Xưa có ông lão tên là Tái Ông sinh sống ở vùng biên giới phía bắc Trung Quốc. Ông rất giỏi việc nuôi ngựa. Ngày kia ngựa của Tái Ông xổng chuồng chạy sang nước Hồ lân cận. Hàng xóm láng giềng hay tin đã đến an ủi nhưng Tái Ông lại cười mà rằng "Tôi tuy mất ngựa, nhưng đó có thể lại là điều tốt."
Vài tháng sau, con ngựa mất tích đột nhiên trở về cùng một con tuấn mã. Thấy thế, hàng xóm đến chúc mừng, tuy nhiên Tái Ông cau mày nói "Tôi được ngựa quý, sợ rằng đó chẳng phải là điềm lành."
Con trai ông thích cưỡi con ngựa quý, một hôm anh ta ngã ngựa gãy chân và trở thành tàn tật. Hàng xóm đến khuyên nhủ ông đừng quá thương tâm, Tái Ông điềm nhiên "Con trai tôi tuy gãy chân, nhưng đó chưa hẳn đã là điều không may." Khi đó hàng xóm nghĩ rằng ông lão quá đau buồn và đã bị quẫn trí.
Một năm sau, nước Hồ láng giềng đưa quân sang xâm lược. Tất cả thanh niên trai tráng đều phải tòng quân và hầu hết đều bị tử trận. Con trai ông đang bị què chân nên được ở nhà và thoát chết. Lúc này hàng xóm láng giềng mới thấy rằng những lời của Tái Ông quả thật rất thâm thúy.
Ý nghĩa:
"Tái ông thất mã" trở nên một thành ngữ để chỉ sự họa, phúc xoay vần, khó biết trước được. Trong cái phúc thường khi có cái họa; trong cái họa lại có cái phúc. Cổ ngữ cũng có câu: "Họa tùng phúc sở ỷ, phúc tùng họa sở phục" (Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa đang rình rập). Việc đời, hết may tới rủi, hết rủi tới may, nên bắt chước tái ông mà giữ sự thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống. Ta không bao giờ thực sự biết được những điều còn ở phía phía trước sẽ xảy ra như thế nào. Cuộc sống không phải lúc nào cũng như chúng ta mong đợi.