ruyện này nói về Jirokichi (1795 - 1832) - thường được gọi là Nezumi Kozo - một nhân vật tuy có thực nhưng đã được biến thành người của huyền thoại. Đây là một “người hùng” trong lòng nhân gian, vì tuy là đạo chích nhưng ông lấy tiền của nhà giàu để giúp nhà nghèo. Nhà giàu ở đây thường là những người hoặc đang nắm giữ quyền bính, hoặc có thế lực qua quan hệ mật thiết với giới quyền chức.Từ năm Minh Trị thứ nhất (1868) trở đi, nhờ chế độ lãnh chúa đã cáo chung nên trên một chừng mực nào đó người ta có thể bày tỏ được lòng bất mãn chán ghét những kẻ hủ bại trong giai cấp thống trị, xưa nay quen sống trên đầu trên cổ người dẫn. Tuy Nezumi Kozo chết đã lâu nhưng những vở kịch vì ông ta vẫn rất thịnh hành trên sân khấu Kabuki (một loại hát tuồng, như Hát Bộ của ta). Quần chúng thích được nhắc đi nhắc lại về một nhân vật có tài đã dám giễu cợt và làm khổ những vị tai to mặt lớn thường hay bóc lột, hống hách. Người ta tin rằng Nezumi Kozo cũng có đầy đủ tài nghệ của những ninja, nghĩa là cũng xuất quỷ nhập thần, có thể phi thân lên nóc nhà, ném ám khí, sử dụng khói mê, v.v… Tương truyền rằng khi hành nghề, ông thường mang theo một túi nhỏ chứa vài con chuột để khi nào lỡ gây tiếng động thì thả chuột ra cho chủ nhà lạc hướng. Cái tên Nezumi Kozo là từ đó mà ra (Nezumi = con chuột, Kozo = người còn trẻ).Không giống như hình ảnh trong các pha “long tranh hổ đấu” dữ dội của phim kiếm hiệp, thông thường các ninja rất kín đáo trong hành tung và cẩn mật trong cuộc sống hằng ngày. Nezumi Kozo cũng thế, tuy người đương thời ái mộ ông và vẽ vời thêm, thực sự bao giờ ông cũng cố gắng sống như một người rất bình thường. Sự trái ngược giữa trí tưởng tượng của mọi người và cái thực rất bình thường của con người trong huyền thoại là vấn đề chính của câu chuyện.Nhiều sử gia Nhật Bản cho rằng ngay cả việc giúp đỡ người nghèo cũng chỉ là điều tưởng tượng. Dù vậy đi nữa, với đông đảo quần chúng Nezumi Kozo vẫn là người hùng, vì việc làm của ông được xem như tiêu biểu cho ý hướng chống bất công.
*
Trời mới sang Thu, nắng chiều đã muốn tắt nhưng còn vương vấn, từ mặt tiền của lữ quán Izuya nhìn ra bến đò lớn vẫn còn thấy được những tia nắng vàng làm sáng ửng cả một khúc sông.Trên gác của lữ quán, có hai người đàn ông ngồi đối ẩm thấy rất tương đắc. Cả hai đều có vẻ là dân quen mùi cờ bạc, ham trò lui tới chỗ mua vui. Một người thì da ngăm ngăm, dáng chắc thịt nhưng hơi đầy một chút, trên mình mang chiếc kimono mỏng, bên trên khoác thêm một chiếc áo dày kiểu cổ, làm cho anh ta trông càng thêm vẻ lao khổ của một người từng trải phong sương. Người kia thì trắng trẻo, hơi nhỏ con, mình xăm đầy hình chàm, nhiều đến độ thấy lòi ra tới tận cổ tay. Đã thế mà còn mặc tấm kimono cũ đến nỗi bạc nhách, cái dây thắt lưng có in hình những hột tròn tròn thì lại quấn đến mấy vòng lộn xộn, làm cho anh ta thấy không hùng dũng mà còn đầy vẻ lố lăng của một tay anh chị cỡ cò con quen sống bê tha. Anh ta luôn luôn kính cẩn kêu người kia là “đại ca”. Hai người trông khoảng trạc tuổi nhau, cho nên đối với nhau có vẻ như chỗ bạn bè hơn là người dưới kẻ trên, cách thù tạc mời mọc nhau thấy rất vui vẻ.Bên ngoài trời tuy đã vào thu nhưng vẫn còn ấm như những ngày cuối hạ. Sau dãy tường thấp ở bờ bên kia, bóng mặt trời còn đỏ ối, ánh nắng chiếu sang còn nồng nã trên mấy nhành liễu thướt tha trải dọc ven sông. Bên trong căn gác của lữ quán cũng có vẻ gì như chút luyến lưu những ngày về trước, mọi vật vẫn như còn mang hơi hướm của một thời cũ chưa dứt bước đi qua. Tuy cách trang trí của những cánh cửa đã đổi thay với lớp giấy dán màu trắng mỏng, nhiều thứ khác hầu như vẫn còn giữ được vẻ ngày xưa: bên này có bức màn treo kiểu iyo, bên kia còn bức tranh thủy mặc vẽ hình con rồng cuốn. Trong chiếc khay để giữa hai người đàn ông, mấy món đồ nhậu cũng toàn là những thứ vốn từ lâu quen thuộc. Thỉnh thoảng vài làn gió từ khe nước xa xa thổi xuống, tuy mang theo ít nhiều hơi ẩm nhưng không đủ lạnh để cho người ta có được cảm giác thực sự của mùa thu. Cho nên anh chàng da hơi trắng trẻo để áo hở toạc ra hết nửa lồng ngực, phô ra cả chiếc dây chuyền bằng bạc lòng thòng d!!!4485_18.htm!!! Đã xem 11694 lần.http://eTruyen.com