Chiếc tàu lớn giương cờ Anh mà người ta đã để cho vào vịnh Carlisle một cách bình yên ấy thì ra là một chiếc tàu kaper[1] Tây Ban Nha. Nó đến đây không phải chỉ để thanh toán những món nợ lớn nào đó của các tay anh chị hải hồ tham lam, mà còn để trả thù tổn thất mà "Pride of Devon" đã gây ra cho hai chiếc galleon[2] chở châu báu đi Cadiz[3]. Thuyền trưởng của chiếc đã trốn thoát là Don[4] Diego De Espinosa y Valdez, em ruột của đô đốc Tây Ban Nha Don Miguel De Espinosa, một người rất nóng nảy và kiêu ngạo. Nguyền rủa mình vì thất bại, Don Diego thề sẽ cho bọn Anh một bài học mà chúng phải nhớ suốt đời. Hắn quyết định học lấy một vài kinh nghiệm của Morgan[5] và những tên cướp biển khác, làm một cuộc tập kích trừng phạt vào thuộc địa Anh gần nhất. Rất tiếc là lúc còn ở San Juan De Porto Rico, khi hắn đang trang bị con tàu "Cinco Llagas" nhằm mục đích ấy thì ông anh đô đốc của hắn không có ở bên cạnh để khuyên can hắn đừng liều lĩnh. Mục tiêu được hắn chọn cho cuộc tập kích là đảo Barbados , nghĩ rằng quân trấn thủ ở đó ỷ vào những chướng ngại tự nhiên của hòn đảo nên dễ bị đánh phủ đầu không kịp trở tay. Hắn chọn Barbados còn vì theo tin tức nội gián cung cấp, chiếc "Pride of Devon" vẫn còn ở đấy, mà hắn thì muốn rằng việc báo thù của mình ít nhiều phải có tính chất chính nghĩa. Thời điểm tập kích được hắn chọn đúng vào lúc trong vịnh Carlisle không còn một chiếc tàu nào khác. Cái ranh ma của hắn đã không bị phát giác, đến nỗi không làm ai nghi ngờ, hắn đã vào tận cảng bình yên và chào pháo đài trấn thủ bằng một loạt thần công gồm hai mươi khẩu bắn vỗ mặt. Vài phút sau, những người đang theo dõi vịnh cảng nhận thấy con tàu thận trọng di chuyển trong các bựng khói. Giương thêm buồm lòng giữa để tăng tốc độ và ngoặt gấp ngược gió, nó đưa ra các họng pháo mạn trái chĩa thẳng vào pháo đài lúc này vẫn chưa sẵn sàng đánh trả. Loạt súng thứ hai dội lên xé toạc không gian. Tiếng nổ đinh tai của nó làm đại tá Bishop sực tỉnh. Hắn chợt nhớ đến chức trách chỉ huy dân binh Barbados của mình. Bên dưới thành phố tiếng trống kèn nổi lên dồn dập, làm như còn phải loan báo thêm về mối hiểm họa này không bằng. Chức trách của đại tá Bishop là cầm đầu đồn binh ít ỏi vừa bị những khẩu pháo Tây Ban Nha biến thành đống gạch vụn. Bất chấp cái nóng kinh người và thân xác không lấy gì làm nhẹ nhõm của mình, tên đại tá quày quả lên đường vào thành phố. Hai tên vệ sĩ chạy gắn theo sau hắn. Quay sang Jeremy Pitt, Blood nhăn nhó mỉm cười. - Cái đó gọi là sự can thiệp kịp thời của số mệnh đấy. Nhưng có quỷ mới biết rồi sẽ đi đến đâu! Khi loạt súng thứ ba vọng lên, chàng nhấc tàu cọ và cẩn thận che lưng cho bạn. Đúng lúc ấy, tên giám thị Kent và chừng mười công nhân đồn điền xuất hiện trong khu trại bị quây giữa hàng rào. Tất cả đều hết sức hốt hoảng. Cả bọn chạy vào ngôi nhà trắng thấp và lát sau trở ra với súng hỏa mai và đoản kiếm trong tay. Bị bọn canh giữ bỏ mặc và bị lây không khí hoảng loạn chung, các nô lệ bị đày đến Barbados cũng nhóm hai, nhóm ba kéo đến ngôi nhà trắng của Kent . - Vào rừng! - Kent quát họ. - Chạy hết vào rừng và cứ ở đó đợi chừng nào chúng tao trị xong bọn lợn Tây Ban Nha này cái đã. Và hắn vội vã chạy theo cả bọn đến hợp quân với đám dân binh lúc này đang tụ tập trong thành phố để chống trả nhóm đổ bộ Tây Ban Nha. Nếu không có Blood thì chắc các nô lệ đã tuân theo mệnh lệnh ấy rồi. - Nắng thế này thì chúng ta đi đâu mà vội, - Blood lên tiếng và các nô lệ ngạc nhiên nhận thấy chàng bác sĩ đang nói rất bình thản. - Chúng ta có thể cứ việc ngồi đây mà xem màn kịch, còn nếu phải rút thì đến khi bọn Tây Ban Nha chiếm xong thành phố rút cũng kịp chán. Đám nô lệ - cả thảy hơn chục người - ngồi lại trên chỗ cao, nơi trông thấy rất rõ toàn cảnh chiến trường và cuộc chiến đấu đang diễn ra sôi sục dưới đó. Dân binh và dân chúng trên đảo, những ai còn có khả năng cầm vũ khí, cố sống cố chết đánh bật bọn đổ bộ với một quyết tâm tuyệt vọng vì hiểu rằng nếu bại trận thì họ sẽ không hi vọng được khoan hồng. Tất cả đều biết rõ sự tàn bạo của lính Tây Ban Nha, ngay cả những việc tệ hại nhất của Morgan cũng chưa ăn thua gì so với những trò thú vật của bọn cường đồ xứ Castillan. Chủ tướng bọn Tây Ban Nha nắm vững việc mình làm, còn về phía lực lượng dân binh Barbados thì thực tình không thể nói như vậy được. Lợi dụng ưu thế của cuộc tập kích bất ngờ, ngay từ những phút đầu tiên quân Tây Ban Nha đã vô hiệu hóa pháo đài và chứng tỏ cho dân Barbados thấy ai là chủ tình thế. Pháo của chúng từ tàu nã vào khoảng trống phía sau đập chắn sóng biến đám người do tên Bishop vụng về bất tài chỉ huy thành đống cháo thịt bầy nhầy. Quân Tây Ban Nha đã huy động rất ăn ý trên cả hai mặt trận: hỏa lực của chúng không những đã gieo rắc kinh hoàng trong hàng ngũ loạc choạc của quân cố thủ mà còn yểm hộ đắc lực cho các toán đổ bộ lên bờ. Trận đánh diễn ra cho đến khi đứng bóng, dưới ánh nắng chói chang, và tiếng súng mỗi lúc một gần cho thấy rõ ràng quân Tây Ban Nha đã áp đảo quân giữ thành. Đến lúc mặt trời lặn thì hai trăm năm mươi lính Tây Ban Nha đã hoàn toàn làm chủ Barbados . Quân trên đảo bị tước vũ khí và trong dinh thống đốc, Don Diego với một vẻ lịch thiệp rất giống sự lăng mạ, đã định tiền chuộc cho thống đốc Steed, lúc này vì quá khiếp đảm nên không nhớ gì đến bệnh thống phong, cùng đại tá Bishop và một số sĩ quan khác. Don Diego khoan dung tuyên bố rằng với một trăm nghìn peso và năm chục đầu gia súc hắn sẽ thương tình không biến thành phố thành tro bụi. Trong khi tên chủ tướng lễ độ với những cử chỉ lịch thiệp đang bàn bạc những chi tiết ấy với viên thống đốc Anh mất hồn mất vía, thì bọn lính Tây Ban Nha ra tay cướp bóc, hành hung và rượu chè be bét như chúng vẫn làm trong những trường hợp tương tự. Trời vừa nhập nhoạng, Blood đánh liều xuống thành phố. Những gì chàng trông thấy và kể lại cho Pitt đã được Pitt ghi lại trong một công trình nhiều tập mà một phần đáng kể câu chuyện của tôi đã được rút ra từ đó. Tôi không định nhắc lại ở đây các chi tiết nào trong số những ghi chép ấy bởi vì những hành động của bọn Tây Ban Nha đáng ghê tởm đến lộn mửa. Thật khó mà tin được rằng, dù có sa ngã đến mức nào đi nữa con người lại có thể rơi xuống tận cùng tàn nhẫn và đổ đốn như vậy. Cảnh tượng bỉ ổi mở ra trước mắt Blood đã làm chàng rùng mình và buộc chàng rời bỏ ngay cái địa ngục trần gian ấy. Ở một đường phố hẹp, một cô gái tóc xổ tung đang hốt hoảng chạy đâm sầm vào chàng. Một tên Tây Ban Nha chân đi đôi giày nặng trịch vừa cười hô hố vừa chửi rủa đuổi theo cô. Lúc đã gần bắt được cô thì bất thần hắn bị Blood chặn lại. Tay chàng cầm một thanh gươm vừa lấy được của một người lính tử trận và đem theo để đề phòng bất trắc. Trông thấy lưỡi gươm trong tay Blood, tên Tây Ban Nha vừa kinh hoàng vừa bực tức vội dừng lại. - Ah, perro Ingles![6] - hắn hét lên và xông lại đón nhận cái chết. - Chắc ông đã sẵn sàng đến gặp đấng hóa công của mình rồi nhỉ? - Blood nhã nhặn hỏi, vừa nói chàng vừa đâm xuyên lưỡi gươm qua người hắn. Chàng làm việc đó rất thành thạo, với tài nghệ của một người thầy thuốc và sự khéo léo của một tay gươm sừng sỏ. Tên Tây Ban Nha không kịp kêu lấy một tiếng, đổ phịch xuống đất như một đống thịt. Xoay mặt cô gái đang nức nở nép sát vào tường lại phía mình, Blood nắm tay cô. - Đi theo tôi! - chàng nói. Nhưng cô gái đẩy chàng ra và vẫn không chịu nhúc nhích. - Ông là ai? - Cô ta khiếp sợ hỏi. - Cô định chờ đến lúc tôi xuất trình giấy tờ cho cô xem nữa ư? - Blood mỉa mai. Từ góc đường, nơi cô gái vừa bị tên Tây Ban Nha đuổi đến, đã nghe vọng lại những tiếng chân nặng nề. Có lẽ yên lòng vì cách phát âm tiếng Anh rất chuẩn của chàng, không hỏi thêm câu nào, cô gái đưa tay ra. Nhanh chóng đi qua con hẻm và leo lên núi theo những đường phố vắng tanh, rất may họ đã ra đến ngoại ô Bridgetown mà không gặp ai. Trong chốc lát, thành phố đã nằm lại phía sau và Blood đã phải đem hết sức lực của mình để kéo cô gái lên con đường dốc dẫn đến nhà đại tá Bishop. Ngôi nhà chìm trong bóng tối, và Blood thở dài nhẹ nhõm, bởi vì nếu bọn Tây Ban Nha đã đến được đây thì trong nhà phải sáng đèn. Đập cửa mấy lần, Blood mới nghe thấy tiếng thưa rụt rè từ cửa sổ bên trên vọng xuống. - Ai đấy? Giọng nói run rẩy ấy rõ ràng là của Arabella Bishop. - Tôi đây, Peter Blood đây, - chàng vừa nói vừa thở dốc. - Ông cần gì vậy? Blood hiểu sự lo lắng của nàng: nàng phải e ngại không những bọn Tây Ban Nha mà cả những nô lệ ở đồn điền của ông chú nàng nữa - họ có thể nổi loạn và trở nên nguy hiểm đối với nàng không kém gì bọn Tây Ban Nha. Nhưng đúng lúc ấy, cô gái được Blood cứu thoát đã nhận ra giọng nói quen thuộc và mừng rỡ kêu lên: - Arabella! Mình đây, Mary Traill đây. - Ô, Mary?! Bạn đấy à? Sau tiếng kêu ngạc nhiên ấy, giọng nói bên trên im bặt, rồi vài giây sau cánh cửa bật mở, Arabella đứng trong gian tiền sảnh rộng thênh thang, ánh lửa lập lòe của cây nến nàng cầm trong tay mờ ảo chiếu lên thân hình thon thả mặc áo dài trắng của nàng. Blood bước vội vào nhà và đóng sập cửa lại. Cô bạn đồng hành của chàng ngã vào lòng Arabella khóc tức tưởi. Nhưng Blood không hề để ý đến những giọt nước mắt của cô gái - không thể để mất thời gian nữa. - Trong nhà còn người đầy tớ nào không? - Chàng hỏi nhanh một cách quả quyết. - Các đầy tớ trai trong nhà chỉ còn lại ông già da đen James. - Chính là người chúng ta cần, - Blood nói, sau khi nhớ ra rằng James là grum - Hãy bảo ông ta đưa ngựa đến đây rồi cô đi ngay đến Speightstown. Ở đó các cô sẽ tuyệt đối an toàn. Không thể lần chần được nữa. Nhanh lên nào! - Nhưng trận đánh đã kết thúc rồi cơ mà...- Arabella tái mặt ngập ngừng nói. - Cái đáng sợ nhất vẫn chưa đến đâu. Cô Traill sẽ kể lại cho tiểu thư hay sau. Lạy chúa, xin hãy tin tôi và làm như tôi bảo. - Ông ấy... ông ấy đã cứu mình, - cô Traill nước mắt vòng quanh thì thào. - Cứu bạn à? Arabella thất kinh, - Làm sao mà phải cứu, Mary? - Chuyện ấy để sau! - Blood gần như phải gắt lên với họ. - Các cô còn cả đêm để nói chuyện với nhau. Lúc này gọi James và làm như tôi nói ngay cho! Ngay bây giờ! - Đó không phải ông nói mà ông ra lệnh. - Lạy Chúa! Tôi ra lệnh đấy! Nào, cô Traill, cô hãy nói xem tôi có cơ sở... - Vâng, vâng,- chưa kịp nghe hết câu, cô gái đã vội vàng lên tiếng. - Arabella, mình van bạn, hãy nghe lời ông ấy đi. Arabella ra ngoài, để cô Traill ở lại một mình với Blood. - Tôi... tôi không bao giờ quên ơn ông, thưa ông! - Mary rưng rưng nước mắt nói. Và mãi đến bây giờ Blood mới kịp ngắm cô gái bé nhỏ, mỏng manh như một đứa trẻ ấy. - Trong đời mình, tôi phải làm những việc còn ghê hơn kia, - chàng dịu dàng và cay đắng nói thêm - Chính vì thế mà tôi mới ở đây. Cô gái dĩ nhiên không hiểu chàng nói gì và cũng không giả vờ như đã hiểu. - Ông... ông đã giết hắn à? Mary sợ sệt hỏi. Chăm chú ngắm nhìn cô gái dưới ánh đèn chập chờn Blood nói: - Tôi hy vọng thế. Rất có thể là như vậy, nhưng cái đó chẳng có ý nghĩa gì đâu. Quan trọng nhất là làm sao James nhanh nhanh đưa ngựa lại. Rốt cuộc, ngựa đã được đưa đến. Cả thảy 4 con bởi vì ngoài James đi theo đưa đường, Arabella còn đem cả cô hầu gái đang một mực không chịu ở nhà theo nữa. Đặt cô Mary Traill nhẹ như một chiếc lông hồng lên ngựa xong, Blood quay sang từ biệt Arabella lúc đó đã ngồi trên yên. Chàng chúc nàng lên đường bình yên, định nói thêm gì nữa nhưng rồi lại thôi. Những con ngựa cất bước và chốt lát đã mất hút trong bóng tối tím ngắt của một đêm đầy sao, còn Blood thì vẫn đứng nguyên bên cạnh nhà Bishop. Từ trong bóng tối vọng đến tai chàng giọng nói trẻ con run run: - Không bao giờ tôi quên được những việc ông đã làm cho tôi đâu, ông Blood! Không bao giờ! Nhưng câu nói ấy không làm chàng vui lên bao nhiêu, bởi vì chàng đang mong đợi được nghe một cái gì đó giống như vậy do một người khác nói ra. Chàng đứng thêm vài phút trong bóng tối, dõi theo những con đom đóm chập chờn trên khóm đỗ quyên cho đến khi tiếng vó ngựa không còn nghe thấy nữa, sau đó chàng thở dài, trở về với thực tại. Chàng còn rất nhiều việc phải làm. Chàng xuống dưới phố không phải để xem kẻ chiến thắng xử sự ra sao. Chàng cần phải tìm hiểu một số việc. Nhiệm vụ ấy chàng đã hoàn thành và nhanh chóng trở về xóm lều nơi các bạn chàng - các nô lệ của đại tá Bishop - đang chờ đợi chàng với sự lo âu xen lẫn ít nhiều hyvọng. Chú thích:[1] Loại tàu làm nhiệm vụ đánh cướp các tàu chở hàng của địch hoặc các nước trung lập chở hàng cho địch (Thế kỷ 16- 18), đã bị công ước quốc tế cấm (năm 1856).[2] Loại tàu lớn ba cột buồm.[3] Cadiz là thành phố và hải cảng tỉnh Cadiz , tây nam Tây Ban Nha.[4] Ông, ngài (tiếng Tây Ban Nha).[5] Henry Morgan (1635-1688): một cướp biển nổi tiếng trong Thế kỷ 17, sau là thống đốc Jamaica .[6] A, con chó Anh!