Năm đứa tôi kéo vào quán cà phê cuối đường Hai Bà Trưng để giải khát. Thằng Kiệt vui vẻ hoạt bát hẳn lên. Thằng Chánh và thằng Hương sẽ không hiểu được động cơ nhiệm mầu nào đã làm cho thằng Kiệt thay đổi như vậy. Quán cà phê này rất đáng yêu, bởi phía trước có trồng khá nhiều bụi trúc và nhìn xa xa một chút là tượng đúc Trần Hưng Đạo uy nghi... Dòng xe cộ xuôi ngược đến là vui mắt. Bà chủ quán nói rặt một giọng Nam Bộ: - Mấy chú uống gì đây?Tôi vốn là dân miền Trung, nhưng mấy năm theo học ở Saigon tôi bỗng nhiên mê giọng nói của họ một cách lạ lùng. Ngày xưa, ngày tôi còn nhỏ, tôi còn nhớ ông dượng - Chồng bà dì ruột tôi - Thường xuyên đi Saigon. Với tôi Saigon là một địa danh, một vùng đất xa vời vợi mà tôi không thể hình dung nổi, họ sống họ sinh hoạt như thế nào cả. Ở quê tôi mỗi lần có người đi Saigon là cả xóm vây quanh đến hỏi "tình hình trong nớ" ra sao! Có người còn giữ được giọng Quảng Nam, nhưng cũng có người cố tình nói theo giọng Saigon. Kỷ niệm tôi còn giữ lại trong ký ức là có lần ông dượng tôi nói bằng giọng hai miền cộng lại: "Tao vào trỏng đi xe buýt sướng dễ sợ, xe chạy vù vù... Tao vào trỏng uống la- De và ăn mì xồ". Lẽ ra nói mì xào thì ông dượng tôi lại nói "mì xồ" rặt Quảng Nam nên mọi người cười như nắc nẻ. Dù sao, cái đáng quý là đi đâu, đến đâu, những người của mỗi vùng vẫn giữ lại được giọng nói của mình. Nghe bà chủ quán nói vậy, thằng Kiệt đã láu táu trả lời:- Dạ, dì cho bọn cháu xin năm ly trà đá.Bà chủ quán và Kim Loan cười ồ lên. Loan vội nói đỡ lời:- Thông cảm dì Hai ơi! Mấy ảnh là sinh viên nên quen uống trà đá hơn là cà phê...Kim Loan đã nói đúng. Với đồng tiền ít ỏi của học bổng và tiền viện trợ thất thường của gia đình đã tập cho chúng tôi dễ dàng quên đi những thói quen cần thiết. Có Kim Loan, vậy là chúng tôi đã có thêm một người bạn mới. Cô ta liếc nhìn Kiệt và nói:- Em quen với mấy anh rất tình cờ, nhưng biết mấy anh là bạn của chị Phong Lan nên em rất mến. Má em bán quán cơm cho sinh viên, lúc nào bả cũng cho sinh viên ký nợ. Năm sau mấy anh về dưới nầy học thì ghé đến quán má em ăn cho vui. Má em bán rẻ lắm...Bằng sự thông minh đột xuất, thằng Chánh buột miệng:- Ngay từ bây giờ má em có cho bọn anh ký nợ không?- Em sẵn sàng...Vừa nói xong, Kim Loan đã rút lấy cây bút trong túi áo thằng Kiệt và lật tay thằng Kiệt lên để ghi địa chỉ vào đó. Địa chỉ mà những lần sau về Saigon chúng tôi có thể... ký nợ. Thật là một dịp may hiếm có đã xảy ra trong buổi chiều tốt đẹp này. Ngồi nói chuyện với nhau chán chê, có lẽ muốn tỏ sự "uyên bác" nên thằng Kiệt mới bày ra trò chơi đố nhau. Cái khó của trò chơi này là phải tìm ra một câu nói khá thông dụng, có thể là tên phim hoặc tên quyển sách nào đó để định nghĩa một địa điểm nào đó trong đời sống sinh viên. Kim Loan có lẽ khoái trò chơi này, cô ta hưởng ứng nhiệt tình. Mở đầu thằng Kiệt đố:- Phòng ăn ký túc xá?Thằng Chánh trả lời:- Nơi gặp gỡ của tình yêu.- Không được, ăn uống có cái quái gì đâu mà yêu với đương.- Vậy tấn thảm kịch sau buổi đi săn.- Tạm được.Nhưng Kim Loan vội phản bác:- Như vậy chưa hay lắm theo em phải nói đó là nơi mà mọi người tìm ngọc trong đá mới đúng.- A! Loan cũng thông minh đấy.Thằng Kiệt reo lên như vậy. Đây là tên một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đông Thức mà thằng Kiệt khoái lắm. Và nó đố tiếp:- Giảng đường của sinh viên?Đối với tôi, đó là nơi tôi đang mỏi mòn vì tình cảm của Bích Châu nên trả lời:- Con đường đau khổ.Thằng Hương không đồng ý vậy:- Những con chim ẩn mình chờ chết.Thằng Chánh vội hét lên:- Định nghĩa như vậy là bậy. Theo tao phải nói là tự thú trước bình minh mới đúng. Bọn mày tưởng tượng có đúng vậy không?Mấy đứa gật đầu đồng ý.Thằng Kiệt lại đố tiếp:- Phòng ngủ của sinh viên trong ký túc xá?- Ngôi nhà của những hồn ma.Kim Loan lắc đầu:- Anh Hương nói chi mà ghê quá, không được đâu.Mọi người im lặng một hồi Kim Loan mới nói tiếp:- Theo em là nên định nghĩa phòng trọ ba người, như vậy mới đúng hơn.Cô nầy cũng đọc khá nhiều sách đấy. Quyển truyện này của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi đã có lần đọc qua nên thấy định nghĩa như vậy là đúng mức. Thằng Kiệt liên tục vỗ tay để lấy lòng Kim Loan, và nó lại đố:- Xin lỗi Kim Loan nhé! Anh phải đố thêm cái này mới thú vị, biết đâu chúng ta sẽ tìm được lời giải đáp tuyệt vời nhất. Nè Lê, mày đồng ý không?- Tao chưa biết mày định đố cái gì mà đồng ý với không đồng ý, mày thử nói đi.Thằng Kiệt vẫn làm ra vẻ quan trọng.- Tao đố cái nầy nhưng bọn mày không được bịt mũi đấy nhé.Kim Loan chen vô:- Anh Kiệt nói chi mà ghê quá!- Không có chi ghê đâu. Vậy... mùi QuC trong ký túc xá gọi là gì?Kim Loan ngúng nguẩy:- Thôi, đố chi mà ghê. Em không tham dự vào câu này.Thằng Chánh vốn mê nhạc nên liên tưởng ngay:- Hương thầm.- Chưa xuất sắc lắm.Thằng Hương đáp theo:- Hương tình yêu.Thằng Kiệt tiếp tục gạt ngang:- Sự liên tưởng thô thiển.Tôi trả lời:- Để tưởng nhớ mùi hương.- Trả lời lạc đề. Không được.- Vậy thì Hương tóc.- Lại càng không được, bài thơ của Nguyễn Thái Dương thơ mộng lắm, thôi mày đừng nói nữa, để thằng Chánh trả lời thử coi.Thằng Chánh làm ra vẻ suy nghĩ lung lắm, rồi đáp:- Tao chịu thua. Chỉ còn cách là... là hoa sứ nhà nàng!Từ nãy giờ ngồi im lặng, nghe vậy, Kim Loan vỗ tay lốp đốp tán thưởng. Thằng Kiệt nầy ngu thật - Hắn ta chỉ cần thấy Kim Loan vỗ tay như vậy thì đã gật đầu:- Đúng, đúng tao cũng nghĩ vậy đó Chánh ạ.Buổi chiều lan dần xuống. Những ánh nắng vàng rải xuống dòng sông phía trước. Một ngày chủ nhật thú vị sắp trôi đi qua. Tôi ngồi tư lự một mình. Một ngày đi qua rất nhanh, mới đạp xe từ ký túc xá về Saigon, vậy mà sắp hết một ngày. Bích Châu đâu tôi chẳng thấy. Tôi cảm thấy một nỗi buồn vô cớ len lén bước vào ngăn tim hiu quạnh của mình. Chỉ riêng thằng Kiệt, tôi biết, hắn đang đến với một niềm vui mới. Điều nầy chắc hẳn thằng Hương, thằng Chánh cũng đã cảm nhận được. Và chiều dần xuống. Gió thổi lao xao qua mái tóc dài của Kim Loan. Chúng tôi chia tay nhau. Bốn thằng học cùng lớp, ngủ cùng phòng lại tiếp tục đi song đôi nhau về lại ký túc xá. Chúng tôi đi dọc theo đường Tôn Đức Thắng. Những chiếc lá rơi vật vờ như cũng luyến tiếc một ngày đã đi qua...