Dù sao, đời sống và các nhu cầu của nó vẫn có một uy lực ghê gớm. Vũ Sơn thường ca cẩm với tôi về những chuyến đi công cán, nghĩa là đi viết bài cho một cơ sở nào đó, không phải chỉ đơn thuần vì mục tiêu nghề nghiệp mà chủ yếu là vì các phúc lợi vật chất. Tuy nhiên, một buổi chiều tôi tới rủ anh lên sân vận động xem đá bóng, thấy anh bò trên bàn làm việc, đưa bút lia lịa. Dăm bảy trang đã viết rồi nằm la liệt dưới chân bàn. Còn những trang đợi viêt kêu sột soạt dưới khuỷu tay nhà báo. Thấy tôi, anh ngước mắt lên: - Chờ tôi, cậu chịu khó chờ tôi một lát nhé. Chỉ vài chục dòng nữa là xong cái của nợ này. Nói đoạn, anh kéo tờ giấy đặc kín chữ roạt một tiếng, ném xuống chân bàn. Sau đó, lấy tờ giấy trắng khác, viết tiếp. Tôi ngồi xuống chiếc ghế mây có tựa, vật quen thuộc nhất từ ngày tôi biết anh. Tìm ấm chén, phích nước và hộp trà, tôi pha nước uống. Chừng mươi phút nữa, Vũ Sơn viết xong bài báo. Anh lượm những trang giấy ngổn ngang dưới chân lên, sắp xếp theo thứ tự, nhét vào chiếc cặp da để đầu giường rồi đứng dậy, vươn vai, vặn lưng răng rắc. Đứa con trai lớn từ cửa lò dò đi vào, tay xách chiếc hăng- gô: - Này bố, phở của bố đây. Nó nói, rồi đặt hăng- gô phở lên bàn làm việc. Ngoài cổng, một cái đầu trọc lốc ló vào: - Mau lên, mày còn nợ ông sáu viên. Thằng con lớn của nhà báo quay lại: - Rồi tao sẽ giả, chở ở đấy. Dứt lời, không kịp nhìn ông bố, nó chui tọt vào buồng, lục lọi gì đó trong bóng tối khá lâu. Lát sau, nó chạy vụt qua mặt chúng tôi, một tay túm chặt vạt áo trước. Vũ Sơn xuống bếp, lấy lên chiếc thìa chan canh. Ngồi chồm hỗm trên giường, anh kéo hăng- gô phở vào lòng, xúc ăn: - Cuộc đời thật sự như thế đấy cậu Nam ạ. Mọi ngày, khi tôi viết những bài báo quan trọng về vấn đề này hoặc vấn đề kia của đất nước, đăng ở những tờ báo tiếng tăm nhất thì vợ tôi kệ xác: Mày viết hở? đói hở? vào nồi lục cơm nguội mà ăn. Chẳng có thịt cá gì đâu, cà đấy, trám ngâm nước mắm đấy, cứ thế mà giã. Đôi khi, nồi cơm trẻ con không đậy kĩ, chuột nhắt nhảy vào vọc chán chê… Vậy mà hôm nay tôi viết bài báo cho một nhà máy cấp tỉnh, đăng ở tờ báo của tỉnh thì nó phục vụ tôi đầy đủ thế: Nào cháo trứng, nào cà phê sữa, nào phở tái lăn… Chả là vì sau khi đăng bài báo này thế nào người ta cũng cho tôi mua rẻ vài chục mét kính. Bán cho đám dân buôn mới phất đang hăng máu làm nhà, cơi gác, có ngay món tiền nặng bỏ hầu bao. Đàn bà ngửi mùi tiền thính lắm cậu ạ, nhiều khi còn thính hơn chó trinh sát của công an… Dứt lời, Vũ Sơn cười giàn giụa. Anh đứng lên, bỏ chiếc hăng- gô vào một góc nhà rồi ngồi uống trà với tới. Uống hết tuần trà thứ hai, anh đứng lên: - Ta đi chơi một lát cho nhẹ đầu. Ở nhà mãi xương cốt rục hết. Nhưng đừng xem đá bóng. Hai cái đội này đá như mèo gãi ghẻ. Chúng tôi dắt xe tới cổng, gặp một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi đi ngược lại. Bộ điệu ông ta hớt hải, lo âu, thấy Vũ Sơn, ông ta mừng rỡ kêu: - Đây rồi, đây rồi… Tôi tìm anh ba bốn hôm nay, lần nào tới cũng chỉ gặp chị ấy với lũ trẻ ở nhà… Thật là may, đúng sớm ngày tôi bước chân phải ra khỏi cửa. Nhà báo giới thiệu tôi với người đàn ông kia, ông ta là phóng viên báo tỉnh. Sau đó, anh hỏi: - Có bài báo làm gì mà cậu cứ phải chạy nhặng lên? Cái người đàn ông bị anh gọi là cậu, nhăn nhó: - Khổ quá, anh Mai Hồng thúc tôi đêm ngày, sợ lỡ bài cho số báo sắp tới. Chúng tôi biết anh bận trăm thứ việc, mỗi lần anh quan tâm tới tờ báo tỉnh nhà, chúng tôi quý hóa lắm… Vũ Sơn gật đầu: - May cho cậu thật đấy… Cả tuần nay tôi bận. Chậm một phút nữa tôi với Nam cũng đi rồi… Ông phóng viên báo tỉnh gật đầu lia lịa: - Vâng, thật là may, thật là may… Vũ Sơn quay vào nhà lấy bài báo vừa viết đưa cho ông ta. Vị phóng viên cúi chào mấy lượt rồi đạp xe đi. Chúng tôi cũng đạp xe sau anh ta vì cùng chung một lối phố. Tới ngã tư, nhà báo tỉnh rẽ sang trái còn chúng tôi đi ngược lên phía bắc. Ở đó, có một ngôi chùa vô danh nhưng khá đẹp. Chùa đứng trên đồi, các lối đi vòng theo đường xoắn ốc, được vây bọc bởi những hàng giậu cúc tần, và dọc theo bức tường xanh rờn diệp lục, từng đoạn một, ónh ánh những đám dây tơ hồng trường cửu. Ba chúng tôi đã lên đây chơi vài lần, nhưng từ ngày Thanh Dương chìm đắm vào cuộc tình với cô Hạnh, tới hôm nay Vũ Sơn mới rủ tôi quay lại vãn cảnh chùa. Ngày thường, nơi đây vắng và yên tĩnh. Không một bóng người qua lại, không tiếng nói chỉ có các điệu hót của lũ chim vườn lúc tấu lên đơn lẻ, lúc hòa điệu giữa không gian lặng tờ, trong như pha lê. Chúng tôi bước qua cổng tam quan, qua mảnh sân đầy lá dại và những cánh hoa trắng. Hai viền cỏ lan chi chạy theo hàng gạch viền răng cưa trổ hoa tím. Từ trong sân chùa, một con chó ta, giống bất cứ con cún nào vẫn gặp ở làng quê chạy ra sủa ăng ẳng. Không thấy sư thầy, cũng không thấy chú tiểu mọi ngày giữ chó. Tuy nhiên, con cún đã nhận ra chúng tôi, những vị khách quen từng mang đồ ăn chay lên đây thưởng ngoạn cảnh chùa. Nó không cắn nữa mà im lặng ngoe nguẩy đuôi, lũn cũn chạy theo chúng tôi ra chiều âu yếm. Vũ Sơn dắt tôi qua chùa chính, nơi bàn thờ đang ngút hương, một chồng oản với năm nải quả đặt trên đài gỗ sơn son, hai lọ huệ chưa tàn hết. Anh bảo: - Xuống dưới kia chơi, ở đây tôi lại thèm ăn oản. Anh vốn có tính tự nhiên. Đến bất cứ nơi nào, dù quen hay lạ, anh cũng mau chóng làm chủ tình thế và sục sạo như chủ nhân chính cống. Anh dắt tôi đi qua gian nhà trống giành cho khách thập phương trú chân những ngày hội ngày lễ. Rồi vượt lên mấy bậc tam cấp, chúng tôi bước vào sau chùa. Chùa này, ngoài bàn thờ các vị Kim cương còn một dãy nhà bức bàn kiểu cổ giành cho sư sãi, xưa kia là nơi gác những nong tằm hồi ruộng đất nhà chùa còn rộng rãi, đủ thuê người trồng dâu, hái dâu và quay tơ ươm kén. Giờ, các cánh cửa đóng im ỉm mốc thếch như những tấm da trăn khổng lồ. Chợt, chúng tôi nghe thấy tiếng người thở hổn hển, rồi những tiếng thì thầm rất khẽ vọng ra. Sau đó, tất cả tắt đi một cách đột ngột, Vũ Sơn cất tiếng nói rất to: - Cậu xem kìa, gốc cây ngọc lan bị mối đùn bằng đống rấm. Cái cây này chết đến nơi rồi. Tôi phải nói với sư thầy chặt đi mới được. Anh bấm tay tôi, kéo tôi đi dọc hành lang, cố tình lê dép sền sệt. Tới đầu hồi, anh nói tiếp: - Xuống vườn mà chơi, ở đây nhiều me đất lắm. Trước khi về nhớ xin nhà chùa một nắm cho bà cụ nấu canh chua… Chúng tôi bước xuống vườn, tiếp tục cuộc đối thoại ồn ĩ về số phận của các cây đào, cây ổi, các cây hoa hoàng lan và ngọc lan, các bụi ngâu và nhài… Một vài phút sau, sư thầy đi ra, mời chúng tôi vào uống trà. Dù Vũ Sơn khỏa lấp bầu không khí ngượng ngùng đó bằng những câu chuyện vui vẻ, liên hồi như bắn súng liên thanh, tôi vẫn thấy thương hại kẻ tu hành khốn khổ. Ông ta mới trạc ngoài ba mươi, ba bẩy, ba tám là cùng. Những bắp thịt trên cần cổ, trên vai rắn rỏi và hai gò má căng phồng, chưa một nếp nhăn. Chúng tôi uống nhạt ấm trà, nói chuyện với nhà sư về tình hình thế giới lẫn cách chọn cà chua rồi cáo từ. Lúc qua sân trước, tôi thấy dáng mũm mĩm của một người đàn bà trong gian bếp tối. Bà ta quay lưng lại phía sân, đang cắt vật gì đó màu trắng, hình như là đậu phụ. Đường xoắn ốc leo đồi, cả lúc lên và lúc xuống đều phải dắt bộ. Đang đi, chúng tôi gặp chú tiểu vác bó củi cành, mặt mũi nhem nhuốc mồ hôi. Chú cất tiếng chào chúng tôi, rồi lại cắm cúi leo dốc. Hai vạt áo nâu giắt vào thắt lưng, đôi giày treo toòng teng bên sườn, Vũ Sơn nói: - Đôi khi, người ta đi hết cuộc sống của mình một cách mù lòa, hệt như những con ngựa bị thắng cương, hai bên mắt là hai mảnh lá đề che chắn. Vì vũ trụ chỉ còn hiện lên trước mắt những con ngựa ấy như một khe hở nhỏ hẹp, nên chúng cứ theo con đường đã vạch mà đi, không hề biết rằng mặt đất còn có núi non, sông hồ, những đồng cỏ và những bờ bãi. Những con ngựa không có khả năng tự tháo dỡ hai mảnh lá đề che mắt chúng. Còn con người, tại sao họ lại tự tiêu diệt quyền năng ấy. Gã thầy tu kia có thể đẻ với người đàn bà gã yêu một lũ con, công khai yêu đương mụ trước thế gian này. Nhưng gã đã chọn một kiếp sống… mà không, có thể không phải gã chọn, những tình cảnh trớ trêu nào đó đã đưa đẩy gã tới cảnh sống bất đắc dĩ, và gã không đủ sáng suốt tháo gỡ… Này Nam, tôi không muốn nhìn thấy ai đó đi hết cuộc đời mình mù lòa như những con ngựa bị che hai bên mắt, cho dù hai cái lá đề ấy là sự ngu đần lười nhác, là ách thống trị của danh vọng hay tình yêu…