Chương 6
TAI ƯƠNG KHÔNG BÁO TRƯỚC

Ngay tối hôm tôi từ bệnh viện trở về, Loan hạt mít sang bảo:
- Mẹ tớ bằng lòng cho lão cai Cân bán nhà rồi.
Mặt nó buồn thiu. Tôi không còn cách nào khác hơn là rủ bạn đi chơi cho khuây khỏa. Chúng tôi mua hạt bí và ô mai cam thảo, vừa đi vừa ăn ô mai, cắn hạt bí, chẳng đứa nào nói một câu. Ngang nhà chị Bội, chúng tôi lại bắt gặp hai bóng người đứng nép dưới vòm lá tồi om của cây bàng.
- Thưa thầy…
- Anh đã bảo rồi… Bội cứ gọi anh là anh Gia.
- Thưa thầy, em…
- Sao em nhát thế? Con gái thời nay phải mạnh dạn lên chứ!... Ôi, mái tóc em đẹp thật. Hệt như mái tóc nàng Pha-ti-ma…
- Dạ, thưa thầy…
- Tay em cũng đẹp… nhưng sao đầu ngón trỏ lại nháp thế này?
- Em vẫn phải thêu hàng cho mẹ nên kim đâm vào tay.
- Ô, hỏng mất ngón trỏ, phí quá… Nhưng chẳng sao. Tay em điểm bốn, tóc em điểm năm, con người em năm cộng, đôi mắt em năm trừ, còn môi…
Ông bố chị Bội ló đầu ra khỏi cửa, hắt toẹt chén nước thừa chút nữa thì vào cô gái rượu. Ông Gia im bặt. Chúng tôi bấm nhau lui lại. Nhưng rủi ro thay, chính vào lúc đó, ông giáo thể dục đã nhìn thấy chúng tôi. Trong giây phút, mắt ông đờ ra vì kinh ngạc. Rồi nó tối sầm lại tức giận. Hai đưa tôi đứng sững như trời trồng, sợ thót tim. Lúc sau hoàn hồn, chúng tôi cất tiếng chào lí nhí rồi chuồn mất. Cặp mắt lươn của ông Gia chọc thẳng vào mắt chúng tôi như gầm rít: “Hai con mất dạy rình dập ta… Chúng mày sẽ biêt tay…”
Sự hăm dọa toát ra từ ánh mắt hằn học của ông ta quá rõ ràng. Từ phút đó, nỗi kinh sợ bóp chặt lồng ngực tôi, khiến mỗi hơi thở cũng mệt nhọc, khó khăn hơn trước.
Gần tới nhà, Loan run run kéo áo tôi:
- Chết rồi… Làm sao bây giờ?...
Tôi cố gắng làm bộ cứng cỏi:
- Mình có tội gì đâu mà sợ!
Loan lắc đầu:
- Chả có tội gì cũng chết. Lão ấy thù tụi mình…
- Cóc sợ! Đằng ấy im đi…
Loan không dám nói nữa. Nhưng mặt nó chảy thượt như cục bột ướt.
Đêm hôm đó, tôi mơ thấy mình bị trói chặt vào một mỏm đá dưới đáy biển. Những sợi dây thít chặt chân tay tôi đau rát. Nước xung quanh trong suốt, lạnh buốt xương. Một con cá ngão há mồm rộng ngoác lởm chởm hai hàm răng nhọn bơi lừ lừ tới trước mặt tôi. Tôi nhìn rõ cái cổ họng đen ngòm, ghê rợn như miệng hang núi của nó nằm sâu trong hai hàm răng lấp lánh. Và con vật khủng khiếp đó cứ im lặng tiến về phía tôi, mỗi lúc một gần…
Sáng hôm sau, tôi dậy muộn. Cơn mơ dữ khiến người tôi mỏi nhừ. Không kịp ăn sáng, tôi hối hả chạy tới trường cho kịp giờ học. Tiết đầu tiên đúng là giờ thể dục, môn học trước đây vài tháng là niềm vui thú, còn hôm nay là nỗi kinh hoàng.
Yến sếu ghé vào tai tôi thì thầm:
- Chuẩn bị tinh thần đi. Hôm nay mặt ông Gia hằm hằm trông kinh lắm. Lúc nãy ông hét lớp trưởng: “Kiểm tra chạy. Cự ly một trăm mét và hai trăm mét.”
Tôi lặng im. Theo đúng chương trình, hôm nay là giờ tập nhảy ngựa. Một hồi còi róng riết rít lên. Ông giáo thể dục đi tới. Chúng tôi tập hợp thành hai hàng dọc trước mặt ông ta.
- Vòng tròn khởi động.
Ông Gia ra lệnh. Bây giờ, ông không lý thuyết dài dòng như buổi đầu mà chỉ phát ra những mệnh lệnh cụt ngủn, thô bạo. Chúng tôi chạy vòng tròn dưới sự chỉ dẫn của cán sự thể dục lớp. Ông giáo chắp tay sau mông, đứng nhìn. Cặp mắt gườm gườm của ông không hứa hẹn điều gì tốt lành hết. Chị Bội cúi gằm mặt xuống. Còn Loan hạt mít tái xanh không còn hạt máu. Tôi vừa chạy vừa đếm từ một tới một trăm để tự trấn an tinh thần.
- Ra đường lớn, chuẩn bị chạy!
Ông Gia đột ngột hét to. Rồi ông quay lưng đi trước chúng tôi, vừa đi vừa rút trong túi quần chiếc đồng hồ quả quýt. Đôi vai và cặp mông đầy ú thịt của ông rung rinh.
Trên con đường cát đỏ mịn màng, đã có những vạch vôi kẻ sẵn. Cán sự thể dục xách những cặp bàn đạp ra đặt trước vạch xuất phát. Trực nhật đem quyển danh bạ lớp cho ông giáo. Và ông mở sổ ra lệnh:
- Bắt đầu.
Ngón tay to và dài của ông đặt lên cột số thứ tự:
- Vũ Thị Bê.
Theo vần chữ cái, bao giờ tôi cũng là học sinh đầu tiên được gọi tên trong các cuộc thi hoặc kiểm tra. Điều đó với tôi là việc bình thường. Nhưng lúc này, tim tôi bống đập vang dội trong lồng ngực như cái trống con. Tôi bước lên vạch vôi xuất phát, người nóng rần rật. Nguyễn Xuân Bảo, Phạm Thứ Bình, Khang Quốc Bình, Trần Thế Bính…
Ông Gia đọc tiếp. Cả năm đưa tôi giẫm chân lên bàn đạp trước cặp mắt ngơ ngác của mọi người. Trước đây không bao giờ nam nữ kiểm tra điền kinh chung. Mức quy định cho nữ sinh bao giờ cũng nhẹ hơn. Nhưng không ai dám hé răng hỏi.
- Chuẩn bị! Bắt đầu…
Ông Gia hô to. Lá cờ hiệu phất lên. Năm chúng tôi lật bật lao về phía trước.
- Sai quy cách, chạy lại
Ông giáo nói một cách lạnh lùng.
Chúng tôi quỳ gối, đặt chân lên bàn đạp, ngẩng đầu hướng về phía trước theo đúng bài giảng.
- Chạy… lại sai quy cách rồi. Lần thứ ba, làm lại đi…
Cả năm đứa thở hồng hộc quay lại vạch xuất phát lần nữa. Không ai bảo ai, chúng tôi liếc nhìn nhau kiểm tra các tư thế và động tác. Tất cả đều hoàn hảo. Ông Gia gãi ngón tay trỏ lên mặt kính đồng hồ:
- Tôi bám giây đấy. Chuẩn bị chạy… Chạy!
Lá cờ hiệu vẫy lần thứ ba. Lần này, chúng tôi cố gắng cho tới đích. Bí thư chi đoàn có đồng hồ đeo tay. Anh bấm giây và kêu to:
- Hoan hô! Tất cả vượt tiêu chuẩn một giây rưỡi… Thoát nợ rồi…
Tôi lau mồ hôi, thở hào hển. Nhưng ngay lúc đó, tiếng ông giáo thể dục vang lên ở đầu đường:
- Vũ Thị Bê, sai quy cách chạy lại.
Tôi sững người. Cả lớp ngơ ngác nhìn tôi, im phăng phắc. Người tôi nhẹ bẫng. Lúc lâu, tôi mới thốt lên được:
- Thưa thầy, em sai?
- Bàn chân sau đặt chưa đủ độ dốc bàn đạp, chạy lại.
Ông Gia đáp, lạnh tanh. Mọi người đứng xung quanh cúi mặt xuống. Rõ ràng đó là một nhận xét có tính moi móc, một lối trù lộ liễu. Tôi không còn sợ hãi nữa. Máu trào lên hai mang tai khiến mặt tôi nóng phừng phừng. Tôi cắn răng quỳ trước vạch xuất phát, cố sức thực hiện mọi động tác một cách hoàn hảo.
- Bắt đầu, chạy…
Lá cờ hiệu vẫy phía trước. Tôi lao người khỏi vạch vôi.
- Dừng lại… Tư thế chuẩn bị vẫn chưa được… Lần nữa…
Ông Gia gằn từng tiếng.
Tôi không nhìn vào bộ mặt to nung núc của ông giáo nữa. Toàn thân căng thẳng tựa sợi dây đàn. Trước mắt tôi, mọi vật như nhòa hết. Từ lá cờ hiệu đỏ, cặp mắt rưng rưng của chị Bội tới những ngấn nước mắt óng ánh trên má Loan. Tất cả trôi trong sương mù.
Hết giờ thể dục, tôi về lớp, gục xuống bàn và lên cơn sốt.
Không hiểu vì sao, bố Thế biết chuyện ngay. Bố đèo tôi về nhà:
- Chịu khó uống thuốc cho khỏi mà đi học con ạ. Sắp thi rồi.
Bố dặn tôi, vẻ buồn bã.
Tôi trùm chăn lên đầu vì bỗng dưng rét run như giữa mùa đông. Rồi tôi chìm vào giấc ngủ mê mệt. Nhưng lúc đang chập chờn, tôi còn nghe rất rõ tiếng cành cạch vang xa dần. Đó là tiếng mảnh nhôm gác-đờ-bu ở xe bố Thế bị rách làm đôi, đập vào nhau. Tiếng động đó quá quen thuộc. Có lần tôi nói:
- Bố ơi, xe của bố là bà lão gãy răng.
Bố Thế cười hiền lành, đáp:
- Thì bố cũng là ông lão gãy răng chứ trẻ trung gì?
Đúng là răng của bố sứt một chiếc thật.
Tôi nghỉ mất năm hôm. Thứ ba tuần sau tôi mới đi học được. Tụi bạn reo hò mừng rỡ. Không đứa nào nhắc tới chuyện giờ kiểm tra chạy cho tôi quên đi. Nhưng lúc ra chơi, Yến sếu bỗng kéo tôi ra hành lang thì thào:
- Hôm qua, tớ thấy ông Gia đèo chị Bội lên công viên.
Tôi nhìn chị Bội. Chị hỏi han tôi với vẻ ngượng ngùng. Tôi bảo Yến:
- Im ngay, nếu lộ chuyện, đằng ấy sẽ khốn khổ như tớ thôi.
Yến sếu sợ, im tắp lự.
Ly cũng đã đi học lại. Nó đem cho tôi một gói bánh đậu Hải Dương to tướng. Dì ruột của Ly vừa ghé thăm nó chiều qua. Những ngày học nối tiếp trôi qua. Tôi mải miết chép và làm những bài tập trong các ngày nghỉ ốm nên bận rộn quên đi mọi sự. Tối thứ bảy, buổi học cuối trong tuần, chúng tôi bỗng có giờ nghỉ. Bố Thế nhận được điện từ quê báo tin mẹ ốm đã về từ trưa qua. Tụi bạn rủ nhau xuống sân đá bóng. Riêng tôi, tôi mới ốm dậy nên không tham gia. Tôi thơ thẩn trèo lên nóc bể đựng nước chơi. Tôi chưa nói với các bạn rằng trường tôi có một bể xi măng lớn. Bể đào chìm trong lòng đất, chỉ nhô phần thân trên chừng một thước tây. Thành và nắp bể rất dày, xi măng láng bóng. Mùa mưa, hai ống máng dài chạy dọc mái trường hứng nước tuôn vào bể xối xả. Khi bể cạn, chúng tôi thường thò đầu vào trong hét lên và nghe tiếng dội lại âm u ghê rợn như tiếng con quỷ ngồi trong lòng đất. Dạo ấy bể lưng lưng nước nên ông bảo vệ đóng chặt hai chiếc nắp lại. Chúng tôi tha hồ chạy nhảy trên bể, ngồi truy bài hoặc chơi ô. Từ bể có con đường nhỏ dẫn tới nhà vệ sinh. Hai bên đường, vườn bạch đàn liễu tươi tốt rủ lá xuống. Khi leo lên nóc bể, tôi chợt thấy một bóng người mặc quần áo trắng đi giữa lối mòn qua vườn bạch đàn ấy. Ngay tức khắc, mặt tôi nóng bừng lên. Hình ảnh con đường kẻ vạch vôi, cặp bàn đạp bằng sắt và lá cờ hiệu phất phất hiện lên ngay trước mắt. Một ý nghĩ như tia chớp vụt qua. Rồi ý nghĩ đó xâm chiếm tôi không kịp đắn đo gì. Tôi nhìn quanh. Không một bóng người. Cả lớp dồn xuống sân bóng hết. Chỉ một mình tôi đứng trên nóc bể và nhìn thấy ông Gia vào nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh của trường gồm bốn ngăn buồng nhỏ xây gạch, nóc đổ bê tông kiên cố. Phía trước có bức tường che cao vượt đầu người lấp cả dãy cánh cửa phía trong. Các cánh cửa đều bằng gỗ lim dày, che kín từ bực thềm tới mái không hà tiện hở đầu hở đuôi như các nơi khác. Bởi thế người ngồi bên trong không thể nào nhìn thấy người đứng bên ngoài. Tôi tính toán lại lần nữa, rồi tới đống bàn ghế hỏng chờ sửa chữa của trường, chất gần bể nước dưới một mái tôn che tạm. Tôi vác chiếc ghế băng cụt chân, dày và nặng. Đi theo lối mòn giữa vườn bạch đàn, tôi đem xuống nhà vệ sinh, chống lên cánh cửa đang đóng kín mít, còn đâu kia gối lên bức tường che phía trước. Có lẽ hai người đàn ông lực lưỡng hè nhau cũng không du đổ bức tường kiên cố đó.
Tôi lên lớp lấy cặp. Tụi bạn đang xem đá bóng dưới sân gọi ơi ới:
- Bê ơi, làm gì về sớm thế? Xuống đây xem một tăng.
Tôi đáp:
- Mệt lắm. Tớ về đây… Các đằng ấy có về tới đợi.
Một vài đứa lác đác bỏ cuộc về theo tôi. Rồi cả lớp bỏ về hết. Sân trường vắng tanh.
Chiều thứ bảy là buổi chiều duy nhất trong tuần tôi được đi chơi tự do. Ăn xong, tôi chuồn sang nhà Loan ngay. Cô bạn báo tin:
- Ngày mai mẹ tớ cưới rồi.
Tôi thương Loan quá. Gọi một người tốt là bố thì không sao. Nhưng gọi cai Cân là bố thì khổ thật. Tôi bảo bạn:
- Ra đảo chơi.
Loan lặng lẽ gật đầu. Với nó, đi đâu bây giờ cũng vui hơn ngồi nhà nhìn cai Cân nhe răng vàng ra cười cợt.
Chúng tôi ra sông. Chiếc thuyền tôn của bà An Lạc đã buộc sẵn ở cây cọc. Trên thuyền vương vãi và sợi rong xanh và mấy cánh bèo dập nát. Bà đã đi lấy rau lợn rồi và chúng tôi có thể yên trí rong chơi. Loan ngồi đàng hoàng rồi, tôi thong thả đẩy thuyền ra rồi nhảy lên, chèo. Nắng chiều nhè nhẹ phủ lên dòng nước làn ánh sáng tươi tắn, lộng lẫy. Bầu trời vàng rực nhưng êm dịu vì những cơn gió đẫm nước bay từ đầm sen bát ngát bên kia sông tràn tới, mang theo mùi thơm trong suốt thanh cao. Những cây cỏ trứng ếch rập rờn bên roi cát..
- Trời đẹp quá
Tôi thốt lên kêu, lòng nhẹ lâng lâng.
Loan thở dài:
- Mình chán lắm, ngày mai phải về ở nhà cai Cân rồi.
Tôi chợt nghĩ, đúng thế thật. Ngày mai cai Cân cưới cô Lưu. Cô sẽ giao nhà cho chủ mới và theo lão về ở căn nhà có sáu buống. Hẳn mẹ con cô sẽ phải ở căn nhà ngang phía dưới mà lão vừa thuê thợ quét vôi, sửa sang lại. Mấy đứa con trai ghê gớm của lão không đời nào chịu nhường ngôi nhà trên cho người khác. Dân thị trấn đã bàn tán ba bốn tuần lễ nay. Họ chờ đợi cai Cân đối xử với mẹ con cô Lưu ra sao, một khi lão đã nắm hết vàng lẫn tiền bán nhà trong tay.
Tôi bảo:
- Buồn làm quái gì? Nếu lão giở mặt thì sang nhà tớ ở.
Chúng tôi lên đảo Hoa Vàng, kiểm tra lại kho tàng. Mọi thứ nguyên vẹn, riêng khoai nghệ lác đác nảy mầm. Sợ để lâu khoai xốp nên chúng tôi dỡ xuống thuyền đem về nhà. Trước khi chèo thuyền về, tôi rủ Loan sang nhà thằng bé chụp cá chơi nhưng cô bạn từ chối. Chúng tôi trở lại thị trấn vào lúc sao Hôm vừa mọc nơi chân trời phía tây, long lanh như hạt nước lớn. Những hàng phượng vĩ hứng ráng chiều hóa thành màu vàng rơm, trông xa như phủ lớp bụi kim nhũ. Lũ trẻ nhỏ ùa ra hè phố, chạy nhảy la hét. Và mấy ông già lững thững dạo chơi giữa bọn chúng, vẻ thung dung.
Tôi hôm đó, Loan ăn cơm với tôi rồi ngủ lại luôn.
Sáng hôm sau, chủ nhật, mẹ tôi bảo hai đứa:
- Dẫu sao hôm nay cũng là ngày vui của mẹ, cháu nên về. Còn Bê, con mang đồ mừng sang cho cô Lưu và nói rằng mẹ xin phép ở nhà vì có việc bận.
Mẹ đưa cho tôi một mảnh lụa hoa dâu trắng, gói trong giấy mỏng. Hai đứa tôi vâng lời ra đi. Tôi chẳng cần mô tả lại cái đám cưới trớ trêu đó cho các bạn phiền lòng. Đám cưới gì mà cô dâu ra phòng ngoài tiếp khách thì cười, vào trong buồng trong lại khóc nức nở như mẹ chết. Chỉ cai Cân là liên tục nhe hàm răng vàng ra cười hí hí, hơ hơ một cách khả ố, vô duyên. Khi tôi và Loan tới, cô Lưu vội vã gọi chúng tôi vào buồng. Tay cầm món quà tặng của mẹ tôi, tay ôm con gái vào lòng, cô khóc tức tưởi như đứa trẻ bị đòn oan, nước mắt rơi xuống đầu Loan lã chã. Loan cũng sụt sịt khóc theo. Và tôi, cầm lòng không nổi, khóc theo nốt. Mấy bà phù dâu vào gọi cô Lưu rối rít. Cô lau nước mắt, ra ngoài. Tôi và Loan chuồn về nhà, ăn cơm. Ngày cưới của cô đối với chúng tôi là như vậy.
Sáng hôm sau, thứ hai, tôi với Loan cắp sách tới trường. Dọc đường, tôi nhớ lại việc làm của mình ngày thứ bảy, vừa lo vừa hả hê trong dạ. Tới lớp, tôi nghe ngóng xem có ai bàn tán về việc ông Gia bị nhốt trong khu nhà vệ sinh không.
Nửa giờ sau, tin ông Gia bị nhốt trong nhà tiêu hôm thứ bảy lan khắp trường. Đám học sinh nhỏ thì thầm, mắt to mắt bé. Những anh chị khối chín, khối mười thì cười ha hả, vui vẻ đùa cợt không giấu giếm:
- Hề quá nhỉ… Thằng nhóc nào nghĩ ra cái trò ấy cũng hay. Ngồi trong nhà xí tha hồ cho thầy Gia suy tư nhé.
- Ừ, thừa thời gian nghĩ cách tán tỉnh các em nữ sinh khau kháu.
- Lớp nào lão cũng chõm một cô. Học sinh thắc mắc, bép xép là lão trù cho khốn khổ. Các cậu biết chuyện thằng Xít 9B không?
- Có nghe loáng thoáng. Cậu kể lại đầu đuôi cho rõ.
- Thằng này vốn nghịch ngợm nhưng lại rất lễ độ với các thầy cô. Tuy nhiên, lão Gia này thì chẳng đáng là thầy. Tuần trước tập nhảy ngựa, lão vờ vĩnh kiếm cớ ôm lưng con Bích. Bích mắt ngọc thạch ấy mà. Thằng Xít bưng miệng không được, cười phá lên. Lão bẽ mặt, cáu lắm. Giờ sau, lão kiếm cớ bắt thằng bé nhảy ngựa suốt nửa tiết học dưới trời nắng chang chang… Ha, ha, cái trò này chắc cậu Xít nghĩ ra để trả hận đây… Ha ha ha… Đáng lắm…
Lời bàn tán, người đi lại rộn rịp, ầm ĩ ngoài hành lang. Tôi rút lui vào lớp, ngồi xuống ghế. Yến sếu tới bên cạnh:
- Bê, mày có biết thằng Xít không?
- Biết.
- Thằng ấy trông thế mà ghê thật. Liệu cậu cả có bị đuổi học không nhỉ?
Tôi quay mặt, đáp dửng dưng:
- Biết đâu đấy…
Tuy nói vậy, đầu tôi nóng bừng lên: câu chuyện đã xoay sang hướng khác. Trước đây, tôi hồi hộp chờ phút người ta tìm được thủ phạm, và chuẩn bị tư thế giơ lưng ra chịu đòn. Giờ, bỗng nhiên một kẻ khác phải hứng chịu thay tôi. Một cậu học sinh vô tội. Nỗi lo sợ bay mất, thay vào đó là nỗi hổ thẹn và buồn bã. Tôi cảm thấy nhục nhã như mình là một tên móc túi mà đang tâm nhìn người khác bị còng tay dẫn vào trại giam. Trống trường điểm thùng thùng. Tiết học thứ năm kết thúc. Từ các lớp, học trò đổ ra ào ào. Tôi đi lẫn vào dòng người đông đúc, mặt cúi gằm, trán vã mồ hôi. Qua văn phòng, tôi liếc mắt nhìn. Ở gian chính, bốn bề mở cửa toang, một cậu học trò mặc quần xanh, áo trắng, ngồi đối diện với bà hiệu trưởng. Ở giữa là chiếc bàn có quả cầu nhựa màu xanh. Cậu học trò nói vài câu rồi đưa tay áo lau nước mắt. Mặt bà hiệu trưởng lạnh như nước đá, không hề máy động. Đôi mắt bà mở rộng sau cặp kính. Còn gương mặt cậu kia thì tái nhợt đi…
“Đó là Xít. Đó là người chịu tội một cách oan uổng thay mình…” – tôi nghĩ, cố gắng bước cho nhanh qua cửa văn phòng. Loan hạt mít lạch bạch chạy sau:
- Bê ơi, đợi tớ với! Làm gì mà đằng ấy như ma đuổi vậy?…
Tôi không trả lời, bước vùn vụt.
Chiều, cố gắng lắm tôi mới học thuộc bài. Những dòng chữ nhảy nhót lung tung, không chịu sắp thành hàng lối trong trí nhớ. Học xong, tôi lơ láo nhìn những người qua đường. Một con nhện to kềnh giăng lưới trên cửa sổ, tôi cũng không buồn đuổi. Hình ảnh cậu học trò xa lạ với gương mặt nhợt nhạt đầm nước mắt cứ hiện lên. Hẳn chiều nay cậu phải ngồi viết bản kiểm thảo. Không tham dự, không làm, không biết… nhưng chắc chắn bà hiệu trưởng buộc cậu phải nhận lỗi. Cả trường chúng tôi không ai quên được vụ kỷ luật Đào Ca năm ngoái…
Đào Ca là học sinh 8D, con một người đàn bà gầy còm, bán kim chỉ và đồ vặt ngoài chợ. Ông bố Ca làm thợ mộc, nhưng quanh năm rượu chè nên không bao giờ đưa cho vợ được một đồng nuôi con. Nhà sáu miệng ăn, ngoài giờ học Ca phải bán thêm kẹo kéo. Mặt mũi cậu ta lúc nào cũng ủ ê, cau có. Bỗng nhiên, trường bị mất năm cân đường chuẩn bị cho hội thi văn nghệ. Không hiểu người nào đó xướng lên rằng thủ phạm chỉ có Đào Ca, vì hoàn cảnh khó khăn, vì chính bản thân cậu thường phải tìm mua đường trắng ở cửa hàng về nấu kẹo. Ý kiến đó lọt vào tai bà hiệu trưởng. Bà vốn nổi tiếng về sự sắt đá. Bà tin là sự thật. Bà quyết bắt Ca phải nhận lỗi. Cậu phải viết đi viết lại một trăm hai mươi hai bản kiểm điểm, từ chỗ không biết gì đến chỗ hoàn toàn nhận tội và miêu tả cụ thể, ngày giờ, cách thức lấy trộm năm cân đường. Hơn ba tuần ngồi viết kiểm thảo, Đào Ca đờ đẫn như kẻ mắc chứng tâm thần. Sau khi nhận tội, cậu ta được hưởng kỷ luật khoan hồng của bà là cảnh cáo ghi lý lịch và lưu ban. Nhưng Đào Ca không đủ sức theo học nữa. Cậu nghỉ luôn và trở nên ngờ nghệch như mắc chứng tâm thần thật sự. Đào Ca nghỉ học được một tháng, công an tới trường báo đã phát hiện ra kẻ trộm. Đó là gã con trai lớn của ông bảo vệ trường, hai mươi tám tuổi, làm nghề đẽo đá đóng cối xay và bia mộ. Gã làm thợ thì tồi nhưng xoáy vặt thì rất giỏi. Nhờ những vụ trộm liên tục, công an mới tóm được gã một cách đột ngột, tường tận, không thể chổi cãi…
Mọi người thương xót Đào Ca. Duy chỉ có bà hiệu trưởng tỏ ra không xao động. Mặt bà lúc nào cũng uy nghiêm, lạnh lùng. Một gương mặt như chạm bằng đá rắn. Lúc đó tôi nghĩ rằng những người đàn bà ham quyền lực còn khắc nghiệt hơn cả đàn ông. Tôi rờn rợn khi gặp bà. Điều đó sau này trong cuộc đời tôi thấy hoàn toàn đúng.
Trở lại sự việc của mình, nỗi day dứt giày vò tâm trí tôi. Bà hiệu trưởng nhất quyết bắt Xít nhận lỗi, dù phải viết tới năm trăm bản kiểm thảo. Trước đây bà đã chẳng bắt Đào Ca từ không đến có đó là gì?… Xít sẽ không thể nào chống đỡ. Sẽ không ai an ủi, dìu dắt được cậu trong cơn tai biến này. Sẽ không ai cứu cho cậu thoát khỏi vòng oan nghiệt..
- Mình phải làm việc ấy. Mình phải đứng lên nhận hình phạt.
Tôi tự bảo mình. Nhưng cặp mắt bà hiệu trưởng hiện lên sau lớp kính trắng, lạnh lùng và nghiệt ngã. Đừng hy vọng một sự khoan dung nào ở bà. Bà sinh ra đời là để trừng phạt và chỉ thế thôi. Những học sinh khối mười đã nhiều lần bàn tán về bà như vậy. Nhận tội, tôi sẽ bị đuổi học tức khắc. Trời ơi, con cô giáo Hạnh mà bị đuổi học sao? Mẹ tôi sẽ nói năng với bạn bè đồng nghiệp thế nào?…
Còn Xít bị đuổi học, mẹ cậu ta sẽ khó mà sống nổi. Bà ấy gầy như que củi, suốt ngày ngồi đan sau chiếc tủ kính đựng len, những sợi gân xanh nổi như cọng rau muống trên làn da trắng bệch vì thiếu máu. Bà goá chồng từ năm ba mươi lăm tuổi, ở vậy nuôi Xít và mắc bệnh đau tim đã sáu bảy năm nay. Tôi nỡ nào để một người mẹ yếu đuối như vậy đau khổ?
Nhưng Xít chỉ là một học sinh bình thường. Còn mình được cả trường biết đến tên tuổi. Nào là học sinh xuất sắc, diễn viên kịch trứ danh, vận động viên thể dục mềm dẻo số một…
Bao nhiêu vinh quang. Tất cả sẽ rơi rụng hết một khi tôi đứng trước văn phòng, nghe bà hiệu trưởng tuyên án…
Đầu óc quay cuồng, tôi mở tung cửa chạy ra hè phố.
Lúc đó khoảng bốn giờ chiều, nắng đã nhạt. Một đoàn xe ngựa chạy qua đường. Những chiếc chuông rung reng reng. Từng con ngựa bụi bặm, mỏi mệt lắc bờm diễu qua mắt tụi nhóc, nửa như phớt lờ, nửa như trêu chọc. Lũ trẻ reo hò, đuổi theo chúng tới tận ngã ba đường. Trên hè phố trơ lại hai đứa bé. Một thằng to béo, má đỏ, trông nhanh nhẹn. Thằng kia thấp nhỏ, yếu đuối hơn. Hai đứa bị đám trẻ lớn gạt lại nên đành đứng trông theo đoàn xe ngựa. Mặt chúng tần ngần một cách tội nghiệp, lát sau thằng bé to béo rủ bạn chơi bi. Chúng cởi hai chiếc cặp da có quai đeo, đặt vào gốc cây cơm nguội, rút phấn trong túi quần vẽ lồ rồi bắt đầu bắn bi. Lát sau, thằng lớn ăn gian, đút viên thuỷ tinh mới có múi khế xanh đỏ vàng của bạn vào túi. Rồi nó xách cặp chạy về nhà. Thằng bé bị mất oan viên bi không dám chạy theo đòi. Nó đứng lặng yên nhìn theo kẻ cướp giật kia, nước mắt ứa qua bờ mi, lăn hối hả trên gò má. Cặp mắt thằng nhỏ xanh trong, tròng đen màu nâu có những rạch sáng. Những giọt nước mắt của nó cũng trong suốt như thủy tinh. Tôi đến gần dỗ:
- Nín đi em, nín đi…
Thằng bé ngước cặp mắt trong veo nhìn tôi. Và ngay lúc đó, nỗi hổ thẹn khiến miệng tôi đắng nghẹn lại. Tôi có khác gì thằng bé lừa đảo kia. Tôi cũng gạt tội lỗi cho kẻ khác mà kiếm phần hơn cho mình. Tôi không dám hỏi thằng bé nữa, bỏ vào nhà.
Loan hạt mít cũng vừa sang:
- Đằng ấy ốm à? Sao xanh tái như tàu lá thế?
Tôi gượng gạo đáp:
- Ừ, chóng mặt…
- Thôi, đúng rồi. Đằng ấy bị cảm gió. Năm nay trời độc lắm, người già con trẻ ốm la liệt ra.
Loan bắt tôi nằm xuống giường để nó xoa dầu đánh gió. Tôi mặc cho nó làm vì chính tôi cũng thấy bải hoải như ốm thật. Vừa làm, Loan vừa nói lem lém:
- Tớ vừa gặp ông Gia xong.
- Ở đâu?
- Hiệu phở. Mặt ông ấy to ơi là to. Tớ sợ không dám mua phở phải vác bát vào chợ mua cháo lòng cho mẹ tớ.
- Sợ gì?
- Sợ chứ. Nghe Yến sếu bảo ông ấy tuyên bố trước hội đồng giáo viên là không tìm được đứa nào nhốt ông ấy vào nhà xí và đuổi học thì ông ấy sẽ nghỉ dạy.
- Nghỉ thì đã có người khác. Thiếu gì giáo viên thể dục.
- Nhưng ông ấy lại là em chồng bà hiệu trưởng. Anh rể Yến sếu làm trên Ty giáo dục nói rằng ông Gia bị kỷ luật ở trường cũ phải đổi đi Lào Cai nhưng bà Vinh xin về đây. Bà ấy mạnh cánh lắm. Hiệu trưởng nào cũng phải sợ
Tôi lặng im. Dẫu sao, tôi cũng đã quyết định rồi. Và dù tai ương có khủng khiếp đến đâu tôi cũng không thay đổi ý nghĩ.
Sớm hôm sau, tôi tới trường. Bố Thế ở dưới quê vừa lên. Bố đem cho chúng tôi một gói quýt và khoai lang luộc. Cả lớp xúm xít vây quanh:
- Bố ơi, bà khoẻ chưa hả bố?
- Khoẻ rồi. Tưởng cụ chết. Nhờ châm cứu với mấy chén thuốc bắc, cụ lại hồi.
- Cô con khoẻ không ạ?
- Cây táo vườn sau còn quả không bố?
- Luống khoai dong riềng dỡ hết chưa mà bố không đem lên đây luộc?…
Bố Thế tươi cười trả lời lần lượt những câu hỏi. Rồi bố ngạc nhiên nhìn tôi:
- Con Bê làm sao thế? Mọi ngày mồm mép như tép nhảy cơ mà?
Loan nhanh nhẹn đáp:
- Thưa bố, Bê ốm từ chiều qua.
Bố Thế đặt bàn tay thô nháp lên trán tôi:
- Ô, trán hơi nóng mất rồi. Mày đã uống thuốc gì chưa?
Bố nhìn vào mắt tôi, hỏi. Bao giờ bố cũng chỉ có môt kiểu nhìn như vậy: trung thực và tin cậy.
Tôi nghĩ bụng: Với một con người như bố, chỉ có quỷ sứ mới có thể dối trá được. Cảm giác kinh hãi thoáng lướt qua như cơn gió lạnh khiến tôi bất giác rùng mình. Rồi tôi thu hết can đảm ngẩng lên nhìn vào mắt bố và nói:
- Bố đi về phòng đi… Con có chuyện này…
Có lẽ thầy chủ nhiệm của tôi cũng đoán được đôi phần điều hệ trọng sau câu nói của tôi. Bố Thế không cười nữa, dắt tay tôi đi dọc hành lang trở về phòng. Đám bạn trong lớp ngơ ngác nhìn theo.
Khi bố Thế vừa mở cánh cửa, dẫn tôi tới ghế ngồi thì tôi bỗng bật lên khóc. Những cơn nấc dữ dội như những làn sóng bị dồn nén từ lâu trong mạch nước theo nhau trào ra, ào ạt xối xả khiến tôi mụ mẫm cả người. Tôi khóc như đứa trẻ con bị đòn oan, ngây ngất không chú ý tới mọi vật xung quanh mình. Cổ họng khản đặc. Mắt sưng húp lên. Hai ống tay áo và khoảnh bàn tay tôi tì lên ướt đầm đìa. Chưa bao giờ tôi khóc như hôm ấy. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường bố Thế, chiếc chăn hoa mỏng đắp tới tận cằm. Giường bên kia, thầy Bách ngáy khò khò. Bố Thế ngồi chấm bài ở bàn. Góc bàn, một chiếc lồng bàn nhỏ đậy phần cơm. Thấy tôi ngồi dậy, bố quay lại bảo:
- Dậy xúc miệng rồi ăn cơm kẻo đói lả bây giờ.
Tôi trả lởi:
- Thưa bố vâng.
Nhưng tôi hoàn toàn không thấy đói. Giờ này, chắc mẹ tôi đã đi dạy học rồi. Hôm nào tôi về muộn, mẹ cũng để phần cơm tôi như thế này.
Bố Thế pha một cốc nước chè nóng với đường cho tôi uống rồi gạt chồng bài kiểm tra sang bên, ngồi đối diện với tôi.
- Lúc ngủ, mày nói mê loạn xạ… Bố phải dấp khăn ướt trùm lên trán mới thôi. Nào, sự việc ra sao, kể cho bố biết.
Tôi bắt đầu kể hết mọi chuyện: Từ chuyện tôi và Loan thấy ông Gia tán tỉnh chị Bội tới giờ kiểm tra chạy tôi bị trù. Cuối cùng là sự việc sáng thứ bảy tuần trước, khi lòng căm tức đã xui khiến tôi có hành động dại dột.
Tôi kể xong, bố đứng dậy.
- Giờ bố con ta xuống văn phòng minh oan cho cậu Xít. Rồi mọi chuyện sẽ tính sau.
Chúng tôi xuống văn phòng. Quả nhiên, Xít đang ngồi ảo não trước tờ giấy trắng. Trông cậu ta thiểu não. Đường gân xanh nổi phập phồng bên thái dương. Sau tấm bàn, bà hiệu trưởng đang ghi chép gì đó lên cuốn sổ tay bọc da lớn bằng cuốn sách vỡ lòng. Không khí lặng lẽ đến mức nghe rõ tiếng mọt đục kèo trong chân bàn. Hai thầy trò bước vào. Bà hiệu trưởng không ngẩng lên, cất tiếng hỏi:
- Có việc gì thế anh?
- Tôi muốn nói với chị chút việc riêng.
Bà hiệu trưởng ngước mắt nhìn. Đôi mắt lạnh và sắc của bà khiến tôi run rẩy. Bố Thế biết tôi sợ, quay lại nói:
- Con ra ngoài sân chơi. Lát nữa bố gọi.
Tôi chào bà hiệu trưởng, chạy ra ngoài. Chừng năm phút sau, Xít ra theo. Cậu ta rón rén lại gần gốc cây phượng, nơi tôi đang ngồi:
- Này, bạn đã nhốt lão Gia đấy à?
Cậu ta cất tiếng hỏi, vừa rụt rè vừa hồ nghi.
Tôi gật đầu, không đáp.
Xít đi vòng quanh, vẫn bằng dáng điệu rón rén e sợ, rồi sau khi thở một hơi dài, quả quyết, cậu ta gọi tôi:
- Bạn này.
Tôi ngước mắt lên:
- Gì cơ?
Xít rón rén ngồi xuống cạnh tôi:
- Bạn là con gái mà ghê thật đấy. Bạn không sợ bà Vinh đuổi học hay sao?
- Có sợ.
- Thế sao bạn lại dám nhận tội?
- Tôi không nhận thì anh bị đuổi học thay tôi. Mà anh bị đuổi học, mẹ anh sẽ buồn phiền mà chết.
Xít im bặt. Rồi lát sau, cậu ta khe khẽ nói:
- Cám ơn bạn nhé.
Tôi đáp:
- Chẳng cần đâu.
Cậu trai tần ngần:
- Có cách nào thoát được không nhỉ?
Tôi lắc đầu:
- Chẳng cần. Tôi làm, tôi chịu.
Xít cau mày:
- Bạn biết tính bà hiệu trưởng chứ? Mà lão Gia lại là em ruột của chồng bà ta.
Tôi gật đầu:
- Biết rồi.
Xít hạ giọng thì thầm:
- Bạn có biết từ hôm qua tới giờ bà Vinh tra khảo tôi những gì không? Cứ thế này kéo dài một tuần chắc tôi ốm chết…
Tôi nói:
- Tôi thì chẳng sợ tra khảo. Tôi nhận rồi mà.
Xít ái ngại nhìn tôi, thở dài sườn sượt:
- Thế cũng chẳng sung sướng gì hơn. Bạn sẽ bị buộc thôi học ngay trong vòng một tuần.
- Đành vậy thôi.
Tôi đáp và quay đi. Tôi không muốn Xít nhìn thấy cặp mắt sưng mọng của mình. Chưa bao giờ tôi khóc trước mặt bạn trai. Xít cũng đoán được ý tôi. Cậu ta băn khoăn đi đi lại lại một hồi rồi chụp mũ lên đầu, chào tôi ra về.
Nửa giờ sau, bố Thế gọi tôi:
- Con hãy nói cho cô Vinh nghe mọi chuyện.
Bố ngồi bên tôi. Tay bố nắm cánh tay tôi khiến tôi vững dạ. Tôi đủ minh mẫn để thuật lại đầy đủ những sự viêc dẫn tói hành động cuối cùng của mình. Bà hiệu trưởng vừa nghe vừa gõ nhịp chiếc bút lên bàn. Tôi nói xong, bà hất bàn tay lên:
- Cho cô ra ngoài.
Tôi đi ra. Bố Thế còn ngồi lại nói chuyện với bà cho tới khi trời tối. Sương buông xuống, phủ trên đồi bạch đàn. Cánh đống xung quanh mờ mờ như bị xông khói. Bố Thế lấy xe đạp đưa tôi về nhà. Bố dặn tôi đừng nói cho mẹ tôi biết chuyện.
Tôi hôm đó, ngồi trước ánh đèn, tôi bỗng thấy chua xót tràn ngập tâm hồn. Tôi là một học sinh gương mẫu, tôi muốn mãi mãi là trò giỏi, là vận động viên xuất sắc, là diễn viên không chuyên nghiệp nổi danh của tỉnh, tên tôi mãi mãi ghi trên tấm bảng danh dự của trường… Lạy trời, ông giáo thể dục này từ đâu tới phá vỡ cuộc sống tươi sáng ngọt ngào của tôi? Vì sao cuộc đời lại có những con người khả ố thế và vì sao lòng căm tức lại xui khiến tôi có những hành động liều lĩnh như vậy?… Không một nàng tiên nào giáng thế để trả lời những câu hỏi cho tôi.