Điều làm tôi khổ tâm nhất, bạn bè cùng phòng chẳng đứa nào biết tôi là tác giả của bức thư được tuyên dương trên cánh cửa của phòng nữ. Giữa lúc chuyện trò vui vẻ nhất thì thằng Kiệt lại buột mồm nói câu dễ ghét nhất: - Tao đố thằng Lê, ai là tác giả của bài thơ đã gửi cho các bạn phòng 4B? Nếu mày nói trúng thì tao xung phong đi rửa nồi rửa chén.Tôi biết nói gì bây giờ? Thằng Kiệt không biết thật hay chỉ giả vờ như vậy để chọc quê tôi? Thằng Chánh vội chen vào:- Mày hỏi như vậy thì sao thằng Lê trả lời được. Có các bạn nữ đây sao mày không hỏi thử, có hay hơn không?Các bạn nữ thân mến của chúng tôi lại cười rộ lên. Chưa bao giờ tôi thấy dễ ghét như bây giờ. Thu An đủng đỉnh đứng lên xô nhánh củi vào để ngọn lửa sáng hơn và õm ờ:- Ai là tác giả thì khoan hãy nói tới, nhưng nếu được người đó “để ý” tới mình thì cũng hay lắm. Thứ nhất là có thơ để đọc, thứ nhì là có kem ăn dài dài... Có đúng như vậy không Bích Châu?- Không, mình không thích ăn kem đâu. Ăn nhiều ê răng.Sao Bích Châu lại nói vậy? Tôi thấy tim mình đau buốt. Trò chơi này kéo dài đến bao giờ hở trời. Lại giọng thằng Chánh:- Con gái sướng thật. Được bao nhiêu người ái mộ gửi thư đến tán tỉnh, còn bọn mình có được như vậy đâu. Anh đề nghị với Thu An, Bích Châu, Thủy Đại, Phong Lan như vầy, nếu có ai gửi thư cho mấy bạn thì mấy bạn cứ giữ lại. Biết đâu mình sẽ có một tập thư tình hay nhất thế giới.Phong Lan lâu nay vốn tỏ ra dè dặt khi nói chuyện, tự nhiên nói oang oang:- Em có ý kiến, từ nay anh em mình “kết nghĩa” với nhau, thì không ai trong nhóm được làm thơ tán tỉnh với nhau nhé! Nếu ai không chấp hành thì bị nghỉ chơi luôn.Ý kiến đó là sao tôi chấp nhận được. Tôi đang “để ý” đến Bích Châu, mọi người có hiểu được điều đó không? Hay là nhỏ Phong Lan ngụ ý “răn đe” tôi trước. Bích Châu vẫn không nói thêm gì cả. Thôi từ nay đừng hòng mà thư với từ gì nữa cho mệt xác.Những đóm lửa bắt đầu tàn. Sương khuya đã chùng xuống. Trên vùng đất mênh mông này, chúng tôi đều cảm thấy lạnh. Các bạn phòng nữ đều đứng dậy để về. Ngày mai có tiết Nga Văn thì đâu có thể mà giỡn được. Dù biết vậy tôi vẫn láu lỉnh xung phong được đi theo với bọn con gái để... xách nồi, chén về phòng giùm. Đó là một ý đồ mà bọn thằng Chánh không thể nào hiểu nổi. Tôi lẽo đẽo đi theo sau Bích Châu. Khi gần đến phòng nữ, tôi quyết định... vấp ngã. Tôi lé lăn cù với nồi chén lỉnh kỉnh. Bọn con gái thấy tội nghiệp cho tôi, nên đã dành nhau xách hết mọi thứ cho tôi. Lúc này tôi thấy là lúc thuận tiện để có thể nói với em điều gì đó. Tôi nói:- Sao lại nghịch ngợm quá vậy? Châu đem tình cảm chân thật nhất của anh để làm trò đùa quái ác như thế... Châu biết anh sẽ như thế nào không?Em đã tròn xoe mắt nhìn tôi. Như có một sự ngập ngừng lẫn bối rối:- Như thế nào hở anh Lê?Bị hỏi lại như thế tôi không biết phải trả lời ra sao nữa. Tôi đáp rất... vu vơ:- Thì anh buồn lắm chứ sao!- Tại mấy đứa bạn cùng phòng xúi Châu, chứ Châu đâu có muốn...- Bộ Châu từ chối không được à?- Trong phòng bọn em có quy ước với nhau là thư của ai gửi đến cho bất cứ ai trong phòng thì cũng được đọc lẫn nhau cả, đọc chung để chia xẻ tình cảm với nhau đó anh Lê.Tôi còn biết bắt bẻ em sao nữa. Ước chi tôi có tài mồm mép như thằng Chánh thì sẽ hay biết chừng nào. Mặc dù còn ức lắm nhưng tôi đành... chào thua. Trong lúc tôi im lặng để tìm câu đối phó lại thì em đã nói trước:- Anh Lê nè, anh viết thư cho Châu như vậy bộ không sợ... không sợ cô Kim Oanh bên khoa Sử buồn à?Tôi đớ người ra:- Kim Oanh nào vậy?- Thì cô bạn trước đây hay đi khiêu vũ với anh đó, bộ anh quên rồi sao?À! Ra vậy. Ai dám nói người phụ nữ là phái yếu? Trí nhớ của họ mạnh mẽ lắm chứ không “yếu” chút nào đâu. Kim Oanh chính là người tuyên bố trong đêm văn nghệ toàn trường một câu xanh rờn “Học khiêu vũ nếu không ứng dụng nó vào đời sống, trong sinh hoạt hàng ngày thì học để làm gì? Thú thật với các bạn nếu chúng ta bước đi giống điệu nhảy thì cũng là một nghệ thuật cao cấp lắm rồi.” Hồi đó mới chân ướt chân ráo từ môi trường thanh niên xung phong trở về trường đại học nên tôi rất mê câu nói ấy, và thường xuyên cập kè với cô ta đến giảng đường. Vì quá mê khiêu vũ nên Kim Oanh thường đến giảng đường trễ giờ quy định. Khi dừng xe trước cổng cô ta đã vội vàng sửa sang lại quần áo để... quay một vòng và bước lên ba bước để chào mọi người. Cứ thế, như một con chim nhí nhảnh giữa sân trường, Kim Oanh đã thu hút cặp mắt tò mò của tất cả sinh viên. Cánh con gái cũng phải phát ghen lên trước sự thu hút đó. Từ đó, bất cứ nơi nào cô ta cũng trổ tài khiêu vũ của mình. Có lần chúng tôi rủ nhau đi xem phim – chỉ riêng cái tựa phim cũng đủ làm Kim Oanh mê mệt: Sàn nhảy dành cho hai người. Khi vào cửa soát vé, như một thói quen cô ta đã uốn éo cánh tay ôm choàng lấy tôi và nói nhỏ: “Hai đứa mình vào cửa bằng điệu Cha- Cha- Cha anh Lê nhé!”. Bất ngờ quá, tôi muốn ngăn cản, muốn nói một điều gì đó thì... Kìa, cô ta đã lui chân phải, lên chân trái, ngước mắt nhìn mọi người và nhảy một mình... vào cửa soát vé. Lập tức mọi người cười ồ lên. Tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, cô ta lại huýt sáo theo điệu nhảy Cha- Cha- Cha quen thuộc của mình. Có lần khác, chúng tôi vào nhà ăn của ký túc xá, đáng tiếc là hôm ấy loa phóng thanh của ban tự quản sinh viên lại cho phát những điệu nhạc du dương êm ái. Tôi đang ngồi ăn với thằng Chánh, thằng Kiệt thì Kim Oanh từ đâu lò mò tới và cúi xuống nói nhỏ với tôi: “Anh Lê ơi, em lại thấy ngứa tay ngứa chân quá! Bản nhạc này thích hợp với điệu Cha- Cha- Cha phải không anh?” Vì đang nhai những cọng rau muống dài loằng ngoằng nên tôi không thể trả lời được. Nhưng vừa nói xong thì cô ta đã đứng lên và... nhảy. Lúc đó, mọi người đều dừng ăn để tròn xoe mắt mà nhìn. Riêng tôi, tồi muốn lạy trời “Nhờ ai bẻ giùm đôi chân nhún nhảy ấy đi”. Vì chính Bích Châu đã đột ngột nhắtc tới Kim Oanh nên tôi bỗng bật cười một mình và nhớ lại những kỷ niệm khó quên của năm học thứ nhất. Chính vì từ chuyện đó nên bây giờ ở chung phòng với nhau, bọn thằng Chánh cấm tôi quan hệ với Kim Oanh nữa. Nhưng chuyện ấy đã “xưa như học kỳ một” mà Bích Châu còn nhắc đến tên Kim Oanh là có dụng ý gì? Có phải, sau trò chơi quái ác kia, em đã có cảm tình “đặc biệt” với tôi rồi phải không? Hồi nãy vì đông người nên em không nói chăng? Hay bây giờ mới đúng là lúc để em nói? Tôi chờ đợi.- Thôi mình về đi anh Lê ơi! Khuya rồi, mai mốt còn gặp nhau thì chúng mình nói chuyện nữa. Chúc anh ngủ ngon.Không lẽ chỉ có vậy thôi sao? Vâng, chỉ có những lời rất xã giao như vậy, chứ đâu có gì “đặc biệt” như tôi chờ đợi. Em đã bước đi rồi...Đêm đã khuya. Cả khu ký túc xa yên tĩnh lạ lùng. Những cánh chim ăn đêm bay vút qua xao động những nhánh tràm. Lúc ấy mới biết vai áo mình hơi ẩm ướt sương đêm.