Thằng Chánh chưa hết giận tôi thì ngày hội viễn văn nghệ toàn khu ký túc xá cũng đã đến. Giảng đường đã trở thành sân khấu. Tất cả sinh viên đều náo nức. Lâu lắm chúng tôi chỉ biết ăn rồi học, rồi ngủ - Chứ có biết gì đến ca nhạc ca nhiếc gì đâu. Nếu lúc nào khoái hát thì bạn bè kéo nhau ra sân chơi, tụ tập với nhau khua ssong, đập nồi hát hò vung tí mẹt rồi chia tay về ngủ. Chiều nay, nhà bếp tập thể cho ăn cơm sớm hơn mọi ngày. Sinh viên lũ lượt kéo nhau đi ăn, với thức ăn độc chiêu như bình thường, nhưng ai nấy đều cảm thấy ngon miệng hơn. Thằng Chánh bảo tôi:- Lê nè, tối nay lên sân khấu mày nhớ mặc cái quần jean cho nó bảnh. Quần jean xanh mà diện thêm cái áo trắng thì tuyệt nhất trần đời.Tôi vui vẻ với sự góp ý đó. Thằng Hương lại bảo tiếp:- Tao cho mày mượn đôi giày bata của tao, đôi giày đó mày đi đứng mới chững chạc hơn. Nhưng tao đề nghị với mày là đoạn cúi xuống hôn em Bích Châu, thì mày cứ hôn lâu hơn trong kịch bản. Có như vậy thì sinh viên ngồi dưới mới khoái.Khi chúng tôi định lên chỗ tập trung ở giảng đường, Kim Oanh đã đến. Tối nay nàng cố tình thoa lên má một chút phấn hồng và môi thêm chút son. Trông thật duyên dáng. Nàng bảo tôi:- Sau khi hội diễn xong em đứng đợi anh ở cổng trường nhé. Em đứng mé bên phải. Sau đó bọn mình đi uống cà phê. Anh gật đầu đi anh Lê!Nghe Kim Oanh nói như vậy, tôi cũng hơi xiêu xiêu lòng. Thấy có nàng đứng đó nên thằng Chánh lại bảo thêm:- Nè Lê, cái đoạn hôn Bích Châu thì mày phải hôn cho thật lâu nhe. Ý đồ của đạo diễn là vậy.Kim Oanh vội trả lời:- Đèn điện nóng nực, hôn thiệt là xỉu đó nhe. Trên sân khấu là người ta giả bộ hôn cho có lệ thôi, chứ có ai hôn thiệt đâu mà anh Chánh xúi anh Lê như vậy?Thằng Chánh mau miệng trả lời:- Hôn trên sân khấu dù có lâu cỡ nào cũng chỉ là hôn giả. Cái quan trọng nhất là phải hôn thật ở ngoài đời kia... Lê ơi! Mày đã hôn em Bích Châu chưa?Thằng Chánh đã thừa cơ hội có mặt của Kim Oanh để tấn công tôi tới tấp. Những câu hóc búa như trên làm sao mà tôi trả lời nổi? Còn Kim Oanh thì ngượng ngùng nàng khôn khéo đánh trống lãng:- Sắp đến giờ Hội diễn văn nghệ rồi, em phải về lại lớp của mình. Em về nghe anh Lê, anh Chánh. Nói xong nàng cắm đầu chạy một mạch. Riêng tôi cảm thấy trong người áy náy. Dù sao cũng sắp đến giờ lên sân khấu rồi. Chúng tôi vội vã bước đến khu giảng đường. Mới có bảy giờ tối, nhưng trên nền trời đã mọc chi chít sao. Tôi ngước nhìn lên bầu trời, bất chợt tôi nhận ra chòm ngôi sao Hiệp Sĩ. Ở quê tôi mọi người gọi sao dó là sao thần nông, nhưng khi vào bộ đội nghe mọi người gọi như thế nên thành quen miệng. Trong những phiên gác ở biên giới Tây Nam, ngồi một mình với cơn gió rét buốt thổi về, chòm sao ấy là nơi tôi từng gửi gắm tâm sự của mình. Đêm nay, ngôi sao ấy mọc khiêm tốn đã làm tôi cảm thấy phấn chấn khi thả trí nhớ trôi ngược về dĩ vãng. Miên man với ý nghĩ đó, chẳng mấy chốc chúng tôi đã có mặt ở giảng đường. Sinh viên đã ngồi chật ních hết ghế, những người đi sau chỉ còn cách đứng bên ngoài ngóng vào. Nhỏ Phong Lan bước ra khỏi ghế của mình đi đến từng bạn bè trong lớp nói nhỏ:- Các bạn phải ngồi xem để động viên cho đội "gà nhà" của lớp mình. Cứ năm phút thì đồng loạt vỗ tay tán thưởng để động viên tinh thần lẫn nhau nhé.Đó là một sách lược thông minh cho bất cứ đợt thi đua nào, dù hội diễn văn nghệ, dù thi hùng biện...Trên sân khấu, ban tổ chức đã khéo léo cho cắt giấy màu sặc sỡ dòng chữ "Hội diễn văn nghệ mừng ngày 26/3". Phía bên trái là hình cây đàn ghi- Ta, phía bên phải là hình của ba cái mặt nạ lồng nhau. Trang trí chỉ đơn sơ như thế, nhưng ai nấy cũng đều thấy rất trang trọng. Ngoài ra còn có âm thanh, đàn, trống đủ loại với những ngọn đèn xanh đỏ nhấp nháy càng thôi thúc tấm lòng mến yêu văn nghệ của anh em sinh viên. Trong khi chờ đợi đến phiên của lớp mình lên sân khấu, tâm trí tôi chỉ để ý đến tiết mục đồng ca của khoa Sử. Bởi tiết mục ấy có sự xuất hiện của Kim Oanh. Có lẽ, đôi mắt ấy đen tròn cũng đã có một lần nhìn xuống tôi. Nàng có nhận ra tôi trong hàng ngàn sinh viên đang ngồi trong giảng đường này không? Ngay giây phút dành cho Kim Oanh thì thằng Kiệt đập mạnh vào vai tôi:- Lê! Nhìn xuống hàng ghế dưới..."ngon cơm".Tôi vội vàng quay xuống là chạm ngay ánh mắt của Bích Châu. Đêm nay em thướt tha trong chiếc áo dài trắng tinh khôi. Giữa ngực có thêu một đóa hồng xinh xắn. Dường như em đang mỉm cười với tôi. Tâm hồn tôi chết điếng. Ánh mắt như một lưỡi dao đã làm tôi run rẩy... Tai tôi ù ù quên hết mọi âm thanh trong đêm Hội diễn. Khi tôi quay lên thì đã qua tiết mục đồng ca có Kim Oanh. Tôi cảm thấy hơi ngượng... Chẳng hiểu vì sao thằng Kiệt cứ bô bô:- Tí nữ em Châu lên sân khấu sẽ có hàng tỉ sinh viên ngóng lên để nhìn tà áo thướt tha kia.Nghe thằng Kiệt nói vậy, tôi quay xuống hàng ghế của em một lần nữa. Lần này, tôi đã thấy một điều mà lẽ ra tôi không nên thấy. Đó là sự hiện diện của Phát đang ngồi ngay sau lưng Bích Châu. Vậy là còn có một chút hy vọng mỏng manh nào nữa không? Sắp đến tiết mục kịch tự biên của lớp mình rồi, tôi thở dài ngao ngán. Nhưng sự ngao ngán ấy chỉ đến một thoáng rồi cũng bay đi - Để lại trong tâm hồn tôi đầy ắp âm thanh của đêm văn nghệ. Giọng ban tổ chức vang lên lanh lảnh:- Tiếp theo chương trình là một vở kịch tự biên "Sau một góc hành lang" của sinh viên khoa Văn năm thứ hai. Vở kịch này muốn phê phán điều gì trong ban tổ chức Đoàn hiện nay? Xin các bạn chăm chú theo dõi và cho một tràng pháo tay để khích lệ...Vừa dứt lời thì cả giảng đường ầm ầm tiếng vỗ tay, tôi thấy nôn nóng phấn chấn như vừa được uống một hợp rượu mạnh. Chúng tôi bước vào phía sau cánh gà. Khi lộ diện trên sân khấu, nhìn xuống hàng ghế khán giả tôi thấy hơi "khớp". Tay chân sao thừa thải như vậy? Cả người đi tôi nhỏ thó lại chăng? Từ đôi giày, quần áo đối với tôi bây giờ dường như rộng ra. Và ngay cả tôi, tôi cũng thấy Bích Châu lộng lẫy như một diễn viên thật sự. Không biết dưới kia tay Phát có cùng ý nghĩ với tôi không? Vở kịch đã bắt đầu. Mỗi động tác của tôi dần dần mất đi sự ngượng ngập. Cảm thấy vui nhất là sau mỗi lời Bích Châu trả lời, lớp tôi đồng thanh vỗ tay, tôi càng diễn hay hơn. Đến màn ba chỉ còn mỗi một thằng Kiệt - Vai cán bộ đoàn - Độc thoại trên sân khấu. Tôi và Bích Châu rút vào sau cánh gà. Lúc này tôi mới thấy mình khát đắng, nóng bức như vừa lên võ đài. Tôi nói:- Châu có uống nước không? Lê chạy ra phía sau bảo mấy đứa lớp mình tiếp tế nước uống nhé!Em tỏ vẻ do dự:- Nhưng anh chạy ra có nhanh không? Rủi đến phiên bọn mình mà anh chưa kịp vào thì chỉ có chết.- Châu yên tâm! Anh chỉ chạy ra ngoài nhắn với Thủy Đại, rồi vào ngay mà...- Ừ, nhanh lên nghe anh Lê!- Em yên tâm. Vì em, anh sẵn sàng làm tất cả Châu ơi!Đó là câu chứa đựng đầy ý đồ của tôi, tôi cố tình nói một cách dũng cảm như vậy. Nhanh chân tôi phóng ra ngoài, trong lòng khấp khởi mừng vì đã nói một câu mà lâu nay tôi chưa hề dám mở miệng. Vào chưa tới giảng đường, tôi đã nghe tiếng vỗ tay ầm ĩ. Chết rồi, đã đến lượt của mình rồi. Tôi cầm bịch nước trà đá chen vào sau cánh gà. Thằng Kiệt giục:- Nhanh lên! Nhanh lên! Bích Châu đã bước ra rồi. Nhanh lên đi Lê!Tôi quýnh quáng chỉ kịp vuốt lại mái tóc rối bù của mình, bước ra. Bỗng nhiên dưới hàng ghế khán giả cười ồ lên. Bích Châu cũng vậy. Tôi có điều gì sai sót chăng? Bình tâm tỉnh trí lại thì tôi mới thấy mình một tay cầm bịch nước đá và tay kia cầm mớ tiền lẻ mà chị Bảy căn- Tin vừa thối lại. Khi bước ra không gặp Thủy Đại nên tôi liều lĩnh nhảy vọt ra căn- Tin mua nước, nên mới xảy ra cớ sự như thế này, tôi thật sự lúng túng, không biết đặt bịch trà đá vào đâu. Bỗng Bích Châu "cương" ngoài kịch bản:- Anh Phúc ơi!Tôi chỉ biết đứng đực mặt ra, không biết làm sao phải tiếp theo.- Anh Phúc à! Vừa mới ăn cơm chiều xong, bộ dưới nhà hết nước hay sao mà ngay lúc đi chơi anh cũng mang theo bịch trà đá này?Tôi cũng câm như hến.- Nè anh Phúc, có đúng vậy không anh Phúc? Đúng vậy không anh Phúc?Nghe Bích Châu hỏi tôi hai lần như vậy, tôi đâm ra mắc cỡ. Tôi liếc nhìn xuống dưới, thấy bộ mặt đáng ghét của tay Phát đang cong cớn lên thích thú vì mình đang "bể dĩa" đến nơi, tôi liền "cương" ngay:- Không đúng vậy đâu! Tôi nay hai đứa mình hẹn hò đi chơi xa nên anh phải chuẩn bị trước.Vừa nói tôi vừa lật đật nhét mớ tiền lẻ vào túi quần. Còn bịch trà đá tôi đưa cho Bích Châu:- Em cầm lấy bịch nước đi em, tình cảm của anh dành cho em hết đó em ơi!Sau câu nói "cương" như vậy, chúng tôi trở lại với kịch bản. Sự diễn xuất tốt đẹp như không hề xảy ra sự cố vừa rồi. Mọi vấn đề bắt đầu tốt đẹp thì thông thường dẫn đến một kết thúc tốt đẹp. Vở kịch của chúng tôi cũng thế. Và tôi hy vọng trong lúc cả lớp kéo về ký túc xá ăn chè để mừng thắng lợi, tôi sẽ tranh thủ gặp riêng Bích Châu một chút xíu. Nhưng tôi đã lầm. Vừa rời khỏi giảng đường thì em đã biến đâu mất rồi. Tôi và thằng Kiệt dáo dát tìm nhưng không thấy. Như con mèo tham ăn bị cắt cụt đuôi, tôi tiu nghỉu trở về... Nỗi nhớ về Bích Châu đã lấy mọi thông minh và trí nhớ của tôi. Tôi quên béng đi việc Kim Oanh đợi tôi trước cổng trường. Tôi buồn quá. Tôi không trở về ký túc xá để ăn chè với bạn bè trong lớp mình, tôi đi lang thang. Tôi đi từ "Đại lộ tình yêu" qua "Đồi thông hai mộ" sau đó tôi lộn ngược xuống "Thung lũng tình yêu". Trời đã về khuya. Giăng giăng lờ mờ lạnh buốt mười ngón tay. Bích Châu! Tôi gọi tên em trong không gian hiu quạnh. Tôi quẹt lửa đốt cháy điếu thuốc. Bích Châu! Chân đi lang thang đến rã rời. Lạy trời đừng cho tôi gặp Bích Châu đang đi thong dong với Phát. Tôi đi, tôi đi...