn Nga Tầu vào Việt Nam thì cố vấn Hoa Kỳ cũng lên đường tới Đông Dương.
Trên tư tưởng, trên văn hóa, cuộc kháng chiến chống Pháp cũng được tiến hành bằng ý thức kháng chiến là hình thức cao của đấu tranh giai cấp.
Kháng chiến được tiến hành với hai tâm lý căm thù thực dân và căm thù giai cấp. Văn học kháng chiến mấy năm đầu là văn học yêu nước nhưng mấy năm sau là văn học Mác Xít đấu tranh giai cấp. Hình dáng người chiến sĩ yêu nước mở đầu để thay thế vào đó hình dáng người anh hùng lao động công nông và những nỗi uất hận nghẹn ngào của lão Hạc (nhân vật tiểu thuyết của Nam Cao) và Chí Phèo (cũng của Nam Cao) của Điền với tâm trạng:
“Chao ôi đẹp lắm. Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại nức nở nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình. Biết bao nghiến răng và chửi rủa. Biết bao cực khổ và lầm than. Không, không, Điền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy, sự thật giết chết những ước mơ lãng mạn, gieo trong đầu óc Điền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Điền muốn trốn tránh sự thực nhưng trốn tránh làm sao được. Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền khổ. Chính Điền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa cũng cùng một cảnh khổ như Điền. Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của con người ta. Tiếng đau khổ vang dậy mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh. Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón nhận lấy tất cả những vang động của đời…”
(Trích trong truyện ngắn Trăng sáng)