Okawa no Mizu
Nước dòng sông Cái
Lời người dịch

     gười dịch dùng nguyên tác tiếng Nhật của Nhà xuất bản Kadokaum, bản bỏ túi in lại năm 1989.
Akutagawa hoàn tất Nước dòng sông Cái vào tháng giêng năm 1912 lúc ông hãy còn là cậu sinh viên hai mươi tuổi. Bài được đăng trên Tạp chí thi văn Kokoro no hana (Hoa Tim). Các nhà nghiên cứu thường xem Ronen (Tuổi Già, 1914) mới là tác phẩm đầu tay cùa ông nên ít người để ý đoản văn này (vốn thuộc thể loại tùy bút hoặc trường ca nhiều hơn là truyện ngắn). Tuy nhiên, những ai sành Akutagawa đều nhận thấy trong mấy trang sau đây đã ngưng đọng tất cả cái tinh anh và tươi tắn nhất của tâm hồn ông, ở thời điểm mà yếu tố trữ tình và mỹ cảm của tuổi hoa niên chưa bị những hoài nghi và mệt mỏi trong cuộc sống làm cho phai nhạt.
Nước dòng sông Cái có nhiều chi tiết khiến người ta nghĩ nó là thiên tự truyện nhưng thật ra cái duyên dáng của đoản văn hàm chứa trong sự mơ hồ bàng bạc của những chi tiết ấy. Cái mơ hồ bàng bạc ở đây ta từng tìm được trong Tôi đi học của Thanh Tịnh, Phấn thông vàng của Xuân Diệu hay Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử, đọc thuở thiếu thời.
Ngoài hai thi nhân ngoại quốc Gabriele d’Annunzio (Italia) và Hugo von Hofmansthal (Áo) mà Akutagawa nhắc đến, dịch giả Edwige de Chavanes trong lời chú dẫn cho bản dịch tiếng Pháp (L’eau du Fleuve, trong La vie d’un idiot et autres nouvelles, Unesco, Gallimard, Paris, 1987) đã nhận ra ảnh hưởng của Kitahara Hakushu (1885 I 1942) qua một số chữ dùng, mượn từ tác phẩm Chuỗi ngày thơ ấu (Waga Oitachi) của nhà thơ tới Nước dòng sông Cái.
Sông Cái ngầm chỉ khúc hạ lưu của Sumidagawa, con sông xiết bao gần gũi đối với người dân Tokyo, đã đưa cậu bé Niihara (về sau sẽ thành Akutagawa của chúng ta) vào một dòng sông lớn hơn, dòng văn học.
Như tiên tri về số phận mình, trong đoản văn đầu tay này, Akutagawa đã nói đến cảm tưởng mơ hồ trực diện Thần Chết đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước, khi dòng sông của đời ông đang rong ruổi về miền Vĩnh Cửu “vô thủy vô chung”. Khi chuyển ngữ, người dịch không khỏi xúc động liên tưởng đến những dòng sông thân yêu trong đời mỗi một chúng ta, tự thời Lý Bạch (Dao liên cố viên thủy, Vạn lý tống hành chu) tác giả hai câu thơ mà một người thầy học cũ, nhà mô phạm Trần Trọng San, đã dịch:
Thương sao dòng nước quê nhà,
Tiễn đưa muôn dặm thuyền ra xứ người.

*

Tôi sinh ra ở một xóm kề Okawabata, Vùng Bãi Sông. Ra khỏi nhà, chỉ cần len lỏi xuyên mấy con hẻm khu Yokoami (Lưới Ngang) san sát phên giậu đen đúa nấp dưới những tàng lá dẻ xanh non là đã ra đến ven bờ Hyappongui (Trăm Cọc) để được nhìn mặt nước mênh mông. Từ hồi thơ dại cho đến khi học hết Cấp hai, hầu như mỗi ngày tôi đều có dịp đứng ngắm con sông. Nào nước, nào thuyền, nào cầu, nào cồn cát, nào cuộc đời tất tả ngược xuôi của những người sinh ra và sống trên mặt nước. Cho đến bây giờ, dù bao năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ da diết cái mùi nồng chưa ngửi mà đã cảm thấy của nước sông vào những trưa giữa hè nắng gắt, khi chân tôi giẫm lên cát bỏng trong những lần đến lớp học bơi.
Cớ sao tôi yêu con sông Cái này đến thế! Phải chăng vì cảm thấy trong cái hâm hẩm của làn nước ngầu bùn có gì dễ thương vô hạn. Thật tình đến tôi cũng không thể nào giải thích lý do. Chỉ biết, tự ngày xưa, cứ mỗi lần nhìn dòng nước là trong lòng tôi không khỏi dậy lên một nỗi trống vắng và một nguồn an ủi đến ứa nước mắt. Tôi thấy mình như hoàn toàn tách ra khỏi thế giới đang sống, tâm hồn bay vút vào một cõi đất trời đầy nhớ nhung, luyến tiếc. Nhờ có dòng sông mà mang được cái tâm tình ấy, thưởng thức được nguồn an ủi và thú cô đơn ấy, nên tôi đâm ra yêu nó hơn mọi thứ trên đời.
Làn sương xám bạc, dòng nước như vệt dầu xanh, âm hưởng còi tầu mơ hồ tựa tiếng thở dài, cánh buồm nâu hình tam giác của con thuyền chở than đá… mỗi chi tiết của phong cảnh trên sông đều khơi dậy trong tôi nỗi buồn khó nén, khiến cho chút lòng thơ dại của tôi cũng không khỏi lao xao như ngàn liễu bên bờ.
Ba năm sau này, tôi dành thời giờ chăm chú đọc sách trong phòng văn cất giữa một vùng lùm bụi thanh u ngoại ô khu Yamanote sang trọng, nhưng vẫn không quên tìm ngắm dòng sông lớn ấy mỗi tháng hai ba lần. Màu sắc của nước sông di động lại tựa hồ đứng yên, trôi mà như lười chảy, làm tan biến những căng thẳng trong tâm trí tôi, vốn đang chịu áp lực và kích thích của bầu không khí quá tịch mịch của phòng văn và nhịp làm việc dồn dập không đương nổi. Nước dòng sông Cái mang đến cho tôi niềm tiếc nuối buồn thương và giải thoát của kẻ đi hành hương lâu ngày mới về đến quê nhà, giúp cho cái tâm hồn xao động trong tôi tìm ra thanh thản. Cũng nhờ nó mà lần đầu tiên tôi mới sống được những tình cảm không thoáng gợn và thực sự của mình.
Biết bao lần tôi đã được nhìn những cánh hoa keo trắng toát nghiêng mình xuống dòng nước xanh, bay lả tả trước cơn gió nhẹ một ngày đầu hè. Biết bao lần tôi đã được nghe tiếng chim di se sắt lạnh tầng không ngang tầm mặt nước tối của những đêm tháng mười một trời thường làm sương giá. Những điều ấy đã làm tình yêu trong tôi đối với dòng sông mỗi ngày một mới. Cũng run rẩy như cánh chuồn đen sinh ra từ nước sông mùa hạ, tấm lòng niên thiếu của tôi lúc đó mở thật to để thu biết bao đổi thay mới mẻ cho đầy đôi ngươi kinh ngạc. Nhớ nhất là lúc tựa mạn thuyền thả lưới đêm, trôi theo dòng, ngắm mặt nước đen không gây mảy may tiếng động, để khi nghe tiếng thở phập phồng của Thần Chết đang lềnh bềnh giữa khoảng đêm khuya và mặt nước, mới cảm thấy một nỗi buồn bơ vơ xâm chiếm tâm hồn.
Mỗi lần nhìn dòng sông Cái, tôi không thể nào quên được cái kinh thành của sóng nước mãi bên trời Ý vẫn đón buổi chiều về với tiếng hát thiên nga và hồi chuông tu viện, nơi mà giữa hàng lan can rợp bóng hồng bóng huệ được tô vẽ bằng những tia sáng xanh từ vầng trăng đang chìm dưới nước hắt lên, có những chiếc thuyền Gondola đen tựa quan tài lướt đi như trong một giấc chiêm bao từ vòm cầu này sang vòm cầu nọ theo nhịp chèo lơi - tất cả làm tôi bây giờ càng chạnh lòng nhớ tới tâm tình nồng nàn tha thiết mà D’Annunzio[1] đã để tuôn trào vì cảnh sắc của Venezia.
Những xóm ven bờ được nước dòng sông Cái yêu dấu vỗ về đối với tôi đều khó quên và rất đỗi thân thương. Từ phía cầu Azuma xuôi về hạ lưu, nào là Komakata, Namiki, Kuramae, Daichi, cầu Yanagi hay Yakushimae ở Tada, Umebori, Yokoami, chốn nào cũng thế. Khách bộ hành qua lại các thôn xóm này đều được nghe, từ giữa những bức tường trắng bằng đất nện của các kho hàng nằm hong nắng, từ giữa những ngôi nhà tối nhờ nhờ có khung cửa chấn song, hay từ giữa những lối đi rợp hàng liễu hàng keo mà lá chỉ mới nhú mầm nâu bạc, vọng vào tai âm hưởng quen thuộc của dòng nước xanh loang loáng mà con sông Cái, sáng như tấm kính mới mài, đã mang đến cho họ cùng lúc với mùi nước triều lành lạnh trong chuyến xuôi Nam, cuộc hành trình mà dòng sông đã quen làm từ một thuở xa xưa.
Ôi, cái tiếng nước sông thân thuộc kia, như thì thào, như van lơn, như chậc lưỡi, dòng nước màu xanh vắt ra từ ngọn cỏ, hết ngày đến đêm, gột rửa những kè đá hai bên bờ. Còn nhớ bi kịch của nàng Hanjo[2] hay chàng Narihira[3] chứ nhỉ? Tôi không ngược lên đến tận thời (khi Tokyo còn là giải bình nguyên Musashi), nhưng kể đã từ lâu, đã có những thầy tuồng kịch múa rối Joruri ở Edo, gần đây là Kawatake Mokuami[4], bậc đại sư Kabuki, thường đưa tiếng chuông thiền viện Senso[5] cũng như âm hưởng trầm buồn của nước dòng sông Cái vào các pho tuồng nói về nhân tình thế thái của họ để làm nổi bật cái die Stimmung[6], không khí căng thẳng trong một lớp lang xảy ra án mạng. Lúc Izayoi và Seishin[7] gieo mình xuống nước, khi cu cậu Gen.nojo[8] mải mê nhìn người đẹp Okoyo trong bộ áo người săn chim[9] hay ngay cả khi anh chàng bán đồ đồng nát Matsugoro[10] gánh đôi quang thúng đi qua cầu Ryogoku khi chiều hè sụp tối và bầy dơi liệng đầy, thì dòng sông Cái, như đến tận giờ, vẫn chây lười thì thầm vỗ sóng vào cầu tàu của hàng quán cho thuê thuyền, bên ngàn lau xanh, dưới lườn những con thuyền mũi nhọn đỗ hai bên bờ.
Muốn nghe cho được âm thanh ngùi nhớ của nước sông, phải leo đò làm một chuyến sang ngang. Nếu tôi không lầm, từ phía cầu Azuma đổ xuống cầu mới Ohashi, có tất cả năm cái bến. Trong số đó thì bên Komakata, bến Fujimi và bến Ataka, cả ba đã lần hồi biến mất, bây giờ chỉ có bến ở cầu Ichi để qua xóm Hamacho và cái nữa từ cầu Mikura sang xóm Sugacho là hãy còn thôi. So với hồi tôi còn bé tẹo, con sông cũng đã đổi dòng, những cồn cát điểm xuyết lùm lau bãi sậy như bị lấp vùi không còn hình tích. Thế nhưng hai bên cũ còn nguyên bóng dáng con đò đáy nông, vẫn ông lái đò già mỗi ngày chèo chống bao nhiêu bận đưa khách qua dòng nước xanh rờn một màu cùng rặng liễu ven sông.
Lắm lúc chẳng có việc gì, tôi cũng ra bến theo đò qua sông, sung sướng để mặc sóng nước bồng bềnh đu đưa thân thể mình như trong một chiếc nôi. Đi mấy chuyến đò càng trễ bao nhiêu thì mới thưởng thức những niềm vui và nỗi buồn thấm thía bấy nhiêu. Kề bên ngoài mạn thuyền thấp chỉ có làn nước xanh lục trải dài. Ném một cái nhìn đã thấy trọn mặt sông mượt mà, đang ánh lên chút màu đồng nhạt nếu tầm mắt không vướng mỗi cái cầu mới Ohashi mãi đằng xa. Nhà cửa hai bên bờ sông giờ ấy đã tuyền một màu tro, đèn đóm cư dân hắt vàng vọt lên những khung cửa phết giấy, thấp thoáng đôi nơi trong sương. Theo ngọn triều lên, thỉnh thoảng lại có một hai chiếc bè lớn chở hàng, buồm xám buông nửa vời, bơi ngược dòng nhưng chiếc nào chiếc nấy yên ắng lạ lùng, chả biết có người cầm lái hay không nữa. Không hiểu sao cảnh mấy lá buồm trôi trong lặng lẽ và cái mùi của ngọn triều xanh rộng đã gợi trong tôi một nỗi buồn không nói được nên lời, tương tự khi đang đọc những vần Erlebnis của Hofmannsthal[11] và cùng lúc, trong lòng tôi, một tình cảm dịu ngọt như thể đang khẽ muốn cất lên lời hát để hòa nhịp cho bằng được với âm hưởng của dòng sông Cái đang chìm giữa đáy trời sương.
Không chỉ riêng cái âm hưởng của dòng nước mới lôi cuốn tôi đâu. Màu sắc của nó nữa, vừa mềm mại vừa ấm áp, cái màu mà tôi nghĩ khó tìm được ở nơi nào khác.
Nước ngoài biển giống như ngọc bích, vì sâu nên đọng thành khối nặng, trong khi nước trên thượng nguồn không bị ảnh hưởng triều lên triều xuống, giữ một màu xanh cánh trà nhàn nhạt, lại quá nhẹ, quá mỏng và quá sáng. Duy có nước của khúc sông Cái, chảy giữa bình nguyên, nơi nước ngọt và nước mặn giao hòa, mới dung hợp được màu xanh lạnh lẽo và màu vàng đục ấm áp, để có vẻ thế nhân hơn, sống động[12] hơn, khơi dậy trong ta một tình cảm thân mật đời thường. Nhất là khi con sông đã rong ruổi hết vùng bình nguyên Kanto nhiều đất sét nâu đỏ, bình lặng chảy về Tokyo đô hội, cái màu nước vốn đục ngầu và nhăn nhó như một lão Do Thái già khó tính, thích cằn nhằn lầu bầu, giờ đây đã có cái gì thong thả, nuột nà, dễ thương. Và tuy cùng chảy ngang một thành phố, nhưng có lẽ nhờ trao đổi thường xuyên với đại dương thần bí, nước con sông Cái không hề đen ngòm như các kênh lạch nối những dòng sông lại với nhau. Sông Cái không hề ngủ. Tôi có cảm tưởng nó luôn luôn di động nhưng chỉ để chấm dứt cuộc hành trình ở đích đến nhất định: một miền Vĩnh Cửu “vô thủy vô chung”. Dĩ nhiên vui là khi thấy dòng nước xanh như vệt dầu thơm trôi dưới những cây cầu Azuma, Umaya, Ryogoku, ôm ấp mấy chân cầu lớn xây bằng gạch hay đá hoa cương. Có khi nó nép vào bờ, in bóng những ngọn đèn giấy màu trắng của các cửa hiệu cho mướn thuyền cũng như những chòm lá liễu nghiêng ngả khoe mặt trái bạc phấn. Có khi tắc nghẽn vì cái đập chắn nước, nó lặng lờ lấp lánh bên dưới những chái bếp không bóng người, than thở hộ cánh phù dung đỏ một trưa quá ngọ có tiếng đàn samisen[13] rời rạc uể oải, để rồi giật mình bối rối vì tiếng đập cánh bất chợt của một chú vịt trời. Cái màu phải gọi là nằng nặng của dòng nước như thế cũng chan chứa ấm áp, hồn hậu. Cho dù khi dòng sông về đến gần cầu Ryogoku, cầu mới Ohashi, cầu Eitai và vùng cửa sông lúc nước của nó được hòa với cái màu xanh đậm của ngọn triều ấm hay phản chiếu ánh nắng lấp lóa của mặt trời trắng bạch tựa như tấm kim loại trải rộng dưới một tầng không ồn ào đầy bụi khói, nó vẫn tiếp tục lười biếng đong đưa đoàn thuyền khẳm lừ than đá và những con tàu kiểu cũ chạy bằng hơi nước mà lớp sơn trắng đã bong đi. Thiên nhiên với con người như chung nhịp thở, cái màu ấm áp mà dòng sông không biết thâu nhận được lúc nào khi chảy qua thành phố đâu dễ gì mất đi cho được.
Đặc biệt lúc chiều xuống, con sông bỗng đổi sắc theo lớp mù do hơi nước vựng lên và màu nắng càng ngày càng phai nhạt trên nền trời, để thành một thứ màu huyền hoặc khó tả. Mình tôi, gối hai tay lên thành đò, lơ đãng lướt nhìn mặt sông chiều nắng xế mù dâng, và khi thấy từ bên kia bờ dòng nước lục đậm, trên không trung chỗ mấy nóc nhà sẫm tối, một vầng trăng to và đỏ ló ra, thì tôi không tài gì cầm được nước mắt, điều mà có lẽ suốt đời, tôi chẳng thể nào quên.
Theo Meljukovski[14], “Mỗi thành phố đều có cái mùi cố hữu của nó. Mùi của Florence là hương huệ trắng, mùi bụi bặm, sương mù và mùi quang dầu[15] của những khung tranh cố quyện vào nhau”. Nếu ai hỏi tôi về cái mùi của Tokyo, tôi sẽ xin phép trả lời ngay đó là cái mùi của dòng sông Cái. Không riêng gì cái mùi! Màu sắc của dòng sông, âm hưởng của dòng sông chính là mầu sắc và tiếng động của Tokyo mà tôi yêu dấu. Nhờ có dòng sông, tôi mới biết yêu Tokyo, và nhờ có Tokyo, tôi mới biết yêu đời.
Tái bút: Dạo sau này, tôi nghe nói bến đò ngang cầu Ichi đã mãi đi rồi, bến đò cầu Mikura cũng sắp sửa bị dẹp.
(1912)
Nguyễn Nam Trân dịch

Chú thích:

(1) G. D’ Annunzio (1863 – 1938), thi nhân người Ý thuộc trường phái duy mỹ (aestheticism).
(2) Hanjo, tên một ca kỹ, nhân vật trong tuồng No của tác giả nổi tiếng Zeami (1363? – 1443?), bị người yêu phụ bạc mà phát cuồng.
(3) Ariwara No Narihira (825-880), vương tử và thi nhân có tiếng đẹp trai bị đày về miền Đông (Tokyo) vì dan díu với hoàng hậu. Sự tích được đem vào các vở tuồng No, Kabuki và Joruri.
(4) Kawatake Mokuami (1816 – 1898), nhà soạn tuồng Kabuki có tiếng.
(5) Sensoji (Thiển Thảo Tự),chùa thuộc phái Tendai (Thiên Thai Tông) ở xóm bình dân Asakusa, gần sông Sumida.
(6) Không khí, (tiếng Đức trong nguyên văn).
(7) Nhân vật tuồng Kabuki của Kawatake Mokuami, ca kỹ Izayoi tự trầm trên dòmg Sumida với người yêu, nhà sư Seishin.
(8) Gen.nojo là vũ sĩ hầu cận Shogun yêu nàng con gái hát dạo Okoyo nhưng duyên không thành vì vấn đề giai cấp.
(9) Torioisugata, quần áo giả trang của người hát dạo.
(10) Matsugoro cũng là nhân vật tuồng Kabuki của Kawatake Mokuami, hận đời vì sống nghèo túng, vứt đồ nghề xuống sông Sumida, đi là giặc cướp, sau tự tử.
(11) Hugo von Hofmannsthal (1874 - 1920), thi sĩ trữ tình người Áo, đã viết Erbelnis năm 1892, lúc 18 tuổi.
(12) Lifelike (tiếng Anh trong nguyên văn).
(13) Đàn ba dây truyền từ Okinawa, dụng cụ âm nhạc bình dân.
(14) Có thể là phiên âm Nhật ngữ của Dimitrii Merezhkoskii (1865 - 1941), tiểu thuyết gia Nga trường phái ấn tượng, sau lưu vong ở Pháp.
(15) Véc-ni