Chương 19
THAY CHO ĐOẠN KẾT

Khi tháng năm bắt đầu thổi xòe những cánh phượng vũ trên đường phố thì lúc đó bố con tôi cùng Loan từ đồn Khậu Phai trở về. Dẫu đã sang hè, buổi sớm miền núi vấn lạnh cóng. Chỉ tới lúc mặt trời đã lên, sương tan, không khí mới nóng rực lên. Các chiến sĩ trong đồn với một trong hai chú trung úy phó đồn đưa chúng tôi đến hết đường vào bản Khum.
- Tạm biệt! Tạm biệt nhé!... Sẽ có ngày gặp lại...
Tôi giơ tay, hét lên thật to khi các chiến sĩ đã leo lên lưng chừng con đường dốc lên đồn. Họ giơ tay vẫy chúng tôi. Còn tôi vừa đi vừa thích thú lắng nghe hai vách núi nhại lại tiếng hét của mình. Niềm vui sướng tràn đầy khiến tôi nhảy nhót như đứa bé lên năm. Vậy mà tôi đã mười bốn tuổi, cái tuổi sắp trở thành thiếu nữ.
Hoa chuối rừng nở đỏ chót, hoa đỗ quyên dại và hoa kim tước, hoa kim anh nở khắp nơi, như dăng lên tấm lụa của hội hè. Những con sơn ca núi lao vụt từ dưới mặt đất lên không trung, xòe cánh lượn và buông tiếng hót say mê. Từng đàn bướm lớn, rực rỡ đến quái dị trong lèn đá bay ra giống như những đám mây sặc sỡ lượn lờ trên mặt đất. Thỉnh thoảng lại có một dòng suối chảy qua đường, nước trong vắt, phô những hòn sỏi tròn trĩnh dưới đáy...
Ôi, sao đường về lại đẹp đến thế!...
Không bao giờ tôi có thể quên được hình ảnh tươi sáng và lộng lẫy của núi non, của rừng, của suối và của chính tâm hồn ngày ấy.
- Không, con người phải đấu tranh và phải chiến thắng...
Ý nghĩ đó vang lên trong óc tôi, như tiếng nhạc ngựa vang rền trong thung lũng mùa xuân. Con người phải chiến thắng những buồn khổ, những bất hạnh và nỗi thất vọng của chính mình. Không bao giờ được nghĩ tới chuyện chấm hết, dù khi ta là một đứa trẻ mười ba hay là một người già xấp xỉ tám mươi... Tôi nhớ lại dáng dấp của ông già chăn vịt, nhớ mái tóc trắng phơ của ông, nụ cười thầm lặng và hóm hỉnh của ông. Cả cây bút vàng gài trong túi áo... Vâng, tôi nhớ tất cả, và tôi thầm cảm ơn ông. Chính ông đã dạy tôi nên người, trong cái khoảnh khắc buồn thảm nhất của thời niên thiếu...
Sau này, tôi biết ông là một giáo sư nổi tiếng, thầy dạy ông thứ trưởng Bộ giáo dục đã về giải quyết vụ kỷ luật oan ức của tôi. Khi tôi học xong chương trình phổ thông, sang Hà Nội tìm ông, người ta báo cho tôi biết ông đang họp tại Mát-xcơ-va, do Viện hàn lâm Liên Xô triệu tập. Tới lúc tôi tốt nghiệp đại học mỏ ở Hung-ga-ri về nước, ông đã mất. Tôi gặp ông trong nghĩa trang Văn Điển. Một ngôi mộ xanh rờn cỏ, nằm giữa những dãy dài mộ chí. Cũng tấm bia đá giản dơn ghi tên họ, ngày sinh và ngày từ biệt cuộc đời. Tôi đặt bó hồng trắng dưới tấm bia và quỳ trước mộ ông. Trong trái tim tôi, ông là ánh sáng vô cùng thanh khiết, tựa nguồn nước trong nhất trên đỉnh núi, như làn mây trắng trôi từ một rạng đông trắng êm đềm. Nước mắt tôi nhỏ lên những cánh hồng xinh xắn. Tôi ngồi trước mộ ông cho tới chiều tà, khi ông đội nón lá, cầm gậy chăn vịt bước ra bảo:
- Về đi, ông phải lùa vịt về nhà. Còn cháu, cháu hãy thắp cây đèn và mở những trang sách ra.
Tôi trở về với phòng thí nghiệm đồ sộ. Ở đó, không có hình vẽ con khủng long với những bộ xương trắng bằng thạch cao mà có rất nhiều máy phân tích hiện đại và các mẫu quặng nằm chờ trong các ngăn tủ.
Trong số những người tôi đã gặp trên đường năm ấy, có những người không bao giờ tôi còn gặp lại nữa. Ví dụ như ông y sĩ Tính, như anh Cao, anh Khiết, anh Lềnh.
Thằng bé đã ăn cắp balô của chúng tôi trên tàu tôi gặp lại trong một trại cải tạo. Tôi có người anh họ làm quản giáo trên trại đó. Tôi lên trại chơi và nhìn thấy thằng ăn cắp khi nó đang cuốc đất trồng sắn. Cố nhiên, nó không nhận ra tôi. Làm sao một thằng ăn cắp có thể nhớ được một trong số hàng trăm nạn nhân của nó?...
Tôi về thăm quê, đi chơi khắp lượt và gặp gần hết mọi người. Trước tiên là chị Bội. Bây giờ, chị là nhân viên bán thuốc. Chị tỏ ý ngượng ngùng vì chuyện cũ, xin lỗi tôi.
Tôi cười:
- Bây giờ, ta phải nhìn tất cả những chuyện đó như trò trẻ.
Chị béo xồ ra, mặt đầy tàn nhang, không còn xinh đẹp như xưa. Tôi hỏi chuyện Ly, chị nói:
- Ly không ở phố nữa. Nó xin đi công nhân mỏ nhưng thiếu cân và không đủ chiều cao nên không được nhận. Ly phải làm hợpđồng cho công trường nhà máy phân đạm Bắc Giang. Bây giờ nghe đâu nó đã được vào biên chế và chuyển sang đội bảo vệ...
Tôi đi qua nhà Ly, nhưng không gặp ông bố và bà dì ghẻ ghê gớm của nó. Trên đường, tôi gặp Đào Ca. Anh bán kẹo, suốt ngày cầm ống xóc xóc những thẻ tre gọi trẻ con tới mua;
- Kẹo kéo trắng dai, bánh bột đậu thơm ngon đây ây ây....
Mặt anh ta ngơ ngẩn, đờ đẫn. Anh đã thành ông già quá sớm.
Xít trở thành một công tử cực kỳ đẹp trai, lấy vợ sớm và khi tốt nghiệp Trường đại học y khoa thì đã có một đứa con trai ba tuổi. Sau anh chàng bỏ vợ. Gặp tôi, anh ta có ý định theo đuổi tôi nhưng tôi không mảy may rung động trước bộ mặt đẹp của anh ta. Tuy nhiên câu chuyện cũ về vụ kỷ luật giữa anh ta với tôi, tôi vẫn nhớ. Tôi xuống trường chơi. Bố Thế thân yêu của chúng tôi đã chuyển về một cơ quan tuyên huấn ở Trung Ương từ khi tôi đi học nước ngoài. Giờ, thầy Bách lên làm hiệu trưởng thay bà hiệu trưởng cũ. Khi thầy cùng tôi dạo chơi trên mảnh sân cũ, quanh hội trường lớn và bể nước, dọc theo các hành lang và qua bồn hoa trước cửa văn phòng, tôi bỗng cảm thấy thời học sinh trong trẻo và tươi sáng của tôi hiện lên tươi rói trong ký ức. Nhưng mọi vật đều như nhỏ bé hơn, dịu dàng hơn và kỳ lạ hơn. Những tán kim phượng hoe vàng cũng như những bông phượng vĩ đỏ có nhụy mà chúng tôi thường chơi chọi gà nở rung rinh trên đầu tôi. Chúng là những bông hoa của dĩ vãng. Một dĩ vãng không thể nào phai nhạt. Thầy Bách dẫn tôi thăm lớpcũ và phòng thí nghiệm. Ông già coi phòng có chiếc mũi cong cong đã về hưu. Giờ, người cai quản lại là một cô giáo dạy hóa trẻ măng, tóc cắt ngắn, cao lớn như nữ cầu thủ bóng rổ.
Ở nhà tôi, Loan trở nên đứa con chính vì tôi bận công việccứ đi biền biệt quanh năm. Bố tôi đã chuyển từ đồn Khậu Phai sang một đồn khác ở miền Tây Tổ quốc. Mẹ tôi vẫn dạy học, cô Lưu vẫn bán bánh cuốn và bánh rán. Loan hạt mít cũng dạy trường cấp hai ngay thị trấn. Vì ở gần hai mẹ, được ăn ngon nên nó cứ tròn mãi ra.
Cóc tóc đỏ đã lấy được chồng, có bốn con, không buôn chuyến mà mở quán bán bùn riêu. Ả to béo đến nỗi người ta không dám gọi là Cóc tóc đỏ như thời son rỗi mà phải gọi rất kính cẩn là bà Bún béo. Bà Bún béo nặng trên bảy mươi cân, tóc búi ngược sau gáy, hai cánh tay nung núc thịt suốt ngày đơm bún, chan riêu, thu tiền của khách. Gặp tôi nó mừng rỡ kêu:
- A, chị Bê!... Chị Bê.... Tưởng mất tăm mất tích, ai dè còn về quê cơ chứ!... ngồi xuống đây, ngồi xuống đây...
Khi tôi ngồi xuống ghế, Cóc tóc đỏ ngày xưa mở miệng nói như bắn liên thanh:
- Chị Bê biết không? Chị đi rồi, em cho lão cai Cân một vố kinh hồn. Em theo dõi được mối buôn cơm đen của lão. Đúng lúc lão định cất một mẻ vó to thì em báo công an. Lão quỷ ấy mua một con khỉ trắng thật to, nhốt vào chuồng tre đưa về Hà Nội. Tất cả các ống tre đều đục thủng, nhét đậy thuốc phiện bên trong. Công an hỏi, lão làm già quát tháo. Tới khi vạt ống tre gióng chuồng, lão mới trắng bệch mặt ra... Nửa tháng sau, người ta lại phát hiện rằng lão đã tham gia vào một vụ giết người, đoạt thuốc phiện trên Lào Cai. Bây giờ thì... – Cóc tóc đỏ giơ hai cánh tay bắt chéo nhau trước mặt, như điệu những tên cướp bị trói – lão ở trong nhà tù mà nghỉ mát....
Rồi sực nhớ ra là chưa mời tôi uống nước, Cóc kêu váng lên:
- Chị uống nước nhé!... À thôi, ăn bún riêu... Cơm tây cơm tàu mãi, về quê ăn bát bún xem có ngon không nào...
Nó quát con lấy rau ghém, nước chấm, rồi đơm bún chan riêu ép tôi ăn. Bún của Cóc tóc đỏ ngon nhưng thiếu vị cay. Ăn xong, tôi cảm ơn cô béo rồi tiếp tục đi chơi các nhà quen trong thị trấn.
Một vụ hè, tôi đưa Loan lên bản Muốn thăm ông già Mộc. Ông vẫn thân thiết và gần gũi như xưa, dường như chúng tôi chẳng có một khoảng thời gian dài xa cách. Tôi biếu ông chiếc áo khoác và chiếc mũ lông Mông Cổ. Tôi mua cho Dũng còm khẩu súng săn mới, hai nòng. Dũng đã hoàn toàn trở thành một chàng trai bản Muốn. Ước nguyện duy nhất của Dũng là xây mộ cho người mẹ quá cố đã thực hiện xong. Bây giờ, cậu ta chờ ngày lành tháng tốt để lấy vợ. Người vợ tương lại của Dũng là một cô Nùng xinh xắn học trung cấp y khoa dưới phố Lạng. Dũng còm cho chúng tôi xem ảnh cô với vẻ tự hào. Khi nào cô gái Nùng tốt nghiệp, đeo chiếc túi có chữ thập đỏ trở về trạm y tế bản Muốn thì họ sẽ làm lễ cưới. Ông già Rộc chết rồi. Người bản chôn ông tại căn nhà ngoài núi, nơi đứa con ông chết vì một viên đạn nhầm nhỡ. Ông đã cho Dũng khẩu súng săn trước lúc nằm xuống giường. Dũng còm rủ tôi và Loan lên bản Nọi thăm vợ chộng người cậu nhưng chúng tôi từ chối. Loan phải chuẩn bị bước vào năm học mới. Còn tôi, tôi cũng còn vô số công việc đợi chờ. Vả lại, trước khi về Hà Nôi, tôi cũng muốn thăm lại hòn đảo Hoa Vàng, dòng sông Xanh, mẹ con chú bé đánh cá. Hòn đảo chỉ là một gò đất rộng ước non một sào. Có lẽ xưa kia nó cũng nhỏ bé vậy thôi, nhưng trước cặp mắt thơ dại của chúng tôi nó đã biến thành một thế giới bí ẩn và quyến rũ. Cả dòng sông, con đường đê nghiêng nghiêng và dải đầm sen cũng trở nên nhỏ bé như vậy.
Tôi đi lại con đường bờ mương dẫn tới gò cây gạo, nơi tôi đã gặp ông già chăn vịt. Nơi cuộc đời mở ra trước mắt tôi làn ánh sáng rực rỡ và mãnh liệt. Nơi lần đầu tiên, tôi nhìn được chân trời và những con đường khác nhau trên mặt đất. Nơi tôi hiểu rằng, rôi sống nghĩa là phải vượt lên mọi điều rủi ro, mọi đau khổ và bất hạnh để đi tới đích của cuộc đời...
Tôi muốn một giây phút yên tĩnh, nhắm mắt lại để hồi tưởng chuyến phiêu lưu thời niên thiếu, trước khi bước lên con đường mới, con đường phía trước cuộc đời mình...
Quảng Bá 19-11-1983.
HẾT

Xem Tiếp: ----