Chương 1

“Không bao giờ nữa… Không… Không bao giờ nữa”. Cái điệp khúc ấy ám ảnh Phượng Hy cả tuần nay, nó khiến cô khóc muốn cạn hết nước mắt khi nghĩ tới lúc phải rời xa ngôi nhà vĩnh viễn.
Đúng là rời xa vĩnh viễn. Sẽ không bao giờ căn nhà nhỏ bé ấy còn là của gia đình Phượng Hy nữa. Cô chưa kịp trang bị đủ để đối phó với nỗi đau xa cách, thì ngày dời đi đã tới. Hy có cảm giác mọi cảm xúc, suy nghĩ của mình đều xoay tít, chỉ có những vật mà cô sắp phải chia ly đứng yên.
Giọng dì Tuyên vang lên nhẹ nhàng nhưng thật dứt khoát:
_ Đi thôi Hy! Có bịn rịn tiếc nuối thì đó cũng không còn là của mình nữa rồi.
Phượng Hy gượng gạo cười. Cô quay lại nhìn cánh cổng sơn màu hồng tro khép kín, nơi có những sợi cát đằng tím buông lơi lần cuối rồi mím môi leo lên chiếc xe tải nhỏ.
Ngồi lẫn trong những mớ đồ đạc hỗn độn, Phượng Hy lặng lẽ đợi người tài xế đóng bửng xe lại mới bật khóc. Cô khóc to, khóc ngon lành mà chẳng sợ bị dì Tuyên mắng. Ngồi ở cabin với tài xế, dì ấy chả thấy, cũng chả nghe tiếng khóc i ỉ như mèo ngao của Hy một khi xe đã chuyển bánh.
Bắt đầu từ hôm nay, cô sẽ có một cuộc sống mới và cuộc sống ấy chắc chắn đầy trắc trở chớ không êm đềm phẳng lặng như cô đã từng sống bên mẹ.
Nước mắt lại tuôn trào. Phượng Hy để mặc. Cô nhớ tới ba mình mà căm hận. Ông đã phản bội vợ con, độc ác và phủ phàng. Ông đã đẩy vợ đến cái chết và con đến chỗ phải nương náu vào lòng nhân từ của người khác, còn ông thì biến mất như chưa từng xuất hiện trên cõi đời này.
Chiếc xe dằn xốc làm đầu Hy bị va vào thùng ê ẩm. Đường về quê có lẽ vẫn còn xa. Rồi cô sẽ sống thế naò giữa những người ruột thịt nhưng xa lạ ấy nhỉ?
Phượng Hy bó gối rùng mình. Chiếc xe đang chạy bỗng lắc lư dừng lại. Hy chưa kịp thắc mắc thì tấm bửng đã hạ xuống. Ông tài xế hất hàm và một gã đàn ông lầm lì nhảy lên ngồi đối diện với Hy.
- Trời ơi, xe hợp đồng mà cũng đón khách dọc đường nữa sao?
Ông tài gãi đầu khi Hy kêu như thế:
- Cô thông cảm. Người nhà của tui chứ không phải khách đâu.
Phượng Hy ngao ngán ngó lơ ra bên ngoài. Mới đến xa cảng thôi. Còn bảy mươi cây số nữa mới tới Mỹ Tho. Suốt chặng đường còn lại cô mất tự do rồi.
Bỗng dưng Hy ném về gã đàn ông cái nhìn khó chịu và bối rối vì ánh mắt lạnh tanh của gã đang cắm vào người mình.
Trông hắn ta có vẻ gì rất lạ. Khinh khỉnh, dửng dưng và có vẻ bất cần đời thế nào ấy. Dưới cái nón bo lính rộng vành, gương mặt gã lạnh, đẹp và vô cảm.
Mà sao Phượng Hy lại để ý tới một người lạ như gã ta nhỉ? Phải chăng vì gương mặt rõ nét như tượng ấy. Hy vốn thích cái đẹp, dù biết đó là phù phiếm nhưng cô vẫn không cưỡng nỗi sự quyến rũ của một bờ môi ngạo mạn, một cái cằm cương nghị.
Hồi mẹ còn sống bà luôn rầy rà mỗi khi Phượng Hy khen ai đó đẹp. Theo mẹ thì sắc là cái mau phai tàn nhất, mà lại có sức hủy diệt con người nhiều nhất, khổ nỗi khó ai cưỡng lại lòng mình trước vẻ đẹp.
Mẹ Phượng Hy là một điển hình. Năm mười tám tuổi mẹ đã bỏ nhà theo ba, một chàng đẹp trai, có làn hơi dài ấm, mỗi lần xuống sáu câu vọng cổ là bao nhiêu trái tim con gái thổn thức.
Ba Phượng Hy đi tới đâu là con gái tương tư tới đó. Nhưng chỉ riêng mẹ dám bỏ gia đình để theo ba, một kép hát có thanh có sắc nhưng chưa thành danh nên phải theo các gánh bầu trò hát ở tỉnh lẻ, để rồi suốt cuộc đời còn lại cuả mình mẹ chẳng được vui lấy một ngày.
Chiếc xe đang chạy ngon lành bỗng Phượng Hy thấy bị chao đảo. Hết hồn, cô vừa nhổm lên để nghe ngóng thì gã đi nhờ đã đập mạnh vào thành xe, mồm hét toáng lên:
- Xe xì bánh. Ngừng lại…
Chiếc xe như bị nghiêng, nhưng rồi cũng tấp được vào lề an toàn. Gã nhảy xuống nhanh hơn cả tài xế và lom khom ở bánh sau.
Vẫn cái giọng trầm nhưng mạnh mẽ, gã phán:
- Phải thay bánh sau.
Bà Tuyên cũng vừa xuống tới. Rồi kêu lên bực dọc:
- Đúng là xui!
Gã lầm lì bật thêm một câu:
- Hên đấy! Nếu xui xe đã nhào xuống ruộng rồi.
Bà Tuyên liếc gã một cái rồi trở lên ngồi trên cabin. Gương mặt này gợi cho bà một nỗi nhớ nào đó, nhưng bà vẫn chưa hình dung ra bà nhớ ai…
Buổi trưa nắng như đổ lửa. Nhìn hai người đàn ông lặng lẽ với bù lon, con đội thay bánh xe, Hy bỗng áy náy.
Bà Tuyên quay xuống gọi:
- Lên đây Hy.
Cô ngần ngừ rồi cũng nghe lời. Ngồi kế dì Tuyên, Phượng Hy im lặng nhìn bàn tay đầy nhẫn vàng, vòng vàng của dì và nghe dì đều đều giọng:
- Không hiểu sao mẹ con không cho con ở với dì. Sống với Hai Thọ khó thở lắm đấy.
Phượng Hy cắn môi. Nhớ tới gương mặt mỏng, trắng phơ của vợ cậu Hai Thọ, cô nuốt tiếng thở dài. Mợ Phụng không phải người dễ tính, những ông anh, bà chị họ của Hy cũng vậy. Cô chỉ hy vọng vào bà ngoại. Nếu bà thương giọt máu côi cút của mình, Hy mới sống được dưới mái nhà đó. Bằng không…
Bà Tuyên chép miệng:
- Dì dặn hờ… Nếu ở với vợ chồng Hai Thọ hổng hạp, con quay trở lên với dì.
Phượng Hy gật đầu:
- Dạ.
Dì Tuyên với mẹ Hy là chị em bạn dì. Ngay từ nhỏ hai người đã rất thân thiết với nhau. Khi mẹ bỏ nhà theo ba, bà chỉ nói với mỗi mình dì Tuyên. Sau này trôi nổi ở đất Sài Gòn cũng mình dì Tuyên lo lắng, giúp đỡ, chăm sóc mẹ con Hy mỗi khi gặp chuyện khó khăn.
Vậy mà trước khi chết, mẹ nhất định bắt Phượng Hy về Mỹ Tho với ngoại chớ không cho cô sống với dì Tuyên. Điều này làm dì Tuyên buồn nhưng dì vẫn làm theo ý mẹ cô vì dì thừa biết môi trường quán xá của dì không phù hợp với Hy.
Sắp tới, Phượng Hy lại xa luôn cả dì Tuyên, một điểm tựa mà bao nhiêu năm dài mẹ con Hy vẫn nương vào để sống.
Phượng Hy nghe mũi cay xè:
- Con sẽ rất nhớ dì.
Bà Tuyên vuốt tóc cô:
- Đừng nhớ nữa. Con phải tập cứng rắn hơn để đối mặt với đời. Ngày xưa cũng tại đa sầu đa cảm nên Phượng Huyền mới lụy vì tình. Dì không muốn con giống mẹ để khi nhắm mắt vẫn còn khóc hận.
Tháo trong tay ra chiếc nhẫn mặt cẩm thạch xanh bóng đẹp tuyệt, bà Tuyên nói:
- Giữ lấy, có gì còn phòng thân. Cái nhẫn này không đáng bao nhiêu, nhưng ít ra cũng đủ tiền cho con đi xe từ Mỹ Tho lên Sài Gòn.
Phượng Hy gượng cười. Cô đeo nhẫn vào tay:
- Mong sao con sẽ đeo nó suốt đời chớ không phải bán.
Bà Tuyên trầm tư:
- Thật ra chiếc nhẫn này là của mẹ con. Hồi con gái có người đã tặng cho Phượng Huyền kèm theo lời thề non hẹn biển, nhưng khi gặp Trọng Nhân, mẹ con đã quên ngay lời hẹn thề đó và trốn theo anh ta…
Phượng Hy ngạc nhiên:
- Vậy ở đâu dì có nó?
Bà Tuyên nói:
- Trước khi trốn đi, Phượng Huyền nhờ dì trả cho chủ, nhưng dì không đành. Mới đây khi soạn những vật kỷ niệm cũ, dì đã gặp lại nó…
- Đã là vật kỷ niệm sao dì bảo con bán đi?
Bà Tuyên im lặng vì câu hỏi bất ngờ của Phượng Hy. Phải gần cả phút sau, bà mới lên tiếng:
- Đã nói để phòng thân. Khi phải bán nó nghĩa là con đang đối mặt với khó khăn nan giải. Hiểu không?
Phượng Hy không trả lời. Cô lại hỏi:
- Sao lúc mẹ con trốn đi theo ba, dì không cản?
Giọng vẫn bình thản, bà Tuyên nói:
- Dì không thể quyết định cuộc đời người khác. Nếu dì cản thì bây giờ làm gì có con.
Phượng Hy chua chát:
- Và con đâu phải chịu khổ như vầy.
Bà Tuyên chưa kịp nói thêm lời nào đã nghe tiếng bác tài reo lên:
- Xong rồi.
Phượng Hy rời cabin ra phía sau thùng xe. Gã đi nhờ vẫn còn xớ rớ dưới đất. Thấy Hy, hắn liền nhảy lên trước rồi chìa tay ra. Một bàn tay lem nhem những vết đen vì dầu nhớt xe, nhưng lại có những ngón tay dài thanh tú, nghệ sĩ chứ không phải tay của người quen lao động.
Ngần ngừ một thoáng, Hy ngước lên nhìn gã. Cái ánh mắt lạnh tanh ấy dường như đang ấm dần. Phượng Hy đưa tay cho gã kéo mình lên.
Cô cụt ngủn:
- Cảm ơn.
Và nhận được cái nhếch mép khinh khỉnh của gã. Tự nhiên Phượng Hy co người lại ở thế thủ. Cô không biết hành động vừa rồi của mình đúng hay sai, nên hay không.
Nhưng dầu đúng hay sai, nên không thế nào đi nữa, Hy cũng đã … rồi. Cô chợt bàng hoàng nhận ra từ nay trên đời này chỉ mình cô quyết định chuyện đời mình chớ không ai, kể cả dì Tuyên không thể giúp cô được.
Bà Bảy Thương chợt đưa tay lau nước mắt. Giọng run rẩy kiểu người già của bà lại cất lên ai oán:
- Nhìn nó lại nhớ con Huyền. Tại sao trời bắt con tôi phải khổ đến thế chớ?
Ông Hai Thọ cười khan:
- Má kheó ca cẩm! Tự con Huyền tìm lối đoạn trường mà đi, chớ có trời nào bắt nó phải khổ.
Bà Bảy khào khào:
- Tất cả cũng tại mày hồi xưa hăm he cấm đoán, nó mới bỏ nhà.
Ông Hai Thọ ngắt ngang lời bà:
- Má đừng đổ thừa. Không ai trong nhà này chấp nhận có thằng rể kép hát chớ đâu phải mình con. Hơn nữa chuyện xảy ra đã hai chục năm, má nhắc lại làm khổ mình và khó chịu người khác.
Bà Bảy Thương nghẹn ngào:
- Mày không hề thương con Huyền nên có chết mày vẫn trơ trơ không rớt một giọt lệ.
Bà Tuyên vội chen vào giảng hòa:
- Dì Bảy đừng nói thế, có máu phải có xót, là đàn ông, anh Hai đâu thể khóc như đàn bà. Nếu không thương con Huyền, ảnh đâu đứng ra lo ma chay như vừa rồi.
Hai Thọ nhếch mép:
- Đám ma dầu sao cũng là chuyện nhỏ. Vấn đề tôi lo là con Phượng Hy kìa. Đành là ruột thịt nhưng từ bé đến lớn nó ở xa, tánh ý nó, vợ chồng tôi chả biết ra sao. Chỉ sợ lại mang tiếng vì nó.
Bà Tuyên liền khen:
- Con nhỏ ngoan lắm! Anh không phải lo.
Hai Thọ cố ý nhấn mạnh:
- Ngoan như cô và con Huyền hồi đó phải không? Hừ! Đúng là rạng danh giòng họ.
Bà Tuyên khó chịu:
- Mỗi người có một cách sống. Anh không cần mỉa mai.
Hai Thọ vẫn tiếp tục gằn từng tiếng:
- Cô và con Huyền y như hai chị em ruột, nhưng khi chết đi nó lại không để con Hy sống với cô. Hừ! Chắc cô thừa hiểu vì sao mà.
Mặt Bà Tuyên tái xanh, môi run lên bà lắp bắp:
- Anh ngụ ý gì mà nói thế?
- Có ý gì đâu mà ngụ. Tất cả để tự cô hiểu lấy. Tốt đẹp gì hạng chủ quán bar mà tự hào.
Bà Bảy Thương vỗ bàn:
- Im ngay! Mày đi cho tao nhờ.
Hai Thọ đứng dậy:
- Má có cháu ngoại hầu hạ rồi. Cần gì tôi và đám cháu nội nữa.
Nhìn theo dáng ngất ngưỡng của Hai Thọ, bà Bảy rớm nước mắt:
- Dì có hai đứa con, rốt cuộc cũng như không. Người ta nói trời trả báo vì hồi đó dượng con ác quá quả không sai.
Bà Tuyên an ủi:
- Hơi đâu dì nghe những lời độc địa đó! Bây giờ Phượng Hy ở gần, nó sẽ thay Phượng Huyền chăm sóc dì. Ông trời sắp xếp hết mọi chuyện rồi, dì đừng buồn mà tổn thọ.
Ngập ngừng, bà nói tiếp:
- Điều quan trọng là dì đừng để mấy đứa con anh Thọ ăn hiếp Phượng Hy. Con bé ngoan nhưng bướng bỉnh lắm, nó không để ai nặng nhẹ nó đâu.
Bà Bảy tự tin:
- Còn có dì, tụi nó không dám lộng hành đâu.
Bà Tuyên làm thinh, trong lòng bà không tin lắm lời dì của mình. Bà Bảy vẫn còn nắm quyền trong nhà, nhưng người già cỡ gần đất xa trời như bà làm sao bì với dân trung niên giảo hoạt như Hai Thọ. Vợ chồng ông ta mới thật sự quản lý tiền bạc, thu nhập từ mấy vườn cây ăn trái ít ỏi còn sót lại sau thời gian dài làm ăn thất bát phải bán gần hết của gia đình. Phải làm sao để Phượng Hy cũng được chia phần từ thu nhập này. Chớ không thể để mỗi mình thằng cha Hai Thọ thao túng. Nếu con nhỏ có đất đai của cải, cuộc sống sẽ ổn định hơn bây giờ.
Bà Bảy bỗng chuyển đề tài:
- Cách đây mấy tháng, Ba Tâm có về.
Mặt bà Tuyên bỗng đổi sắc, nhưng bà làm ra vẻ thản nhiên:
- Vậy à! Anh Tâm thay đổi nhiều không dì Bảy?
Bà Bảy nhíu mày:
- Lâu quá rồi ai lại không thay đổi, nhưng thằng Tâm không thấy già lắm. Nó hỏi thăm bây với con Huyền. Tội nghiệp! Nó vẫn chưa quên và có vẻ buồn khi nghe dì nói con Huyền gặp phải thằng chồng không ra gì.
Giọng bà chợt nghẹn lại:
- Phải chi hồi đó…
Bà Tuyên nhỏ nhẹ:
- Đừng nhắc đến chuyện cũ nữa dì. Hai người không có duyên thì phải chịu thôi.
Bà Bảy xót xa:
- Ba Tâm vẫn chưa lấy vợ mới thảm chớ.
Bà Tuyên sửng sốt:
- Anh si tình đến mức đó sao? Sống ở xứ người mà một thân một mình cũng khổ.
Bà Bảy bùi ngùi:
- Hôm trước dì có khuyên nó lập gia đình, nó chỉ cười trừ.
Bà Tuyên tò mò:
- Anh Tâm về chơi hay có chuyện gì không dì?
Bà Bảy chép miệng:
- Chuyện gia đình thằng Nguyện, anh Hai nó. Con trai thằng Nguyện mới ra tù, thằng Tâm về để sắp xếp công ăn việc làm cho thằng đó, rồi nhân thể thăm nhà luôn.
Bà Tuyên nhíu mày ngạc nhiên:
- Hai Nguyện có hai thằng con trai, hồi đó Phượng Huyền thương tụi nó lắm, mà sao lại ở tù hả dì?
- Uống rượu say, lái xe đụng người ta chết rồi bỏ chạy luôn. Nó bị người ta kêu án mười mấy năm, nhưng nhờ lao động tốt gì đó, nên được giảm án, đợt lễ vừa rồi nó được ân xá.
Bà Tuyên lại hỏi:
- Thằng lớn hay thằng nhỏ vậy dì Bảy?
- Thằng nhỏ.
Bà Tuyên nhớ ngay tới thằng bé đẹp như thiên thần có cái đuôi tóc dài được tết thành bính tòn ten sau lưng. Giòng họ Ba Tâm toàn những người đẹp trai, nhưng tiếc là Phượng Huyền lại tìm được người vừa đẹp lại vừa hát hay chứ không mồm mép như Ba Tâm… Chính vì vậy anh ta đã rớt đài.
Trái tim bà Tuyên chợt nhói đau khi nhớ về thời thanh xuân của mình. Ngoài hiên Phượng Hy bước vào với một ôm dã quỳ vàng rực trong tay.
Nó giống mẹ đến mức bà hoảng hốt tưởng Phượng Huyền đang đi tới. Dường như bà Bảy Thương cũng cùng ý nghĩ giống bà. Hai người ngẩn ngơ nhìn con bé với tất cả bùi ngùi.
Bà Bảy lên tiếng:
- Con hái hoa làm gì nhiều vậy?
Phượng Hy chỉ vào góc tủ:
- Con thấy có cái bình trống, mà trước sân mình nhiều hoa quá nên định cắm một bình cho vui nhà vui cửa.
Rồi như chợt nhớ ra mình chưa hỏi ý bà, cô ngập ngừng:
- Có được không ngoại?
Bà Bảy mỉm cười dễ dãi:
- Được chớ con!
Phượng Hy thấy nhẹ nhõm, cô bước tới lấy bình hoa xuống và bắt đầu cắm hoa vào.
Bà Bảy hỏi:
- Chừng nào con về Sài Gòn hả Tuyên?
Bà Tuyên trả lời:
- Con ở với má con vài bữa nữa. Hay dì Bảy qua nhà con chơi?
Bà Bảy ngần ngừ:
- Dì bữa nay không được khỏe, để dịp khác vậy.
Bà Tuyên đứng dậy:
- Con về đây!
Phượng Hy liền bước theo bà. Hai dì cháu chậm rãi đi dưới hàng nhãn dẫn ra cổng.
Bà Tuyên dặn dò:
- Con phải luôn tâm niệm đây là nhà mình, con cũng là chủ như tụi con Vy thằng Long. Bởi vậy con phải thể hiện vai trò làm chủ của mình, chớ không để tụi nó ăn hiếp. Nhớ chưa?
Phượng Hy gật đầu:
- Dạ nhớ.
Bà Tuyên lại nói:
- Thỉnh thoảng dì về sẽ ghé thăm con. Có gì cứ gọi điện cho dì.
Phượng Hy nhìn chiếc xích lô cho tới khi nó khuất bóng. Cô định đóng cổng thì một thanh niên hớt đầu đinh nhìn cô tủm tỉm cười.
Hy cũng cười đáp lễ khi nghe anh ta hỏi:
- Em về hồi nào vậy?
Cô chớp mắt:
- Dạ về hôm qua, nhưng không thấy anh Long đâu hết…
Dựng chống xe, Long nói:
- Anh lại lên thành phố. Chơi suốt đêm, tuy chưa hết trò nhưng đành phải về…
Phượng Hy cười cười:
- Vì rỗng túi đúng không?
Long búng tay đánh tróc:
- Em thông minh thật. Dân Sài Gòn có khác.
Dứt lời anh ta đưa mắt nhìn Hy từ trên xuống dướị Cái nhìn trần trụi nằm ngoài phạm vi tình cảm anh em khiến Phượng Hy ngượng ngùng lẫn khó chịụ Cô quay lưng và thầm nghĩ… Có lẽ mình không nên quá thân mật với Long, dầu anh ta là anh mình.
Dường như đọc được ý tưởng trong đầu Hy, Long bẻm mép:
- Tuy là dân tỉnh lẻ, nhưng tư tưởng của anh thoải mái lắm. Giữa anh em mình không có giới hạn nào đâu, anh sẽ lo lắng, chăm sóc cho em y như cho nhỏ Vy.
Phượng Hy hiền từ:
- Em cảm ơn anh.
Long bước cạnh Hy:
- Em thấy nhà này thế nào? Có bằng ngôi nhà em từng ở không?
Phượng Hy xịu mặt:
- Anh lại chọc quê em rồi. Nhà em ấy hả, chỉ bằng cái bếp nhà này thôi.
Long bật cười:
- Vậy sao em khóc cả tuần khi không được ở trong nhà đó nữa?
Phượng Hy buồn bã:
- Dù tệ như cái chòi cũng là nhà mình, nơi gia đình mình quây quần yên ấm. Bây giờ em không còn nhà, cũng không có gia đình bảo sao em không khóc được.
Giọng Long ngọt như đường:
- Đây mới là nhà của em. Thật đó!
Nhớ tới lời dì Tuyên lúc nãy, Phượng Hy thản nhiên gật đầu:
- Em cũng nghĩ vậy.
Long nheo nheo mắt tinh quái. Hai người vừa bước vào nhà đã nghe bà Bảy cao giọng:
- Mày về rồi đó hả? Hừ! Hai mươi mấy tuổi đầu mà chỉ lông bông suốt ngày. Phải làm gì đó phụ ba má mày chứ.
Buông người xuống cái trường kỷ chạm xà cừ ngũ sắc óng ánh, Long uể oải:
- Ba đâu có cần con làm việc, cả nội cũng vậy, nên con phải chơi cho hết ngày giờ.
- Tại mày không nên thân…
- Thế nào là mới nên thân? Kiểm điểm lại mình, con đã làm gì sai đâu? Tại sao lúc nào nội và ba cũng có thành kiến với con hết? Nội luôn thích con lông bông ngoài đường, nhưng thỉnh thoảng lại mắng nhiếc cho mọi người thấy nội có trách nhiệm với cháu.
Bà Bảy Thương vỗ bàn:
- Mày nói gì, thằng yêu kia?
Nhịp nhịp chân, Long bảo:
- Nội đừng lớn tiếng, Phượng Hy sợ đấy. Nội nhìn xem, mặt con bé tái rồi kìa.
Bà Bảy tức tối:
- Nó sợ mày thì có!
Long xoa hai tay vào nhau:
- Với Phượng Hy, tình cảm của con rất thắm thiết, lấy gì con nhỏ sợ… Đúng không Hy?
Bất ngờ vì bị Long lôi vào cuộc, Phượng Hy ấp úng:
- Em… Em có sợ gì đâu. Nhưng anh đừng trêu cho ngoại giận nữa.
Long phát một cử chỉ phân bua:
- Anh nói thật chớ có trêu… ngoại của em đâu.
Tủm tỉm cười thật mất dạy, Long nói:
- Trong mắt em hiện giờ, ngoại y như bà tiên phải không? Nhưng lâu dài rồi em sẽ thấy, tiên cũng có nhiều thứ lắm đó.
Bà Bảy ré lên:
- Cút ngay, đồ khốn nạn.
Long vươn vai đứng dậy. Anh ta chậm chạp bước ngay chỗ Phượng Hy và bỏ nhỏ:
- Nếu buồn muốn xem phim thì ghé phòng anh. Nhiều phim đã lắm.
Bà Bảy tò mò:
- Nó nói gì vậy?
Hy liếm môi:
- Ảnh nói nhỏ quá, con nghe không rõ.
Bà Bảy mím miệng:
- Con không được đến gần nó. Đồ trời đánh thánh vật.
Phượng Hy thắc mắc:
- Ảnh đã làm gì sai phải không ngoại?
Bà Bảy nghiến răng:
- Nó là thằng phá gia chi tử, ăn chơi vung vít. Bởi vậy, ngoại không bao giờ coi nó là cháu đích tôn của giòng họ.
Hy tỏ vẻ không tin:
- Con thấy anh Long cởi mở lắm mà ngoại.
Bà Bảy Thương lầu bầu:
- Nó được cái miệng xạo chớ cởi mở gì. Thằng Long nói mười tin được một. Là anh em ngoại luôn muốn các con thương yêu thân thiết với nhau. Với con Vy thì được, riêng phần thằng Long, con nên cẩn thận. Người ta đồn nó chích xì ke, nhưng ở nhà chưa bắt được tận tay thôi.
Phượng Hy sửng sốt. Cô rất dị ứng với tất cả những gì liên quan đến ma túy. Trước đây, đã có một người ghiền xì ke nhiễm HIV, nửa đêm chết trước nhà cô. Ấn tượng ấy đã ăn sâu vào tâm trí Hy, cô rất sợ, sợ tới bây giờ… Cứ tưởng tượng ngày nào đấy, Long sẽ ốm yếu, hom hem, dơ bẩn, gương mặt hốc hác, đôi mắt lờ đờ ngày ngày lượn trước Phượng Hy để xin, thậm chí đòi hỏi, cướp giật tiền để chích hút, Phượng Hy nẫu cả lòng.
Thế đấy, thân mình lo chưa xong, bày đặt đòi lo lắng, chăm sóc người khác. Đúng là dân… nổ.
Lúc ấy, bà Phụng đi chợ về. Ngồi xuống ghế, bà nói như ra lệnh:
- Phượng Hy sẽ nấu cơm cho cả nhà.
Bà Bảy nhíu mày khó chịu:
- Con Út mến đâu.
Bà Phụng trầm giọng:
- Nó sẽ ra cửa hàng phụ con.
Bà Bảy vội nói:
- Má thấy công việc ở cửa hàng hợp với Phượng Hy hơn.
Giọng bà Phụng ngọt không thua gì cậu quý tử của mình:
- Đó là công việc làm ăn của riêng con, con đâu dám nhờ Phượng Hy. Để con nhỏ ở nhà chăm sóc má, đưa má đi chùa mỗi ngày tốt hơn phải ngồi suốt một chỗ.
Quay sang phía Hy, bà Phụng hỏi chiếu lệ:
- Ý con thế nào?
Phượng Hy lấp lửng:
- Trước mắt, con xin được ở nhà nấu cơm.
Bà Phụng cắc cớ:
- Còn sau đó?
Phượng Hy trả lời chậm rãi:
- Con sẽ tìm một việc để làm.
Môi nhếch lên, bà Phụng nói:
- Nấu cơm cũng là công việc tốt đấy.
Hy từ tốn:
- Nhưng nó không phù hợp với con.
- Còn chuyện đó nữa sao? Đúng là giọng điệu của Phượng Huyền. Xưa nay cô ấy từng đỏng đảnh nói thế. Cũng phải thôi, cô Phượng Huyền chỉ thích hợp làm những việc trên mây. Bởi vậy…
Bà Bảy Thương gạt ngang:
- Đủ rồi.
Bà Phụng ngơ ngác:
- Bộ con nói sai sao? Phượng Huyền đúng là như vậy mà. Con bé này giống mẹ y đúc. Mơ mơ mộng mộng không khéo khổ thân.
Nhìn bà Bảy, bà Phụng chép miệng:
- Con nghĩ má phải quan tâm tới đứa cháu ngoại duy nhất nhiều hơn quan tâm tới mẹ nó xưa kia. Nếu không thì… Chậc! Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa.
Giọng Phượng Hy đanh lại:
- Tôi không thích bất cứ ai nhắc tới mẹ tôi bằng kiểu đó.
Bà Phụng hơi khựng lại, nhưng ngay tức thời, bà bật cười khiêu khích:
- Ghê nhỉ. Hà! Mợ chả nhắc tới mẹ con nữa đâu. Nhưng sự thật là như vậy. Nhà này thừa những rối rắm rồi. Chỉ mong con đừng làm rối thêm mớ hỗn độn ấy.
Dứt lời, bà bước ra cửa. Bà Bảy Thương rít lên:
- Đồ đàn bà độc mồm, độc miệng. Hừ! Nó luôn chọc tức cho ngoại chết sớm để ẵm gọn gia tài. Hừ! Còn lâu mới có chuyện đó. Ngoại để tiền làm phước còn hơn để rơi vào tay con rắn độc ấy.
Phượng Hy ngao ngán xách giỏ thức ăn xuống bếp, ngực nặng như đeo đá. Quả đúng như lời dì Tuyên nói. Sống dưới mái nhà này không đơn giản chút nào. Nhưng đây là chỗ dừng chân, là chốn nương thân của Hy, nhất định cô phải bền lòng vững chí, kiên cường đối mặt với khó khăn để có một vị trí hẳn hoi trong ngôi nhà của ông bà cô đã gây dựng.
Phượng Hy ngồi lên cái đôn hình con voi kê gần gốc nhãn già nhìn toàn cảnh mua bán đang diễn ra ngoài sân.
Mùa nhãn năm nay trúng đậm. Cả tuần rồi vườn nhà ngoại tấp nập thu hoạch, vô giỏ, chuyên chở, đi ra Bắc, qua Campuchia. Phượng Hy chưa bao giờ nghĩ nhãn được tính bằng tấn bằng tạ thế này. Thảo nào anh Long và chị Vy mang tiếng “dân vườn”, nhưng sống sung sướng tiện nghi và sang hơn cả dân thành phố gấp bội phần.
Ngày xưa, chắc mẹ là một “cô Ba” xinh đẹp giàu có được nhiều “Công Tử Mỹ Tho” săn đón. Giai thoại còn lưu truyền Hắc Công Tử Mỹ Tho và Bạch Công Tử Bạc Liêu từng dùng tiền làm cũi để nấu nước pha trà. Người đàn ông theo mẹ ngày xưa chắc cũng phải thuộc diện con nhà. Chả biết ông ta là ai, hiện giờ ở đâu nhỉ?
Không hiểu sao khi về ở ngôi nhà này, ngủ trong căn phòng ngày xưa của mẹ, Phượng Hy tò mò, thắc mắc và tìm hiểu về mẹ mình. Nhưng ngoài tấm ảnh chân dung bà chụp năm mười tám tuổi được treo trên vách ra, Hy không tìm thấy một chút gì thuộc về mẹ hết.
Hai mươi năm, ngôi nhà đã được sửa chữa, dọn dẹp bao nhiêu lần? Dĩ nhiên mỗi lần dọn dẹp người ta sẽ vứt những thứ cũ kỹ không cần thiết. Mẹ Hy bỏ đi, đồ đạc thuộc về bà sao còn tồn tại được chứ?
Một người phụ nữ trạc tuổi dì Tuyên bước tới chỗ Hy ngồi. Đưa cô một rỗ nhãn với những trái bé tẹo, bà ta mời:
- Ăn đi, nhãn tiêu đấy, không có hạt đâu.
Phượng Hy cám ơn. Bà ta nở nụ cười đôn hậu:
- Cháu là con gái cô Ba Huyền phải không? Cháu giống mẹ đến mức mới nhìn thấy cháu, tui hết hồn.
Hy nhỏ nhẹ:
- Ai cũng nói cháu giống mẹ.
Người đàn bà nghiêng đầu ngắm Hy rồi hạ giọng như thì thầm:
- Nhưng cháu vẫn có nét giống ba. Đôi mắt cháu dài, đen, sáng là của Trọng Nhân.
Phượng Hy kêu lên:
- Dì biết cả ba cháu à?
Người đàn bà phe phẩy cái nón lá:
- Ở xứ này, trạc tuổi dì, ai hỏng biết Trọng Nhân dù hồi đó ảnh chưa nổi tiếng. Ba mẹ cháu xứng đôi lắm, tiếc rằng sau này ba cháu đối xử tệ với vợ. Tội nghiệp cô Ba Huyền. Cô ấy rất tử tế với tui.
Hy ngập ngừng:
- Dì là bạn mẹ cháu à?
Người đàn bà lắc đầu:
- Đâu có. Nghèo hèn như tui sao là bạn cô Ba được. Tui đi ở cho bà Bảy từ hồi còn nhỏ cho tới khi cô Ba bỏ nhà mới thôi.
Phượng Hy tò mò:
- Sao dì lại nghỉ vậy?
- Tại bà Bảy đuổi đó chớ. Bà Bảy nghi tui làm liên lạc cho cô Ba và Trọng Nhân.
- Mà dì có làm không?
- Thì cô Ba sai gì, tui làm y như vậy, tui cứ nghĩ đơn giản là cô Ba trốn đi dăm bữa, nửa tháng rồi sẽ về. Ai dè đâu cổ đi luôn, tui không đời nào được gặp lại cổ nữa.
Phượng Hy chớp mắt vì những lời chân thật của người phụ nữ chân lấm tay bùn này. Cô có nghe mẹ mình nhắc đến một người giúp việc tên là… là… Bê thì phải. Cô buộc miệng:
- Phải dì là dì Bê không?
Người đàn bà sửng sốt:
- Sao cháu biết?
Phượng Hy nói:
- Cháu có nghe mẹ nhắc tới dì.
Bà Bê cảm động:
- Thật hả? Trời ơi, không ngờ cô Ba vẫn nhớ tới tui. Tui biết cổ thương tui lắm mà. Tội nghiệp cổ vắn số quá.
Phượng Hy quan tâm:
- Bây giờ dì sống ra sao?
Bà Bê mân mê cái nón:
- Tôi làm công cho chủ vựa trái cây ở đây. Sống cũng được. Thế nào cháu cũng phải tới nhà tui chơi cho biết.
Phượng Hy gật đầu:
- Nhất định rồi. Nhưng nhà dì gần đây không? Xa là cháu không biết đường đâu.
Bà Bê bật cười:
- Thành phố này nhỏ xíu, cháu đi tới lui cũng về tới nhà, chẳng lạc đâu mà sợ. Hay là một lát đi với tui luôn?
Phượng Hy ngần ngừ suy nghĩ. Bữa nay, bà ngoại đi chùa, anh Long lại vọt lên Sài Gòn chơi cho đã, chị Vy cũng tấp vào nhà bạn bè để đấu láo về thời trang sân khấu. Cậu Hai Thọ qua cồn Thới Sơn, mợ Phụng ngoài quầy video. Cô có thể giao nhà cho bác Quỳ và nhỏ Út Mến để đi chơi mà. Bác Quỳ đang coi hái nhãn, bác ấy trông thêm nhà cũng không sao.
Nghĩ là làm, Phượng Hy nói:
- Cũng được, bữa nay cháu rảnh.
Bà Bê tươi ngay nét mặt:
- Vậy thì đi.
- Dì chờ một chút.
Phượng Hy chạy vội ra sau vườn tìm bác Quỳ:
- Bác Quỳ ơi, cháu đi chơi một chút.
Ông Quỳ nhíu mày:
- Cô đi đâu?
- Cháu đi tới nhà dì Bê. Bác biết dì Bê không?
Ông Quỳ ngạc nhiên:
- Tới nhà… con Bê làm gì? Cô quen con Bê à?
Phượng Hy nói dối ngon ơ:
- Dạ quen chứ bác. Bác trông chừng nhà nghen, cháu đi à.
- Không có bà Bảy ở nhà, tôi không dám quyết định đâu. Tốt nhất là cô đừng đi.
Phượng Hy xụ mặt:
- Suốt ngày ở nhà như con ma xó, cháu chán lắm rồi.
Dứt lời, cô đi vào nhà dắt xe đạp rạ Tới chỗ bà Bê ngồi, Hy nói:
- Cháu chở dì.
Bà Bê nhìn Hy:
- Tui cũng đi xe mà.
Hai người thong thả đạp xe. Đường phố ở đây yên ả chớ không đông đúc ồn ào như Sài Gòn. Qua một chiếc cầu nhỏ, bà ngừng xe trước một cổng rào bề thế.
Bà đưa tay bấm chuông trước đôi mắt ngạc nhiên của Hy. Như hiểu được điều cô đang nghĩ, bà Bê giải thích:
- Số tui suốt đời đi ở đợ. Đây là nhà chủ…
Phượng Hy hết hồn khi một lũ chó bốn, năm con há mõm nhe răng chồm ra hàng rào sủa inh ỏi. Một con bé mười hai tuổi ra mở cửa. Nó vừa suỵt chó, vừa nói:
- Cậu Bằng trông má nãy giờ. Cậu ấy than đói mà không có gì ăn.
Dựng xe vào vách, bà Bê cau mày:
- Sao con không nấu cho cậu ấy?
Con nhỏ trề môi:
- Cậu ấy chê con nấu dở. Người gì đâu khó chịu. Con nấu dở cỡ nào cũng ngon hơn cơm tù.
Bà Bê nạt:
- Hỗn! Tao vã miệng bây giờ. Mau vô rót nước mời cô.
Con bé lấm lét lủi vào trong sân có nhiều cây mát rượi.
Phượng Hy tò mò:
- Chắc con gái út của dì?
- Tui có mình nó hà.
Vừa nói, bà Bê vừa dẫn Phượng Hy đi dọc ngôi nhà lớn nằm giữa sân. Hết ngôi nhà kiên cố, tới một căn nhà nhỏ lợp lá nằm ở góc trong cùng sân, bà Bê nói:
- Chỗ này chỉ dành cho mẹ con tui.
Phượng Hy nhìn quanh. Ngôi nhà nhỏ, gọn gàn, sạch sẽ, chứng tỏ chủ nhân nó là người ngăn nắp, siêng năng.
Bà Bê nói:
- Cháu ngồi chơi, tui lên nhà trên coi một chút coi cậu chủ cần gì rồi xuống ngay.
Phượng Hy gật đầu. Cô không hiểu sao mình theo người đàn bà lạ này về đây và ngồi xếp một chỗ như vầy. Chẳng lẽ tại vì bà ấy không đủ sức thuyết phục. Có lẽ tại cô buồn, muốn tìm chỗ giải khuây. Nhưng tìm đúng chỗ này đúng là xui.
Con bé khệ nệ mang vào một ly nước to:
- Mời cô uống nước.
Phượng Hy mỉm cười:
- Cưng tên gì?
- Dạ ở nhà tên Xê. Má em nói má tên Bê, thì em tên Xê cho dễ nhớ.
Phượng Hy hỏi tiếp:
- Còn đi học thì tên gì?
Con nhỏ Xê hỉnh mũi ra chiều hãnh diện:
- Dạ tên Lệ Thủy. Má nói giống y tên Lê Thủy hát cải lương. Má em mê cô Lệ Thủy lắm á.
Phượng Hy cười hết nổi khi nhớ tới ba mẹ mình. Nghệ sĩ đa phần là thần tượng của nhiều người, hoặc ít nhất của một người. Như ba đã từng là thần tượng của mẹ, để rồi một ngày kia thần tượng bị sụp đổ. Con người bằng xương bằng thịt đòi hỏi đủ điều từ vợ mình cho bi kịch xảy ra. Dì Bê vậy mà đỡ khổ hơn mẹ Hy, vì thần tượng của dì là một nữ nghệ sĩ, dì không bỏ gia đình để theo một người đàn bà được.
Giọng con bé Xê thì thào với vẻ tò mò tột bực:
- Phải cô là bồ của cậu Bằng không?
Đang uống nước dừa, Phượng Hy suýt sặc vì câu hỏi của con nhỏ. Cô trấn tĩnh lại:
- Sao em nghĩ kỳ vậy?
- Tại má nói trước sau gì cũng phải kiếm cho cậu Bằng một cô bồ. Thấy má dẫn cô về là em đoán ngay. Chắc cậu Bằng mừng lắm.
Phượng Hy dở khóc dở cười vì lời con bé. Không lẽ nào bà Bê mời cô về đây với mục đích đó? Tự dưng Hy thấy ghét gã Bằng chưa biết mặt mũi nào đấy hết sức.
Cô nhân nha bảo:
- Lúc nãy em nói cậu Bằng khó chịu lắm. Tội vạ gì cô phải là bồ ruột của người khó chịu nhỉ?
Con nhỏ Xê liếm môi:
- Nhưng cậu ấy cũng tội nghiệp lắm.
Phượng Hy tò mò:
- Sao lại tội nghiệp một người khó chịu?
Nhỏ Xê hạ thấp giọng:
- Tại cậu Bằng mới ở tù ra. Tù mười năm lận.
Phượng Hy trố mắt:
- Cậu ấy tội gì vậy?
Nhỏ Xê lắc đầu:
_ Em hổng rành. Nhưng mà có chết người đó.
Phượng Hy bỗng tò mò muốn biết nhiều hơn nữa về nhân vật Bằng này. Cô chưa kịp hỏi, nhỏ Xê đã.. nhiều chuyện:
- Nghe má kể hồi đó bồ cậu Bằng đẹp lắm, nhưng khi cậu ấy ở tù, cổ đi lấy chồng. Bởi vậy, bây giờ cậu Bằng rất hận đời. Chính vì hận đời, cậu ấy mới khó chịu với mọi người.
Hai vai rút lại, Xê thì thào:
- Con ớn cậu Bằng thấy mồ.
Phượng Hy buột miệng hỏi một câu lạc quẻ:
- Thế ba em có ở đây không?
Xê lắc đầu:
- Em không có ba. Má nói má vừa nghèo vừa xấu, hổng ai thèm lấy nên má xin em về nuôi cho vui cửa vui nhà.
Nghe con bé hồn nhiên nói về mình, Phượng Hy bỗng xót xa. Cô hỏi:
- Vậy ba má ruột em đâu?
Xê thản nhiên:
- Chắc là chết hết rồi. Nên hồi nhỏ tới giờ, ổng bả chưa lần nào tới thăm em hết.
Bà Bê tất tả bước vào, giọng bứt rứt:
- Tui bận chút việc, cô cứ theo con Xê đi vòng vòng sân vườn chơi nghen.
Phượng Hy dễ dãi:
- Được mà, dì cứ tự nhiên.
Bà Bê bảo với con gái:
- Mày dẫn cô Hy gần mé mương chỗ mấy cái võng cho cổ nằm chơi.
Nhỏ Xê nắm tay Hy lôi đi:
- Ra đây nằm mát lắm.
Vừa đi, Hy vừa nói:
- Nhà cô cũng có võng vậy.
Nhỏ Xê lý sự:
- Nhưng võng mỗi nơi mỗi khác. Nằm võng nhà em, bảo đảm cô sẽ khoái.
Phượng Hy nhìn quanh. Khu vườn này thật rộng lại nằm sát thành phố. Dĩ nhiên chủ nhân nó chắc phải thuộc hàng có máu mặt ở địa phương. Không hiểu sao họ lại dính vào tù tội nhỉ?
Cô ngập ngừng tìm hiểu:
- Trong nhà này, ngoài mẹ con em, còn có ai nữa?
Xê kể một dọc:
- Còn cậu Yên, bà Hai Nữ, cậu Bằng. Nhưng hiện giờ, chỉ còn cậu Bằng là ở đây hằng ngày, còn những người kia thỉnh thoảng mới về. Má nói tại cậu Yên và cậu Bằng hổng hạp nên hổng ở chung được.
Trề môi ra, con nhỏ lên giọng như bà già:
- Mà chắc cũng hổng ai hạp với cậu Bằng ngoài cái hũ rượu.
Ngồi xuống võng, Phượng Hy thắc mắc:
- Cậu Yên và những người kia là ai?
Xê nằm lăn ra cái võng đối diện:
- Cậu Yên là anh cậu Bằng. Bà Hai Nữ là má hai người. Cô hổng biết đâu, từ khi ra tù tới giờ, cậu Bằng làm xáo trộn hết mọi chuyện trong nhà. Cậu ấy dữ lắm, ai không làm vừa ý cậu là cậu ấy… đục đó. Bởi vậy, lần hồi ai cũng đi hết, còn mỗi mình má con em.
- Vậy là ổng hạp với má em rồi.
Con nhỏ đong đỏng:
- Hỏng dám đâu cô ơi! Tại má không có nhà. Đi khỏi đây, biết ở chỗ nào?
Phượng Hy làm thinh. Không nhà đúng là khổ. Hơn ai hết, Hy biết nỗi khổ này. Bất giác, Hy ngã người xuống võng, mắt nhắm lại với một mớ suy nghĩ không đầu không đuôi, không giải quyết được những tồn đọng trong lòng Hy. Cô không muốn ở nhà nấu cơm mãi như vầy. Nhưng để có một công việc ở thành phố bé tẹo này sao khó quá.
Nhỏ Xê kêu lên:
- Cô ơi, cô ngủ rồi hả cô?
Thấy Hy làm thinh, con nhỏ nói tiếp:
- Chỗ này của cậu Bằng đó. Nằm chơi thì được, chớ đừng có ngủ. Lỡ cậu ấy ra tới mất công lắm. Cô đừng ngủ nghen.
Phượng Hy vội nhỏm dậy vì tưởng lão Bằng đi ra tới. Nhưng khu vừơn vẫn lặng yên. Cô bỗng phì cười khi nghĩ mình tự dưng rời khỏi nhà để tới đây nhận lấy nỗi phập phồng từ một người chưa biết mặt.
Nhổm người lên, cô nhặt trái mận héo ném xuống mương, đám cá thòi lòi thấy động nhảy tòm xuống nước.
Phượng Hy lại nghe Xê ca cẩm:
- Làm cái gì mà má em chìu cậu Bằng dữ vậy hỏng biết. Hồi cậu ở tù, lâu lâu cũng chỉ có má đi hầu cậu ấy. Thú thiệt, con ghét cậu Bằng lắm.
Rồi như nghĩ mình không nên nói thế với một người mới gặp lần đầu, Xê nghiêm mặt:
- Cô đừng… học lại với má nghen, bả sẽ chửi vì em ghét cậu Bằng đó.
Hy mỉm cười:
- Cô đâu có nhớ Xê nói những gì mà học với mách.
Nhỏ Xê được nước, lấn tới:
- Cô cũng đừng thèm cặp bồ với cậu Bằng. Cho ổng ế độ luôn nghen.
Phượng Hy tỏ vẻ quan tâm:
- Nhưng ổng đã làm gì mà em ghét ổng quá vậy?
Xê bĩu môi:
- Tại má lo cho ổng hơn em, nên em ghét.
Hy nhỏ nhẹ:
- Vậy là ganh tỵ, xấu lắm.
Xê bướng bỉnh:
- Xấu cỡ nào cũng tốt hơn người từng ở tù.
Phượng Hy cau mày:
- Ai nói với em vậy?
- Cậu Yên nói khi gây lộn với cậu Bằng. Cậu Yên đi khỏi đây vì không muốn ở chung với người xấu đó.
Phượng Hy khe khẽ lắc đầu. Đúng là gia đình nào cũng có những bất đồng xung đột, chứ không phải chỉ gia đình cô là bất hạnh đến tan tác, chia lìa.
Bà Bê trở ra với một rổ nhãn. Tay quệt mồ hôi còn đọng trên trán, bà bảo:
- Ăn thử nhãn nhà này coi ngon hay dở hơn nhãn của bà Bảy Thương.
Phượng Hy hờ hững:
- Cháu thấy nhãn nào cũng vậy.
Bà Bê có vẻ phật ý:
- Sao cũng vậy được. Mỗi loại mỗi có tên, mỗi tên có cái khác của nó chớ. Loại này đang được chuộng nhất đây. Có bao nhiêu cũng không sợ ế. Con ăn thử đi.
Phượng Hy nhón một trái cho vừa lòng bà và nhận ra trái nhãn này thật dày cơm, dai thịt và hạt lại nhỏ.
Vừa ăn, cô vừa nghe bà Bê kể một loạt tên nào là nhãn tiêu, nhãn huế, nhãn da bò… với những cái hay dở của nó. Vườn nhà ngoại Hy cũng có nhiều nhãn, nhưng cô không biết đó là nhãn gì, giá trị kinh tế ra sao.
Bà Bê phấn chấn khoe:
- Mai mốt cậu Bằng sẽ cải tạo lại hết những giống nhãn cũ, năng suất thấp để trồng loại mới, thu hoạch cao, trái lại ngon.
Nghe bà Bê nói, Phượng Hy có cảm giác bà là một cán bộ nông nghiệp đầy kinh nghiệm chứ không phải một người giúp việc nhà tầm thường như bà tự giới thiệu mình. Với cách nói đó, chắc chắn bà Bê gắn bó với gia đình này nhiều lắm.
Phượng Hy tò mò:
- Dì ở đây lâu chưa?
Bà Bê chớp mắt:
- Sau khi bà Bảy đuổi, tui được ông chủ này nhận vô làm tới bây giờ luôn.
- Nghĩa là đã hai mươi năm hơn?
Bà Bê gật đầu:
- Đúng vậy.
Hy nói:
- Thảo nào dì có những cảm tình đặc biệt với cậu chủ và ngôi nhà này.
Bà Bê buột miệng:
- Con Xê lại nhiều chuyện với cháu rồi.
Phượng Hy vội lên tiếng:
- Con bé đâu nói gì. Nhìn cử chỉ của dì, cháu cũng đoán được. Hơn nữa, không có tình cảm đặc biệt, làm sao dì chịu ở đây cả hai mươi năm.
Bà Bê xa xôi:
- Ở lâu thì phải mến người, mến cảnh chớ. Tui là người chung thủy mà.
Phượng Hy dò dẫm:
- Chắc cậu chủ Bằng là người cực kỳ tốt?
Bà Bê gật đầu, giọng chắc nịch:
- Đúng, không ai tốt hơn cậu ấy đâu.
- Chắc cậu chủ phải lớn tuổi rồi?
- Đâu có. Cậu Bằng mới hai tám tuổi.
Phượng Hy ngạc nhiên:
- Ủa! Vậy nhận dì vào làm là người khác à?
- Ừ, khác. Ổng là chú của cậu Bằng.
Bà Bê bỗng chuyển đề tài:
- Vợ chồng Hai Thọ có tốt với cháu không?
Phượng Hy ngập ngừng:
- Cháu không biết nữa. Người ta nói thức khuya mới biết đêm dài. Mới về ở hơn một tháng, cháu chưa thấy biểu hiện gì rõ. Hơn nữa vợ chồng cậu Hai tối ngày đi suốt, ai cũng bận bịu công việc, nên đâu còn thời gian để ý tới cháu.
Bà Bê nói:
- Tui hiểu rõ hai người đó mà. Họ chả cho không ai cái gì đâu. Tốt nhất, cháu nên có một việc làm.
Phượng Hy thở dài:
- Cháu chẳng biết làm gì ở xứ này hết. Học hành dang dở, chuyên môn chả có, ai thèm mướn cháu.
- Nhưng không lẽ cháu sống nhờ vào người khác hoài?
Phượng Hy cứng mồm vì câu trả lời trần trụi của bà Bê. Thiếu gì người không cha mẹ vẫn tự lập được. Tại sao cô thì không?
Phượng Hy ấp úng phân bua:
- Trước khi mất, mẹ bắt cháu hứa phải về ở với ngoại để thay mẹ chăm sóc bà ở những ngày gần đất xa trời. Cháu phải vâng lời mẹ trước, rồi từ từ mới tính sau.
Bà Bê hạ giọng:
- Nói dại mồm. Lỡ ngày nào đó, ngày ngoại cháu trăm tuổi thì sao? Cháu sẽ ra khỏi nhà đó với hai bàn tay trắng như lúc cháu về à? Tui dốt, hổng có ăn học, nhưng cũng biết chút ít về đời. Cháu phải lo cho thân mình ngay từ bây giờ, chớ đừng trông mong gì vào của cải của bà Bảy.
Phượng Hy đỏ mặt:
- Cháu không hề nghĩ như vậy.
Bà Bê nhỏ nhẹ:
- Tui biết. Lẽ ra tui không nên nói những lời khó nghe như vừa rồi, nhưng vì cháu là con của cô Ba Huyền, người mà tôi chịu ơn rất lớn, do đó tui phải thiệt tình khuyên răn. Cháu đừng giận nghen.
Phượng Hy chép miệng:
- Cháu hiểu dì mà.
Rồi cô nói tiếp:
- Giờ cháu phải về lo cơm chiều cho cả nhà.
Bà Bê tỏ vẻ tức giận:
- Mợ Phụng bắt cháu làm công việc của người ở mà bà Bảy cũng chịu à?
Phượng Hy ngập ngừng:
- Bà ngoại không thích, nhưng tại cháu muốn nhà yên ổn nên nhận làm cho rồi.
Bà Bê kêu lên:
- Thay vì lo ba chuyện thầy bà, chùa miễu, bà Bảy lo cho cháu hổng tốt hơn sao?
Phượng Hy lặng lẽ nhìn, bà Bê như nhận ra mình đã quá lời, nên ngập ngừng:
- Tui nói nhiều quá, chắc mai mốt cháu không thèm qua chơi nữa đâu hả?
Phượng Hy gượng gạo:
- Dạ đâu có. Cháu sẽ qua thăm dì với bé Xê, nếu rảnh.
Bà Bê đưa cô ra tận cổng:
- Có chuyện gì, cứ chạy sang đây, đừng ngại gì hết.
Phượng Hy máy móc gật đầu. Cô không tưởng tượng nổi “có chuyện gì” là chuyện gì, mà hết dì Tuyên lại đến bà Bê dặn dò cô với vẻ đầy cẩn trọng. Với những bất hạnh đã xảy ra thì còn có chuyện gì lớn hơn khiến Hy phải sợ nữa.