Chương 8
VÀ NHỮNG LO TOAN KHÔNG TÍNH TRƯỚC

Ngày mai mình sẽ sống như thế nào đây? Mình sẽ trở thành cái gì? Mình sẽ làm gì…
Trên đường về, những câu hỏi quay cuồng trong óc. Dẫu sao, tôi cũng đứt ruột khi rời bỏ cái cồng trường đồ sộ, cả hai cánh lớn quay cọt kẹt trên ổ trụ và một tán phượng vĩ xanh mướt che bên trên. Dẫu sao, tôi cũng đau lòng khi nhìn từng tốp học sinh ngược tới trường. Tôi thèm muốn số phận của họ biết bao. Đứa học trò kém cỏi nhất, láo lếu nhất, đội sổ hoặc lưu ban cũng còn sung sướng gấp ngàn lần tôi bây giờ. Dẫu dốt nát và lười biếng, nó vẫn có quyền bước vào lớp, nơi ngày ngày trên tấm bảng đen diễn ra một phương trình toán mới, một phản ứng hóa học mới, một định luật vật lý mới, một bài thơ hay một bài văn mới. Đứa học trò hư hỏng nhất cũng có quyền bước vào phòng thí nghiệm, nơi trong bóng tối chúng tôi hồi hộp ngước nhìn bộ xương thạch cao hay bức tranh vẽ con khủng long thời cổ đại. Đứa học trò tồi tàn nhất cũng có quyền cầm chiếc vợt mút của tôi, đánh bóng trên chiếc bàn tôi quen từng vết nứt, hái hoa trong bồn hoa trước cửa văn phòng… Đám học sinh đông đúc và sung sướng kia tới trường. Còn tôi, tôi trở về nhà với cuốn học bạ đen kịt. Lòng tủi hổ, tôi không dám đi đường lớn tôi rẽ xuống con đường nhỏ băng qua cánh đồng.
Về phố, tôi lang thang thơ thẩn chơi ở các cửa hàng. Tôi không muốn về nhà. Từ ngày tôi tuyệt thực, mẹ tôi không đánh tôi nữa. Nhưng mẹ không nhìn tôi và nói với tôi một câu. Sự im lặng của mẹ khiến tôi cảm thấy tôi đã chết rồi. Tôi đã chết thật.
Tôi là đứa con hư, là học trò bị đuổi, tôi không xứng đáng là con cô giáo Hạnh…
Đang đứng, tôi chợt nhìn thấy một đám đông trước cửa nhà cai Cân. Chắc có chuyện gì… - Tôi nghĩ.
Ở thị trấn, hễ có sự lạ là người ta xúm lại vòng trong vòng ngoài. Trước đây mẹ tôi dặn phải lảng tránh những đám đông hiếu sự, tò mò đó. Người bây giờ, buồn chán nên tôi tới xem. Tới nơi, chưa chen chân vào đám đông được, tôi lại gặp ngay Cóc tóc đỏ. Cóc tóc đỏ là đứa con gái kém tôi một tuổi, con ông gác chợ. Vì mặt nó bị mụn, sần sùi từ nhỏ nên bố nó đặt luôn tên là Cóc. Cóc học dốt quá, nên đúp ba năm mà không lên nổi cấp hai. Ông bố liền bắt nó thôi học ở nhà giúp bố gác chợ, thu thuế đám hàng rong. Ngoài ra, nó xếp chỗ bán lấy tiền. Cửa hàng thịt, hàng mậu dịch nào Cóc cũng đặt hàng chục hòn gạch, rổ cá, nón rách, mũ mất chóp… để giữ chỗ từ tối hôm trước. Hôm sau người ta tới xếp hàng mua thực phẩm thì Cóc bán lại chỗ cho. Chỗ tốt một hào, chỗ kém hơn năm xu. Làm cái nghề kỳ quặc thế nên con bé nổi tiếng là đanh đá, láo xược. Nó sẵn sàng chửi nhau tay đôi với một bà già hoặc cởi trần đánh nhau với một thằng bé mười ba, mười bốn tuổi. Suốt ngày phơi nắng nên da Cóc đã đen lại càng giống như nhọ chảo. Tóc đỏ xác xơ như lông bò. Những mụn thịt ở mặt ngày càng dày chi chít và to thêm Cóc tóc đỏ là hình ảnh quái gở nhất mà các bà mẹ thường đem ra dọa đám con trai. Đứa nào nho nhoe, bướng bỉnh là bị cảnh cáo:
- Mày liều liệu không tao cưới con Cóc tóc đỏ cho đấy…
Các cậu con trai dù ương ngạnh mấy cũng phải nhũn như chi chi ngay.
Vậy mà đối với tôi, Cóc lại tỏ ra tử tế. Không hiểu sao, nó chuyên gọi tôi là chị, xưng em một cách ngon lành mặc dù bình thường nó cứ mày mày tao tao với đám thiếu nữ mười lăm, mười bảy. Có lần, tôi ra chợ mua thịt, Cóc sấn sổ gạt mọi người, giành chỗ tốt nhất cho tôi. Mua xong, tôi dúi vào tay Cóc năm xu và bảo:
- Cám ơn nhé.
Cóc tóc đỏ lập tức trợn mắt lên:
- Sao chị coi khinh em thế? Em với chị mà lại ngửa tay nận năm xèng hay sao?
Rồi vỗ bộp vào túi quần, nó nói:
- Em mời chị một bát tái bò, phở nhà Hoi ngon lắm…
Tôi vừa lắc đầu từ chối thì Cóc tóc đỏ đã nắm tay tôi kéo đi xềnh xệch trước những cặp mắt tò mò vì kinh ngạc của mọi người…
Bây giờ, nó đang đứng trên hè, kể cho tôi nghe vụ xung đột nhà cai Cân:
- Chị biết không? Lão cai Cân vừa đánh mụ vợ kế đấy. Hai thằng con trai lão cũng nhảy vào đánh hôi. Công an tóm lão lên đồn. Còn hai thằng ranh bị em trai bà Lưu tát tai cho đang la lối om sòm trong sân…
- Nhưng vì sao lão đánh cô Lưu chứ? Vừa cưới nhau được hơn một tháng mà!...
- Vàng, vàng… Tiền, tiền… Từ đó mà ra cả…
Cóc tóc đỏ cong môi, khua hay tay như người rao bán dầu cù là. Vẻ mặt nó hăm hở và tức tối, đúng tính cách của một đứa trẻ quá quan tâm và làm quen với đồng tiền:
- Chị hiểu không, lão cai Cân lừa mụ vợ kế ngon ơ. Hồi cưới, lão xui mụ bán nhà về ở với lão. Thu được sáu lạng vàng và một cục tiền, lão bảo vợ đem chung vốn buôn thuốc phiện với cánh Hà nội. Mụ vợ nghe ngọt nhạt gật đầu. Thế là lão tuốt về quê. Tuần sau, lão trở về bảo đã bị lừa hết. Mụ vợ phát điên rồ kêu la, lão nện liền…
Tôi đứng lặng người. Thế là Loan bắt đầu cơ cực. Nỗi lo buồn không thể đo đếm, những tai ương không thể tính trước, người xưa nói đúng thật.
Cóc tóc đỏ thấy tôi im lặng, giơ tay lên:
- Em mà như vậy ấy à?... Em sẽ róc xương lão ra cho tới khi lão trả đủ số vàng đó…
Lúc đó một bà già cao lòng khòng đứng bên kia đường gọi to:
- Con bé trời đánh kia, bố mày hét ầm cả nhà lên kia kìa…
Cóc tóc đỏ nhướng cổ đáp:
- Rõ rồi, thưa bà…
Nó chào tôi rồi biến mất. Tôi đứng suy tính hồi lâu, quay lại, tìm quán nước chè quen, vào ngồi chờ Loan đi học về. Ỏ quán nước đó cũng như mấy quán bên cạnh, đâu đâu người ta cũng xôn xao bàn tán vụ đánh lộn ở nhà cai Cân. Nhân cớ đó, người ta lục tìm quá khứ mờ ám của lão, từ những vụ mua bán lừa đảo tới việc chạy chọt xin giấy mở cửa hàng chạy nước đá bán lẻ. Tôi ngồi nghe chuyện vặt đó cho tới gần trưa Loan hạt mít mới về. Tội nghiệp, nó đi thui thủi một mình giữa những tốp học sinh vui vẻ. Ngày thường, bao giờ chúng tôi cũng cặp kè nhau như đôi cá thờn bơn. Loan bảo tôi:
- Tối nay bố Thế đến nhà đằng ấy đấy. Buổi sớm bố ở Ty giáo dục về thì đằng ấy đã đi rồi…
Tôi biết rằng bố Thế thương tôi. Nhưng tôi không muốn gặp mặt bố nữa. Vì tôi bố đã phải chống đỡ và sẽ còn gặp nhiều sự phiền hà. Tôi không thể nào nhìn gương mặt chất phác và nhân hậu của bố, khi gương mặt đó nặng trĩu những nỗi lo buồn. Tôi bảo Loan:
- Mình không về nhà đâu.
Loan chưa kịp hỏi, tôi đã nói tiếp:
- Còn đằng ấy cũng có chuyện cần phải nghĩ đấy. Ta tìm chỗ vắng rồi tớ sẽ kể lại đầu đuôi.
Nhìn vẻ mặt tôi, Loan ngoan ngoãn phục tùng. Chúng tôi chui vào một ngõ hẻm có ngôi chùa cổ để tránh đám học sinh tan trường đang tiếp tục diễu qua. Ở đó, dưới một tán bàng xanh um, tôi kể cho Loan biết vụ xung đột tại nhà cai Cân, biết mẹ Loan hiện đang nằm bệnh viện, biết tình thế của Loan hiện tại. Sau cùng, tôi bảo:
- Đằng ấy về thẳng nhà mình. Buổi chiều, mẹ mình sẽ đưa về nhà cai Cân lấy quần áo. Có đằng ấy ở với mẹ, mình sẽ yên tâm. Mà đằng ấy sẽ bớt khổ sở.
Loan im lặng. Tôi biết nó sẽ ưng thuận hoàn toàn. Lát sau, cô bạn ngước nhìn tôi, hỏi rụt rè:
- Còn Bê… Bê đi đâu?
Tôi đáp:
- Không thể cho đằng ấy biết được. Chiều nay lúc năm giờ ta sẽ gặp nhau ở bến sông, chỗ buộc thuyền của bà An Lạc. Tuyệt đối không được cho mẹ mình và bố Thế biết rằng đã gặp mình. Thôi, đứng dậy… và đi đi…
Tôi ngồi dưới gốc bàng, ôm đầu suy tính: Đi đâu bây giờ? Đi đâu? Ở thị trấn này chăng?
Các thầy cô giáo quen biết mẹ ở khắp nơi. Họ sẽ phát hiện ra tôi và đem trả ngay cho mẹ. Và mẹ lại nhìn tôi với con mắt lạnh lẽo, buồn rầu, không nói một tiếng. Chao ơi, tôi sợ những tia nhìn nghiệt ngã đó và sự im lặng hơn những roi đòn đau rát nhất từ xưa đến nay… Hay về quê?
Không, về quê xa xôi quá. Vả lại có về đó rồi mẹ tôi cũng sẽ tìm thấy ngay. Mà tai hại hơn nữa, là tất cả bà con họ hàng, chị em họ, cháu họ xa gần sẽ biết tôi bị đuổi học. Xưa nay, tôi vẫn là ngọn cờ để họ biểu dương: “Cứ nhìn chị Bê con bác giáo Hạnh đấy, học sớm hai năm mà năm nào cũng đứng thứ nhất”. Hoặc: “Cứ nhìn cô Bê con bà trẻ Hạnh đấy, học cứ như thần đồng. Còn chúng mày thì chỉ là một lũ ăn hại thôi…” Đáng buồn thay, thần tượng của họ đã bị sụp đổ rồi. Tai ương và lỗi lầm đã cướp đi của tôi niềm tự hào nhất đối với tuổi niên thiếu. Đi tới đâu, bây giờ tôi cũng bị nỗi tủi nhục bao vây…
Nghĩ tới đó, nước mắt tôi chảy ròng ròng trên má tự lúc nào không biết. Tôi cúi đầu úp mặt vào hai đầu gối để mấy bà đi vào chùa khỏi nhìn thấy. Nghĩ lan man mãi, cuối cùng tôi quyết định đi tới nhà chú bé chụp cá bên kia sông.
Đồng hồ các nhà trong ngõ thong thả điểm mười hai tiếng chuông. Đám học sinh tan trường đã về tới nhà. Đường phố vắng vẻ hơn. Tôi đi rất nhanh ra bờ sông, mặt cúi gằm xuống đường để tránh những cặp mắt của người quen trong thị trấn. Bến sông vắng lặng. Làn nước lấp lánh dưới ánh nắng. Vài đám bèo Nhật bản hoa tím nổi bập bềnh trên sông và một con bói cá lẻ loi, lông xanh biếc chốc chốc lại nhào xuống cắp mồi. Tôi định bơi qua sông nhưng chợt nhớ mình đang đói bơi dễ bị chuột rút nên tôi cố gắng leo lên đồi, đi vòng qua cầu để sang bờ bên kia. Vượt qua đê, tôi tới làng chú bé chụp cá đêm. Men theo hồ sen, tôi lại tìm được nếp nhà tranh nhỏ xíu, cổng bằng rào tre, mảnh sân hẹp như chiếc chiếu xung quanh co vài bông mào gà và cúc kim chi vàng nở.
- Cau ơi Cau… Cọt ơi… Cọt…
Tôi cất tiếng gọi:
- Ai đấy, vào đi i i…
Giọng đàn bà cao vút trả lời. Rồi mẹ chú bé bước ra. Ban ngày, tôi nhìn rất rõ người đàn bà lai tàn tật. Lưng cô gù gập xuống khiến dáng người như con cua. Khuôn mặt đẹo nhưng quá nhỏ nên trông kỳ dị, đôi mắt rất to với những rạch sáng xanh lam, và những lọn tóc quăn màu hung rực rõ bao quanh mái đầu.
- A, cháu đã đến chơi hôm trước, đúng không?
Cô cất tiếng cười vui vẻ, hỏi tôi.
Tôi lúng túng cảm động vì thái độ hồ hởi của người đàn bà, khẽ đáp:
- Thưa cô, vâng ạ…
Chủ nhân quay người đi trước, miệng nói:
- Vào nhà kẻo nắng.
Tôi hỏi:
- Em Cau có nhà không cô?
Người đàn bà bước vào nhà, ngồi xuống chõng. Lấy tích rót nước vào chén cho tôi rồi mới trả lời:
- Em Cau đi học rồi. Nhưng cháu cứ ngồi chơi.
Chờ tôi bưng chén nước uống, người đàn bà lặng lẽ xuống bếp. Rồi sau đó, cô trở lại với một nồi đất đầy ngô bung đậu đen:
- Cháu uống nước rồi ăn ngô. Cô với em vừa ăn xong tức thì.
Tôi thấy những ánh mắt xanh long lanh của cô nhìn tôi trong sáng và nhân hậu quá. Dưới cái vỏ ngoài kỳ dị, tâm hồn cô dịu dàng và tinh tế. Lòng tốt của cô khiến tôi bàng hoàng. Tôi nói khẽ:
- Cháu cám ơn cô.
Người đàn bà cười:
- Ồ, có gì đâu…
Rồi cô nói lảng chuyện khác:
Chiều hôm đó tôi kể cho cô nghe tất cả những rủi ro của mình. Tôi kể một cách tự nhiên, tin cậy như tôi đã thân thiết với gia đình cô từ lâu lắm. Người đàn bà lắng nghe với vẻ cảm thông, trầm tĩnh. Sau đó cô bảo tôi:
- Tất cả rồi đâu sẽ vào đấy. Cháu cứ tin điều cô nói. Qua cơn bĩ cực, tới tuần thái lai.
Chừng non chiều, người tôi bỗng mệt rã rời. Mắt díp lại sau những ngày căng thẳng. Tôi có ý nghĩ nếu đặt lưng nằm xuống tôi sẽ ngủ mãi mãi không thể thức dậy được. Thế nhưng, tôi ngủ được tới năm rưỡi, Cau đánh thức. Chú bé gọi:
- Chị dậy ăn cơm. Cơm chín rồi.
Tôi choàng dậy. Tắt nắng rồi. Những ráng chiều màu đỏ, màu da cam chất ngất ở phía tây, trải lên mặt đất thứ ánh sáng như đồng chảy. Trong ngôi nhà tranh, mọi vật đã nhũ nhòa. Trước sau chỉ còn những bông cúc kim chỉ và những bông hoa mào gà là còn tươi sáng. Tôi sực nhớ giờ hẹn với Loan, hốt hoảng:
- Mấy giờ rồi, Cau nhỉ?
Chú bé ngửa mặt nhìn trời:
- Sắp sáu giờ.
Tôi nói:
- Thôi chết, mình phải đi ngay.
Cau túm tay tôi lại:
- Không đi đâu cả. Cơm dọn ra rồi. Ăn xong đã.
- Nhưng có việc cần, mà mình đã hẹn…
Chú bé nghiêm nghị nhìn tôi:
- Việc nào cũng phải ăn rồi mới có sức làm được.
Và mẹ chú từ trong bếp bước ra, má đỏ lựng hơi lửa, tiếp lời con:
- Cơm thương cháo thương hơn tất cả mọi người thương. Phải ăn đã, cháu ạ...
Tôi không còn cách nào hơn là ngồi xuống bên chiếc mâm gỗ đặt ngay giữa sân. Trên mâm, một đĩa rau khoai lang luộc chín tới xanh rờn đang bốc khói. Chiếc đĩa nhỏ đựng cà pháo kho với tép và ớt chỉ thiên.
Mẹ chú bé chụp cá bảo con:
- Cau múc tương chưa nhỉ?
Chú bé vội vã trả lời:
- Con múc tương bây giờ đây.
Nói đoạn, chú cầm chiếc bát sạch, ra góc sân. Ở đó, có một chiếc chum da lươn nhẵn bóng. Trên miệng chum úp cái chậu sành non. Cau thận trọng lật chiếc chậu sành lên. Xong, nó dỡ mấy lượt lá chuối khô phủ trên rồi mới tới lượt vải màn bên dưới. Cuốn tấm vải màn sang một bên, chú bé vực cái bát ăn cơm vào trong chum. Rồi khi nhấc bát tương lên, nó thè lưỡi liếm những giọt tương rớt bên dưới bát khiến cho tôi suýt bật cười. May mà tôi ghìm giữ được.
Chúng tôi ngồi ăn cơm khi trời chập choạng tối. Ánh hoàng hôn chỉ còn vương vất trên những ngọn tre cao vút và những tàn lá xoan mỏng manh, luôn luôn lay động vì gió thổi. Quanh sân, những con cóc già nghiến răng trèo trẹo nơi góc tường hoặc kẽ đất. Thỉnh thoảng, cào cào châu chấu từ đồng lúa bay vào, đá tạch vào tai tôi, vừa đau vừa ngứa. Tôi lo ngay ngáy khi nghĩ tới chuyện một chú ễnh ương hoặc nhái bén nhảy vào bát tương hay đĩa cá. Nhưng may sao, điều đó không xảy đến. Còn mẹ con chú Cau đã quen ăn cơm ngoài trời nên chẳng mảy may bận tâm. Sau này, khi đã quen, tôi cũng cảm thấy ăn cơm ngoài trời thú vị. Bầu không khí mát mẻ, thoáng đãng khiến ta ngon miệng hơn. Và phong cảnh xung quanh cũng làm cho bữa ăn đạm bạc thêm thú vị.
Ăn xong, tôi ra bến sông. Không thấy Loan hạt mít ở đó. Tôi ngồi chầu hẫu bên chiếc thuyền tôn của bà An Lạc cho tới hơn bảy giờ tối, Loan mới dò dẫm tới nơi.
Tôi chưa kịp hỏi, nó đã nhăn nhó:
- Mẹ đằng ấy không cho đi.
- Tai sao cơ?
- Cô bảo ở nhà với cô cho đỡ buồn. Sau đó tớ phải nói dối là tới nhà Yến sếu mượn bài tập vật lý mới đi nổi.
- Mẹ tớ có tìm tớ không?
- Có. Cô đi khắp lượt những nhà quen trong thị trấn.
- Rồi sao?
- Không tìm thấy, cô đoán đằng ấy về quê ngoại.
- Biết ngay mà...
Tôi lẩm bẩm, hết sức hài lòng vì mình đã tính đúng mọi nước.
Loan kể tiếp:
- Chiều, cô đưa tớ lên viện thăm mẹ rồi sang nhà cai Cân lấy quần áo.
- Mẹ đằng ấy ra sao?
- Đau lắm nhưng vẫn tỉnh. Mẹ tớ khóc nức nở, xin lỗi vì không nghe lời cô.
- Thế mẹ đằng ấy có bằng lòng cho đằng ấy ở với mẹ tớ không?
- Có. Mẹ tớ bảo khi ra viện, mẹ tớ không về nhà lão cai Cân nữa...
Hai đứa im lặng một lúc, rồi tôi hỏi Loan:
- Chiều ăn cơm với gì?
- Rau muống xào tỏi và trứng luộc.
- Còn mình, mình ăn rau lang luộc chấm tương mà cũng thấy ngon. Con người sẽ quen được mọi thứ...
Tôi nói vừa như để lên lớp cô bạn, vừa như tự bảo mình.
Loan nhìn tôi, mắt long lanh như ướt nước:
- Đằng ấy có đói không?... Này cầm lấy cho đỡ thèm.
Nó rút trong túi ra một gói kẹo đưa cho tôi. Tôi chưa kịp bóc kẹo ăn thì Loan đã thò tay vào lục trong lưng quần hồi lâu, rồi móc ra một gói giấy khác:
- Đây nữa.
Tôi cầm gói giấy, giơ lên dưới ánh sao?
- Gì thế này?
Loan nói khẽ:
- Tiền.
Tôi sửng sốt hỏi:
- Một mình đằng ấy mà dám ra đảo lấy tiền cơ à?
Loan lắc đầu:
- Không. Đây là tiền khác... Mà nhiều lắm, nhiều hơn cả kho tàng của chúng mình.
Nó nhìn quanh quẩn rồi quỳ gối, ghé sát vào tai tôi, thì thầm:
- Hai trăm cơ đấy. Toàn giấy mười đồng thôi.
Tôi sững sờ. Quả thực hai trăm lúc đó là to lắm. Cả vốn liếng hai đứa tôi dành dụm ngoài đảo cũng chỉ ngót nghét năm mươi đồng. Mà chỉ toàn giấy năm hào, một đồng mới. Chưa bao giờ chúng tôi có được một tờ năm đồng trong tay. Ngày ấy ăn quà chỉ cần ba hào là sang lắm. Ba hào một bát phở tái. Một hào ba quả chuối chín, mười hai cái kẹo bột, hoặc hai tấm bánh dẻo không nhân. Trứng gà chỉ có sáu bảy xu một quả. Còn trứng vịt to nhất cũng chỉ một hào mốt là cùng... Đó, bạn hãy cứ hình dung ra giá trị món tiền hai trăm đối với chúng tôi trong lúc vật giá như vậy.
Tôi cầm gói tiền, hỏi Loan:
- Tiền ở đâu ra? Ai cho thế?
Loan rụt tay lại:
- Không ai cho cả.
Tôi nói:
- Không ai cho thì cậu lấy ở đâu?
Thấy vẻ mặt nghiêm nghị và ngờ vực trên mặt tôi, Loan nói khe khẽ:
- Mình không làm điều gì xấu cả. Mai mình sẽ nói. Bây giờ mình phải về, không cô sẽ mắng.
Nói xong, không chờ tôi trả lời, Loan quay về phía thị trấn, đi mải miết như chạy.
Tôi giắt gói tiền vào cái túi nhỏ trong lưng quần. Tính tôi hay ăn vặt: lạc rang, hạt dẻ, thóc nếp rang hay bỏng ngô... Thế nên quần nào tôi cũng khâu một chiếc túi để tiện chứa thực phẩm. Không ngờ cái túi con bây giờ có giá trị lớn lao thế. Tôi cẩn thận sờ các đường chỉ may xung quanh, rồi lấy ghim băng cài chặt lại Về nhà Cau, tôi thấy chú bé đang chuẩn bị đồ nghề đi cá. Tôi bảo:
- Cho chị đi với nhé.
Cau lắc đầu:
- Không được. Mẹ em bảo chị đang mệt lắm, đêm nay phải nghỉ ở nhà nghỉ ngơi đã. Khi nào béo khỏe mới được đi. Sương đêm độc lắm, con gái không thể liều được đâu.
Nói xong, chú bé đưa mắt nhìn mẹ. Người đàn bà cười:
- Em Cau nói đúng đấy. Cháu không bì được với nó đâu.
Cau đưa mắt nhìn tôi kiêu hãnh như muốn nói: “Chị đã thấy chưa?”. Rồi nó cao giọng:
- Chị ấy ở ngoài phố nên thích ăn khoai hầm lắm đấy. Chốc nữa mẹ đổ trấu ủ một nồi mẹ nhé.
Người đàn bà gật đầu, trả lời với giọng nói thánh thót nhẹ nhàng như giọng thiếu nữ
- Con cứ đi đi. Mẹ nhớ rồi.
Chú bé đeo giỏ, xách chụp ra sân. Lưng lủng lẳng những hộp mồi lớn, mồi nhỏ. Tay nắm một bó cần câu nhỏ. Trông nó oai vệ như viên tướng xuất trận. Bỗng dưng tôi ao ước được như nó. Tôi ao ước mình cũng làm được một công việc gì đó hữu ích như Cau để nuôi mẹ, đem lại niềm vui sướng cho những người thân và trở thành trụ cột của gia đình...
Tôi cứ theo đuổi những ý nghĩ đó mãi cho tới khi mẹ chú bé đứng dậy để sắp nồi khoai theo lời con dặn. Tôi theo cô xuống bếp. Người đàn bà vần nồi cám lợn sang bên, bắc nồi khoai lên bếp. Những tàn lửa đỏ bắn lung tung như hoa cà hoa cải. chúng tôi đung khoai tới lúc nước sắp cạn thì ủ vào lửa trấu. Sẵn than, người đàn bà nướng thêm mấy củ khoai nhỏ cho tôi ăn trước. Tồi ngồi rủ rủ nói chuyện với cô mãi cho tới khuya mới lên giường đi ngủ. Trong giấc ngủ đầu tiên xa nhà, bao nhiêu giấc mơ ngắn ngủi và lộn xộn ập đến, giống như những câu chuyện thực xen lẫn những huyền thoại hoang đường. Tuy thế, đó cũng là một giấc ngủ ngon lành, nó đem lại cho tôi sự thăng bằng, niềm phấn khởi để bước tiếp trong những ngày tháng tới.