CHƯƠNG 10
Mơ Huyền mờ

Gọi em một tiếng tưởng xong
Không ngờ ai nấp trong lòng trộm nghe...
Đồng Đức Bốn18
Anna Nguyễn Thị Huyền là một con bé thánh thiện, tu theo dòng tu Chúa cứu thế. Theo như tôi biết, đây là một trong những dòng tu cực đoan nhất trong Kitô giáo. Tôi và Huyền có những kỷ niệm thật khó quên.
Hồi học phổ thông trung học ở cái trường tư thục khốn nạn ấy, ngẫu nhiên thế nào mà tôi với nó lại ngồi cạnh nhau ba năm liền. Nó thơm không thể tả được tựa như ngày nào nó cũng được tắm bằng nước thánh. Nó trắng trẻo, mịn màng và thanh mảnh như vừa ở trong tranh của Raphael bước ra (xin lỗi, không biết có phải là tranh Raphael không?). Nó không bao giờ cáu kỉnh, nói to hoặc nói tục. Các kỳ nghỉ hè, hầu như bọn học sinh trong lớp (phần lớn đều là con nhà giàu vì nếu không giàu thì không thể nào có thể chịu nổi chi phí ở cái trường khốn nạn này) đều đi nghỉ mát ở Sầm Sơn, Sa Pa hay Hạ Long. Mèng mèng như tôi thì cũng “về quê”. Bố tôi nói rằng không có gì tốt bằng ở nông thôn và tôi có thể học tập ở đấy rất nhiều điều bổ ích. Bởi vậy, hầu như hè nào tôi cũng phải ba-lô túi xách lên đường để về cái quả đồi sỏi chết tiệt ở trên Phú Thọ, ở đấy chỉ có sắn và chó thì nhiều vô kể. Có lần tôi bị chó cắn phải đi tiêm phòng dại ba phát vào rốn đau không tưởng được. Tất cả những người họ hàng của bố tôi đều có vẻ như là người Giao Chỉ19 gốc: ngón chân cái tòe ra, đến bây giờ mà vẫn nhuộm răng đen và chẳng đánh răng đánh riếc gì cả. Tôi rất sợ “về quê” nhưng bố tôi là người bảo thủ cực đoan ghê gớm. Tôi nghĩ rằng nếu như ông theo đạo Kitô thì ông cũng sẽ tu theo dòng tu Chúa cứu thế như con bé Anna Nguyễn Thị Huyền mất thôi.
Mấy kỳ nghỉ hè, con bé Huyền đều không đi nghỉ mát, về quê gì hết. Nó đi sang trại cùi Quả Cảm ở Bắc Ninh để dạy học cho con cái những người cùi hoặc săn sóc phục vụ những người bị bệnh cùi quá nặng không đi lại được. Tôi đã theo nó đi lên trại cùi một lần và thấy ghê hết cả người.
Trại cùi Quả Cảm nằm ở một rẻo sông Cầu khá khuất nẻo. Hơn trăm năm trước chắc chẳng có ma nào đến ở nên một ông cố đạo Tây đã xin phép lập ra ở đây một trại cùi. Quanh mấy cái đồi toàn sỏi, đầy cây dứa dại và cây chó đẻ người ta dựng lên một ngôi nhà thờ đạo. Ngôi nhà thờ này hiện nay đã bị phá mất do chiến tranh, hiện chỉ còn lại mấy bức tường gạch nham nhở. Khi chiều về, bóng hoàng hôn dần tắt, hình bóng của những bức tường vỡ và của cái tháp chuông đổ nát in thẫm ở trên nền trời. Những người giáo dân bị cùi quỳ xuống dưới đất khóc lóc kêu van đức Chúa lòng lành cứu rỗi linh hồn của họ. Cảnh tượng ấy có thể làm tan nát trái tim non nớt của bất cứ một đứa trẻ nào, ấy thế mà con bé Huyền nhỏ nhắn và điên khùng kia lại coi như không mới lạ! Thật đúng như câu văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu20 là “liều mình như chẳng có”!
Con bé Huyền rất có thiện cảm với tôi. Nó luôn luôn cho tôi chép bài, mượn tiền hoặc nói dối hộ tôi nếu như tôi trốn học. Trong các kỳ Giáng sinh, nó hay tặng tôi những món “quà tôn giáo”: khi thì là một quyển Kinh thánh, một cuốn sách bổn, khi thì là một bức tranh Đức mẹ Maria bế Chúa hài đồng. Nó kiên trì giải thích ý nghĩa của các hình tượng tôn giáo cho tôi nghe. Qua nó, tôi gần như biết hết lịch sử đạo Kitô, đến nỗi có lần nói chuyện về đề tài này với anh trai tôi (vốn là một thằng kiêu ngạo hiếu thắng bậc nhất) thì hắn đã phải phục lăn ra bảo tôi:
Khuê ạ, mày nói hay hơn cả mấy tay giáo sư dốt đặc ở trường tao!
Tôi công nhận rằng tôi vô đạo và gần con Huyền mờ thì tôi cũng đỡ bựa hơn. Có lần tôi với nó đã nói về tương lai, nó bảo rằng nó sẽ thi vào trường Y và sẽ về làm việc ở một trại cùi nào đó. Nó khuyên tôi cũng nên như thế và nó nói bóng gió gì đó về một gia đình hạnh phúc trong một trại cùi với những hào quang ở trên thiên đường. Tôi ngờ rằng nó muốn cảm hóa tôi, chinh phục tôi bằng ánh sáng Chúa Trời của nó nhưng tôi không phải là thằng dễ bị sập bẫy. Gốc gác tổ tiên nguyên thủy của tôi là quỷ Satan, cái con bé Huyền mờ này chẳng biết gì, thật tội nghiệp cho nó. Đến lớp 12 thì tình bạn của chúng tôi có phần phai nhạt vì có lần tôi vay nó 50 nghìn đồng nhưng không tài nào trả được. Ý thức sĩ diện và mặc cảm đã làm cho tôi mất toi tình bạn (và biết đâu chẳng là tình yêu?) với con bé xinh đẹp và thánh thiện này.
Ra khỏi công ty Đại Sơn, tôi nghĩ ngay đến việc phải đến nhà con Huyền mờ. Tôi có thể trả nợ nó 50 nghìn đồng và đãi nó một món gì đấy. Đã hơn một năm trời tôi không gặp nó và hình ảnh nó hiện ra rõ mồn một khiến tôi đỏ cả mặt lên. Tôi điểm mặt lại bạn bè hồi học phổ thông và nhận ra rằng nó là người bạn chân chính để lại cho tôi nhiều tình cảm tốt đẹp nhất.
Tôi gọi một tay xe ôm và ra lệnh như một ông hoàng:
Đi xuống làng Hải Khoang21!
---
18.  Đồng Đức Bốn: sinh năm 1948, quê Hải Phòng, nhà thơ lục bát nổi tiếng Việt Nam.
19.  Tên nước Việt Nam thời Bắc thuộc (quận Giao Chỉ).
20.  Nguyễn Đình Chiểu: (1822 - 1888) quê Gia Định, nhà thơ, tác giả Lục Vân Tiên, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc...
21.  Tên làng do tác giả tự đặt, không có trong thực tế.