Giọng bà Thi vang lên:
- Mẹ vào được không?
Khanh nhăn mặt. Lại bảo cô xuống gặp lão ôn dịch đó chứ gì?
Cô ậm ự:
- Con hơi mệt. Con không xuống nhà đâu.
- Mẹ có bảo con xuống đâu. Mở cửa nào.
Khanh quay mặt vào vách:
- Con không gài chốt.
- Sao cứ nằm mãi thế Khanh? Anh Việt tới thăm đây này.
Nghe nhắc tới Việt, Khanh ngồi bật dậy, cô cau mày:
- Trời ơi! Sao mẹ đưa người... người dưng kẻ lạ vào phòng con?
Bà Thi hề hà:
- Anh Việt chớ có ai đâu mà người dưng kẻ lạ. Sắp cưới nhau rồi mà. Con thật...
Quay sang Việt đang đứng lù lù ngay cửa, bà phân bua:
- Em nó hay xấu hổ lắm, cháu đừng có chấp nhé. So với Yến, Khanh hãy còn trẻ người non dạ, nó vụng về, khờ khạo lắm.
Việt mỉm cười:
- Vâng. Cháu biết mà. Khanh vẫn là một con bé ngốc nghếch.
Bà Thi xoa hai tay vao nhau:
- Ở đây với Khanh nhé. Bao giờ có cơm, bác sẽ gọi hai đứa xuống.
- Vâng. Cháu cám ơn bác trước ạ.
Việt thoáng thấy Khanh trề môi, nhưng anh vẫn phớt lơ. Thật tự nhiên, anh ngồi xuống bên mép giường.
Khanh cố dằn để không phải tuôn ra một hay nhiều câu sấm sét nào đó cho hã lòng ghét Việt. Cô phải biết kềm chế để đạt được mục đích sau cùng mà không bị nghi ngờ.
Giọng Việt khiêu khích:
- Đang nghĩ gì đó nhóc? Chắc không phải đang nghĩ cách tống tôi ra khỏi cuộc đời của em chứ?
Khanh cười khẩy:
- Anh hiểu sâu xa thật. Nhưng nếu đã nhìn xa như vậy, sao anh lại không chọn chị Yến?
Việt thản nhiên:
- Tôi cũng đã tự hỏi như thế rất nhiều lần và rút ra câu trả lời là: " Tôi đã làm theo sự mách bảo của con tim."
Khanh kêu lên:
- Trái tim của một kẻ chỉ biết tiền tài, danh vọng? Thật cười ra nước mắt cho số phận của tôi. Người khốn khổ được trái tim vô cảm của anh mách bảo.
Việt điềm đạm
- Em không nên trách cứ. Người bày ra trò này là bác Phi. Tôi chỉ thể hiện quyền được làm con rể và quyền làm chồng một cô bé độc đáo như em. Tuy nhiên, tôi sẽ mang tới cho em hạnh phúc.
Khanh nuốt nước bọt:
- Tôi cũng sẽ cố gắng để tin lời anh.
Việt tủm tỉm:
- Thật đáng kinh ngạc khi nghe em nói thế. Khanh đâu phải là dễ chấp nhận số phận. Này! Cái đầu xinh xắn, nhưng bướng bỉnh kia đang nghĩ gì nhỉ?
Khanh lảng đi:
- Điều anh quan tâm là những câu hỏi đó à?
- Đúng. Mục đích của tôi là số cổ phần trong tay bác Phi. Nó sẽ được chuyển sang tên tôi khi chúng ta hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn. Bởi vậy, tôi phải quan tâm tới suy nghĩ, tới động tĩnh của em vào những ngày này. Chỉ sợ em bỏng mất thì hỏng tất cả.
Khanh buột miệng:
- Không có tôi vẫn còn chị Yến kia mà.
Việt nheo nheo mắt:
- Đúng là tôi đóan không lầm. Em đã có dự tính riêng. Nhưng anh chàng người yêu nào đó dám đưa em đi xây tổ chim câu không?
Khanh nắm chặt mép cái mền lên cổ, tức muốn điên vì những lời như đi guốc trong bụng kẻ khác của Việt. Thế nhưng ngoài mặt Khanh vẫn đóng kịch.
Cô nghiêm mặt:
- Anh định thử tôi đó à?
- Không. Tôi chỉ tưởng tượng ra tình huống xấu nhất và cách giải quyết nếu lỡ tình huống ấy xẩy ra. Tuy nhiên. Khanh là tiểu thơ con nhà gia giáo, làm sao có thể bỗng biến mất được chứ? Đúng không?
Khanh làm thinh. Cô càng ít lời càng tốt. Việt rất lõi đời, nói nhiều càng dễ lộ sơ hở. Mà lúc này Khanh không thể để lộ bất cứ ý định nào của mình với ai ngoài Hà. Là anh Hiển, chắc chắn Hà rất muốn em mình hạnh phúc. Nghĩ như thế, Khanh thấy vững lòng. Cô tin mình đủ sức đối phó với Việt. Nếu vượt qua giai đoạn khó khăn này, cô và Hiển sẽ mãi mãi có nhau. Nỗi nhớ về anh lại da diết dâng trào. Khanh chán chường ném về phía Việt cái nhìn căm ghét. Cô mong thời gian trôi qua thật nhanh để Việt.. tàng hình cho cô đỡ khổ, nhưng khốn nỗi, cái kim giây trên đồng hồ hình như lười chuyển động, nhích từng chút một trông đến chán. Hai người như hai pho tượng với những suy nghĩ riêng tư, lặng lẽ ngồi bên nhau.
Cuối cùng, người lên tiếng trước là Việt. Anh đề nghị mà như ra lênh:
- Ngày mai, tôi mời em đi nghe nhạc. Chắc em không từ chối chứ?
- Anh nghĩ thế à?
- Vâng. Dẫu sao chúng ta cũng nên chịu khó với nhau một chút.
Khanh ngập ngừng:
- Mấy giờ?
- Tối. Khoảng tám, chín giờ.
- Giờ đó tôi phải học bài.
Việt tủm tỉm. Nụ cười nửa miệng như chứa một ẩn ý nào đấy của anh khiến Khanh khó chịu. Cô cau có:
- Anh cười cái gì?
Việt nói:
- Xin lỗi. Tôi không nghĩ em siêng học đến vậy. Sau này, tôi phải tạo mọi điều kiện để em đi học thật tốt.
Khanh lạnh lùng:
- Anh đừng làm phiền tôi là tốt rồi.
Việt lại cười. Khanh mím môi quay đi. Tưởng tượng cảnh sẽ phải sống chung với Việt, cô rùng mình ngán ngẩm.
Giọng bà Thi vang lên:
- Hai đứa xuống ăn cơm nghen.
Việt đưa mắt nhìn Khanh, cô đứng dậy và nhủ thầm: “Chỉ một lần này thôi.. Hãy cố gắng chịu đựng.”
*
Đẩy mạnh Khanh vào phòng, bà Thi khóc ré lên:
- Mày định giết ba mày hả con? Mẹ không ngờ mày dám bỏ nhà đi theo thằng Hiển.
Khanh té ngồi lên giường, mắt ráo hoảnh, cô trơ trơ, vô cảm trước những giọt nước mắt của mẹ. Trong cô là một nỗi tuyệt vọng. Khanh vẫn chưa hết bàng hoàng vì chuyện vừa xảy ra.
Cô đã tới sân bay, đã sắp sửa vào phòng cách ly, vậy mà không hiểu sao mẹ lại xuất hiện. Bà xồng xộc lôi cô lên taxi. Xe chạy một mạch tới nhà Khanh không hé môi dù chỉ một lời.
Thế là " kế hoạch " vỡ rồi. Khanh đúng là ngốc khi tin Hà sẽ giữ bí mật cho mình. Lẽ ra lúc anh điện thoại từ chối không vay tiền hộ Khanh, cô phải nhạy bén để hiểu rằng không nên tin Hà chớ.
Bây giờ thì rõ rồi. Chính Hà chớ không ai khác đã cho mẹ biết dự định tuyệt mật của cô. Anh ta thừa khôn ngoan để hiểu rằng, nếu Khanh.. biến ra Hà Nội thì người thay chỗ cô sẽ là chị Yến, mà Hà si mê chị Yến nhất đời. Ôi chao! Sao Khanh ngốc đến mức không ngộ ra vấn đề sớm hơn chớ.
Giọng bà Thi rên rỉ:
- Sao ngu dại thế con? So với Việt, thằng Hiển chả là quái gì hết. Bỏ nhà theo nó, đồng nghĩa với tự đào hố chôn mình và bôi tro trét trâu vào mặt cha mẹ.
Khanh lầm lì chắng cãi tiếng nào. Mẹ muốn mắng gì cũng được. Nhất định cô sẽ tiếp tục trốn, nếu có cơ hội.
Chị Tám rụt rè thò đầu vào:
- Bảo Khanh có điện thoại.
Bà Thi gắt:
- Của ai vậy?
- Dạ... của cậu Hiển.
Khanh chưa kịp đứng lên, bà Thi đã nói:
- Để cho mẹ.
Khanh kêu lên:
- Mẹ định làm gì?
- Mẹ cho nó biết con sắp lấy chồng, đừng gọi điện rủ rê, dụ dỗ nữa. Nếu nó không nghe thì đừng trách ba mẹ.
Dứt lời, bà bước ra khoá trái cửa phòng lại. Tới lúc này, Khanh không còn chịu đựng được nữa. Cô lăn ra giường khóc nức, khóc nở và ước gì mình chết đi cho rồi.
Cô nằm trong nước mắt và nỗi tuyệt vọng bao lâu không biết. Mãi đến lúc có tiếng mở cửa phòng, Khanh mới cựa mình.
Yến nhỏ nhẹ:
- Việt tới đưa em đi nghe nhạc kìa.
Nghe đến tên Việt, Khanh gào lên bằng tất cả hơi cô còn được:
- Bảo anh ta cút đi.
- Muốn thì ra mà đuổi. Em đã hứa với người ta kia mà.
Khanh trút giận sang Yến:
- Thằng cha Hà là một gã tồi. Em ngu mới tin hắn để giờ khóc hận như vầy.
Yến cười nhạt:
- Đó là chuyện của em và Hà.
- Nhưng liên quan đến chị, vì mê chị nên Hà đâu để em đi Hà Nội.
Yến cười như mếu:
- Hà đúng là ngốc khi nghĩ rằng nếu không có em, Việt sẽ chấp nhận lấy chị. Hừ! Không có chuyện đó đâu.
Khanh hùng hồn:
- Sao lại không? Là một người chỉ biết đến tiền tài, địa vị. Việt sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi ấy, miễn sao đạt mục đích thôi.
Mím môi lại, Khanh nói nhỏ:
- Em sẽ trốn nữa. thật đó.
Yến im lặng bỏ đi. Cửa phòng không khóa, Khanh nhìn đồng hồ và nhổm dây. Cô phải rời nhà trước đã, rồi chuyện gì tiếp sẽ tính sau.
Cầm cái ví nhỏ có chiếc vé máy bay đã mất giá trị sử dụng và khoảng hơn một triệu đồng, Khanh rón rén bước ra. Cô men theo cầu thang đi vòng xuống bếp và ra sân. Đi cầu thang ai phát hiện, nhất là mọi người đang tập trung quanh Việt.
Nhưng ngang cửa sổ phòng khách, Khanh ngạc nhiên khi thấy vắng teo. Việt ở đâu kìa?
Vừa tự hỏi, Khanh vừa dò dẫm bước xuống tam cấp.
Cô giật bắn người khi nghe giọng Việt:
- Chào nhóc. Cuối cùng, em cũng xuất hiện.
Khanh nuốt nghẹn khi nhận ra Việt đang ngồi ngoài ghế đá gần đấy.
Việt lại lên tiếng:
- Tôi chỉ lo em bị nhức đầu hay chóng mặt rồi đòi ở nhà thì buồn chết được.
Khanh thở hắt ra:
- Đi thì đi.
Việt cười rạng rỡ:
- Tôi vào chào với bác đã.
Khanh vuốt mặt, đầu toan những toán tính, nhưng chắng cái nào tới đâu.
Bà Thi nghiêm nghị nhìn Khanh:
- Đi chơi cho... ngoan đấy. Con không còn là trẻ con nữa đâu.
Quay sang Việt, bà dặn dò:
- Cháu trông chừng con bé cẩn thận dùm bác. Nó nghịch lắm.
Việt lễ phép:
- Vâng ạ.
Khanh ngồi sau lưng anh như tượng đá. Cô không hiểu anh nghĩ gì về những lời dặn dò của mẹ. Nhưng Việt rất tinh tế, chắc chắn anh thừa thông minh để đóan được rằng đã có vấn đề gì xảy ra.
Giọng Việt vang lên:
- Em thích vào quán nào?
Khanh buột miệng:
- Đồng Vọng.
Việt hơi nghiêng người ra sau:
- Chắc nơi ấy em từng có kỷ niệm đẹp?
- Đúng vậy. Và kỷ niệm ấy vẫn còn mới tinh.
- Nhưng dẫu sao đó vẫn là kỷ niệm. Nó thuộc về ngày hôm qua. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng nghe em kể về cái ngày hôm qua ấy để cho tương lai tôi luôn hiện hữu bên em.
Khanh nói:
- Đã gọi là kỷ niệm thì hết sức thiêng liêng và riêng tư không muốn kể với bất cứ ai.
Việt ngừng xe, Khanh bước xuống. Anh dắt xe vào bãi. Nhanh như một người bị truy đuổi, Khanh băng băng qua đường, ngoắt chiếc taxi vừa trở tới.
Leo lên ngồi, đóng kín cửa, Khanh thở phào nhìn về phía bãi gởi xe, Việt vẫn còn đang loay hoay. Khanh ngã người ra nệm và nghe trong ngực đập liên hồi. Thế là thoát, lần này nhất định cô phải bay đến tận thiêng đường.
Nhưng muốn thế, đêm nay Khanh phải có nơi ở an toàn chứ. Nghĩ tới các quán trọ các khách sạn, cô nhăn mặt lo lắng. Cuối cùng Khanh bảo tài xế chở cô tới khu túc xá đại học Bách khoa. Cô sẽ lén vào ngủ với nhỏ Bích Thọ một đêm. Ngày mai, cô sẽ đi.. Lần này ba mẹ và Việt thua Khanh thật rồi.
Khoan khóai với suy nghĩ vừa lướt qua, Khanh tủm tỉm cười. Xe dừng, cô trả tiền mở cửa bước xuống. Ngay lúc ấy, một chiếc xe honda ôm dừng lại trước mặt Khanh. Cô giật mình lùi ra sau và thấy gương mặt khó chịu của Việt. Thì ra anh ta đã kịp thuê xe ôm chạy theo Khanh. Mặt vẫn tươi cười như không hề xảy ra chuyện gì, Việt từ tốn bước đến gần cô. Lần này Khanh tuyệt vọng tới mức ngồi phịch xuống ngay gốc cột điện, mắt cay xè vì lệ.
Việt dịu dàng nâng cô dậy:
- Sao lại thế? Có chuyện gì chúng ta sẽ thắng thắn nói với nhau vẫn tốt hơn mà.
Khanh vẫn không nín khóc:
- Đừng vờ vịt nữa.Tôi ghét anh lắm. Làm ơn buông tha tôi đi.
Mặt vẫn không đổi sắc, Việt nhỏ nhẹ:
- Chúng ta vào quán nói chuyện vậy. Có cần trở lại quán Đồng Vọng không?
Khanh cộc lốc:
- Không cần.
- Vậy thì vào quán ở đây.
Dứt lời, Việt nắm chặt tay cô kéo mạnh đi. Thái độ có phần thô lỗ của anh khiến Khanh ngỡ ngàng. Cô bướng bỉnh giật tay lại, nhưng không được. Tay Việt như gọng kềm khiến cô đau nhói.
Đẩy Khanh ngồi xuống cái bàn nhỏ, Việt hất hàm:
- Dường như em không thích dịu dàng?
Khanh đốp chát:
- Điều đó còn tùy đối tượng. Với người như anh thì...
Mắt Việt long lên dữ dội:
- Không cần chua ngoa. Chúng ta vào vần đề đi. Tại sao em lại bỏ trốn?
Khanh hất những sợi tóc lòa xòa trên trán:
- Tôi không chấp nhận cuộc hôn nhân này, nhưng lại bị ép. Bỏ trốn là cách giải quyết của tôi.
Việt nhếch mép:
- Ba mươi sáu kế, chạy là thượng sách. Nhưng với em đây là hạ sách. Bỏ trốn theo một gã nào đó em sẽ mất tất cả. Cái mất đầu tiên là em tự đánh mất mình.
- Anh lung lạc tôi à?
- Tôi chỉ phân tích một vấn đề có liên quan tới mình. Cuộc hôn nhân này thực chất là một cuộc mua bán. Để đạt được mục đích tốt nhất, chúng ta có thể mặc cả mà.
Khanh hạ giọng:
- Tôi không muốn tham gia vào trò mua bán này.
- Tôi cũng thế. Khổ nỗi...
- Đúng là dối trá. Bụng nghĩ một nơi, mồm nói một nẻo, y như con buôn.
Việt làm thinh khuấy tan đường trong tách cà phê rồi bảo:
- Em uống để còn thức mà suy gẫm chuyện đời chứ.
Chắng cần hỏi ý như trước đây Hiển vẫn làm. Việt đốt thuốc và cũng như những tay nam sinh viên có mặt trong quán, anh phun khói mịt mù.
Mặc kệ bảo Khanh khó chịu, Việt hỏi:
- Em đã từng vẻ vời thế nào cho tương lai mình?
Không nghe giọng Khanh đáp, Việt bèn tự trả lời:
- Lấy chồng, sinh con, chăm sóc gia đình. Hà! Tầm thường quá phải không?
Khanh nhấn mạnh:
- Đối với người không có trái tim thì chuyện này đúng là tầm thường. Riêng với tôi là quan trọng, bới vậy, tôi muốn được sống với người mình yêu.
Việt nói:
- Tôi cũng thế. Nhưng đâu phải muốn là được. Bác Phi đã đặt chúng ta trước vấn đề nan giải, và tôi đành gác hạnh phúc qua một bên.
- Anh dẹp tham vọng đi thì mọi cái sẽ ổn.
Việt lắc đâu:
- Với đàn ông, cơ nghiệp đứng hàng đầu.
- Tôi từng nghe ba mình nói thế suốt mười mấy năm dài. Với tôi, cơ nghiệp là bóng ma nặng nề, dễ sợ nhất.
- Bác Phi luôn tiếc rằng đã không có con trai để tiếp nối con đường ông chọn. Trước đây, tôi cho là ông bi quan khi than như thế. Bây giờ mới cảm thông với cuộc chơi mà ông đã bày ra. Không con trai phải chọn rể xứng đáng để giao lại cơ nghiệp. Chắc bác Phi phải suy tư, dằn vặt ghê lắm.
Khanh gạt ngang:
- Hãy đi sâu vào cuộc mua bán này đi. Tôi muốn biêt tại sao anh không chọn chị tôi mà lại... ám tôi.
Việt xoa cằm:
- Khi mua, ai cũng muốn chọn món hàng ưng ý nhất. Tôi cũng thế. Trả lời như vậy, chắc hợp ý em?
- Anh thừa biết tôi không thích anh mà.
- Rồi em sẽ thích.
Khanh kêu lên:
- Không đời nào.
- Em nghĩ sẽ tiếp tục trốn tôi sao? Làm như thế là bất hiếu lắm. Thậm chí có thể khiến ba mình chết sớm hơn thời gian ngắn ngủi ông còn được sống...
Khanh nhíu mày:
- Anh nói vậy là nghĩa gì?
Nhìn vào mắt Khanh, Việt hỏi:
- Em không hiểu thật hay đùa nhỉ?
- Đùa? Đùa về chuyện gì?
- Em thật sự không biết bác Phi bệnh à?
Khanh ngơ ngác:
- Ba bệnh gì?
Việt khẽ lắc đầu:
- Em luôn mắng người khác vô tâm, nhưng bản thân mình còn hơn thế nữa.
Khanh nóng nảy:
- Làm ơn đừng vòng vo. Ba tôi bệnh gì?
Việt uống một ngụm cà phê rồi từ tốn đáp:
- Bác Phỉ bị ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn cuối.
Khanh vuốt mặt và nghe gió lạnh cứng chân tóc. Cô ấp úng:
- Vô lý. Chúng tôi chưa bao giờ nghe ba nói mình bị bệnh. Hơn nữa, ba không có dấu hiệu gì của chứng nan y ấy.
Việt nhỏ nhẹ:
- Bác Phi cố tình giấu. Những chuyến đi Singapore liên tục gần đây của bác chính là những chuyến đi chữa bệnh. Bác sĩ bảo thời gian còn kéo dài được dăm ba tháng nữa.
Khanh nhói ở ngực:
- Anh nói láo.
Việt nhìn cô thương hại:
- Để làm gì? Tôi đồng ý đề nghị của bác Phi cũng vì nghĩ tới tháng ngày còn lại ngắn ngủi của ông. Thành thật mà nói, tôi rất quý bác Phi. Lẽ nào em không hề nghĩ tới ba mình? Nếu em bỏ đi, bác Phi sẽ ra sao?
Khanh ôm mặt thảng thốt. Giọng Việt vần đều đều:
- Nói chuyện này không phải để buột triệt em đâu. Nhưng sự thật là thế. Cái chết chính là nguyên nhân khiến bác Phi đưa điều kiện bán cổ phần cho tôi.
Khanh héo hắt:
- Đặt chữ hiếu lên hàng đầu thì tôi còn gì để mặc cả với anh nữa. Tôi xin anh đừng chọn tôi. Tôi van xin anh thành khẩn đấy.
Việt đốt điếu thuốc khác:
- Em yêu anh ta lắm phải không?
Khanh đan những ngón tay vào nhau:
- Hai chúng tôi rất yêu nhau.
- Tình đầu à?
Khanh nuốt nghẹn:
- Vâng.
Việt búng tàn thuốc:
- Rồi sẽ qua và sẽ quên. Rất tiếc, tôi không thể rút lời đã hứa với bác Phi.
Khanh nghiến răng:
- Đồ độc ác!
- Rút lời xin cưới một cô gái nhà lành mới là độc ác đấy. Lời của tôi như đinh đóng cột. Riêng em, có quyền bỏ trốn hoặc đồng ý làm vợ tôi. Tôi đã nói những gì cần nói. Quyết định sau cùng là của em. Đừng bao giờ nghĩ rằng không có em, tôi sẽ chọn Yến.
Khanh bấu vào mép bàn cho bớt tức. Rõ ràng Việt là quỷ sa tăng đội lốt. Nói đi rồi nói lại, anh ta vẫn giữ phần thắng. Bây giờ lại thêm chuyện ba bệnh nữa...
Có thật là ba bệnh không? Hay hắn giả vờ để gạt Khanh?
Nước mắt cô ràn rụa và cô cũng chẳng buồn lau. Trong tim Khanh, buồn cũ chưa hết lại phải mang thêm nỗi buồn khác. Nếu đúng ba chỉ còn sống dăm ba tháng, Khanh đâu thể làm ông mất vui. Nhưng nghĩ tới tháng ngày dằng dặc trước mặt, cô không khỏi kinh hoàng khi biết chắc mình phải sống với Việt, người mình không mảy may yêu mến.